Thân phụ tác giả
Sau khi ba tôi mất, tình cờ sắp xếp lại ngăn tủ trong phòng ông, tôi bắt gặp một quyển nhật ký màu hường, nằm lẫn lộn trong mớ sách chữ Pháp rất xưa. Quyển nhật ký với dòng chữ ngay thẳng, nắn nót, làm lòng tôi se lại, chạnh nhớ đến năm tháng thơ ấu sống bên ba, nơi vùng đất Cà Mau yên lành. Quyển nhật ký ghi lại cuộc đời trôi nổi của ông – một cuộc trôi nổi vạn dặm, từ phương bắc xuống phương nam, xuống tới tận cùng đất nước. Nhật ký ghi lại thời kỳ vua Hàm Nghi, trong đó, ông nội tôi từng là quan chức trong triều đình. Nhật ký viết, khoảng tháng 7 năm 1885, quan phụ chính đại thần Nguyễn văn Tường và Tôn Thất Thuyết nửa đêm đem đại binh tấn công vào đồn Mang Cá của Pháp. Pháp phản công, quân triều Nguyễn thua, đành bỏ kinh thành Huế trốn chạy. Hàm Nghi lưu vong lên Quảng Bình. Ông nội tôi phò vua, đành lưu vong theo. Tại đây, nhà vua ban hịch Cần Vương kêu gọi sĩ phu và dân chúng nổi dậy chống Pháp. Nhưng phong trào tan rã, vì bị hai viên chức phản bội, nửa đêm đem giặc Pháp về vây bắt Hàm Nghi. Sau đó, Hàm Nghi bị dẫn vào Sài Gòn, rồi bị Pháp đưa lên tàu, lưu đày ở vùng Algérie. Sau thời gian này, ông nội tôi treo ấn từ quan, chọn Quảng Bình làm quê hương. Kế đó, lấy vợ. Và chẳng bao lâu, bà nội tôi hạ sinh ba tôi. Như vậy, phần số nổi trôi đã vận vào cuộc đời của ba, ngay từ lúc ông còn là bào thai.
Ba tôi lớn lên trong một gia đình nho giáo, luôn lấy ngũ thường làm đầu. Ngũ thường là năm phẩm chất đạo đức: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Khổng Tử nói, con người không có năm phẩm chất đó, họ chỉ là kẻ hèn mọn, vô dụng. Sau khi thấm nhuần nho học, ba tôi bỗng cảm thấy bơ vơ giữa dòng sĩ phu lạc loài. Nho học chỉ cống hiến cho chế độ phong kiến những quan chức nô bộc, trong lúc nước nhà đang ngả nghiêng bởi thực dân Pháp xâm lược. Các sĩ phu yêu nước tham gia phong trào kháng Pháp, nhưng sớm suy tàn, vì yếu ớt và cô độc. Phần lớn sĩ phu lui về quê ẩn dật, mượn rượu tiêu sầu, hoặc làm thơ oán trách thời cuộc. Trong những đổ vỡ đó, ba tôi nhận thấy, cuộc đô hộ của đế quốc Pháp tuy phi lý và ngạo mạn, nhưng nó đã đem đến cho đất nước nhỏ bé các khái niệm văn minh tuyệt hảo, đưa đời sống con người lên tầng cao tiện ích. Từ lúc có Pháp, dân ta có thêm nhiều nghề, biết làm nhà gạch, biết xây nhà ngói để ở. Các công thự, biệt thự, dinh sở, nhà thờ.. với kiến trúc lộng lẫy, theo Pháp, mọc lên khắp đất nước Việt Nam. Lần đầu, dân ta xài được cầu tiêu máy, phông-tên nước, mạch nước ngầm…Và đặc biệt hơn nữa, chữ quốc ngữ của chúng ta được hình thành từ hai giáo sĩ truyền đạo người Bồ Đào Nha, tên Gaspar do Amaral và Antonio Barbosa. Sau đó, chữ được linh mục dòng tên người Pháp Alexandre de Rhodes cải biên lại thành quốc ngữ Việt Nam cho đến ngày hôm nay. So sánh cặn kẽ, ba tôi nhất quyết chuyển sang con đường tân học, rồi tây học. Cuối cùng ông đậu tú tài Pháp, và được chính quyền Pháp đưa vào Sài Gòn, làm thông ngôn cho một cơ quan văn khố. Chẳng bao lâu, ba tôi được giám đốc cơ quan này đề bạt quản thủ văn kiện về Việt Nam. Với chức vụ này, ba tôi đã dịch truyện Kiều của Nguyễn Du sang tiếng Pháp và lưu giữ nhiều tác phẩm văn học Việt Nam từ xưa cho đến thời bấy giờ. Vì thế, ngày nay, có những tác phẩm cổ hoàn toàn mất bóng trên văn đàn, dưới chủ trương “xóa bỏ” của đảng cộng sản Việt Nam. Các học giả đương thời muốn tìm lại, thường về văn khố Pháp, chắc chắn sẽ được như ý.
Thời thanh niên, theo lệnh của ông nội tôi, ba tôi từ nam trở về Quảng Bình lấy vợ. Tôi không biết sự việc này xảy vào năm nào, vì trong nhật ký không ghi. Chỉ biết ông đem vợ vào nam, có được hai con trai (tức là anh hai và anh ba tôi) tên Phạm văn Đạm và Phạm văn Đài. Sống với nhau chẳng bao lâu, người vợ bị bệnh qua đời. Ba tôi lâm vào cảnh gà trống nuôi con, cuộc đời công chức bị lay động từng giờ. Lúc này, nền đệ nhất cộng hòa đã ra đời. Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống, sau khi truất phế vua Bảo Đại. Năm 1954, hai anh em Ngô Đình Diệm thành lập đảng cần lao nhân vị, dựa vào chủ thuyết chính trị nhân vị của triết gia người Pháp Emmanuel Mounier.
Ba tôi thực sự là một công chức tài giỏi, có học và có quá khứ làm việc rất trong sạch. Chính quyền Ngô Đình Diệm từ lúc ban sơ, luôn tìm kiếm người tài giỏi trong giới trí thức ra giúp nước. Ba tôi được chọn làm thành phần cốt cán của đảng cần lao nhân vị, được đảng bí mật đưa xuống Cai Lậy, ngụy danh như một công chức bình thường. Ở đây, ba tôi gặp má tôi – một thiếu nữ quê mùa, chất phác, hiền hậu. Ông ngoại tôi là người giỏi võ, thích đi đó đi đây, mở võ đài giao đấu với các võ sĩ khác. Mặc dù là điền chủ, ruộng thẳng cánh cò bay, nhưng ông giao hết cho con trai, lên đường đem tài cầu danh. Ông là võ sư khét tiếng thời bấy giờ, bọn trộm cướp nghe đến danh, tay chân đã bắt đầu run lẩy bẩy. Ba tôi gặp má tôi ở trường nữ công gia chánh Cai Lậy. Trong buổi viếng thăm, lần đầu diện kiến, ba tôi đã rung động trước sắc đẹp mộc mạc của bông hoa đồng nội. Ông tức tốc nhờ người trầu cau mai mối, và dĩ nhiên, trước uy danh của người công chức đàng hoàng, má tôi dễ dàng rơi vào vòng tay ba tôi một cách êm ái. Chỉ tội nghiệp vị võ sư lừng danh, ông đành bất lực trước sức mạnh tình yêu đôi lứa.
Vì nhu cầu công vụ, ba thuyên chuyển liên miên. Ba về Bạc Liêu. Ba xuống Cà Mau. Nơi đâu, Má tôi cũng theo ba, tận tụy phục vụ ông những bữa cơm ngon lành và lần lượt cho ra đời những đứa con trai – theo má, là quí tử tương lai. Ở Cà Mau, tôi được sinh ra trong một nhà thương Pháp, bên cạnh ngôi biệt thự bề thế xây theo kiểu Pháp, sau này là nhà của thầy Hoàng – giáo sư Pháp Văn trường trung học An Xuyên. Đến đây, tôi chợt nhớ đến bài thơ “chữ Nhàn” của cổ nhân Nguyễn Công Trứ:
“…Thoắt sinh ra thì đà khóc chóe
Trần có vui sao chẳng cười khì?”
Đứa trẻ vừa sinh ra, khóc chóe một lúc thì ngưng. Má tôi kể lại, riêng tôi, chẳng thèm ngưng, cứ há họng khóc hoài khóc mãi, khóc cho tới khi ẵm về nhà, rồi khóc tiếp từ ngày cho tới đêm, từ đêm cho tới ngày. Tôi cứ khóc riết, khóc riết, khiến ba má tôi muốn điên đầu, bồng tôi đi chạy chữa khắp nơi, dù nơi đó có xa xôi hiểm trở cách mấy, má vẫn lặn lội tìm đến. Vậy mà tôi khóc cứ khóc, như trêu chọc mọi người, như sợ hãi trần thế, như báo hiệu điềm xấu sắp xảy ra trong tương lai. Cuối cùng, tây y bó tay. Đông y lắc đầu. Mẹ tôi chán nản, đành bồng con tìm đến thầy pháp, với chút hy vọng cầu may. Trong căn nhà sực nức mùi nhang, ông đặt tôi nằm bẹp trên chiếc bàn cao, rồi múa máy quay cuồng với một bó nhang cháy bùng như cây đuốc. Thấy lửa và thấy người ngợm khác thường, tôi càng khóc dữ dội. Tôi uốn éo, lăn lộn và kinh hãi thét lên liên tục, khiến má tôi phải chạy đến ôm chặt tôi vào lòng, nước mắt tuôn rơi lã chã. Đau khổ vì bệnh tình kỳ lạ của tôi, đêm nào má cũng thức trắng dỗ con, và nguyện cầu Trời Phật đoái thương phù hộ cho tôi tai qua nạn khỏi. Chẳng biết có phải lời nguyện cầu nỉ non của má tôi làm động lòng Đấng Bề Trên, hay tài phù phép nổi danh của thầy pháp? Sau một thời gian, tôi bỗng hết bệnh. Và được trở về xum họp gia đình với một tấm lắc bùa đeo trên tay cùng với cái tên lạ hoắc khác: Săng Mây. Từ đó, cái tên này được thông dụng trong nhà và cả ngoài đường, ngoại trừ ở chốn học đường.
Má kể lại, từ khi sinh tôi ra, gia đình tự dưng sung túc một cách lạ thường. Ba tôi được thăng quan tiến chức, được chính Tổng Thống đề cử nắm giữ chức vụ quan trọng trong guồng máy chính quyền thuộc tỉnh Cà Mau. Ba làm việc rất hăng say và uy tín, nên được mọi người kính nể, cấp trên yêu thương, cấp dưới quí trọng. Suốt thời gian đó, má tôi ở nhà nuôi con, nội trợ, giúp ba trong công việc gia đình. Má quản lý tiền bạc, chi tiêu dè sẻn, tiết kiệm từng cắc từng đồng, chẳng bao lâu bà dành dụm được một số tiền lớn. Má bắt đầu tung tiền ra cho vay. Má chọn mặt gởi bạc. Đa số con nợ là các bà lớn, các mệnh phụ phu nhân, chủ chợ, , chủ khách sạn, chủ rạp hát…v…v…Mỗi tháng, các bà kéo nhau đến nhà để trả góp. Bà nào trên tay cũng cầm một món quà, bày ra chật nhà. Lúc đó, anh em chúng tôi chẳng thua gì các cậu công tử con, không thiếu thứ chi, đi đâu ở đâu cũng đều có kẻ hầu người hạ. Khi cuộc sống đủ đầy, ba tôi bắt đầu mơ tới một căn nhà mới, do chính ba dựng lên và làm chủ. Ba tôi đi khắp nơi tìm đất. Cuối cùng, ba chọn một vùng đất ở tả ngạn con kinh mười sáu. Nơi đó, nửa thành thị nửa thôn quê, không khí rất trong lành vì gần gũi với thiên nhiên hoang dã. Nơi đó, gần rạp chiếu bóng Huỳnh Long, đêm đêm rực sáng ánh đèn, là chỗ tụ hợp đám con nít hàng xóm đến đây đùa giỡn, là chỗ để tuổi thơ anh em chúng tôi – bắt đầu nhen nhúm những kỷ niệm đáng yêu.
Ngôi nhà được ba tôi dựng lên một cách khang trang. Nó có hai căn rõ rệt. Căn trước gồm phòng khách, có bàn thờ tổ tiên và các phòng ngủ. Căn sau là nhà bếp rộng lớn, ba cố ý làm như vậy để các bà các cô có chỗ ngồi thoải mái phụ việc, khi gia đình có giỗ tết. Hai căn cách nhau một khoảng trống chừng vài thước, nơi đó ba đặt hai hàng lu để chứa nước mưa và cũng là nơi tắm rửa, giặt giũ. Ngôi nhà lợp tole từ trước tới sau. Nền tráng xi-măng cao ráo. Có một khoảng sân rộng phía trước cho ba tôi đặt các chậu kiểng và má tôi trồng các cây ăn trái. Ba tôi cũng không quên chừa một khoảnh đất cho anh tôi dựng thanh xà ngang tập thể dục. Từ hiên nhà ra tới lối đi khoảng vài chục thước, ba tôi làm một con đường nhỏ tráng xi-măng, xuyên qua sân vườn rất đẹp mắt. Giữa vùng ngoại ô, ngoài ngôi nhà ngói to lớn của ông Chín Chúc, ngôi nhà ba tôi nổi bật thứ hai trong cái xóm Huỳnh Long hiền lành và mộc mạc này. Ở được vài tháng, má tôi hốt thêm vài chưn hụi, cất thêm một căn nhà nữa để cho mướn. Vốn là thiếu nữ nhà quê chuyên sống trong gia đình nông dân, má tôi không chịu nổi cảnh đi ra đi vào như một phu nhân khuê các, nên chạy ra đường cái cất lên cái quán tạp hóa buôn bán cho vui.
Mỗi tháng, ngoài tiền lương của ba, má có thêm lợi tức rất khá từ căn nhà cho mướn, cùng cái quán và các con nợ. Má mướn hẳn một chị vú để trông nom anh em chúng tôi. Tôi còn nhớ tên chị ấy là Khê. Chị Khê đẹp, mộc mạc, có mái tóc dài xõa xuống bờ vai, có đôi mắt luôn u buồn, như mang trong lòng một tâm sự khổ đau nào đó.. Lúc này, anh em chúng tôi có tất cả năm người. Anh lớn nhất tên Phạm hữu Nghĩa. Anh kế tên Phạm quí Hiệp. Rồi đến tôi. Rồi sau đó là hai người em: Phạm ngọc Báu và Phạm tứ Quí. Cà Mau quê mùa, cuối đất cùng trời trên bản đồ Việt Nam. Trường học ít, lớp học chẳng tới đâu. Nhận thấy sự học ở đây hẹp hòi như vậy, má đưa anh Nghĩa lên học Sài Gòn, hy vọng anh có cơ hội mở mang kiến thức hơn. Đồng thời má rước gia đình chị Mau, là con của em ruột má (đã mất rồi), nuôi nấng. Chị Mau và bốn đứa con còn nhỏ dại lục tục kéo về, nhập bọn với chúng tôi thành một lũ trẻ chuyên ăn hại. Chồng chị Mau là lính thiết giáp, vừa tử trận ở chiến trường Tây Ninh. Chồng chết, chị bơ vơ giữa dòng đời, như chiếc lá trôi sông.
Nhà đông người, nhất là có thêm một bầy cháu bên vợ, nhưng ba tôi vẫn điềm đạm, sống hiền lành như nhà tu. Mỗi đêm, ba rót trà, cung kính thắp nhang lên bàn thờ tổ tiên. Rồi âm thầm ngồi ghế hoặc bộ ván trước nhà, nghe cổ nhạc trung phần phát ra từ cái radio to tổ bố. Hồi đó, radio rất lớn, nó lớn hơn radio ấp chiến lược sau này. Pin dùng cho radio cũng không kém, cục nào cục nấy nặng như cục gạch lót nhà. Pin hát chừng một tháng là hết, ba tôi phải đạp xe ra tiệm Quang Tuyến ở dốc cầu quây, mua về cục khác. Ngược lại, má tôi thích cải lương. Má mê vọng cổ của những nghệ sĩ có chữ Út đứng đầu, như: Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Út Hiền, Út Hậu…Cà Mau chỉ có rạp Huê Tinh là hát cải lương. Gánh hát ở phương xa tới. Có gánh đi bằng ghe bầu. Có gánh chở bằng xe hàng hoặc xe đò. Bất cứ gánh nào, má tôi cũng đều có giấy mời ghế thượng hạng. Và đêm nào cũng vậy, má dẫn tôi vượt gần hai cây số đường bộ, ghé chợ bắt ăn một tô cháo gà cho no bụng, trước khi vào rạp coi hát. Coi riết, tôi nhiễm tuồng, bắt chước người lớn, cũng lập ra gánh cải lương đồng ấu, cậu cháu chia vai nhau hát. Hiên nhà là sân khấu. Khán giả là lũ trẻ hàng xóm. Tiền vào cửa là những cọng dây thun. Tuồng tích là những tập sách cải lương nho nhỏ, thời đó, người ta in ra bán đầy ngoài chợ. Hát hay, lũ trẻ vỗ tay khen thưởng. Hát dở, chúng nó la ó phản đối, rồi xông vào cướp lại dây thun. Thế là có một cuộc đánh lộn xảy ra rất ngoạn mục.
Tuổi thơ của tôi rất dữ dội. Chẳng những khoái tập họp lũ trẻ phá làng phá xóm mà còn muốn làm người hùng – lãnh đạo các con nít trong ấp. Tôi dám thách đánh với những thằng lớn hơn tôi một cái đầu, chấp luôn nó cầm dao hay cầm cây. Có lần tôi đá một thằng cầm dao múa may xuống ao, và tiếp tục đánh khi nó cố trườn lên bờ…cho đến khi kẻ thù chịu đưa hai tay đầu hàng mới thôi. Tuổi thơ tôi cũng có lúc êm đềm, phẳng lặng như mặt nước ao hồ, khi mùa nắng ra đồng bẩy chim, hoặc xuống kinh đặt cua, câu cá. Mùa mưa, nước ở sông tràn vô kinh. Từ kinh, nước lại tràn vô ao hồ. Mưa lớn, nước tràn qua các con đường, cá rô mề trườn theo để lên chỗ cạn đẻ trứng. Lũ trẻ chúng tôi lại có dịp tắm mưa, thuận tay xách thùng theo bắt cá. Cà Mau, đặc biệt là xứ của một loài cá, gọi là cá chốt. Cá chốt nhỏ con, có ba ngạnh: hai ngạnh ở hai bên mang và một ngạnh trên vai cá. Thời đó, Cà Mau không ai ăn cá chốt. Có chăng, nó chỉ dùng nuôi heo, hoặc người Khờ Me làm mắm.
Về Cà Mau, du khách bao giờ cũng không quên hai câu thơ này:
“Cà Mau nước chảy lờ đờ
Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu.”
Cà Mau là vùng đất hoang vu, khỉ ho cò gáy. Trên bờ, muỗi kêu như sáo thổi. Dưới nước, đỉa dềnh như bánh canh. Ngày xưa, Mạc Cửu đã đưa người Hoa đến đây khai phá lập nghiệp, đa số là người tiều (tức Triều Châu). Họ làm ăn, buôn bán, khẩn đất trồng trọt, rồi sinh con đẻ cái ở đây, gần ba trăm năm nay. Cà Mau, vì thế, có những dãy phố lầu người Hoa xung quanh chợ và dọc theo các con đường chính. Dãy phố bao giờ cũng có hai tầng, hình dáng rất cổ kính và trang nghiêm.
Anh Hiệp tôi là một tay lực sĩ có tiếng ở xóm Huỳnh Long. Anh chịu khó đến phòng thể dục kéo tạ mỗi ngày, và sáng nào cũng phóng lên cây xà ngang trước nhà, dùng thân xoay tới xoay lui như chong chóng. Lớn lên chút nữa, anh tôi mê đàn mandoline. Những lúc ra quán thay má, anh chỉ cần ôm đàn chơi vài bản, khách khắp nơi kéo đến mua kẹo bánh, bán không muốn kịp. Thời gian này, đờn ca tài tử nổi lên ở Cà Mau. Ngoài nhà lồng chợ, có anh Sơn hớt tóc rành sáu câu. Anh đờn theo kiểu Văn Vỉ, những ngón tay chạy trên phím đờn làm toát ra thứ âm thanh trầm buồn não nuột. Anh thường vác đồ nghề xuống xóm Huỳnh Long vừa đờn vừa hát. Đêm trăng sáng, trước sân nhà tôi, đám con nít quây quần nhau nghe, trong không gian lành lạnh của những ngày giáp tết. Anh Hiệp tôi lụy cải lương từ đấy. Anh nhận anh Sơn làm sư phụ, và chẳng mấy chốc, anh trở thành tay đờn điêu luyện đến mức làm tan gan nát ruột biết bao cô gái.
Ngay lúc nghe tiếng đàn thần sầu của anh Sơn và anh Hiệp, lâu dần, hình như nó thấm vô tim, và tôi bỗng dưng đổi tính rõ rệt, Từ một đứa trẻ ngang tàng, tôi trở nên hiền lành, ngoan ngoãn. Tôi học xuất sắc trong lớp. Năm nào cũng được lãnh thưởng. Năm nào cũng đem vinh dự về cho ba má, cho gia đình. Tôi được nuông chìu nhất nhà. Những món ngon vật lạ – tôi thích – bất cứ ở đâu, má cũng kiếm cách tìm về, dành dụm cho tôi. Mỗi đêm, sau khi học bài, tôi đều có một tô cháo nóng với dĩa thịt xá xíu thơm lừng. Món này, má phải rọi đèn pin, tự lần mò ra rạp Huỳnh Long để mua ở quán của một ông tiều hàng xóm. Ông tiều cũng thương tôi, mỗi khi có củ lẳng (đùi heo quay đã lóc hết thịt), ông ưu ái gởi má đem về tặng tôi. Củ lẳng cạp rất khoái, những sớ thịt càng dính sát xương càng mềm, thơm và ngon. Nhưng phần thưởng quí giá nhất, đối với tôi, là những món quà lạ từ Sài Gòn mà anh Nghĩa tôi mang về. Thời đó, xe đò Sài Gòn – Cà Mau chạy luôn ban đêm. Muốn về quê, anh Nghĩa chỉ cần xách hành lý lên xe đò khoảng năm giờ chiều, nằm ngủ một giấc, bốn giờ sáng thức dậy đã có mặt ở Cà Mau. Vì thế, mỗi lần anh tôi về, tôi đều không hay. Chỉ bừng thức giấc, khi có một nụ hôn rơi nhẹ lên má. Giật mình, mở mắt ra, tôi đã thấy nụ cười anh lung linh dưới bóng ngọn đèn dầu. Và điều làm tôi sung sướng nhất, chính là những món quà lạ lũng lẵng trong bàn tay anh Nghĩa.
Gia đình chúng tôi sống yên ấm chẳng được bao lâu, bỗng chốc xao xác như chim bị phá tổ. Ngày 1 tháng 11 năm 1963, chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ tan tành. Ngày hôm sau, các tướng lãnh đảo chính ra lệnh giết Tổng Thống và cố vấn Ngô Đình Nhu bằng lưỡi lê và súng trong chiếc xe bọc thép M113. Cả hai người đều bị hành hung trước khi bị bắn thê thảm. Chế độ sụp đổ. Đảng Cần Lao Nhân Vị tan hoang. Các tướng lãnh sợ hậu quả, nhất quyết truy lùng những đảng viên chủ chốt, những tay chân thân tín của Ngô Đình Diệm. Có rất nhiều người bị giết và bị bắt trong hoàn cảnh đau thương này. Ba tôi cũng rơi trong trường hợp đó. Sinh mệnh như chỉ mành treo chuông, nếu không nhanh tay nâng chuông, chỉ mành sẽ đứt ngay. Hình ảnh ba từ giã má tôi để lên đường trốn chạy, cứ mãi ám ảnh trí nhớ tôi như một vết ố, không thể nào tẩy sạch được. Dưới ánh đèn mù mờ, ba cải trang như nông dân, trà trộn vào đám buôn chợ, tìm cách thoát khỏi Cà Mau. Má và anh em chúng tôi ôm nhau, nước mắt tuôn dòng, nhưng cố cắn răng để không bật thành tiếng kêu ai oán.
Ba đi, gia đình tôi suy sụp một cách nhanh chóng. Má tôi lần lượt bán từng căn nhà. Anh em tôi lần lượt gia nhập quân đội, phục vụ trong chế độ của nền Đệ nhị Cộng hòa. Oái oăm thay! một chế độ đã từ bỏ, loại trừ ba tôi, ngay lúc khởi đầu.
Phạm Hồng Ân
(Hiên Thư Các, 19/03/2017)