có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Hai, tháng 2 08, 2016

Bài ca tạm biệt của Viết Chung




Đây là một bài hát sinh hoạt (bài hát cộng đồng) được hát lên trong những dịp sinh hoạt tập thể - thời điểm hát là lúc chia tay nhau.

Bài ca tạm biệt

Gặp nhau đây rồi chia tay.
Ngày vàng như đã vụt qua trong phút giây.
Niềm hăng say còn chưa phai.
Đường trường sông núi hẹn mai ta sum vầy 
Đường trường sông núi hẹn mai ta sum vầy. 

Còn trong ta, tình bao la 
Cuộc tình chinh chiến bừng lên muôn ước mơ 
Lòi suy tư, lời đêm qua, 
Dặn lòng hãy nhớ lời yêu thương nhắn về 
Dặn lòng hãy nhớ lời yêu thương nhắn về. 


Trẻ con hát, thiếu niên hát, người lớn hát. Cứ mỗi lần tụ tập lại rồi khi chia tay nhau người ta lại hát bài này. Các bạn có nhớ không?

Tác giả bài hát là nhạc sĩ Viết Chung (1938 - 1996). Ông là một nhạc sĩ công giáo, tên thật là Giuse Đỗ Quang Trung, trước 1975 ông là Giáo sư Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Huế. Sau 1975, ông... làm công nhân lò gạch và lê lết bán sách cũ.

May thay, đến năm 1979, ông quay lại với âm nhạc và chuyên sáng tác thánh ca (rất quen thuộc và nổi tiếng).
...

Kỳ thật, người ta thường hát Bài ca tạm biệt với 1 hoặc 2 lời, trong khi bài hát có đến 3 lời. Lời bị bỏ qua là lời 2, lời 1 được hát nhiều nhất, hoặc hát cả 2 lời: 1 và 3.

Toàn bộ bài hát như sau:

Gặp nhau đây rồi chia tay.
Ngày vàng như đã vụt qua trong phút giây.
Niềm hăng say còn chưa phai.
Đường trường sông núi hẹn mai ta sum vầy
Đường trường sông núi hẹn mai ta sum vầy.

Rừng linh thiêng, rừng Lam Sơn
Rừng trầm lên tiếng ngàn cây xanh Chí Linh.
Về quê hương, về Chi Lăng
Đường về xao xuyến lửa nung sôi máu hồng.
Đường về xao xuyến lửa nung sôi máu hồng. 

Còn trong ta, tình bao la
Cuộc tình chinh chiến bừng lên muôn ước mơ
Lòi suy tư, lời đêm qua,
Dặn lòng hãy nhớ lời yêu thương nhắn về
Dặn lòng hãy nhớ lời yêu thương nhắn về.


(Nếu nghe bài hát được post kèm theo bài này, các bạn sẽ thấy ngoài lời 2 bị bỏ qua, lời 3 được sửa từ Cuộc tình chinh chiến bừng lên muôn ước mơ thành Cuộc tình tươi thắm bừng lên muôn ước mơ. Chắc tại hòa bình rồi nên không xài chữ chinh chiến nữa).
...

Xuất xứ của bài hát này từ đâu? Và vì sao lời 2 thường bị bỏ qua?

Tôi từng có trong tay một tập bài hát của Trung tâm huấn luyện Cán bộ Xây dựng Nông thôn (Việt Nam Cộng Hòa), trong đó có in bài hát này.


(Chương trình Xây dựng nông thôn là một nỗ lực trong cuộc Chiến tranh Việt Nam của Việt Nam Cộng hòa hầu củng cố miền quê và tranh thủ niềm tin của dân chúng trong cuộc tranh chấp với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. 

Sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ thì chính sách Ấp chiến lược để đối phó với lực lượng Cộng sản cũng phải thay đổi. Chính quyền Đệ nhị Cộng hòa đề ra Chương trình Xây dựng nông thôn để thay thế. Hai mục đích chính là đem lại an ninh ở miền quê và phát triển tiện nghi cho đời sống người dân nông thôn. 

Chương trình này chính thức ra đời vào Tháng Hai năm 1966 thuộc Bộ Xây dựng Nông thôn. Chính phủ đã đào tạo 23.000 cán bộ tuyển từ dân quê để theo học khóa huấn luyện 13 tuần. Cơ sở huấn luyện đặt ở Vũng Tàu - Theo wikipedia) 

Trung tâm huấn luyện CB XDNT này đặt tại rừng Chí Linh - Vũng Tàu, đó là lý do tại sao lời 2 của bài hát có đoạn: Rừng trầm lên tiếng ngàn cây xanh Chí Linh.

Tôi nghĩ rằng ban đầu nhạc sĩ Viết Chung đã viết bài này để phục vụ cho Trung tâm Huấn luyện Cán bộ Xây dựng Nông thôn. Sau đó, vì bài hát quá hay nên được phổ biến ra cộng đồng. Để phù hợp với cộng đồng, mang tính tổng quan hơn, người ta chỉ sử dụng lời 1 và 3. 
...

Dù xuất xứ là gì đi nữa, nhạc và lời của Bài ca tạm biệt rất hay, phù hợp với sinh hoạt tập thể (kể cả lời 2). Nếu được nghe và hát lại bài này trong những buổi gặp gỡ (và chia tay) thì cũng gợi lại cho bọn già như mình những ký ức một thời, phải không các bạn già?

Có một điều đáng nói là trong danh mục các bài hát trước 1975 được phép lưu hành, tôi không hề thấy tên bài hát này. Ơ, vậy không được phép hát nơi công cộng à?


Phạm Hoài Nhân