có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Bảy, tháng 8 05, 2017

Những nơi nguy hiểm chết người nhất trên Trái Đất


Một trận vòi rồng tại Hạt Ellis, Oklahoma 

Hầu hết chúng ta đều từng bị tác động bởi thời tiết, chẳng hạn bị ướt như chuột lột trong mưa bão, hoặc cháy da cháy thịt dưới ánh mặt trời.
Nhưng có những nơi trên thế giới, Mẹ Trái Đất thực sự tạo ra như những nơi nguy hiểm chết người. Với những cơn bão nguy hiểm, núi lửa phun trào, ở nơi này các mối đe dọa luôn hiện hữu.

Nhưng trong tất cả những vùng đáng sợ trên Trái Đất, đâu là nơi nguy hiểm chết người nhất?

Chúng ta có thể chia tách thành bốn yếu tố để 'điểm danh' những khu vực đáng sợ nhất.


Nước

Nước rõ ràng là nguy hiểm cho con người, vì chúng ta rất khó thích nghi với môi trường nước. Tuy con người có thể điều khiển tàu bè, nhưng Tổ chức Hàng hải Quốc tế vẫn thống kê có đến 1.051 người chết trên biển vào năm 2012, trong đó chỉ một số ít trong số đó chết vì sóng biển.

Một số vùng biển nguy hiểm hơn một số vùng khác do tính chất địa lý độc đáo tăng cường sức mạnh của nước hơn nữa.

Vũng xoáy Salstraumen ở Na Uy
Nguồn hình ảnh: Cephas Picture Library/Alamy

Eo biển Saltstraumen ở Na Uy nổi tiếng vì có dòng biển mạnh đáng sợ nhất trên Trái Đất. Tuy nhiên, dù có những xoáy nước mạnh nhất thế giới nhưng nơi đây đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, vì thế du khách có thể đi qua xoáy nước trên một chiếc tàu bơm hơi với một thuyền trưởng am tường và biết cách xử lý tình huống.

Có lẽ trên các vùng đất khô ráo, nước là một thế lực mạnh mẽ hơn mà con người phải đối phó. Với những nhóm cư dân sống sát biển, nước biển tràn bờ là điều cực kỳ nguy hiểm. Maldives là một nhóm các hòn đảo có vị trí thấp và các đảo san hô trên Ấn Độ Dương, thường được gọi là "những hòn đảo tạm thời" vì chúng quá dễ bị ảnh hưởng khi nước biển dâng cao. Mối đe dọa tăng cao mỗi năm vì biến đổi khí hậu.

Sự nguy hiểm lên đến đỉnh điểm khi nước biển thình lình dâng cao, trong mùa sóng thần hoặc các đợt bão lớn.

Sóng thần là sự dịch chuyển tức thời của nước tạo ra những cột sóng khổng lồ, hay hàng loạt các đợt sóng, và gây ra hậu quả tàn phá nặng nề.

Theo Cơ quan Dự báo Thời tiết Quốc gia Hoa Kỳ, hầu hết các cơn sóng thần xảy ra ở Thái Bình Dương, chiếm khoảng 71%. Tuy nhiên, các trận động đất có thể gây sóng thần ở bất kỳ vùng biển nào, theo Thorkild Aarup, người đứng đầu Bộ phận Theo dõi Sóng Thần thuộc Ủy ban Đại dương học liên Chính phủ của UNESCO.

Giờ đây đã có những hệ thống cảnh báo và giảm nhẹ tác hại của sóng thần trên toàn cầu để bảo vệ con người khỏi những hiện tượng đe dọa sự sống đó. Nhưng ở một số nơi, thời gian cảnh báo chỉ sớm hơn chừng 20 phút, cho nên sóng thần vẫn có thể gây ra thiệt hại nhân mạng rất nhiều.

Năm 2004, cơn sóng thần có sức tàn phá khủng khiếp nhất trong lịch sử hiện đại đã khiến 280.000 người ở 15 quốc gia thiệt mạng, sau khi có một động đất ở ngoài khơi đảo Sumatra của Indonesia. Số lượng người chết quá nhiều đến mức khó có thể thống kê được. Ngoài ra số lượng người đã mất tích trên các con sông bị lũ quét còn nhiều hơn.

Trận lũ lụt mùa hè ở sông Trường Giang ở Trung Quốc hồi năm 1931 được cho là đã cướp đi sinh mạng hàng triệu người, mặc dù các con số chính thức đã giảm nhẹ bớt con số thương vong. Năm đó, tuyết rơi dày đặc và theo sau là những cơn mưa dai dẳng làm tuyết tan đã gây ra một thảm họa thiên nhiên kinh hoàng nhất từng được ghi nhận.

Ngày nay hàng tỷ người vẫn sống trên những đồng bằng ngập lụt cạnh con sông lớn nhất này của Trung Quốc và gây ra nhiều quan ngại khi bối cảnh thời tiết đang dần thay đổi.


Không khí

Một số các "hồ nước chết người" đã được phát hiện ở Châu Phi, nhưng ở đó nước không phải là mối lo ngại chính.

Hồ Nyos ở Cameroon và Hồ Kivu ở biên giới Cộng hòa Dân chủ Congo và Rwanda, cùng tiềm ẩn những nguy hiểm vô hình. Các hồ này nằm trong khu vực có núi lửa hoạt động, nơi có khí CO2 thoát ra từ dưới mặt đất.

Hồ Nyos ở Cameroon
Nguồn hình ảnh JBDodane/Alamy

Trong một đợt "phun trào nước ngọt", khí CO2 tràn từ dưới đáy hồ lên tạo thành một đám mây. Vì khí này nặng hơn không khí, chúng sẽ tụ xuống dưới, đẩy khí oxy đi và tiêu diệt bất cứ sự sống nào trong khu vực. Sau hai đợt phun trào CO2 vào thập niên 1980 làm chết 1.700 người và 3.500 con gia súc ở Cameroon, các chuyên gia nghĩ ra nhiều phương pháp để thường xuyên giảm khí gas trong các hồ này theo cách an toàn, bằng cách sử dụng các ống dẫn và phương pháp bình thông nhau.

Một thảm họa tiềm ẩn đã xuất hiện ở Hồ Kivu, nơi có khí methane thoát ra từ dưới lòng đất. Một dự án tận dụng khí gas thoát ra từ hồ để làm chất đốt đã được thiết lập và đem lại điện năng cho hàng triệu người sử dụng.

Nhưng không chỉ có các loại khí mới gây chết người. Ngay cả không khí bình thường cũng có thể gây ra thảm họa chết người khi các cơn gió trở nên hung dữ.

Chụp lại hình ảnh, Nguồn hình ảnh Alamy

Một trận bão tuyết ở Cape Denison, phía đông Nam Cực, khoảng năm 1912

Theo chu kỳ trung bình diễn ra hàng năm, mũi Denison ở Nam Cực là một trong những nơi gió thổi dữ dội nhất trên Trái Đất. Không có gì đáng ngạc nhiên, nơi đây không có người ở.

Tuy nhiên, các đợt bão theo mùa gây ra sự tàn phá tại những khu vực đông người sinh sống nhất trên thế giới.

Các cơn bão mạnh nhất thường được hình thành ở vùng biển nóng phía bắc và nam đường xích đạo. Tại đây, gió mậu dịch được gia tăng sức mạnh bởi sự thay đổi áp lực và bị xoáy lên theo hiệu ứng Coriolis, tạo ra hệ thống thời tiết xoay chuyển thường được gọi là bão nhiệt đới, lốc xoáy và bão.

Khi các cơn bão như vậy xảy ra, Haiti được coi là hòn đảo dễ bị tổn thương nhất ở vùng biển Carribean. Không chỉ vì nó nằm trên đường đi của bão, mà còn vì quốc gia nghèo khổ này không có khả năng chịu bão. Nhà cửa được xây dựng trên những đồng bằng ngập nước, lực lượng phòng vệ tự nhiên như rừng rậm đã bị giảm sút và nền kinh tế không đủ ổn định để chi tiền cho công tác phòng chống lũ lụt và hệ thống cảnh báo.

Điều này cho thấy không hẳn những cơn bão dữ dội nhất mới gây nguy hiểm chết người ở mức độ cao nhất.

Jorn Birkmann là chuyên gia về rủi ro từ thảm họa tự nhiên tại Đại học Stuttgart, Đức. Ông nói các cơn lốc xoáy nguy hiểm vì rất khó dự báo chúng.

"Có một điều quan trọng cần phải đề cập đến là hầu hết đường đi của lốc xoáy sẽ làm thay đổi hình dạng không gian của chúng," ông nói. "Điều đó có nghĩa là rất nhiều lốc xoáy xảy ra ra ở các khu vực chưa từng hoặc rất ít khi xảy ra lốc xoáy trước đó. Những vùng này có nguy cơ cao, vì mọi người và cộng đồng ở đây thường không có [hoặc có rất ít] kiến thức để chuẩn bị trước lốc xoáy."

Birkmann là thành viên trong một nhóm tổng hợp Báo cáo Nguy cơ Toàn cầu hàng năm cho Đại học Liên hiệp Quốc xuất bản. Báo cáo này cho thấy các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thảm họa tự nhiên, xem xét trên cả hai khía cạnh khả năng bị tác động và hồi phục, với mục đich tập trung những nỗ lực toàn cầu vào việc bảo vệ những nơi này.

Trong năm 2016, Vanuatu đứng đầu danh sách này. Hơn 1/3 cư dân đảo quốc bị tác động bởi thảm họa tự nhiên mỗi năm. Vào năm 2015, một cơn động đất, một trận phun trào núi lửa và trận lốc xoáy Pam dữ dội đã liên tục ập xuống hòn đảo này trong thời gian chỉ vài tuần, khiến 11 người chết.

Tỷ lệ chết khá thấp này là minh cứng cho nỗ lực toàn cầu trong việc bảo vệ con người khỏi thảm họa tự nhiên: có hệ thống cơ sở vật chất được cải thiện để bảo vệ người trong bão, và có những nỗ lực cứu trợ tốt hơn sau bão. Để so sánh, trong cơn lốc xoáy tồi tệ nhất xảy ra vào tháng 11/1970, khi Bangladesh bị bão Bhola tấn công, đã có tới khoảng 500.000 người thiệt mạng.

Chụp lại hình ảnh, Nguồn hình ảnh Alamy

Thường được mô tả là "nơi tàn bạo nhất Trái Đất", Lòng Chảo Danakil ở Ethiopia là nơi gặp nhau của ba mảng kiến tạo


Đất

Nếu như có một thứ có thể đem những nơi nguy hiểm chết người nhất thế giới gom lại làm một, thì đó là hoạt động kiến tạo địa chất.

Vỏ Trái Đất được tạo thành từ những mảng kiến tạo, và khi chúng di chuyển thì chúng tạo ra những nguồn năng lượng tiềm ẩn. Khi năng lượng này được giải phóng, mặt đất nứt ra và sóng địa chấn phát ra, làm rung lắc bề mặt Trái Đất trong những đợt chấn động nặng nề.

Cơn động đất chết người tồi tệ nhất từng được ghi nhận xảy ra ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc vào năm 1556, với số người chết ước tính hơn 800.000 người. Vì động đất cũng kích thích các cơn sóng thần, cho nên động đất cũng gây ra tình trạng lụt lội đáng sợ trong những thảm họa chết người nhất trên thế giới.

Khe nứt San Andreas, nơi Mảng Thái Bình Dương trượt bên cạnh mảng lục địa Bắc Mỹ, đi qua California và là một trong những ranh giới lục địa nổi tiếng nhất thế giới. Vì nó quá gần, không có gì ngạc nhiên khi Hollywood đã xây dựng một bộ phim bom tấn cùng tên. Một trận động đất lớn ở đây có thể gây ra thiệt hại đáng kể.

Nhưng một lần nữa, những vùng nghèo khổ nhất Trái Đất mới là nơi dễ bị tổn thương nhất vì động đất.

Những thành phố thường bị động đất như Los Angeles và Tokyo sử dụng những công nghệ kiến trúc hiện đại nhất để các tòa nhà có thể chống lại động đất và bảo vệ cư dân của họ. Nhưng không phải quốc gia nào dọc theo "Vành đai lửa Thái Bình Dương" cũng có khả năng đó, dù nơi đây tập trung 81% những trận động đất lớn nhất thế giới.

Theo Bản Đồ Nguy cơ Thảm họa Tự nhiên năm 2015 do các nhà phân tích nguy cơ từ công ty Verish Maplecroft thống kê, tám trong số 10 thành phố dễ bị thương vong nhất trong thảm họa tự nhiên là nằm ở Philippines, vì chúng không chỉ nằm trên vành đai lửa mà còn nằm trong vành đai bão nhiệt đới.


Lửa

Khi các đĩa kiến tạo dịch chuyển ra xa nhau, magma nóng từ dưới bề mặt Trái Đất trào lên để lấp đầy các khoảng trống.

Thường được mô tả là "nơi tàn bạo nhất Trái Đất", Lòng Chảo Danakil ở Ethiopia là nơi gặp nhau của ba mảng kiến tạo. Đây có thể là nơi hoạt động núi lửa diễn ra nhiều nhất thế giới.

Nhiệt độ trung bình là 34,4 độ C, khiến đây là một trong những vùng nóng nhất trên Trái Đất. Với lượng mưa ít ỏi và mặt đất rải rác vết nứt núi lửa, các cánh đồng thủy nhiệt và các hồ muối, cũng không có gì sai nếu bạn nghĩ không ai có thể sống sót ở đây. Nhưng những người Afar gọi nơi đây là nhà của họ.

Trong thực tế, con người có thói quen định cư ở gần những khu vực địa lý không có người ở, và những vị trí này có thể là các ngọn núi đang phát nổ với các dòng sông nham thạch. Một trong những ví dụ nổi tiếng là Pompeii, một thành phố cổ của Ý bị chôn vùi trong dung nham khi núi lửa Vesuvius phun trào. Nhưng nhiều thành phố hiện đại khác cũng có góc nhìn về các núi lửa đang hoạt động. Như thành phố Naples chỉ cách Núi lửa Vesuvius sáu dặm, và thành phố Mexico City chỉ cách Popocatépetl 43 dặm.

Theo một nghiên cứu do Mạng lưới Mô hình Núi lửa Toàn cầu xuất bản năm 2015, hơn 200.000 người đã thiệt mạng vì núi lửa phun trong 400 năm qua. Một nhóm các chuyên gia nghiên cứu quốc tế đã liệt kê các địa danh có nguy cơ phun trào núi lửa cao nhất thế giới. Indonesia đứng đầu danh sách này.

Núi lửa Kilauea ở Hawaii phun trào liên tục
Nguồn hình ảnh Istock

Núi Tambora trên Đảo Sumbawa đã trực tiếp giết hại 70.000 người vào năm 1815, dẫn đến hệ quả là một "năm không có mùa hè" trên cả bắc bán cầu. Vụ phun trào đã gây ra tác động tạm thời đến khí hậu, và điều dẫn đến hậu quả là núi lửa thậm chí còn cướp đi sinh mạng của thêm nhiều người nữa vì nạn đói và dịch bệnh.

Gần đây hơn, núi lửa Merapi gây ra cảnh tàn phá nặng nề vào năm 2010 và giết chết hơn 350 người bằng các đợt phun trào và đám mây tro bụi ngạt thở của nó. Hàng chục ngàn người đã được cứu nhờ vào hoạt động sơ tán kịp thời.

Không hẳn chỉ có nham thạch nóng chảy mới là nguy cơ chính đe dọa trong tương lai. Tại Châu u, trong năm 2003 đã có khoảng 70.000 người chết khi một đợt nóng tràn về và nhiệt độ tăng vọt. Các khu vực thành thị đặc biệt bị đe dọa nghiêm trọng, cũng như khi thành phố phát triển, các đợt nóng có thể trở thành kẻ thù tự nhiên với cơn người nhiều hơn bao giờ hết.

Các chuyên gia trong lĩnh vực giảm nhẹ thiên tai sẽ làm tất cả những gì có để bảo vệ con người.

Nhưng có thể chính thành tựu của con người, trong quá trình sinh sản và phát triển kinh tế, đã gây ra cho chúng ta nhiều vấn đề hơn bao giờ hết.


Ella Davies
BBC Earth
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Earth.