Chị vuốt vuốt lần nữa hai vạt áo tràng, nhét cẩn thận những lọn tóc còn lòa xòa vào bên dưới vành khăn nâu, liếc nhìn trong gương khuôn mặt đã hoá trang kỹ lưỡng của mình rồi bước ra sân khấu. Đêm nay chị sẽ diễn vai một người con gái vì tình không trọn nên quyết lòng đi tu. Nhân vật trong vở hát chừng 18, 19 tuổi là cùng mà chị thì....Ôi, có tiếng ai khúc khích cười: "Đào già quá."
Chị nghe rõ lắm nhưng giả vờ không nghe. Phải thật tập trung. Ai nói gì cũng mặc. Nhạc bắt đầu rồi. Bản Văn Thiên Tường Lớp Dựng. Sau bài này là Lý Con Sáo, sau nữa là 8 câu Nam Ai. Chị ngồi xuống hai nấm đất giả làm hai ngôi mộ, bần thần nhặt lên một chiếc lá khô, ngẩng lên rồi cất giọng thật áo não: "Cánh hoa rụng tả tơi vì gió dập. Xác bướm khôôm ấp bởi tình yêu. Như tôi đây nhìn hoa lan mà ruột quặn thắt trăm chiều. Trông hồ điệp lệ sầu tuôn mấy luợt..." Giọng chị không bi ai mùi mẫn lắm, nước mắt sống thì cép cỡ nào cũng không chảy nổi. Chị đã tính trước, ăn gian quẹt vài giọt dầu khuynh diệp vào tay áo, đưa lên vờ chậm nước mắt, hít hơi cay đặng sụt sùi mà hỡi ôi, đôi hồ lệ vẫn cạn khô. Lại có tiếng thầm thì: "Chị này chắc mới đi hát hả?"
Vâng, chị là đào mới nhưng lại là đào già. Đoàn hát dễ dãi, chấp nhận cho chị vừa học, vừa diễn, nghĩa là nếu rành rẽ hai câu Vọng Cổ thì cứ ca diễn hai câu, chứ chờ thuộc cho nhão sáu câu rồi mới cho lên sân khấu thì chắc chị bạc đầu mất thôi. Chị xin vào đoàn sau khi chồng chị đã chết, các con chị đã lớn khôn. Chị không còn nợ nần gì ai, chỉ nợ chính mình. Món nợ ấy chị đã trót vương vào khi còn là đứa bé tám, chín tuổi. Chị mê sân khấu, mê làm đào, chị chạy theo ước vọng của mình như đứa con nít chạy theo cánh diều no gió trên cao. Rồi một ngày, sợi dây đứt phựt, chị ôm xác diều tả tơi chôn dưới gốc cây trong vườn cũ. Ba má không cho theo nghề hát, mộng chẳng thuận chiều, chị đi lấy chồng, sanh con, nuôi con, bước nặng nhọc lên những nấc thang đời mà nấc thang sân khấu thì chưa từng đặt chân tới. Cho đến một ngày khi gõ cửa được đoàn hát thì thanh sắc không còn là bao, vớt vát lại bằng phấn sáp thì cũng chỉ che mắt được mấy cụ già. Mà thời này, ai cũng đi mổ mắt cườm, kính lắp thẳng vào tròng mắt thì có che giấu gì được bao nhiêu. Họa hoằn thì có đuợc vài lời thông cảm: "Thôi kệ. Già rồi thì hát... cho vui..."
Đúng là hát "cho vui". Đoàn nghèo. Hát miễn phí. Micrô, ăm-pli mua từ tiệm đồ cũ, phông màn ai cho gì xài nấy, quần áo đào kép tự sắm sửa. Cũng may là còn một số ít oi khán giả. Những khán giả này phần lớn là người cao niên hoặc vô công rồi nghề, đi coi "cho vui", đại khái là nhân tiện... nhân rảnh rỗi... nhân chẳng có chuyện gì làm... ra tìm vài phút giải trí còn hơn ngồi nhà nghe con cái gây lộn hay nghe chồng nghe vợ cằn nhằn. Đào có già một chút cũng có chết ai đâu, hát "cho vui" mà. Chị cũng chẳng chờ đợi gì chút danh thơm. Một hôm, thằng em kết nghĩa chơi ghi-ta phím lõm trong đoàn rỉ tai chị nói nhỏ: "Chị hát không tệ lắm đâu. Để em dợt thêm cho. Sáu tháng nữa có giải Chuông Vàng, chị ghi tên dự thi đi. Nếu trúng giải thì đừng quên thằng em này...." Chị đem anh chàng giang hồ lãng tử này về nhà, lo chỗ ăn chổ ở để mỗi ngày nó tập hát cho chị. Ngày nào nó cũng la chị oai oái:" Em dặn chị rồi, chỗ này nghỉ một nhịp rưỡi, chị cứ kéo tới hai nhịp mới vô, rớt hoài." Cũng có lúc nó khen: " Đuợc. Mùi lắm. Mà chị phải vừa hát vừa diễn nghe, lên xuống một chút, lúc to lúc nhỏ, cho tha thiết một chút không thôi giống như tụng kinh." Suốt sáu tháng, tâm trí chị chỉ có những nhịp ca, chữ đờn. Câu này nhịp nội, câu kia nhịp ngoại, câu này dứt xang, câu kia dứt xề. Chị than với nó: "Sao khó nhớ quá." Thằng em bảo: "Chị hát hoài thì nhớ. Hát cho tới khi nào ngủ chị cũng hát là được." Chị hát đến mướt mồ hôi, đến khan tiếng, đến thằng em phải nói: "Thôi chị uống nuớc, nghỉ chút đi. Giọng chị tuột quá rồi, không lên đúng cao độ nữa. Mệt dữ rồi ha..." Đêm nằm những câu hát đi vào giấc ngủ của chị. Chị thấy mình hát trong mơ, làm như mỗi nhịp thở của mình là một nhịp đờn. "Ơi hỡi Vân Lang.... Buổi chia tay đôi ánh mắt ngập tràn....Tình đầu tiên đôi chim oanh yến... Rồi anh hùng khuất sau lũy tre xanh..." Chị hát suốt ngày, suốt tuần, suốt tháng, không ngày nào không hát, hát mãi, hát như điên cuồng, hát như để lấp vào cái khoảng mấy chục năm của đời chị mà chị đã phải chịu mất đi một cách oan uổng. Chữ "mê" còn một chút này. Còn hát được bao nhiêu thì cứ hát cho đã đời.
Giải Chuông Vàng năm ấy chị giành được huy chương bạc. Người ta đeo vào cổ chị một miếng kim loại hình tròn có khắc tên, ngày tháng, thứ hạng. Nước mắt chị lưng tròng. Đồ quỉ, cái thứ nước mắt bây giờ mới chịu chảy ra, chớ cái hồi quẹt dầu ra sân khấu sao không chịu chảy ra dùm. Ông giám khảo hỏi chị: "Cô có nghệ danh gì không?" Nghệ danh! Trời ơi, chị đâu có nghệ danh gì. Người ta gọi chị là chị Tư, cô Tư, dì Tư.... Ông giám khảo nói: "Cô hát bản Phụng Hoàng Lai Nghi hay lắm. Tôi đặt cô tên là Phụng Nghi, chịu không?" Nước mắt chị lại được dịp chan chứa. Thằng em giang hồ lãng tử mỉm cười nhìn chị: "Thấy chưa. Em nói có sai đâu. Chị ráng tập thì đâu có thua ai." Chị mỉm cười nhìn nó âu yếm. Chị lấy gì đền ơn nó đây. Hay là mai mối cho nó một cô vừa xinh vừa hiền. Nó lớn rồi mà chưa ai thèm lấy. Đời nó chỉ có cây đờn mà lắm lúc phải cầm cố cây đờn để đổi lấy chén cơm.
Bây giờ thì chị vẫn hát, hát trên cái sân khấu nghèo, hát hết lòng với cái bộ môn nghệ thuật mà chỉ còn hắt lại cái bóng của một thời vinh quang rực rỡ. Thỉnh thoảng chị vẫn lấy cái huy chương bạc ra ngắm nghía. Cái miếng kim loại này chẳng mấy gì sáng sủa. Chùi dầu bóng, chùi chanh, chùi khế gì thì nó cũng chỉ sáng nhờ nhờ. Hay đem ra nắng xem sao. Chị đem cái huy chương lại gần cửa sổ, nghiêng qua nghiêng lại hứng lấy vạt nắng bên ngoài rọi vào. Chị có cảm tưởng như có những chùm tia sáng nào đó lung linh trước mắt chị, lấp lánh như sắc màu của một cây cầu vồng hiện ra rờ rỡ sau cơn mưa. Đêm nay chị sẽ thắt một giải lụa bạch ngang lưng, sẽ vẽ đôi mày cho thật cong, tô đôi mắt cho thật sắc sảo tình tứ. Rồi đèn sẽ bật lên. Nhạc sẽ tràn trề. Cung oán cung thương não nùng, nức nở. Chị sẽ là cô gái quay tơ dệt lụa dưới mái tranh bên dòng nước, quyết lòng cự tuyệt không tham sang phụ khó, chờ đợi người yêu lai kinh ứng thí trở về. Miệng chị lại lẩm nhẩm, ngân nga :"Chàng có nghe không... người xa ngoài muôn dặm... Khung se đã nắn, dây chùng.... Bụi long phím rỉ, móng hoen lạnh lùng..." Trong một niềm kiêu hãnh đơn độc chị thấy mình như người đã vói tay chạm được đến cây cây cầu vồng sặc sỡ trên mây và chị dừng cảm giác của mình lại đó, không nghĩ thêm gì nữa, không tự hỏi hào quang kia bao giờ sẽ tàn phai...
Cao Thanh Phương Nghi
Tháng 11-2014