có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Bảy, tháng 8 29, 2015

Bạc Liêu còn nhớ không em?


Sông Bạc Liêu

Với những người Bạc Liêu "trẻ" sanh ra trong thập niên 50s và sống ở Mỹ hơn ba chục năm như tôi, thì trình diển tiêu khiển công cộng ở Bạc Liêu có thể chỉ còn sót lại thấp thoáng qua ký ức hiếm hoi của mình. Thế hệ nầy đã lớn lên ở Bạc Liêu sau thời thiên hạ thái bình; cái thời mà các công tử Bạc Liêu nhởn nhơ, đàn chơi tiêu khiển, và để lại một danh hiệu rất trứ danh Công Tử Bạc Liêu đã qua lâu lắm rồi. 

Tôi sinh ra lớn lên và trải qua thời niên thiếu (teenage) ở Xóm Chuồng Bò. Xóm Chuồng Bò bắt đầu từ con sông nhỏ; con sông nhỏ từ miệt Cái Dầy chảy dọc theo Quốc Lộ 4 về Bạc Liêu, vòng qua Lò Gạch rồi đổ ra ngã ba kinh xáng nơi có đình Tân Hưng. Xóm Chuồng Bò nằm giửa hai đường Trưng Trắc và Trưng Nhị, phía sau đình Tân Hưng. Những tiêu khiển ở Bạc Liêu thời đó hình như chỉ chạy dọc theo hai con đường Bà Trưng. Bắt đầu là rạp Chung Bá trên đường Trưng Trắc, đổ dọc theo đường Trưng Trắc về hướng chợ có rạp Trung Sơn. Rạp Trung Sơn khi đó đã đóng cửa từ lâu và đã trỡ thành hãng cà-rem Trung Sơn, phía trước có sạp bán nước đá bào dọc lộ. Cũng dọc con đường nầy qua khỏi Miểu Bà nhỏ gần chợ có rạp Nam Tinh lúc đó đã ngăn thành dẫy nhà trong con hẽm hẹp cho mướn. Con hẽm nhỏ dọc rạp Nam Tinh cũng là đường tắt dẩn vào trường tiểu học tỉnh lị nằm ngay sau rạp.

Đi qua khỏi Nam Tinh thêm một dạo đường có rạp chiếu bóng Hòa bình. Qua khỏi rạp Hòa Bình hai đường Bà Trưng đổ về nhà máy điện nước Bạc Liêu và ngừng ở đây. Vắt ngang là đại lộ Độc Lập bắt từ cầu quay chạy dài đến bồn binh miểu Tiên Sư nơi sau nầy trở thành một địa điễm sinh hoạt tiêu khiển thời trang hơn đó là quán cà phê nghe nhạc Akai.

Giửa đường Hai Bà Trưng có những khoảng đất trống. Trước tết Mâu Thân 1968, thời "hậu thái bình", thỉnh thoảng có những đoàn ảo thuật hay xiệc mô-tô bay về dựng lều trình diển. Trẻ con như chúng tôi háo hức được người lớn, anh hay chị dắt đi coi. Nhìn những chú hề vẻ mặt làm trò trước giờ trình diễn đám trẻ mê tít thò lò. Sau đó với vé vào cửa căn bạt, khán giả được xem những màn trình diển của các ảo thuật gia tuy không lừng danh như David Copperfield, nhưng rất tài tình với show cưa người hấp dẩn hồi hộp. Hay khi đoàn trình diển là mô-tô bay thì khán giả leo lên những bậc thang nhỏ bắt lên một platform nhìn xuống bức vách gổ bao thành vòng tròn quay quanh một trục sắt. Khi trình diễn người bay, bức vánh xoay vòng tròn hút các diễn viên làm trò ngoạn mục vào vách. Khi các tài tử mô-tô bay trình diển, bức vách ván đứng yên, diển viên ngồi trên những chiếc xe gắn máy rú ga nổ inh ỏi, chạy lộng gió vòng ngang bước vách. Ít ồn ào hơn nhưng không kém phần thú vị là phần trình diễn của những diển viên đạp xe chạy vòng trên vách gỗ.

Cũng trên sân nầy, lâu lâu có những đoàn Sơn Đông mãi vỏ kéo "lâu la" khuân những thùng cây hay kiện hàng về Bạc Liêu bầy trên khoảng sân trống và trình diễn. Bao quanh một vòng trên sân là những khán giả ngồi xỗm trên nền đất, hay đứng nhốn nháo, chen chút nhau xem những màng biểu diễn vỏ thuật, hoặc có đoàn nuôi chó, khỉ cho làm trò. Giửa các màng múa vỏ, làm trò thỉnh thoảng chương trình tạm ngưng để quảng cáo và bán đủ loại cao đơn hoàn tán, rượu thuốc, dầu thoa trị đau nhức, có khi bán luôn thuốc trị sán lải, thuốc trị ghẻ và thuốc trị bá bịnh. Khán giả người lớn bỏ tiền ra mua giúp hội.

Truớc tết Mậu Thân 1968 thỉnh thoảng ban dân vận chở xe chiếu phim tới trước sân rạp Chung Bá dựng màn và trình chiếu phim tuyên truyền trắng đen. Đám con nít và ngươì lớn sau bửa cơm chiều trời tối rủ nhau bắt ghế ngồi trên sân coi hát khỏi tiền. Lúc đó tôi còn nhỏ không nhớ phim gì đã trình chiếu nhưng nhớ đã cùng lủ trẻ trong Xóm Chuồng Bò hớn hở đem ghế chồm hổm ra sân ngồi ngoài trời giửa đêm mây tạnh coi phim. 

Nói đến nghệ thuật trình diển công cộng, Bạc Liêu có đình Tân Hưng và miểu Tiên Sư với hát bội. Đình Tân Hưng nằm bên cầu cả Phượng có mặt tiền trên đường Hoàng Diệu đổ về Xóm Làng. Kỷ niệm của tôi với ngôi đình là những lớp học vở lòng dạy tư cho trẻ em. Ngoài những buổi lên lớp ê a học vần, tôi hơi tom boy đi theo anh tôi bì bõm dầm theo con mương nhỏ với cỏ mọc um tùm dọc bờ tường rào đình Tân Hưng. Chúng tôi tìm bắt mấy con cá nhái đầu mùa mưa. Vào dịp lể lớn như cúng kỳ yên, đình Tân Hưng dựng dàn hát bội trong sân đinh. Có khi để đi tắt, từ đường Trưng Nhị sau đình, nhìn trước sau không có bóng ngườí lớn, tôi noi gương anh tôi trèo vội qua bức tường rào nhảy vào sân đình. Hát bội ở Bạc Liêu trong ký ức tôi chỉ còn kỷ niệm leo rào và những tiếng phèng la inh ỏi. Mãi đến bây giờ qua mạng nhện, tôi mới biết đền Tân Hưng đã được vua Tự Đức sắc phong, và một nhân vật lịch sử được đặt tên cho một con đường chính ở Bạc Liêu là cụ Phan Thanh Giản đã gắn liền với Bạc Liêu.

Theo Trần Phước Thuận: ... Ông đến Bạc Liêu (lúc đó là tổng Thạnh Hòa thuộc phủ Ba Xuyên) nhận thấy đây là một thị trấn nhỏ nhưng tiềm năng kinh tế rất lớn, đất đai ở đây lại rất màu mở nhưng có nhiều chỗ còn bỏ hoang chưa khai thác nên ông đã lập kế hoạch vận động lưu dân ở các nơi về đây sinh sống, có chế độ đãi ngộ đặc biệt đối với những người ở xa, và tưởng thưởng xứng đáng đối với những người chiêu mộ lưu dân khai khẩn đất hoang thành lập thôn làng, có lẽ vì vậy nên người Triều Châu đến sinh sống ở Bạc Liêu càng lúc càng đông, đến nổi trong thời gian đó đã xuất hiện câu ca dao “Bạc Liêu là xứ quê mùa, dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu”. ".... Phan Thanh Giản còn là người biết lo đến đời sống tinh thần của nhân dân, ông nhận thấy ngôi đình làng ở đây quá nhỏ lại được làm bằng cây lá đơn sơ rất dễ bị hư mục nên đã vận động bà con cùng nhau người góp công kẻ góp của để xây dựng thành một ngôi đình khang trang ..., và để an lòng bá tánh ông còn viết sớ xin với triều đình Huế ban sắc thần cho đình này. Kết qủa vua Tự Đức đã chuẩn tấu ban sắc thần cho đình Tân Hưng vào ngày 29 tháng 11 năm Nhâm Tý niên hiệu Tự Đức thứ V (nhằm ngày 08 tháng 01 năm 1853 DL Ở Bạc Liêu khi trời đổi mát, gió hiu hiu thổi, và khi mấy em bé đi quanh các xóm bán giấy "cò bay chỏ bế" cho các bà nội trợ cúng ông Táo thì rạp Chung Bá bắt đầu nhộn nhịp với các gánh cải lương kéo về hát tết. Gần tết năm đó tôi còn rất nhỏ nên chỉ nhớ mang máng nhà có khách và đãi khách một buổi cơm chiều thịnh soạn. Hai người khách đó là vợ chồng chủ một đoàn hát cải lương. Tôi chỉ nhớ những xưng hô anh em vồn vả giửa khách và chủ, và những tấm giấy hát mời danh dự. Đoàn cải lương đó là Hoa Sen và người chủ là nghệ sỉ Bảy Cao. Nghệ sỉ Bảy Cao là người Bạc Liêu, nhưng tôi lại không biết qua mối quan hệ nào mà ba má tôi, một tiểu thương ở Bạc Liêu, lại gắn kết với một chủ gánh hát cải lương nổi tiếng đương thời. Ba má tôi đã theo ông bà lâu nên tôi không thể truy tìm xa hơn. 

Từ cái thuở thái bình trong thời cực thịnh của Công Tử Bạc Liêu, Xứ Bạc đã là nơi sanh ra và là chiếc nôi cho một nghệ thuật trình diển nhà nghề đó là Vọng Cổ và Cải Lương. Nghệ sĩ Sáu Lầu một người Bạc Liêu, đã sáng tác bài Dạ Cổ Hoài Lang và bài hát nầy đã biến đổi hẳn nghệ thuật sân khấu Việt Nam trong Nam. Ngoài ông ra Bạc Liêu còn có rất nhiều những tên tuổi đã có công trong lảnh vực nầy. 

Nguồn gốc âm nhạc chuyên nghiệp Bạc liêu gắn liền với nhạc lễ. Thuở nhỏ ,chúng tôi lớp trẻ của thập niên 50s, phần lớn có nghe nhạc lễ mà không biết đó là nhạc lễ, mà chỉ biết nhạc "đám ma". Nhà có đám ma phần nhiều có rước ban nhạc với dàn trống chầu, đờn cò, phách song lan, kèn ta và đờn bầu. Có những gia chủ mời ban nhạc rình rang hơn có cả đờn lục huyền cầm. Mỗi khi có khách đến phúng, tiếng đờn kéo ò e, phách cụp lạc, trống tùng tùng như để bắt theo nhịp bái của khách đang lạy (chỉ dành cho đàn ông thôi). Khi lạy , người đứng thẳng đầu cuối, hai tay nắm chấp nâng ngang mày, ngừng, đưa nắm tay về ngực xá nhẹ, ngừng, quỳ một gối xuống, ngừng, đưa hai tay về gối, ngừng, chống tay đứng dậy thẳng, ngừng; xong một nhịp, vòng đủ ba nhịp, tiếng trống tùng tùng để kết thúc lể tam bái . Đêm khuya khi khách phúng đã về, ban nhạc bắt đầu chơi những bản nhạc Bình Bán, hay dài hơn Trường Lưu Thủy để đám tang nghe ấm cúng hơn trong khi đợi nồi cháo khuya sắp được dọn lên.

Nói về đờn lục huyền cầm, theo Trần Phước Thuận đó là "đờn ghi ta vào khoảng năm 1935 được nhạc sĩ Arman Thiều của đài Pháp Á dùng để đờn cổ nhạc, lúc đầu cây đờn cũng vẫn để nguyên một thời gian, nhận thấy chữ nhạc thiếu mùi nên vị nhạc sĩ nầy đã dũa phiếm để dễ nhấn chử đờn, thành ra chiếc đờn ghi ta phiếm lõm và bởi nó có sáu dây nên gọi là lục huyền cầm". Nhạc sĩ Năm Nhỏ người Bạc Liêu chính là người đầu tiên sử dụng lục huyền cầm như là một nhạc cụ chính thống của cổ nhạc ở Bạc Liêu.

Bạc Liêu chiếc nôi của vọng cổ và cải lương đã cho đời rất nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ nổi danh ở Việt Nam. Vị đại sư phụ là nghệ sĩ Năm Khị. Cụ là thầy của tác giả bài Dạ Cổ Hoài Lang nhạc sĩ Sáu Lầu - Cao Văn Lầu, và sau đó bài hát đã được biến thể thành sáu câu Vọng cổ nhịp 32 đầu tiên bởi người đệ tử trẻ của cụ là nghệ sĩ Năm Nhỏ - Trần Tấn Hưng (một người Minh Hương ở Bạc Liêu). Những nghệ sĩ Bạc Liêu vang danh như Năm Nghĩa chủ gánh cải lương Thanh Minh Thanh Nga, hay Bảy Cao chủ gánh Hoa Sen, sau đó đã có công đưa những bài vọng cổ Bạc Liêu vào nghệ thuật tuồng và biến dạng sân khấu hát bội, hát chèo thành hát cải lương. Cải lương một thời đã cực thịnh ở miền nam Việt Nam. Một điều tự hào cho dân Bạc Liêu, tất cả các gánh cải lương nổi tiếng ở miền nam lúc đó đều có về hát ở rạp Chung Bá. 

Một trong những tên tuổi chuyên viết soạn tuồng cải lương là soạn giả Viển Châu hay Năm Châu. Nổi danh cũng cùng thời là soạn giả Yên Lang. Yên Lang là học sinh trường trung học Dân lập Bạc Liêu vào thập niên 50s tên Nguyễn Ngọc Thanh. Chào đời tại Giồng Me, Cầu Kè - Bạc Liêu năm 1940, theo báo Người Lao Động (Việt Nam) ông đã sáng tác hơn 30 kịch bản cải lương nổi tiếng như Đêm lạnh chùa hoang, Máu nhuộm sân chùa, Tâm sự loài chim biển, Khi rừng thu thay lá, Người đẹp Tây Thi, Manh áo quê nghèo, vân vân ..

Về phim ảnh Bạc Liêu, theo web tham khảo (Ngô Tuấn), hoạt động chiếu bóng vào những năm đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam hảy còn phôi thai, tuy vậy Bạc Liêu là một trong những tỉnh đầu tiên có rạp chiếu bóng. Khi Sài Gòn, Hòn Ngọc Viễn Đông, mới có được bốn rạp ciné thôi, thì Bạc Liêu "xứ quê mùa" đã có một rạp, đó là rạp Kim Long. Người Bạc Liêu đã biết đến chiếu bóng khá sớm, vào những năm 1912 - 1916, phim đã chiếu tại chợ nhà lồng Bạc Liêu.

Lúc tôi lớn không còn đi coi "hát bóng thí" do dân vận chiếu ngoài trời trước rạp Chung Bá. Tôi đi "ciné" tại hai rạp chiếu phim ở Bạc Liêu, đó là rạp Hòa Bình nằm trên đường Trưng Nhị, và rạp Nam Tiến nằm cạnh tiệm cà phê "Chái Ủ" Tái Hửu với món xiếu mại chiên trứng rất Bạc Liêu. Trước đó Bạc Liêu có rạp Nam Tinh và Trung Sơn nhưng đã dẹp tiệm lúc tôi biết đi ciné .

Các rạp chiếu bóng Bạc Liêu thời đó trình chiếu từ những phim câm đen trắng "Sạc Lô" (Charlot) của Holywood, cho tới phim Sửa Rừng Thay Sửa Mẹ của Ấn Độ , hay Tề thiên Đại Thánh của Hồng Kông, về sau chiếu những phim màu của Hồng Kông, tình cãm như Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, hay công phu như Đường Sơn Đại Huynh.

Ngoài nhạc Việt cổ và phim ảnh ra, nghệ thuật trình diển ở Bạc Liêu còn có một loại nhạc dàn ngoại quốc. Đó là "Tùa lào cấu" trong các gánh hát Tiều thỉnh thoảng về hát ở rạp Chúng Bá. "Tùa lào cấu" cũng được các đám ma của người Hoa ở Bạc Liêu rước trình diển trong ngày đưa đám ma đi chôn. "Tùa lào cấu" với thanh la, chập chỏa, trống lớn, trống nhỏ, kèn ta, đi cùng dàn nhạc đờn như trong dàn nhạc lễ Việt. Theo Wikipedia, "..., các thanh la và trống đánh hết cỡ, làm vang động cả một góc trời, ở bên ngoài rạp hát và các nhà kế cận đều nghe tiếng". 

Tuy nhiên người Hoa ở Bạc Liêu có một nghệ thuật trình diễn ít ồn ào hơn và ít ai biết hơn, nhưng tôi hy vọng vẫn còn người nhớ tới. Đó là hát "Chạo chia", hát rong của người Tiều Châu. Có khi trong ngày thường hay có khi trong lúc tết, con nít Xóm Chuồng Bò có dịp thưởng thức "Chạo chia". Ban nhạc thường có từ ba đến năm người, có khi nghèo chỉ có hai cha con thôi. Ban nhạc với cây đờn căn bản là một đờn thùng tôi nhớ mang máng là hồ cầm và không nhớ đàn có bao nhiêu dây. Nhờ một người bạn trong ngành sân khâu Việt tra tìm, đó là đàn ba mươi sáu dây hay đàn bướm (hồ điệp cầm). Người cha, hay band leader, ôm chiếc thùng đờn đặt trên một cái đôn. Thùng đờn bằng cây bề dầy cở đàn ghi-ta, hình thang cân xứng với bề ngang khoảng tám tất (80cmm), bên trên căng ngang phiếm những sợi dây đàn từ dài tới ngắn. Đờn được đặt nằm trên mặt phẳng, người chơi hai tay cầm hai thanh trúc mỏng, dài cở đôi đủa, có phiếm như phiếm piano, lúc chơi gỏ phiếm vào dây. Tiếng đàn trong ấm, người hát cầm song lan gỏ nhịp theo. Trong ban nhạc "Chạo Chia" có nhiều người thì có thêm đờn cò, đờn nguyệt, kèn. Khi ban nhạc trình diển, tiếng đờn phụ họa với giọng nử Soprano cất lanh lảnh cao vút, kéo dài theo dẩy nhà trệt dọc đường Trưng Trắc trong Xóm Chuồng Bò. Tiếng hát cất lên như lời than khắc khoải của người di cư xa nhà, tha phương bất định. Đôi khi tiếng hát tiếng đàn trở nên nhộn nhịp, nhanh nhẹn theo nhịp điệu ngắn phấn khởi, như lời hứa hẹn một ngày Tựng Từng Xua 

Với từng đó, con đường trình diển nghệ thuật của Bạc Liêu đã dừng lại, đã lắng đọng, để lâu lâu cho những người bạn trẻ Bạc Liêu Xưa nay ở Mỹ mang ra nhắc nhở cho nhau nghe. Còn nhớ không em những ngày xưa thân ái đó?

Chúc
16 December 2012