có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 3 25, 2016

Lò Cừ Nung Nấu Sự Ðời



Thằng con trai út của tôi tên Lâm Bình, ngoại hiệu Cu Ðen, vừa tròn mười tuổi. Sau khi cắt bánh mừng sinh nhật và hát bài Happy Birthday, nó tuyên bố rằng, từ đây không còn muốn nghe ai gọi tiếng Cu kèm theo tên Ðen nữa. Mấy thằng bạn nhỏ của nó, ngoài những đứa Việt Nam, còn có Mỹ, Tàu, Ðại Hàn, Thái Lan và Phi luật Tân. Những thằng này không biết tiếng Việt. Cu Ðen phải làm thêm một màn thông dịch bằng tiếng Anh.

Nghe xong, chúng trố mắt nhìn nhau, không hiểu lý do.

Một thằng nhỏ Việt Nam, chỉ tay xuống háng: "Cu là cái này."

"Thế còn Ðen?" "Black."

Chừng như chúng hiểu ra cái nghĩa Cu Ðen, nên phá lên cười muốn vỡ nhà.

Cu Ðen trừng mắt: "Tụi mày cười, tao không chơi với tụi mày nữa."

Một thằng Mỹ con, đề nghị: "Bỏ chữ Cu, thêm chữ Ny sau tên Ðen, thành Danny."

Một ý kiến hay, được Cu Ðen chấp nhận, và cả bọn vỗ tay tán thành. Từ đó, thằng con tôi trở thành Danny, một cái tên ngoài giấy tờ khai sinh. Kỷ niệm sinh nhật năm thứ mười, cũng là kỷ niệm ngày đổi tên. Nhưng cái tên mớI này, cũng chỉ có giá trị với những thằng bạn của nó thôi. Còn cả nhà đã quen với tên cũ, không ai chịu gọi nó bằng Danny. Mỗi bên nhượng bộ một chút. Thằng nhỏ hết thấy khó chịu. Và người nhà cũng không ngượng miệng phải gọi một tên mũi tẹt da vàng bằng tên Mỹ. Chỉ gọi là Ðen. Tiếng Cu đã lỗi thời, đi vào quá khứ. Thật ra, cu còn có nghĩa khác, chứ không phải đơn thuần hàm chỉ bộ phận sinh dục của giống đực. Trong trường hợp con tôi, cu có nghĩa là đứa bé trai. Nhưng khi nhạo báng nhau, người ta không chịu hiểu theo cái nghĩa này.

Không phải tùy hứng mà đặt tên con là Cu Ðen, một biệt hiệu ngoài giấy tờ khai sinh. Tất cả đều có nguyên nhân của nó.

Tôi có đứa con gái đầu lòng, đặt tên Khuê. Loay hoay tìm chữ lót. Thị Khuê, thường quá. Ngọc Khuê, có vẻ cải lương. Sao Khuê, tên nghe được, không trùng với ai. Nhưng nếu có người hỏi nghĩa là gì, thì trả lời làm sao? Trên trời có vì sao nào là sao Khuê không? Tôi mở từ điển Hán Việt ra, tra chữ khuê, thì thấy khuê là một vì sao trong nhị thập bát tú. Thế là yên chí, đặt tên con gái là Lâm Sao Khuê.

Năm Sao Khuê chập chững tập đi, thế nước đổi thay. Tôi gặp hồi mạt vận, sa chân xuống hầm tai vạ. Thế mà trước đó một năm, lão thầy bói lừng danh ở Sài Gòn, dám đoan chắc rằng sang năm Ất Mão, đời tôi sẽ lên như diều gặp gió.

Lão lý luận nghe rất phấn khởi: "Cậu đang đi lính, lại thuộc tuổi Ngọ. Vậy cậu là con ngựa thứ dữ. Ngựa chiến, chứ không phải ngựa kéo xe tầm thường. Gặp năm Mão là năm con mèo. Mèo là con vật quanh quẩn xó bếp, dám đâu cự lại ngựa nòi? Ngựa cứ thênh thang đường ngựa, mèo chỉ trơ mắt ngó mà thôi."

Thấy tôi còn đang bồi hồi vì một tương lai rực rỡ, lão bồi thêm cú chót để giữ vững niềm tin. Lão chồm về phía tôi, nói nhỏ như sợ có người nghe thấy: " Nói thật với cậu, ai thuộc tuổi Tí, mà bước sang năm Mão, thì đời thê thảm lắm. Mèo là khắc tinh của chuột. Chuột gặp mèo, nếu không vong mạng, cũng lắm tai ương."

" Người tuổi Tí đến đây coi quẻ, thầy có cho họ biết điều đó không?" Tôi hỏi.

Lão ra vẻ hốt hoảng: "Ấy chết! Mình đâu nỡ báo tin buồn quá sớm. Ðể cho con người ta vui được ngày nào hay ngày ấy."

Trời xui đất khiến, trong tù, tôi gặp lại lão thầy bói. Lão ở tù vì cái tội bày trò mê tín dị đoan.

Tôi nhắc lại chuyện cũ, và nói: "Con ngựa chiến sút móng, không "dzọt" được. Gặp con mèo, đành phải hoán đổi vị trí. Ngựa lui vào nằm co xó bếp, nhìn mèo diệu võ dương oai."

Suy ngẫm một hồi, lão thầy bói nói: "Ngày ấy, cậu không cho tôi biết một chi tiết hệ trọng trong gia đình. Ðứa con gái của cậu tuổi Sửu. Nó ra đời thì cậu thất thế. Con trâu là khắc tinh của con ngựa. Trâu ngựa không thể cùng chuồng. Trâu vào, ngựa phải ra đi. Nếu ngựa ở lại, sớm muộn gì cũng bị trâu chém đổ ruột. Cậu đi tù là xui, nhưng xa con trâu thì tính mạng được bảo toàn, khỏi bị triệt"

Một lần khác, ông lại thủ thỉ với tôi: "Sau nhiều đêm chiêm nghiệm, tôi mớI thấu được lẽ thiên cơ. Nói để cậu yên tâm. Tụi nó không làm gì mình được đâu."

Tôi chán: "Ở tù, bị hành xác, đói gần chết. Óng bảo tụi nó không làm gì được mình?"

"Ối..., chỉ là chuyện nhỏ, không đáng kể. Ðời người, ai lại không có lúc hoạn nạn. Cậu có nghe câu sấm truyền "Mã đề, dương cước, anh hùng tận" không?"

"Có nghe, nhưng mỗi người giải đoán một kiểu. Chẳng đâu vào đâu."

"Này nhé. Nhiều người giải thích, mã đề là chân ngựa, hoặc móng ngựa, đều không hợp với câu sấm. Nói theo Hán tự đàng hoàng, mã đề là ngựa cất lên. Nguyên câu có nghĩa thế này, ngựa cất lên, dê bước tới, anh hùng tận số. Chỉ còn ba năm nữa là tới năm Ngọ, tụi mình sẽ vùng lên. Nhất là tuổi Ngọ của cậu mà lại gặp năm Ngọ, sẽ phất rồng gặp mây. Khởi sự sang năm Mùi, tụi nó sẽ chết không đủ đất chôn."

Tôi ngồi im lặng. Biết những gì lão thầy bói nói là chuyện hão huyền, nhưng vẫn muốn nghe như một an ủi trong những ngày buồn thảm.

"Tụi nó khoác lác huênh hoang tự xưng anh hùng. Ứng với điềm trời, anh hùng tận. Mình mất Miền Nam, nhữngngười không thông đạt ý trời, bỏ chạy ra nước ngoài. Những người còn lại bị tù, nhưng tướng tinh vững như bàn thạch. Chờ vài năm nữa thôi. Ðể rồi cậu coi, tụi nó chạy đâu cho thoát? Ngày quật khởi thành công, những anh tướng anh tá từ ngoại quốc sẽ lục tục quay về, nhưng chỉ được đứng chầu rìa, không cho tham gia vào chức vụ gì cả. Lúc đó, vàng thau đã tỏ rồi."

Bám lấy hy vọng mà sống. Ba năm không thấy gì. Gọng kềm siết mạnh hơn. Bốn năm trôi qua. Ðời càng thê thảm. Lão thầy bói bỏ xác trong tù. MườI năm sau, tôi về quê cũ, lao đao khốn khó. Ðứa con gái đầu lòng, Lâm Sao Khuê mười hai tuổi, xạm mốc, ốm o, gầy mòn. Dù nghèo nàn cơ cực, nhưng tôi vẫn muốn có thêm thằng con trai nối dõi.

Vợ nói: "Khổ quá, còn đẻ làm chi?"

Tôi nói: "Phải đẻ."

"Nếu không được con trai?"

"Tiếp tục đẻ nữa. Chừng nào ra thằng con trai thì thôi."

Năm sau, vợ sinh con trai. Có người bảo tôi tù rạc nhiều năm, tinh lực bị vắt cạn, tưởng không còn đủ sức có con. Tôi nói, hạt giống của tôi rất tốt, chỉ cần gieo xuống mảnh đất mầu mỡ là nẩy mầm ngay. Ðược dịp tán dóc, tôi còn bày cho mọi người cái phương pháp sinh con trai, con gái theo ý muốn. Với điều kiện, khi làm tình phải theo đúng bài bản chỉ dẫn. Kết quả, nhiều đứa bé ra đời. Có người được như ý, có người không như ý. Cũng may, ai sinh con, hễ thấy mặt thì thương. Dù không như ý, nhưng không có đứa bé nào bị bóp mũi, hoặc thả trôi sông.

Thằng con trai nối dõi tông đường, tôi đặt tên Lâm Khang. Xui cho thằng này. Gặp thời tai kiếp, tôi nghèo quá, phải bồng con đi ở đậu dưới chái hiên, bên hông nhà của một người quen. Chái hiên lợp tôn. Chung quanh chắn gió bằng những mảnh bìa carton. Chỉ chừa cái cửa ra vô, nhỏ như lỗ tò vò. Bên trong, đặt vừa vặn một chiếc giường. Trưa mùa hè, chui vào gian phòng nhỏ này, nóng hừng hực như lò lửa thiêu người. Thằng con tôi khóc hoài, không chịu ngủ. Tôi phải treo chiếc võng cho nó nằm, dưới bóng mát cây xoài. Trưa trưa, vợ ngồi đưa võng, hát những câu ru con buồn não nuột:

Má ơi, dừng gả con xa 
Chim kêu vượn hú, biết nhà má đâu? 
Chim xa cành còn thương cây nhớ cội 
Người xa người tội lắm, ngưới ơi.

Nghe thảm quá, tôi kêu lên: "Em ơi, đừng rên rĩ những câu đứt ruột ấy nữa. Hãy hát nhạc vàng cho nó nghe."

Vợ nói: "Hát nhạc vàng, bị Công An còng đầu."

"Thì hát nhạc đỏ, nhạc cách mạng."

"Anh nghĩ con mình có chịu được với loại nhạc thế này không? Ai nhanh tay vót bằng tay em. Bao mũi chông nhọn hoắt căm hờn..."

Tôi xua tay: "Thôi, thôi. Thằng nhỏ mà nghe nhạc này, lớn lên nó sẽ mọc nanh thành quỷ, hút máu người."


Tôi xin được cái radio cũ, ngày ngày cho nó nghe đờn ca vọng cổ. Lâm Khang được hai tháng tuổi, bi tướt. Mỗi ngày, năm ba lần chảy té re chất nước lợn cợn màu vàng nhạt. Mấy bà già láng giềng bảo nó bị đẹn ỉa, phải lể đẹn mới xong. Thằng nhỏ bị căng họng, kéo lưỡi, lể bằng kim may. Nó giãy giụa, khóc gần đứt hơi tím mặt. Tôi nóng ruột, không cho điều trị theo phương pháp cổ truyền nữa. Hai tháng rưởi. Nó tiếp tục lên cân, nhưng vẫn còn tướt. Tôi quyết định đem con đi khám ở bệnh viện Nhi Ðồng I. Sau khi nghe tôi nói nó bị ỉa, bác sĩ cho nhập viện ngay, khỏi cần khám.

Chẳng biết khoa con tôi nằm, là khoa gì. Khi nói chuyện với nhau, mọi ngườI gọi là Khoa Ỉa. Cũng có lý. Ðã có Xưởng Ðẻ, thì có Khoa Ỉa là chuyện bình thường. Vào đây, tôi mới thấy hết được cái tính "khó khăn khắc phục" của nền y khoa xứ mình. Phòng lớn, chứa hai mươi giường. Mỗi giường, có hai em bé nằm thoi thóp. Một đứa nằm đầu trên, một đứa nằm đầu dưới. Chưa kể một số khác, trải những manh chiếu nhỏ, nằm dưới sàn. Con tôi may mắn, được nằm trên giường, chỗ của một bé gái vừa "đi đứt". Mặt giường trảI nylon, để các em tiểu tiện không bị thấm xuống nệm. Cái ghê tởm là đứa này ỉa, chảy tràn ướt lưng đứa kia. Khiếp! Sau hai ngày, tôi đem con xuống nằm dưới sàn. Nhường chỗ trên giường cho một người vừa mới ẳm con đến. Người ấy cám ơn tôi. Trong một nơi chốn, người ta bon chen tranh giành từng chút, chịu nhường nhau một tiện nghi nào đó, lòng tốt ắt phải có lý do.

Mỗi buổi sáng. Mọi người phải ẳm con ngồi sắp hàng trước phòng bác sĩ, chờ khám theo thứ tự. Bác sĩ Khoa Ỉa, không bao giờ bước chân vào phòng bệnh nhân. Dụng cụ hành nghề của bác sĩ, võn vẹn một quyển sổ ghi toa thuốc, và một cái ống nghe. Mang ống nghe như một dấu hiệu biểu trưng cho cương vị bác sĩ, chứ không phải để sử dụng. Vì thế, đi vào phòng ăn, hoặc vào quán tạp hoá trong khu vực bệnh viện, bác sĩ cũng đeo ống nghe, để phân biệt vớI người thường. Và một điều đáng nễ khác, khi khám bệnh, bác sĩ không hề đụng tay vào người các em bị ỉa. Có lẽ, am tường môn vi trùng học, nên tuyệt đối giữ vệ sinh. Ông chỉ liếc sơ qua cái mặt đờ đẫn, là biết được bệnh trạng ra sao. Tay viết lia lịa lên mảnh giấy, rồi xé cái rẹt, trao cho thân nhân người bệnh. Ðây là cái toa thuốc, nhưng tôi không đọc được chữ gì cả. Giống những ký hiệu về âm nhạc. Nếu gộp chung nhiều cái toa, trao cho một nhạc sĩ, có thể đàn được bản nhạc hay.

Mọi người kháo với nhau: "Ông này là bác sĩ ngụy của mình hồi trước, được cách mạng lưu dụng." 

"Sao biết?"

"Nhìn cách viết thì biết ngay. Bác sĩ cách mạng, viết chậm như rùa. Bác sĩ mình, viết nhanh như gió."

Tôi tin tưởng "bác sĩ mình". Cầm toa thuốc lên Phòng Y Dược. Chắc cô phát thuốc cũng là "dược sĩ mình" đã quen đọc ký hiệu, nên liếc qua cái toa, biết ngay thuốc gì. Cô mở lọ này, trút chai kia, trao tôi một bụm thuốc.

Thằng con tôi mới hai tháng rưởi, làm sao nuốt nổi một bụm thuốc thế này? Hình như thuốc nội hoá cần lượng hơn phẩm.

Một số người xấu miệng nói, đôi khi chỉ là bột mì, tinh chế thành viên. Dù mỉa mai chế độ, nhưng không phải không có lý. Câu nói hàm chỉ được một phương cách trị bệnh bằng tinh thần. Từ lâu rồi, ngành y khoa đã thừa nhận rằng, kết hợp yếu tố tinh thần, trong việc điều trị bằng thuốc men, cũng đem lại kết quả rất khả quan. Người xưa còn biết, cái tâm ảnh hưởng rất lớn đến cái thân, nên chủ trương lấy tâm làm gốc. Thân tâm không lìa nhau. Hễ tâm bệnh thì thân bệnh.

Tâm vừa máy động, họa phúc liền sinh 
Ðiềm đạm hư vô, bệnh nào phát khởi.

Quỷ vương lộng hành thời mạt pháp. Trật tự xã hội xô bồ rối loạn. NgườI người lao đao, cái tâm vọng động không yên, nên sinh lắm bệnh tật. Ra đường, thấy thiên hạ tất tả ngược xuôi, mặt mày lo âu hoảng hốt. Những khuôn mặt ấy, trước sau gì cũng vào bệnh viện. Và vào đây, mới biết thế nào là ý nghĩa của những viên thuốc trị về tâm.

Tôi nhớ lúc còn trong tù, mọi thứ bệnh: nóng lạnh, nhức đầu, đau bụng, ỉa chảy, yếu tim, nám phổi, ho hen..., tất cả đều được cấp phát cùng một loạI thuốc Xuyên Tâm Liên. Vậy, Xuyên Tâm Liên là thuốc về tâm, trị bá bệnh. Ai chịu, thì tiếp tục sống. Ai không chịu, thì chết. Chết vì tâm bệnh, chứ đâu phải vì thuốc? Hiện nay, chưa có một nước văn minh hiện đại nào trên thế giới, chế được loại thuốc trị bá bệnh, như Xuyên Tâm Liên của nước Việt Nam ta.

Ðã nói đến tài ứng biến, và sáng tạo thần sầu của cách mạng, phải nói cho hết, Trong thời gian đi tù, có lần tôi bị chứng bệnh kỳ lạ. Ðầu gối sưng nhức, và đái gắt. Dùng Xuyên Tâm Liên cả tháng trời không khỏi. Có lẽ, tâm bệnh quá trầm trọng. Tôi năn nỉ y tá của trại, cho tôi lên nằm bệnh xá để điều trị.

Y tá nói: "Muốn chuyển lên bệnh xá, phải ghi rõ bệnh gì? Nhưng anh khai lung tung, tôi không đoán ra, làm sao chuyển?"

Tôi cố nài: "Xin cứ ghi bừa vào một chứng gì cũng được, lên đó rồi tính sau."

Suy nghĩ một lúc, y tá hỏi: "Khi còn làm lính ngụy, anh có bị bệnh xã hộI không?"

"Bệnh xã hội là bệnh gì?"

"Chẳng hạn như tiêm la, lậu mủ, giang mai, mồng gà..."

"Có bị vài lần." Tôi nói.

Y tá gục gật đầu: "Anh đái gắt. Tôi ghi là bệnh tiêm la tái phát nhé?"

"Nhưng phải cho tôi biết tiêm la có hiện tượng ra sao, để tôi khai với bệnh xá."

"Cái bệnh này gây đau nhức dương vật, nếu không điều trị kịp thời, con vi trùng sẽ ăn mất cu."

Tôi cầm mảnh giấy lên nộp cho bệnh xá. Rồi sắp hàng, ngồi cùng với những anh em các trại khác quy tụ về đây. Chờ kêu tên. Bác sĩ xướng danh từng người, kèm theo chứng bệnh.

Tới phiên tôi, bác sĩ gọi: "Nâm Chương. Bệnh tiêm na."

Tôi đứng lên. Bao nhiêu con mắt kinh ngạc mở lớn, đổ dồn về phía tôi như dò hỏi. Vào tù cả năm rồi, làm sao thằng này chui ra ngoài được, chơi đĩ đến nỗi mắc bệnh "tiêm na"? Tôi nóng ran cả người vì ngượng.

Bác sĩ hỏi: "Có đau nhiều không?"

Tôi nói: "Chỉ đái gắt, và đầu gối sưng nhức."

"Bậy! Từ dương vật, sao lại chạy xuống đầu gối?" Ông đưa ngón tay chỉ:

"Vào phòng tiêm thuốc cho khoẻ."

Ðúng là lương y như từ mẫu. Ông không hạch hỏi lôi thôi, cũng không hề tỏ ra khó chịu vì căn bệnh xã hội của tôi. Ông chỉ lo cho sức khoẻ bệnh nhân.

Vào phòng tiêm. Tôi thấy nhiều chai nước ngọt hiệu con cọp, và xá xị hiệu con nai, sắp đầy trên những ngăn kệ. Có chai chứa nước màu xanh, có chai chứa nước màu đỏ. Miệng chai được bịt kín bằng miếng nhựa nylon, có quấn dây thun.

Anh y tá hoà hai thứ nước xanh đỏ vào chung trong một cái ly. Ðưa cây kim vô ly, bơm đầy ống tiêm. Mỗi người bệnh, được tiêm một ống như thế. Không biết chất gì, khi tiêm vào da thịt, nghe đau thấu trời.

Tôi hỏi: "Thuốc này trị bệnh gì?"

Y tá đáp gọn: "Bê một, Bê Mười Hai. Tăng cường sinh lực."

Buổi sáng nào, chúng tôi cũng được tiêm một ống B1, B12. Có điểm danh từng người, trốn tiêm cũng không khỏi. Ðặc biệt những người bệnh nặng, còn được truyền nước biển. Y tá túc trực cả ngày, săn sóc và theo dõi bệnh trạng. Lương tâm nghề nghiệp có thừa, nhưng tôi e rằng phần lớn thuốc men ở đây, chỉ có giá trị về mặt tinh thần.


Một hôm mưa to. Anh y tá dầm mưa, đem tấm poncho (loại áo đi mưa của quân đội ngày trước) ra căng giữa trời. Phía dưới, anh đặt cái thau hứng nước. Cái thau lại đặt cao lên, trên một chiếc ghế đẩu, tránh nước dưới đất bắn vào thau. Tôi phụ anh làm công việc này, đồng thời có cớ tắm mưa luôn.

Anh dặn: "Những thau nước hiệp đầu, bỏ đi. Chỉ lấy nước tinh khiết hiệp sau thôi."

Tôi hỏi: "Anh lấy nước uống?"

"Không. Dùng vào việc khác."

"Việc gì?"

Anh nói: "Làm nước truyền. Tiếng Tây, gọi là sê rum. Miền Nam các anh, gọi là nước biển. Chúng tôi, gọi là nước cất." Và anh giải thích. "Muốn điều chế nước cất. Cho nước lả vào nồi, nấu sôi lên. Nước bốc thành hơi. Hơi chạy qua một cái ống thông hơi, ngâm trong hồ nước lạnh. Gặp lạnh, hơi tụ lại thành nước. Nước này gọi là nước cất, rất tinh khiết, dùng truyền cho người bệnh. Nước mưa cũng qua một quá trình như nước cất thôi. Anh có học về sự hình thành của mưa chứ?"

"Vâng. Hồi nhỏ có học."

"Ðấy. Nước ao hồ sông biển, gặp nắng bốc thành hơi. Bay lên thành mây, gặp lạnh thành mưa. Thế thôi."

Do hàng ngày lân la trò chuyện với anh y tá, mà chúng tôi cảm tình nhau. Anh là người hiền lành, chơn chất đáng mến. Tôi nói với anh về hoàn cảnh đất nước phân tranh, về tình trạng gia đình ly tán. Anh thông cảm và thích tôi, dành cho tôi nhiều tiện lợi. Anh nói, bất cứ lúc nào tôi thấy mệt, anh cũng sẵn sàng vô cho tôi một chai nước cất. Tôi ghi nhận lòng tốt của anh, nhưng không bao giờ dám mệt.

Lúc mới vào Khoa Ỉa, con tôi còn lanh lợi tỉnh táo. Mỗi ngày tôi nghiền một bụm thuốc viên, đổ vào họng thằng nhỏ. Bốn ngày sau, nó nằm im thiêm thiếp, ỉa nhiều lần hơn.

Khi ẳm con lên cho bác sĩ "liếc qua" tình trạng bi quan của nó, tôi nói: "Thưa bác sĩ. Bên ngoài bệnh viện có bán thuốc ngoại. Xin làm ơn cho toa thuốc ngoại, để tôi đi mua..."

Giữa chốn đông người, "bác sĩ mình" trừng mắt, điểm ngón tay vào mặt tôi:

"A... a..., đầu óc vọng ngoại, luôn luôn tôn sùng nước ngoài. Cái gì của nước ngoài thì ca tụng, cho rằng tốt đẹp. Cái gì của nước ta, thì chê bai rẻ rúng. Anh không muốn dùng thuốc bào chế của nước ta, thì đem con vào đây làm gì?"

"Thưa bác sĩ. Thằng nhỏ không bớt bệnh, tôi xin đổi thuốc, chứ không có ý gì khác."

"Tôi là bác sĩ, tôi biết cách giải quyết. Không cần anh phải chỉ dẫn. Uống thuốc, phải chờ thuốc thấm, từ từ bớt bệnh. Trị bệnh tiêu chảy, không như đóng một cái vòi nước mà ngừng được ngay. Anh hiểu chứ?"

Thế là tôi lại tiếp tục lảnh một cái toa thuốc, viết toàn bằng ký hiệu âm nhạc. Và tôi cũng biết rằng, giữa tôi và "bác sĩ mình" không còn đứng cùng về một phía nữa. Ông đã giác ngộ tư tưởng cách mạng rồi.

Tôi bàn với vợ, đem con ra khỏi bệnh viện, tìm phương khác chữa trị. Không thể để thằng nhỏ nằm lây lất ở một nơi thiếu điều kiện vệ sinh của Khoa Ỉa. Nhưng ngay đêm đó, nó lên cơn sốt. Thôi, muộn rồi! Nó đã nhiễm trùng. Tôi đau đớn vì đã đem con dìm vào cái ổ vi trùng. Bây giờ, chết sống gì cũng phải nằm lại đây. Tôi vội chạy đi tìm y tá, xin cô báo cho bác sĩ trực hay.

Giữa khuya. Cô đang đọc tiểu thuyết, ngẩng đầu lên, nói: "Trẻ em bị nóng sốt là chuyện thường. Có gì mà ông hốt hoảng thế? Ông tưởng lúc nào cũng có thể làm phiền bác sĩ trực được sao?"

"Mấy hôm trước, nó không sốt. Bây giờ bị nhiễm trùng."

"Mới bị sốt lần đầu, lại càng không đáng lo. Còn chuyện bị nhiễm trùng hả?

Ông có nhìn thấy con vi trùng bu vào con ông không?"

Tôi năn nĩ: "Nó bị sốt cao độ cô à. Xin cô làm ơn xuống nhìn một chút, coi có cách nào giải nhiệt được không?"

"Sao ông biết sốt cao độ? Bộ ông là cái nhiệt lượng kế hả? Tôi có xuống nhìn cũng vậy thôi. Tạm thời, ông lấy cái khăn ướt đắp lên trán đứa bé. Chờ sáng mai, trình với bác sĩ để ổng quyết định."

Tôi còn đang chần chừ chưa đi. Nát lòng không biết tính lẽ nào.

Cô y tá bồi thêm: "Coi kìa. Ðiệu bộ ông giống con gà mắc đẻ. Mười mấy năm trong nghề, tôi gặp quá nhiều người như ông. Chuyện một chút xíu thôi, cũng quýnh quáng la làng, kêu réo giật ngược y tá bác sĩ. Làm như y tá bác sĩ thiếu nợ các người vậy."

Nhìn cái miệng chót chét của cô, tôi nộ khí xung thiên. Trong một lúc bốc đồng, tôi muốn có cây súng đại liên, bắn chết mẹ hết cả lũ y tá bác sĩ của bệnh viện này. Tôi nghiến răng, quay trở lại phòng bệnh, thấy vợ đang ngồI cúi đầu ủ rủ dưới chân con. Tôi hằn học nói với vợ về sự tức giận của mình.

Vợ van: "Tôi lạy anh. Hãy ráng giữ bình tĩnh. Biết được thái độ bất mãn của anh, người ta ghét, người ta sẽ giết con mình."

Sáng nay. Lại bồng con sắp hàng ngồi chờ khám bệnh bệnh. Mỗi ngày, bác sĩ chỉ xuất hiện, ngồi sau bàn làm việc trong vòng một giờ đồng hồ. Còn hai mươi ba giờ khác, đố ai tìm thấy mặt ông. Tất cả, ông đều giao cho y ta, và vài ba sinh viên y khoa thực tập. Mà y tá, thì dữ hơn nhân viên phòng thẩm vấn, chua hơn giấm.

Trong khi chờ đợi, tôi lan man hồi tưởng lại những ngày ở bệnh xá của trạI tù. Bác sĩ y tá ở đây, thuộc đơn vị của bộ đội Miền Bắc. Họ đã thực hiện một ca mổ đặc biệt đến nỗi, nếu không chứng kiến tận mắt, người nghe tưởng như bịa chuyện, khôi hài cho vui. Người bạn tù tên Sang, nằm chung phòng với tôi. Anh đang mạnh khoẻ, bỗng một đêm, ôm bụng kêu đau ầm ĩ. Cơn đau càng lúc càng dữ dội, phải đưa anh lên bệnh xá. Nửa đêm, bác sĩ y tá mở cuộc họp khẩn cấp, và quyết định mổ bụng anh Sang. Cơ sở còn nghèo nàn thiếu thốn, lấy căn phòng học cũ, làm phòng mổ. Không có điện, phảI đốt đèn cầy soi sáng. Không có thuốc gây mê, phải dùng tạm thuốc tê, tiêm vào da bụng. Anh Sang trần truồng nằm ngửa trên chiếc giường, được kê cao lên ngang thắt lưng. Phần hạ bộ, che bằng chiếc khăn lông màu cứt ngựa. Thấy chuyện lạ, những người bệnh chúng tôi bỏ ngủ, lóng ngóng bên ngoài của sổ, nhìn vào. Bác sĩ y tá đứng vây chung quanh giường bệnh. Sau khi lấy bút nguyên tử kẽ một lằn trên bụng bệnh nhân, bác sĩ kẹp lưỡi dao trong hai ngón tay, rạch dài theo nét kẽ. Dao giải phẫu là cái lưỡi lam cạo râu, trời ạ! Ông cẩn thận rạch đi rạch lại nhiều lần, mới banh được cái bụng ra. Bên ngoài, có anh khiếp quá, không dám đứng coi. Hai người y tá đứng hai bên giường, kéo chằng vết mổ mở lớn. Bác sĩ, với bàn tay không đeo găng nhựa, thò vào trong bụng anh Sang, sờ mò tìm kiếm một thứ gì đó.

"Trời ơi!" Anh kêu.

Bác sĩ nói: "Im! Ðể bác sĩ làm tốt."

Trong khi bác sĩ tiếp tục mò tìm, thỉnh thoảng anh Sang đưa tay gãi chỗ này chỗ nọ.

Bác sĩ nói: "Nằm yên! Ðể bác sĩ làm tốt."

"Muỗi cắn."

"Cắn chỗ nào, bảo y tá gãi cho anh."

Anh Sang ngóc đầu lên, nhìn bụng mình. Y tá đè đầu xuống.

Bác sĩ nói: "Ðừng nhìn. Ðể bác sĩ làm tốt."

"Bác sĩ mò cái gì mà đau quá vậy?" Anh hỏi.

Bác sĩ nói: "Ðừng hỏi. Ðể bác sĩ khám phá."

Thỉnh thoảng, anh Sang nói: "Muỗi cắn chân phải."

Y tá gãi chân phải.

Anh Sang lại nói: "Muỗi cắn gò má."

Y tá gãi gò má.

Anh Sang cứ nói muỗi cắn hoài. Không biết muỗi ở đâu kéo đến nhiều thế. Có lẽ nó đánh hơi được mùi máu.

Bác sĩ ngó ra cửa sổ, nói: "Có anh nào đấy, chạy xuống phòng vệ binh, xin hộ cây nhang muỗi."

Một người trong chúng tôi chạy đi. Lúc sau đem đến một bó nhang hơn mườI cây. Y tá thắp nhang, đặt dưới gầm giường mổ. Từ đó trở đi, anh Sang hết kêu muỗi cắn.

Nửa giờ đồng hồ trôi qua. Bác sĩ ngẩng lên, nhè nhẹ lắc đầu thất vọng, trán lấm tấm mồ hôi.

"Chả thấy gì!"

Anh Sang lại ngóc đầu, nhìn bụng. Y tá đè đầu xuống.

"Không thấy gì thì may lại giùm tôi." Anh lo lắng.

Bác sĩ an ủi: "Yên chí. Chúng tôi cố gắng làm tốt cho anh."

Rồi tất cả bác sĩ y tá kéo đến một chiếc bàn cuối góc phòng, ngồi thì thầm thảo luận. Ðể lại một người y tá bên giường với anh Sang. Bụng anh được đậy lại bằng một chiếc khăn lông màu trắng, dính đầy máu đỏ. Anh nằm im lặng. Không biết ngủ hay thức.

Trời đã khuya lắm. Ngoài cửa sổ, vài người lặng lẽ trở về chỗ ngủ. Ðôi ba anh em còn lại, ngồi xuống thềm hiên. Ngó lên khoảng trời mênh mông. Con trăng xế về bên kia mái trường học cũ. Mùa trăng tháng Chạp, lạnh đục màu sương.

Trong phòng. Thảo luận một lúc lâu, Bác sĩ y tá quay lại giường mổ. Loay hoay bơm thuốc vào ống tiêm.

Anh Sang hỏi: "Bây giờ làm gì nữa?"

Bác sĩ nói: "Tiêm thêm thuốc tê. Thuốc cũ sắp hết công hiệu rồi."

Tiêm thuốc xong. Lại cầm lưỡi dao lam.

Anh Sang: "Mổ nữa hả, bác sĩ?"

"Thêm tí nữa thôi. Ðừng sợ." Bác sĩ trả lời.

Ông rạch vết mổ dài ra. Thò tay bụng mò tìm.

"Nhè nhẹ. Ðau quá, bác sĩ ơi." Anh rên lên, và ngóc đầu nhìn.

Bác sĩ nói: "Không được nhìn. Tôi phải che mắt anh."

Một người y tá cầm chiếc khăn nhỏ vắt ngang qua mắt anh Sang.

Mọi người im lặng theo dõi bác sĩ. Ông làm việc chăm chú và tận tâm. Có lúc, ông nghiêng đầu, lim dim đôi mắt như lắng nghe một âm thanh vo ve nào đó, có thể tiếng muỗi, hoặc một tín hiệu khác thường từ những ngón tay truyền đạt. Dù không nhìn thấy bàn tay, nhưng ai cũng biết rằng, những ngón tay của ông đang động đậy, rà mò tìm kiếm trong bụng anh Sang.

Bỗng ông reo lên mừng rỡ: "Ðây rồi. Ðây rồi."

"Cái gì vậy, bác sĩ?" Anh Sang hỏi.

"Khám phá ra rồi. Chính nó."

"Nó là cái gì?"

"Sau này sẽ biết. Mọi chuyện sẽ xong ngay. Yên chí đi."

Bác sĩ ngẩng lên, thở phào, mặt rạng rỡ. Dường như cơn mệt mỏi từ đầu hôm đến giờ, bỗng chốc tiêu tan.

Thấy chúng tôi đang đứng lố nhố ngoài cửa sổ, ông nói: "Các anh không được thức khuya quá. Hãy về chỗ ngủ, để giữ sức khoẻ."

Chúng tôi trở về phòng. Ðồng hồ chỉ đúng ba giờ khuya. Không biết chuyện gì xảy ra sau đó.

Sáng ra. Vài người muốn vào phòng mổ thăm anh Sang.

Y tá không cho: "Anh ấy còn mệt lắm. Phải để anh ấy nghỉ ngơi. Mai thăm cũng không muộn."

Chúng tôi đứng ngoài nhìn vào. Mặt anh Sang tái mét. Hai mắt nhắm nghiền. Anh được đắp bằng chiếc Poncho Light của anh, mang theo từ ngày đầu đi cải tạo.

Hai ngày sau, anh Sang được đưa về nằm chung phòng với chúng tôi. Cả tháng trời, anh chưa ngồi dậy được. Mọi sự đại tiện của anh đều do y tá trực giúp đỡ. Nâng anh lên, đặt anh đặt ngồi vào cái bô kế bên giường. Ðổ và rửa bô cũng do y tá đảm trách. Nhiều lần, chúng tôi ngõ ý muốn phụ với anh y tá trong việc đỡ đần chăm sóc anh Sang, hoặc thay anh làm công việc vệ sinh, đổ cứt rửa bô. Nhưng anh từ chối.

"Các anh đang bệnh, không nên làm việc này. Ðây là nhiệm vụ của tôi."

Hàng ngày, bác sĩ xuống phòng thăm bệnh. Ông ngồi cả buổi bên giường, nói chuyện và an ủi anh Sang. Ông cho biết, anh ăn phải một mảnh kim khí nhỏ, phải mổ dạ dày để lấy ra. Chúng tôi biết mảnh kim khí này từ đâu. Anh em nhà bếp thường dùng bùi nhùi bằng kim khí của một xưởng tiện sắt thép nào đó, để lau chùi chảo nấu ăn. Vì sơ ý, làm sót lại một mảnh vụn lẩn trong cơm. Một sơ ý nhỏ, nhưng đã để lại một tai hoạ lớn cho đời anh Sang.

Trong khi ngồi nói chuyện với chúng tôi, ông thường kể về những ngày gian khổ trên đường Trường Sơn, làm việc trong điều kiện vô cùng thiếu thốn. Từ đó, ông sang qua vấn đề anh em trong bệnh xá.

Ông nói: "Ðứng trên quan điểm cách mạng, các anh là kẻ thù. Nhưng dướI mắt một người thầy thuốc, các anh là những bệnh nhân. Chúng tôi phục vụ bệnh nhân theo lương tâm của người thầy thuốc."

Cái quan điểm và lương tâm của ông, làm chúng tôi ngạc nhiên thực sự.

Còn ở đây, các bác sĩ y tá đều là người của chế độ cũ, được lưu dụng làm việc cho bệnh viện. Không biết họ đứng trên quan điểm nào, và lương tâm gì đối với bệnh nhân?

Thấy tôi cứ mãi đặt những vấn đề vớ vẫn, không thực tế chút nào, vợ nói:

"Anh phải đứng ngoài. Bác sĩ mà nhìn thấy cái mặt nhăn nhó của anh, thì con mình sẽ lâm nguy."

Tôi dặn:" Em phải cho ổng biết, thằng nhỏ bị sốt."

"Ðừng xía vô chuyện này, để em lo."

Tới phiên, vợ tôi ẳm con vào gặp bác sĩ. Tôi đứng ngoài. Nhìn.

"Hôm nay thế nào?" Bác sĩ hỏi.

Vợ nói: "Dạ thưa. Nó lên cơn sốt trong đêm."

"Sao biết?"

"Dạ, sờ thấy nóng."

"Y tá sẽ đo nhiệt độ. Nếu nóng thật, phải truyền nước biển."

Ông liếc nhìn thằng nhỏ trước khi cúi xuống ghi những nốt nhạc.

Vợ ẳm con ra, trao mảnh giấy cho tôi, hỏi: "Anh coi thử, bác sĩ có thay đổI thuốc không?" 

Tôi nói: "Có đọc được chữ gì đâu, mà biết hôm qua khác với hôm này?"

Gần trưa, cô y tá (không phải y tá trực trong đêm) vào phòng. Cô cho cái nhiệt lượng kế vô miệng con tôi, rồi đi kiểm soát từng giường bệnh. Cô vừa hướng dẫn cách săn sóc em bé, vừa la lối mọi người về sự ăn ở thiếu vệ sinh. Muốn thực hiện vệ sinh, phải có điều kiện tiện nghi. Nhưng chúng tôi thiếu thốn mọi bề. Chẳng hạn, trong nhà cầu chỉ có duy nhất một vòi nước giặt giũ, mà người giặt thì quá đông. Mỗi người đem đến một đống tã lót. Nhiều người chen nhau. Người trước, kê tấm tã vào sát vòi nước mà vò. Người sau, cũng đang vò một tấm tã phía dưới, hứng nước từ tấm tã phía trên đổ xuống. Con vi trùng ỉa được dịp luân lưu từ em này sang em khác qua những tấm tã.

Ði giáp một vòng thăm bệnh, cô y tá quay lại rút cái nhiệt lượng kế từ miệng thằng nhỏ, đưa lên ánh sáng.

"Nhiệt độ trung bình. Sao ông bảo bị sốt?" Cô trừng mắt nhìn tôi.

Tôi nói: "Hồi hôm, nó sốt. Bây giờ, hạ rồi."

"Hứ! Ðừng có báo cáo ẩu nghen."

Tôi vớt vát: "Thật mà. Hồi hôm, nó sốt."

"Nói lung tung, làm rối điên cái đầu. Ai biết đường nào trị cho con ông? Nó có thế nào, lỗi cũng tại ông đấy!" Cô ngoe nguẩy bước ra khỏi phòng.

Trời ơi! Nếu không vì sự an nguy của đứa con, chắc tôi bóp cổ chết con y tá này.

Cho đến một ngày, tính mệnh thằng con tôi, hắt hiu như ngọn đèn trước gió. Dù không yêu cầu, nhưng bác sĩ cũng cho một cái toa riêng mua thuốc ngoại. Lúc này, trước mặt ông, tôi không dám vọng ngoại, nhưng ông lại bày vẽ cho tôi thực hiện tinh thần vọng ngoại. Ông bảo phải mua thuốc ngoại ở hiệu thuốc này..., địa chỉ này..., để tránh mua lầm thuốc giả. Chao ôi! Thuốc trị bệnh mà cũng có kẻ dám làm giả mạo. Tội này, tương đương với tội sát nhân. Tôi cầm cái toa hớt hãi chạy ra đường. Nhiều con buôn thuốc dạo, chận lại thăm hỏi mời chào. Chẳng biết tôi còn tỉnh hay điên? Sao nhìn mặt người nào, tôi cũng thấy phảng phất cái vẻ tàn ác của quân bất lương cướp của giết người.

Con tôi được đưa vào phòng cấp cứu, có máy điều hoà không khí. Có lẽ vì muốn chứng tỏ đây là căn phòng đặc biệt, nên người ta điều chỉnh nhiệt độ ở mức khá thấp. Vào phòng, tôi có cảm tưởng vào một mùa đông lạnh giá.

Tôi nói: "Lạnh quá. Làm sao con nít chịu nổi?"

Cô y tá, chứng tỏ là người thành thị, từng quen sử dụng những tiện nghi tân tiến: "Ðiều hoà không khí là phải như vậy. Nếu không lạnh, thì gắn máy lạnh làm gì? Hứ!"

Hình như, khi muốn tỏ thái độ khinh bỉ chê bai, người đàn bà nào cũng dùng tiếng "hứ". Và tôi thấy tôi hiện nguyên hình một gã nhà quê chậm tiến.

Tóc trên đầu thằng con tôi, bị cạo một mảng, để đâm cây kim truyền nước biển. Lỗ mũi nó, thọt vào một cái ống tiếp dưỡng khí. Miệng nó, cũng thọt vào một cái ống để cho sửa và thuốc vô bao tử. Nhìn những trang bị trên người nó, tôi liên tưởng đến một đứa bé từ hành tinh khác lạc xuống địa cầu, phải ăn và thở bằng những dụng cụ đặc biệt, trong một phim dành cho nhi đồng. Trong phòng cấp cứu, đã có sẵn ba đứa khác, đang chờ giờ hiễn linh về nước Chúa, hoặc theo Phật về chốn tiêu diêu miền Cực Lạc.

Tôi đuối sức, sau những ngày thay phiên cùng vợ, thức theo dõi thằng con. Tôi ra ngoài hành lang, nằm ngủ. Nhưng vừa chợp mắt lại thấy ác mộng. Tôi vùng ngồi dậy, lúc lắc cái đầu cho tỉnh.

Vợ bảo: "Ngủ đi."

Tôi nói: "Ở đây, vất vưởng nhiều oan hồn con trẻ. Nó phá tôi."

Vợ chắp tay: "Nam Mô A Di Ðà Phật. Anh đừng nói những điều ghê khiếp."

"Thật đấy. Tôi nghe tiếng con trẻ cười đùa."

"Anh ơi. Anh ơi. Anh sắp điên rồi."

"Không đâu!"

Ðầu tôi váng vất lùng bùng. Tôi thấy chung quanh toàn những gút mắc chông gai. Ác cảm nặng với bác sĩ y tá, vi vu ý tưởng giết người.

Vợ nói: "Trông anh như người bệnh. Mắt lờ đờ nhướng hết lên. Ráng ngủ lấy sức. Anh ngã bệnh lúc này, mình em làm sao lo nổi cho chồng, cho con?"

Buổi chiều. Phòng cấp cứu nhận thêm thằng bé mười hai tuổi, tên Cu Ðen. Nghe hai tiếng Cu Ðen, tự dưng tôi thấy êm đềm gần gũi. Tôi như sống lạI một quãng đời tuổi nhỏ làng quê, với bạn bè có những cái tên hết sức thân yêu, Cu Nồi, Cu Lọ, Cu Ðẹt, Cu Ðực, Cu Tèo, Cu Tý... Lòng tôi dịu lại. Dựa lưng vào bức tường hành lang, tôi mơ màng quay về những mương rạch, bờ ao, con trâu, cái cày... thuở trước. Thiếp đi lúc nào không hay. Khi bừng dậy, tôi nghe tiếng khóc.

Thằng Cu Ðen còn rất tỉnh táo, nhưng sau những thử nghiệm và chẩn đoán, bác sĩ cho biết nó sẽ chết trong vài ngày tới. Má nó gục đầu lên đứa con, nức nở. Nó ôm đầu má, kêu thảm thiết: "Má ơi, đem con về. Con muốn ở vớI má. Ðừng bỏ con, má ơi."

Ðang rầu vì con, nhìn qua giường bên, lại thấy cảnh mũi lòng, vợ tôi cũng khóc rống theo.

Y tá nạt: "Bà này lạ chưa? Mắc mớ gì đến bà mà khóc? Làm như đưa đám ma không bằng. Tôi yêu cầu, bà đi ra ngoài kia mà khóc, để yên cho tôi làm việc."

Má Cu Ðen kể trong nước mắt. Rằng vợ chồng chị đi làm làm ngoài đồng xa. Cu Ðen ở nhà giữ em. Vô ý để em té xuống ao. Người láng giềng vớt em nó lên, doạ: "Mày ham chơi, bỏ em té ao. Ba má mày về đánh chết." Nó sợ đòn, vào buồng lấy chai thuốc rầy, uống. Người láng giềng biềt được, chạy ra đồng gọi vợ chồng chị về. Khi đưa nó vào bệnh viện, thì đã muộn.

Người ta nói "còn nước còn tát", cái câu châm ngôn ấy không áp dụng ở đây. Không ai bỏ công cứu chữa cho một sinh vật, mà người ta nghĩ rằng phí công vô ích. Cu Ðen chỉ được truyền nước biển, như một biểu thị nó còn được sự tận tâm chiếu cố của người thầy thuốc. Nó đâu biết, người ta đã dành sẵn cho nó một mảnh giấy khai tử rồi, chỉ còn chờ giờ điền tên vào, là xong.

Thằng bé thao thức, khóc cả đêm. Nó nói nhớ em, và năn nĩ má nó đưa về nhà. Người mẹ cũng biết, ngoài cái chai nước biển, con chị không còn thêm được một ân huệ nào khác nữa. Mà cái chai nước biển, có tác dụng gì vớI thằng bé uống thuốc rầy? Sáng hôm sau, người mẹ xin cho con xuất viện.

Thương Cu Ðen quá, tôi cầm tay nó: "Thôi, Cu Ðen về nhà với em nhé." 

Nó nói: "Dạ. Mai mốt em bé của chú khỏi bệnh, chú ẳm xuống nhà con chơi."

Nó còn nói được một câu như thế, mà sắp chết thật sao? Nó đâu có hiện tượng của kẻ sắp lìa đời? Tôi đưa Cu Ðen ra sân bệnh viện, nơi có chiếc xe Lam đang chờ sẵn. Má nó không còn khóc như lúc mới nghe tin dữ. Trong nỗi đau đớn đến cùng cực, lòng người sẽ trơ ra, mọi sự cảm xúc đều bị tắc nghẽn. Xe lam chuyển bánh. Tôi ngó theo. Vĩnh biệt Cu Ðen.

Từ đó, cái tên thằng bé cứ ám ảnh tôi hoài. Hai tiếng Cu Ðen êm đềm thân thiết biết bao, gợi cho tôi những ngày xưa cũ, cùng những kỷ niệm thời gian mất mát đớn đau. Tôi thầm nghĩ, nếu thằng Khang, con tôi tai qua nạn khỏi, tôi sẽ đặt cho nó một cái tên riêng, tên ngoài giấy tờ: Cu Ðen.

Thằng con tôi lặng lẽ ra đi, rất êm. Từ lúc bác sĩ chấp nhận cái tinh thần vọng ngoại, chịu cho toa mua thuốc ngoại, và đưa nó vào phòng lạnh, tôi biết mọi sự thay đổi của bác sĩ đã trễ tràng. Vợ chồng tôi âm thầm nuốt nước mắt từ mấy ngày trước. Lúc nó ra đi, chúng tôi không còn nước mắt.

Trong đêm khuya. Bệnh viện im lặng đến rợn người. Tôi kề tai sát mũi thằng bé. Không nghe thấy gì.

Vợ thì thầm: "Nó còn thở không?"

Tôi nín thinh.

Vợ luồn tay vào chăn: "Ngực nó còn ấm."

Tôi ngoảnh mặt, ngó ra những ngọn đèn vàng hành lang.

Vợ hỏi: "Bây giờ làm sao?"

Tôi không trả lời.

Vợ rên nhỏ: "Trời ơi! Anh cứ trơ ra, dễ sợ quá." Chừng như vợ muốn khóc ré lên, nhưng ngại làm kinh động những người chung quanh.

Tôi uể oải đứng dậy. Lên phòng y tá trực.

Tôi báo: "Lâm Khang, giường số ba, không còn thở."

Y tá: "Vậy hả? Ðể tôi gọi bác sĩ."

"Không cần thiết nữa."

"Tại sao không? Chỉ có bác sĩ mới có đủ thẩm quyền xác nhận nó chết."

Thì ra tôi đã hiểu lầm. Gọi bác sĩ không phải để cứu chữa, mà là để chứng nhận một người đã chết thật sự.

Cô y tá cầm mảnh giấy, dẫn theo một bác sĩ trẻ vào phòng bệnh. Trên cổ bác sĩ có đeo cái ống nghe. Lần này thì cái ống nghe được sử dụng, chứ không phải chỉ làm một biểu tượng đặc trưng của người thầy thuốc. Ông đặt cái chụp lên ngực thằng nhỏ. Nghe ngóng... Xong. Thu đồ nghề, và chìa tay ra. Cô ta tá trao cho ông mảnh giấy. Ông viết vội những gì đó, và ký tên. Từ lúc bước vào phòng, cho đến lúc đi ra, ông không hề mở miệng nói một tiếng gì. Cái câu "Im lặng là vàng", được ông thể hiện một cách triệt để

Y tá nói: "Tôi điện thoại cho người đem xuống nhà xác."

Tôi ngăn: "Khoan! Chờ sáng mai."

"Không được. Quy định, sau khi bác sĩ xác nhận chết, phải đem đi ngay."

Nửa giờ sau. Một người đàn ông, lù lù xuất hiện trong bộ quần áo công nhân màu xanh đậm. Mặt sần sùi, xạm đen. Ðôi mắt trơ tráo, không có hồn. Ðôi mắt từ cõi âm phủ trở về. Ông ta lăn tròn cái xác thằng nhỏ, cuốn gọn gàng trong tấm nylon. Như loài kên kên quắp cái xác chết, ông nách thằng nhỏ ngang hông, đi ra cửa. Tôi thoáng thấy, miệng ông vừa ló ra hai cái nanh. Tôi có quáng mắt không? Nhìn kỷ lại, thì không thấy nữa. Vợ tôi ngồi bệt xuống sàn, ôm mặt rấm rức. Tôi lặng lẽ theo ông, đưa con tôi đi. Từ lầu ba, đi qua những hành lang, đèn vàng lạnh. Ði xuống những bậc cầu thang hun hút âm u, khuya vắng đến rợn người. Ði xuống, đi xuống, đi xuống hoài rồI cũng tới âm ty.

Người đàn ông mở cánh cửa sắt. Hơi lạnh và mùi tử khí phả ùa vào mặt. Cái mùi thum thủm chuột chết. Tôi dợm bước theo vào phòng chứa xác, nhưng ông ngăn lại. Ông vào, và quay ra thật nhanh. Tôi có cảm tưởng, ông vất thằng con tôi vào đống tử thi, chứ không phải đặt nhẹ nhàng. Rồi ông đưa tôi vào một gian phòng nhỏ, chìa mảnh giấy bảo ký tên. Tôi ký tên mà không biết trong ấy viết những gì. Giọng ông trầm trầm, ra giá với tôi về việc tống táng, sau khi tổng cộng những tiền hòm, tiền đất, tiền chuyên chở... Tôi còn lòng dạ nào mà tính tới tính lui. Bao nhiêu cũng được.

Bận đi lên, chỉ một mình tôi. Trong ánh sáng chập choạng, tôi nhìn thấy rất nhiều đứa bé bám theo hai bên vách thang lầu. Chúng di chuyển như những con thằn lằn hút sát vào tường. Tôi mơ hay tỉnh? Dừng lại, dụi mắt định thần. Hình ảnh ma quái biến mất, nhưng rồi nó dần dần hiện lại từ mờ đến tỏ. Tôi hoảng hồn, chạy ngược về phía nhà xác. Nơi đây chẳng còn ai. NgườI đàn ông nhà xác đâu rồi? Ðành phải đi lên trở lại. Vừa đi, tôi vừa kêu lớn: "Ai ơi... Ai ơi... Ai ơi..." Tiếng kêu vang rền một khu bệnh viện. Âm thanh 
làm tôi đỡ sợ.

Một người đàn ông mặc blouse trắng, chạy ra đầu cầu thang: "Có chuyện gì vậy?"

Tôi hớt hãi: "Có ma."

Ông ta quay lưng, lầm bầm ném ra hai tiếng: "Thằng điên!"

Sáng hôm sau. Tôi lên phòng y tá xin giấy khai tử để hoàn tất thủ tục hồ sơ trước khi chôn cất. Trong giấy khai tử ghi, nguyên nhân chết: suy dinh dưỡng. Khốn nạn! Như thế, thằng con tôi chết vì bị tôi bỏ đói. Chứ đâu phải chết vì ỉa chảy. Cuối thế kỷ hai mươi, giữa trái tim Sài Gòn của đất nước, giữa cái nôi của lương tâm thời đại, bác sĩ nào dám xác nhận chết vì bệnh ỉa chảy, người ta sẽ cười thúi đầu!

Ai nói thời gian sẽ làm lành những vết thương? Bao nhiêu năm qua rồi, vết thương tôi vẫn còn nguyên đau nhức. Thời gian chỉ làm cho nỗi đau nhức sắc lại, như sắc thuốc Bắc, ba chén nấu còn tám phân. Ém xuống tận đáy lòng mà sống. Lâu lâu gợi nhớ, bỗng muốn cầm dao đi giữa bầy thú dữ.

Thua keo này, gầy keo khác.

Tôi nói với vợ: "Ðẻ nữa em ơi."

Vợ cự: "Khổ lắm rồi. Không muốn đẻ."

Tôi lý luận: "Về nhà chồng. Không tạo con trai nối dõi cho dòng họ nhà chồng . Người xưa cho thế là lỗi đạo làm dâu."

"Em có đẻ con trai đấy chứ. Tại không giữ được thôi."

"Thì tiếp tục đẻ nữa."

Chìu chồng, vợ tôi lại đẻ. Nhưng đẻ con gái. Tôi để vợ toàn quyền đặt tên đứa con này. Vợ đặt: Sơn Ca. Có người hỏi móc tôi rằng, sao không áp dụng cái phương pháp sinh con trai, con gái theo ý muốn, như tôi đã từng bày vẽ cho nhiều người khác? Tôi chỉ cười trừ. Chứ biết nói sao?

Tôi sang Mỹ, không theo cái nghĩa bi quan của đời người trôi giạt. Tôi đi có định hướng. Năm lần bảy lượt vượt biên. Cuối cùng, tôi đã tới đích. Sống ở đây, tương đối dễ thở. Tiền bạc, có chính phủ cấp. Quần áo, có nhà thờ lo. Con nít được thương yêu chìu chuộng, cưng như trứng mỏng. Mỗi ngày, chịu khó bỏ vài giờ tới trường, học ú a ú ớ vài câu tiếng Mỹ. Thế là xong nhiệm vụ. Thì giờ còn lại, chẳng biết làm gì. Coi TV, không hiểu tiếng nói, nhìn hình hoài cũng chán. Không có bạn bè đấu láo, cũng buồn. Buồn chán dễ làm cho con người mau già cỗi, chết sớm. Những bạn lính của tôi ngày xưa, hay xâm mình cái câu "khi tôi chết, ai là người xây nấm mộ?". Tôi bây giờ, lẩn thẩn tự hỏi, khi tôi chết ai là người thờ phượng? Con gái lớn lên, theo chồng, nó thờ cha chồng của nó. Còn tôi, không ai khói nhang, linh hồn sẽ bơ vơ lạnh lẽo. Vì thế, tôi muốn có thằng con nối dõi.

Tôi tỏ ý cùng vợ: "Ðẻ nữa. Kiếm thằng con trai, em ơi."

Lần này, vợ phản bác dữ dội: "Cái quan niệm con trai vốn quý, đã lỗi thờI rồi. Ðây là xứ trọng nữ khinh nam. Ðàn bà là mẹ thiên hạ, chiếm đặc quyền ưu tiên. Nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc. Anh cứ khư khư níu giữ cái quan niệm nối dõi tông đường, là bơi ngược dòng về nơi có bốn ngàn năm văn hiến."

Tôi đấu dịu: "Thôi, không đặt vấn đề nối dõi nữa. Tôi chỉ muốn nhà có đủ con trai con gái, để âm dương được cân bằng trong gia đình." 

"Anh định áp dụng cái thuyết, thái cực sinh lưỡng nghi, lưõng nghi sinh tứ tượng... gì ấy hả? Hãy thực tế một chút đi. Nhà nào âm thịnh là có phước."

Mới sang Mỹ, vợ tôi đã chụp bắt ngay được cái quan niệm cường quyền nữ phái của xứ này. Tôi bị lép vế. Khi người đàn ông không còn là rường cột gia đình, thì cũng mất luôn cái quyền chỉ huy. Tôi đành chắc lưỡi buông xuôi, mặc tình nữ kê tác quái.

Vợ tôi uống thuốc ngừa thai. Nhất định không chịu đẻ.

Một hôm, vợ thắc mắc: "Không biết tại sao, trễ kinh cả tháng rồi."

Tôi nói: "Có một trong hai vấn đề xảy ra. Em sắp biến thái thành đàn ông. Hoặc bước vào giai đoạn mãn kinh của tuổi già."

Cả hai vần đề, vợ tôi đều sợ.

Vợ dỗi: "Từ ngày sang Mỹ, anh nói lời gì nghe cũng mỉa mai cay đắng."

"Ðó là tinh túy của ngôn ngữ, kết quả của trầm tư."

Chẳng thèm lời qua tiếng lại, vợ đi bác sĩ khám bệnh. Bác sĩ cho biết có thai.

Về nhà, tôi la lớn: "Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư."

Vợ hỏi: "Nghĩa là sao?"

"Ông Ðặng Dung nói rằng, sách trời đã định như thế rồi. Nó là thằng con trai."

"Sao biết con trai?"

"Náy nhé. Uống thuốc ngừa thai, cũng giống như người ta bật đèn đỏ, treo bảng "Stop", và đặt hàng rào chắn. Nhưng nó vượt đèn đỏ, bất chấp bảng "Stop", xô ngả hàng rào chắn, chui ra khỏi cửa mình, để góp mặt làm ngườI với đời. Anh hùng gan dạ, "khó khăn nào cũng vượt qua" như thế, chỉ có thằng con trai mới làm được."

Tưởng lý luận bò càng cho vui, không ngờ vợ sinh con trai thật. Nó hấp tấp ra đời đến nỗi bất chấp cả định luật thiên nhiên chín tháng mười ngày. Chẳng biết ở trong bụng, nó chòi đạp thôi thúc thế nào, mà vợ tôi phải tống nó ra, trước mấy bữa. Một thằng con trai quá ngon lành!

Khi nó còn nằm trong đống tã lót, bà y tá hỏi tôi, có muốn cắt da qui đầu cho nó hay không?

Tôi lắc đầu, nói tiếng Mỹ: "No. No."

Bà giải thích rằng, theo phương pháp vệ sinh ở Mỹ, nên cắt da qui đầu, để con cu được sạch sẽ. Dĩ nhiên, những lời này phải qua cô thông dịch.

Tôi lại lắc đầu: "I donât like." Biết được tiếng nào, xổ ngay tiếng đó.

Dù đã "I donât like", nhưng tôi vẫn sợ người ta sẽ rình cắt mất da qui đầu con tôi. Tôi nói với cô thông dịch, nếu điều này xảy ra, tôi sẽ kiện. Doạ thế thôi. Mới qua Mỹ, ngôn ngữ không rành, biết gì mà kiện thưa ai chứ?

Trước khi quyết định cho con một cái tên chính thức trong giấy tờ, vợ hỏi:

"Ðặt tên gì?"

Tôi nói: "Lâm Khang."

Vợ giật mình: "Trời đất! Ðó là tên thằng con đã chết, sao lại đem gán cho thằng này?"

"Tôi nghĩ, thằng Khang bị chết oan. Nó đầu thai lại."

"Thôi. em sợ có huông lắm. Ðặt tên khác đi"

"Vậy thì đặt nó là Lâm Bình."

"Sống ở Mỹ, sao không đặt tên Mỹ?"

Ðiều gì tôi có thể nhượng bộ, nhưng đặt tên Mỹ cho con, tôi phản đối tới cùng.

Cái máu độc tài của người đàn ông Việt Nam nổi lên, tôi cảnh cáo vợ: "Ðừng bao giờ đưa ra ý kiến đó với tôi lần nữa nhé!"

Nhắc lại thằng con bỏ mạng trong bệnh viện Nhi Ðồng I, tôi liên tưởng đến thằng Cu Ðen uống thuốc rầy năm nọ. Tôi thương thằng bé. Cái tên của nó gợi lại biết bao kỷ niệm êm đền ngày cũ quê tôi. Tôi quyết định, đặt cho thằng út Lâm Bình, thêm một cái tên ngoài giấy tờ khai sinh: Cu Ðen. Dĩ nhiên, vợ tôi không biết lý do thầm kín của cái tên này.


Lâm Chương 
May 10/99