có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 2 05, 2016

Bình-Nguyên Lộc và tình đất



Nhà văn Bình-Nguyên Lộc (1914-1987)

Bình-Nguyên Lộc tên thật Tô Văn Tuấn, sanh và mất cùng ngày 7 tháng 3, thọ 73 tuổi (1914-1987). Sự nghiệp văn hóa của Bình-Nguyên Lộc khá đa dạng, ông viết văn làm thơ, rồi làm báo, nhă xuất bản và cuối cùng làm nhà nghiên cứu tiếng Việt và nhân chủng học. Bình-Nguyên Lộc là một trong những nhà văn trội bật của dòng văn chương lục tỉnh. Ngoài bút hiệu Bình-Nguyên Lộc ghi dấu quê hương Đồng Nai, ông còn ký Phong Ngạn, Hồ Văn Huấn, Trình Nguyên và một số bút hiệu ngắn hạn khác.


Bình-Nguyên Lộc làm công chức Sở Kho bạc ở Thủ-Dầu-Một rồi Sài-Gòn (1935-1945) trước khi gia-nhập kháng chiến chống Pháp. Ông theo kháng chiến, năm 1949 bỏ về thành, “kháng chiến thành” – bỏ không trở lại làm công chức cho Pháp. Từ đó, ông viết báo rồi làm báo, chủ biên tuần báo Vui Sống (1959), mở nhà xuất bản Bến Nghé và viết truyện. Sinh trưởng ở làng Tân Uyên (Biên Hòa), “lục tỉnh” từ bút hiệu và tên nhà xuất-bản của ông, Bến Nghé, ông có bài đăng báo từ năm 1943 (truyện Câu Dầm, tuần báo Thanh Niên, Sài-Gòn) và đã nổi tiếng từ 1950 với tập truyện ngắn Nhốt Gió (Nxb Thời Thế). Tập truyện và tùy bút đầu tay Hương Gió Đồng Nai viết xong năm 1942 (khởi từ 1935) nay chỉ còn dấu vết một vài bài đã đăng báo và tập truyện dài Phù Sa (viết năm 1942, đăng báo Thanh Niên năm 1943 với tựa ‘Di dân lập ấp’, và tạp chí Nhân Loại), viết dở dang, là những gửi gấm tâm sự của ông – ông muốn làm sống lại cuộc Nam tiến vĩ đại của đồng bào Nam-Ngãi để mở mang bờ cõi miền lục tỉnh, qua chuyện những người tiên phuông đã khai phá làng Tân Uyên bên bờ sông Đồng Nai cũng là quê hương của ông. Ông nổi tiếng vì truyện ngắn hơn là tiểu thuyết và tác phẩm của ông gợi lại cảnh vật quê hương, đất nước như ông đã có lần xác nhận: “Văn tôi bắt nguồn từ những cảnh đẹp của quê hương và lòng nhớ nhung tha thiết của tôi với nó, chớ không phải vì ái tình, vì yêu đương tác động…” (1). Chỉ lên Sài-Gòn sinh sống, làng Tân Uyên của ông không xa xôi gì mà đã khiến ông nhung nhớ! Ngay từ những sáng tác đầu tay và các truyện trong tập Nhốt Gió, ông đã lộ rõ thứ tình đặc biệt này, hình như nặng ở những con người phải sống lưu-xứ. Sơn Nam khi nói về tập truyện Nhốt Gió của Bình-Nguyên Lộc đã nhận xét “… tác giả viết Nhốt Gió với thái độ nồng nhiệt yêu đời của một người nhớ quê, nhớ dân tộc…” (2). Thật vậy, như chúng tôi sẽ trình bày, gần như toàn bộ tác-phẩm của Bình-Nguyên Lộc, văn thơ cũng như sưu-khảo, biên-tập, đều xoay quanh tình quê hương đất nước, đặc biệt tình đất!

Trong giai đoạn văn học miền Nam 1954-1975, Bình-Nguyên Lộc đã xuất bản các tập truyện ngắn Ký Thác (Bến Nghé, 1960), Mưa Thu Nhớ Tằm (Phù Sa, 1965), Tình Đất (Thời Mới, 1966), Cuống Rún Chưa Lìa (Lá Bối, 1969; năm 1987, nhà Văn Nghệ ở California tái bản nhập chung tập Tình Đất), Đèn Cần Giờ (Xới Đất, 1968) và Quán Bên Đường (?). Ngoài ra, ông có tập Tân Liêu Trai (ký Phong Ngạn; Bến Nghé, 1959), Tâm Trạng Hồng (truyện vui; Sống Vui, 1963), và hai tập bút ký Những Bước Lang Thang Trên Hè Phố Của Gã Bình-Nguyên Lộc (Thịnh Ký, 1966) và Thầm Lặng (Thụy Hương, 1967).

Về tiểu-thuyết và truyện dài, ngoại trừ Đò Dọc (Bến Nghé, 1959), các tập tiểu thuyết còn lại có tính cách bình dân vì phần lớn viết đăng từng kỳ (feuilleton) trên các nhật báo, riêng các tựa đề cũng đã nói rõ : Gieo Gió Gặt Bão (Bến Nghé, 1959), Quán Tai Heo (1960) (3), Nhện Chờ Mối Ai? (Nam Cường, 1962), Ái Ân Thâu Ngắn Cho Dài Tiếc Thương (Thế Kỷ, 1963), Hoa Hậu Bồ Đào (Sống Vui, 1963), Bí Mật Của Nàng (1963), Bóng Ai Qua Ngoài Cửa (1963), Nửa Đêm … Trảng Sụp (Nam Cường, 1963), Mối Tình Cuối Cùng (Thế Kỷ, 1963), Xô Ngã Bức Tường Rêu (Sống Vui, 1963), Đừng Hỏi Tại Sao (Tia Sáng, 1965), Trâm Nhớ Ngàn Thương (tiểu thuyết đăng báo Kich Ảnh năm 1965; Miền Nam,1967), Một Nàng Hai Chàng (Thụy Hương, 1967), Uống Lộn Thuốc Tiên (Miền Nam, 1967), Nụ Cười Nước Mắt Học Trò (Trương Gia xb, Miền Nam tb,1967), Diễm Phượng (Thụy Hương, 1968), Sau Đêm Bố Ráp (Thịnh Ký, 1968), Món Nợ Thiêng Liêng (Ánh Sáng, 1969), Khi Từ Thức Về Trần (tân truyện; Văn Uyển, 1969), Nhìn Xuân Người Khác (Tiến Bộ, 1969), Tỳ Vết Tâm Linh (Sống Mới), Cõi Âm Nơi Quán Cây Dương (truyện dài tình cảm liêu trai; Mây Hồng, 1972), Lữ-Đoàn Mông Đen (tình cảm xã hội, Mây Hồng, 1972), v.v.

Nhà văn Bình-Nguyên Lộc có hai kỷ lục, một là về viết feuilleton cùng lúc cho 11 tờ báo ra hàng ngày (‘nhựt trình’) năm 1957 và hai là về số tác-phẩm xuất-bản năm 1963. Ông cũng thuộc vào số nhà văn có số lượng lớn tác-phẩm đã đăng báo hoặc viết xong mà chưa xuất bản và phần lớn tác phẩm của ông đã bị thất lạc theo các biến cố lịch sử (1945-1949, 1975) và gia-đình (1985). Vì hoàn cảnh đất nước, ông đã bỏ Tân-Uyên định cư ở Thủ-Dầu-Một (việc làm 1935, kháng chiến 1946) rồi Sài-Gòn, và đến tháng 10-1985, bỏ nước di-cư sang Hoa Kỳ, ở vùng Sacramento CA và qua đời tại đó. Hai năm cuối đời ở xứ người, ông đã cộng tác với một số báo và tạp chí như Dân Việt, Việt Luận, Làng Văn, Văn, Nhân Văn, Lửa Việt, Đời, Thằng Mõ, Việt-Nam Nhật báo, v.v. hoàn tất tập hồi ký Nếu Tôi Nhớ Kỹ và bắt đầu tập hồi ký thứ hai, Sông Vẫn Ðợi Chờ, nhưng chưa xong thì ông mất vì huyết-áp cao. Hồi ký Nếu Tôi Nhớ Kỹ đã được Bình-Nguyên Lộc cắt thành truyện ngắn Mưa Thu Nhớ Tằm in trong tập cùng tựa. Truyện Kinh Tà Bang cũng là một phần của hồi ký này, được tác-giả lấy ra khi tái bản tập Cuống Rún Chưa Lìa ở ngoài nước (1987).


Nhà văn

Truyện dài nổi tiếng nhất của Bình-Nguyên Lộc và cũng là tác phẩm tiêu biểu cho sự nghiệp văn chương của ông là cuốn Đò Dọc đã được giải thưởng văn chương năm 1960. Đò Dọc là bức tranh xã hội miền Đông Nam vào giữa thập niên 1950, những cảnh sống sẽ sớm mất sau đó. Tiểu thuyết về cuộc sống di dân như những chuyến đò dọc của gia đình ông bà Nam Thành cùng bốn cô con gái (Hương, Hồng, Hoa, Quá, Thơm), từ Bạc-Liêu thuộc miền Tây lên Sài-Gòn; ở Sài-Gòn, ông bà buôn bán va-li sống nhờ lính Tây thuộc địa, nay Tây thua phải rút khỏi Việt Nam, buôn bán bắt đầu khó thì Sài-Gòn lại có giao tranh giữa các giáo phái. Ông bà bèn bỏ Sài-Gòn dọn về trang trại – Thái Huyên Trang, ở Thủ Đức gần suối Lồ-Ồ. Họ không có lựa chọn khác dù bốn cô con gái tuổi từ 22 đến 28 đều chưa chồng. Bốn chị em hay đi dạo xóm, dĩ nhiên sẽ có những nhân vật địa phương xuất hiện tán tỉnh làm quen. Những đụng chạm giữa quê và tỉnh:

“Quờn là một công tử nhà quê, hạng người mẫu. Vì ở gần thành phố quá, mặc dầu thành phố ấy chỉ là một quận lỵ, công tử Quờn lại mang thêm một cố tật dĩ nhiên là muốn thành người thành thị. Thành không được, Quờn lai căn một cách dị hợm với những bộ bi-da-ma màu hường, màu xanh lá cây mà cậu mặc mãi từ sáng đến tối, từ trong buồng ra đến quận lỵ. (…) Từ ngày xóm tiếp nhận nữ khách mới thì cậu xức nước hoa chế tạo ở Chợ lớn và nhét mù xoa nhỏ có thêu chéo xanh xanh đỏ đỏ trên miệng túi bi-da-ma. Cậu diện thêm một cây đàn băng cầm, cứ chiều chiều xách nó ra đường, không khảy vì chưa biết chơi, nhưng cắt nghĩa lu bù về nhạc cụ ấy, với đám trẻ con bu quanh cậu. (…) Trong cái lần đầu ấy, thấy Quờn liếc lén mấy chị em, Hoa tấn công ngay:

– Chào cậu hai. Đi dạo mát với chị em tôi chơi, cậu. (…)

Quờn đứng chết sững và ngậm câm, còn hai cô Hoa và Quá thì rũ ra cười; cô Quá cười no rồi nói:

– Hay là cậu mặc áo hường rồi chê áo đen của chị em tôi mà không muốn đi chăng? (..).

Một bữa khác, được nói chuyện với mấy chị em Hoa, Quờn sẽ để lộ cái “dốt” :

“Quờn mặc bi-da-ma bằng vải ú màu xanh lá cây, đầu chải brillantine Chợlớn sực nức mùi chanh, cổ đeo giây chuyền vàng khè, tay nặng trịu nào lắc vàng, cà rá vàng và đồng hồ cũng bằng vàng. (…)

– Độ rày cậu làm gì, cậu hai? Hoa lại hỏi.

– Cũng hổng cần làm gì, à tôi có tự túc một bầy gà Huê-kỳ, coi bộ tương lai quá khứ?

Cả bốn chị em đều ngạc nhiên, không hiểu cậu ta nói cái gì mà lại tự túc và có tương lai quá khứ?

– Tự túc là gì cậu? Hương hỏi thật tình.

– Tự túc là nuôi, chớ là gì.

– Vậy hà, còn tương lai quá khứ?

– Tương lai là tương lai, còn quá khứ là quá sá. Tiếng mới mà. Tôi nghe họ nói hay quá, nên tôi bắt chước dùng theo. Đời bây giờ họ bày ra nhiều tiếng mới hay lắm. Thí dụ phạm tội, họ nói phạm vi. Thù vặt họ nói cá nhân, nghe hay quá khứ.

Hoa và Quả núp sau lưng hai chị mà cười đến chảy nước mắt. (…) (4).

Vì ở gần đường thiên lý nên hay xảy ra những tai nạn xe cộ và ba trong bốn cô con gái Thái-Huyên Trang sẽ gặp được người ưng ý trong số những thanh niên bị tai nạn xe.

Về truyện ngắn, tập Ký Thác (1960) gồm nhiều truyện đặc sắc của Bình-Nguyên Lộc. Rừng Mắm đưa người đọc trở lại thời khai khẩn miền đất mới. Hồn Ma Cũ, Rung Cây Dừa, Người Tài Xế Điên, … vẽ những cảnh đời và nơi chốn đã dần biến mất. Hồn Ma Cũ, Ba Con Cáo, Đôi Bạn Mắc Hoa Vông, Ba Sao Giữa Trời là những tuyệt tác đầy ngạc nhiên thích thú (lời quảng cáo tái bản ghi Ký Thác gồm “những truyện được đa số trí thức ưa thích BCC, RM, HMC, KT, … trong đó tác-giả đã ký gởi cả tâm-tư khuyến-động của mình”). Một đoạn trong Hồn Ma Cũ : “… Hình ảnh uống cà phê bằng dĩa này, như bấm vào nút điện, và cả bộ máy được huy động. Những người của dĩ vãng như hồn ma, lũ lượt kéo qua trước mặt chàng. Hồn ma cũ ấy chỉ hiện về được trong cảnh náo nhiệt này là vì có cuộc trùng phùng cơ hội như hôm nay: thời gian, nơi chốn, màu sắc, hình ảnh, mùi vị, tiếng động, âm thanh; tất cả những thứ ấy đủ mặt, họp nhau để huy động ký ức của chàng” (bản Văn Nghệ 1986, tr. 87).

Trong Rừng Mắm, qua nhân vật ‘thằng Cộc’, tác-giả đã trở về thời Nam tiến khẩn hoang, vẽ lại đời sống khó khăn của những người di dân ở miền Đông. Vùng đất Ô Heo, không gian mênh mông, còn đồng loại thì vắng bóng, ba thế hệ đều sống như vậy và để sinh tồn, họ phải chống chọi với thiên nhiên, chiến thắng rừng tràm, để lập đất, lấn ra biển. Ngay từ bước đầu, “Ông nội nó với tiá nó đốt rừng tràm từ ngoài bờ rạch. Gió thổi vô rừng và lửa, như con vật khổng lồ, đã táp một cái vào vào khối thịt xanh um của biển rừng tràm này. Thành ra ruộng nhà của nó mang một hình tròn kỳ dị, không tròn đều đặn vì không ai chỉ huy được sự cháy rất là rắn mắt của ngọn lửa.

Cộc nhìn ruộng mình một hơi rồi cười khan lên. Đám rừng bị khoét một lỗ để làm ruộng, trông như đầu tóc trẻ con được mẹ cạo, nhưng mới cạo có một mảng thì có chuyện gấp, bỏ dở công việc; đứa trẻ bị chúng bạn chế nhạo là đầu chó táp. Lúa ruộng chín, cây lúa cao quá, ngã rạp xuống để lòi trăm ngàn gốc tràm lên, trông như ai đóng cọc để cất nhà sàn; năm xưa đốt rừng nhưng không đủ sức đánh những gốc tràm tươi rói không cháy được nầy, tiá thằng Cộc đành cấy lúa giữa những gốc ấy, mãi cho đến ngày nay mà gốc vẫn chưa mục. Tía nó nói mười năm nữa tràm chết cũng vẫn còn đưa cẳng lên như vầy. Sau lưng Cộc là những rặng tràm bị cháy sém dưới trận lửa khai hoang, không chết ngay, nhưng “CHẾT NHÁT“, cứ mỗi năm chết lần mòn thêm vài mươi cây. Mấy hàng tràm đầu nám đen và trụi nhánh như cột nhà cháy, căm hận nhìn chiếc chòi lá xa tít mù dưới mé rạch đang chứa chấp kẻ thù đã lấn đất của chúng, đã sát hại chúng.“ (tr.13-14).

Nhân vật trong Ba Con Cáo gồm một cô gái ăn sương (hồ ly), một tên trộm cắp (Sáu Sửu) và một con cáo, “cả ba con cáo đều có một nỗi băn khoăn chung là cả ba đều sợ: con cáo chánh hiệu con … cáo thì sợ chó bẹc-giê, con cáo già sợ Công An, còn con hồ ly cáo cái thì sợ lính kiểm tục” (tr. 43). Sống trên mồ mã, cả ba ‘con cáo’ khi cần nhau thì tỏ ra có tình có nghĩa nhưng cũng dễ ‘cạn hết chất người’ phản nhau khi bản năng sinh tồn buộc phải ra tay. Một cõi nhân gian của Sài-Gòn vào giữa thế kỷ XX!

*

Tập Mưa Thu Nhớ Tằm (1965) gồm 16 truyện và một kịch ngắn mà theo lời tác giả ở đầu truyện Mưa Thu Nhớ Tằm, phần lớn các truyện trong tập đã được viết vào mùa Thu 1956. Những mảnh đời và lòng người trước những nghịch cảnh và đổi thay của thời gian. Miền Nam sống động qua một số phong tục địa phương và dấu chân thời gian, nhất là qua chuyện tuổi già trong các truyện Tre Phải Tàn và Quyển Gia Phổ. Truyện Mưa Thu Nhớ Tằm kể chuyện văn hóa nông nghiệp gốc: bác Y từ một làng quê Điện Bàn, Quảng Nam vô Sài-Gòn làm công nhân trong nhà máy dệt, bác vẫn nhớ quê, nhớ nghề trồng dâu nuôi tằm bác đã quen. Bác trồng trước sân cây dâu, và những khi trời mưa, vì thương tằm bác cầm nón ra che mưa cho dâu – cảnh của ca dao địa phương Nam-Ngãi mà tác-giả ghi ở đầu truyện:

“Thương tằm cổi áo bọc dâu,

Ngỡ tằm có nghĩa hay đâu bạc tình“

Trong Quyển Gia Phổ, Khoa, nhân vật nhiều kinh nghiệm sống nên cái nhìn thực tế nhưng khác người, đã cắt nghĩa cho Thụ và Tồn về những thói quen mà có người, nhất là những người từ Đàng Ngoài vào đất mới lập-cư nghĩ là trật tự cũ hay phong-tục truyền-thừa từ nhiều thế hệ không thể bỏ; và khi quyển gia phổ dòng họ bị cháy thành đống tro tàn: “Anh Tồn anh ấy khổ sở thế vì quyển gia phổ ấy giúp ảnh bằng cớ để mà tự hào về dòng họ cổ nhứt miền Nam của chúng tôi: còn mồ mả những mười hai đời và gia phổ chép những mười lăm đời. Ảnh tự hào rồi mải vướng bận vì những bảo vật ấy. Tình quyến luyến ấy theo tôi cũng không hại gì cho lắm. Ác một cái là nó kéo theo cả bầy lũ những tình ý khác, cái nào cũng cổ kính như ngôi mộ đóng rêu…” (tr. 203). Giá trị quyển gia phả không khác gì những hình dạng biến thể của bánh chưng, bánh tét hoặc ảnh tượng chưng bàn thờ. Ở đây, tác giả tỏ ra chống lại thái độ bảo thủ tột cùng, việc cứ khư khư giữ lấy và cả tôn thờ những cái đã thuộc về quá vãng, cũng như chống lại tâm lý sợ tiến hoá cũng như kỹ nghệ hóa đất nước của buổi giao thời đó!

*

Tập Cuống Rún Chưa Lìa (bản 1987 nhập chung tập Tình Đất, 17 truyện) thêm những truyện về tình đất và tình yêu quê hương. Các truyện trong tập như Những Đứa Con Thương Của Đất Mẹ, Lửa Tết, Phân Nửa Con Người, Chiếc Khăn Kỷ Niệm, Bán Ngôi Nhà Cổ, Những Ngôi Mả Tổ, Bám Níu, Con Tám Cù Lần, … viết về những con người sống không thể rời mảnh đất tổ tiên, quê nhà, những “chơn trời quen thuộc”! Theo Bình-Nguyên Lộc, con người không thể quên cội nguồn, dù sống xa cách nơi sinh ra, thì vẫn gắn liền với quê hương, như cuống rún không thể lìa đất mẹ – nói đúng ra là ‘chưa lìa’ vì vẫn phải đề cao cảnh giác, phải biết giữ cốt lõi khi tiếp xúc với những xa lạ từ ngoài vào (từ món ăn đến nếp sống), nếu không thì ‘chưa lìa’, ‘ không lìa’ cũng có lúc sẽ phải … lìa mất!

Tình-yêu quê-hương cụ thể bắt nguồn từ căn bản tình đất. Trong truyện Thèm Mùi Đất, tác giả cho biết : “Đất có mùi thật sự, nhứt là đất mới xới, một mùi rất đặc biệt mà mũi họ quen ngửi cho đến ghiền, thiếu thì họ nghe thèm. Họ thấy rằng họ hạnh phúc vì họ được thỏa mãn tình cảm. Tình nhớ xứ, nhớ nhà gồm nhiều yếu tố, mà nỗi thèm mùi đất là một yếu tố quan trọng. Nỗi thèm này có khi mãnh liệt như nỗi thèm mùi khói thuốc phiện của những con thằn lằn, những con chuột lắt sống trong buồng của những kẻ hút thuốc phiện, họ thèm và nhớ mùi đất y như đào hát thèm và nhớ sân khấu, vũ nữ thèm và nhớ đèn màu, và y như cá thèm và nhớ nước…” (tr. 78). Người nông dân trông coi nghĩa trang một thành phố không còn ý định bỏ về quê khi anh có đất để để trồng rau, bông vạn thọ, tìm lại được thú vui sống, mà nghĩa trang lại được thơm lây quanh năm. Cùng trường hợp với bà vợ ông giáo Quyền không thể sống ở thành phố và cả nhà đã phải dời ra ngoại ô để bà có đất trồng trọt mà đỡ nhớ mùi đất quê hương đến phải mang bệnh. Nếp sống, mùi đất và cả người thân làm nên linh hồn quê-hương!

Trong Chiêu Hồn Nước, người phụ nữ theo chồng về Pháp, sống xa xứ nhớ nhà “thèm khát quê hương … như là thèm một món cá nướng chấm mắm nêm, thèm hương bưởi, thèm tiếng chuông chùa …”, nên đã lặn lội về thăm quê trong những ngày cận Tết, nhưng bà đã không tìm được cái gọi là linh hồn quê hương đó vì tại đây bà không còn người thân và dây liên hệ tình cảm nào cả: “Cây cỏ, núi sông vẫn có linh hồn. Nhưng ta chỉ nắm tay được với linh hồn cảnh vật qua trung gian của một linh hồn khác thôi, linh hồn người…”(tr. 48, 49). Trong Phân Nửa Con Người, cha của Sáu Nhánh muốn bỏ kiếp sống thương hồ, trở lên đất liền sống những ngày cuối đời. Hỏi ra mới biết là ông nhớ làng, nhớ đất. “Tao ghiền hửi mùi đất xông lên sau mấy trận mưa đầu mùa, (…) Tao muốn hưởng mùi đất vài năm trước khi theo về với ông bà (…) Rồi ngày kia mầy sẽ nghe rằng đất có hồn và hồn mầy rất gần gũi với hồn đất“ (tr. 96, 97).

Truyện Câu Dầm, tác giả ghi tặng “những đứa con yêu mến của Tân-Uyên đã xiêu bạt khắp mọi nơi sau mùa tiêu thổ 1945“, nơi sông nước Đồng Nai, nơi nhân vật Tôi thích câu dầm. (Bình-Nguyên Lộc còn viết về Tân Uyên quê nhà trong một số truyện ngắn và tiểu-thuyết khác như Nhốt Gió, Đèn Cần Giờ (chợ bò Tân Uyên trong Ma Rừng), v.v.

*

Đến Những Bước Lang Thang Trên Hè Phố Của Gã Bình-Nguyên Lộc và Thầm Lặng là hai tập bút ký đặc sắc về Sài-Gòn và con người sống trong cái bưng bít của chốn thị-tứ bủa vây bởi chiến-tranh và nhiều xáo trộn, đổi đời. Tình đất điển hình, nên Bình-Nguyên Lộc đã nhiều lần chỉ trích nghiêm khắc những gì là ngoại lai, là xa lạ. Như trong Đò Dọc, ông cho rằng thành phố Sài-Gòn không có dân chính gốc mà toàn là thương gia và dân công chức tạm trú làm ăn, mà ca dao, tục ngữ ở đây cũng không có gì đặc sắc (ĐD, 43-44). Như các đại-đô-thị, Sài-Gòn là nơi hội ngộ của người Việt từ lục tỉnh lên, từ ngoài Trung ngoài Bắc vào (đậm nét với cuộc di cư năm 1954), nơi kiếm sống, làm lại cuộc đời của những người này và là nơi mà dân ngoại ô đến đó làm việc, bán hàng hay tìm vui.

Sài-Gòn chiếm rất nhiều trang viết của nhà văn Bình-Nguyên Lộc. Ngoài đặc tính đất mới, thủ phủ lớn của Đàng Trong, Sài-Gòn còn là bãi chiến trường của nhiều cuộc tranh hùng Miên-Việt, Đàng Trong-Đàng Ngoài, và cuối cùng là Pháp-Việt. Thời Minh Mạng rồi người Pháp đến xâm lăng, Sài-Gòn mọc thêm nhiều bãi tha-ma và bình địa. Từ những hoang tàn đó, mọc lên Sài-Gòn hôm nay, lớn rộng theo đà đô thị hóa, người sống-người chết và mới-cũ sống chung và cả tiêu diệt nhau. Bình-Nguyên Lộc nhắc đến nhiều tên và cảnh tượng những con phố, con đường, những hàng cây (me, cây vông nem hoa đỏ, …), những con kinh, những con hẻm đầy bất ngờ và bí hiểm và những vết tích lịch sử:

“Ôi những hàng me Chợ Cũ, những hàng me phố Gia Long, những hàng me phố Tản Đà giao nhành rợp bóng, những hàng me bầu bạn của những người đi bộ về trưa, những hàng me tò mò dòm vào các cửa sổ tư gia, gởi vào đó những lá nhỏ li ti trên tóc cô gái bé, những hàng me tàn xanh sậm quyến luyến những tiếng dương cầm của ai trong vài cửa sổ vọng ra. Ôi ! Những hàng me chứa chấp cô Mùa, một cô gái quê ít dám léo hánh đến thành phố. Chính trên mái tóc xanh biển màu theo thời tiết của người mà những khách yêu thiên nhiên tìm dấu chân Mùa hàng năm len lén đến vài lần nơi thành phố. Lòng sầu xứ quê của những kẻ lạc loài vào đô thị Sài-Gòn được dịu đi vài phần khi nhìn những hàng me Nguyễn Du và Hồng Thập Tự ngã màu rồi lại thẫm mầu. Những ngày mà toàn thân me đều khoác áo màu đọt chuối non, là những ngày người mến thiên nhiên nghe tiếng hát của Mùa, hồi hộp lắng nghe bước chân Mùa trên xi măng của thành phố …”

Những con kinh đen Tầu Hủ vùng Chợ-Lớn tấp nập và con sông lớn của nếp sống thương hồ:

“… Con sông con thân mật, đứng bờ bên nây hú một tiếng là bên kia nghe liền… Con sông gợi tình, thỉnh thoảng mầu nước trong xanh biến ra vàng sậm vì từ lòng cạn vẩn lên phù sa gợi nhớ Thuỷ Chân Lạp hoang vu, nê địa, gợi nhớ cuộc đổ xô vào Nam, gợi hình ảnh đẹp đẽ của đoàn người chiến đấu với thiên nhiên để khai thác đất mới.

Nhà Bè nước chảy chia hai

Ai vào Bến Nghé, Đồng Nai thì vào

Con sông làm vận thừa cho một giang cảng sầm uất, (cái bụng của Sài-Gòn), tập trung tất cả ghe thương hồ của một hậu phương trù phú. Một người bạn ghe nào đó, không tiền để đi hưởng các cuộc vui của thành phố tưng bừng, ngồi trong khoang thuyền gảy nhẹ chiếc độc huyền, và cất giọng nói thơ. Với tiếng nhạc quê mùa, hương gió của Đồng nai, mùi bùn của Ba Thắc, tất cả linh hồn của đất nước như đã theo thuyền buôn mà về đây.

Con sông đặc biệt Á đông với những chiếc ghe dùng làm nhà, trên mui chưng vài ba cây cảnh, trước mui một con heo đứng ngơ ngác nhìn bờ, một con gà muốn cất cánh bay mà ngại chết đuối.

Nên chi, đi xa mười năm vẫn nhớ Sàigòn. Không nhớ những phố lớn nhà cao vô vị vì giống phố nhà nơi khác, mà nhớ con sông nho nhỏ, khổ đau vì chở nặng những ghe chài khẩm lừ hàng hoá, thủ phận người vợ hiền chăm nuôi con dại, và bỡ ngỡ như một chị nhà quê vào thành phố.“

Sài-Gòn đất mới dựng xây trên tàn tích của những triều đại thịnh suy và những sắc dân từng sinh sống nơi đó. Nơi đây, âm dương chung đụng, tiếp nối, cho nên những khi lang thang trên đường phố, Bình-Nguyên Lộc đã phát hiện ra Sài-Gòn được “xây dựng trên một bãi tha ma minh mông”, nơi ‘hồn ma cũ’ nhập vào đời sống của con người hôm nay. Ngoài Những Bước Lang Thang …, trong một số các truyện khác Bình-Nguyên Lộc viết về cõi chết và những ‘hồn ma cũ’ một cách thiết tha. Trong Mấy Vụ Quật Mồ Bí Mật, nhân vật Nguyễn Văn Mun trước khi bỏ làng ra đi làm ăn xa, đã bốc trộm hài cốt của ông bà, cha mẹ đem theo sang xứ khác làm ăn. Trong Câu Dầm, tác-giả xây dựng nhân vật Ba Sa thật đặc sắc: “Ông Ba Sa là một ngưòi thuộc về cõi âm. Ban ngày không thấy ông đi đâu hết, trừ khi ông giúp đám ma, nhà héo, đi cúng chùa, cúng đình … Như một con cú ăn đêm, bạn bè với bóng tối, ông Ba chỉ ra khỏi nhà lúc đỏ đèn để câu dầm, về mùa mưa. Còn trong những tháng nắng ruộng khô không biết ông làm gì (…) Nào là chuyện thằng cha đi câu dầm, đêm kia gặp một bà già lạnh quíu, run rẩy bên đưòng. Động lòng thương, anh ta cõng bà ấy về làng. Nhưng dọc đưòng nghe càng lâu, càng nặng, nặng quá, đi không nổi. Anh ta ngó ngoái lại thì trời ơi, đó là một cỗ hòm lâu đời, mục nát, hôi tanh. Lại chuyện anh chàng đi soi ếch, nửa đường có thằng nhỏ xin theo xách giỏ.

Tới khuya, anh ta xem lại giỏ coi đưọc nhiều hay ít… thấy máu chảy ròng ròng, ếch thì con nào con nấy cũng mất đầu, anh ta hỏi lẩy thằng nhỏ:

– Bộ mầy ăn ếch sao mậy?

– Ừ, tôi ăn.

– Bộ mầy là ma sao mà…

Anh chưa dứt tiếng thì trời bỗng chớp lòe, thấy miệng thằng nhỏ dính máu tèm lem, túa lụa, còn lưỡi nó thì le ra dài tới rún…“ ( CRCL tr. 84- 85).

Ma gần gũi, thân mật đến lạ lùng!Và cũng biết nuối tiếc thời sinh tiền!

Truyện liêu trai Cõi Âm Nơi Quán Cây Dương căn bản là chuyện tình cảm giữa người sống và người chết, liên hệ hôm nay với hôm qua, mà còn là lời ta thán của những hồn oan của dân lành thời Pháp thuộc. Quán nhậu Cây Dương ở giữa đường Thủ-Đức-Sài-Gòn vốn là biệt thự dùng làm đồn bót cho phòng Hai của Pháp. Bãi đất chung quanh đã là nơi chôn cất của những người dân sau khi bị tra tấn, đọa đày ở trong ngôi biệt thự. Người sống và người chết tôn trọng lãnh địa của nhau (tôn trọng hài cốt chẳng hạn), đời ai nấy sống, thì đã không có những chuyện quấy phá, làm … sợ!. Cũng như những ngộ nhận về quyền lực của ma: “Nếu người cõi Âm mà đủ quyền lực hại người của cõi Dương thì bao nhiêu kẻ sát nhơn đã bị lôi đầu xuống âm phủ hết cả rồi chớ có đâu mà cứ phây phây an hưởng nơi trần thế” (tr. 151). Chết cũng không có nghĩa là đã hết chuyện!

*

Toàn bộ tác phẩm của ông gồm trên 1000 truyện ngắn và gần 50 truyện dài nhưng xuất bản chỉ được một phần nhỏ. Các nhà nghiên cứu phê bình về Bình-Nguyên Lộc thường dừng lại ở truyện ngắn và bút ký của ông mà không nhìn toàn bộ tác phẩm đã xuất bản cũng như đã đăng báo. Theo Bình-Nguyên Lộc, một tác phẩm lớn, “không bắt buộc phải đề cập tới một vấn đề lớn, mà là một tác phẩm nói được nhiều về một chuyện nhỏ” (5). Cũng theo ông, “văn chương có giúp cho đời sống, đó chỉ là những tiếng thì thầm của một người nói với chính mình” (6). Bình-Nguyên Lộc từng cho nhà thơ Bàng Bá Lân biết ông thích tiểu-thuyết Xô Ngã Bức Tường Rêu (1963) hơn là Đò Dọc vì “Đò Dọc chỉ có giá trị nghệ-thuật, còn Xô Ngã Bức Tường Rêu ngoài nghệ thuật còn có tính cách xây dựng nữa”. Trong phần phỏng vấn của Bàng Bá Lân, Bình-Nguyên Lộc còn cho biết ông thích tất cả các đứa con tinh thần của mình, nhưng tác-phẩm mà ông thích nhất là tiểu-thuyết So Le từng đăng báo khoảng năm 1953-54 nhưng ông không muốn xuất bản khi còn sinh-tiền; và đoạn văn mà ông thích nhất là đoạn cuối trong Nhện Chờ Mối Ai? (1962) (7).

Văn chương ông do đó giản dị như cuộc đời, không cầu kỳ, trau chuốt gọt đẽo. Có những câu cụt ngủn, lừng khừng. Ông hay dùng những chữ như “hay không” (“… kể may mắn hơn liệu có lương thiện được hay không nếu …” (Đ.D. tr 233). “Có muốn tiền hay không”, “hay có chuyện gì lạ hay không”), hoặc chữ “nầy” (“cảnh khổ nạn ở xóm thuốc nầy”, “ai cũng buồn cười cho hoàn cảnh rể ngược đời nầy”). Bình-Nguyên Lộc dùng nhiều tiếng thông dụng hàng ngày như “cái mới khó hiểu / có cái gì lạ nè / thiệt là hết hy vọng / có hay thì thôi,…”.

Đất Nam-kỳ lục tỉnh là nơi gặp gỡ và sống chung của nhiều dân-tộc như Khmer, Hoa, Chăm, …, trong đó người Việt đóng vai trò chính. Những người Việt từ phía Bắc đến định cư ở vùng đất mới mang theo vốn văn hoá gốc rễ của mình, trong đó có tiếng nói. Từ sự hợp cư đó, tiếng nói và ngôn ngữ trở nên pha trộn, nhận chịu ảnh hưởng với đủ giọng Bắc, Thanh Nghệ, giọng Nam-Ngãi, bên cạnh tiếng Chăm, tiếng Cam-Bốt, tiếng Hoa giọng Phúc Kiến, Triều Châu. Tác-phẩm của Bình-Nguyên Lộc là cả một kho tàng ngôn ngữ địa phương thời xưa, thời thập niên 1940, 1950, 1960 và tiếng Hoa, tiếng Tiều (Triều Châu): xính xáng, tài pán, tào cáo (’con chó lớn’, để ám chỉ quan lớn Tây), v.v. Từ láy và phương ngữ Nam-kỳ của Bình-Nguyên Lộc giàu âm thanh và tượng hình : mỏng lét, lúp-xúp, lụp-xụp, xèm-xẹp, lùn xủn, rụp rụp, xúm xít, rôm rả, rôm rốp, ong-óng, rung len-ken, cười khan, già háp, tươi rói, la bài-hãi, (lên giây thiều) rồn-rột, v.v. Những so sánh đặc biệt, như đất trồng trọt thiếu nước: “đám đất ông nó khát hả họng” (Đất Không Chết), hay “không có gì ăn tui cũng nghe no tới cổ vì sung sướng”(Bám Níu), … Và dĩ nhiên tiếng Pháp và biến-thể của chúng cũng được Bình-Nguyên Lộc tận dụng cho tác-phẩm của mình, cho hợp mạch-văn và khung-cảnh với thời buổi bấy giờ: cái bách-xê (laisser-passer, giấy thông-hành), cúp cua, sô-cô-la, cam-nhông, ô-tô-buýt, …

*

Nhìn chung, Bình-Nguyên Lộc thiên về phân tích tâm lý, về mô-tả đời sống con người ở miền Đông cũng như ở thị thành. Hoặc cả hai với những nhân vật từ thôn quê lên tỉnh thành. Ông vẫn thiên vị cho rằng con người miền Đông “văn minh” hơn con người ở miền dưới, miền Tây – nơi lòng người chưa thuần và chưa có truyền thống (X. Đò Dọc, tr. 67). Người thành thị phải thích ứng đời sống mới ở thôn quê như trong Đò Dọc, nhà quê lên tỉnh khó thích ứng với đời sống mới như trong Hoa Hậu Bồ Đào, Ái Ân Thâu Ngắn Cho Dài Tiếc Thương, v.v. Nửa quê nửa tỉnh! Nhất là buổi đầu! Cô Hiếu (trong Hoa Hậu Bồ Đào), một người con gái quê có nhan sắc lên thành phố, phải chống chọi với bao nhiêu cạm bẫy, cám dỗ của lối sống thị thành.

Bình-Nguyên Lộc cũng chú tâm đến cho con người ở chốn thị thành, vào thời mà văn minh vật chất tràn ngập sau thế chiến thứ hai. Con người biến tính, mất căn bản, bê trễ chuyện gia đình (Gieo Gió Gặt Bão) thành ra hư hỏng, vô trách nhiệm với xã hội (Nhện Chờ Mối Ai, Nửa Đêm Trảng Sụp). Nhưng như đã trình bày ở trên, đặc điểm nổi bật của các tác phẩm của Bình-Nguyên Lộc là tình đất, tình quê-hương. Nhiều truyện của ông thực ra là những tùy bút như các truyện trong Mưa Thu Nhớ Tằm và Cuống Rún Chưa Lìa. Trong các tùy bút này, Bình-Nguyên Lộc tỏ ra là một người yêu quê hương xứ sở. Tình yêu đất nước là một đề tài hay được Bình-Nguyên Lộc khai thác qua góc nhìn văn hoá, lịch sử và sau cùng là nhân chủng, các chi tiết, địa danh đều ẩn chứa dấu-tích thời gian, lịch sử và nếp sống của con người qua nhiều thời đại, thế hệ.

*

Các nhân vật của Bình-Nguyên Lộc gồm đủ loại, từ những con người bình thường, các nữ sinh, sinh viên trường thuốc, kiến trúc sư, cô thầy giáo, công tư chức, nhà báo, đến văn nghệ sĩ, kinh doanh lớn; cả gái buôn hương, trộm cắp, dân anh chị, me Tây, me Mỹ, hay … ma Hời, ma Việt, v.v. Các nhân vật nam của ông hơi dễ dãi, không rõ nét “nam” như các người nam trong tiểu thuyết của Sơn Nam. Thường tâm lý các nhân vật của Bình-Nguyên Lộc đều tốt đẹp rõ nét : trong Đò Dọc có ông bà Nam Thành, bà phủ mẹ của Long, Long nghệ sĩ nhưng khi cần cũng biết bổn phận, hay cô Hương lớn nhất nhà nhưng yên lặng đến dửng dưng, chấp nhận hoàn cảnh, không hề đau khổ. Cô Hoa có hơi lắm lời theo lẻo, đánh chị sứt mặt, nhưng lại có lòng : “… điều đó tuy bậy, nhưng những kẻ may mắn hơn liệu có lương thiện được hay không nếu đứng vào địa vị họ?” (ĐD, tr. 233)!

Chuyện tình ở Bình-Nguyên Lộc ít éo le, thường là đôn hậu, nhẹ nhàng, nhưng cũng có những bất ngờ! Không khí tiểu thuyết của ông vui, lạc quan. Trong Trâm Nhớ Ngàn Thương nhân vật Ngàn từ yêu đi đến thương, lo lắng cho người con gái mà gia đình rơi vào hoàn cảnh éo le. Phông là chuyện tình nhưng có nhiều trò chơi, đuổi bắt và bi kịch.

Cốt chuyện nếu có rối rắm thì cũng có giải pháp, lối thoát. Hoà hoãn, như đoạn cuối Đò Dọc, đám trẻ trở về Sài-Gòn, còn hai ông bà Nam Thành ở lại Thái Huyên Trang bên suối Lồ-Ồ hợp với tuổi già. Lại nhiều khi bất ngờ và thích thú chứ không bi đát. Tâm lý nhân vật ít được đào sâu. Trong suốt cuốn truyện dài Đò Dọc chỉ có nhân vật ông Nam Thành là có một tâm lý linh hoạt, vì có thể cũng là tâm sự và dáng dấp của ông. Bình-Nguyên Lộc ở nhiều tác phẩm lạm dụng nhiều đối thoại, tình tiết kéo dài không cần thiết hoặc nơi khác, lại sa đà đi vào lãnh vực nghiên cứu, lý luận.

Ông có tài quan sát, nhất là về thảo mộc. Rừng cây dầu lông vùng Tân Uyên trong Nhốt Gió (1950) : “Nếu cây trắc giống như người già háp, lâu lớn, cằn cỗi, cây sao giống một người mạnh mẽ vừa tầm thì cây dầu giống một anh cao lỏng khỏng, y phục lại đơn sơ. (…) Rừng dầu thưa, thân dầu suôn đuồn đuột vươn mình lên cao mãi tận đâu. (…) Trên lớp lá dầu tròn, xòe ra như cánh quạt bông dầu nhuộm hồng cả khu rừng. Bông dầu lông đỏ lợt, lấm tấm những điểm trắng rất đẹp. Họ đạp lên những lá dầu kêu rôm rốp. Trên đầu họ ong kêu vù vù là muôn ngàn người đương trò chuyện trên ngọn cây. Những miệng dầu bị đốt, hả miệng đen ngòm dưới ngọn cây”(8).

Trong Đò Dọc: “Trái sao, trái dầu bay đẹp mà rơi cũng đẹp. Nhưng trái trắc bay trông lại buồn cười. Cánh của trái ấy không chia ra hai nhánh, hoặc bốn nhánh mà lại bao quanh tròn cả trái. Trái trắc, nếu gió to thì bay cuồng loạn lộn nhào, còn nếu gió nhẹ thì bay như dĩa bay mà các cô thấy trong chiếu bóng…”.

Đoạn mở đầu truyện ngắn Rừng Mắm, ông tả tâm trạng thằng Cộc dõi theo con chim bói cá: “Chim đang bay lượn bỗng đứng khựng lại, khiến thằng Cộc thích chí hết sức. Nó theo dõi con chim thầy bói ấy từ nãy đến giờ, chờ đợi cái phút này đây. Thật là huyền diệu, sự đứng yên được một chỗ trên không trung, trông như là chim ai treo phơi khô ngoài sân nhà. Chim thầy bói nghiên đầu dòm xuống mặt rạch giây lát rồi như bị đứt dây treo, nó rơi xuống nước mau lẹ như một hòn đá nặng. Vừa đụng nước nó lại bị bắn tung trở lên như một cục cao su bị tưng, mỏ ngậm một con cá nhỏ” (KT tr. 11).

Dù không đưa ra tư tưởng lớn nhưng Bình-Nguyên Lộc có những triết lý thực tế về cuộc đời. Hùng, một anh sinh viên “trường thuốc” vốn sợ xác người chết, nhưng ngày kia gặp xác một người phụ nữ có thể từng là người anh yêu, đã thay đổi thái độ, “tôi không còn đau khổ vì cái chết vất vả của người tôi yêu nữa mà đau một niềm khác anh à. Tôi đau cho cái nghĩa của đời con người liền sau khi chết. (…) Tôi sẽ làm cho sự sống còn hoài, không những đánh bại bịnh tật, mà cả sự già mòn nữa” (Ba Sao Giữa Giời, KT tr. 55). Tỳ Vết Tâm Linh nói đến khía cạnh tâm thần với những ám ảnh và động lực sống của các nhân vật, một đề tài quan-thiết đối với nhà văn Bình-Nguyên Lộc.

Xin mở dấu ngoặc nói đến một chi tiết trong truyện ngắn Rừng Mắm nổi tiếng là hay nhất của ông và đã được dịch ra Anh Pháp ngữ. Theo Bình-Nguyên Lộc tả trong truyện, cây mắm là những “cây không dùng được để làm gì cả, cho đến làm củi chụm cũng không được”, mọc nhiều thành “rừng”. Theo Lương Thư Trung, một cây viết tùy bút ở vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, thì cây mắm “là một loại cây tạp, có thịt cứng, và mọc thành rừng tại những nơi gần bờ biển. (…) Lúc còn nhỏ, cây mắm có nhánh um tùm. Về sau cây mắm lớn thêm, những cành nhánh nhỏ này tự động rụng hết, để bắt đầu đâm chồi mới cho tới lớn làm củi được”. Ông Trung đã dọ hỏi nhiều người quen từng biết cây mắm và ngay chính bản thân ông sau 1980, khi “học tập cải tạo” về, từng phải vác củi cho lò gạch, đã từng vác những thân cây mắm “dài cở một thước” (9). Với tất cả quí mến văn tài Bình-Nguyên Lộc. thiết nghĩ chi tiết này cũng nên được ghi nhận. Chính Bình-Nguyên Lộc đã gián tiếp cho biết đã viết truyện này gợi hứng từ một bức tranh vẽ (10). Quan trọng là tác-giả đã thành công về kỹ thuật viết truyện gây thú vị nơi người đọc!

*

Là người chủ trương tờ Vui Sống (ra được 10 số), Bình-Nguyên Lộc viết nhiều truyện vui và đã xuất bản tập truyện Tâm Trạng Hồng (1963). 25 truyện trong tập này kết thúc bất ngờ gây thích thú ngạc nhiên nơi người đọc cũng như cho thấy tài hóm hỉnh và quan sát bén nhậy của tác-giả. Tập Tân Liêu Trai (1959) cũng như tập truyện dài Cõi Âm Nơi Quán Cây Dương (1972) còn chứng tỏ ông là người thực tế. Truyện trong hai tập này có vẻ quái đản nhưng kết cục khoa học thuần lý thay vì phải là hoang đường như các truyện thuộc cùng loại. Với Bình-Nguyên Lộc, người đọc biết không có … ma, và ma nếu … có thì cũng là thân thiết, có duyên nợ (hoặc có lý do hoặc ma là ruột thịt trong truyện Câu Dầm) mới được gặp nhất là gặp thường xuyên như nhân vật xưng Tôi với ma-nữ Trường-Lệ trong tiểu-thuyết Cõi Âm Nơi Quán Cây Dương! Bình-Nguyên Lộc có lối khôi hài duyên dáng và nhân vật buồn của ông cũng ít quan trọng. Sự việc nếu có ‘bi’ thì ông nói qua loa, còn để nói chuyện đùa vui. Có thể nói Đò Dọc là sân khấu hài của nhà văn Bình-Nguyên Lộc, từ ông Nam Thành, đến các cô con gái, cậu “công tử” Quờn,.. Trong lời nói cũng như cảnh được tả. Nhưng cũng trong Đò Dọc, cái vui nhộn có hơi nhiều, mất cả tự nhiên, như khi các cô đang mong Bằng lâu không đến thì một cô “kêu rú lên” và Bằng xuất hiện! Hay cần phải bất ngờ đến thế?

Bình-Nguyên Lộc hóm hỉnh trong cách tả cảnh lạ lẫm: “Đèn pha trên xa lộ bắt tréo nhau như những lưỡi gươm dài mà mấy tay hiệp sĩ dạ khách khổng lồ nào đang so kiếm giữa đêm trường” (Đ.D., tr. 44). Hay: “Kên kên bị đốt lửa mang theo mỗi chú một cục lửa đỏ lòm trong bầu trời đen của đêm vừa xuống” (Đ.D., tr. 78).

Phong cách kể chuyện vui sống, hài hước dễ dãi trở thành đặc điểm quyến rủ. “Tác giả thiên truyện võ hiệp ‘Sơn đông kiếm hận’ lục lạo khắp cả các ngăn của chiếc bóp phơi của chàng mà chỉ tìm được có mười bốn đồng, nằm ở ba nơi khác nhau. Chàng mừng rỡ biết bao mà chợt nhận ra rằng còn một ngăn nữa, ngăn bí mật rất khó thấy vì nó lẫn với bao ngoài của cái bóp. Chàng thọc tay vào đó và tim chàng bỗng đập thình thình vì đầu ngón tay chàng đụng phải thứ giấy mềm quen thuộc. Dương Châu kẹp tờ giấy ấy bằng hai đầu ngón tay rút ra thì ô hô, đó là tờ giấy hai đồng” (Quán Tai Heo) (11). Tác-giả dùng nhiều ví von, như trong Ba Con Cáo khi túng tiền : “Đất Sài-Gòn, những ngày cuối tháng mà mưa dầm, thì tiền bạc nó cũng sợ lạnh, không hề dám ló ra ngoài”. Hay khi dùng tình nghĩa vợ chồng đem so với đất: “… vợ chồng không thân thiết với nhau hơn là mình với đất. Vợ chồng chỉ ăn ở với nhau ba bốn mươi năm là cùng, đất thì nó thấy mình sanh ra, lớn lên, già yếu, rồi nó lại ôm mình khi mình chết. Mình cũng thấy nó từ lúc lững chững bước đi cho tới lúc chống gậy mà lê bước…” (Phân Nửa Con Người, CRCL tr. 97).

Cuộc đời làm báo đã hại giá trị văn chương các tác phẩm của Bình-Nguyên Lộc. Như ông đã kể trong bài “Vài kỷ niệm viết lách với Thanh Nam” (12), nhà văn viết tiểu thuyết trên các nhật báo ở miền Nam thời bấy giờ (1954-1970) thường viết vội vàng, ngay cạnh máy in, được câu nào đưa thợ xếp chữ câu đó, hay kéo dài và xuống hàng. Tiểu thuyết Đò Dọc là dấu vết, hễ chấm câu là xuống hàng, khi in đã không sửa lại. Cao điểm là năm 1957, ông viết mỗi ngày 11 tiểu thuyết cho 11 nhật báo (13). Do đó không viết một hơi, viết trước, các tiểu thuyết của ông cũng như nhiều nhà văn khác trong cùng hoàn cảnh đã không được sáng tác theo kiểu chăm sóc nghệ-thuật. Và tình tiết kết cấu có khi bừa bãi, dài dòng khi không cần thiết. Có thể nói ông kể chuyện hơn là viết tiểu thuyết. Bình-Nguyên Lộc đành thúc thủ theo cuộc sống thời đại máy móc vậy, nhưng ông nghĩ: “Khi mà ai cũng vội vàng cả thì người ta sẽ đánh giá trên cái gì còn lại của mỗi nhà văn trong không khí hấp tấp chung đó” (14). Chính Bình-Nguyên Lộc đã tiết lộ ông viết nhiều như vậy bắt nguồn từ lời khuyên của nhà văn Nhất Linh viết đều và hứng sẽ đến như Thạch Lam từng áp dụng (15).

Bình-Nguyên Lộc mặt khác dễ dãi về hình thức. Trước hết với ông, hình như kỹ thuật viết truyện hay tiểu thuyết gần như nhau, dài ngắn chỉ ở tình tiết và thời gian diễn biến. Thứ nữa, tác giả hay pha lẫn thể loại hoặc đang kể ngôi thứ ba thì cho cái “tôi” nhảy vô lý luận thay cho nhân vật: “Ở thôn quê miền Đông, nhứt là ven các con lộ, không hiểu tại sao trong vòng mười lăm năm nay cỏ bù xít mọc nhiều quá. Các bạn biết thứ cỏ ấy chăng? Đó là thứ cỏ…” (Đ.D. tr. 214).

Bình-Nguyên Lộc tinh quái nhưng đôn hậu khi tả một anh chồng ao ước có cô vợ bé khi thấy nhà giàu lắm vợ: “Chưa có vợ mà Khánh đã gầy sút đi vì mất ngủ. Mất ngủ vì lo toan phương tiện tài chánh mà cũng vì bận tính mọi việc xẩy ra ở các nhà vợ bé.

Chín giờ chàng lắng đợi chiếc xì-po hai chỗ ngồi của cái ông mặc áo con chim con cò. Chàng tưởng tượng cô Mari đang uyển chuyển bước ra mở cửa rồi nhảy ra bá lấy cổ lão cao bồi già. (…) Mỗi ngày đi làm bốn buổi Khánh đều ghé qua cô hàng thuốc lẻ ở đầu đường V. Vì ở đó có đèn đỏ, không ngừng cũng không được. Mà ngừng một lần thì nó bắt phải ngừng hoài vì cô bán thuốc mặt rỗ hoa mè trông có duyên ớn” (Ngõ Hẻm Vợ Bé).

Luân lý lành mạnh, lạc quan, hồn nhiên, vui tươi theo truyền thống “lục-tỉnh”. Để cấu-trúc một câu chuyện, thường Bình-Nguyên Lộc chú trọng đến chi tiết, thật nhiều chi tiết và chính những chi tiết này đã đưa đến cho người đọc sự thích thú, đã đọc là phải đọc đến đoạn cuối. Trong truyện Thí Một Con Chốt, người hào hiệp như Tư Khâm về sau hóa ra là một tên phản loạn và cô gái gọi ông là ba đó cũng chỉ là phường bịp bợm, toa rập với Tư Khâm để cướp ăn của người khác!

Không văn chương với lý thuyết lớn lao, không phân tích tâm lý theo học thuyết này nọ, không nhắm chiếu trên chiếu dưới, ông viết như sống, bình dị, … Một mỹ học giản dị, dễ dãi. Ông không diễn tả tâm lý nhưng hay phân tích tâm lý như một người sành sõi, nhìn khắp, tinh quái có, dai dẳng có, mà thường là đôn hậu! Một tâm lý bình dị của con người trong cuộc sống thường nhật, những cảm nghĩ như mọi người. “Liên nghe qua thì biết Sang giờ này vẫn còn ngồi đó đợi Ngọc về mới cởi giầy, Ngọc tưởng hắn cũng chỉ mới về trước đây một phút thôi. Không lý gì mà Ngọc nói đến giày vớ khi Sang đang làm công việc khác…” (16). Làm như giữa tác giả và độc giả như không có biên giới, có thể hiểu nhau, tâm sự hay đối thoại không mặc cảm!


Nhà thơ

Bình-Nguyên Lộc còn là một nhà thơ; ông có tập Thơ Tay Trái, một tiểu thuyết bằng thơ với tựa Thơ Ba Mén và một truyện thơ Vịệt Sử Trường Ca. Truyện thơ Thơ Ba Mén “dài chừng 2000 câu, đã đăng báo Duy Tân năm 1954″ và theo Lời chú của Bình-Nguyên Lộc ở đầu tập Thơ Ba Mén, ông cho biết, ông đã hứng cảm từ “một buổi mắc mưa tại chợ Ông Lãnh nghe một người mù đờn độc-huyền đưa hơi theo lời ‘nói’ thơ của anh, cảm thấy rõ rệt sức quyến rũ của thơ bình dân, tôi mới nảy ra ý viết tập truyện dài này. (…) Tôi không có tham vọng viết một áng thơ tuyệt tác về hình thức như Kiều. Tránh cho thơ bình dân khỏi bị hạ thấp xuống bực vè, tránh những hoang đường cũ, thay vào đó những ý tưởng mới của thời đại, đó là tất cả mong mỏi của tôi” (17). Theo Hoàng Vyễn Ngư tiết lộ trên tạp chí Nghệ Thuật (18), Thơ Tay Trái gồm những bài thơ làm vào thời 1940, từng đăng trên hai tạp chí Thanh Niên, Bách Khoa, đã được một người bạn xuất bản trong thập niên 1960 (!) với 2222 bản. Họ Hoàng trích đăng lại Có Những Ngày…, một bài thơ mà Bình-Nguyên Lộc cho là dở nhất của ông :

“Có những ngày lòng thấy trống không,
Lâng lâng không bợn như chén nước trong.
Như không khí đồng quê buổi sáng,
Như tiếng chuông chùa rơi trong mênh mông …
Tôi rất sợ những ngày ngao ngán ấy,
Thà buồn hẳn đi để được trốn trong đau thương.
Không cảm thấy gì, lơ lửng giữa chừng đường.
Hồn chới với, bông lông, ôi ngao ngán bấy !”
Đoạn khai-từ tiểu thuyết Thơ Ba Mén như sau:
“Lạnh thấm lòng, mưa mai lác đác,
Quán bên hè, uống tách cà phê.
Nhìn ghe bồng chạnh tình quê,
Rưng rưng nước mắt: tư bề người dưng.
Bến Ông-Lãnh màn mưa bao phủ,
Ghe thương hồ ủ rũ dưới kia.
Ghe ơi, vài bữa ghe về,
Nhắn người dưới ruộng, cô Quì còn không?
Mùi đất nước ruộng bùn phảng phất
Nhớ cố hương ngây ngất lòng sầu
Năm năm, bao cuộc bể dâu?
Phút giây ôn lại như hầu hôm qua.
Bàn bên cạnh, một ông bới tóc
Liếc sang mình đang khóc trộm thầm.
Đoán mình là kẻ đồng tâm,
Lân-la nói chuyện. Mưa dầm cứ rơi!
Cà-phê nóng lên hơi nghi ngút,
Lò than hồng lách-tách nổ tan.
Nghe ngườI kể chuyện xóm làng,
Cõi lòng ấm dịu, bang-hoàng, bang-khuâng.
Viết lại đây mẩu đời loạn lạc,
Thương những người chìm nổi, đầy vơi.
Thơ quê khôn tả hết lời,

Để ghi dấu vết một thời chiến tranh” (Trên Bến Ông Lãnh)(17)
Không khí đời sống trên kinh rạch chằng chịt ở miền lục-tỉnh, nhịp sống trầm lặng, nhẹ trôi, như lục bình trong những con nước phù sa, như những con thuyền thương hồ trên sông rạch. Trong cái êm đềm đó nổi lên mối tình với một cô Quỳ dưới ruộng mà ngày trở về đã mất dấu, bóng chim tăm cá !
Truyền thống thơ này sẽ biến mất với sự sống chung văn học Nam-Bắc sau 1954 và phần khác thi-ca theo đà hiện-đại hóa với thế-giới. Những bài thơ gần với ca dao, câu hò. Ở đây chỉ có bức tranh nhân chủng học, folklore, do đó người đọc không nên tìm kiếm cách-tân ngôn-từ, kỹ thuật, v.v. Như tình mẹ, được diễn tả bằng những lời lẽ đơn sơ, trong sáng:

“Bánh có hiệu L.U. con thích
Viết có viết Parker con ưa,
Ra dô Nhựt bổn nhỏ vừa,
Xe Honda nổ xin thưa : “tuyệt vời!”
>Má ơi, con thưa nhỏ đôi lời :
Trong các hiệu Má, con thời mê hiệu “Má của con”.
Má của con không son, không phấn,

Má của con không áo đẹp, nước hoa,
Không lên xe xuống ngựa như các má gần nhà,
Mà sao con thấy gò má của má nỏn nà,
Con hít mùi má lại nghe ngà ngà say!
Má của con ơi, má lúc thúc nhà bếp hoài
Để kho cá, để làm bánh cho ai vậy má ?
Có phải chăng để ba con quên một ngày mệt quá,
Để cho con và lủ em con
Mà hai hàm răng và bao tử xay bon bon
(…) Hiệu má của con, với cái nhản áo the lụng thụng
Không téc ni cô lô như má của con Nhàn
Bày tủ kiếng, không rực rở huy hoàng,
Không được khách trầm trồ đứng ngắm.
Nhưng con tín nhiệm hiệu “Má của con” lắm lắm”. (Hiệu “Má của con”) (19).

Tập truyện ngắn Tình Đất mở ra với bài thơ “Dâng Má Thương” – cũng là bài mở đầu cho loạt bài “Thổ ngơi Đồng Nai” của Bình-Nguyên Lộc đăng báo Bách Khoa năm 1959 (20):

“Từ đáy thời gian, dậy tiếng ru
Ù ơ lời má, giọng trầm phù,

Má ơi, hồn đất bao năm thiếp,
Bỗng chốc trưa nay vắng, tít mù …
Kẽo kẹc xà nhà tiếng võng đưa,
Đâu đây đồng vọng cõi xa xưa;
Thổ ngơi thơm phức; hồn ma cũ.
òng rộn vui mà mắt lệ mờ (…)”

Tình yêu thì nhẹ nhàng, dù đam mê có khi đưa đến ý quẩn. Trong tuyển tập Thơ do nhà Đông-phương của nhà văn Nguyễn Thị Vinh xuất bản, một tuyển tập thơ của một số nhà văn như Nhật Tiến, Võ Phiến,… Bình-Nguyên Lộc có hai bài thơ nói chuyện thắt gút, một để đánh dấu tình yêu và một đánh dấu thời gian :

Nhìn bao mộng thuở ban đầu êm ru
Mộng tàn như bọt phù du,
Ước xưa, mộng cũ được ngôi mộ đầu.
Vở lòng yêu là cái gút sau,
Gút ba là phút tôi trao thư tình.
"Gút năm chết hụt lúc rình xe hoa (… )” 
(Tôi Thắt Gút Đời Thành Khúc, Sđd, tr. 3)

Bài Gút kia thì kể chuyện đường rừng:
“Đồng bào có người / Sống trong sơn cước
Văn minh chậm bước / Không biết tính ngày
"Mỗi độ tròn trăng / Họ thắt một gút"
Vào sợi dây găn / Đời dài hun hút (…)” 
(Người Thắt Gút, Sđd, tr. 6).


Nhà báo

Ngoài mười hai năm làm công chức Sở trước khi theo kháng chiến chống Pháp, ông sống về nghề viết báo rồi làm báo chuyên nghiệp từ năm 1952 xen lẫn với những thời kỳ sống hẳn với nghề viết văn. Ông từng viết cho tờ Thanh Niên (1942-43) sau đó là các tạp chí Nhân Loại, Đời Mới, Văn Hóa Ngày Nay, Bách Khoa, Văn, Nghệ Thuật, v.v. cùng nhiều nhật báo. Bình-Nguyên Lộc chủ trương tuần báo Vui Sống (1959), làm tổng thư ký nhật báo Tin Sớm (1964-65) cũng như chủ biên các báo Tin Mới (1952), Hy Vọng (1966) và phụ trách trang văn nghệ của báo Tiếng Chuông (1960-1963).

Tác-phẩm của ông mặt khác chứng minh thêm tính lạc quan, cũng là đặc tính làm nền cho tuần báo Vui Sống do ông chủ trương năm 1959. Báo Vui Sống (số 1 ra ngày 9-9-1959) là nơi quần hội những cây viết thường xuyên là: Bình-Nguyên Lộc, Sơn Nam, Diên Quỳnh, Nguyễn Ang Ca, Tô Kiều Ngân, Trang Thế Hy, Thiên Giang, Ngọc Linh, Kiên Giang Hà Huy Hà, Nguyễn Đạt Thịnh, Hà Liên Tử, Minh Phẩm (TTH), Minh Đức, Trần Lê Nguyễn, Từ Trẩm Lệ, Tường Linh, Khổng Nghi, Thanh Nghị, Lê Thương, Viễn Châu, … Trong số có người từng đi kháng-chiến hoặc ‘nằm vùng’ sau đình chiến 1954. Đặt biệt báo nhấn mạnh có sự cộng tác của 20 cây viết nữ: ‘Cô Thu Trang, cô Linh Bảo, cô Minh Đức, cô Hương Trang. cô Linh Hà, cô Vinh Lan, cô Trúc Liên, cô Kiều Mỹ Thôn, cô Thạch Hà, cô Hợp Phố, bà Mộng Liên,…. ‘. Hợp Phố, Linh Bảo lúc đó đã nổi tiếng. Minh Đức văn trên báo hiền lành, trái hẳn với Minh Đức Hoài Trinh của Sám Hối, … hoặc của Chiếm Lại Quê Hương, Bài Thơ Cho Quê Hương, Bên Ni Bên Tê sau này. Nhà văn Vinh Lan của Vui Sống mãi gần đây mới xuất-bản tập truyện và ký Nỗi Sợ Và Niềm Hy Vọng (2006) và Hương Quỳnh (2007).

Lý tưởng của Vui Sống được in chữ đậm trong một cột nhỏ: “Tôi được Thượng đế mời dự đại hội liên hoan nơi thế gian nầy” Tagore Thi hào Ấn Độ (trích tập thơ Offrandes lyriques). Nhưng, xin chớ hiểu lầm! Vui Sống không có nghĩa là cười đùa hay buông trôi để tận hưởng cuộc đời. Và hội liên hoan không phải là những cuộc truy hoan. Vui Sống (la joie de vivre) là hòa mình với cuộc sống, để lấy thăng bằng hầu đủ can đảm mà làm việc. Trác táng không phải là Vui Sống, và kề gái đẹp, nếm rượu ngon, chỉ là nước bí của những kẻ mất thăng bằng. Vui Sống bắt nguồn nơi thanh thản của tâm hồn, mặc dầu ta bận rộn trí óc và nhọc nhằn xác thịt”. Người đọc biết chủ trương, đường lối, quan điểm của Vui Sống qua các bài mở đầu mỗi số, như trong Vui Sống số 1 với tựa đề “Ngả ba số mạng : Cộp… Cộp… Cộp…- Lý tưởng đi vắng!”:

“Trên đường lịch-sử, cứ vài mươi năm một, thì một dân-tộc tiến đến một ngả ba của số mạng của họ.

Đó là một khúc quanh lịch sử vô cùng nguy hiểm mà họ bắt buộc phải chọn nẻo, không thể trốn tránh được. Chọn đúng đường, họ sẽ đến nơi xán lạn, chọn lầm, họ sẽ rơi vào vực thẩm.

Mà một thế hệ hoang mang, không thế nào chọn đúng con đường được. Họ Phải Biết Cái Gì Họ Muốn, tức là họ phải có lý tưởng.

Năm 1945, ta đã đứng trước một ngả ba như thế. Ta đã chọn đúng con đường, là đem xương máu giành độc-lập, vì trong thời tiền-chiến, ta có lý tưởng rõ rệt, đó là ý-chí tự quyết-định số phận của mình.

Từ khi độc-lập được thu hồi, kẻ già an-phận vì kiệt lực, hoặc vì thích ngủ trên vòng hoa tráng lệ của thành công, còn thế-hệ mới thì ngơ-ngác không biết mình phải làm gì, trong khi còn không biết bao nhiêu công việc phải làm.

Cuộc phỏng vấn của Vui Sống, mà kết quả đăng bên trang 5, là bằng chứng hùng-biện của sự bỡ ngỡ của thanh niên hậu chiến.

Không lý-tưởng là nguồn gốc của bao nhiêu là cuộc đời thừa, có cũng như không, là nguồn gốc của bao nhiêu cuộc đời hư-hỏng, mà người ta không xét kỹ, cứ đổ lỗi cho nhiều nguyên nhơn khác.

Hồi tiền chiến, không nước nào có nhiều trà thất bằng nước Nhựt. Thế mà không thanh niên nước nào hăng hái với nhiệm vụ cho bắng thanh niên Nhựt của thời đó.

Hồi tiền chiến, số vũ trường ở V. N. không kém số vũ trường bây giờ. Thế mà lúc khởi nghĩa, thanh niên ta đã đứng lên đáp lời sông núi, trong sô chiến-sĩ ấy, có rất nhiều thanh niên đã đi nhảy.

Hồi tiền chiến, phim cao bồi vẫn chiếu ở đây. Thế mà thanh-niên ta thuở ấy không cao bồi.

Là vì thế hệ tuổi trẻ tiền chiến của ta có một chỗ nhắm để mà hướng tất cả tâm chí và hành động của họ về cái đích ấy: độc lập.

Trà thất, vũ-trường, hộp đêm, hay gì gì nữa, không là nguyên-nhơn chánh của sự buông trôi để hưởng-thụ. Những ánh đèn mê hoặc ấy không làm sao rù quến những con thiêu thân được, nếu những con thiêu thân kia có hào quang khác, rực rỡ hơn để mà say mê.

Khi thanh niên được hào quang lý tưởng chìếm lòng họ thì vũ nữ hay tiên nga đi nữa cũng chỉ là trò đùa giây lát, mà họ quên ngay sau vài giờ.

Nếu ta cứ lười nghĩ, dễ dãi tìm những nguyên-nhơn dễ-dàng và gạt-gẩm như thế thì không bao giờ ta trừ được căn bịnh đồi trụy cả.

Chánh thủ-phạm là sự thiếu lý-tưởng, sự rỗng không nơi trí và hồn của con người.

Vui Sống ra đời chỉ có một sứ mạng độc nhứt là gây cho thanh niên một lý tưởng. Khi họ có ngọn lửa thiêng ấy trong người họ rồi, thì xa hoa, trụy lạc khỏi phải trừ, cũng bị họ khinh thường.

Tham-vọng trên đây, Vui Sống cả quyết thực-hiện”.

Đời sống làm báo hại phần nào cho sự nghiệp văn-chương của ông. Nhu cầu viết nhanh viết nhiều tiểu thuyết để cung cấp cho các ‘nhựt trình’, do đó thiếu phần chăm sóc văn-chương và sự cô đọng. Ngoài ra ông còn chủ trương nhà xuất bản Bến Nghé xuất bản phần lớn tác phẩm của chính ông.


Nhà biên-khảo

Ngoài một vài bài nghiên cứu về cổ văn viết chung với Nguiễn Ngu Í về Tự tình khúc, Tì bà hành, Trường hận ca, Chiêu hồn, v.v., và tập khảo luận đối chiếu Khinh-Tâm Bệnh Và Sáng-Tác Văn Nghệ viết chung với trưởng nam Tô Dương Hiệp. Trên tạp-chí Bách Khoa trong hai năm 1958-1959, Bình-Nguyên Lộc cùng với Nguiễn Ngu Í phụ trách loạt bài sưu tập, thích nghĩa các phương ngữ miền Nam (“Tiếng địa phương”, “Thổ ngơi Đồng Nai” phần Ca Dao Miền Nam). Bình-Nguyên Lộc còn là tác giả hai công trình nghiên cứu về nhân chủng và ngữ học Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam và Lột Trần Việt Ngữ. Đầu thập niên 1970, Bình-Nguyên Lộc có vẻ sáng tác ít lại, có thể vì đam mê nghiên cứu, đam mê ông đã bắt đầu từ thập niên 1950 với Phù Sa viết về cuộc Nam tiến.

Tập Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam do nhà Bách Bộc xuất bản năm 1971, dựa trên nhiều tài liệu khảo cổ và nhân chủng học, khám phá về thời “thượng cổ sử 5000 năm của dân ta”. Ông kết luận dân Việt không gốc Hán từ Bắc thiên cư xuống mà từ biển vào. Trong suốt gần 900 trang, Bình-Nguyên Lộc, chứng minh Hoa-Việt có nhiều điểm bất tương đồng và Việt Nam ta không phải gốc Tàu, phản chứng lại những thuyết của Nguyễn Phương và nhiều nhà nghiên cứu Pháp. Phương-pháp luận của ông đi xa hơn phương-pháp cứng rắn của Nguyễn Phương chỉ căn cứ trên những tài liệu lịch sử mà bỏ qua những phương-pháp nhân văn và khoa học khác. Theo Bình-Nguyên Lộc, chủng Mã-lai nguồn gốc của dân-tộc Việt Nam phát tích từ Hi-mã-lạp-sơn và di cư từ vùng Hoa Bắc mà ông gọi là Cổ Việt. Cũng theo ông, nên gọi văn hiến khi đã tiến tới chế độ vua chúa rồi, do đó theo ông, bốn ngàn năm văn hiến ta vẫn dùng là sai vì theo tiêu chuẩn này, đến năm 1970 dương lịch, Việt Nam chỉ mới có 2578 năm văn hiến mà thôi – trùng với thời kim khí cũng 2578 năm. Bình-Nguyên Lộc cũng mở tầm nhìn khiến người Việt phải nghĩ đến nguồn gốc đa dạng của dân-tộc. Từ khi được xuất bản, công trình của Bình-Nguyên Lộc đã được nhiều nhà nghiên cứu tham khảo, trích dẫn cũng như phản bác. Dù gì thì công trình của Bình-Nguyên Lộc cũng đã có công lớn đặt lại nguồn gốc của dân-tộc Việt Nam một cách khoa học hơn là chỉ căn cứ trên huyền thoại và lưu truyền. Hai ba thập niên sau nhờ có những tiến bộ mới về huyết thống, di truyền học (DNA) và sinh học, đã có thêm những chứng minh mới hơn và cũng đã công nhận nhiều quan điểm năm 1970 của Bình-Nguyên Lộc. Theo tiết lộ của nhà văn Võ Phiến (21) thì đây mới chỉ là tập 1 vì Bình-Nguyên Lộc đã viết xong tập 2 chưa kịp xuất bản thì xảy ra biến cố 1975.

Bình-Nguyên Lộc qua Lột Trần Việt Ngữ (Nguồn Xưa, 1972. 408 tr.) đã dùng ngôn ngữ để tìm nguồn gốc dân-tộc Việt Nam, một khía cạnh mà cuốn Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam mới khởi dẫn nhưng chưa đi sâu vào chi tiết. Trong Lột Trần Việt Ngữ, ông chứng minh tiếng Việt vốn đa-âm nếu không muốn nói là ta đã có một văn tự riêng, trước khi bị Nhâm Diên và Tích Quang đem chữ Hán và văn hóa Tàu phổ biến và Mã Viện đem quân sang xâm lăng tiếp nối công việc đồng hóa. Dấu vết đa-âm ngày nay còn thấy trong những từ kép như chợ búa, múa may, cây cối, v.v.; đó cũng là dấu vết nguồn gốc Mã-lai của tiếng Việt. Ngôn ngữ Việt còn cho thấy nhiều dấu vết của Phù Nam và ảnh hưởng tiếng Trung Hoa ngoài nguồn bác học Nho còn có nhiều ảnh hưởng của tiếng nói Triều Châu và Quảng Đông bình dân nhất là ở miền Nam. Đó cũng là lý do có sự khác biệt ở tiếng Bắc và tiếng Nam, như to / bự, gió chướng / gió cấn, thế à / vậy hả, giả vờ / làm bộ, v.v. Cũng trong nghiên cứu này, Bình-Nguyên Lộc cho biết ngôn ngữ Nhựt-bổn cũng chịu ảnh hưởng hai nguồn Mã-lai như Việt Nam, nhưng cách tiếp thụ có khác, và nửa dân Nhựt gốc Nam-Dương. Hai nguồn Mã-lai là Lạc Địch tức Lạc bộ Trãi (austroasitique, chuy) ngoài Việt Nam và Nhựt còn cả Đại Hàn, và Lạc bộ Mã (austronésiens) là gốc của Nam Dương và người Mường ở Bắc Việt.

Trong các sáng tác, hơn một lần, Bình-Nguyên Lộc đã nêu những hiểu biết về ngôn ngữ của mình (như truyện Nóp, Đệm, Chiếu Mùng, v.v.). Trong Đò Dọc, ông phân biệt con chàng hiu với con chẫu chuộc của miền Bắc (tr. 63), bánh xèo với bánh khói của người Huế (tr. 17); và bánh tét bánh chưng trong Quyển Gia Phổ. Trong các truyện ngắn viết cuối đời ở hải-ngoại, ông thiên về khám phá nhân chủng và ngôn ngữ, trong khi trước đó đôi bận ông đã để lộ sự lưu tâm thường trực này của ông, như một đoạn lạc lõng trong tiểu thuyết Đò Dọc: “Chỉ có vào ở vài ngày trong một làng dựa sông Đồng Nai trên Biên Hòa, cảnh đẹp hơn dưới mình, người rất văn vật, và lòng người, chí rất Việt Nam chớ không phải là tao loạn tâm hồn Cao Miên, Ấn Độ, Trung Hoa như ở vài làng dưới ta là cái ngã ba văn hóa Hoa Ấn” (tr. 65).

Bình-Nguyên Lộc ngoài ra đã soạn xong những bộ Tự Vựng Đối Chiếu 10 Ngàn Từ, Tự Vựng Danh Từ Mã-Lai Mà Trung Hoa Vay Mượn, v.v. đến nay vẫn chưa được xuất bản (cùng trường hợp với Sửa Sai Cổ Sử, Từ Ðiển Cổ Ngữ Mã Lai Ðối Chiếu, Trường Giang Cửu Long, Ðổ Xô Vào Nam, v.v.) (22). Cùng một lãnh vực nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam, Bình-Nguyên Lộc trở về nguồn gốc nhân chủng, khảo cổ, trong khi Vương Hồng Sển, tác giả Tự Vị Tiếng Việt Miền Nam (1993) đi tìm nguyên ngữ từ văn liệu lịch sử và địa lý, và Lê Ngọc Trụ, tác giả Chánh Tả Việt Ngữ (1954), Việt Ngữ Chánh Tả Tự-Vị (1972) và Tầm Nguyên Tự Điển (1993), truy khảo sự biến thể lịch sử, tự-nguyên và âm-vị tiếng Việt, dõi theo biến thiên của vận và thinh cũng như luật ngôn ngữ để viết cho đúng chính tả (hay để “viết ít sai chữ Việt” như ghi ở tiểu tựa cuốn Chánh Tả Việt Ngữ). Cuốn sau cùng, Tầm Nguyên Tự Điển, có thêm phần “tương đồng ngôn ngữ” gồm những tiếng Việt vay mượn lẫn nhau với các dân-tộc vùng đông-nam-á. Những khám phá của các vị này nhất là của Bình-Nguyên Lộc có thể giúp tìm nguồn gốc dân-tộc Việt Nam và lịch sử nhân chủng vùng đông-nam-á. Có thể khám phá ngôn ngữ học của Bình-Nguyên Lộc chưa đủ để xác thực nguồn gốc dân-tộc và có thể bị những tiến bộ khoa học mới gần đây lung lay giả thuyết! Nhưng rồi sẽ có những tiến bộ khoa học và nhân chủng khác phủ nhận hoặc vô hiệu hóa những kết luận của hôm nay. Dù gì thì những khám phá của Bình-Nguyên Lộc đã là những đóng góp quý báu cho lãnh vực ngôn ngữ cũng như nhân chủng học về dân tộc Việt-Nam đa chủng và chịu nhiều biến động và tai ương!

*

Nhà văn Bình-Nguyên Lộc xem văn chương là lương tri của thời đại, do đó ông đã kiên trì trong đường hướng này. Bình-Nguyên Lộc yêu nước từ căn bản tình yêu đất, yêu làng quê nơi chôn nhao cắt rún. Trong tác phẩm, Bình-Nguyên Lộc rõ là có chủ trương đề cao và gìn giữ cội nguồn dân tộc, đề cao tình-yêu quê hương, đất nước, thiết tha với lịch sử dân tộc – thiết tha đến độ khảo cứu tận nguồn gốc dân-tộc với bộ Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt-Nam. Dù một số biên khảo của trong nước có nhắc danh tính và tác-phẩm của Bình-Nguyên Lộc nhưng đến nay chưa có thể kết luận rằng Bình-Nguyên Lộc thuộc thành phần như Lý Văn Sâm, Sơn Nam, Trang Thế Hy, Vũ Hạnh, v.v. hay như Nguyễn Hiến Lê trước 1975. Có chăng là những nghi vấn ở một số nhà bình luận, nhà báo, hay chính-trị của miền Nam hay ở hải ngoại như Phạm Kim Vinh (23), v.v. Trong nước thì vinh danh tôn ông là nhà văn “yêu nước tiến bộ cách mạng trên văn đàn công khai Sài-Gòn 1954-1975″ (24) hay là “nhà văn tiểu tư sản yêu nước” (25), gộp Bình-Nguyên Lộc vào chung thuyền với Sơn Nam, Trang Thế Hy, cả những nhân chứng mà không thể có đối chứng như Viễn Phương (26). Nói đến yêu nước thì ai cũng muốn vơ vào theo định nghĩa của mình, kể cả uốn nắn lịch-sử! Tuy vậy, nếu chỉ xét toàn bộ sự-nghiệp văn hóa và khía cạnh tư tưởng văn-nghệ dân-tộc qua các tác phẩm của ông, thì theo thiển ý, cũng đã có thể liệt ông vào hàng ngũ yêu nước đơn-thuần và chân-chất tức yêu nước chấm hết, không phụ đề chính-trị và ý-thức-hệ (27).

Mặt khác, cá tính miền Nam lục tỉnh đã rõ rệt trong nhiều tác phẩm của Bình-Nguyên Lộc, qua ngôn ngữ, nhân vật, qua nhân sinh quan lạc quan theo truyền thống và cá tính con người nơi vùng đất mới và một tình yêu đất nước thật đậm đà của tác giả. Cá tính này, ngoài Bình-Nguyên Lộc, còn lộ rõ hơn nữa với các nhà văn Sơn Nam, Lê Xuyên, Ngọc Linh, v.v. – mỗi người một cung cách riêng. Và một Bình-Nguyên Lộc nếu còn lại trong lòng người đọc của ông như có lần ông đã trả lời với nhà văn Nguiễn Ngu Í đã dẫn ở trên, phải chăng là phong-cách lục-tỉnh bình dị và cởi mở, không làm dáng, ráng làm vui, xuề xòa, không lý thuyết văn chương, v.v. Nhưng rõ rệt là Bình-Nguyên Lộc đã ý thức sứ mạng văn chương của mình và ông vẫn được xem là nhà văn điển hình miền Nam.


Nguyễn Vy Khanh
Montréal, 7-1996, 11-2007

------------------------------------

Chú-thích:

1. Lê Phương Chi. “Phỏng vấn nhà văn Bình-Nguyên Lộc”. Tin Sách, 32, 2-1965, tr. 24.

2. Sơn Nam. “Đọc tác phẩm đầu tay của Bình-Nguyên Lộc”, Thời Tập, số 12, 10-1974, tr. 4.

3. Truyện Quán Tai Heo đăng báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy năm 1960, trong truyện có một bài thơ của Minh Phẩm sau được Phạm Duy phổ nhạc và nhiều người vẫn nghĩ là của Bình-Nguyên Lộc. Theo lời kể của Bình-Nguyên Lộc khi Lê Phương Chi phỏng vấn năm 1965 (Bđd, tr. 26), thì Quán Tai Heo là một truyện in trong tập Quán Bên Đường (?). Tác giả cho biết ông viết về một người bạn tên Minh Phẩm và trong truyện có trích thơ người bạn này, sau được Phạm Duy phổ nhạc. Thật ra tựa tập truyện là Quán Tai Heo, Cao Huy Khanh trong bài viết trên Thời Tập số 12, 10-1974, đã ghi là xuất bản năm 1960 và nhà Vạn Xương tái bản năm 1967, bàn sau này gồm 156 trang và ở cuối tập có in kèm phụ-bản bài phổ nhạc của Pham Duy với tựa “Khoai ngọt bánh đắng”. Minh Phẩm là nhân vật có thật, chính là nhà văn Trang Thế Hy; lúc Bình-Nguyên Lộc viết truyện và đăng báo (1959) thì TTH đang hoạt động bí mật.

4. Đò Dọc. Bản chụp lại của nhà Xuân Thu (Los Alamitos CA), s.d., tr. 72-75.

5. Nguyễn Nam Anh. “Phỏng vấn nhà văn Bình-Nguyên Lộc”. Văn SG, 199, 1-4-1972, tr.2.

6. Nguyễn Nam Anh. Bđd, tr. 13.

7. Bàng Bá Lân.Văn, Thi-Sĩ Hiện Đại: Kỷ Niệm-Nhận Định Tập 2 (Sài-Gòn: Xây Dựng, 1963), tr. 15, 26.

8. Trích lại từ Sơn Nam. “Đọc tác phẩm đầu tay của Bình-Nguyên Lộc”. Bđd. tr. 5-6.

9. “Cây mắm trong ‘Rừng Mắm’ của nhà văn Bình-Nguyên Lộc” Văn Học Nghệ Thuật http://www.saomai.org, 360, 13-01-1998.

10. Nguiễn Ngu Í. Sống Và Viết Với …. (Sài-Gòn: Ngè Xanh, 1966) Los Alamitos CA : Xuân Thu tb, tr. 234.

11. Quán Tai Heo, tr. 76. Trích theo Cao Huy Khanh, Thời Tập, số 12, 10-1974, tr. 30.

12. Văn Học (CA), số 5, 6-1986, tr. 19-24.

13. Phỏng vấn Nguyễn Nam Anh. Bđd, tr. 5: “Vào năm 1957 thì tôi viết mỗi ngày11 feuilletons. Nhưng sau đó chính An Khê và Lê Xuyên dẫn đầu. An Khê có năm viết tới 12 feuilletons mỗi ngày, nhưng tôi chưa hề thấy ai vượt qua con số 12 nổi”.

14. Nguiễn Ngu Í, Sđd, tr. 232.

15. Lê Phương Chi. Bđd, tr. 23.

16. Nhện Chờ Mối Ai, Sài-Gòn : Nam Cường, 1962. T. 2, tr. 18.

17. Theo Bàng Bá Lân. Sđd, tr. 49-50.

18. Theo Hoàng Vyễn Ngư. “Cuộc đời các nhà văn Việt-Nam: Bình-Nguyên Lộc”. Nghệ Thuật, 1966 , tr. 28.

19. Tuyển tập Thơ. Sài-Gòn : Đông-phương, 1967. Tr. 5.

20. Theo Nguiễn Ngu Í, Sđd, tr. 237-8.

21. “Bình-Nguyên Lộc, một nhân sĩ trong làng văn”. Tuyển Tập Bình-Nguyên Lộc (Paris?: An Tiêm, 1999). Tr. X.

22. Bình-Nguyên Lộc còn là dịch giả một số truyện Pháp của Alphonse Daudet, Anatole France, Jules Renard. X. Bàng Bá Lân. S đd, tr. 22.

23. Phạm Kim Vinh. Giải Phóng Việt-Nam, Huyền Thoại, Thực Tại Và Hi Vọng. [California]: Tủ Sách PKV, 1986, tr. 201. Nhưng trong bản in lần 2 của NXB Văn Lang, thì danh xưng BNL được thay bằng cụm-từ ‘một nhà văn lớn gốc quốc gia’. Vì chiến tranh ý thức hệ và hoàn cảnh, một số trí thức và nhân vật cộng đồng ở ngoài nước cũng như kẻ cầm quyền trong nước từng và vẫn có tính cả-nghi và ám ảnh.

24. Văn Học Yêu Nước Tiến Bộ – Cách Mạng Trên Văn Đàn Công Khai Sài-Gòn 1954-1975. Tp.HCM : Nxb Văn Nghệ Tp.HCM, 1997.

25. Nhãn do Sơn Nam gán cho Bình-Nguyên Lộc khi viết tựa cho bản in lại Bước Lang Thang Trên Hè Phố Của Gã Bình-Nguyên Lộc (NXB Trẻ, 1999).

26. Trần Phỏng Diều trong bài “’Con Tám cù lần’ của Bình-Nguyên Lộc: người ở thành thị hoài niệm về chốn thôn quê” (www.phongdiep.net), đã thuật lại “sau Mậu Thân 1968, hàng loạt cơ sở cách mạng của ta bị vỡ, nhà thơ Viễn Phương đã đến gặp ông (BNL) để gầy dựng lại cơ sở mới thì ông khẳng định rằng: “Tôi vẫn là người của các anh mà!”. Nói điều này để thấy rằng, mặc dù sống và viết dưới ách thống trị của kẻ thù, nhưng Bình-Nguyên Lộc vẫn là người của cách mạng, vẫn có tấm lòng yêu nước vô cùng sâu sắc” (Viễn Phương. “Thương một nhành mai”. Kiến thức ngày nay, số Xuân Mậu Dần 1998).

27. Vào thời điểm 2007, Nguyễn Thị Thu Trang trong bài “Vài nét về văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975″ (Nghiên Cứu Văn Học, số 5, 2007) dù gì cũng đã có cái nhìn thoáng, mở, hơn : ” Đi qua những thành kiến cực đoan cá nhân, những xung đột về chính trị, những cuộc tranh luận sôi nổi về vấn đề truyền thống và hiện đại, những biến hóa nhiều chiều của văn chương đương thời…, tác phẩm của nhiều nhà văn như Sơn Nam, Bình-Nguyên Lộc, Võ Hồng, Trang Thế Hy, Nguyễn Văn Xuân, Minh Quân… viết ở thập niên 50, 60 trong lòng đô thị miền Nam vẫn còn được nhiều người yêu thích. Điểm chung nhất và là chỗ dựa vững bền của nó là hướng đến những giá trị văn hóa dân tộc, là bản sắc văn hóa mỗi vùng miền và tình yêu quê hương chân thành, tha thiết”.

sangtao.org