Nhà văn Lâm Chương
Thời ở KBC 4100 (khu bưu chính), nhà văn Lâm Chương làm thơ. Nhưng tôi không đọc được nhiều thơ anh trên nguyệt san Bộ Binh. Hình như Lâm Chương chỉ làm thơ cầm chừng, theo nhu cầu đổi ngày ra phép cuối tuần. Lâm Chương cũng rất ít khi xuất hiện ở văn phòng tâm lý chiến của quân trường. Tôi giống anh ở điểm này, dù “hữu danh” trong ban biên tập. Trong năm ba lần vui chân, tôi và anh không hẹn, đã cùng tạt vào chỗ ngồi của mấy anh sính làm báo, và chúng tôi có dịp thấy nhau, bắt tay nhau.
Trong suốt chín tháng quân trường, tôi gặp Lâm Chương nhiều lắm vài ba lần. Tình huynh đệ chi binh rất lỏng lẻo. Nhưng thơ của anh lại giữ trong tôi một ấn tượng rất tốt. Ngày nay tôi và chắc cả anh cũng không thể nhớ ra những bài thơ một thời bộ binh của anh. Dù vậy, tôi cũng có thể nói chắc, chúng (những bài thơ) không thuần túy là những bài thơ tình yêu, cũng không phải là những bài ngợi ca quê hương, hay những bài suy tư về thân phận, cuộc chiến. Trong những bài, hình như chỉ gói ghém trong chừng mười bốn đến mười tám câu, mọi nội dung trên đều có, và được pha trộn một cách khéo léo. Sức thu hút của thơ Lâm Chương thời Bộ Binh còn nằm trong phong thái diễn đạt thường được cho là hào sảng, phóng khoáng. Chính điều này đã giúp tôi nhớ nhà thơ Lâm Chương, quí nhà thơ Lâm Chương dù không nhớ một câu, một chữ nào anh đã viết. Nghe thật vớ vẩn, nhưng lại thật “trăm phần trăm!”.
Lâm Chương là tên thật, đến với cuộc sống từ năm 1942, nhưng trước bạ khai sinh ghi ngày 28 tháng 10 năm 1945. Gò Dầu Hạ tỉnh Tây Ninh là đất anh chào đời. Mồ côi mẹ sớm, thân phụ mang về cho anh một người dì ghẻ như cái “bánh đúc không xương”. Thời tiểu học, Lâm Chương học giỏi, nhưng không chăm học lắm, thường bỏ lớp, la cà theo tiếng chim, tiếng dế, tiếng ếch nhái ve vãn nhau. Vạt ruộng xanh, gốc cây lớn cũng thường rủ rê Lâm Chương tiêu phí hàng giờ, ngồi hóng gió, nhìn mây. Hương thơm rơm rạ, màu sắc cỏ hoa cũng níu kéo anh ngày này qua ngày khác. Anh trải tuổi thơ lên mỗi vuông đường làng, lên cả những cuốn sách phiêu lưu mạo hiểm. Xong tiểu học, Lâm Chương thực hiện được giấc mộng ra khỏi cổng làng của mình. Anh được cho ra tỉnh ở trọ ăn học. Thân phụ anh không thiếu bổn phận làm cha. Không có gì thú vị hơn được đi xa trọ học. Nhất là thời “nhất quỉ, nhì ma...” chỉ còn quậy lật ở khúc đuôi. Tôi từng có chút phần thưởng này thời học Trần Cao Vân Tam Kỳ, và những tháng ngày ở khu Hồ Tịnh Tâm Huế.
Tình thương của người đàn ông nông thôn vốn khép kín, vụng về, đôi khi cục mịch. Lâm Chương không phải không nhìn ra tấm lòng của cha mình. Nhưng anh có chút ít bướng bỉnh, ít nhiều tinh thần tự lập, cộng thêm hoàn cảnh eo hẹp tình thương nhưng giàu mơ mộng, cuối cùng đã đẩy anh ra khỏi cánh cửa gia đình, năm lên mười sáu. Thoạt đầu Lâm Chương lên Sài Gòn, sống lẩn quẩn ở chợ Bến Thành và Ga xe lửa. Thành phố chật tiếng người, tiếng sinh hoạt chợt làm anh sợ. Sau vài đêm ngủ lén ở chái hiên, sạp hàng, Lâm Chương nhớ đến những cảnh sắc thanh lịch, những con người dịu dàng từng được nghe, được đọc về một cố đô tuyệt vời, Lâm Chương quyết định nhảy lên tàu hỏa ra xứ Huế. Bốn trăm bạc, tiền trọ học một tháng, ba anh gián tiếp cho lần cuối cùng, trước khi anh ra khỏi nhà đã vơi đi ít nhiều nhưng anh không ngại vẫn khéo léo nhảy lên tàu. Lộ trình vời vợi xa với bao nhiêu sân ga sẽ đến, Lâm Chương không dễ gì đến được cái đích trong mộng ước khi trong tay không có vé tàu. Người soát vé dù có chút tử tế cũng đã buộc anh phải xuống Nha Trang.
Đất trời thành phố biển chào đón gã giang hồ vị thành niên bằng một cơn mưa phùn lì lợm, rả rích mãi quên thôi. Lâm Chương tạm nhét nỗi lo buồn mảnh khảnh vào bọc áo quần, anh lượm được một tấm nilon đủ rộng choàng lên người, bắt đầu đi trồng những kỷ niệm. Tiếng gọi của biển dường như vang ngay trong lòng anh. Hàng quán, hiệu buôn, nhà ở cả đến con người hình như cũng trầm lặng. Tất cả từ từ lùi lại sau lưng Lâm Chương, Nha Trang đãi anh bữa ăn sáng bằng sự bao la cuồng động của biển cả. Mưa vẫn nhẹ nhàng như thoa trên vai, trên lưng. Xúc động trước chào đón của thiên nhiêm, Lâm Chương trao ra những giọt nước mắt cất đã lâu của mình.
Ngày theo ngày tiếp nhau, bao nhiêu chỗ ngả lưng đã tình cờ đến với Lâm Chương. Sân đình, lòng chợ, chòi gác,bãi tha ma...từng địa điểm vô danh của Nha Trang lần lượt được hấp ấm dưới thân thể hao hụt thịt máu của Lâm Chương. Nhưng anh thật hạnh phúc, đã gặp được rất nhiều người còn một tấm lòng. Sự đùm bọc, thương mến của gia đình một người Huế, của một người tài xế xe chở đá, của một bà Ba mộ đạo Phật, của một Kỹ sư Kiều lộ làm Trưởng ty Hỏa Xa, của một vị sư và nhiều nữa. Họ đã thay nhau hóa giải những khó khăn cho anh một cách kịp thời. Lâm Chương cũng hưởng được tình gia đình từ những người em gái anh có nhiệm vụ dạy kèm.Hơn thế nữa, chưa có được mảnh bằng trung học phổ thông, anh đã có một cuộc tình, một người yêu thánh thiện. Và khi chưa nắm trong tay cái tú tài, anh đã hưởng được lạc thú của tình dục một cách no đủ trong sự yêu thương chân tình. Trong đoạn đời xa cách người cha già, Lâm Chương đã từng bước trưởng thành qua khá nhiều nghề lao động vất vả. Không có đứa con hư lưu lạc nào không canh cánh bên lòng sự trở về. Cơ hội đến với Lâm Chương từ một tai nạn nghề nghiệp của thân phụ anh.
Đã có chuyến giang hồ thứ nhất, không dễ bỏ những cuộc đi tiếp theo. Lâm Chương vào Nam sống trong khu lao động. Chặng đời quan trọng của một thanh niên trong thời chiến không đợi cũng đến. Lâm Chương gia nhập vào đại gia đình quân đội Việt Nam Cộng Hòa, qua cánh cửa trường Bộ Binh Thủ Đức, khóa 24. Sau đó anh về đơn vị Biệt Động Quân. Chặng đời binh nghiệp của Lâm Chương không ngắn. Anh khôn khéo hay may mắn từ chối những chiến thương bội tinh, chỉ chọn vài chiếc anh dũng bội tinh cất vào ba lô. Trong một bài nhắc nhớ kỷ niệm thời Thủ Đức, Lâm Chương “Tán Ngẫu Về Một Người Làm Thơ”:
“...Mười năm lăn lóc chiến trường, đạn không bén đến da tôi. Có thể tôi gặp thằng xạ thủ bắn tồi, cũng có thể tôi né đạn giỏi. Nhiều người bảo phần số tôi may mắn. Tôi bảo không phải vậy, và đọc thơ Nguyễn Du: ‘xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều’. Bởi không làm thi sĩ nên khi qua những làng mạc, tôi biết đề phòng du kích bắn sẻ. Bởi không làm thi sĩ nên khi vào những khu rừng hắc ám, tôi biết đặt mình trong tư thế sẵn sàng nổ súng vào bất cứ con gì nhúc nhích trước mặt (bắn chậm thì chết)
... Tóm lại, bởi không làm thi sĩ nên khi đi giữa làn tên mũi đạn, tôi không hề mơ mộng viển vông...”
(LH Một Đời Thơ)
Thật ra, Lâm Chương vẫn giữ con người thi sĩ của anh, nhưng biết đặt nặng vai trò chiến sĩ anh đang mang ngoài mặt trận lên trên trò chơi chữ nghĩa. Lâm Chương biết đề cao cảnh giác tối đa cho anh và cho đồng đội, cộng thêm sự may mắn không thể phủ nhận. “Đạn tránh người, người không tránh đạn” gần như một qui luật. Mừng cho Lâm Chương giữ được lành lặn để có mười năm tiếp theo ăn cơm tù, phá rừng trồng khoai, trồng sắn, có cơ hội mục kích tận mắt nhiều chuyện ngoài tưởng tượng xảy ra “trên cuộc đời ô trọc”. Không được “cải tạo”, Lâm Chương đâu có cơ hội để biết hành động “giải quyết cấp thời” của một cán binh (mời tìm đọc Đoạn Đường Hốt Tất Liệt) và nhiều chuyện động trời khác. Thời gian nào trong cuộc sống cũng có cái quí giá riêng của nó. Không có những vốn sống trong giai đoạn sỉ nhục này chắc chắn những sáng tác Lâm Chương không là những tác phẩm giàu tình người anh đã tặng chúng ta. Cụ thể nhất, nếu không mất vùng đất tự do, chúng ta rất ít người bị lưu vong hoặc được lưu vong đến những vùng đất mới. Đây là một sự thật không nên vì tự ái, thể diện mà phủ nhận. Đàng hoàng xác nhận, cũng không có nghĩa chúng ta mang ơn những người tạo ra những cuộc vượt thoát đã phải đổi nhiều mạng sống. Dù có bị cấm đoán không cho bước lại trên vạt đất đầu đời của mình, của cha ông ông mình, chúng ta vẫn không hề, chưa hề mất quê hương. Tổ quốc vẫn ở trong từng hơi thở của mỗi người. Muốn gặp lại, muốn thấy lại, thật đơn giản, hãy chịu khó tĩnh lặng tưởng tượng, có một vài phút nhắm mắt càng tốt hơn. Cảnh vật thật rõ ràng, linh động. Tiếng người, tiếng vật, tiếng cỏ lá đều linh hiển hiện ra. Hãy thử dành một phút thành tâm hồi tưởng. Đừng vội nóng văng tục. Xin lỗi về sự cao hứng bất ngờ của tôi.
Con dân miền Nam liều mạng sống chạy trốn một chế độ chính trị là một điều có thật, cả thế giới cảm thông, chào đón. Không ai nghĩ đến việc cơm áo khi hớt hải ra đi. Nhưng những chuyến vượt biển, vượt biên không dễ gì tiếp tục mãi. Những chương trình ra đi khỏi nước khác được thực hiện. Sau chương trình Ra Đi Có Trật Tự (ODP) một thời gian, chương trình Định Cư Nhân Đạo (H.O) dành cho những sĩ quan, viên chức bị cải tạo trên ba năm và những người phối ngẫu cải tạo viên chết trong tù hoặc mệnh chung sau khi ra tù một năm trở lại. Lâm Chương, sĩ quan Biệt Động Quân hội đủ điều kiện để trở thành một ông H.O. Nhưng anh không chờ được. Anh và gia đình vượt biên và may mắn đến Hoa Kỳ năm 1987. Hiện nay gia đình Lâm Chương định cư tại thành phố Boston , Hoa Kỳ.
Lâm Chương bắt đầu làm thơ nhiều từ những năm trung học tại Nha Trang. Cái vạt đất nồng nàn gió biển này sinh sản, qui tụ khá nhiều người sinh hoạt văn học nghệ thuật: Quách Tấn, Trịnh Cung, Nguyễn Xuân Hoàng, Từ Thế Mộng... Tại đây, Lâm Chương được giao du, kết thân với những “người học trò làm thơ in thành sách, như Thanh Nhung và Cao Hoành Nhân với Tiếng Thơ Miền Trung, Sương Biên Thùy (là Lê Mai Lĩnh bây giờ) với Nỗi Buồn Nhược Tiểu, Sao Trên Rừng (là Nguyễn Đức Sơn bây giờ) có bài đăng trên Sáng Tạo...” (LRĐL). Anh cũng được tiếp xúc với thi sĩ Quách Tấn và có cơ hội nhìn thấy vết sẹo “tròn to bằng đồng xu” ở phía trái thái dương tác giả Đêm Thu Nghe Quạ Kêu. Lâm Chương được nghe kể: thi sĩ Hàn Mặc Tử bị dị ứng với vết sẹo này, nên mỗi lần gặp nhau, nhà thơ mệnh yểu thường yêu cầu bạn mình ngồi ở vị thế thích hợp, tránh cho ông khỏi nhìn thấy. Đây cũng là một chi tiết đặc biệt trong văn học.
Tuy có máu thi phú trong người, Lâm Chương vẫn khiêm nhường trả lời Triều Hoa Đại: “...Và tôi bắt chước làm thơ. Những bài thơ đầu tiên đọc nghe rất ‘thê thảm’, chẳng báo nào chịu đăng, kể cả bích báo nhà trường cũng chê...”. Nhưng rồi trên tạp chí Văn tại Sài Gòn đã “đi” một bài thơ tán gái của anh trong một số Xuân dày cộm.
Thế nào là thơ tán gái ? Với tính cách hàn lâm và đạo đức, những nhà nghiên cứu, phê bình thi ca, cùng một số nhà thơ cho rằng những sáng tác có hơi hướm lẳng lơ, mơn trớn đều nên liệt vào mục thơ huê tình. Giải thích hai chữ huê tình một cách cụ thể hơn, được giới trẻ cho là thơ tán gái, dù chưa chắc loại thơ này có đủ những ướt át. Trong vài dịp có cơ hội bày tỏ, tôi vẫn tự nhận thơ mình là thơ tán gái, bởi thực tế như vậy. Thơ tán gái đích thực là thơ tình và ngược lại. Làm thơ tỏ tình với một người, không có nghĩa là không tỏ tình với nhiều người đọc. Tỏ tình có khoảng cách bao xa với tán tỉnh, ve vãn, chiêu dụ, níu kéo ? Tính cách bác học và bình dân trong từng bài thơ là có thật. Nhưng mục đích, tôi nghĩ vẫn không khác nhau. Anh chàng Hàn Mặc Tử, anh chàng Xuân Diệu, anh chàng Nguyễn Bính, anh chàng Nguyên Sa, anh chàng Du Tử Lê vân vân và vân vân....không có nhu cầu tán gái chăng ? Thật ra đều như nhau, chỉ khác nhau ở tài nghệ, chiêu thức. Như vậy, Lâm Chương, tôi hay bất cứ bạn nào khác xài chữ “Thơ Tán Gái” không có nghĩa hạ thấp giá trị nghệ thuật của thơ. Giá trị nghệ thuật nằm trong nội dung tác phẩm. Thử đọc một bài thơ Lâm Chương:
“ Em đâu phải Kiều nương/ mà nói chuyện bán trinh làm đĩ/ mười lăm năm nhẵn mặt giang hồ/ trai tứ chiến đếch thằng nào rớ được/ bọn trọc phú hợm mình tưởng bở/ quăng một đêm qua cửa sổ ngàn vàng/ chưa níu được lai quần chéo áo/ đám ong bướm si tình ngây dại/ con thiêu thân bi lụy ngọn đèn/ những anh chàng công tử ruồi bu/ cũng ngấp nghé trao lời ái mộ
em đâu phải cành vàng lá ngọc/ còn niêm phong kín cổng cao tường/ chuyện trăng gió mù sương lả tả / bông hoa em đâu dễ lụy vì tình/ ta phất phơ đi giữa cõi người/ chẳng biết làm gì ngoài chuyện làm thơ/ dẫu không thành thi sĩ /cũng được tiếng văn chương/ ba mươi năm mải miết/ thơ chùa đăng báo chợ/ túi rỗng không đời cũng nhẹ tênh/ cánh hạc vàng muốn tếch lên mây/ đời ô trọc giữ chân người ở lại/ buổi gặp em đầu tiên ta choáng váng/ chuyện tình cờ mà khốn đốn trăm năm
ai chiếu hoa trải đường dưới gót em đi/ ai lót tay em nhung gấm lụa là/ ta chỉ có bài thơ/ rút ra từ xương tủy/ cuộc trầm luân mấy ai ngờ được/ chốn bồng lai xa quá là xa/ ta và em dắt tay vào địa ngục”
(Lâm Chương - Dắt Tay Vào Địa Ngục)
Lột trần một chút thân phận của đối tượng, của cả chính mình, để đi đến một mục đích có tính cách rủ rê “vào địa ngục” Đây quả một bài thơ tán gái xuất sắc. Người đẹp của thi sĩ không bình thường. Thi sĩ không tầm thường. Nên chuyện tỏ tình cũng rất độc đáo khác lạ. Mời đọc thêm hai bài thơ tình khác của Lâm Chương:
“Em hẹn tôi về thăm quê cũ/ sau mấy năm lây lất xứ người/ tôi cũng muốn (một lần thôi cũng đủ)/ về gặp em nhắc lại chuyện lâu rồi.
Chuyện lâu rồi mà như mới hôm qua/ tôi còn nhớ bàn tay em run nhẹ/ trong tay tôi lạnh buốt. Không ngờ/ em lí nhí nói câu gì rất nhỏ/ như nói thầm với cái rét se da/ của một chiều cuối đông năm ấy.
Rồi tôi đi. Sáu năm trời chưa trở lại/ dòng sông xưa vẫn chảy trong hồn/ bông mía trắng cả một vùng thương nhớ/ gió nồm Nam thổi suốt dọc quê mình/ nhà em ở cheo leo cuối xóm/ hàng rào thưa cây trái rợp sau vườn/ che bóng mát cho em ngày nắng.
Tôi ở đây những mùa đông trắng/ lấy gì che đời vắng em xa/ em đâu biết bao lần tôi muốn hỏi/ ngày chia tay em nói nhỏ câu gì/ trong cái rét một chiều đông năm ấy?”
(Câu Gì Em Nói Nhỏ)
“ Trời hay mưa miền tôi ướt sũng/ lá đầm đìa rơi rụng giọt châu/ em qua tôi để dấu son đầu/ môi trái đỏ, tuổi em vừa chín
Nước châu thổ mang lòng dâu biển/ về bình nguyên cô giáo sang sông/ bỏ tình tôi chết đuối giữa dòng/ nên mưa đổ làm tôi ướt mặt
Từ em xa. Mưa. Trời sướt mướt/ miền tôi nhòa theo nước mưa tuôn/ ủ ê cây lá ngậm buồn/ tình đi. đời lẻ. Mưa luôn nhớ tình”.
(Mưa Miền Tôi)
Làm thơ hay vậy, nhưng nếu có cơ hội, hình như Lâm Chương luôn luôn phàn nàn về cái tài làm thơ của mình:
“... Tôi cũng có một thời mon men muốn ngồi vào chiếc chiếu dành cho các nhà thơ. Hằng đêm mất ngủ, bóp trán làm thơ. Có lúc gần đạt được danh hiệu thi sĩ, nhưng cuối cùng đành bỏ cuộc. Làm thơ thật vô cùng vất vả, phải kiên trì mới được bài thơ cho ra hồn. Tôi vốn ù lì cục mịch, thiếu tính kiên nhẫn, lại không có năng khiếu đặc biệt về thơ, thì làm sao có thể ngồi chung chiếu với những bậc thầy của chữ nghĩa mà tác phẩm của họ là tinh túy của ngôn ngữ ?...”
(Lâm Chương – LH-Một Đời Thơ)
Lâm Chương có là thi sĩ, có là nhà thơ hay không, anh không thể tự phong. Những người thật sự có năng khiếu và thành danh trong một bộ môn nghệ thuật, hình như không mấy ai tự xưng này nọ. Bạn đọc sẽ nhìn thấy và gọi đúng danh. Lâm Chương đã cho trước bạ với làng văn một tập thơ. Thi phẩm Loài Cây Nhớ Gió được phát hành năm 1971. Trước đây tôi không được đọc thi phẩm này, ngày nay, tại hải ngoại khó tìm ra, và cũng không chắc cha đẻ của nó còn lưu giữ. Dù chưa đọc bài nào, nhưng qua tên sách, cũng có thể tạm hình dung ra những phiêu bồng, lãng mạn của những dòng thơ một thời đã giúp Lâm Chương thành danh.
Sau khi có mặt tại hải ngoại Lâm Chương có tiếp tục làm thơ không ?. Tôi biết chắc là có. Trong một lần ghé thăm nhà văn Trần Hoài Thư, người bạn cùng khóa 24 Thủ Đức, anh cho biết Lâm Chương đã đến Hoa Kỳ. Chưa kịp gọi thăm, tôi đã bắt gặp một bài thơ của Lâm Chương trên một tạp chí, hình như là Làng Văn. Bài thơ có tên Diện Bích, tôi rất thích. Tuy không còn nhớ câu nào nhưng nội dung diễn đạt tâm sự của một người thất thời, ngày ngày ngồi không, để tâm, dán mắt vào bức vách vô tri trước mặt. Mộng tưởng, chí khí, ngay cả những vật lộn áo cơm cần thiết cũng cùng đường. Cái Diện Bích của Lâm Chương trong những ngày tháng đầu nơi xứ người, không khác gì tâm trạng của những người cùng cảnh ngộ, trong đó có tôi. Nên bài thơ của anh gây cho tôi một một xúc động đậm đà. Thích bài thơ, sau này, nhiều lần tôi hỏi xin anh cho đọc lại. Nhưng Lâm Chương bảo đã bỏ thất lạc. Điều này cho thấy, quả thật Lâm Chương đã có phần lơ là với thơ. Nguyên nhân của sự xao lãng này ra sao không rõ. Nhưng bạn đọc mừng thấy Lâm Chương trở lại với những trang văn xuôi, vốn anh đã thử tài từ những năm rời Nha Trang về Sài Gòn. Giai đoạn đầu với thể loại truyện ngắn, Lâm Chương kể:
“... Những năm về Sài Gòn, tôi tập viết văn xuôi. Ông Mai Thảo đăng trên Nghệ Thuật, trong mục ‘ Những Người Viết Mới’ . Tôi mắc cở, không gửi cho Nghệ Thuật nữa. Tôi gửi bài cho báo khác, chẳng thấy đăng. Nghe thuật lại rằng, có một nhà văn lớn (đã mất rồi) đọc bài bản thảo của tôi, lần nào cũng kêu lên: ‘Thằng Phá Hoại. Thằng Phá Hoại’ và ném vào sọt rác. Từ ấy, tôi không viết văn xuôi. Sau này, nghĩ thương ông Mai Thảo. Ông cho ‘Thằng Phá Hoại’ vào mục ‘ Những Người Viết Mới’ là nâng đỡ lắm rồi”
(Lên Rừng Đếm Lá - Triều Hoa Đại)
Lâm Chương đã nói thật tình. Thời mới viết đại đa số chúng tôi, tuy còn non yếu nhưng ai cũng ngại khi có bài trong mục “Những Người Viết Mới” hay “Trang Dành Riêng Cho Các Cây Bút Trẻ”. Những anh chị văn nghệ tỉnh lẻ chúng tôi non choẹt nhưng ai cũng muốn làm “mầm già” trong văn nghệ. Không ít người vướng mắc trong những trang này, nên đã có sự thay đổi liên tục nhiều bút hiệu. Đó là chưa kể hình thức bề ngoài với râu tóc khác đời, bia rượu, thuốc lá cứ y như là văn nhân, thi sĩ hạng cừ.
Về sự nghiệp viết văn của mình, Lâm Chương kể tiếp, đã có lần anh viết xong bài văn xuôi, nhờ ông thầy dạy Việt văn đọc và cho ý kiến. Cuộc đối thoại giữa hai thầy trò:
“Thầy nói:
- Văn em là văn bửa củi.
- Sao gọi là văn bửa củi ?
- Hành văn nhát gừng, lổn ngổn những đá sạn thô nhám. Loại văn này chỉ thích hợp cho đề tài chửi lộn, hoặc đòi nợ.
- Em chưa hiểu ý thầy.
- Nói đến thế mà vẫn chưa hiểu. Em không phải là người của văn chương...
Nhận xét của thầy làm tôi thất vọng.
- Xin thầy chỉ dẫn cho em
Thầy cười: ‘Học hành, lấy vợ, đẻ con’ ”
Ngày nay, chắc chắn ông thầy của Lâm Chương không còn giữ được nhận xét của mình khi ông đọc các tác phẩm: Đoạn Đường Hốt Tất Liệt, Lò Cừ, Đi Giữa Bầy Thú Dữ, Truyện Và Những Đoản Văn.
Có bè bạn làm thơ, viết văn thú vị ở chỗ được đọc sách khỏi mất tiền mua. Sách lại được tác giả ký tên hẳn hoi, trông càng sướng mắt, ấm lòng. Tôi có đủ những gì Lâm Chương trình làng tại hải ngoại:
Đoạn Đường Hốt Tất Liệt, tập truyện ngắn với mười bảy sáng tác, gồm một truyện lấy bối cảnh tại hải ngoại, 16 truyện dựng từ vóc dáng, hồn vía quê nhà. Nhà văn Trần Doãn Nho dọn dường và mớm ý nhận định cho bạn đọc. Anh băt đầu vài dòng về tài nghệ làm thơ của Lâm Chương “không nhiều, nhưng bài nào cũng nặng ký... Ngôn ngữ giản dị nhưng ví von độc đáo, ý tứ thâm trầm...” để rồi giới thiệu: “...Thế giới của Lâm Chương là thế giới của chiến tranh, trại tù và lưu lạc... Nỗi đắng cay đó thể hiện tất cả trong tập truyện của anh, dưới nhiều dạng khác nhau. Bằng một giọng văn tả chân trầm tĩnh, không màu mè làm dáng, anh kể cho chúng ta nghe nhiều chuyện. Chuyện nào cũng là những chuyện tréo cẳng ngỗng, cười ra nước mắt, mang đầy bi kịch tính...” Nhà văn Trần Doãn Nho cũng nhìn nhận, văn thơ của Lâm Chương, của chính anh, của những người viết khác thuộc thế hệ của anh đa số “có vẻ hằn học, chua chát với đời... tác phẩm nào cũng chứa đựng cái không khí trầm uất, hằn học, chua chát khi đề cập đến những năm tháng nhiễu nhương vừa qua ở quê nhà...” Để đi đến kết thúc bài viết: “ Quê nhà. Và lưu đày. Đó là nỗi ám ảnh không rời của nhà thơ, nhà văn Lâm Chương. Và tất cả chúng ta” (Trần Doãn Nho – 9-1998)
Một nhà văn khác, anh Hồ Minh Dũng, nhận vinh hạnh thực hiện lời bạt cho Đoạn Đường Hốt Tất Liệt. Anh đã rất tài tình khi chỉ dùng hai trang để nhắc lại những kỷ niệm gặp gỡ giữa hai người, từ thời đi học làm lính, đến thời đi học làm tù và rồi đến thời cùng lưu lạc xứ người, gặp nhau qua điện thoại. Bài viết của anh Dũng không đề cập gì đến nội dung tác phẩm, hay nói đúng hơn, anh chỉ khéo léo nhắc lại một số hoàn cảnh mà từ đó nẩy mầm những truyện trong Đoạn Đường Hốt Tất Liệt. Đây cũng là một đặc biệt, hiếm thấy.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi phát hành, Đoạn Đường Hốt Tất Liệt gây được tiếng vang tốt trong giới cầm bút tại hải ngoại. Nhiều tạp chí cho đi những bài nhận định, giới thiệu hoặc phỏng vấn tác giả. Tất cả đều xoay quanh giá trị nghệ thuật của tác phẩm văn xuôi đầu tay của Lâm Chương. Trong một bài viết công phu, sau khi giới thiệu một số thể loại văn xuôi, nhà nhận định văn học Nguyễn Vy Khanh đưa ra một số nhận xét qua từng truyện trong Đoạn Đường Hốt Tất Liệt. Nguyễn Vy Khanh cho rằng Lâm Chương quan niệm chiến tranh là địa ngục, và lên tiếng phê phán cả mọi phía tham chiến. Lâm Chương cũng là một nhân vật từng trải, giàu kinh nghiệm, “đã nhìn thẳng, nói thẳng về nhiều trục trặc khó nói”. Tôi chọn trích hai đoạn:
“ ...Mặt khác, truyện dị thường phúng thích và châm biếm chính trị và xã hội, Đoạn Đường Hốt-Tất-Liệt có yếu tố khả dĩ "phiền" chế độ vốn nghi ngờ mọi trào phúng, hí họa ngoài những minh-họa-được-phép. Điểm-đến của Đoạn Đường Hốt-Tất-Liệt theo chúng tôi là đã gióng lên tiếng nói đích thực của con người hôm nay, cho bây giờ và mai sau, khi còn có thể lên tiếng và sau một thời gian đã không thể lên tiếng. Truyện của Lâm Chương như có sức mạnh giải thoát của tâm thức, tâm thức ông, tâm thức những người cùng cảnh ngộ và "kinh nghiệm" như ông. Thay vì tụng A-di-đà hay lạy-Chúa, Lâm Chương lên tiếng nói của ông qua nghệ thuật viết của con người từng sống trong bùn đen của những cơn kinh hoàng đất nước, của chiến tranh, của trại cải tạo, trở về nhà tù lớn và lạc lõng giữa một nước hợp chủng xa lạ! Tác giả đã xử dụng ngôn ngữ như hệ thống tín hiệu và xử dụng văn chương nghệ thuật như khả năng của cảm xúc. Lâm Chương nhận thức được bi hài kịch của cuộc đời và ông chia xẻ với người đọc, có người cùng hoàn cảnh, tâm cảnh, với một ngôn từ trực tiếp dù phải dùng dụ ngôn, hình ảnh, v.v. Chính cái dị thường đã đưa người đọc tìm lại, nhìn lại, nhận chân những thực tại của đời sống bình thường và của vũ trụ nhân sinh. Trong truyện dị thường, ngôn ngữ thường là một hệ thống tín hiệu cao độ với những ẩn dụ đa nghĩa. Đọc truyện của Lâm Chương không thể ngừng ở câu chuyện hay khúc ký ức đó. Người đọc phải hiểu cái tiềm ẩn sau những sự việc, hành động dù bình thường đến thế nào, hoặc cái nguyên nhân hoặc hậu quả không thể tả. Khi người đọc như bị bỏ rơi vì chuyện lửng lơ thì biết đâu đó là cái Vô ngôn, cái thông điệp, cái nhắn nhủ. Người đọc Đoạn Đường Hốt-Tất-Liệt bình thường sẽ thương cảm thân phận con người, người Việt Nam một thời, nhưng nếu tâm cảm xâu xa sẽ nhận ra cái tâm của tác giả, ông nói với mọi người mà như đồng thời ông tìm tri kỷ! Những truyện khác của Lâm Chương đăng trên các tạp chí gần đây như Gió Ngược, Những Ngày Mắc Cạn, Cận Kề Biên Giới Tử Sinh, ... cho thấy ông càng đi sâu vào ngõ kiếm tìm này, xét con người vì con người thay vì phân biệt nhị nguyên, bạn và địch !...”
“... Văn chương "giải mã" lịch sử sớm dù ít nhiều chủ quan và đầy cảm tính. Hoán chuyển dị thường của thực tại vào văn chương, nhiều dị thường của cuộc đời tưởng bình thường đã được Lâm Chương đưa ra trước công luận. Nói chung, ngòi bút ông cẩn trọng và nhạy bén, xuất từ kinh nghiệm sống. Giọng văn đơn giản, trong sáng, dĩ nhiên bên trong chất chứa nhiều phức tạp và tầng lớp tâm linh. Chính kinh nghiệm và tâm cảm chân thành của tác giả đã đưa đến sự tinh tế, cô đọng. Như đoạn tả sự việc "thân bị kiềm chế, mà ý chí thì phất phơ như chuyện đùa. Tưởng như hồn và xác chẳng dính dấp gì nhau". Một cai tù đã phê bình cách lao động khá "thiền" của tù cải tạo: "Giơ cuốc lên, cò ỉa. Hạ cuốc xuống, mối xông". Nhưng anh tù lại lấy làm lý thú vì câu nói ngộ nghĩnh mà quên cái hậu quả tai hại sau khi bị phê bình. Anh tù đã sửng sốt vì câu phê bình đó. "Diễn tả động tác chậm, không có cái chậm nào bằng. Từ từ giơ cuốc lên, chậm như ngừng lại, thời gian lâu đủ để con cò đậu trên cái cuốc và ỉa. Hạ xuống cũng chậm, đến nỗi trước khi nhấc cuốc lên, thì mối đã xây thành tổ. Một lối diễn tả độc đáo. Rất bình dân mà cũng rất tuyệt vời." (tr. 188-189).
(Nguyễn Vy Khanh)
Tên gọi tập truyện ngắn của Lâm Chương, lấy từ tên truyện Đoạn Đường Hốt Tất Liệt, một trong 17 truyện trong sách. Cái tên hấp dẫn này đã hướng dẫn tôi có chút suy nghĩ sai lầm khi nhận được sách tặng. Tôi đã thoáng nghĩ đến Đại hãn Hốt Tất Liệt (Kublai Khan – 1215-1294), cháu Thành Cát Tư Hãn (Thiết Mộc Chân, Genghis Khan 1162-1227), vị vua đã lập ra triều đại nhà Nguyên, năm 1271, thống nhất Trung Quốc, dời đô từ Karakorum về Khanbaliq tức Bắc Kinh ngày nay. Thời trị vì của ông rất hưng thịnh. Trong truyện này của Lâm Chương, không có ẩn dụ hay liên quan gì đến đại danh đã dùng. Nội dung chỉ ghi lại những sinh hoạt của một đơn vị Biệt Đông Quân đối đầu với du kích thay vì lính chính qui tại một vùng được kể: “Qua khỏi cua AK chừng nửa cây số, là ngã ba Lộc Giang. Và hương lộ được phân làm hai ngã. Một ngã xuôi về Sò Đo, thuộc tỉnh lỵ Hậu Nghĩa. Một ngã chạy ra bến đò, anh em trong tiểu đoàn đặt tên là đoạn đường Hốt Tất Liệt”. Tôi không xa lạ với địa hình, địa thế chung chung của các mặt trận nông thôn, cũng không bỡ ngỡ trước những mánh khóe ra đòn của du kích quân, nên cốt truyện của Đoạn Đường Hốt Tất Liệt (chỉ riêng truyện này) đối với tôi không mới lạ. Ngay cả cái hướng kết thúc cũng đã có thể đoán được từ khi tác giả giới thiệu nhân vật Hon. Cái thành công trong truyện này của Lâm Chương là kỹ thuật viết. Với hình ảnh và một số từ ngữ đặc trưng trong quân đội khi hành quân, Lâm Chương làm sống lại trong lòng những cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa nhiều kỷ niệm đau thương nhưng thân thiết một thời.
Sau Đoạn Đường Hốt Tất Liệt, trong vòng sáu năm, Lâm Chương cho in tiếp 3 tác phẩm: Lò Cừ với 14 truyện ngắn, 258 trang, bìa Khánh Trường, phụ bản Vũ Đức Thanh, Phan Thảo Trang, trình bày Anh Khoa và Sao Khuê, Văn Học tại Hoa Kỳ xuất bản, năm 2000. Đi Giữa Bầy Thú Dữ, gồm hai truyện vừa, 172 trang, bìa Khánh Trường, trình bày Sơn Ca, Văn Mới xuất bản, năm 2002. Truyện Và Những Đoản Văn, bìa Khánh Trường, trình bày Sơn Ca, 220 trang, Văn Mới xuất bản, năm 2004.Cả ba tác phẩm này đều tiếp tục góp hơi thở, củng cố chiếc ghế trong văn chương của Lâm Chương một cách vững chắc. Nhà văn Lương Thư Trung, một cư dân cùng vùng với Lâm Chương, từng sinh hoạt, thù tạc với nhau nhiều lần, đã nghĩ về văn tài và bản chất tác giả của bạn mình:
“ ... được văn giới biết đến như một luồng gió mới, một tác giả tạo được uy tín hiện nay trên văn đàn nhưng Lâm Chương vẫn giữ được cái đức tính khiêm cung đáng quí, luôn lắng nghe những nhận xét của người đọc. Trong các truyện của anh, cái cẩn trọng luôn luôn được anh quan tâm từng chữ dùng, từng dấu chấm, dấu phết, làm thế nào, dù người đọc khó tính vẫn khó mà bắt bẻ anh được. Câu văn của anh luôn ngắn gọn. Họa hoằn lắm người đọc mới có dịp bắt gặp một câu tương đối dài, nhưng ở đó cũng có nhiều dấu phết ngắt đoạn. Độc đáo nhất, ở truyện của Lâm Chương là những câu đối thoại gần như những câu mà anh đối đáp, trao đổi với bằng hữu hằng ngày, tạo cho người đọc có ấn tượng mình phải theo hoài những mẩu đối thoại có duyên, hấp dẫn để tìm ra cá tính của mỗi nhân vật...”
Anh Lương Thư Trung cũng để lộ một đôi chút đời thường của Lâm Chương:
“... Tôi biết Lâm Chương từ vài năm nay, nhưng có lẽ tôi quí mến anh vì anh có nhiều khí chất một người nhà quê mê ruộng vườn, đặc biệt hai ngón tay kẹp điếu thuốc rặt người miền quê. Đời sống của Lâm Chương thanh đạm như cái dáng vẻ bình dân, mộc mạc hằng ngày. Gặp tôi bất chợt nơi cái đầm bùn lầy này anh vui lắm. Anh hỏi tôi loại lục bình này, bụi cỏ kia mà chừng như lâu lắm rồi anh mới được gặp lại...”
... Dường như với ai, trong những anh em quen biết với anh, anh đều gọi người đối diện bằng chữ "ông" vừa rồi như vừa quen thân vừa sơ ngộ, vừa gần gũi vừa xa lạ mà vẫn giữ được chỗ thân tình, tương kính lẫn nhau...”
Cũng qua những cuộc gặp gỡ, trao đổi với nhiều bạn văn, Lâm Chương có dịp trình bày nhiều điều trong chặng đời sinh hoạt thơ văn của anh. Với nhà thơ Triều Hoa Đại, anh chàng Ngựa Hồ Hí Gió Bắc tự sự:
“... Tôi không phải là người viết văn chuyên nghiệp, cũng không thích chiều theo thị hiếu người đọc. Nói thế nghe dễ mất cảm tình, nhưng đấy là sự thật. Xưa nay, tôi chưa từng được đồng xu cắc bạc nào từ bài viết của mình. Nhưng tôi vẫn viết, vì tôi thích. Và chỉ viết những gì tôi muốn viết. Tôi không hề đắn đo xem phải viết thế nào, hành văn ra sao. Cứ nghĩ thế nào viết thế ấy...Tôi thường viết tự truyện, phần hư cấu rất ít...
... Tôi khó mà viết khác với lòng mình. Đang sống nơi thế tục, muốn vượt lên trên những điều thế tục, không dễ...Tôi nhớ kẻ hành xác tôi nhiều hơn nhớ người yêu. Nếu tôi viết khác đi, nghĩa là viết như người cao thượng là tôi viết láo. Ai mà cảm thông với kẻ giả dối bao giờ..
... Tôi chỉ là chứng nhân thời đại, và đang viết bản tường trình về những gì đã nghe thấy mà thôi”
Nhà thơ Triều Hoa Đại đã tra vấn Lâm Chương qua nhiều câu hỏi loanh quanh trong trách nhiệm của người cầm bút, nhận định chung về tình trạng thơ văn, xuất bản tại hải ngoại, đánh giá tác phẩm, tác giả trong nước, quan niệm về thương yêu, hận thù trong tác phẩm...Lâm Chương đã rất khôn khéo trong những bày tỏ của mình. Sự khôn khéo của anh được dẫn dắt bởi lòng chân thật và giản dị của chính anh. Nhờ đó đọc những câu trả lời của Lâm Chương rất thú vị. Tác giả Lỗi Tại Tôi Mọi Đàng cũng đã trả lời nhiều cuộc phỏng vấn khác. Nhưng để hiểu thật rõ Lâm Chương trong nghiệp cầm bút, chỉ cần đọc thêm mấy câu chân tình này:
“... Đổi cách viết để tìm một hướng đi mới cho tương lai là điều quá tốt. Nhưng khổ nỗi, tôi chỉ có thể viết được những kinh nghiệm đã có trong quá khứ mà thôi. Ngay đến hiện tại, tôi cũng chẳng viết được gì về cái xã hội xa lạ này. Trong một đời sống bình yên đến nhàm chán, tôi không tìm thấy những giông bão trong tâm hồn để lấy đó làm chất liệu sáng tác...Những gì tôi viết đã thể hiện lòng tôi. Không hề làm dáng văn chương...”
Thời cùng thụ huấn ở quân trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi đã lỡ bỏ qua cơ hội kết thân với Lâm Chương. Thời đó anh cũng chưa hiểu gì tôi bao nhiêu. Chuyện gặp gỡ giữa chúng tôi được anh nhắc: “... Cao Thoại Châu giới thiệu một anh chàng rụt rè như con gái, bảo đấy là nhà thơ Luân Hoán. Tôi hơi ngỡ ngàng trước một Luân Hoán hoàn toàn khác với tưởng tượng của tôi...”. Anh không nói rõ anh đã tưởng tượng tôi ra sao, nhưng nếu không lầm, anh đã hình dung một người thật cao ráo, đẹp trai với đôi nét dị biệt nào đó để nói lên, hắn ta biết làm thơ. Anh cũng có vẻ thất vọng khi gặp tôi lần thứ hai: “...Thấy tôi anh chỉ mỉm cười thay thế một lời chào. Chỉ vậy thôi, không quấn quít ba hoa chích choè...”. Cho đến ngày chuẩn bị rời quân trường, chúng tôi vẫn chưa tạo được một chút gì khả dĩ trở thành một kỷ niệm sâu sắc, Chương viết: “...Ngày ra trường, anh em văn nghệ ngồi lại uống cà phê trong hội quán sinh viên ở khu dân sinh trước khi chia tay. Thiếu Luân Hoán. Có người chạy đi tìm nhưng không gặp...” Hóa ra thời ấy tôi “rụt rè như con gái” thật và vụng về trong giao tế biết bao. Thật ra một đời tôi quí trọng và tha thiết với tình bạn. Sự hà tiện lời nói, cử chỉ trong những lần gặp gỡ với bất cứ ai chỉ do thói quen. Khuyết điểm này, về sau tôi sửa đổi có phần khả quan hơn. Riêng tình bạn giữa tôi và Lâm Chương, có vẻ như lơ là nhưng thật ra khá thân thiện. Bởi chúng tôi gặp nhau trong vài sở thích.
Bè bạn ai cũng biết Lâm Chương là người hảo rượu. Anh biết uống từ thời còn lang thang ở Nha Trang. Rượu theo anh vào Thủ Đức, ra mặt trận và đôi khi lén lút trong trại giam để rồi thật ngất ngưởng tại hải ngoại. Đi đâu, ở đâu Lâm Chương cũng cần có rượu bên cạnh. Nhưng cơ hội để Lâm Chương cho “chó ăn chè” hay nghêu ngao thì gần như rất hiếm. Lâm Chương không phải là người nghiện rượu mà là người mê rượu và biết uống rượu. Tôi thì sao ? Ngày nay đa số bạn văn tại hải ngoại đều chê tôi là loại “kỳ vô phong”. Tôi thấy không cần phải “thanh minh thanh nga” gì. Và vui vẻ chấp nhận sự thật rõ ràng, như một thành tích tôi đã vượt qua không phụ lòng bác sĩ Nguyễn Ngọc Lang, bạn tôi, nhắc nhở cảnh cáo. Rượu đã một thời suýt làm tôi lủng phổi vì uống thiếu phương pháp. Không tùy hứng. Nhưng thường bị kích động bởi một thách thức dẫn đến bốc đồng. Thời ở Thủ Đức, thời ở Sư đoàn 2, nếu các bạn văn gặp tôi ắt sẽ có một cái nhìn khác. Gọn lại, tôi vẫn còn khả năng tiếp nhận rượu như bạn tôi, Lâm Chương.
Một gặp gỡ khác giữa tôi và Lâm Chương là tình yêu mến thiên nhiên và các loài chim. Cũng như tôi, từ ấu thơ Lâm Chương đã đi theo từng giọng chim hót. Gần gũi với nóc gia nông thôn nhất là lũ Se Sẻ. Chỉ chíp chíp loạn xị, không nhịp nhàng và đều đều mà rất thân tình. Tiếp đến là đàn Chột Dột trên những tàu cau đong đưa gió. Giọng kết lại vời nhau thành từng chùm, có lúc như rối lên như một cuộn chỉ. Rồi giọng Chào Mào tha thướt, lãng mạn, níu theo giọng hàn lâm, bài bản của Chích Chòe. Cao sang hơn nữa, lừng lựng treo giữa trời là tiếng Sơn Ca. Nhưng trầm ấm đầy dân tộc tính vẫn là giọng các anh Cu Cườm, rung rinh từng mảng lá xanh. Không rõ thời đó Lâm Chương có từng cầm trên tay một con chim chưa dập bụng cứt chưa ? Anh có từng mớm nước miếng cho chim ? Tôi thì những chuyện dễ thương này đều làm qua cả. Sau nhiều bận cụng ly cùng Lâm Chương và nhiều bạn khác ở Boston, Montréal...tôi phát hiện, nếu tôi đã từng dưỡng nuôi, chăm sóc rất nhiều loại có lông vũ trong nhiều thời kỳ khác nhau, thì Lâm Chương trước sau và liên tục chỉ cung phụng, chăm chút độc một loại chim quí, vừa hữu danh vừa vô danh. Hữu danh vì có tên gọi thật. Vô danh vì sợ kỵ húy, ít người dám gọi tên. Phải công nhận đây là một giống chim quí, chứ không hẳn hiếm. Có lẽ Lâm Chương mê và trì chí bảo dưỡng nó vì những ưu điểm:
“... chẳng sớm mai nào quên ngỏng cổ
gật gù ca ngợi cuộc đời vui...
con chim chẳng biết làm thơ ấy
lại biết làm mưa thắm thịt da...”
(Luân Hoán)
Cũng vì con chim này, Lâm Chương gần đây có nhiều chuyến về thăm quê hương. Lý do những chuyến đi của anh thật đơn giản. Anh muốn tạo cho con chim của mình nuôi có một không gian tươi tốt để tiếp tục vui vẻ sinh tồn. Ở Mỹ, môi trường đang bị đe dọa bởi bụi bặm, khói xe và linh tinh những thứ khác. Hơn nữa chim anh nuôi giống Việt Nam nên thỉnh thoảng phải cho về Việt Nam xả hơi là một chuyện hợp lý, bình thường. Ấy thế, mà tôi thấy loáng thoáng có vài chiếc mũ, chực chờ che đầu bạn tôi, ý chừng họ sợ anh ăn nắng chăng ?
Thỉnh thoảng ghé về dòm lại vạt đất xưa, dẫm lại một đoạn đường cũ, đứng dưới một bóng cây ngó trời đất, lượm một câu thơ mọc bất ngờ trong bụng, ném cho đất trời là có lỗi chăng ? Với Lâm Chương, tôi hiểu, những chuyến tiêu tiền bất đắc dĩ của anh, cũng bởi lỗi tại con chim. Khổ thật.
Luân Hoán