nhạc sĩ Tuấn Khanh
Tôi không biết trong quá khứ, đã có một nhà thơ nào, vì lòng yêu mến một ca khúc mà, lấy từng chữ trong ca khúc ấy, để mở đầu cho những câu thơ của mình? Năm 2005, điều đó, đã xẩy ra với nhà thơ khuyết danh, khi tác giả lấy từ chữ thứ nhất tới chữ cuối cùng của ca khúc “Chiếc lá cuối cùng” của Tuấn Khanh, làm thành một bài thơ dài trên 100 câu. Đọan mở đầu bài thơ mang tính “tử công phu” này của Nguyên Nghĩa như sau:
“Đêm thầm thì gió theo về muôn hướng / qua song trăng chấp chới một đường bay / chưa hẹn hò bến nhớ sẽ đan tay / mà chốn cũ đã vương đầy bóng vỡ / trời tim tím bởi nỗi lòng đang ngỏ / sao ngu ngơ do ý tại hòang hôn / vội chi mà dốc lạnh dấu mùa sang / sáng vùng thẫm nhỡ nhàng nơi viễn xứ.” (8 câu thơ này đi ra từ câu nhạc: Đêm qua chưa mà trời sao vội sáng.)
Tôi không biết nguyên nhân sâu xa nào khiến tác giả bài thơ trên đã chọn ca từ của ca khúc “Chiếc lá cuối cùng,” thay vì ca từ của những ca khúc khác? Nhưng hiển nhiên, nhạc sĩ Tuấn Khanh, tác giả của rất nhiều ca khúc mà sức sống vạm vỡ, bền lâu của chúng, còn mạnh mẽ, vang dội đến ngày hôm nay, như “Hoa soan bên thềm cũ,” “Một chiều đông,” “Nhạt nhòa,” hoặc “Dưới dàn hoa cũ” vân vân…đã nhận được vinh dự hiếm hoi này.
Tuấn Khanh /Trần Trọng Ngọc là một trong những nhạc sĩ thuộc thế hệ thứ nhất sau biến cố chia đôi đất nước, 1954, ở miền Nam; đã để lại cho thời kỳ đầu của lịch sử tân nhạc Việt Nam, 20 năm miền Nam, những dòng nhạc lấp lánh hy vọng. Không chỉ ca từ mà, luôn cả âm điệu nhiều ca khúc của Tuấn Khanh cũng lấp lánh tin yêu, sáng lên từ những lãng mạn tình yêu đôi lứa. Sự kiện này, trái ngược với nội dung và, luôn cả âm điệu của những ca khúc được viết bởi thế hệ nhạc sĩ thứ hai, như Từ Công Phụng,Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên…
Không cần một chút cố gắng hay chú tâm nào, người ta vẫn dễ dàng nhận ra đa số những ca khúc viết bởi các nhạc sĩ kể trên, dường được xây dựng trên những tan vỡ, chia ly. Làm như phụ rẫy, tuyệt vọng là ngọn hải đăng dẫn đường cho những nhạc sĩ trẻ đó.
Không biết có phải, điều thứ 2 trong ba điều chính của bản hiệp định Geneva ký ngày 20 tháng 7 1954, quy định rằng, sau 2 năm tạm thời chia đôi Việt Nam, một cuộc tổng tuyển cử sẽ được thực hiện, để thống nhất hai miền đất nước - - Nên sự bỏ nhà cửa, mồ mả ông cha để di cư vào miền Nam, chỉ là nhất thời? Và hy vọng thống nhất, đòan tụ của hơn một triệu người miền Bắc di cư vào Nam, cùng hàng trăm ngàn cán bộ CS miền Nam, tập kết ra Bắc, đã là ngọn lửa ấm áp ở mặt bên kia ly tán.
Nhưng sau hai năm, chính phủ miền Nam do Tổng thống Ngô Đình Diệm đứng đầu, đã từ chối thực thi điều khỏan này. Số người miền bắc di cư, cũng như những người có thân nhân tập kết, hiểu rằng, chia ly đã chính thức bước vào đời họ, như một định mệnh bất khả hóan chuyển. Và, cùng với sự sập xuống của bức màn sắt, sáng tác của những nhạc sĩ trẻ, cũng di lưu, đổi mạch?
Dù đến với cõi giới âm nhạc rất sớm, ngay khi chỉ mới 5, 6 tuổi, do sự hướng dẫn của người anh cả, với chiếc đàn violon, và, khi lên 10, Tuấn Khanh đã có thể xướng âm chính xác một ca khúc, nhưng ở những bước khởi đầu, ông vẫn gặp khá nhiều khó khăn.
Sinh trưởng trong một gia đình ảnh hưởng nặng nề truyền thống Nho phong, Tuấn Khanh kể:
“Gần như không buổi tập đàn của tôi mà không bị ông Ngọai chống đối gay gắt. Mỗi khi nghe được tiếng ‘o e’ từ cây violon của thằng bé, dù đang uống rượu, ông cũng dừng lại, chửi cho mấy câu…
“Nếu không có sự ủng hộ của bố tôi, thì nhiều phần tôi đã phải bỏ ngang từ bỏ đam mê của mình rồi!”
Tác giả ca khúc “Hoa soan bên thềm cũ” cho biết, thời thân sinh ông còn làm trưởng ty Bưu Điện ở Thanh Hóa, một hôm ông cụ dẫn cả nhà đi xem một cuốn phim tình cảm của Pháp, , với đọan kết thật bi thảm. Trở về, mọi người xúm lại, hào hứng bàn tán về nội dung cuốn phim, trừ Trần Trọng Ngọc.
Hồi lâu, thấy vắng mặt đứa con trai út, được ông thương yêu nhất; ông cụ vào phòng tìm. Thấy con đang úp mặt khóc trên gối. Những tưởng cậu bé bị các anh, chị mắng mỏ hay hiếp đáp - - Chừng vỡ nhẽ, ông cụ mới biết cậu con út của ông buồn vì quá cảm thương cho cái chết nhân vật nữ trong phim…
Qua sự kiện này, thân phụ của nhạc sĩ Tuấn Khanh tin rằng, người con trai út của ông, sẽ thành… “nghệ sĩ.” Tác giả “Chiếc lá cuối cùng” nhấn mạnh, “tiên tri” của ông cụ, với ông, không chỉ là một “giấy phép” mà, nó còn giúp ông thêm tự tin nơi năng khiếu âm nhạc của mình.
Năm 1949, Tuấn Khanh sáng tác ca khúc đầu tay: “Hai sắc hoa ti gôn” phổ từ thơ T.T. Kh. (2) Nhưng, ca khúc thứ nhất được phổ biến qua làn sóng điện là nhạc phẩm “Thăng Long thành hòai cổ,” phổ thơ Bà Huyện Thanh Quan, năm 1955. (3)
Tuy nhiên, trước khi được nhìn như một một nhạc sĩ có khả năng dìu dắt những người yêu nhạc nhiều thế hệ, tới những chân trời thơ mộng, thương yêu, hay chấp thêm đôi cánh lãng mạn cho những cuộc tình mơ ước, bay tới đỉnh trời ước hẹn, Tuấn Khanh đã được công nhận, như một ca sĩ, với nghệ danh Trần Ngọc. Ông là thủ khoa của cuộc thi hát, 1953, do đài phát thanh Hà Nội tổ chức.
Thuật lại diễn tiến cuộc thi, ca sĩ Trần Ngọc cho biết, cuộc thi có ba giai đọan:
Sơ kết, chọn 25 thí sinh. Bán kết chọn 8. Và chung kết chọn nhất, nhì, ba, từ 8 thí sinh đó.
Ở cả ba cuộc thi, tác giả “Dưới dàn hoa cũ” đều được chấm nhất. Thủ khoa.
Nhưng khi các thí sinh đậu đầu được mời ra sân khấu trình diễn trước khán giả, thì một “sự cố kỹ thuật ” đã xẩy ra; gây xáo trộn, bối rối cho ban tổ chức, thí sinh, và luôn cả khán giả nữa.
Số là để bày tỏ long biết ơn người đã giới thiệu vợ cho mình, nhạc sĩ Tu Mi đã vào phòng kỹ thuật, điều chỉnh hệ thống âm thanh cho Thanh Hằng (giải nhì cuộc thi,) hát xuông sẻ. Nhưng khi tới phiên Trần Ngọc trình diễn thì, ngay khi vừa cất tiếng, chưa kịp hát chưa hết câu “lờ lững đôi chim giang hồ bay…” mở đầu bài “Đôi chim giang hồ” của Ngọc Bích (4) thì, hệ thống âm thanh… trục trặc. Mỗi lần như thế, Trần Ngọc lại cảm thấy mồ hôi “vã ra như tắm!” Tới lần thứ ba, ông đành nhắm mắt hát tiếp, sau khi hệ thống âm thanh được… “chỉnh lại.”
Do đó, khi nhận phần thưởng, Trần Ngọc nín lặng lãnh giải nhì, trong khi Thanh Hằng được trao giải nhất!
Sau này, nhạc sĩ Thẩm Oánh, phó Giám đốc đài phát thanh Hà Nội, Chủ tịch ban tổ chức, đã chính thức xin lỗi Trần Ngọc; khi nhân viên kỹ thuật của phòng thâu hôm đó, thú nhận với nhạc sĩ Thẩm Óanh rằng, anh ta đã để cho nhạc sĩ Tu Mi phá hỏng hệ thống thu thanh lúc Trần Ngọc hát.
Những tưởng định mệnh sẽ không bao giờ mỉm cười với tác giả “Hoa soan bên thềm cũ” một lần nữa! Vì sau khi được trao giải khôi nguyên cuộc thi hát do đài phát thanh Hà Nội tổ chức thì biến cố chia đôi đất nước, xẩy tới!
Đứa con cưng của âm nhạc, tiếng hát ngọt ngào của làn song điện Tuấn Khanh / Trần Ngọc, tới những ngày cuối cùng của cuộc di cư 1954, mới được gia đình cho phép vào Nam.
Một thân một mình giữa Saigòn lạ lẫm, Tuấn Khanh / Trần Ngọc bắt đầu giai đọan mới của hành trình “nghệ sĩ” mà định mệnh đã vạch sẵn cho ông. Với tài năng được công nhận ngay từ khi còn rất trẻ qua cây vĩ cầm, với tiếng hát trời cho và, khả năng sáng tác ca khúc dịu dàng, thơ mộng có tố chất quyến rũ lớn, Tuấn Khanh trở thành nhân viên của đài phát thanh Saigòn. Ông cũng được mời chơi violon cho hầu hết những ban nhạc tên tuổi của đài.
Rớt bão cuộc chia ly Hà Nội còn đuổi buốt sau lưng, giữa vùng đất lạ lẫm, những sáng tác mang tên Tuấn Khanh ra đời. Như: “Hoa soan bên thềm cũ,” “Chiều biên khu,” Chiếc lá cuối cùng,” “Dưới dàn hoa cũ,” “Nỗi niềm,” “Mộng đêm xuân”…
Với tôi, đó là những hồi ức nóng hổi và, ước mơ vô thức của những khao khát trở lại. Quay về. Trên những khuôn nhạc mang tính lãng mãn thời đầu, tuổi trẻ.
Ông cho biết, nếu không tính ca khúc “Đò ngang” viết chung với nhạc sĩ Y Vân, thì “Hoa soan bên thềm cũ,” là sáng tác thứ nhất của ông, được mua và in thành nhạc lẻ, bởi nhà xuất bản An Phú, năm 1956.
Thời đó, việc “lancer” một ca khúc mới hòan tòan trông vào đài phát thanh. Tuấn Khanh có được cái may mắn hơn những nhạc sĩ khác ở chỗ, vừa là nhạc sĩ chơi violon cho hầu hết những ban nhạc, vừa là ca sĩ hát cho họ, nên “hoa soan bên thềm cũ’ của ông, đã…nở hoa rực rỡ trong các ban nhạc thuộc đài.
Sau khi “nở” giáp vòng, Tuấn Khanh mang tác phẩm của mình đi gặp nhà xuất bản An Phú với hy vọng tràn trề… Nhưng, An Phú đã từ chối với một giải thích lạnh lẽo, dứt khóat nhân danh thị trường:
“Chưa thấy ai hỏi cả! Mang về, ‘lancer’ nữa đi!”
“Làm sao có thể ‘lancer’ được nữa!?! Tác giả tâm sự, “khi tất cả các ban đã lần lượt chơi cho mình rồi! Thời đó, khi một sáng tác bị nhà xuất bản từ chối, thì, tác giả chỉ có nước cho nó vào sọt rác. Quên nó đi để lo viết bài khác thôi!”
Đinh ninh “Hoa soan bên thềm cũ” là đứa con tinh thần chết iểu, Tuấn Khanh cho ra đời “Chiều biên khu.”
Lần này, chẳng biết có phải vì chợt nhớ tới người trẻ tuổi đất Nam Định, chưa được hưởng nhận trọn vẹn nụ cười hàm tiếu hay không mà, khi ca khúc “Chiều biên khu” của Tuấn Khanh giới thiệu qua làn sóng điện mới được 2 lần thì, định mệnh đã gõ cửa (bằng bàn tay nhà xuất bản nhạc lẻ, An Phú.)
Với giọng lưỡi “con buôn”, An Phú bảo:
“Này Tuấn Khanh, hôm trước ông mang đến cho tôi bài ‘Hoa soan bên thềm cũ,’ tôi không mua. Nhưng giờ nghĩ lại, để cho vui vẻ cả hai bên, hôm nay, tôi ký với ông bài đó. Nhưng chỉ ký một năm thôi đấy nhé…” (5)
Vừa tiễn An Phú về, chưa kịp ngủ lại, có tiếng gõ cửa nữa; Tuấn Khanh nghĩ, có thể An Phú bỏ quên chìa khóa xe. Nhưng không phải An Phú mà là nhà Diên Hồng. Ông Diên Hồng vứt một đống giấy tờ lên giường ngủ cho Tuấn Khanh, vào đề ngay:
“Này Tuấn Khanh, ký cho tôi 3 năm bản ‘Hoa soan bên thềm cũ’ đi.”
Bây giờ nhớ lại, tác giả “Nhạt nhòa” kể, lúc đó, ông tóat mồ hôi. Chỉ vài phút trước, ký bản quyền bản nhạc ấy, 1 năm cho An Phú, không biết chữ ký đã khô mực chưa, tới lượt Diên Hồng! Diên Hồng 3 năm, đâu phải ít!
Nhưng muộn mất rồi!
Nghe Tuấn Khanh kể lại đầy đủ diễn tiến cuộc “thương thảo” với An Phú, nhà Diên Hồng ngạc nhiên hỏi, bộ ông thực sự không biết các phòng trà, khiêu vũ trường đang lên “cơn sốt ‘Hoa soan bên thềm cũ’ ” hay sao?
Tuấn Khanh nói, không. Hòan tòan không biết.
“Tôi không hề đến những nơi đó.”
Diên Hồng thất vọng, vớt vát:
“Thế có bài nào khác không?”
“Có ‘Chiều biên khu.”
Diên Hồng đề nghị ký bản quyền 1 năm và, ký thêm 3 năm cho bài “Hoa soan bên thềm cũ,” tính từ ngày ca khúc ấy hết hợp đồng với nhà An Phú.
Kết quả cụ thể bất ngờ của 2 ca khúc được hai nhà xuất bản nhạc lẻ mua bản quyền cộng chung 5 năm, với nhạc sĩ Tuấn Khanh là một niềm vui lớn.
Niềm vui thường có bàn chân hân hoan đi kèm cùng đôi cánh hạnh phúc mới.
Niềm vui này đưa Tuấn Khanh tới một cửa hàng ở khu Passage Eden, nơi chuyên bán những món hàng xa xỉ nhập cảng. Tại đây, ông đã quyết định mua một con búp bê cao hơn thước, làm quà tặng người yêu. Người con gái được Tuấn Khanh chọn, để nhận món quà đặc biệt kia là Nguyễn Thị Phương Thư; người bạn đời của Tuấn Khanh sau này. Cô gái họ Nguyễn vốn thuộc dòng danh gia vọng tộc. Thuở đó, nàng đã được chở đi học bằng xe nhà. Nhưng, điều đáng nói hơn cả, theo tôi thì, Nguyễn Thị Phương Thư chính là nguồn cảm hứng của ca khúc “Hoa soan bên thềm cũ” cùng nhiều ca khúc khác của Tuấn Khanh.
Tôi vẫn nghĩ, đám đông (từ thế hệ này, qua thế hệ khác,) đã không song phẳng, không công bình khi hầu hết chỉ biết ơn tác giả, những người đem tới cho họ những món ăn tinh thần, những rung cảm thanh khiết, nuôi lớn tâm hồn họ mà, bẵng quên rằng, tất cả những tác phẩm có một giá trị nào đó, thường đi ra, bắt nguồn hay, được khích lệ từ một người “vắng mặt.”
Những tình khúc nổi tiếng khác của Tuấn Khanh, như “Chiếc lá cuối cùng,” “Một chiều đông,” “Dưới dàn hoa cũ,” “Một ngày chờ mong,” vân vân...cũng đi ra từ những người “vắng mặt” đó.
Ông nói:
“Bản nhạc nào tôi viết đúng với tâm sự của mình thường dễ đi vào lòng người hơn những bài thương vay khóc muớn. Tuy nhiên, cũng có những bài tôi viết từ cảm xúc trước một câu chuyện, một tâm sự của người khác. Và những bài này, cũng được thính giả đón nhận.”
Về định mệnh riêng từng ca khúc, Tuấn Khanh cho biết, tình khúc “Những chiều tan học,” ông sáng tác trước tháng 4-1975, cho một nữ sinh trường Trưng Vương. Nhân vật này, có một năm được trường chọn cưỡi voi, trong dịp Lễ Hai Bà Trưng.
Rất tiếc, ca khúc ấy không được đón nhận rộng rãi.
Đầu năm 1983, tỵ nạn tại Hoa Kỳ, Tuấn Khanh có tình khúc “Từ đó khôn nguôi,” được nhiều người yêu thích.
“Nhưng đó chính là bài ‘Những chiều tan học’ được tôi sửa đổi ít nhiều.”
Tuấn Khanh tiết lộ.
Tính tới tháng 4 năm 1975, nếu gồm luôn cả những sáng tác chưa được in thành nhạc lẻ thì, tổng số ca khúc của Tuấn Khanh đã lên con số trên dưới 100 bài. Con số này tương đối “khiêm tốn” đối với những nhạc sĩ chạy đua cùng thị hiếu. Nhưng với một người trân trọng, nâng niu âm nhạc, như Tuấn Khanh, là con số không nhỏ!
Nếu lãnh vực sáng tác ca khúc như một bản ngã thứ hai, cùng Tuấn Khanh đi suốt hành trình nhân thế thì, sự nghiệp ca hát của tác giả “Nỗi niềm” lại chấm dứt từ năm 1970. Tới nay, ở quê người, vẫn còn nhiều thính giả mong đợi Trần Ngọc / Tuấn Khanh hát lại, nhưng ông không thể. Ông thú nhận:
“Tôi không có khả năng nhớ ca từ. Ở trong phòng vi âm, cầm bản nhạc mà hát, tôi nghĩ khó ai có thể vững vàng hơn tôi. Nhưng lần nào bước ra sân khấu tôi cũng bị khớp! Chưa hát mà mình đã chuẩn bị ‘bịa’ lời cho những đọan mình sẽ quên, thì làm sao hay được?!”
Sau khi suy nghĩ, cân nhắc, cuối cùng tác giả “Nhạt nhòa” quyết định chỉ giữ lại cho mình, hai trong ba sở trường là sáng tác ca khúc và, chơi đàn violon.
Tôi nghĩ, quyết định chỉ giữ lại 2 trong 3 sở trường của nhạc sĩ Tuấn Khanh, với thời gian, hy sinh này ông đã được bù đắp. Ông không chỉ có nhiều thì giờ hơn dành cho ca khúc mà, những năm, tháng tỵ nạn tại Hoa Kỳ, ông cũng là một trong số ít các nhạc sĩ (thuộc thế hệ khởi nghiệp sau Hiệp định Geneva,) vẫn duy trì được sức sáng tác sung mãn cho sự nghiệp âm nhạc của mình. Kết quả cụ thể là gia tài tinh thần của ông đã gia tăng nhiều sau những sáng tác được yêu thích như “Hoa soan bên thềm cũ,” “Chiều biên khu,” “Quán nửa khuya,” (viết chung với Hòai Linh,) “Vườn đời,” “Hai kỷ niệm một chuyến đi” (viết chung với Hòai Linh”…
Kể từ đầu năm 1983 (năm Tuấn Khanh định cư tại Hoa Kỳ,) tới tháng 6 năm 2009 vừa qua, ông đã viết được gần 70 ca khúc.
Khởi đầu giai đọan tỵ nạn, Nhạc sĩ Tuấn Khanh đã thành công ngay, với 2 ca khúc phổ từ 2 bài kinh nhan đề “Kinh cầu nguyện lậy Cha” và, “Tôi tin.” Sự thành công này, đã dẫn đến việc ông được bầu làm Chủ tịch Hội thánh của Mục sư Nguyễn Trọng Nguyên, ở miền nam Cali.
Kế tiếp, những tình khúc khác của Tuấn Khanh cũng ra đời và được nhiều thính giả đón nhận như đón nhận những dòng sữa thương yêu, thầm thì kỷ niệm. Trong số những tình khúc này, ta có thể kể những bài tiêu biểu như “Nỗi niềm,” “Nhạt nhòa,” “Tháng chín dòng sông,” “Tại vắng anh” (viết theo thể điệu Blue,) vân vân…
Tuy cõi giới âm nhạc Tuấn Khanh là cõi giới dịu dàng, thơ mộng, nhưng mọi chân trời đều không giới hạn được đường bay của cánh chim khát khao mới. Thời gian không trói buộc được tài năng của người nhạc sĩ họ Trần. Ông vẫn băng băng đi tới những kiếm tìm tận cùng chân mây;chinh phục những đỉnh ngọn thách đố khác.
Tôi cho chỉ có khát khao đi với tài năng vừa kể của Tuấn Khanh, mới giải mã được hiện tượng, ở tuổi 70, trong vòng 1 năm thôi, ông đã thành công với 52 bài thiền ca - - Đa phần phổ từ thơ của Ni sư Chân Thiền, và một số thơ của nhiều nhà thơ khác.
Sự dài hơi hay nội lực sung mãn của Tuấn Khanh cũng giải mã cho những nhánh sông âm nhạc của ông. Điển hình, từ ca khúc đầu nguồn là “Chiếc lá cuối cùng,” theo dòng, ông có “Một chiều đông,” “Dưới dàn hoa cũ,” “Tại vắng anh,” “Tháng chín dòng sông” và “Nợ nhau một chút giận hờn.”
Cũng vậy, từ ca khúc đầu nguồn là “Hoa soan bên thềm cũ,” theo dòng, ông có “Vườn đời,” “Chiều biên khu,” “Đêm này nghỉ đỡ chân,” “Nỗi niềm,” “Nhịp đôi vai,” “Một sớm anh về,” và “Mộng đêm xuân.”
Được mô tả là một nhạc sĩ lãng mạn với khả năng lao tác tinh thần bền bỉ hiếm thấy, đem hương thơm đến các tâm hồn yêu nhạc nhiều thế hệ, có thể không nhiều người biết rằng, trong đời thường, nhạc sĩ Tuấn Khanh là một người rất nặng tình thần gia đình. Ông cũng chủ trương chống lại thói quen lạm dụng hai chữ “nghệ sĩ” để sống luông tuồng, thiếu đạo lý.
Về bút hiệu Tuấn Khanh ông cho biết, đó là hợp âm của hai tên gọi: “Tuấn” tên ông anh lớn - - Người khai tâm âm nhạc cho tác giả “Quán nửa khuya,” khi ông còn tấm bé. Và “Khanh” là tên một người con trai của ông anh lớn. Người cháu trai của tác giả “hai kỷ niệm một chuyến đi” ra đời trong lúc ông chuẩn bị chia tay gia đình, di cư vào miền Nam, năm 1955.
Về giới hạn nên có của hai chữ “nghệ sĩ,” Tuấn Khanh cho biết, ông không đồng ý quan điểm của một số nghệ sĩ cho rằng nhạc sĩ không…có tuổi.
Ông quan niệm chỉ trái tim của một nghệ sĩ hay, nhạc sĩ là không có tuổi. Còn bảo rằng nhạc sĩ là lọai người không có tuổi…già thì không đúng!
“Hiển nhiên ai rồi cũng sẽ phải già đi theo thời gian. Giữ gìn cách mấy thì tóc của ta sớm mụôn gì cũng bạc. Sức khỏe sẽ mỗi ngày một thêm yếu kém…”
Và ông kết luận:
“Đó là lý do từ hồi nào giờ, tôi rất phân minh trong mọi giao tiếp. Người lớn ra người lớn. Người bé ra người bé. Dù trong giới nghệ sĩ với nhau, tôi cũng không thể chấp nhận tình trạng ‘cá đối bằng đầu’. Ai cũng có thể ‘anh anh / em em’ như nhau được!”
Ông kể lại một câu chuyện mà sau đó, ông đã lắc đầu ngao ngán! Đó là câu chuyện ông tình cờ gặp một nhạc sĩ lớn tuổi hơn, nên ông gọi bằng “anh” xưng “em.” Bất đồ, trước khi chia tay, ông lại gặp một người con của ông nhạc sĩ ấy. Khi gặp ông, người con nhạc sĩ kia đã thản nhiên gọi ông bằng “anh,” và xưng “em” với ông, trong trạng thái vui mừng, được gặp gỡ!
Tôi không biết có phải vì Tuấn Khanh được nuôi dưỡng trong truyền thống đạo đức, lễ độ ngay từ cách xưng hô của gia đình hay không, nhưng rõ ràng, cho đến bây giờ, dù đã ngòai 70, mà, hai người chị lớn của ông tên Kim, và Liên còn ở Việt Nam, vẫn theo dõi sít sao mọi sinh họat nghệ thuật cũng như đời thường của ông. Cách nhau cả một đại dương, như ngày nào, hai bà vẫn không ngừng khuyến khích, góp ý với ông, trong tất cả mọi sinh họat, từ tinh thần, tới xã hội.
Đối với tôi, tình gia đình kia, là một hạnh phúc đáng kể, của nhạc sĩ Tuấn Khanh.
Để kết thúc bài viết này, tôi xin trích đọan một bài viết của Hồ Huấn Cao, viết trong chương trình “Tác giả và tác phẩm” cho đài phát thanh VOA, phát thanh về Việt Nam hồi trung tuần tháng 10 năm 2000, như sau:
“Giải thích cho sự thành công của cõi nhạc Tuấn Khanh, những nhân vật có thẩm quyền về âm nhạc, cho rằng, Tuấn Khanh có trong tay chiếc chìa khóa mở được cánh cửa ngôi đền âm điệu; mà, những người viết nhạc quen gọi là ‘melody.’
“Mỗi ca khúc của ông mặc khóac một âm điệu khác nhau. Nhưng có chung một mẫu số. Mẫu số thiết tha. Mẫu số chân thật. Mẫu số đáp ứng rung động trái tim nhiều người.
“Sâu hơn nữa, có người còn thêm rằng, bên cạnh khả năng trời cho kia, Tuấn Khanh còn là một thi sĩ. Nơi bất cứ ca khúc nào của ông, thỉnh thỏang, người ta cũng bắt gặp những hình ảnh, những ngôn ngữ rất thi ca; rất trữ tình và, cũng rất bất ngờ.
“Thí dụ trong ca khúc ‘Nhạt nhòa,’ một trong những sáng tác Tuấn Khanh viết tại quê người, khi bắt gặp những câu như ‘lẻ bóng rưng rưng – tình nỡ quay lưng – trong chiều hấp hối,’ người nghe không khỏi bâng khuâng, xao động.
“Trong đời riêng, mỗi chúng ta, mấy ai không có ít nhất một lần, bỗng không, tức tưởi. Bật khóc một mình.
“Trong đời riêng, mỗi chúng ta, mấy ai không ít nhất một lần, cất tiếng hỏi, cớ sao ‘tình nỡ quay lưng’ (?)
“Câu hỏi, theo tôi, dành cho tình yêu, chứ không phải người yêu.
“Câu hỏi dành cho sự tha thiết, lẽ sống chết của tâm hồn ta, của chính ta - - Chứ không phải câu hỏi dành cho kẻ phản bội.
“Câu hỏi và cách hỏi đó, là câu hỏi và cách hỏi rất thi sĩ, rất văn chương vậy.”
(July 31 09)
Du Tử lê
----------------------------------------
(1) Nhạc sĩ Tuấn Khanh / Trần Trọng Ngọc sinh năm 1933, tại Nam Định.
(2) Đến giờ, vẫn không ai biết được một cách chính xác T.T.Kh là ai, mặc dù bút mực đã đổ ra khá nhiều, chung quanh 4 bài thơ của tác giả này.
(3) Theo Bách khoa tòan thư mở Wikipedia, thì tác giả Bà Huyện Thanh Quan tên thật Nguyễn Thị Hinh, sinh năm 1805(?,) mất năm 1848(?,) là người làng Nghi Tàm, huyện Hòan Long, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội,) giỏi thơ văn thời Minh Mạng và Tự Đức... Tên Bà Huyện Thanh Quan, xuất phát từ sự kiện chồng bà từng giữ chức tri huyện Thanh Quan.
(4) Nhạc sĩ Ngọc Bích (1924-2001) còn nổi tiếng với những ca khúc như “Mộng chiều xuân,” “khúc nhạc tương tư,” Trở về bến mơ,” vân vân…
(5) Tác quyền 1 ca khúc in thành nhạc lẻ, thời đó là 1,500$ cho hợp đồng 1 năm. Trong khi lương công chức phù động là 2,100$/1 tháng.