nhạc Trần Duy Đức
Anh Ngọc hát
Ngục đời
tự mở cửa ngục đời
bước trở về hăm hở
dấu vết những cơn mơ
còn nõn xanh lụa cỏ
thấy sâu dần tuyệt vọng
cố dung hòa hồn ta
một phòng vàng khói tụ
em nguệch ngoạc ngón sầu
hiện hình ai cổ quái
cố hình dung lòng ta
một thân cây rỗng mục
em gõ mãi làm gì
những lát rìu nghi hoặc
ta đã tả tơi rồi
với nửa đời giông gió
ta đã cháy đen rồi
với nửa đời củi nỏ
kẻ tật nguyền trong ta
mang hình dung thú vật
đội mãi lốt con người
đôi khi lòng cũng nản
chìm xuống đáy cơn say
thấy đời không ai tỉnh
cất tiếng hát ê a
dội vang lời kêu nghẹn
phải em, rồi như sương
tan theo ngày nắng vội
phải em, rồi như mây
chìm theo vùng bóng tối
phải em, rồi như mưa
chảy trôi ngoài hiên, mở
ta ngồi già, ghế xưa
mặc áo tơi, yên, ngủ
Du Tử Lê
(1970)
----------------------------------------
Về bài thơ và ca khúc “Tan theo ngày nắng vội”.
Sáng tác đầu tiên của tôi in tại hải ngoại, là tập truyện “Tan theo ngày nắng vội”. Năm 1984.
Thay vì phải viết tựa hay, vài dòng mở đầu tập truyện, tôi không nhớ tại sao, điều gì tôi khiến lại viết xuống hai câu thơ nhớ được từ một bài thơ cũ, ở Saigòn, trước tháng 4 năm 1975.
Đó là câu thơ:
“Phải em rồi như sương
“Tan theo ngày nắng vội.”
Khi sách in ra, một hôm nhạc sĩ Trần Duy Đức, một người em rất thân thiết với tôi, nói rằng, anh “bắt” được một “melody” tuyệt vời cho hai câu thơ ấy.
Tuy nhiên, chỉ với hai câu thơ tổng cộng 10 chữ, thì không thể đủ cho ca từ một ca khúc.
Trần Duy Đức yêu cầu tôi cố gắng nhớ lại thêm ít câu nữa. Nhưng tôi không thể. Ký ức , chỉ cho tôi tối đa, chừng đó!
Thời gian ấy, tôi không có trong tay, bất cứ một tác phẩm nào của tôi, in tại quê nhà.
Một buổi sáng nơi phòng khách của căn nhà đầu tiên của chúng tôi ở, trong lúc tôi đang phải làm những việc thường lệ của một ngày mới thì, Trần Duy Đức nẩy ra ý kiến, Đức sẽ hát nhiều lần cho tôi nhớ âm điệu của bản nhạc.
Tôi học thuộc. Dựa theo đó, nghĩ thêm một số lời cho tới khi hoàn tất phần ca từ.
Tôi nhớ, trong lúc làm những việc chẳng có một mảy may nào liên hệ tới văn chương, âm nhạc, mỗi khi tôi i ỉ được một vài ca từ…tôi lại chạy ra phòng khách, đọc cho Đức viết xuống.
Vì chữ Việt có dấu và không dấu, nên chữ nào không thích hợp nốt nhạc của Đức, tôi lại phải vật lộn để tìm chữ khác, tương tự hay đồng nghĩa. Làm công việc này tôi cũng nhận được sự tiếp tay sôi nổi, ồn ào của Đức và Việt Dzũng.
Cuối cùng, phần ca từ cũng xong. Bài hát kịp cho chúng tôi, Việt Dzũng, Trần Duy Đức, Du Tử Lê hợp ca, mở đầu một chương trình ra mắt sách ở San Jose.
Thời gian đó, tôi quan niệm không nhà văn, nhà thơ nào di tản, mang theo được độc giả của mình. Nên cách tốt nhất là mang thơ, văn đến với mọi người.
Từ quan niệm này, thuở đó ngoài ba anh em chúng tôi, thỉnh thoảng cũng có thêm những bằng hữu khác, như Cao Đông Khánh, Đoàn Vững (sáo,) Vũ Bội Quang Khôi, Quỳnh Như (ngâm thơ)… chúng tôi đã có những chuyến đi bằng đường bộ khá vất vả để tới những nơi như Tacoma, Seattle, Houston… Sau này còn có thêm Edmonton, Calgary ở Canada nữa.
Trước khi đi, chúng tôi phải liên lạc trước và, nhận được sự tiếp tay tích cực, cảm động của rất nhiều anh em địa phương. Như ở Tacoma và Seattle, thời đó, là nhà thơ Phạm Kim. Ở Houston, Texas là nhóm bạn của Lê Văn Hào, Lê Nguyệt Hạnh, và cố giáo sư Lê Bá Kông, v.v…
Nhiều năm sau này, khi bạn đọc cũng như một vài thân hữu, cho lại tôi những cuốn sách mà họ có trong thời gian du học tại Mỹ, trước 1975, tôi mới biết hai câu thơ làm thành ca khúc “Tan theo ngày nắng vội” của nhạc sĩ Trần Duy Đức, nằm trong khổ thơ cuối cùng của bài “Ngục đời”; tôi viết năm 1971. In lại trong tập “Thơ Du Tử 1967-1972”, Nhà Gìn Vàng Giữ Ngọc Xb, Saigòn, 1972.
(dtl)