Sau nhiều năm vắng bóng, ca sĩ Kim Tước đã trở lại sân khấu để hát cho những người yêu mến bà nghe. Sự trở về của bà tựa một dấu nối vòng cung giữa hai nốt nhạc, như chiếc cầu liên kết tiếng hát với cung đàn, là mối duyên thắt chặt yêu dấu giữa bà và khán giả mến mộ qua hai ba thế hệ.
The Tước’sisters gồm Kim Tước, Thanh Tước, Hà Tước, Ngân Hà và Hồng Tước
Trong một bài phỏng vấn của tôi, bà nêu lý do trở lại với ca nhạc: “Lý do rất dễ hiểu vì các cô em tôi muốn tôi trở lại hoạt động cho vui, nhân tiện có cơ hội cho chị em hát với nhau….”. Do vậy, dù buổi nhạc thính phòng được tổ chức thật đơn giản để mọi người hoà quyện trong không khí gia đình, nó vẫn diễn ra thật thân mật, ấm cúng, dù trời Bolsa đang trút xuống một cơn mưa thu ồ ạt và lạnh lẽo.
Vé hát hết sạch, khách đội mưa đến nghe phải bỏ Hội trường Người Việt mà ra về một cách tiếc nuối. Người đến tất cả đều là khách thân của ca sĩ Kim Tước, thân từ tình kết giao, thân từ trong giới văn nghệ sĩ sinh hoạt chung bao nhiêu năm, cho đến thân vì đã yêu mến tiếng hát của bà từ lâu. Có cả những người trẻ chưa bao giờ được biết bà nhưng vì thế hệ ông bà, cha mẹ họ nghe và yêu tiếng hát của bà, giờ được nghe bà hát và bắt đầu mến tiếng hát của dòng nhạc cổ điển, tiền chiến xa xưa.
Hoàng Nam và Kim Tước
Buổi nhạc chiều thu giống buổi party thân mật gia đình. Các ca sĩ thay nhau làm MC. Ca sĩ Kim Tước và Hồng Tước thay nhau giới thiệu chương trình. Bài hát mở đầu là “Khúc ca mùa hè” do nhóm The Tước’sisters gồm Kim Tước, Thanh Tước, Hà Tước, Ngân Hà và Hồng Tước trình bày. Nhìn các chị em nhà Tước cùng hát vang một ca khúc rộn ràng vui, tôi biết họ thật hạnh phúc khi được hát, được trải lòng qua cung nhạc và thanh âm. Trong bài phỏng vấn tôi được biết Kim Tước là “con nhà nòi”, bà là cháu của danh ca Minh Ðỗ vào thập niên 50. Trong khi ngày xưa, bố của bà rất cổ, ghét và có thành kiến với nghề ca hát “xướng ca vô loại”, bà vẫn hát và hành nghề dù sợ bố kinh khủng. Ngày nay các cô con gái của ông cùng thích nhạc và cùng đứng chung một sân khấu hát say sưa những bản hợp ca, trông họ rất hạnh phúc. Thế mới biết sức mạnh của âm nhạc lớn lao vô cùng. Nó đánh đổ cả bức tường thành kiến và quyền lực. Nó là ngọn lửa, là uy lực mạnh nhất của ma thuật, là nơi ẩn trú của những tâm hồn cô đơn, là cảm giác an bình của hạnh phúc. Con người có thể vắng mặt nhưng âm nhạc có mặt ở khắp mọi nơi.
Ban hợp ca còn trở lại trong các ca khúc “Bóng người đi”, “Yêu và Mơ”. Ca sĩ Nguyễn Cao Nam Trân góp tiếng hát trong trẻo, cao vút của cô với tác phẩm “Thoi tơ” và “Mộng đẹp ngày xanh”. Cô là một ca sĩ trẻ đang lên được nhiều người yêu mến. Cô đã làm sống lại, những hình ảnh lãng mạn, những cuộc tình lứa đôi nhẹ nhàng, êm đềm và đằm thắm. Vũ Anh, một giọng ca của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 đã cất lên, rất khoẻ và điêu luyện dù ông đã bước qua tuổi 73. Ông hát “Mùa thu chết” và “Tôi đi giữa hoàng hôn”, nhắc nhở khán giả đến bầu trời chiều ảm đạm ngoài hội trường với những giọt mưa thu đang gieo tí tách. Phạm Hà tiếp theo trong “Kỷ niệm” và “Ngàn năm mây bay”. Phạm Hà là một giọng Opera hiếm quý của quận Cam. Vào thập niên 2000 ở hải ngoại, giọng hát Hoàng Nam là một giọng hát nhiều người biết đến trong các CD do trung tâm Diễm Xưa phát hành. Anh đã đến và cùng Kim Tước hát trong “Rồi ngày sẽ trôi qua” và “Riêng một góc trời” được anh trình bày thật truyền cảm và xuất sắc.
Kim Tước và Mai Hương
Cuối cùng rồi con chim sẻ vàng Kim Tước cũng có cơ hội vươn cao giọng hót của mình sau khi để các ca sĩ đàn em líu lo ca hát. Bài đơn ca đầu tiên của bà là “Gió thoảng hương duyên” với tiếng đàn guitar của nghệ sĩ Tây Ban Cầm Phương Thảo. Khi giọng hát dĩ vãng vừa cất lên, không gian trong phòng hội chợt im lắng, tiếng đàn dìu tiếng hát lên cao hơn nữa. Bên dưới, những giọt nước mắt của Mai Hương bắt đầu nhỏ xuống, bà lặng lẽ khóc. Rồi “Serenata, Dạ Khúc (Nguyễn Văn Quỳ), Tiếng chuông chiều thu” được Kim Tước lần lượt trình bày. Những ca khúc xa xưa được mang trở về như những dòng chảy ngược về quá khứ khiến nguời nghe xúc động, nhất là thành phần khán giả đã sống qua những khoảnh khắc ấy.
Hiện diện trong lớp khán giả bên dưới tôi nhận thấy có: ca sĩ Mai Hương và phu quân; nhà văn Nhã Ca và phu quân, thi sĩ Trần Dạ từ; tài tử Kiều Chinh; ông bà hoạ sĩ Nguyên Khai; ca sĩ Julie Quang và một số ca sĩ ngày cũ. Kim Tước đã mời Kiều Chinh lên sân khấu và đòi nghe Kiều Chinh hát. Bà nói Kiều Chinh hát rất hay, ngày xưa khi Kiều Chinh 14 tuổi thì bà 13, hai bà đã từng hát với nhau tại nhà Thủy Tạ bên bờ hồ. Nhưng Kiều Chinh xin khất đến lần sau.
Khi Kim Tước mời Mai Hương lên sân khấu, bà vẫn còn cầm khăn tay sụt sùi khóc và lau nước mắt. Trong vóc dáng gầy ốm, nhỏ bé, bà nói “Tôi cảm động quá, từ lúc thấy Kim Tước bắt đầu hát “Gió thoảng hương duyên”. Chị ấy hơn tôi có vài tuổi, mà khi chị ấy hát trở lại như ngày nào, vẫn hay quá. Tôi đã thôi hát vì nghe lời khuyên của nhà tôi”. Bà nhắc nhở thêm kỷ niệm ngày cùng nhau hát trong ban tam ca “Tiếng Tơ Ðồng” với Quỳnh Giao. Giờ thì Quỳnh Giao đã ra đi vào nơi mịt mùng miên viễn, chỉ còn hai bà ở lại. Kim Tước nghe xong bắt đầu khóc và khán thính giả bên dưới cũng rưng rưng theo. Những giọt nước mắt mang theo cảm xúc và hạnh phúc do ân sủng của giai điệu và cung đàn chở chuyên những dĩ vãng và năm tháng xưa cũ một thời ca hát. Bao hình ảnh xao xuyến ùa về. Mưa ngoài trời, mưa trong lòng, đẹp quá những giọt nước tưới tẩm tình yêu thương đầy nhân bản. Kim Tước yêu cầu Mai Hương cùng hát với bà vài câu. Hai người chọn một khúc nhỏ trong “Hình ảnh một đêm trăng” của Văn Phụng. Hai danh ca vang bóng một thời cùng hát. Ơi! những mùa trăng thơ ấu thật tuyệt vời như cổ tích, quá khứ được kể lể: “Khi ấu thơ ngồi trong bóng trăng nhìn theo áng mây đưa, Nghe má ba kể trong ánh trăng, cuội đang sống say sưa…” Ơi! một hình ảnh tuyệt đẹp được ghi lại trong lòng người dự khán.
Kim Tước lại tiếp tục hát đơn ca. Tiếng hát trong cao, thanh nhã và hiếm quý mà tôi gọi là “Tiếng hát tinh khôi của buổi mai” ấy vẫn còn tinh tuyền không đổi mà còn có phần truyền cảm hơn khi bà hát “Ave Maria” của Văn Phụng.
Bà nói về bài hát “Ave Maria”: Châu Hà và Văn Phụng là một đôi vợ chồng nghệ sĩ rất đẹp đôi, Sau 1975 họ đi vượt biên nhiều lần mà không thành. Lần cuối cùng, giữa biển khơi, trong cơn tuyệt vọng, sông nước chập chùng, trước phút đối diện với cái chết, Văn Phụng khấn Ðức Mẹ Maria. Chiếc ghe đã đến được bến bờ an lành. Sau đó ông đã viết thành bản “Ave Maria”. Bài này ít được phổ biến, Kim Tước chỉ hát trong gia đình và bằng hữu với nhau thôi. Bà xin hát tặng bài này như lời chúc cho tất cả mọi người được an bình trong công việc và đời sống, dẫu trong hoàn cảnh tuyệt vọng.
Khi bà ngân cao làn hơi trong, hai chữ Ave Maria đã như đôi cánh thiên thần trắng ngần bay lên cao vút. Mọi người trong hậu trường đều đứng dậy vỗ tay hoan hô lúc nốt nhạc cuối được những ngón tay điêu luyện của Phương Thảo điểm dứt.
Vũ Anh và Kim Tước
Các chị em nhà Tước cũng lần lượt từng người lên đơn ca. Hà Tước với “Không còn mùa thu”. Ðây là lần đầu bà lên sân khấu mà vì có cô chị Kim Tước dẫn dắt nên bà hát không thua gì ca sĩ hát. Thanh Tước với một giọng khao khao truyền cảm, trong “Con đường tôi về” làm nhiều người xúc động vì bà được kể là ngày xưa mẹ bà hay chê bà có giọng “vịt đực”. Ngân Hà, con dâu trong nhà, vốn là con gái ca sĩ Mộc Lan hát “Chị tôi”. Hồng Tước, một con chim sẻ đỏ đa tài hát một ca khúc bà mới sáng tác “Nắng mùa đông”. Giọng bà trong và hay, bà hoạt động nhiều trong các sinh hoạt ca hát và hội đoàn.
Buổi nhạc thính phòng kết thúc khi cơn mưa thu vừa tạnh, không khí hoàng hôn tươi mát. Khán giả ra về, trong lòng bồi hồi và hạnh phúc vì được thưởng thức một giọng ca quý của ngày xưa.
Trịnh Thanh Thủy