có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 9 11, 2016

Cuộc thi của những người trưởng thành



Một tờ báo nọ nhân được sự tài trợ của các mạnh thường quân đã đứng ra tổ chức một cuộc thi viết rầm rộ cho độc giả bốn phương. Đề bài được nêu ra như sau: “Hãy hồi tưởng lại những việc đã xảy ra trong đời và mô tả một tình huống mà qua đó bạn cảm thấy mình trưởng thành, mình vừa bước qua khỏi cái ngạch cửa của đứa trẻ thơ để trở thành người lớn.”

Đề tài hấp dẫn đấy chứ. Giải thưởng lại rôm rả lắm đây... mời viết, mời viết... Bài dự thi khắp nơi gửi về ào ào như trận giặc châu chấu khiến ban giám khảo tối tăm mặt mũi. Sự trải nghiệm của mỗi người không ai giống ai. Có bài dài, bài ngắn, có bài cạn, bài sâu, có bài cà tửng cà tửng cười nôn ruột, có bài vòng vo tam quốc, đưa đẩy khóc than đủ chuyện trên đời. Con nòng nọc nào chẳng một lần đứt đuôi, con sâu nào chẳng một lần hoá bướm. Con người cũng vậy người ơi. Lật, bò, đứng, đi, chạy, nhảy. 524 tâm tình được trải ra trên mặt báo và sau khi sàng qua lọc lại, các giám khảo đồng ý chọn ra ba bài để đi đến kết quả sau cùng. Nội dung ba bài đó như sau:



Bài thứ nhất

Tôi đã trưởng thành như thế nào ư? Có gì đâu, dễ ợt. Cứ mỗi lần tôi lôi được người đàn bà nào lên giường là tôi thấy mình trưởng thành thêm một chút. Mà nè, anh bạn, đừng dùng chữ “trưởng thành” ở đây, cầu kỳ quá. Tôi là cái thằng đá cá lăn dưa, tôi thích dùng chữ “chín”, nghe nó lọt lỗ tai hơn. Vâng, cứ lôi được một người đàn bà lên giường thì tôi thấy mình “chín” thêm chút nữa. Tôi mánh khoé hơn, lõi đời hơn, quỉ quyệt hơn. Năm mười chín tuổi tôi lôi được người con gái đầu tiên lên giường. Đó là cô bé hàng xóm, nhỏ hơn tôi, mê tôi như bị bỏ bùa. Lần đầu vào trận mây mưa nàng run như cầy sấy, giữa cuộc thì oằn oại đê mê, sau đó thì ca cẩm dỗi hờn. Đàn bà nào cũng bấy nhiêu bài bản. Tôi bỏ ra sau sàn nước lấy gáo xối ào ào mặc cho nàng thút thít ở buồng trong. Người tôi sảng khoái lạ thường. Tôi không còn là một thằng nhóc. Tôi đã là một người đàn ông, đàn ông thứ thiệt, tôi đã trưởng thành, đã lột xác. Trong lòng tôi rạng ngợp một trời sao. Gia đình nàng buộc tôi phải cưới. Tôi chạy trời cũng không khỏi vì mấy tháng sau thì cái bụng nàng đã thè lè. Nàng trở thành vợ tôi từ đó.

Vợ thì vợ, mê gái thì tôi vẫn mê như thường. Tôi vang danh “anh Bảy xe đò”, muốn em nào được em đó. Trong đời tôi chỉ ân hận chuyện tôi dan díu với người con gái bán hủ tiếu trên tuyến đường xe tôi qua lại hàng ngày. Tôi cũng lôi được cô ấy lên giường. (Đúng ra là lên tấm nylon trải trên nền đất trong cái chòi lá giữa rừng). Nàng khóc lóc biểu tôi cưới. Tôi nói cưới gì được mà cưới, ai cho phép hai vợ hồi nào. Nàng hăm uống thuốc rầy. Tôi cười khì, trong bụng thầm bảo nàng có gan cóc tía cũng không dám làm. Ai dè... Suốt ba năm sau tôi đi đâu cũng gầm mặt không dám ngẩng lên, chui rúc như con chuột chù trốn dưới cống. Tôi ân hận đến nỗi định xuống tóc vô chùa làm sãi nhưng có lẽ lòng trần của tôi còn quá nặng. Khi câu chuyện kia nhạt dần theo ngày tháng thì tôi lại tiếp tục nhiều cú phiêu lưu khác. Tôi lăng nhăng với vợ bạn, tằng tịu với cả chị dâu tôi. Tới một ngày tôi giật mình bật ngửa. Tôi không lôi được vợ tôi lên giường.

Nàng ghê tởm tôi. Như người ta ghê tởm một con rận. Tay tôi vừa chạm đến thì cả người nàng đã cứng như khúc gỗ. Cái thằng đàn ông đê tiện trong tôi gầm lên. “Mày để dành cái đó cho ai hả đồ khốn?” Rồi mặc cho tôi hằn học, xỉ vả, van xin, thề thốt, quỵ luỵ, đôi mắt kia hoàn toàn trống vắng, dửng dưng. Tình yêu ngày nào dành cho tôi đã chết yểu trong lồng ngực chỉ còn mỗi thù ghét và khinh bỉ. Mười năm rồi hai chục năm tôi lồng lộn trong nỗi tuyệt vọng của mình và cứ thế kéo lê cho tới ngày nàng chết. Bên chiếc giường lâm chung của vợ tôi quỳ xuống xin nàng tha thứ nhưng linh hồn kia bỏ đi không hối tiếc. Tôi ôm mặt khóc và đột nhiên lúc ấy một cảm giác rất kỳ lạ tự dưng dâng lên xâm chiếm cả con người. Tôi thấy mình như vừa hoá thân thành một con người khác, hoàn toàn khác với những thằng tôi trước đây. Tôi đứng tách ra, kinh ngạc nhìn cái đám lúc nhúc bẩn thỉu đó và thầm nghĩ chắc Đường Tăng khi xưa cũng có cảm giác tương tự khi nhìn thấy cái xác phàm của ngài trôi trên dòng nước. Tôi vừa bĩu môi khinh miệt vừa toát mồ hôi hột. Đó có phải là sự trưởng thành hay đại loại là một cái gì từa tựa như thế không thì tôi không biết. Chỉ biết tôi không còn là cái thằng tôi trước đây nữa.



Bài thứ hai

Có một lần em mê man nhìn những cái trứng rùa nở ra trên cát rồi những con rùa con chạy ù xuống biển. Mẹ em bảo: “Rùa nó giỏi hơn con. Nó đâu có đeo mẹ chèo chẹo như con.” Sóng từng đợt đập thẳng tay vào đá, đá còn phải mòn. Ấy thế mà rùa chẳng sợ. “Phải công nhận tụi nó hiên ngang kinh khủng hả mẹ.” Em vừa cười lỏn lẻn vừa ôm lấy cánh tay của mẹ em quàng vào người. Hai mẹ con đi dọc bờ biển. Một cái bóng lớn, một cái bóng nhỏ. Em không nghĩ là có một ngày mình phải tập sống một mình, không còn mẹ bên cạnh. Cái ngày đó gọi nôm na là “trưởng thành”.

Thật sự thì mẹ em đã xuất gia từ khi em còn rất nhỏ. Người đi tu làm bà vãi, sống một mình trong cái am chèo queo, đơn độc. Cha em đem người đàn bà khác về. Em coi như ông không còn. Sáng em đi học, trưa về ăn cơm nhà cha, tối lên chùa ngủ với mẹ. Không gì có thể ví được với tình mẹ dành cho em cũng như không gì có thể thay đổi được sự tôn thờ lẫn thương yêu của em dành cho mẹ. Em chong đèn học bài cũng có mẹ cạnh bên, em ngủ trên bộ ngựa cũng có mẹ cận kề. Chỉ trừ lúc em đến trường thì mẹ không có mặt. Bù lại, khi về, em kể cho mẹ nghe tất cả những chuyện gì đã xảy ra quanh em, từ chuyện cô giáo em bị chó cắn, chuyện thằng Tư thằng Tám ăn trộm gà, chuyện con Hồng con Lê đánh nhau xể mặt xể mày. Ngóc ngách nào trong tâm hồn em cũng được mẹ nâng niu ấp ủ. Em không nhận ra một điều rằng mình không lớn nổi dưới đôi cánh của bà, mình đã làm một con gà con quá lâu, quá hạn.

Cho tới một hôm em đi học về thì bị tên bạn cùng trường chọi đá u đầu sứt trán. Em bịt tay lên vết thương chạy về mếu máo:

— Mẹ. Thằng Tứ chọi đá trúng đầu con.

Mẹ em lúc đó đang quỳ niệm Phật ở chánh điện. Người dừng ngón tay đang lần chuỗi, không nhìn lên, nói khẽ:

— Vậy chớ con có lượm đá chọi lại nó hay không? Lấy oán báo oán là điều không tốt.

Em gườm mặt:

— Con... có chọi lại nhưng không trúng.

— Sao con bậy bạ như vậy? Mẹ đã nói bao nhiêu lần.

— Thằng đó tốt lành gì đâu. Để con qua méc má nó cho bả đập nó một trận.

— Thôi. Chuyện con nít. Méc qua méc lại mích lòng. Nó ganh với con chớ gì. Con đi học xe đạp, còn nó lội bộ. Sao không tội nghiệp nó?

Em không hiểu mẹ đang nói gì. Đất dưới chân như hẫng ra. Hai tai em ù ù, đầu choáng váng. Mẹ vẫn không nhìn lên, nên người không thấy mồ hôi và máu đang ứa ra từ vết thương của em. Lần đầu tiên em thấy mẹ xa cách. Lần đầu tiên em thấy như có một con sông lớn mênh mông chắn giữa hai người. Em cúi mặt bỏ đi, lẳng lặng ra sau chùa bứt lá cỏ mực, giã nát rồi đi tìm một miếng băng-ga rịt vào chỗ máu đang chảy. Em nghe tiếng thở của mình lẫn trong tiếng gió bồng bênh trên vạt đất rập rờn những cây cỏ mực. Em tự nhủ: “Em bé ơi, không phải lúc nào em cũng có mẹ đâu, rồi sẽ có những lúc em phải đương đầu với sóng to, sóng nhỏ như những con rùa can đảm và không thể cầu cứu ai cả.” Ba chục năm sau vết thẹo trên trán em vẫn còn, như nhắc cho em nhớ rằng ngày hôm đó em đã bước ra khỏi đôi cánh của mẹ bằng cách tự băng bó vết thương cho chính mình.

Bây giờ thì thân thể em đã dẫy đầy thương tích nhưng em coi như pha. Em có thể thay lá cỏ mực bằng lá “sống còn” và tự tay làm lấy mọi việc. Có phải một điều dù tệ hại nhất trên thế gian này đôi khi cũng mang một giá trị nào đó? Em đã lớn rồi chăng, đã trưởng thành rồi chăng, từ vết thương đầu đời không có bàn tay chăm sóc dịu dàng của mẹ?



Bài thứ ba

Vừa đọc qua đề bài tôi đã lăn ra cười. Cười sặc sụa. “Hãy mô tả lại một tình huống mà qua đó bạn cảm thấy mình trưởng thành.” Trời đất. Biết nói thế nào đây. Tôi có thấy mình trưởng thành hồi nào đâu mà mô với tả. Suốt đời tôi là đứa bé, luôn trông đợi những điều kỳ diệu.

Có một chuyện thần tiên xảy ra cho tôi cách đây 20 năm vào mùa Giáng Sinh. Dạo ấy tôi vừa từ nông trại trồng táo bên miền Đông trở về, trắng tay sạt nghiệp không có một đồng xu mua thuốc lá. Tôi ngủ ở vỉa hè, moi bánh vụn trong thùng rác, đói rách như thằng ăn mày. Người ta coi tôi như con chó dại. Lúc đó mọi người đang bận hướng về một ngôi sao lạ trên trời, chờ đón Chúa ra đời. Tôi lang thang ngoài đường dòm vào các cửa kính tìm xem nơi nào treo bảng cần người thì lập tức ngửa tay xin việc. Ông trời run rủi, tôi lê ra một khu thương mại sầm uất và trông thấy một dọc người đang xếp hàng rồng rắn trước ô cửa hẹp. “Cái gì vậy? Họ cho đồ ăn hả?” — tôi khều một người hỏi nhỏ. Thằng cha ấy bảo: “Không. Người ta cần người làm việc trong hai đêm 23, 24, từ 11 giờ khuya tới 6 giờ sáng. Anh có cần thì...” Gã kia chưa dứt lời tôi đã tưởng mình lạc đến thiên đường.

Một người đàn bà đến dẫn 5 người, trong đó có tôi, vào một nhà kho rộng bằng ba cái sân chơi bóng rổ. Một rừng quần áo hàng hàng lớp lớp xếp treo bừa bãi hỗn loạn. Bà ấy nói:

— Các anh nhìn vào cái thẻ bấm trên áo hoặc quần. Mỗi thẻ bấm đều có ghi một hàng chữ số. Các anh theo đó mà xếp vào cho đúng các lô đã được đánh số phân chia từng loại trên các giá treo.

Công việc xem ra đơn giản nhưng nhiều vô số kể. Tôi vừa đói vừa mệt vì vất vưởng suốt ngày ngoài phố nên làm mới đến 1 giờ khuya đã ríu mắt. Tôi lủi vào một góc co quắp người lại ngủ. Người đàn bà đập đập vào vai tôi:

— Dậy đi chớ.

Tôi nhướng mắt dậy. Được một chốc lại ngủ gục. Ngầy ngật suốt đêm, tôi chập chờn nhìn thấy khuôn mặt người đàn bà lúc hiện lúc mất, lúc rõ lúc mờ, trồi lên thụp xuống giữa những dãy quần áo la liệt. Hai tay bà ấy vói lên các móc treo, mắt nhìn xuống cái thằng khố rách áo ôm là tôi đang nằm ngủ. Tới gần sáng tôi tỉnh dậy. Bà ấy đã làm hết phần việc của tôi. Tôi ngượng nghịu cười trừ và hết sức ngạc nhiên vì thấy bà không một lời phàn nàn.

Tất cả những người làm công được đãi một chầu bánh đô-nất và cà-phê nóng. Chúng tôi ăn uống, ký tên vào sổ rồi ai nấy về nhà.

Tối hôm sau tôi trở lại. Công việc diễn tiến y hệt ngày hôm qua, nghĩa là tôi làm được một chút thì ngủ gục, người đàn bà nọ lại làm hết phần việc của tôi và không tỏ một thái độ gì hết.

Sáng hôm sau chúng tôi lại được đãi bánh đô-nất với cà-phê, sau đó cũng ký tên vào sổ và mỗi người được lãnh ngân phiếu cho hai ngày làm việc.

Tôi dụi tay vào mắt, hỏi thằng cha hôm trước: “Tiền thiệt hả?” Gã nói: “Tỉnh ngủ đi cha nội.”

Tôi bước đi bang xiên bang nai như người say rượu. Những cái lá cuối năm bay bay trên đường phố vắng ngắt trong ngày Giáng Sinh. Trời sáng rỡ nhiệm mầu. Ba chục đồng bạc cho hai ngày công mà hầu như tôi chẳng làm gì hết. Trên đời có ông già Noel thiệt hay sao? Tôi cố nhớ lại khuôn mặt người đàn bà hôm trước. Tròn? Trắng? Đẹp? Xấu? Tôi có nhớ gì đâu. Hình như bà ấy mặc áo màu đỏ, ánh mắt rất nhân từ. Có lẽ đó là một thiên thần.

Thế đấy. Đó là câu chuyện thần tiên có thật mà tôi mạo muội kể lại cho các bạn nghe. Tôi muốn mình cho tới chết vẫn là một đứa bé để mơ gặp những chuyện hoang đường. Trước khi chấm dứt bài thi đã lạc đề xin phép cho tôi được uốn lưỡi hỏi câu này: “Mình trưởng thành làm gì hở các bạn?”



Kết quả

Trong ba bài viết có một bài đoạt giải nhất. Lễ trao giải được tiến hành rất long trọng, có sự hiện diện của thị trưởng thành phố và dân biểu tiểu bang nhưng chờ hoài tác giả không đến. Tờ báo quyết định tặng giải thưởng được quy ra tiền ấy cho một cơ quan từ thiện. Mọi người vỗ tay tán đồng thiện ý.


Cao Thanh Phương Nghi

1/2011