có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Tư, tháng 8 02, 2017

Mùa tang




Năm giờ sáng. Trời oi nồng. Thi thoảng tớn lên vài sợi gió lòe bịp khiến cho thân thể vốn nhướp nháp mồ hôi thêm phần khó chịu. Phượng uể oải ngồi dậy, ủ rũ như con gà say nắng, ngáp ngắn ngáp dài nói:

- Thế chó nào mà trời mãi chẳng chịu mưa ông nhỉ?

Lão Bẩu xe bi thuốc lào nhồi vào nỏ, châm lửa rít một hơi, nước điếu kêu lên òng ọc, chầm chậm nhả khói, mệt mỏi đáp:

- Cái đó mày đi mà hỏi lão trời chứ tao sao biết được!

Vùng dậy chạy lại bể vớ lấy chiếc gàu rách vục nước xối liên hồi. Phượng vuốt mặt nhìn nền trời không một gơn mây thở dài:

- Có lẽ chết chứ chẳng sống nổi với thứ thời tiết đĩ điếm này. 

- Đừng dại mồm thế chứ con trai. Lão Bẩu cười. Người ta chết còn có chúng ta đào huyệt, khâm liệm chứ tao với mày chết chả chó nào chôn đâu

- Lo quái gì, chẳng ai để tôi với lão ươn thối đâu mà sợ, cùng lắm thì thiên hạ bó cho tấm chiếu quăng mẹ ra ngoài nghĩa địa làm mồi cho lũ quạ là xong. 

Phượng xối gàu nước thứ hai mươi, cảm giác bức bối giảm phần nào. Ném toẹt chiếc gàu xuống đất, quay lại chỗ chiếc giường, để nguyên quần ướt ngồi chống cằm nhìn ra con đường trước mặt. Mọi hôm tầm giờ này mới xôn xao tiếng cười nói của đám đi buôn, nhưng hai ba hôm nay thời tiết oi bức bọn họ đã “xuất hành” từ lúc hai giờ sáng. Lão Bẩu soạn sửa lại mớ đồ nghề “phục vụ tang ma”,bàn tay gầy guộc run run, lão có cảm giác như tay lão đang chạm vào những linh hồn. Làm cái nghề này từ năm mười bốn tuổi đến nay đã hơn bốn mươi năm lão cũng không nhớ nổi mình đã tắm rửa cho bao nhiêu cái xác. Mỗi cái xác đều mang một sắc thái khác nhau trên từng khuôn mặt. Có kẻ dường như đang say sưa hưởng thụ sự sung sướng bất ngờ bị diêm vương sai người đến bắt, chết mà mắt chẳng nhắm nổi, cứ mở trừng trợn cho dù người nhà vuốt đi vuốt lại cả chục lần. Có kẻ dường như đã trả xong món nợ làm người, ra đi trong sự bình thản, trên môi phảng phất nét cười. Cũng có kẻ chau mày có mặt dường như đến chết lòng còn chưa nguôi thù oán… Nhưng đối với tất cả mọi cái chết trong khi làm công việc “hậu sự” lão Bẩu đều dành cho họ một sự thành kính như nhau, lão chăm chút từng ly từng tý.. Lão nghĩ khi còn sống tâm địa loài người và quỷ dữ chỉ cách nhau một lằn ranh mỏng manh như lá lúa, chỉ khi nhắm mắt tắt hơi con người mới trở nên đáng thương và nhỏ nhoi. Vì thế lão luôn bảo thâm tâm mình phải làm hết sức để những kẻ xấu số được mát mẻ phần xác.

Xa xa thoáng tiếng còi tàu sắp sửa rời ga. Thằng Phượng mơ màng nghĩ về những phương trời xa xôi. Dạo này hắn luôn đau đáu mơ về một ngày mai sáng lạn, hắn có thể rời bỏ cái nghề mạt hạng này, đi tìm cho bản thân một công việc tử tế, hắn sẽ đổi đời. Phượng vốn là đứa trẻ bị bỏ rơi, lão Bẩu nhặt được hắn trong nghĩa trang thành phố vào một buổi sáng mùa đông, người ta bọc hắn trong tấm vải rách đặt trên ngôi mộ mới. Sáng ấy lão Bẩu ra nghĩa trang tìm miếng đất thích hợp để đào huyệt . Trong khi đang mải mê hướng dẫn cho hai tên phu đào huyệt bỗng từ đâu vẳng đến tiếng trẻ khóc ngằn ngặt khiến lão Bẩu và hai tên đó giật bắn mình.


Lắng tai nghe ngóng một lát xác định nơi phát ra tiếng khóc, lấy can đảm lão Bẩu bước nhanh về hướng ấy, càng đến gần tiếng khóc đứa trẻ càng rõ hơn khóc. Lão Bẩu bồng đứa trẻ lên nhìn quanh, chỉ có những đợt gió u u tràn qua những hàng bia lạnh lùng. 

- Con đĩ thất đức nào ăn khoai trái mùa bây giờ không dám gánh chịu hậu quả nên đem con vứt đi, còn nước còn tát để tao đem về hỏi xem có ai thương tình cưu mang nó không. Lão Bẩu nhìn đứa trẻ ái ngại nói.

Một trong hai tên phu đào huyệt lên tiếng:

- Thôi đừng rước thêm rắc rối vào người Bẩu ạ, đời chúng ta vốn đã khốn khổ khốn nạn rồi giờ đưa đứa bé này về liệu có nuôi nổi nó không hay lại gánh thêm gánh nặng.

Tên còn lại cũng chen vào:

- Thằng này nó nói đúng đấy.

Lão Bẩu trợn mắt nhìn hai tên phu đào huyệt giận dữ gắt lên :

- Chúng ta là những kẻ dưới tận cùng đáy xã hội, phải có tình yêu thương đồng loại sâu sắc mới phải, thế mà hai người lại có thể thốt ra những lời lẽ vô tâm đến như thế là sao? Mình là người đứa bé cũng là người, cha mẹ nó nhẫn tâm bỏ rơi nó đã khốn nạn lắm rồi, bây giờ chúng ta thấy hoàn cảnh đáng thương của nó mà không ra tay cứu giúp nó thì chúng ta có xứng đáng làm người không?

Những lời của lão Bẩu khiến hai tên phu đào huyệt đỏ rần mặt, chừng như họ tự cảm thấy xấu hổ với lương tâm mình, đứng chết trân. 

- Đáng thương thay một sinh linh bé bỏng, tại sao người ta lại có thể tàn nhẫn đem vứt đi giọt máu của mình thế này cơ chứ.

Lão Bẩu đưa tay vuốt nhẹ khuôn mặt tím tái của đứa bé, những giọt nước mắt tê tái ứa ra bờ mi lão rơi xuống mảnh vải nhàu bọc đứa bé. Tiếng khóc của đứa bé như những câu hỏi đau đớn hòa vào làn sương mờ buổi sáng.


Thấm thoát đã mười lăm năm. Mỗi lần thằng Phượng hỏi về cha mẹ nó, lão Bẩu luôn tìm cách chối quanh là bố mẹ nó mắc đi làm ăn xa. Bấu víu vào những lời mơ hồ của lão nó nung nấu hi vọng một ngày không xa nó sẽ gặp bố mẹ nó nhưng nó càng chờ càng chẳng thấy bóng dáng bố mẹ trở về. Một chiều khi đang ngồi ăn cơm thằng Phượng bất ngờ hỏi:

- Cháu là con rơi phải không ông?

Miếng cơm chưa kịp nhai bỗng nghẹn đứng lại, lão Bẩu nhìn thằng nhóc, hai mắt nó vằn lên sự ấm ức, không còn trốn tránh được nữa lão đành kể sự thật cho nó nghe. 

- Chó không nhà con không cha mẹ cũng có sao đâu. Tại sao bấy lâu nay ông phải giấu diếm cháu làm gì. 

Phượng gượng cười. Nó bưng bát cơm và một miếng. Đắng ngắt. Nó nói không sao mà nước mắt nó cứ trào ra thành dòng. 

Buổi chiều hôm ấy lầm lũi trôi qua. Thằng Phượng ăn xong vác chiếc chõng ọp ẹp ra sân nằm, nghêu ngao hát. Lão Bẩu ngồi trong góc nhà, mặc bóng tối dần ăn mòn thân xác và tâm hồn. 

Từ khi biết thân phận thật của mình Phượng thay đổi cách xưng hô với lão Bẩu, và nó học luôn lối ăn nói vô thiên vô pháp của lão. Lối ăn nói mà thiên hạ gọi là “ngôn ngữ của những tay chơi với ma”. 

- Ma là những kẻ chẳng còn quan tâm gì đến nghĩa lý hay châm ngôn, mỹ từ vì thế chúng ta cũng chẳng việc quái gì phải xì ra những lời hay ý đẹp, lão Bẩu vừa thả hồn theo khói thuốc lào vừa nói, đời chẳng ai cho thêm tiền những thằng nghèo mạt hạng nói hay, chẳng ai đem vàng trát lên mồm thằng dưới đáy.


***

Phượng lật qua lật lại cái xác, mồ hôi túa đầy mặt mũi, nhỏ tong tong. Lão Bẩu ngồi nhìn, nét mặt đầy đăm chiêu. Bên ngoài tiếng người khóc kẻ nói rùm beng. Khói hương nghi ngút cộng với thời tiết oi bức như cố ý vắt kiệt chút sinh khí cuối cùng của những kẻ còn sống. Lần đầu tiên làm cái việc tắm cho người chết một mình khiến Phượng có cảm giác rờn rợn. Dù đã cố gắng kiềm chế dòng suy nghĩ nhưng tay hắn vẫn run lên thấy rõ. Lão Bẩu khẽ nói :

- Ấy nhẹ tay chứ, làm cái công việc này cũng cần nắm rõ những “quy phạm bất biến” cậu chàng ơi. Thứ nhất không phân biệt kẻ chết là người giàu sang hay nghèo khổ, kẻ quyền quý hay tên ăn mày đều phải đối xử ngang hàng. Thứ hai trong khi khâm liệm không được để nước mắt mình rơi lên xác chết. Điều này dĩ nhiên khó xảy ra nhưng không phải là không từng có, trong lúc tắm rửa cho người chết những tay làm nghề bất giác suy nghĩ mông lung rồi nước mắt trào ra lúc nào chẳng biết. Thứ ba không được tắm rửa cho xác chết qua loa, mỗi con người rời bỏ cõi trần gian ô trọc linh hồn sẽ siêu thoát đến miền vô nhiễm, vì thế đừng để họ phải mang theo những bụi bặm. Thứ tư khi khâm liệm người chết tâm phải tĩnh lòng phải sáng, nếu đang bực bội hay trong lòng đang mang niềm oán hận tuyệt đối không làm. Và thứ năm quan trọng nhất trong khi tắm rửa cho người chết không được có suy nghĩ bất chính. Dừng một lát vuốt mồ hôi, lão Bẩu tiếp. Tao nhớ có lần một tay làm nghề khâm liệm kia trong lúc tắm cho một cô gái bị chết đuối, vì cô ta quá xinh đẹp, trước thân thể nõn nà đầy khêu gợi của cô ta hắn không kiềm chế nổi đã đưa tay vuốt lên ngực cô ta, đêm đó sau khi từ đám tang trở về nửa khuya hắn gặp ác mộng, hò hét ầm ĩ, người nhà nghe tiếng chạy vào thì thấy hắn đang nằm quằn quại dưới nền nhà, một bàn tay đã bị đứt máu tuôn lênh láng. Bàn tay ấy chính là bàn tay đã sờ lên ngực cô gái.

- Thật vậy, thật vậy sao? Phượng hớt hỏang hỏi, bàn tay đang xức nước thơm cho người chết chững lại. Những lời của lão Bẩu không biết có mấy phần sự thật nhưng chúng khiến Phượng trở nên e ngại với công việc mà hắn và lão đang làm.

- Cái nghề này tưởng đơn giản những cũng lắm thứ oái oăm chứ chẳng chơi đâu. Mày thấy đó xưa nay nào có mấy ai dám làm bạn với linh hồn. 

Phượng đã xức xong dầu thơm cho xác chết, hắn vội vã mặc quần áo cho kẻ xấu số, nhanh chóng rời khỏi giường, nhúng hai bàn tay vào chậu nước ngũ vị, đồng thời lấy rượu rửa lại, lấy khăn lau tay thật khô. Thở phào nhẹ nhõm. 

- Lần đầu tiên như thế là tốt lắm rồi đấy, tao ngày xưa cũng như mày chuyên đi phụ người ta, có một lần vì tay thợ chính bị cảm bắt buộc tao phải khâm liệm, bận đó tao vừa làm vừa đái cả quần. 

Vừa nói lão Bẩu vừa nhanh tay thu dọn đồ nghề:

- Về thôi chàng trai, mọi việc còn lại là của tang chủ. 

Nhận tiền từ tay tang chủ nói qua loa dăm câu cầu mong cho linh hồn kẻ xấu số sớm siêu thoát lão Bẩu vội vàng cất bước. Hai người một già một trẻ lặng lặng trên con đường khô cong. Xa xa từ ngoài khu nghĩa trang văng vẳng tiếng loài chim báo chết… Lão Bẩu đột ngột dừng lại nhìn về phía xa nói:

- Đó là chim lợn, mỗi lần chúng xuất hiện kiểu gì cũng có kẻ từ giã sự sống, cho nên chẳng ai ưa chúng, thậm chí người ta còn tìm mọi cách trừ khử chúng, với tao tao lại đặc biệt thích chúng, đời con người sống vốn đã buồn tẻ, vui chẳng qua chỉ là vui gượng đóng kịch cho người khác xem thế thôi. Đến lúc chết bị vùi sâu dưới đất có tiếng chim bầu bạn cũng đỡ phần nào hiu quạnh. Mày nghĩ có đúng không? 

Phượng trả lời trong vô thức:

- Tôi cũng chẳng biết nữa, có lẽ do tuổi đời tôi còn quá ít nên chưa hiểu được những điều sâu xa như ông.

- Sâu xa cái con khỉ mốc. Lão Bẩu chửi thề. Tao đã nói với mày rồi, đừng dùng những từ hoa hoè hoa sói làm chó gì. 

Hai người lại tiếp tục bước, trưa mùa hè gió càng thổi càng nóng. Lão Bẩu làu bàu:

- Tao sống gần đời người chưa khi nào gặp thứ thời tiết quái đản thế này. Không khéo mùa tang năm nay bội thu hơn các mùa khác.

Phượng xốc lại đồ nghề, trong thâm tâm hắn dồn lên những dòng suy tư về ngày mai. Gió xoáy bụi tung mù mịt. Cuối chân trời từng đám mây vật mình như những người đàn bà đau đẻ…


*** 

Cuối cùng trời cũng chịu đổ mưa sau hơn tuần nóng như lửa nung. Đêm không khí dìu mát. Lão Bẩu ngồi ôm chiếc điếu cày thả hồn theo làn khói. Mấy ngày nay lão và thằng Phượng chạy hộc mật vì số người chết tăng đột biến do nắng nóng. Trước đây mỗi tháng lão khâm liệm nhiều nhất cũng chỉ tầm năm sáu mối, nhưng hơn tuần nay lão phải vác đồ nghề đi đi về về gần chục bận. Thôi thì với cái thời tiết sống không bằng chết này những kẻ bệnh tật già cả ra đi cũng đỡ khốn khổ hơn là cố gắng chịu đựng. Tuy công việc nhiều hơn nhưng trái lại thu nhập của lão lại ít hơn bình thường. Điều đó cũng không có chi là lạ. Những kẻ chết độ này đa phần là những kẻ nghèo khổ, cho nên tiền thù lao của lão chẳng là bao. Lão cũng không tỏ ý khó chịu với số tiền người ta trả cho lão. Thậm chí có nhà lão còn làm không công. Tiền tổ chức ma chay cũng đã đủ làm gia đình người ta khốn đốn thôi thì xem như làm phúc cho người ta từng nào cũng là tích đức cho mình từng đó. Càng ngẫm lão càng cảm thấy xã hội loài người thật trớ trêu. Cũng là phận làm người kẻ thì sung sướng không hết kẻ thì dư thừa khốn khổ. Đến lúc chết cũng chẳng được hưởng một cái tang ma tử tế. 

Gió khuya phe phắt. Thằng Phượng nằm trên chiếc chõng tre, khẽ trở mình, đám nan kêu lên từng tiếng khô khốc. 

- Ông ạ, tôi tính rồi, không thể sống mãi với cái nghề mạt hạng này được. 

- Cái đó thì tùy cậu thôi chàng trai ạ, tao già rồi sống rày chết mai, mày thì còn cả tương lai dài phía trước, thôi thì mày cứ làm một chuyến đi xa xem sao, biết đâu lại tìm thấy một cơ hội sống tốt đẹp hơn. 

Lão Bẩu vừa nói vừa rít thuốc lào, nước điếu kêu lên vo vo, mãi suy nghĩ lão rít hơi mạnh khiến khói thộc sâu vào buồng phổi làm lão sặc, nước mắt theo tiếng ho trào ra dàn dụa.

- Nhưng mà, Phượng ngập ngừng, tôi đi rồi ông sẽ thế nào? 

- Mày đi cứ đi suy nghĩ nhiều làm gì, trước khi nhặt được mày tao cũng sống một mình có sao đâu. 

- Trước khác giờ khác, hồi ấy ông còn trẻ bây giờ tuổi đã cao sức đã yếu lỡ may trái gió trở trời ai mà lường trước được.

- Đừng tính toàn nhiều chàng trai, hãy làm những gì mình thích, chúng ta vốn chẳng máu mủ ruột rà gì, tao cũng không thể bắt mày có trách nhiệm gì với tao. Ngày mai mày cứ lên đường đi. 

Lão Bẩu chống tay đứng dậy, cơn say thuốc lào khiến lão hơi loạng choạng, bóng lão khuất sau cánh cửa mục, Phượng ngồi dậy lặng lẽ thả hồn vào không gian đêm. Tất cả chìm vào vũng im lặng mênh mông…


***

- Thế thế, đối với phụ nữ phải nhẹ nhàng tình cảm họ mới thích, đừng quá bạo lực dễ khiến họ trở nên hung dữ đấy. Những tay hiền triết đã nói rồi “ ẩn tàng sau khuôn mặt thiên thần và sự thánh thiện của người đàn bà là hình hài của con thú dữ”. Cậu cần phải nắm rõ tâm lý đàn bà thì mới tồn tại lâu dài trong cái nghề này được. 

Mụ đàn bà phốp pháp vừa xoa đầu Phượng vừa nói. Bà tay Phượng mơn man dọc cẳng chân bà ta. Đôi mắt trũng buồn của hắn nhìn thằng vào bộ ngực căng đầy đang phập phồng mời gọi. 

- Cũng không phải dạng vừa đâu, coi kia nhìn cái mặt tưởng quê mùa ngây thơ mà ánh mắt háu đói phải biết. Mụ đàn bà nhoẻn cười. 

- Cũng bình thường thôi thưa bà, thói đời nó chó thì mình cũng phải chó, tôi vốn là thằng học hỏi nhanh lắm. Phượng nói, giọng đượm mùi khinh khỉnh.

- Ái chà bộc lộ rõ bản chất rồi nhen cưng. Mụ đàn bà cười khoái trí. Tôi bắt đầu mê cậu rồi đó. Trước nay rất nhiều tay nam trẻ đã qua tay tôi nhưng lũ chúng chỉ là phường ăn hại, có thằng mới bước vào cuộc chơi đã hùng hục như trâu chưa đến chợ đã hết mẹ nó vốn lẫn lãi khiến tôi tức anh ách, đã thế lại còn làm bộ ta đây. Có thằng thì riu ríu như mèo cúp tai, mỡ đến mồng còn giả bộ mù. Cuối cùng sau khi được tôi tỏng vào họng mớ tiền liền dong mất. Nói chung thì cái phận đàn bà thèm khát ái tình như tôi cũng khốn khổ đủ đường cậu trai ạ. Chúng tôi cũng muốn tìm thấy một tấm chân tình lắm chứ, khốn nạn thay những gã chồng chết bầm, suốt ngày chúng chỉ biết hú hí với đám đĩ non ngoài xã hội mà bỏ bê con vợ già cô đơn xó nhà. Tiền chẳng mua được chân tình là thế đó cậu.

- Tôi cóc cần chân tình . Phượng nói bàn tay hắn đã tiến dần lên chiếc eo nõng nạch mỡ của mụ đàn bà. Miễn sao không phải sống cái kiếp hèn hạ bị người đời khinh miệt là tôi mãn nguyện rồi.

- Cậu còn non xanh lắm chàng trai, bàn tay mụ đàn bà vuốt nhẹ sống lưng Phượng, cậu có sức khỏe lại điển trai nữa, thêm vào đó bản chất hoang dã chưa phai mùi trên thân thể cậu sẽ khiến cậu kiếm bội tiền, nhưng rồi đến lúc cậu sẽ hiểu sống trên đời chân tình mới là cái đáng trân trọng còn tiền bạc chẳng là cái quái gì đâu.


Phượng trườn lên thân người mụ đàn bà, bàn tay hắn trở lên tham lam, mụ đàn bà vội né cú vồ của Phượng:

- Hôm nay tôi mệt rồi, tạm cho cậu nghỉ. Tiền tôi vẫn trả đủ cho cậu.

Phượng ngồi dậy, lòng rối bời tâm sự, nửa tiếc nuối nửa nhẹ nhõm. Chính hắn cũng không hiểu hắn đang nghĩ gì. 

- Thôi chào bà, mai tôi lại đến.

Trao cho Phượng một xấp tiền mụ đàn bà chớp mắt:
- Cậu về đi. 

Chiều nắng phớt, trời lác đác mây. Tâm trí Phượng đầy u ám. Vậy là hắn đã rời xa lão Bẩu hơn nửa năm. Thành phố đời sống không hề đơn giản như hắn từng nghĩ. Chạy đôn chạy đáo tìm việc đủ nơi, hết phụ hồ sang khuân vác, làm tay sai cho tụi bảo kê nhà hàng…đồng tiền kiếm được không đủ nhét mồm. Nghe lời bày dạy của một gã “chớp” Phượng quyết định thử làm cái nghề “trai bao” qủa nhiên từ một tên quê mùa mắt toét hắn trở thành một trong những gã đàn ông được những ả đàn bà sồn sồn săn đón kịch liệt, khiến tụi trong nghề ganh tỵ. Gần hai tháng nay hắn trở thành vật sở hữu riêng của mụ Phấn, một người đàn bà hơn năm mươi nhưng thân hình vẫn còn ngùn ngụt ngọn lửa tình dục. Mụ cần tình Phượng cần tiền. Chỉ cần thế Phượng không đắn đo suy nghĩ nhiều. Có tiền hắn bắt đầu tìm đến các cuộc ăn chơi cho bõ khoảng thời gian khốn khó ngày trước. Đôi khi trong cơn say,từ các tụ điểm trở về phòng trọ hắn sực nghĩ đến lão Bẩu, về cái nghề mạt hạng mà lão đang làm nhưng chỉ soáng qua rồi tất cả bỗng trở nên trống rỗng, hắn chìm vào giấc ngủ muộn. Sáng hôm sau tỉnh dậy hắn lại tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm tương lai của hắn trên thân xác của những người đàn bà giàu có. Nhưng hôm nay những lời lẽ của mụ Phấn như những hạt mưa đột ngột rụng xuống mảnh vườn từ lâu ngập chìm trong hạn hán, khuấy động những ẩn ức tưởng đã ngủ quên dưới đáy lòng Phượng. Hình bóng lão Bẩu và căn nhà rách nát sực hiện lên trong tâm trí hắn. Hắn nợ lão một sinh mạng. Nếu không có lão nhặt hắn từ nghĩa địa có lẽ hắn đã trở thành món mồi cho lũ quạ từ độ ấy. 

Hắn sẽ từ bỏ những thói ăn chơi, từ hôm nay hắn cần tìm mọi cách moi thật nhiều tiền từ bọn đàn bà khát tình, hắn sẽ gom góp khi được một khoản đủ để thoát kiếp “thân phận chó người” hắn sẽ rời thành phố trở về đưa lão Bẩu đến một nơi xa, ở đó hắn sẽ cùng lão sống những ngày làm người thật sự. 

Có lần lão Bẩu nói:

- Phượng này, chẳng nhẽ mày không nghĩ đến việc đi tìm gốc gác của mày sao, biết đâu cha mẹ mày lại là một người giàu có?

Lần ấy Phượng chỉ cười chua chát nói:

- Tìm mà làm gì, chẳng phải ông đã nói khi nhặt được tôi thì tôi chỉ được cuốn bằng một tấm vải nhàu nhĩ hay sao, tôi nghĩ mẹ đẻ tôi có lẽ chỉ một người gái giang hồ vì không muốn vướng bận nên quẳng tôi đi cho dễ bề hành nghề.

Lão Bẩu gục gặc mái đầu bạc:

- Thì tao cứ nói thế còn tìm hay không là việc của mày, trước sau gì tao cũng ngỏm củ tỏi. 

Dứt lời lão quay đi gạt nhanh những giọt nước mắt ngậm ngùi. 

- Này ông khóc đấy à?

- Khóc quái gì đâu. Mắt ghèn tao lấy đi thôi.

Sau hôm đó Phượng cũng chẳng còn để tâm đến những lời của lão Bẩu. Cho đến bây giờ hắn cũng chẳng hề có ý định sẽ đi tìm nguồn gốc của mình. Cho dù cha mẹ hắn là ai đối với hắn họ không tồn tại. Họ vứt bỏ hắn có nghĩa là họ chỉ xem hắn như một loại phế phẩm.


***

Mụ Phấn chán Phượng. Sau những ngày hắn tận tình phục vụ mụ hắn nghĩ hắn đã khiến mụ thật sự say mê hắn nhưng hắn nhầm. Những người đàn bà khát tình cũng như những tay nghiện chơi những món hàng model, chẳng bao giờ biết hài lòng với những thứ mình đã có. 

- Thành thật xin lỗi chú em, rất lâu rồi chị mới gặp được món hàng cao cấp như chú em nhưng mà chị không thể ăn mãi một món ăn được. Và có lẽ chú em cũng không thể chỉ phục vụ mãi một mình chị có đúng không? 

Mụ Phấn ngồi trên sopha, làn môi tô son đỏ choét, khuôn mặt trát phấn dày có lớp cố che đi sự tàn phá của thời gian, đôi mắt lúng liếng nhìn Phượng, buông những lời chậm rãi.

- Dù sao cũng cảm ơn bà chị suốt thời gian qua đã cưu mang thằng em này. Bà chị chẳng cần áy náy làm gì, thằng em này đã nói rồi, thằng em chẳng bao giờ quan tâm tới hai chữ chân tình. Chúng ta chỉ là những kẻ mua bán, tình dục hay tình yêu đều là hàng hóa. Bà chị đã mua đủ rồi thì thằng em dọn hàng về thôi. Phượng dúi điếu thuốc lá đang hút dở vào chiếc gạt tàn chạm trổ hình cô gái khỏa thân, dửng dưng đáp lại lời mụ Phấn.

Mụ Phấn đứng dậy bước vào trong chừng mười phút sau mụ trở ra chìa xấp tiền về phía Phượng:

- Đây là số tiền năm triệu coi như chị bồi thường cho chú em. Với những kẻ khác hết hạn dùng thì chị vứt đi không thương tiếc nhưng với chú em thì thật sự chị cũng ít nhiều áy náy. Chú em là người lương thiện, chị nói thật đó, làm cái nghề này mà ngu ngơ gà mờ như chú em lần đầu tiên trong đời chị gặp. 

Phượng đưa tay run run nhận lấy số tiền của mụ Phấn. Những lời của mụ bỗng khiến hắn chạnh lòng xót xa cho mình. Mụ nói không sai, hơn nửa năm đã qua hắn bon chen giữa thành phố hỗn loạn này, tiếp xúc bao nhiêu hạng người hắn toàn bị người ta chà đạp lừa dối.Lòng người thiên hạ như miệng hang sâu còn hắn thì như hòn cuội nhỏ. Càng trải qua nhiều chuyện hắn càng hiểu cái tình của lão Bẩu dành cho hắn. Đêm đó trong khi đứng chờ xe khách lão Bẩu dúi vào tay hắn một ít tiền, giọng lão như cơn gió thoảng qua con đường vắng:

- Tao chỉ có từng này thôi mày cầm lấy, hãy cố gắng giữ mình. 

Phượng chối đi chối lại chẳng được đành cầm lấy. Lúc đó hắn hứa với lão đủ điều, nào lên thành phố sẽ tìm một công việc tử tế, hàng tháng sẽ gửi tiền về cho lão, có dịp sẽ bắt xe về thăm lão…thế mà hơn nửa năm trôi qua hắn chưa hề gửi về cho lão nửa đồng, hắn cũng không hề thông tin cho lão biết về cuộc sống hiện tại của hắn.


Đêm có dài mấy rồi cũng đến lúc bình minh. Phượng thu dọn đồ đạc ghé qua trao chìa khóa trả phòng cho chủ trọ bấm số gọi taxi ra bến xe. Sáng sớm hơi sương bảng lảng. Bến xe còn vắng khách mà mấy tay cò mồi đã đứng đầy. Taxi vừa dừng cửa mở Phượng ló đầu ra bị ngay một tên nắm tay giằng kéo:

- Kìa anh trai, tưởng ai người quen cũ he he, anh về quê hả, cứ đi theo em đảm bảo anh trai sẽ tìm được chuyến xe tuyệt vời, xe giường nằm rỗng rãi thoáng mát giá cả phải chăng.

Tên cò mồi liến thoắng một lô một lốc khiến Phượng hơi khó chịu. Hắn cũng chẳng biết tay này quen biết hắn khi nào mà bô bô bảo là người quen cũ, nhưng hắn biết mỗi khi đã đụng mặt đám cò mồi này khó mà thoát khỏi tay chúng, tốt hơn hết là cứ theo quách một tên nào đó và ngoan ngoãn chờ đến lúc bị tống lên xe nếu không muốn cả bọn xúm đến lôi chân kéo tay. 

- Nào anh trai cứ đưa đồ thằng xem xách cho, đừng ngại. 

Vừa nói tay cò mồi vừa đưa tay giựt lấy túi đồ, Phượng cũng không thèm cự lại lặng lẽ bước theo hắn. 

- Ý chút nữa thì quên, mà anh trai định đi về đâu ấy nhỉ? Tên cò mồi cười hì hì hỏi.

Phượng nói địa chỉ cho hắn. Tay cò mồi dẫn Phượng đi xuyên qua hơn mười chiếc xe đến trước một chiếc xe tềnh toàng hắn cười giả lả:

- Mời anh trai lên xe, anh trai cứ yên tâm em đảm bảo anh trai sẽ có một chuyến đi đáng nhớ.

Nhìn tình trang chiếc xe Phượng bất giác cười thầm, thế này mà tay cò mồi dám khoác lác sẽ kiếm cho Phượng một chiếc xe giường nằm chất lượng cao. Phượng hiểu đời cò mồi cũng chỉ vì miếng cơm manh áo, cuộc mưu sinh khiến con người đánh mất bản chất thiện lương vốn có của mình, người ta phải lòe bịp đồng loại mới mong có cơ hội tồn tại. Điều đó đáng thương hơn là đáng trách. Phượng nói vài câu cảm ơn tên cò mồi rồi bước lên xe. Trên xe khách đã nêm gần kín ghế, hành khách kẻ nằm kẻ ngồi nhếch nhác thấy rõ. Nhìn qua đa phần là dân nghèo lên thành phố tìm đất sống, có lẽ họ cũng như hắn đã chán ngán sự bọn chen quyết định tìm về chốn cũ.

Xe chạy. Phượng gục đầu vào thành ghế lui riu ngủ. Mọi âm thanh ồn ã xung quanh tắt dần. Một cảm giác bình thản bọc lấy tâm hồn Phượng. Hắn mơ. Hắn nhìn thấy dáng người gầy gò của lão Bẩu đang lúi húi soạn sửa lại đám đồ nghề khâm liệm nơi mảnh sân đầy rêu. Hắn đang vục từng gàu nước xối lên người cho cái nóng giảm bớt, miệng hát nghêu ngao những bài hát chẳng ra nội dung cụ thể gì. Xa xa tiếng kèn trống đưa tang vẳng lại. Lão Bẩu khẽ thở dài :

- Kiếp người như cỏ rác thế thôi, sống phân vai nghèo giàu chết chẳng ai tự chôn được chính mình. 


***

Phượng chầm chậm đưa chiếc giẻ đã nhúng nước thơm lau từng chút một xác gã thanh niên. Bên cạnh con bé tầm mười tuổi, vành khăn tang đã tụt xuống gần sống mũi, nước mắt nước mũi dàn dụa. Tiếng khóc của con bé như những nhát roi quất mạnh vào tâm can Phượng. Tay hắn run lên. 

- Kệ nó, nó khóc thương anh nó chết liên quan gì đến mày, bình tĩnh mà làm đừng để bất cứ sự gì bên ngoài tác động đến bản thân. Lão Bẩu vừa cho thêm ngũ vị vào chậu nước khuấy lên vừa nói. 

Bên ngoài trời đang lăn phăn mưa. Phượng cố nén lòng tiếp tục tắm rửa cho xác chết. Thi thoảng hắn dừng tay nhìn ra ngoài. Trong tâm trí hắn thoáng hiện lên thân thể nóng bỏng của những người đàn bà hòa lẫn hình ảnh của những ngôi mộ. 

Bên tai tiếng lão Bẩu vẫn vang lên đều đều:

- Tao sợ tao không còn đủ sức đi hết mùa tang năm nay nữa đâu, nếu tao có mệnh hệ gì mày hãy rời bỏ chốn này trở lại thành phố, nhất định mày phải sống tốt hơn tao. Hãy tìm cha mẹ đẻ của mày. Đừng áy náy về tao, với tao khi chết có kẻ khâm liệm đã là một đặc ân hậu hĩnh trời ban rồi.


***

Phượng trở lại thành phố với quyết tâm sẽ làm nên kỳ tích cho cuộc đời của hắn. Lão Bẩu đã chết sau một cơn đau đột ngột, lão ra đi trong sự thanh thản, trên môi còn đọng lại nụ cười như đã trút bỏ xong mọi món nợ cõi trần. Phượng không khóc. Hắn bình tĩnh tắm rửa cho lão và mua một chiếc quan tài thuê người đặt lão vào khiêng ra nghĩa trang. Đám tang của lão chỉ vỏn vẹn mình hắn cùng bốn người khiêng quan tài. 

Phượng bước nhanh trên con đường chiều chênh chếch nắng. Trên trời những đám mây xoắn chặt vào nhau. Xa xa hình như có tiếng sấm.


Trương Đình Phượng