Ella Fitzgerald và ông bầu Norman Granz © Michael Ochs
Nếu còn sống, Ella Fitzgerald năm nay sẽ ăn mừng sinh nhật lần thứ 100. Lúc sinh tiền, Ella từng được mệnh danh là Đệ nhất Phu nhân hay là Nữ hoàng nhạc jazz. Ella Fitzgerald thật xứng đáng với danh hiệu này nhờ một chất giọng thiên phú với âm vực trên ba quãng tám, nhờ có tai nhạc cực kỳ bén nhạy (perfect pitch) cho dù bản nhạc có khó cách mấy, chỉ cần nghe là nhập tâm để rồi hát lại được ngay.
Thế nhưng, nếu chỉ trông cậy vào hai năng khiếu này mà thôi, thì chưa chắc gì Ella Fitzgerald đã thành danh để rồi được công nhận như một trong những gương mặt tiêu biểu nhất dòng nhạc vocal jazz. Ella Fitzgerald lên ngôi Nữ hoàng nhạc jazz phần lớn là nhờ vào nỗ lực của chính bản thân, qua việc trau dồi với các bạn đồng nghiệp, học hỏi nơi các bậc đàn anh.
Sự nghiệp của Ella Fitzgerald (1917-1996) khởi đầu trong khó khăn, và không gặp thành công nhanh như mong đợi. Xuất thân từ một gia đình nghèo, nguyên quán ở bang Virginia, Ella Jane Fitzgerald không được học hành tới nơi tới chốn. Mồ côi mẹ từ thời niên thiếu, Ella còn bị cha dượng hành hạ bạc đãi, bà thường xuyên trốn học và từng sống một thời gian trong viện cô nhi.
Từ lúc còn nhỏ, Ella Fitzgerald đã ôm ấp giấc mộng sân khấu, nhưng bà muốn trở thành diễn viên múa chứ không phải là ca sĩ. Năm bà 17 tuổi (cuối năm 1934), Ella tham gia một cuộc thi ‘‘Amateur Nights’’ tổ chức nhằm tuyển lựa tài năng mới trong giới nghiệp dư. Ban đầu bà ghi danh vào nhóm thi múa, nhưng vì bị các thí sinh khác chèn ép bắt nạt nên giờ chót Ella chuyển qua nhóm thi hát.
Kết quả là Ella đứng đầu cuộc thi với phần thưởng 25 đô la thời bấy giờ. Sự kiện này chẳng những làm nên tên tuổi của Ella, mà còn gầy dựng huyền thoại của nhà hát Apollo ở Harlem, New York. Nhờ vào thành công bước đầu này, Ella được tuyển vào dàn nhạc jazz của nhạc sĩ Chick Webb (1905-1939). Mãi đến năm 1942, tức là 3 năm sau sau khi ông qua đời vì bệnh lao, Ella Fitzgerald mới tách ra riêng bắt đầu nghiệp hát solo.
Trong giai đoạn khởi đầu sự nghiệp, Ella Fitzgerald đã ghi âm một số bản nhạc ăn khách vào những năm 1935-1936 (chẳng hạn như A-Tisket A-Tasket, Love & Kisses, I'll chase the blues away, If You Can’t Sing It You’ll Have To Swing It) nhưng giọng ca của bà vẫn chưa vững vàng sâu sắc. Mãi đến hơn 5 năm sau, khi bà được nghe và biểu diễn với các nghệ sĩ cùng thời như Dizzy Gillespie hay Charlie Parker thì lúc đó Ella Fitzgerald mới khám phá sở trường hát điệu swing của mình.
Ella Fitzgerald còn có cái biệt tài ứng khẩu biến tấu, cách hát độc âm biểu diễn điệu scat linh hoạt : nhờ lỗ tai bén nhạy bà có thể nhái giọng của các ca sĩ khác (đặc biệt là Rose Murphy) và hay hơn nữa, bà có thể giả giọng y hệt như tiếng kèn đồng của thiên tài Louis Armstrong. Điều này ít ai nhắc tới !
Tuy có tài, nhưng Ella Fitzgerald phải mất một thời gian dài để đạt tới thành công. Một phần cũng do nạn kỳ thị và chính sách phân biệt đối xử đối với các nghệ sĩ Mỹ da đen thời bấy giờ. Một trong những người đã nhiệt tình nâng đỡ Ella chính là thần tượng điện ảnh Marilyn Monroe. Theo lời kể của Ella Fitzgerald, ngôi sao màn bạc Marilyn đã đích thân gọi điện cho ông chủ phòng trà Mocambo Club tại Los Angeles.
Marilyn Monroe hứa rằng nếu ông ký hợp đồng thuê ca sĩ Ella Fitzgerald, thì vào mỗi đêm biểu diễn, cô sẽ đến nghe nhạc và đặt bàn hạng nhất dành cho VIP. Hứa thì phải làm, Marilyn Monroe tôn trọng lời cam kết không sai một chữ, và sự hiện diện của Marilyn đã thu hút đông đảo phóng viên nhiếp ảnh báo chí, giúp cho đợt biểu diễn của Ella Fitzgerald càng thêm thành công.
Trong giai đoạn hát solo (với hãng đĩa Decca và sau đó là hãng đĩa Verve Records), tài nghệ của Ella Fitzgerald thật sự chín muồi vào những năm 1945-1947. Những ca khúc như Flying Home, Oh Lady Be Good cũng như How High The Moon cho thấy là nhờ vào công lao mài dũa, mà một tài năng ban đầu chỉ là một phiến ‘‘đá thô’’ lại trở thành một viên ngọc huyền quý hiếm …..
Theo nhà phê bình Mark C. Gridley trong quyển sách nghiên cứu đề tựa ‘‘Jazz Styles, History& Analysis’’, thành công của Ella Fitzgerald một phần là cũng nhờ vào sự hợp tác của ông bầu (nhà quản lý) Norman Granz. Đây là giai đoạn bà ghi âm nhiều ca khúc có tầm ảnh hưởng lớn, nâng lên hàng đầu tên tuổi của Ella Fitzgerald trong làng nhạc jazz từ cuối những năm 1940 đầu thập niên 1950.
Từ năm 1955 trở đi và trong vòng nhiều thập niên liền, giọng ca Ella Fitzgerald tung hoành trên vòm trời nhạc jazz mà hầu như không có đối thủ. Theo báo New York Times, giai đoạn huy hoàng nhất là từ năm 1956 đến 1964, thời mà Ella ghi âm cho hãng đĩa Verve 8 tập nhạc qua đó mỗi album được dành riêng cho dòng nhạc của một tác giả lớn thời bấy giờ như George Gershwin, Cole Porter, Duke Ellington, Rodgers & Hart, Harold Arlen, Jerome Kern, Johnny Mercer. Các tác giả này nay được liệt vào hàng kinh điển của nước Mỹ trong bộ vựng tập The Great American Songbook.
Trong mắt giới phê bình, đây là một trong những đóng góp đáng ghi nhớ của bà cho nền văn hoá Mỹ. Đến năm 1981, Ella Fitzgerald thực hiện một album thứ 9 dành cho tác giả Antonio Carlos Jobim người đã khai sinh dòng nhạc bossa nova của Brazil, dù rằng giọng ca của Ella không còn nhiều phong độ như xưa, nhưng nhờ Ella mà dòng nhạc jazz càng thêm phổ biến rộng rãi trong công chúng ……
Bắt đầu vào năm 1935, sự nghiệp của Ella Fitzgerald kéo dài trong gần sáu thập niên có dấu hiệu sa sút từ đầu những năm 1980 trở đi. Ella ghi âm những bản nhạc cuối cùng vào năm 1991. Chứng bệnh tiểu đường càng trở nên trầm trọng khiến cho bà phải đau đớn khổ sở trong những năm tháng cuối đời. Bà mất vào năm 1996 tại Beverly Hills, hưởng thọ 79 tuổi và được an táng tại nghĩa trang Inglewood, bang California .....
Ella Fitzgerald vĩnh viễn ra đi để lại một di sản khổng lồ về số lượng ca khúc ghi âm cho khoảng 70 album. Lúc sinh tiền bà đã đoạt vô số giải thưởng cao quý trong đó có tới 14 giải Grammy, kể cả giọng ca nhạc jazz, giọng ca nhạc pop, trình diễn xuất sắc, album hay nhất và giải thành tựu trọn đời. Di sản của Ella Fitzgerald còn khá đồ sộ về mặt dấu ấn và phong cách biểu diễn.
Theo lời nhà phê bình Michel Contat, lúc sinh tiền Ella Fitzgerald đã tạo ra khuôn thước cho cách hát nhạc jazz, mà cho tới bây giờ vẫn chưa có ai sánh bằng. Ngoài giọng ca trong sáng, Ella Fitzgerald còn có lối phát âm nhả chữ giúp cho ca từ tròn vành rõ nét, lối hát như thể tách rời từng chữ ấy giúp cho bài hát trở nên sinh động dễ hiểu, cách hát đầy ngẫu hứng nhưng vẫn luôn tôn trọng giai điệu, Ella chỉ biến tấu tung hứng với nhạc sĩ khi nào điều đó làm cho ý tứ bài hát thêm đặc sắc. Theo nhà phê bình Michel Contat, như thế nào để diễn đạt đúng ý của người soạn nhạc, thì họ chỉ cần nghe cách hát của Ella Fitzgerald là họ sẽ hiểu ngay.
Trong những năm tháng cuối đời, Ella Fitzgerald thường nói : những khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong đời bà chính là lúc bà đứng trên sân khấu. Đến khi bà bị mù đôi mắt và bị cụt đôi chân, bà sẵn sàng đánh đổi tất cả để được đứng trên sân khấu một lần nữa, để cất tiếng hát cho tới giây phút lâm chung, để vang giọng ca cho tới hơi thở cuối cùng.
Tuấn Thảo