có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Bảy, tháng 3 18, 2017

Nói chuyện với Nguyễn Đức Bạt Ngàn




ĐHĐ: Xin anh cho biết một chút tiểu sử ?

NĐBN: Sinh quán ở Thừa Thiên, bên bờ sông Ô Lâu. Trú quán sau cùng trong nước: Bạc Liêu. Địa chỉ hiện tại: Edmonton, Canada.

ĐHĐ: Xin anh kể sơ qua về những hoạt động văn nghệ của anh hồi còn ở trong nước ?

NĐBN: Ở mặt chìm, thầm lặng viết. Viết rồi gom thành tập. Cất giữ cho mình và cho anh em bằng hữu chuyền tay.

ĐHĐ: Xin kể thêm hoạt động văn nghệ của anh sau khi Cộng sản bạo chiếm miền Nam. Về thi phẩm Bình Minh Câm, thời gian thai nghén, sáng tạo ?

NĐBN: Trước biến cố 1975 đối với văn giới thì tôi hầu như là một kẻ vô danh. Mặc dù năm 1970 đã có in chung với hai người bạn một tập thơ nhưng tầm phổ biến không là bao. Vì thế sau 30.4.1975, đối với Việt cộng - ít nhất là về mặt hoạt động văn nghệ - thì mình chỉ thuộc vào thành phần rất nhỏ nhoi, cho nên vẫn tiếp tục thầm lặng viết. Quá trình hình thành Bình Minh Câm thì tôi đã nói rõ ở bài tựa, ở đây chỉ thêm sơ về mốc thời gian của những bài thơ: Bình Minh Câm có 40 bài thì chỉ có chừng 8 bài là viết trước 30.4.1975, phần còn lại là viết sau biến cố mất nước. Tôi có thói quen không thích đề ngày giờ chi tiết dưới mỗi bài, trừ những trường hợp quan yếu. Cũng như nhan đề đầu tiên của Bình Minh Câm là “Từ những đày đọa mộng”, sau 30.4.1975 tôi mới đổi thành Bình Minh Câm. Có điều này: cảm quan khi viết Bình Minh Câm có một phần là cảm quan nhìn, chứng kiến đất nước bốc cháy, tàn lụi dưới tay kẻ thù chứ chưa phải là cảm quan sống với kẻ thù.

ĐHĐ: Xin nói rõ về phần phụ lục Nhật Ký Biển. Theo tôi đây chính là phần then chốt và rực rỡ nhất trong sự nghiệp thi ca của anh.

NĐBN: Anh là một trong vài người hiếm hoi nhận thấy được điều này. Phần phụ lục Nhật Ký Biểnkèm trong tập Bình Minh Câm chính là phần then chốt của đời thơ tôi. Then chốt thôi, còn “rực rỡ nhất” thì xin anh quên nó đi. Mình sống cùng cuộc đời chớ làm sao quay lưng đi được, cho nên mình cùng vui cùng khổ, cùng hòa nhập với biến cố thời mình đang sống. Sau khi viết xong Nhật Ký Biển tôi cảm thấy mình bớt áy náy và tạm bình tâm hơn. Nhật Ký Biển tôi ghi lại chuyến đi: đau thương những vẫn phơi phới tự do và niềm tin. Còn Về Đâu thì viết sau đó ba năm, như một ngọn roi để thức tỉnh mình, gửi gắm cho người, nhưng chẳng ai thấy, ai nghe!

ĐHĐ: Giới bằng hữu anh em văn nghệ thường bảo rằng Nguyễn Đức Bạt Ngàn là nhà ảo thuật ngôn ngữ, tên phù thủy âm thanh. Anh nghĩ sao về nhận xét đó ?

NĐBN: Tôi nghĩ là anh em gọi đùa. “Ảo thuật ngôn ngữ”, “phù thủy âm thanh” ư? Tự tính của ngôn ngữ Việt đã là như vậy rồi. Tôi cũng như anh em khác chỉ dùng nó như một phương tiện để ghi ký cảm xúc của mình đấy thôi.

ĐHĐ: Anh thao túng hý lộng với ngôn từ quá nhiều. Vậy yếu tố nào làm cho thơ anh truyền cảm?

NĐBN: Tất cả chỉ là trò chơi. Khi tôi viết chữ để thành thơ cũng vậy: cũng chỉ là một trò chơi. Tôi đã nêu rõ điểm này ở bài tựa của tập Bình Minh Câm. Khi mình thao túng, hý lộng ngôn từ bằng tâm thành thì cũng hứng thú lắm chớ. Còn anh muốn biết yếu tố nào làm cho thơ tôi truyền cảm thì tôi xin chịu thua. Nhờ bạn đọc thân mến chỉ dùm cho, bởi vì mình làm sao để trở thành độc giả khách quan của chính mình được!

ĐHĐ: Xin anh cho biết cảm tưởng khi ban Việt ngữ đài BBC giới thiệu tập thơ Bình Minh Câm phát thanh về nước vào tháng 10.85 và được nhắc lại trong phần tổng kết điểm sách vào cuối năm 1985.

NĐBN: Lâu rồi, tôi không còn nhớ cảm tưởng lúc đó ra sao. Chỉ có điều này: chính mẹ tôi nghe được và bảo em tôi viết thư cho hay. Mẹ tôi, nhân đó cũng muốn “vợ chồng tôi sinh thêm vài đứa con nữa” (!), có thể bà không tin tưởng mấy nơi bản thân tôi. Bà biết chắc là tôi có đi mà không có về, cho nên muốn tôi có con thêm cũng phải (!). Anh để tôi lông bông một chút: thuở nhỏ tôi lêu lỏng lắm, hành hạ cha mẹ tôi lắm phen, đi học thì nhiều lần người nhà phải trói lại gánh tới trường. Ngồi trong lớp mà hồn để đâu đâu. Cho nên tôi thường trốn học, mang sách vở chuồi vào bụi tre, chạy ra đồng cỡi trâu, bắt chim, bắt dế… đôi khi lang thang qua những làng bên cạnh quên cả về. Thuở đó tuy bé dại, nhưng sao thấy cuộc đời mênh mông quá, hừng hực hơi thở và niềm tin. Bây giờ càng lớn càng già, tôi thấy mình cũng như đời sống càng hao mòn, nhỏ lại. Anh thấy đó, dù đi khắp cả địa cầu, tôi thấy mình cũng chưa thoát ra khỏi vị thế của tay giang hồ vặt.

ĐHĐ: Anh là dân Huế, xin cho độc giả Làng Văn biết về những cảnh đẹp của đất thần kinh, và phong cảnh nào đã gợi hứng cho thi ca của anh?

NĐBN: Huế thì đẹp rồi, tôi chắc độc giả Làng Văn có người còn rành hơn tôi. Phần mình, tôi cũng yêu mến Huế lắm. Yêu mến Huế như yêu mến Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt và sau này là Bạc Liêu. Nhan sắc Huế cũng như một tác phẩm tư tưởng. Huế mạnh mẽ kiêu hùng trong Cao Bá Quát “Trường giang như kiếm lập thiên thanh”, Huế sương khói tượng trưng ở tầm nhìn Hàn Mặc Tử “áo em trắng quá nhìn không ra”, Huế mơ hồ nhẹ dạ qua Nhã Ca “này anh em cũng tợ sương mù”, Huế quắt quay hao mòn của Trần Dzạ Lữ “lòng xuân mưa bụi hết thời thanh niên”.Huế uyển chuyển, xông pha, cay đắng trong thơ Mường Mán, Tần Hoài Dạ Vũ, Thái Tú Hạp, Trần Hoài Thư, Huỳnh Liễu Ngạn, Hoàng Xuân Sơn… Huế của tôi cũng vậy: con người, phong cảnh, núi sông, thời tiết… tổng hợp lại tạo cho Huế một sắc thái: vừa ẩn dụ vừa siêu thực. Tất cả tạo thành một phần sống lớn cho thơ tôi. Da diết lắm anh à !

ĐHĐ: Xin anh kể về sự giao du với các văn hữu gốc Huế như Hồ Minh Dũng, Lê Bá Lăng, Trần Dzạ Lữ, Mường Mán… và sau này ở hải ngoại như Võ Đình, Hoàng Xuân Sơn, Hồ Đình Nghiêm, Trần Hoài Thư…

NĐBN: Tôi vốn du thủ cho nên bằng hữu ở ngoài đời nhiều hơn. Những người mà anh hỏi chỉ có một người là bạn thân. Phần còn lại thì chỉ biết mặt hoặc chưa biết mặt. Ra hải ngoại cũng vậy. Giao tình chỉ mới ở mức độ xa. Nói rộng ra giao thiệp bằng hữu không chỉ ở vấn đề đồng gốc, đồng hương, mà còn nhiều thứ khác.

ĐHĐ: Anh có nghĩ rằng: “Giữa Triền Hạn Reo” là một thiên trường ca, nói lên cái ẩn mật của đời sống. Những hình ảnh rất gần với cuộc sống mà anh vẽ trong thơ khiến người đọc cảm thấy thăng hoa vào một thế giới khác. Một thế giới tùy theo sự cảm nhận của từng người mà hình thành. Ý anh nghĩ sao?

NĐBN: Khi viết Giữa Triền Hạn Reo, tôi đem những hình ảnh từ cuộc sống vào thơ. Tôi nói đến cái hiển lộ nhiều hơn cái ẩn mật. Nếu người đọc cảm thấy thăng hoa - tức khi đọc Giữa Triền Hạn Reo họ bắt gặp một nhiên giới hay nhân giới khác - thì cái đó cũng tùy theo kinh nghiệm của người đọc, tôi không nghĩ gì hết. Chắc anh nhớ câu thơ cổ này: Thủy đáo nhân gian định bất hồi. Thơ đi xuống cuộc đời là của người, là đi mất, chớ đâu còn là của mình như vị thế ban đầu nữa đâu…

ĐHĐ: “Giữa Triền Hạn Reo” là tác phẩm lãng đãng hương khói chiên đàn. Nó gợi cho người đọc một chút thiền phong, thiền vị có phải?

NĐBN: Trong Giữa Triền Hạn Reo, biên giới giữa tôi và đời, giữa tôi và người, giữa tôi và vũ trụ đôi khi không còn lằn ranh. Tất cả hợp thành một, thành chân dung con người hiển lộng giữa đất trời, một con người sẵn sàng đón nhận, cảm nhận khổ đau lẫn hạnh phúc bằng an nhiên, vô ngại, kiêu hùng và bất khuất. Còn thiền phong, thiền vị như anh bày tỏ - chà, khó quá - vì điều này thì cảm chớ không nói được. Xin anh tha cho.

ĐHĐ: Có phải anh dùng chữ nghĩa để “chém rụng” thứ chữ nghĩa ù lỳ không làm mới ngôn ngữ của các thi sĩ khác?

NĐBN: Chỉ vui chơi thôi mà. Tôi thấy mình có làm mới gì đâu. Có chăng, trong nghĩ tương đối nhất, có thể là mình đi con đường ít người đi, hoặc không ai thèm đi. Còn dùng chữ nghĩa để “chém rụng” chữ nghĩa như anh nói thì không có đâu. Chữ nghĩa mà tôi dùng vẫn là chữ nghĩa của ông cha mình đã dùng bao đời nay, cũ kỹ lắm.

ĐHĐ: Anh còn bao nhiêu bản thảo viết trong nước dự định sẽ in?

NĐBN: Danh mục bản thảo của tôi đã ghi đầy đủ ở phần đầu tập Bình Minh Câm hay ở phần sau tập Giữa Triền Hạn Reo. Trừ tập thơ đầu đã mất tích cũng như một số còn gửi lại anh em bằng hữu, phần lớn còn lại tôi mang đi được hết. Riêng bản thảo Thuở Hẹn Người cùng viết một năm với Giữa Triền Hạn Reo (1972) cũng đã được đăng trọn vẹn trên Văn hải ngoại số 23 (1984). Sẽ in tiếp khi thuận tiện.

ĐHĐ: Xin anh nói qua về thi tập “Giã Từ Ân Phúc”?

NĐBN: Dạo đó là năm 1970. Người đề xướng là Trần Huyền Thoại. Miên Hành và tôi đồng ý. Thế là bắt tay làm. Nhan đề tập thơ lấy từ tên một bài thơ của tôi. Tập thơ ngót 30 bài, tức là một người góp chừng 10 bài. Tài chánh và công sức thì do Miên Hành chịu một phần lớn. Số in hạn chế, chừng 500 tập, chủ yếu là tặng anh em bạn bè chơi, cho nên khoảng một năm là tuyệt bản. người viết tựa cho Giã Từ Ân Phúc là nhạc sĩ du ca Trần Đình Quân. Vị này rất thân với Trần Huyền Thoại, hiện sống ở Nam Cali, năm kia tôi sang bên đó chơi có gặp lại, anh em hàn huyên vui lắm. Sau 75 thì tôi mất liên lạc với Miên Hành. Còn Trần Huyền Thoại thì đã vượt biên thành công, hiện tạm trú tại Phi, chờ ngày vô Mỹ.

ĐHĐ: Anh có thích đọc không? Xin anh cho biết những tác giả, tác phẩm của Việt Nam cũng như ngoại quốc mà anh thích.

NĐBN: Tôi đọc bất kỳ tác giả nào mà tôi bắt gặp được: kinh điển, tư tưởng, văn thơ, khảo cứu, phê bình… Tôi đọc bằng chân tình và lòng kính trọng. Dù họ là tác giả cổ điển hay hiện đại, đông hoặc tây, già hay trẻ, mới hoặc cũ, trong nước hay ngoài nước. Yêu thích vẫn là kho tàng văn học dân gian hay văn chương truyền khẩu của mình: ca dao, hò vè, tục ngữ, truyện cổ, truyện tiếu lâm… Hồi còn nhỏ tôi hay mua những truyện cổ bằng thơ. Những thứ này ghi dấu trong tôi đậm lắm. Cũng khoái một phần khi đọc sách của Lão,Trang. Hai vị này lý giải những vấn đề cốt yếu của cuộc đời sao mà nhẹ tênh, tàng tàng, đề huề vui vẻ quá… Một kỷ niệm khoảng năm 1968, nhân đọc cuốn Kinh Thánh Cựu ước của hội thánh Tin Lành Việt Nam, tôi đã kinh ngạc vô cùng và choáng ngợp khi đọc chương Nhã Ca (The Songs of Salomon). Anh đọc chưa? Đọc rồi, tôi mới thấy đâu là suối nguồn vi diệu của thơ tình, cũng như đâu là sự vĩ đại và cứu chuộc của thơ tình. Cái âm hưởng này còn bám siết, theo mãi trong tôi dù đã ngoài hai mươi năm. Tôi nghĩ những anh em thích thơ, sống chết với thơ nên đọc. Thì ra, chẳng có gì mới mẻ cả trên cõi đời này, chỉ tại mình không chịu mở mắt ra mà thôi.

ĐHĐ: Anh nghĩ gì về các ngôn ngữ thi ca qua các thời đại?

NĐBN: Cuộc sống thì ngày càng phong phú, còn ngôn ngữ thì hình như ngược lại. Ở đây tôi chỉ thấy dù ở thời nào thì yếu tính của ngôn ngữ thơ là phải bám vào cuộc sống. Khi cuộc sống thay đổi, dĩ nhiên ngôn ngữ thay đổi, cho nên ngôn ngữ thơ cũng như thế mà bước theo. Xin thêm: thay đổi không đồng nghĩa với làm mới, mà chỉ có nghĩa là làm khác đi.

ĐHĐ: Anh nghĩ sao về nền thi ca hải ngoại nói riêng và văn chương hải ngoại nói chung?

NĐBN: Không nghĩ gì hết. Bởi vì cái gì thì cũng có định mệnh của nó. Thi ca hay văn chương hải ngoại - như anh thấy - cũng đã có sẵn con đường đi. Riêng bản thân mình nếu có làm được gì thì cứ làm và vui mừng khi thấy công việc làm của anh em.

ĐHĐ: Theo anh, thi ca có sứ mệnh gì không?

NĐBN: Cũng không, thơ là thơ. Bắt thơ phải có sứ mệnh này sứ mệnh nọ chỉ càng chứng tỏ sự bất lực, bất nhân của con người. Hãy đến với thơ bằng tấm lòng, bằng cảm xúc thì hay hơn. Đừng đến với thơ bằng đòi hỏi cứu cánh, để đặt trách nhiệm. Mệt lắm. Tội cho thơ lắm.

ĐHĐ: Khi sáng tác, anh cần thứ gì để trợ hứng: như cà phê, thuốc lá, trà, rượu, hình ảnh gái đẹp hay một tư tưởng ngoại tình?

NĐBN: Đủ món hết đó anh. Trợ hứng đôi khi cũng chính là nguồn hứng, tùy theo nhịp độ liên tưởng và kinh nghiệm: ví dụ như mảnh tàn thuốc rớt xuống cũng có thể cho mình thấy sự rơi rụng của đời… Nhìn sinh hoạt của bầy kiến cũng có thể cho đó là hóa thân của trần gian muôn màu muôn sắc… nhiều lắm, chỉ có điều là tùy lúc, tùy thời mà thành thơ… Nhiều lúc tôi nghĩ mình thi hóa được cuộc đời, có lẽ tại mình nhạy cảm và tếu quá chăng?

ĐHĐ: Chị nhà có nổi máu Hoạn Thư với mấy hình ảnh cô em trong thi ca của anh không?

NĐBN: Tôi phải xin phép bả mới trả lời anh được.

ĐHĐ: Chị nhà có sống theo từng nhịp thở thi ca của anh không? Chị có giúp gì để cho anh có sức sáng tác sung mãn như vậy ? Xin anh chị đừng rủa tôi mà tội nghiệp, vì độc giả Làng Văn cũng có người tò mò như tôi.

NĐBN: Bả sống theo từng nhịp thở của tôi và ba đứa con cũng đủ cho bả ngất ngư rồi, còn “nhịp thở thi ca” chắc là bả sẵn sàng tặng thiên hạ. Xin gửi cho anh và cũng cho độc giả - dĩ nhiên là những vị tò mò thôi - một câu này: còn gì tuyệt diệu hơn cho một thi sĩ khi hắn có một mái ấm gia đình, con cái vui ngoan và một người vợ khoan hòa, thực tế.

ĐHĐ: Xin anh một lời chót với độc giả Làng Văn.

NĐBN: Nói gì đây? Cám ơn thường tình chăng? Tôi thấy là bạn đọc thân mến đang bụm miệng cười rồi đó. Thôi thì… không lời như bóng mây qua.


Đào Huy Đán 
(Hồ Trường An) 

(Nguyệt san Làng Văn số 58, Toronto Canada 1989)