có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Hai, tháng 3 20, 2017

Hỏi thăm những cá cùng chim




Hỏi thăm những cá cùng chim
Chim bay xa bóng, cá chìm bặt tăm.
(Tản Đà)


Ban đầu, tất cả những hủ, lọ, keo thủy tinh trong nhà bị trưng dụng và được xếp dọc theo hai bệ cửa sổ. Trong mỗi cái là một loại cá. Cá lia thia, cá phướng đen đỏ trắng cam, cá xiêm xanh tía vàng bạc, cá đá vằn vện oai phong. Thỉnh thoảng bọn con nít len lén nhấc tờ giấy chận, những con cá nhìn thấy nhau, đứa phùng mang trợn má húc đầu vào thành lọ, đứa sừng sỏ nghinh lại, đứa chạy loăng quăng cuống quít vòng quanh, cả bọn tôi reo hò ầm ỹ cổ võ. Cậu tôi chạy ù tới ký đầu bọn tôi cốc cốc vừa la oai oái vừa tái lập hoà bình cho bọn cá.

Rồi thằng em tôi cũng bắt chước, đi bắt cá chốt, cá lìm kìm dưới sông lên. Lại hủ lọ lủ khủ. Thôi thì nó thử hết nước sông cầu Sắt, tới nước “máy” Đồng Nai, hết thức ăn cá lia thia đến thức ăn cá Tàu, chỉ hai hôm ba bửa là lũ cá sông xấu xí nằm chổng ngược phơi bụng trắng phếu. Thằng nhỏ ỷ ôi năn nỉ, cậu thí cho vài con cá, sợ nó bò xuống sông hoài, có ngày chết đuối.

Cậu tôi mặc cả, thương lượng với những bạn hàng cá ở chợ Hàm Nghi rồi vác về hai hồ cá thủy tinh đúng hiệu. Có bông đá màu đỏ, có cả rong xanh, cây cối giả bằng nhựa. Thằng em tôi sung sướng thừa hưởng những món chứa linh tinh thuở ban đầu của cậu.

Thỉnh thoảng cậu và đám bạn hàng xóm thách đấu nhau. Từng cặp, từng cặp cá (sau khi đã giương vây phồng cánh chửi bới nhau qua hai lớp vách lọ thủy tinh) được thả chung vào một chậu. Chúng sẽ đớp, cắn nhau trong tiếng reo hò. Nhà tôi ồn ào như cái chợ. Tôi chen không nổi với đám con trai nên khinh bỉ lùi ra xa, thỉnh thoảng lé mắt, nghếch mỏ dòm dòm, nhờm tởm tưởng tượng đến lúc chúng ngắt đầu con cá dựng lên trên cây tăm, xoay xoay cây tăm trước mũi những con cá để máu nóng hung hãn bốc lên. Cậu cười ngất :

– Con gái ngu quá, đá cá chớ có phải đá dế đâu !

Hừm, hừm, đá gì cũng vậy, mùa dế thì thấy dế không đầu, giò cẳng vương vãi trên sân xi măng, mùa đá cá thì xác cá trầy vi tróc vảy nằm trong thùng rác.

Nhưng cậu là kẻ đam mê. Và đam mê cứ đến ào ạt, hết đợt này đến đợt khác, cái này đè lên cái kia, cái sau lấy chỗ cái trước. Từ lúc mới lớn lên, trí nhớ đi đến chỗ xa nhất, tôi đã thấy cậu mê chim chóc. Mỗi lần về quê, cậu rình rập, leo cây bắt tổ chim, gọt đẻo giàn ná bắn chim.

Rồi hết hè về thành phố, cậu và con mèo rất giống nhau: con mèo ngồi thu lu trên mái tôn, hai con mắt lim dim đạo đức giả. Đôi chim sẻ vừa xà xuống, chưa kịp hót lên một tiếng nhỏ, mèo đã xồ ra, trong chớp mắt cắn cổ một con chim chạy đi sống sót. Chú chim đảo qua đảo lại kêu lên những tiếng cuống quít, não nùng. Còn cậu tôi, chạy nhào lên gác, rút ná, tra đạn, hướng lên cây sao rậm rạp, nhắm một con mắt, thẳng tay kéo giàn rồi vụt buông những ngón tay. Lá cây rơi lả tả, cậu lại chạy a xuống, bới bới đám lá…rồi lỏn lẻn đi vào nhà, tay không…

Dần dần cậu có tổ chức hơn, chững chạc hơn, bớt dã man, cậu sắm lồng, cậu biết phố Hàm Nghi, viếng chợ cá tới chợ chim. Những người buôn bán năm cũ, có nhớ cậu tôi không ? Một chú bé nhỏ choắt, nói năng nhỏ nhẹ, đôi mắt to đen như nhung, ban đầu đi một chiếc xe đạp lau chùi bóng loáng, sau đó…(sau đó là một đề tài đam mê khác của cậu và đề tài viết của tôi…). Để có chỗ cho một cái lồng chim thật to, cậu phải thanh toán bớt những chậu cá ở ngoài sân, lại mua bán, đổi chác nhộn cả lên. Má tôi hì hục đóng một cái nhà chim. Tôi gọi là nhà vì tôi có thể chui vào được, nhưng cậu chẳng cho đứa nào vào, cậu tự làm lấy tất cả, dựng cành cây khô, lấp những chiếc nhà nhỏ xíu, những cây xích đu, làm ổ chim, gắn máng thức ăn, bình nước.

Chim gì cậu cũng mua, mấy họ nhà chim chen nhau ở trong cái lồng son khổng lồ. Nào cưởng, sáo, két xanh, hoàng yến, chìa vôi, áo già…chim líu lo ríu rít có khi cắn nhau chí choé, thức ăn, lông, kít, văng tung toé. Cậu vẫn vui vẻ lau rửa, thay nước, xắt rau, thay hột cải, mua cả cào cào châu chấu, trùng đất cho những chú chim khó tính.

Nhưng cậu không có tay nuôi, hay vì đời cá chậu chim lồng chẳng thích hợp với ai nhất là cho chim và cá, chúng thay phiên nhau chết. Bọn tôi, đi học về, vất cặp xuống là chúi mũi vào những ngục tù, quan sát rồi hô hãi :

– Cậu Út ơi có một con chim chết !

– Cậu Út ơi có một con cá ngáp ngáp !

Cậu lật đật vớt cá ra, rờ rẫm, thay nước. Cậu bồng chim ra, vuốt ve, ủ ủ trong hai bàn tay, có khi cậu vạch mỏ chim ra nhỏ vào vài giọt nước hay thuốc. Má tôi chẩn mạch qua không gian và lấy thuốc ra nghiền, khi thì terramycine, khi thì auréomycine có khi cả thuốc kiết lỵ, thuốc ghẻ, thuốc sốt rét…Má tôi đưa mấy đồng bạc lẻ :

– Con chạy ra phạc ma xi Ngọc Lan mua hai viên ty phô my xin, một tuýp ga ni đăng…

Bây giờ đùa má tôi thì má tôi giận :

– Tao nuôi tụi bây bảy tám đứa lành lặn không đui què sứt mẻ !

Nhưng cá và chim…dở hơn tụi tôi nên thi nhau về chầu…Diêm Vương, Hà Bá. Ngoài tai trời, ách nước, chim cá còn chịu những khổ nạn khác nữa, ấy là chưa kể trẻ con hàng xóm nghịch ngợm cho ăn giấy vụn, cây trái, thức ăn bậy bạ.

Một hung thần ác mỏ khác là con khỉ Bạch Viên, má tôi mua của bác Năm chạy xe đò Sài Gòn – Đà Lạt. Con khỉ khôn như người và phá phách hơn tụi tôi, lâu lâu, thừa lúc mọi người lơ là cảnh giác, khỉ ta tuột từ trên đầu tủ, nhào lại chậu, thò tay vớt cá hất xuống đất. (khỉ cột ghét cá ăn ?) Cậu tôi hét lên, lượm cá bỏ vào chậu, kéo sợi xích, lôi con khỉ xuống, đánh vào tay nó. Khỉ nhe răng cười ngây thơ. Cá bị đau tim hấp hối. Đôi khi khỉ ta mở cửa chuồng chim, không phải để phóng thích chim mà cốt để mèo chui vào ! Con mèo mướp già vớt cá tài tình không kém và hễ ăn thì chẳng như Cám, không chừa vây vẩy xương da chi cả, nhưng chỉ cần nhìn mèo ta ngồi liếm mép rồi vươn vai thẳng cánh nằm kềnh ra dưới cửa sổ là biết ngay.

Dần dần những chậu cá hết khách trọ, trong chuồng chim cũng chỉ còn con cưởng biết nói vài tiếng “Má ơi ! Ai đó ?”. Cậu dốc lòng nuôi dạy, chăm sóc, chuyện vãn, kiên nhẫn lập đi lập lại từng câu ngắn. Không biết ăn bao nhiêu ớt, lột lưỡi mấy phen mà rốt cục cưởng chỉ biết kêu tên thằng em tôi “Đạt ơi ! Ai đó ?”. Ngày nào cũng có con nít, người lớn đi ngang dạy cho mấy câu chào hoặc chửi tục, song lắm thầy thối ma, cưởng ta chỉ nói được bấy nhiêu rồi khựng luôn.

Cậu tôi buồn lắm, xoay ra chăm lo cho con khỉ Bạch Viên. Khỉ ta càng làm lộng, có khi cắn cả bọn tôi hay ném đồ vào khách đến viếng nhà sau, cậu có đóng cho khỉ một cái bệ gỗ phía trên cửa ra vào, chân khỉ xích vào một dây dài độ hai mét, khỉ ta thong thả chuyển vận từ ngai vàng qua tủ, tụt xuống tận cửa sổ, thò tay ra ngoài xin quà bọn trẻ hàng xóm…Hễ khỉ phá quá, má tôi rầy, cậu thu ngắn dây lại, đến khi khỉ ngoan, cậu nới dây ra.

Một bửa, bà Chín Rởm, hàng xóm với nhà tôi ẳm con qua mắng vốn chuyện gì đó, vừa qua khỏi ngưỡng cửa, khỉ ném vỏ chuối ngay vào giữa mặt bà ta, bà chưa kịp phản ứng thì khỉ tụt xuống thò tay kéo tóc đứa con bà. Cả hai mẹ con, kẻ la làng chói lói, người khóc thét…

Thế là cậu tôi ẳm khỉ đi Hàm Nghi.

Chỉ ít lâu sau, cậu bê về một con…sóc. Ô, sóc dễ thương quá, cái đuôi xù ra và dựng ngược lên, mềm mại, hai con mắt nhỏ, mấy ngón chân, ngón tay tí hon. Khi ăn, nó cầm bằng cả hai tay như một đứa trẻ. Năn nỉ khóc lóc lắm cậu mới cho mỗi đứa tôi nựng nịu hay vuốt ve sóc một cái. Cậu cột chân sóc vào sợi dây nhỏ, sợi dây dính vào nút áo, sóc thoăn thoắt leo ra leo vào túi áo cậu, có khi leo lên cả vai cậu, ngơ ngác ngắm nhìn xung quanh trong tiếng trầm trồ của thiên hạ. Sóc và người không bao giờ rời nhau.

Cho tới một ngày, cậu đánh thức cả nhà bằng một tiếng kêu kinh khủng. Ô hô, cậu ngủ mê, lăn lộn thế nào mà đè nghiến con sóc nhỏ. Đã bảo cậu không có tay nuôi mà ! Và câu chuyện cậu nuôi thú là chuyện một nghìn lẻ một đêm, là một never ending story.

Càng lúc cậu càng leo thang trong sự lựa chọn quái đản. Cậu bê về một con trăn con bé tí, đường kính thân độ bằng ngón tay cái của ba tôi. Trong khi chờ trăn lớn để cho vào chuồng chim to (ở với cưởng), cậu cho trăn ở một lồng chim nhỏ. Trăn cuộn tròn nằm ngủ suốt ngày, chẳng có chi đáng nói. Mỗi tháng một lần cậu mua gà con về cho trăn ăn, tôi chưa bao giờ dám đứng xem, con nít người lớn bu đen. Khi thiên hạ dang tay ra về, tôi mon men đến gần thấy trăn ta cuộn tròn nằm ngủ, một khoảng bụng phình to thật gớm ghiếc. Có khi cậu chỉ cho trăn ăn trứng gà. Trăn lớn lên rất nhanh, lâu lâu lột da thấy mà ghê.

Trong đám thú vật của cậu, từ những con “củ” (?) cậu nuôi trong cam thảo, vỏ quít – cậu đem đến tiệm thuốc Tàu đổi lấy quế hay táo khô – đến vịt con nuôi trong chậu, từ chim yến đến dế cơm, từ cá ba sắc đến rùa Kim Quy ( ? ), con nào tôi cũng được cậu cho ” rờ một cái ” rứa mà con trăn tôi chịu thua một phép. Cậu dụ:

– Rờ thử coi, ngộ lắm, thân nó mềm, da nó cứng, máu nó lạnh…

Tới một bữa, cả nhà nhốn nháo: con trăn xổng chuồng trốn mất ! Tôi đứng ngẩn ngơ trước lồng chim trống, hai song kẽm bị kéo rời nhau như khi Hercules bẻ cong chấn song vượt ngục. Cả đám đổ xô đi tìm. Anh Phú, bạn cậu tôi bàn:

– Nó trốn dưới mấy cái nhà sàn ven sông để bắt cá hoặc gà vịt ăn đỡ, chừng lớn hơn nó lên bờ bắt…chó…hay con nít…ăn.

Trời ơi, mấy tuần liền, tôi không dám vô xóm, không dám qua nhà mấy con nhỏ bạn ở ven sông ! Và tin rằng mười năm sau, nếu có thủy quái hoành hành ở sông cầu B. đích thị là con trăn trốn tù thuở trước !

Khi tôi đi học xa, em tôi viết thư cho hay cậu đang nuôi một con cá…sấu ! Cá sấu được nuôi trong …thau nước, đặt trên…nóc nhà. Mỗi ngày má tôi đi chợ mua thức ăn cho cả nhà, phải nhớ thêm phần thịt cá cho sấu. Cho đến một hôm, chuyện phải đến xảy ra : sấu liều mình bò lông rông từ nóc nhà xuống đất và bò thẳng ra sông tìm nơi khoảng khoát.

Mười lăm năm sau xóm cầu B. lại có thêm một con giao long!

Never Ending Story ? Không, khi đất nước hoà bình thống nhất, Nam Bắc một nhà và mỗi nhà túa ra bốn phương tám hướng, tôi không còn nghe cậu tôi nuôi con gì nữa.

Hai đứa con cậu mợ sinh ra từ thời “Nguỵ” , cậu nuôi chỉ nổi một đứa, còn một đứa đi ở với Dì tôi.


Phan Thị Trọng Tuyến

Trích VĂN – Giai phẩm xuân Nhâm Thân – số 114 -115, tháng 12-1991 và tháng 1-1992