Đối với nhiều người, khi nhắc đến tên “Ánh Tuyết”, họ sẽ nghĩ ngay đến cô ca sĩ gốc Đà Nẵng, giám đốc phòng trà ATB. Cô được công chúng chú ý kể từ khi tình ca được phép hát rộng rãi tại Việt Nam vào đầu thập niên 90s của thế kỷ trước. Nhưng người nghe nhạc xưa của miền nam Việt Nam còn biết đến một ca sĩ “Ánh Tuyết” khác đã nổi danh từ nhiều thập niên trước đó. Cô Ánh Tuyết này người gốc Hải Phòng và đã thành danh từ thập niên 50s khi nền tân nhạc Việt đang bắt đầu bước vào thời kỳ cực thịnh.
Thật vậy, ca sĩ Ánh Tuyết của “nhạc xưa” đã đến với sinh hoạt ca nhạc từ khi còn rất sớm. Trước mùa di cư năm 1954, cô đã là ca sĩ hát trên sân khấu phòng trà tại thành phố Hải Phòng cho ban nhạc “Lửa Hồng” của hai anh em nhạc sĩ Phó Quốc Lân và Phó Quốc Thăng. Sau khi theo đoàn di cư vào Sài Gòn, cô tiếp tục làm say mê khách yêu nhạc bằng giọng hát truyền cảm của mình qua những làn điệu mambo, rumba mambo hay ballad đang thịnh hành thời bấy giờ.
Ánh Tuyết có một giọng hát cao và âm vực rộng. Nhờ vậy cô có thể tung tăng một cách thoải mái khi hát những nốt cao chót vót và cũng xuống thấp thật dễ dàng và truyền cảm. Giọng cô khỏe nên khi ngân cao thì vang rộng đầy tự tin. Nhưng chỉ nhắc đến giọng hát cao vút của Ánh Tuyết không thì chưa đủ. Công chúng bị cô chinh phục một phần nhờ vào phong cách trình bày tự nhiên, thoải mái và đầy kịch tính của cô. Cô thuộc thế hệ ca sĩ theo cách hát bằng giọng óc của thập niên 40-50s và đã cộng tác cho nhiều ban nhạc uy tính trên đài phát thanh như Hoàng trọng, Ngọc Bích... cũng như là ca sĩ trên sân khấu đại nhạc hội và phòng trà Sài Gòn. Ca sĩ Ánh Tuyết luôn thể hiện một trình độ thanh nhạc vững vàng trong cách hát của mình. Tuy nhiên cô vẫn giữ cách hát rõ chữ chứ không áp dụng kỹ thuật luyện thanh tây phương một cách mù quáng. Nhiều người đi “xem” cô hát. Điều đó một phần vì cô đẹp và biết cách trang điểm để làm sáng gương mặt thật quyến rũ của mình. Nhưng người ta đi “xem” cô hát còn là vì cô không chỉ “hát” một bài nhạc. Mỗi bài hát đối với cô là một câu truyện và cô là người có trách nhiệm kể lại câu truyện đó với tất cả cảm xúc của mình. Trên sân khấu Ánh Tuyết như một diễn viên. Cô khóc theo nỗi đau của ca khúc và cười theo tiết tấu vui tươi của bài nhạc cho đến khi nốt cuối cùng chấm dứt.
Ca khúc “Trăng Sáng Vườn Chè” của nhạc sĩ Văn Phụng phổ từ bài thơ của thi sĩ Nguyễn BÍnh là một thí dụ. Cô bắt đầu như một người vợ kể lại chuyện nuôi chồng học thi đến chuyện vinh quy bái tổ của chồng. Nhưng khi bài hát đi đến khúc cao trào thì ca sĩ Ánh Tuyết lại có cách riêng của cô để giao duyên với khán giả. Lâu dần trở thành quen, người ta như đến phòng trà chỉ để được giao duyên với cô trong ca khúc này.
Người miền nam còn nhờ đến ca khúc “Tôi Yêu” của nhạc sĩ Trịnh Hưng do hai cô Ánh Tuyết và Tuyết Hằng song ca, ghi âm cho hãng dĩa Việt Nam và được phát trong chương trình nông thôn ngày xưa. Đó là tiếng khoan thoai của người dân hát ngợi ca quê hương yêu dấu. Bài hát có tiết điệu nhịp nhàng nghe như nhịp chân bước ra đồng của người nông dân.
Rồi lại nghe kể lại chuyện cô hát ca khúc “Ánh Đèn Màu” do nhạc sĩ Nguyễn Xuân Mỹ chuyển Việt ngữ từ ca khúc Limelight của danh hề Charles Chaplin. Người ta nói đêm nào cũng có người yêu cầu cô Ánh Tuyết trình bày ca khúc “Ánh Đèn Màu” trên sân khấu phòng trà. Và đêm nào cô cũng khóc khi hát bài hát này. Bài hát là hình ảnh thật trung thực của cuộc đời nghệ sĩ, mang tiếng hát làm vui cuộc đời, để rồi khi ánh đèn chợt tắt thì một nỗi cô đơn vây kín tâm hồn.
Để làm được điều này, người ca sĩ, ngoài một giọng hát hay còn cần có một tâm hồn lãng mạn, biết rung động theo nhịp thở của bài ca rồi bằng một khả năng thật riêng của mình, truyền cảm xúc của bài nhạc đến với công chúng thưởng ngoạn.
Ca sĩ Ánh Tuyết có một làn hơi dài nên rất thành công trong các ca khúc đòi hỏi quãng rộng và ngân nga nhiều. Những bài hát như Giấc Mơ Hồi Hương của nhạc sĩ Vũ Thành; Mộng Đẹp Tình Thương của nhạc sĩ Hoàng Trọng; Hướng Về Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Dương; hay Vọng Ngày Xanh của Khánh Băng… đều là những bài hát thành công của cô. Đó là những bài hát có giá trị nghệ thuật cao và đòi hỏi người ca sĩ một trình độ thanh nhạc nhất định. Có thời gian theo đoàn ca nhạc “Hồn Quê” của nhạc sĩ Lê Thương đi lưu diễn khắp miền nam nhưng rồi cô lại trở lại Sài Gòn và cộng tác thường xuyên cho các ban nhạc trên đài phát thanh cũng như sân khấu phòng trà.
Công chúng nhớ đến Ánh Tuyết nhiều qua các ca khúc theo nhịp điệu Mambo hay Rumba Mambo khi rộn ràng tươi mát, lúc uyển chuyển du dương. Có thể nói thập niên 50s là thời vàng son của ca sĩ Ánh Tuyết với nhiều ca khúc tạo thành danh người nghệ sĩ. Cô thường hát song ca với ca sĩ Thái Hằng, cũng đang rất được ưa chuộng vào thời ký này. Hai người thường hát chung với nhau những ca khúc mang phong các dân ca vui tươi như Tiếng Hò Miền Nam của nhạc sĩ Phạm Duy, Tôi Yêu của nhạc sĩ Trịnh Hưng hay Nắng Lên Xóm Nghèo của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.
Đang lúc sự nghiệp ca nhạc đang trổ hoa thì cô giải nghệ để theo chồng về nước. Ca sĩ Ánh Tuyết đến định cư tại Hoa Kỳ nhiều năm trước cột mốc 30 tháng 4 năm 1975 nhưng không có tham gia sinh hoạt ca nhạc tại hải ngoại. Tuy vậy, người nghe nhạc xưa vẫn biết đến cô nhờ những âm thanh từ những dĩa đá 78 vòng ngày trước. Đó mãi mãi là tiếng hát làm ấm lòng người nghe cho dù thời gian đã làm hao mòn chất lượng của những bản ghi âm đó.
Vừa được tin ca sĩ Ánh Tuyết từ trần ngày 11 thang 7 năm 2017. Xin coi bài viết này thay lời cảm tạ đến cô, người nghệ sĩ với một tâm hồn lãng mạn, đã mang tiếng hát của mình làm ấm lòng người thưởng ngoạn. Xin tạm biệt danh ca Ánh Tuyết.
Chu Văn Lễ
9 ca khúc chọn lọc do nữ danh ca Ánh Tuyết trình bày:
1. Tôi Yêu - Trịnh Hưng-Hồ Đình Phương-Với Thái Hằng
2. Trăng Sáng Vườn Chè-Văn Phụng-Nguyễn Bính
3. Chim Lồng-Phạm Duy
4. Đại Lộ Hoàng Hôn-Y Vân
5. Khúc Hát Ân Tình-Xuân Tiên-Song Hương
6. Ngày Hạnh Phúc-Lham Phương
7. Hò Lơ-Phạm Duy-Với Duy Khánh
8. Ai Nhớ Chăng Ai-Hoàng Thi Thơ
9. Ánh Đèn Màu-Nguyễn Xuân Mỹ-NNQ
Nguồn: Vanchus