Sáu người, trong một căn phòng rộng rãi, ngồi quanh cái bàn lớn đầy thức ăn. Chủ nhân khao đồ biển, cua, ghẹ, sò, điệp, ốc, tôm hùm, cá dứa; khách mang đến thịt heo quay, vịt luộc, cà-ri dê, cà-ri gà. Lẽ dĩ nhiên không thể thiếu bún, bánh hỏi, bánh tráng, bánh mì. Rồi nào là nước mắm ớt tỏi, mắm nêm, xì dầu, xà lách, rau thơm, dưa leo, cà chua, khế chua, chuối chát, trái vả xắt mỏng. Bia lon Tiger sắp thành hàng, hai chai rượu chát, một trắng, một đỏ, một chai Champagne. Trên chiếc bàn nhỏ bên cạnh có chưng bình hoa hồng là mấy trái sầu riêng, mít tố nữ. Mấy chồng khăn giấy được đặt cuối bàn ăn.
Căn hộ rất rộng gồm nhiều phòng. Phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ, nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, phòng tập thể dục. Và nhiều tủ áo quần đứng lẫn trong tường, tủ gương đựng ly tách, tủ đựng rượu, tủ thuốc, tủ TV, tủ radio và những dụng cụ âm thanh, những dĩa nhạc, băng nhạc, phim ảnh. Một màn ảnh lớn để chiếu phim nằm kế phòng ngủ. Trên trần có vài mươi bóng đèn nhiều màu, có hệ thống toả hơi lạnh dẫn từ máy lạnh đặt tại góc phòng khách.
Căn hộ nằm ở tầng thứ 15 của cao ốc Kim Tơ hay Sea View 26 tầng đứng sừng sững giữa vùng Phước Tĩnh thuộc Long Hải. Ba hệ thống thang máy hiện đại chạy lên chạy xuống liên tục, chứng tỏ hầu hết các căn hộ của cao ốc đều đã có người ở. Từ Bãi Sau của Vũng Tàu, có thể thấy cao ốc đó nổi lên như con quái vật khổng lồ in hình lên nền trời sáng chói gần eo biển cong hình vòng cung.
Mùa đang vào hạ.
Thái vui vẻ và ồn ào nhất:
“Đ. m. đồ ăn nhiều quá thế này, lại hằm bà lằng, nuốt vô sao hết?”
Mọi người ham nói chuyện sôi nổi với nhau, không để ý Thái nói gì. Dường như không muốn lời nói của mình bị rơi vào chỗ trống không, Thái tiếp tục la toáng lên:
“Đ.m. sao có bún còn bánh hỏi, bánh tráng? Cà-ri dê còn thêm cà-ri gà? Lại để sầu riêng cạnh hoa hồng? Mít? Tui nói cho mọi người nghe rõ đây, đ. m., những cái mùi đó không hạp với nhau đâu.”
Tuỳ ngưng câu chuyện đang nói với Cảo, quay nhìn Thái, hơi chau mày:
“Ê, Thái! Ông nói rất có lý, nhưng sẽ có lý hơn, nếu ông làm ơn bỏ bớt hai cái tiếng chửi thề đó đi. Được không?”
“Đ. m. được sao được. Dễ gì đổi được một thói quen lâu ngày, đúng không? Nhưng, đ. m., anh em lâu ngày gặp nhau, phải chửi thề nghe mới đã.”
“Vậy tôi hỏi thiệt ... cậu đừng giận thì tôi mới nói.”
“Bạn bè sao khách sáo vậy. Mới ông đó giờ lại cậu? Có gì cứ nói thẳng, đ. m., tui sẵn sàng nghe hết.”
Mọi người nhìn nhau cười. Cái không khí thân mật, thoải mái, bao trùm căn phòng. Tùy cao hứng la lớn:
“OK, thế thì tốt. Này, trước mặt sếp của cậu, hay, xin lỗi nghe, trước ông già của cậu, cậu có dám luôn miệng đ.m., đ. m. không?”
Thái trợn mắt, vùng đứng lên, xua mạnh tay. Hai lon bia trước mặt đã khui lăn cù làm ướt một vạt khăn bàn. Anh chồm người ra phía trước, hét:
“Mày nói cái gì? Cái con c. gì? Hả, hả ...”
Phùng ngồi cạnh đứng lên ngay, vỗ nhẹ lên vai Thái, kéo Thái ngồi xuống ghế, nhỏ nhẹ:
“Thôi, thôi. Giữa anh em lâu ngày mới có được một dịp như thế này, không nên làm rách việc ... làm hỏng việc. Cũng không nên bắt bẻ nhau. Theo tui, cứ tha hồ, cứ thả giàn, ai muốn nói gì cứ nói. Thế mới vui. Thế mới nói được hết những gì muốn nói. Còn cứ uốn éo lựa lời mất công lắm.”
Cả nhóm la lên: “Đúng, đúng, OK, OK.”
Thái mặt vẫn đỏ gay, gầm gừ những gì không ai nghe rõ. Cảo, lớn tuổi nhất trong bọn, hắng giọng, chậm rãi phát biểu:
“Đúng. Phùng nói rất đúng. Gặp nhau không phải dễ. Biết có được gặp nhau lần thứ hai như thế này hay không? Coi nào, hai ông nước ngoài, một gốc Huế, một gốc Bắc; hai ông Sài Gòn; một ông Đà Nẵng; và tui nữa, cứ cho là dân Sài Gòn đi. Tất cả là sáu tên. Đủ tư cách đại diện chưa, các bạn?”
Tùy vội vàng đứng lên: “Hồi nãy tôi buột miệng nói ẩu, không ác ý. Vậy, xin lỗi, xin lỗi, ông Thái nhé.”
Thái cũng đứng lên: “Đ.m., được rồi. Đ. cần xin lỗi.”
Rồi ngồi phịch xuống còn hậm hực: “Đây đ. cần xin lỗi. Mà ông chủ nhà ơi, có gì đâu mà đại với diện. Đại diện cái khỉ mốc! Muốn nói chuyện chánh trị hả? Đ.m. dẹp nó qua một bên đi. Ở đây không có chánh chị, chánh em, cũng không được đề cập tới tôn giáo. Đụng tới hai thứ đó dễ choảng nhau lắm.”
Những tiếng ậm à biểu đồng tình xen lẫn với tiếng rì rầm như muốn phản đối. Chờ cho bớt ồn, Hưng phát biểu:
“Không răng mô, không răng mô. Mình không thuộc đảng này phái nọ, không có tên trong hội đoàn nào cả thì ...“
“Lại Việt kiều đi hỏng cẳng, nói bậy,” Thái chận. “Tại cái xứ này thì còn đảng phái nào khác nữa. Một đảng, đ.m., quá đủ rồi.”
“... thì ta vẫn có quyền có ý kiến chứ. Không làm chánh trị cũng OK đi, nhưng phải có thái độ chánh trị. Người là con vật chánh trị, thằng cha nào nói câu chí lý đó, hả quý vị? Dân mình lại ‘dị ứng’ với chánh trị cho nên trở thành những đàn cừu non.”
Lý, người Quảng Nam nãy giờ ngồi im, lên tiếng:
“Hưng đúng, trên nguyên tắc, Thái đúng trên thực tế. Thế là huề. Tùy lỡ lời và đã xin lỗi Thái, cũng huề luôn. Ngoài ra, chúng ta đây không vận động quần chúng, không ... không vô sâu trong quần chúng nó,” mọi người cười rộ, “không gì nữa hè, không nắm được ... cái gì trong quần chúng,” mọi người lại rú lên cười, “bàn chuyện chính trị lẻ tẻ với nhau, phát biểu linh tinh, lung tung, nghĩa là theo đúng cái chân lý trước sau như một, nói mà không làm, thì không bị hỏi thăm sức khoẻ đâu mà sợ. Không răng mô, không răng mô.”
Hưng vui vẻ đốp chát ngay: “Ê, chửi cha không bằng pha tiếng.”
Lý cãi: “Diễm xưa rồi, ông ơi. Pha tiếng không có nghĩa là chế nhạo. Pha tiếng là phát huy triệt để cái đa dạng của tiếng Việt vô cùng phong phú, thiệt không đó, của người mình. Nghe nó hay, nó vui, nó ngộ, ... nó thân thương. Chớ coá, sô đau. Chẻng hoạn tui Guổng Nôm, Đòa Nẽng, góc loàng Boà Réng, thích eng côm với tơm roang hơn eng với coá kho. Nghe dzui tưa khong? Hiểu khong hả Hưng? Âu cơ? Âu cơ?”
Hưng chau mày: “Hiểu thì cũng hiểu lai rai. Nhưng Âu Cơ? Tại sao Âu Cơ?”
“Tựa sô hỏa? Đừng théc méc loàm chi. Âu cơ?”
Mọi người phì cười. Hưng và Tùy, người Việt hải ngoại - Hưng gốc Huế, Tuỳ gốc Hà Nội - nhìn quanh ngơ ngác. Bốn người kia càng cười lớn. Cái căng thẳng do đó có phần dịu bớt. Cảo ôn tồn nói:
“Cám ơn bạn Lý. Nhờ mấy câu pha trò của cậu anh em vui vẻ trở lại. Cậu đã ‘táy tọa’ cái bầu không khí thân hữu...“
“Không phải,” Lý ngắt lời. “Muốn nói ‘tái tạo’ hả, thì phải nói ‘tứa tộ.’”
“... ừ thì ‘tứa tộ’. Nào, xin các bạn hãy nâng ly ... nâng lon. Ham cà khịa nhau đồ ăn nguội mất. Nào, nâng ly. Cụng. Cụng. Dzô, dzô, đớp, đớp.”
Tất cả hưởng ứng. Thái dường như vui vẻ trở lại. Sâm banh khai vị ngọt ngào, rượu chát đậm đà, bia lạnh mát cổ họng. Kẻ cuốn bánh tráng hấp tấp, vụng về, bể chỗ này, xì chỗ nọ; người lấy dao nhỏ, nỉa nhỏ nạy sò, khều ốc, đút vào miệng lia lịa; kẻ đút cả càng cua, càng ghẹ vào mồm cắn rốp rốp không sợ gãy răng mặc dù trên bàn có sẵn mấy cái kẹp càng; người vội vã gắp tôm hùm hấp chấm xốt mai-don-ne, chấm bơ nước, chấm tiêu muối nặn chanh, chưa kịp nhai đã nuốt, làm như sợ người khác tranh ăn. Lý vừa ăn vừa bô bô, “Tôm hùm ăn cái kiểu này cũng lạ miệng. Ngon. Kiểu gì vậy?” Có tiếng đáp, “Kiểu Tây, kiểu Mỹ. Chưa ai đụng tới các món bún, bánh hỏi, hoặc bánh mì...” Tùy pha trò “Xem kìa, táp táp như điên.” Rồi những tiếng gọi rối rít “Ớt trái chớ không phải tương ớt.” “Thêm mấy múi chanh và tiêu nữa.” “Tỏi tươi, đừng tỏi dầm, vô duyên.” “Nhà có giấm chớ, giấm xủ càng tốt ...” Chị người làm thiếu đường chạy hộc xì dầu. Một chàng lên tiếng, “Ê, có đàn bà, không được nói lái bậy bạ.”
Thức ăn, thức uống văng vào đùi, vào áo quần, vào tóc tai, của mình, vào người ngồi cạnh, kẻ bảo thơm, người bảo thúi, loạn xạ. Chàng Hưng thích thú nói to: “Thơm thúi cũng cùng một nghĩa như nhau. Đố các bạn nhạc ai đó?” Chả ai thèm trả lời câu đố có tính cách “văn học nghệ thuật” lãng xẹt ấy.
Thái đưa nhận xét: “Tụi mình ăn uống cái kiểu rất thô tục.”
Nhiều tiếng reo, “Thế à?” “Thế thì tuyệt quá! Đã quá!”
Thái có sắc giận: “Sao lại tuyệt, lại đã. Thô tục là đáng đề cao, thanh tao đáng hạ bệ. Đ.m. phải vậy không các ông nội?”
“Không phải,” Tùy đáp. “Nhưng thanh tao ở nơi khác. Giữa bạn thân với nhau, thô tục vui hơn, thật hơn, đã hơn.”
“Đ. m., ai bảo bạn vậy?” Thái gân cổ.
Tuỳ nhún vai: “Chả cần ai bảo. Nhưng cậu coi chừng. Không khéo tự mâu thuẫn đấy.”
Phùng: “Thôi, thôi.”
Thái ngẩn người. Mặt bỗng đỏ bừng, dằn mạnh lon bia xuống bàn. Cảo, chủ nhà, mặt cũng bắt đầu đỏ, nhưng đỏ vì rượu, đứng lên nói:
“Đồ ăn nhiều lắm, mà đã dọn ra hết đâu. Tôi bảo đừng, các bạn cứ mang thêm. Chiều, tối, ta lại tiếp tục ... gì gì hả? A, táp táp tiếp, nhé, nhé. Bây giờ thì xin anh em vào toa-lét rửa mặt, rửa tay, xong qua bàn bên.”
Một cái bàn khác hình vuông đặt gần bộ xa-lông trên đó sắp các thứ bánh ngọt, trái cây, bình trà chưa châm nước sôi, bình cà-phê nóng, ly, tách, dĩa. Một người hô to “Hồi nãy thấy có chè, vân vân, giờ đâu cả?”
Cảo đáp: “Chè hột sen, bạch quả, bánh đậu xanh, bánh da lợn, tất cả đều bỏ vô tủ lạnh cho nó lạnh, ăn mới đã. Âu cơ?”
Sáu người đến đứng bên mấy cánh cửa sổ kế nhau nhìn xuống dưới kia. Xa, biển mênh mông một màu xanh đậm tiếp giáp với màu da trời xanh nhạt. Vũng Tàu, Bãi Trước, Bãi Sau uốn mình thành hình bán nguyệt. Thuyền đánh cá lác đác. Gần, thị trấn Long Hải, bãi biển Phước Tĩnh hiện rõ mồn một, đường đi ngang dọc, cây cối chen chúc, nhà cửa san sát. Trên bãi biển người lúc nhúc đông như kiến. Hưng trầm trồ:
“Lâu ngày về nước thấy thay đổi quá. Hồi sáng thấy Vũng Tàu đã ghê gớm rồi, nay Phước Tĩnh trước kia hoang vắng, tụi tui mò tới tìm bãi vượt biên, chừ như một thành phố lớn.”
“Đúng thế,” Cảo nói. “Chốc nữa lái xe đi quanh cho biết. Tui sẽ chỉ cho thấy các bệnh viện, chợ búa, sân chơi, công viên, đủ thứ. Và cái này mới là lạ, nội trong một khu đất nhỏ mà có đến sáu trường học. Lấy học trò đâu mà xây nhiều trường đến thế.”
Mọi người lại “Ồ, ồ.” Có người lên tiếng, “Ngoài vùng tôi không thấy xây trường, chỉ xây rất nhiều nhà nửa chừng rồi bỏ đó.” Người khác nói, “Vùng tui lại cho xây trụ sở phường khóm cao sáu bảy tầng, đặt vài ba cái bàn giấy trống trơn, lèo tèo vài người đi vô đi ra ngáp vặt.”
Tuỳ góp ý: “Có lẽ ở đây hồi tháng Tư Bẩy Lăm vượt biên nhiều, biến thành nhiều khúc ruột ngoài ngàn dặm, nên gởi tiền về nhiều. Có tiền trong tay thì cứ xây, xây, xây. Xí chỗ mà. Dư giấy làm chi chẳng vẽ voi. Mà có làm mới có ăn chứ. Còn đỡ hơn ngoài quê của ông Hưng, dân đánh cá gởi tiền về xây cả cái làng mồ mả, chiếm hết một vùng của biển Thuận An. Nấp nánh nộng nẫy noè noẹt nắm nắm. Muốn đọ sức với lăng tẩm vua chúa Nhà Nguyễn chăng?”
Sau một hồi đảo mắt nhìn xuống một vùng rộng lớn dưới kia nằm gần cao ốc, Tùy lại có ý kiến:
“Các cậu coi kìa. Những dãy nhà của ai trông lạ quá.”
Không xa cao ốc này bao nhiêu, có những dãy nhà đứt quãng từ bên trong đất liền chạy ra đến bờ biển, gần rừng phi lao khá rậm rạp. Trong rừng là tụ điểm nghỉ mát, du hí, cắm trại. Mỗi dãy nhà ấy có khoảng 6, 7 gian nhà giống nhau, bằng nhau, cao khoảng 15 mét, nằm gần nhau, chừa ở giữa một lối đi nhỏ. Kiến trúc thô kệch, xấu xí, nếu không muốn nói là kỳ cục. Tường không quét vôi, mái phẳng. Không cửa lớn, không cửa sổ, mà chỉ là những lỗ trống hình chữ nhật dựng đứng để người ta có thể đi vào bên trong. Trông tựa như những pháo đài đang xây dang dở.
“Toa tài thật, mới đấy đã nhận ra những gian nhà đó ngay” Cảo lên tiếng. “Nhà Ba Tàu mua.”
“Hình như không có người ở?”
“Đúng, không thấy ai ở cả. Chẳng hiểu tụi khựa nó mua những thứ đó để làm gì mà dám trả tiền gấp hai, hai rưỡi, giá thị trường. Một cái nhà như thế chỉ độ 3 tỷ, nó trả hơn 6 tỷ.”
Tùy hỏi: “Tức là bao nhiêu đô-la?”
“Là hơn 300 ngàn đô, cứ tính 1 đô đổi được trên 20 ngàn đồng.”
Lý bàn thêm: “Nếu nối lại mấy dãy nhà đó với nhau, dễ quá mà, thì sẽ thành một vòng đai bọc kín một khu riêng biệt rộng lớn.”
“Cậu nói đúng,” Cảo tiếp lời. “Tụi nó đã có kế hoạch đó, đã nối mấy đoạn rồi. Chốc nữa tui lái xe đưa các bạn đi một vòng, sẽ thấy tụi nó còn làm nhiều chuyện ngang ngược hơn nữa. Nó chận ngang con đường ven biển, trước kia là công lộ chạy dọc theo những bãi cát thật đẹp. Và treo tấm bảng: Nguy hiểm. Khu vực cấm vào.”
Mấy người cùng la lên: “Vô lý, vô lý. Sao lại có chuyện đó được! Chủ quyền đất nước ở đâu?”
Cảo tiếp: “Ai cũng biết Tàu nó làm nhiều chuyện ngang ngược hơn nhiều. Ở Đà Nẵng, ở Nha Trang, ở Tây Nguyên, vân vân. Nhưng khuất mặt. Đằng này, mỗi lần ra đây chơi với bạn bè, thấy những dãy nhà đó, tui muốn lộn ruột.”
Thái cau mặt: “Chuyện chưa đâu vào đâu mà đã, đ.m., rối loạn cả lên. Như vậy, xin lỗi, dễ bị hố lắm. Coi thằng Phùng kia kìa, nó bình chân như vại, chẳng thèm nói năng, la ó gì cả.”
Phùng tựa tay trên thành cửa sổ, im lặng nhìn xa, mặt buồn buồn.
Lý nói đùa: “Ê Phùng, nhớ vợ hả?”
Thái la lớn: “Đ.m. trật rồi. Tôi thân với nó, tôi biết. Nó đã có vợ đâu mà nhớ.“
Lý la lớn hơn, làm không khí trở nên náo nhiệt thêm: “Thì nhớ bồ. Càng nhớ nhiều. Đúng tim đen cậu chưa, nói thiệt đi.”
Phùng cười gượng: “Chả có nhớ ai cả. Cái gì có mà mất đi mới nhớ tiếc chứ. Hoặc vắng mặt mới nhớ chứ. Đằng này nó đang nằm sờ sờ ra đấy thì còn nhớ gì nữa.”
“Nói chi rứa?” Hưng hỏi. “Nói gì vậy? Cái gì là cái gì đang còn nằm sờ sờ?”
Phùng lạnh lùng: “Chả có cái gì cả.”
Hai ba người nhao nhao phản đối, “Ê không được xé rào nghe.” “Có gì phải chia sẻ với nhau.” “Đừng làm anh em mất vui.” Họ vừa nói, vừa khui thêm bia, uống hết lon này đến lon khác. Trên chiếc bàn tròn nhỏ đặt gần đấy đã có chừng hơn vài chục lon không. “Dân ta tiêu thụ bia có hạng trên thế giới,” Cảo nói.
Phùng cười gượng, đáp: “Thôi, thôi, các anh. Các anh độc tài quá. Tui cũng phải có một chút tự do của tui, một chút riêng tư của tui.”
Lý lý sự: “Ai cũng có những thứ đó, nhưng hãy tạm thời cất kín vào tủ sắt. Bây giờ, giữa anh em với nhau, ta hãy cùng vui, hoặc cùng buồn, hoặc cùng không vui không buồn. Hay là toa giận, toa không thích, toa khinh bỉ, toa không muốn lẫn lộn với cái bọn cà chua cà chớn như bọn moa hả?”
Phùng lắc đầu: “Có gì đâu mà kết nhiều tội như vậy. Các cậu thích tranh luận, tui thích nhìn biển. Thích nhìn thuyền đánh cá.”
Thái tiếp: “Cái thằng này trước giờ vẫn vậy, các bạn đừng thèm lý tới. Đang vui bỗng xụ mặt, đang tía lia bỗng câm, là chuyện thường.”
“Còn mày thì ba hoa chích choè. Luôn luôn giành nói.” Ngẫm nghĩ, “Thôi, để tui nói cho mà nghe.” Phùng giọng buồn buồn, mọi người quay mặt nhìn, chú ý. “Hồi nhỏ tui sống một mình với bà nội tại một làng ven biển. Mỗi lần thuyền đánh cá về, vô cùng thích thú...”
“Thằng cha này tình cảm, lãng mạn lắm các ông ơi,” Thái chận họng. Có tiếng phản đối, “Thì để cho người ta nói cho hết cái đã nào. Cứ đâm thọt hoài ai chịu nổi.”
“... Lâu ngày quá, hôm nay được dịp này mới thấy lại biển, thấy lại thuyền đánh cá. Nhớ hồi nhỏ quá. Nhớ thuyền về. Đoàn thuyền đánh cá ... Đoàn thuyền đánh cá ...”
Hưng bỗng như chợt nhớ:
“A, đoàn thuyền đánh cá. Tên của một bài thơ, của Huy Cận thì phải.”
“Thì đọc lên thử coi,” Thái bảo.
Hưng cúi đầu cố nhớ, miệng lẩm nhẩm, rồi hắng giọng:
“Tui nhớ hai câu này nhất: Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng / Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi! Các ông ơi, nghe tình quá hí.”
Lý chận ngang: “Tình cái con khỉ. Đểu bỏ mẹ.”
Hưng gân cổ cãi: “Sao lại đểu. Cậu mới là thằng đểu dám chê thơ Huy Cận.”
Lý cười: “Dụ người ta chui vào lưới của mình để xơi tái. Thế mà còn múa môi múa mép dẻo quẹo đoàn cá ơi, đoàn cá hỡi. Ôi Kim lang, hỡi Kim lang.”
“Kim lang là cái khỉ mốc gì?” Thái hỏi. Chẳng ai trả lời. Mọi người cười xòa, Cảo cười theo: “Bạn Lý cũng có cái lý của bạn. Nhưng hãy để bạn Phùng tiếp tục câu chuyện nhé.”
“Phải đó, cứ phá đám như vậy thì tui làm sao tiếp tục được. Thôi, thôi, để tui nói gọn: trông mấy chiếc thuyền kia, tui thấy lạ quá. Tui độ rày bết lắm. Đi làm việc xa suốt tuần, tối Thứ Bảy mới về nhà, nằm vùi. Sáng Chủ Nhật hôm sau không muốn trở dậy. 9, 10 giờ sáng cứ nghĩ còn đêm. Mở mắt ra, thấy cái gì cũng tối hù, cố dỗ tiếp giấc ngủ. Muốn nhịn đói đến sáng ngày Thứ Hai ăn luôn thể. Gặp các bạn hôm nay, vui mừng lắm chứ, nhưng ... nhưng ... tui không biết nói gì đây ...Tự nhiên trông nó ...”
Thái lại nói chen: “Phùng ơi, mày nói lung tung rồi. Trở lại vấn đề đi. Đ.m., trông nó cái gì?”
“Trông biển, trông thuyền. Biển thì như trong đêm đen, thuyền thì như cái mền rách. Như con gà vừa bị chồn vồ vuột. Vừa bị tàu lớn đánh đuổi, cái bị chìm, cái thoát thân, chạy thục mạng về bến nằm coi lại vết thương. Rồi tui đâm hoảng, biết đâu, biết đâu ...”
Mọi người không còn cười cợt như trước nữa. Im lặng, chờ đợi. Thái, môi mấp máy muốn nói, cũng thôi, kín đáo nhìn Phùng.
Phùng tiếp: “...tôi buồn lắm. Biết đâu một ngày nào đó những chiếc thuyền ấy có chạy thoát cũng không còn bến mà về.”
Mọi người vẫn đứng lặng yên. Cuối cùng, Tùy lên tiếng:
“Đứng đây lâu mỏi chân. Mà câu chuyện khá gay go. Tôi đề nghị chúng mình trở lại trong kia, ngồi dựa ngửa vào ghế bành, chân gác lên bàn, vừa xơi trà vừa thủng thẳng hàn huyên tâm sự.”
Cảo sai chị người làm đi lấy thêm bia tại cửa hàng ngay dưới tầng trệt. Uống bia quá cỡ, người nào người nấy bụng bự lên. Tùy, Thái phụ Cảo pha trà, pha cà phê, bưng ly, dĩa, bánh, trái ra ngoài bàn.
Thái “khai pháo” trước tiên: “Tui quen thằng Phùng lâu ngày. Tui biết nó có cái kiểu mà tụi Mỹ gọi là ‘negative thinking’... Đúng rồi, bi quan, đ.m. quá bi quan, tiêu cực.”
“Tao không bi, chẳng lạc,” Phùng đáp. “Chỉ khách quan mà thôi. Cứ coi tụi nó ngang nhiên cắm cái bảng ‘nguy hiểm’ gì gì đó là đủ biết.”
“Nhưng tụi nó đây là ai?” Thái dằn giọng.
“Tụi nó đây là ‘Tàu khựa’ hay ‘Đảng ta’ thì cũng rứa thôi,” Hưng tiếp. “Phải không Phùng? Cá mè một lứa.”
“Không cá mè một lứa đâu,” Tùy phản đối. “Có tôn ty trật tự chứ. Ai là thầy ai là trò, ai là chủ, ai là tớ chứ.”
“Sao lại vội kết luận như vậy,” Thái tranh nói. “Ý ông thì Tàu làm thầy ta? Chuyện này sẽ nói sau. Bây giờ trở lại cái bảng treo kẻo bỏ quên đi mất. Có thể đó là hành động của địa phương, chớ không phải chủ trương của Nhà Nước. Một anh tép riu nào đó nhận tiền hối lộ của bọn Tàu làm bậy một cú chơi. Nếu bị phát giác thì hạ bảng xuống. Dễ mà.”
Tùy lên tiếng: “Có thể như vậy, mà cũng có thể không như vậy. Chúng ta đều là những kẻ thiếu thông tin, nói mò. Một lũ người mù sờ voi.”
“Đ.m., đừng nói ẩu. Báo chí để làm gì, truyền thanh, truyền hình để làm gì, mà bảo rằng thiếu thông tin? Ở nước ngoài về biết cái mẹ gì!”
“Cậu còn giận tớ? Báo chí, truyền thanh, truyền hình của nhà nước thì phải làm theo mệnh lệnh của nhà nhà nước. Ăn cơm chúa múa tối ngày. Chúa muốn bịp dân, thông tin phải bịp. Cho nên phải có tiếng nói độc lập mới mong tiếp cận được sự thật. Mong thôi, chưa chắc đã có được hoàn toàn.”
Cái không khí tưng bừng, náo nhiệt lại trở lại. Lý nhảy vào:
“Tôi đồng ý với bạn Tùy. Xin nêu ví dụ cụ thể. Ai cũng biết Lê Văn Tám là nhân vật tưởng tượng dùng để phục vụ nhu cầu tuyên truyền từ cái thời cách mạng cướp chánh quyền 1945, nghĩa là cách đây hơn 70 năm. Vậy mà cái tên Lê Văn Tám vẫn ngang nhiên đứng ngay giữa Sài Gòn: Công Viên Lê Văn Tám. Chưa hết, nhiều trường học cũng mang cái tên ấy. Thế là vô hình trung, những cái đầu thơ ngây đã sớm bị nhồi nhét điều dối trá. Nhưng cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, học trò vốn hãnh diện về cái tên trường của mình một ngày nào đó sẽ nhận ra rằng cậu bé anh hùng Lê Văn Tám chỉ là trò nói láo. Sẽ khổ tâm cho học trò trường đó biết bao. Vậy mà truyền thông nhà nước tất cả đều không đề cập gì về chuyện ấy. Tại sao vậy? Tại vì cải chính chuyện này thì phải cải chính nhiều chuyện động trời khác, bất lợi lắm. Đó là lý do thứ nhất. Lý do thứ hai, họ mong quần chúng dễ quên, nhất là những thế hệ tương lai chưa biết gì, thì cứ giấu nhẹm nó đi. Chuyện láo khoét lặp đi lặp lại nhiều lần biến thành sự thật. Cứt trâu lâu ngày biến thành bùn.”
Mọi người cười ồ, kể cả Thái. Hưng được thể bồi thêm:
“Cứt chó lâu ngày biến thành bơ, nước đái lâu ngày biến thành bia. Hình như có câu này nữa, sạch sẽ hơn. Sỏi đá lâu ngày biến thành cơm.”
Cảo lên tiếng: “Gần đúng. Nó là thế này, Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.”
Lý tranh nói: “Tui chưa nói hết. Thế này nhé, cái tên Lê Văn Tám chắc chắn sẽ bị thay thế nay mai. Là vì thế giới ngày nay đang lên án việc xúi giục con nít xông vào chỗ chết. Mà cái thằng Tám hư cấu tự thiêu xông vào kho đạn đó mới chừng trên 10 tuổi.”
Cảo nói tiếp: “Xin trở lại đề tài ban đầu, tức là chuyện cái bảng treo cấm người ta vào khu vực nguy hiểm. Ai cấm? Ba Tàu? Có lẽ không phải. Địa phương làm liều? Có lẽ cũng không phải. Có lệnh của Trung Ương chăng? Trung Ương mới có thẩm quyền quyết định đường nào cấm đi, khu vực nào cấm vào, vì đó là chủ quyền của quốc gia. Vậy thì tại sao Trung Ương làm điều ấy? Có Trung Quốc xía vô chăng? Và còn có biết bao vấn đề khác trầm trọng hơn nhiều mà tui đã nói hồi nãy. Xin nhắc lại: Bình Dương, Nha Trang, Đà Nẵng, biên giới phía bắc, Tây Nguyên, biển, đảo. Không lẽ mật ước Thành Đô là có thật như tin đồn dai dẳng suốt mấy năm nay? Không lẽ Trung Ương đang dần dần trao chủ quyền của quê hương, đất nước, cho ngoại bang?”
Vài người bực bội đứng dậy trở ra cửa sổ nhìn mông ra biển, vài người vào nhà bếp, chẳng biết vào đó để làm gì, có người kiếm thêm chút nước đá, hoặc pha thêm nước sôi vào bình trà. Lý bỗng hùng hổ:
“Đã đề cập thì phải làm cho đến bến. Xin tất cả anh em trở lại ‘bàn hội nghị’.”
Mọi người lần lượt trở lại chỗ ngồi cũ. Thái lên tiếng trước tiên:
“Tôi không hoàn toàn đồng ý với anh Cảo. Địa phương có khi hành động không cần phải theo lệnh của Trung Ương ...”
Tùy chận: “Nghĩa là trên bảo dưới không nghe?”
“Đ.m., bạn lại ví von lắc léo rồi. Tui muốn nói đối với cái gì không quan trọng thì địa phương có quyền quyết định.”
“Đúng vậy,” Hưng tiếp lời. “Nhưng nhường đất hay bán đứt đất như tại vùng Phước Tĩnh này mà không quan trọng hay sao? Nếu địa phương vẫn có thể làm không cần theo lệnh trên thì tui phải đồng ý với bạn Tùy: Trên bảo dưới không nghe. Khoan cái đã, khoan cái đã, để tui nói tiếp. Mọi sự rắc rối đều bắt nguồn từ tham nhũng. Trên ăn không lẽ bắt dưới nhịn? Dưới không ăn nhiều bằng trên thì chịu thiệt ăn ít hơn một chút cho phải phép. Ăn hết thứ này thì tìm ăn thứ khác, nào gỗ, nào sắt, nào nhôm, nào dầu hỏa, nào cà phê. Rồi rút ruột các hợp đồng, các công trình xây cất, vân vân và vân vân. Cho nên kinh tế nước nhà ngày lụn bại, nợ nần ngày càng chồng chất.”
Nhiều tiếng nói cùng một lúc, “Chuyện đó ai cũng biết rồi, nghe mãi đâm nhàm.” Có tiếng phản bác, “Nhàm cũng phải nghe. Để ghi sâu vào lòng, vào phèo, vào phổi, hòng có ngày vùng dậy diệt tham nhũng, làm cách mạng. Phải không ông chủ nhà?” Tùy cười thích thú:
“Tôi xin thừa thắng xông lên nhé. Hơi dài dòng đấy. Đây, thử xem, chẳng hạn, dưới mè nheo trên. Và cứ theo cái tuần tự từ thấp đến cao, dần dần cho đến cấp cao nhất. Rất bài bản, rất ấn tượng, rất, rất cái gì nhỉ?” Tùy nheo mày, lim dim mắt, cố tìm chữ. “Vâng, rất có hệ thống. Rằng thì là: Tui đã cung kính nộp bác tí ti mới được bác ban cho cái chức vụ này. Nhưng bác cũng thừa biết tui nghèo kiết xác. Thì đầu tiên tiền đâu? Có chi ký cho? Tay không không được chữ ký. Kính bác ký cho tui cái món gì để bù lỗ? Trên bèn trả lời: Chú xây tượng đài thật hoành tráng nhé, có làm có ăn. Hay làm đường hầm, ăn nhiều hơn? Hay xa lộ? Hay ký một hợp đồng lớn với nước ngoài? Còn chú kia, làm khu giải trí hiện đại nhất Đông Nam Á, được không? Chú nọ nữa, đứng lấp ló sau bức bình phong muốn cái gì? Xui xẻo cho chú, tôi chưa nghĩ ra công việc nào khác có tầm cỡ cả. Hay chú thử đề nghị một phát xem. Dưới như bắt được của, nói không chút ngập ngừng: Dạ thưa vâng, thưa thượng cấp, vâng, vâng. Trước khi gặp bác, tui đã suy tính từ khuya: Xin cây xanh Hà Nội ạ. Ủa, nói gì vậy? Cây xanh Hà Nội? Nghe lạ tai lắm. Có nhầm lẫn chăng? Vâng, thưa đúng thế ạ. Không sai! Không sai! Hàng chục ngàn cây cổ thụ mấy trăm năm tuổi mà toàn thuộc vào loại cho gỗ quý hiếm. Giá ngoài thị trường rất khủng. Chém treo ngành xong tức là đốn xong, còn phải vác. Nhân dân lúc nào cũng đúng: đốn thì phải vác. Còn nào là công dọn dẹp, công đi tìm khách hàng thượng đế, khách hàng là thượng đế như vẫn thường được rêu rao, công chuyên chở, công giao hàng. Rồi tiếp theo là công tìm giống mới ở tận Trung Quốc hay Liên Bang Nga, hay miền Bắc Cực xa xôi. Rồi công trồng cây non, công ngày ngày chăm sóc cho nó mau hợp với thổ ngơi nhiệt đới, cho nó mau lớn, dễ cũng vài ba mươi năm, hay năm sáu mươi năm, để có đủ bóng râm, bóng mát như xưa, cho Thủ Đô ngàn năm Thăng Long yêu dấu. Xin đảm bảo bất cứ điều gì xẩy ra đều có phương án giải quyết, xử lý sự cố không để lại hậu quả. Trên nghe mà bàng hoàng. Dưới được thể nhấn tới, sâu sát thêm: Lại nữa, đây là việc làm công ích, không cần huy động vốn, thưa thượng cấp kính mến. Vì công ích, ta chỉ có việc vô tư rút tiền từ công quỹ trang trải mọi chi phí. Nhanh chóng lắm. Tiền sẽ tuôn ra ào ào, thách ai ngăn cản nổi. Trên nghe xong ngất ngư, sững sờ, lé mắt, vừa vuốt ve vỗ về dưới, vừa ngửa mặt lên trời, cười ba tiếng, khóc ba tiếng, như tướng Tàu ngày xưa, mà than rằng: Ôi, tuyệt chiêu, tuyệt chiêu. Thật đáng đăng ký vào Ghi-Nét của hành tinh. Sực nhớ mình từng mang nặng đẻ đau ra một câu nói để đời, bèn phán tiếp: Sáng tạo đến thế là cùng!”
Ai nấy cười bò. Lý thiếu đường muốn lăn cù xuống sàn nhà. Thái khác, cau mày lớn tiếng “Ê, ê...”
“Khoan, khoan, tôi đã nói hết đâu. Đấy là tham nhũng theo hệ thống dọc. Tham nhũng từ trên xuống dưới, không chừa một ai, thì ... thì dưới sẽ có nhiều cơ hội, nhiều lý lẽ, nhiều che chở, để có thể phớt lờ lệnh trên. Đó là lẽ đương nhiên. Vì địa phương mới nắm được thực tế cụ thể, lại đầy ‘sáng tạo’, trung ương bắt buộc phải nghe theo. Mà nghe theo thì lợi hơn, thì được ăn theo, và tuy ăn theo lại ăn cục bự hơn. Cái vụ Tàu khựa chiếm cứ một vùng bờ biển tại đây không chừng là do dưới tự tung tự tác, trên hùa. Đấy là dọc. Hệ thống ngang càng có vấn đề hơn. Khi thì hợp đồng với nhau, bảo vệ nhau, để tha hồ đục khoét, đớp hít. Khi thì, vì miếng ăn to nhỏ không đều, coi nhau như kẻ thù, xâu xé nhau, lén lút hoặc công khai tố cáo nhau, thậm chí giết nhau không gớm tay ...”
Thái như không nén giận được nữa, nói như hét: “Đ.m., cậu căn cứ vào đâu mà xổ ra từng tràng như vậy? Thúi lắm. Căn cứ vào đâu vậy hả?”
Tuỳ quắc mắt: “Chả căn cứ vào đâu cả. Vui miệng nói chơi. Được không?”
Hưng can: “Thái ơi, ông không thấy Tuỳ nó cố nghĩ cho ra một kịch bản đùa chơi cho vui mà. Tuy nhiên, lấy công tâm mà nói, một khi truyền thông không trung thực, nghĩa là chỉ truyền thông theo mệnh lệnh của chánh quyền độc tài, bưng bít những thông tin khác, thì người dân làm sao tin được chánh quyền. Đã không tin, thì tha hồ phỏng đoán, tưởng tượng. Chắc chắn có những suy diễn khác, có những kịch bản khác, còn bất lợi cho chánh quyền nhiều hơn nữa.”
Lý cãi: “Chánh quyền này cần gì dân tin hay không. Cứ nín im thin thít ngậm miệng ăn tiền là thượng sách.”
Hưng vội tiếp: “Chưa chắc đó là thượng sách về lâu về dài. Nhưng tui chưa nói hết ý. Còn điều này nữa. Có thông tin trung thực, có tự do ngôn luận, thì người dân mới đỡ bị áp bức, bóc lột. Quyền làm người mới được tôn trọng, một nền dân chủ thật sự mới có cơ may thành hình. Lấy chuyện vừa xẩy ra ở Nam Hàn. Tổng thống tham nhũng bị phát giác, truyền thông nhảy vào, dân biểu tình, tổng thống vào tù. Trong khi đó ở nước ta th sao?” Hưng ngập ngừng trong giây lát, nói tiếp. “ Đa đảng, phải có đa đảng để kiềm chế nhau khỏi làm bậy.”
Lý vui vẻ: “Cậu lại mở rộng vấn đề thì nói bao giờ cho hết. Tạm gác nó qua một bên đi, hãy đổi đề tài. Nãy giờ ta quên hỏi han gia đình của nhau. Nào công việc làm ăn, nào chuyện học hành của con cái, nào dự tính cho tương lai, vân vân.”
“Bạn Lý! Đúng như cái tên của bạn, bao giờ bạn cũng có lý.” Cảo nói. “Đổi đề tài nhé! Đồng ý cả chứ?”
Những tiếng “OK, OK” nổi lên cùng một loạt. Lý nói to: “Âu cơ, âu cơ.” Thái nhanh nhẩu:
“Tôi xin xung phong thành thật khai báo trước. Vợ chồng tôi sắp đi Mỹ. Vài hôm nữa chúng tôi về Cần Thơ thăm quê, rồi lên đường.”
“Du lịch trong bao lâu?” Tùy hỏi.
“Ở luôn.” Thái đáp. Vài tiếng “Ồ, Ồ,” tỏ vẻ ngạc nhiên. Phùng giải thích:
“Thằng Thái biết anh em ở đây ai cũng ghét chánh quyền, sẽ đua nhau hài tội, nên nó muốn đóng vai phản biện. Cho vấn đề được nhìn từ nhiều mặt. Phải không Thái?”
“Đ.m., chẳng đóng vai cái mẹ gì cả. Gì mà trịnh trọng dữ vậy. Xin khai tiếp. Chúng tôi chỉ có một đứa con gái cho theo cậu nó vượt biên hồi 1989, nay sống tại Houston, Texas. Ở đó có khá nhiều người Việt. May nó chịu khó học hành. Nay nó là dược sỹ làm việc cho VA thuộc Bộ Quốc Phòng Mỹ. Đ.m., chờ nó bảo lãnh đến dài cổ nay mới được đi. VA, chỗ nó làm, hình như có liên quan đến Cựu Chiến Binh. Hai bạn Hưng và Tùy, người sẽ trở lại Pháp, người trở lại Úc, nay mai, khỏi nói. Thế còn anh Lý, anh Cảo?”
Lý bỗng dưng xụ mặt, nhìn Cảo như muốn bảo Cảo nói thay giùm mình. Thái nhắc:
“Kìa, bạn Lý. Tới phiên cậu đó. Tiếp theo là ông Cảo. Và Phùng là thằng cuối cùng.”
Lý chậm rãi: “Tui chán chế độ này lắm rồi, nhưng biết làm sao. Tui trọc, chẳng có ai thân thích ở nước ngoài. Thì ... thì ... tới đâu hay đấy. Còn anh Cảo? Cơ sở làm ăn lớn, quen biết nhiều, nhà cửa mấy cái, bình chân như vại, phải không?”
“Nhà ở Sài Gòn tui cho ông anh đứng tên. Cái căn hộ này thì mua đi bán lại dễ lắm, và chắc chắn có lời. Có hai xe hơi Hàn Quốc, bây giờ gọi theo tiếng bắc là ô-tô. Tôi không thích xe Nhật, nó bền quá. Không lẽ nó không hư lại mang đi bán đổ bán tháo. Xe Hàn Quốc rẻ hơn, xài vài ba năm thay chiếc mới, có thế mới theo kịp những kỹ thuật hiện đại, nghĩa là xe có nhiểu phụ tùng, chức năng mới. Công ty của tôi có chi nhánh ở Thái Lan. Có bề gì tôi sẽ, tôi sẽ ...”
Không kìm được, Thái hỏi dồn: “Ủa, anh cũng tính chuyện dzọt sao?”
Cảo trầm ngâm một chốc, đáp: “Chắc anh em hiểu rằng tui luôn luôn sợ nước mất vào tay bọn Tàu. Nếu cái đại họa đó xẩy ra, thì xoay xở ra sao? Chạy đi đâu? Về đâu? Thật ra tôi cũng có thể tìm được cách đi Mỹ. Nhưng tui thích qua Thái Lan hơn. Có chi nhánh ở đó. Hơn nữa nó gần. Và chờ.”
Phùng ngồi yên, chăm chú nghe mọi người nói. Thái nhắc:
“Ê, ê. Phùng ơi. Còn mày nữa là người cuối cùng. Đi đâu? Về đâu?”
“Không đi đâu cả.”
“Nghĩa là ông thoả hiệp, thỏa mãn ...” Lý thắc mắc.
“Cũng không phải,” Phùng ngắt lời. “Thỏa hiệp sao nổi ông ơi. Nhưng tui sống chết nơi này. Tui ngày đêm mong có thay đổi, thay đổi không đổ máu. Người mình giết nhau quá nhiều rồi, đừng đổ máu thêm nữa. Còn tụi Tàu hả? Tui không có gia đình, không vướng bận gì cả. Chết ngay bây giờ hay vài ba năm nữa mới chết, có khác gì nhau.”
Thái cau có: “Tại sao tự nhiên nhắc đến chuyện chết chóc? Lạc đề rồi. Mày luôn luôn hoang tưởng.”
“Không hoang tưởng! Tao muốn nói nếu Tàu xâm lăng, tao sẽ vào bộ đội chống lại. Trong chiến tranh, sống chết gắn liền nhau. Còn nếu chánh quyền ngã theo Tàu, bán nước cho Tàu, như người ta đồn đại, tao sẽ gia nhập những tổ chức kháng chiến. Chắc chắn đã có những tổ chức ấy, ngay từ bây giờ.”
Thái ỡm ờ: “Tàu qua kệ nó. Sau một thời gian chúng nó sẽ biến thành người Việt như đã từng xảy ra trong lịch sử lâu dài của ta.”
“Tao không tin như vậy. Trước khác, nay khác. Trước người thưa, đất rộng. Nay chúng nó bị nạn nhân mãn, đông như kiến cỏ. Để chúng nó qua, sẽ chiếm đa số. Như đã xẩy ra ở Tân Cương, và nay mai, Tây Tạng. Hơn nữa, xưa kia Tàu trốn qua ta chống lại Tàu trong nước, tao muốn nói Tàu Minh Hương chống lại Tàu Mãn Thanh. Chống không nổi lâu ngày biến thành người Việt Nam mình. Nay Tàu trong Tàu ngoài là một. Chúng đã có kế hoạch thôn tính, mưu mô với nhau, yểm trợ nhau, sức mấy bị ta đồng hóa. Ngược lại mới đúng.”
Hưng gật đầu: “Tui cũng nghĩ như Phùng. Nhưng còn điểm này: Ta ít người, ít đất, nhưng ta khôn ngoan, mưu lược.”
Phùng lặng lẽ đáp: “Hình như nước Tàu từ xa xưa đã từng đẻ ra những nhà quân sự thiên tài, tiếng tăm còn vang lừng cho đến bây giờ.”
Thái đứng lên giành nói: “Tức là theo mày, trước sau gì mình cũng bị xóa sổ trên bản đồ thế giới?”
“Tao sợ là như vậy.”
“Một lần tao đi xe lửa tàu suốt ra Miền Trung nằm ngửa mặt nhìn lên tình cờ thấy có dòng chữ sơn màu trắng ngay trên tấm váng của giường trên: ‘Người ta có nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn để quay về’. Như thế có nghĩa người mình gắn bó với quê hương ...”
Lý bẻ: “Người viết câu đó có thể làm theo lệnh của cấp trên. Và cấp trên có thể bịa ra câu nói ấy nhưng trong lòng thì nghĩ khác. Chẳng qua là để tuyên truyền mà thôi.”
Phùng nói tiếp: “Đa nghi như bạn Lý cũng phải. Bây giờ còn ai tin tưởng vào những khẩu hiệu tuyên truyền nữa. Nhưng vẫn còn chút hy vọng. Bàn cờ quốc tế biết đâu có thể xoay chuyển. Và yếu tố này cũng rất quan trọng: người mình có lòng yêu nước, và tinh thần bất khuất. Tuy nhiên, ta mà thiếu cảnh giác buông tay ra, chúng sẽ nhào vào ngay. Rồi chúng sẽ điều bộ đội ta đi canh giữ những vùng xa xôi của nước chúng nó. Cái kiểu đi đày. Thường dân thì sẽ trở thành dân tộc thiểu số, sẽ bị chúng đuổi lên núi mà ở. Giả dụ có người tự nguyện làm đầy tớ cho chúng tại những vùng đồng bằng, châu thổ béo bở, chúng cũng không chấp thuận. Để tránh hậu hoạn.”
“Đ.m., giả dụ cái con khỉ,” Thái nổi cáu. “Chỉ một mình mày tự nguyện làm đầy tớ, làm nô lệ, nên mới tưởng tượng ra những cái cảnh tượng quái gở như vậy.”
Phùng buồn rầu đáp: “Mày nói đúng. Tao đang muốn làm nô lệ đây. Tao muốn cả nước làm nô lệ cho bất cứ nước nào trên thế giới. Kể cả nô lệ cho Cam Pu Chia, hoặc Lào. Hoặc nô lệ cho Cồng Gô cũng được. Trừ Tàu.”
Mọi người lại im lặng. Lâu. Lý vói tay lấy cái bình thủy châm thêm nước sôi vào bình trà đã nguội, Tuỳ đứng dậy đi tới, đi lui, ngắm mấy bức tranh tĩnh vật treo trên tường, Thái thì lại ngồi xuống nghế cau có lầm bầm những gì không ai rõ, và Hưng đến bắt tay với Phùng, hai người thì thầm chuyện trò. Trong khi đó Cảo lại bước tới cửa sổ, chẳng biết làm gì, móc túi lấy khăn tay chùi nhẹ vào những tấm kính đã sạch bóng không có một hạt bụi, rồi nhìn ra xa. Biển mù mịt, thuyền đánh cá biến đi đâu mất. Trời mùa hè đang chuyển mưa đột ngột. Mấy cánh chim đen ngả nghiêng lúc ẩn, lúc hiện trong mây xám.
6/2017
Ngự Thuyết
------------------------
Tiểu sử tác giả:
Ngự Thuyết tên thật là Tôn Thất Ngự. Sinh ngày 6 tháng 9 năm 1935 tại Huế.
Quê quán: Làng Nam Phổ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế. Trưởng thành, sống ở Sài Gòn.
Học tại Đà Lạt, Huế, Sài Gòn. Nhập ngũ theo lệnh động viên, dạy học tại Trường Sinh Ngữ Quân Đội, biệt phái làm việc cho Công Ty Dầu Hỏa Esso, Sài Gòn.
Dạy học tại Trường Cao Đẳng Sư Phạm Sài Gòn và các Trung Tâm Sinh Ngữ khác.
Tù cải tạo sau biến cố 1975.
Ông Định cư tại Hoa Kỳ cuối năm 1990, và bắt đầu viết, cộng tác tứ đó với các tạp chí Văn Học, Văn, Thế Kỷ 21, Chủ Đề ... và các báo mạng Tiền Vệ, Diễn Đàn Thế Kỷ, Da Màu.
(theo: http://phannguyenartist.blogspot.it/2016/07/ngu-thuyet.html)