có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 9 08, 2016

Vì sao côi cút



Chúng tôi đến quận lị dưới chân đèo Ngoạn Mục vào lúc bóng chiều đang mờ nhạt. Khi ánh đèn thứ nhất trên đỉnh đồn canh sáng lên, thì người tài xế đã dừng xe lại. Gã nói chuyến xe sẽ lên đèo vào năm giờ sáng hôm sau, chuyến lên đèo đầu tiên, mong hai ông đến cho kịp. Chúng tôi nhảy xuống đường, cám ơn rối rít. Bây giờ, trên lưng núi, những ánh đèn của một căn cứ đã hiện lên, như một dãy kim cương. Mỗi lúc, chúng tôi càng đến gần với những vì sao hơn. Chúng tôi đã bắt đầu lên con đường dốc, qua những ngôi nhà ván gỗ, và băng qua những khóm hoa vàng. Đây là một nơi dừng chân của khách thương hồ. Đây là nơi qua đêm của những người phiêu bạt, như chúng tôi. Một vài quán, đèn đã thắp lên, vang rộn tiếng cười nói. Những chiếc xe chở súc gỗ, hay thực phẩm, hay rau trái, nằm bên đường dài dặc.

Chưởng đang nói say mê về ngôi nhà lầu, bỏ hoang nằm dưới chân núi, về gương mặt của người lãnh tụ, về những ngày tháng khổ cực quá chừng, mà hắn đã chịu đựng khi trở về đây lần thứ nhất. Dù Chưởng không hút thuốc, nhưng hắn cũng xin tôi một điếu. Hắn cúi đầu, vừa bước đi vừa nói:

– Đây là nơi tao trở về với bao hy vọng ngày ấy…

Tôi cũng cười, và chỉ tay về đỉnh đèo xa

– Tao cũng vậy. Bên kia, là quê hương thứ hai của tao. Thị trấn dưới chân đèo bên kia…

Chúng tôi cùng cười rộ. Những ngọn đèn trên sườn núi, như nhạt nhòa trong sương đêm. Những vì sao, thân yêu, rực rỡ trong tâm hồn tôi. Những vì sao, những vì sao… Và bỗng nhiên tôi nhận ra đôi mắt của một người con gái…

Chưởng thì khác, không có đôi mắt nào để hắn trở về. Hầu như con tim hắn đã cằn cỗi, và lạnh giá. Gương mặt lạnh lùng, đầy khắc khổ, cái dáng cao lêu bêu, như chịu đựng bao nhiêu hoài bão to tát, bao nhiêu dự tính vĩ đại. Ở hắn, là cách mạng, là đạp đổ, là khinh bỉ. lạnh lùng.

Những ngày vừa qua, hắn ôm ấp một niềm hy vọng, là trở về thị trấn dưới chân đèo này, để diện kiến người lãnh tụ. Người lãnh tụ của những người trẻ có ý thức. Một lần hắn bảo với tôi.

– Chúng ta đã mất gốc hết cả rồi. Tây Phương đã xâm lấn chúng ta mọi mặt, ngay đến cả tinh thần của chúng ta. Kẻ thù của chúng ta, chính là cái văn minh cơ khí, văn minh của những người máy. Chúng ta sắp trở thành những con người máy hết…

Tôi nói, thật bi quan:
– Người ta đều thấy như vậy, đều nhìn nhận điều ghê sợ như vậy. Nhưng người ta không thể thoát. Có một guồng máy khổng lồ và con người đang biến thể dần dần, thành những đứa con người máy. Chúng ta không thể thoát ra ngoài được, trừ…

– Trừ gì?

– Tự tử, hay điên.
– Hư vô quá nhỉ…

Đôi mắt thằng bạn trở nên sáng rực. Hắn nói, đầy tự tin:
– Chúng ta phải trở về nguốn. Mỗi người phải thở bằng hơi thở của đồng lúa. Hát bằng lời hát ca dao, nhìn nhau bằng đôi mắt tình tự. Mặc áo bà ba, đi chân đất…!

– Làm sao gây cho mọi người cái ý thức đó?

– Mày tin gây được không?

– Không.

Tôi khốn khổ trả lời. Tôi tin thế. Tôi tin thế hệ này đã qua, với bao mất mát, và tan rã, thì thế hệ kế tiếp sẽ lấy lại được niềm vui trong an ổn và thái bình. Nhưng, tôi đã thất vọng. Thế hệ cha anh tôi, đã mang về cho thế hệ chúng tôi những gì? Và thế hệ chúng tôi đã mang về cho thế hệ đàn em tôi những gì? Có phải, mỗi ngày mỗi bữa, thấy những cảnh đau lòng và bi đát? Con trẻ, lặn ngụp trong cần sa ma túy, uống rượu, và biết đàn bà, sa-lem ngay khi chưa đến tuổi trưởng thành. Có phải chúng đang lặn ngụp trong sự sống cuồng, sống vội, mất hết tin tưởng ở bậc đàn anh chúng tôi, như chúng tôi đã đánh mất tin tưởng ở cha anh chúng tôi.

Chưởng đá một hòn sỏi: – Có lẽ mày bi quan quá. Chúng ta không thể buông thả cho số phận. Có khi nào chúng ta đứng dưới một bức tường sắp đổ, mà buông tay, không tìm cách tự cứu?

– Mày đừng nên so sánh. So sánh cũng vô ích. Đã hết bao nhiêu người hiểu được điều đó, nhưng có mấy ai? Thí dụ Nhất Linh…

– Nhưng sự hy sinh của Nhất Linh đã mang lại cách mạng…

– Bằng một cái chết? hay bằng môt sự tự sát…?

– Nhưng là cái chết lịch sử.

– Tao cần muốn sống. Sống là điều tiên quyết hơn hết. Có lẽ tại tao thiếu thốn nhiều thứ quá. Hay tại đời sống của tao mất mát nhiều. Chẳng hạn một mái nhà, một người vợ, một đàn con… Chẳng hạn một nụ cười, một bữa cơm ngon, và một tình yêu thương đùm bọc. Tao khổ quá rồi. Nửa đời người rồi.

Chưởng buồn buồn nói:

– Tao cũng như mày, đâu hơn gì. Có lẽ tao mơ mộng viễn vông cũng nên. Hay tao còn đôi chút tin tưởng là con người còn có con tim.

– Nhiều khi tao mong quả địa cầu sụp đổ, hết hận thù, hết chiến tranh, hết cả, hết cả… Chúng ta sống bây giờ, có hơn gì một con người tù tội? Tù tội vì chúng ta ở trong guồng máy.

Và Chưởng đã trở về tìm ngưởi lãnh tụ đảng về nguồn ấy. Còn tôi, tôi mong mỏi thấy lại đôi mắt xa vắng ở dưới chân đèo bên kia. Hai đứa đều có mỗi mục đích riệng. Một nhà lãnh tụ và một người yêu. Một cuộc dấn thân và một sự dừng lại. Một chân trời đam mê hành động và một góc nhà khép kín. Chúng tôi đã đi bên nhau, yên lặng một đỗi rất lâu. Mỗi đứa đều dành riêng cho những ý nghĩ trở về. Đêm tối càng tăng thêm nỗi cô đơn của mỗi người chúng tôi. Tôi nhận ra bóng bạn tôi lêu bêu, như thể một thân cây già, lẻ loi một hướng. Liệu trong hai đứa, ai là kẻ thắng cuộc trên con đường xuôi về ngọn đèo Ngoạn Mục? Chúng tôi đã chọn cùng chung một đường để ra đi và trở lại. Chúng tôi đều là những kẻ chán mứa chiến tranh, đào ngũ, vào quân lao, ra tòa, nằm ở đơn vị hai, và bây giờ, theo một chuyến xe be, cùng về một chỗ. Một chỗ cuối cùng. Tôi mang ý nghĩ ấy và lần đầu tiên, thấy gần gũi với bạn tôi hơn bao giờ hết.

Tôi nhớ lại những ngày chúng tôi sống bên nhau trên một căn gác èo ọp của thành phố. Những bữa cơm đói rách, những đồng bạc chia xẻ, những niềm vui buồn lẫn lộn, hay những đêm chuyền nhau một điếu thuốc trong buổi cơ hàn, để chờ đợi một ngày tươi sáng hơn. Đó là khoảng thời gian tuyệt với nhất, trong lúc chúng tôi đứng bên lề cuộc chiến. Căn gác gió ấy, đã thấy chúng tôi ủ trong chiếu chăn suốt ngày, lo âu hằng đêm, trèo lên nóc nhà hằng bữa, chui xuống gầm giường mỗi khi có tiếng gõ cửa. Căn gác gió ấy đã ấp ủ chúng tôi thật bao dung như lòng mẹ. Ở đó, tôi được đọc những cuốn sách một cách trọn vẹn. Những bài thơ của Tagore trong Le jardinier d’amour, hay của một đại thi hào Liban trong The Prophet. Những trang sách thơm phức của Albert Camus hay André Gide. Ở đó, tôi và sách vở, tôi và hạnh phúc bình dị, tôi và cuộc sống sáng tạo. Ở đó Chưởng mải mê nghiên cứu đến chính trị, đến chủ nghĩa, lý thuyết, đến Cách mạng 1789 hay Cách mạng ở Liên sô và Cách mạng theo kiểu Nasser. Ở đó, chúng tôi đã cãi nhau kịch liệt. Tôi chán mửa vào chính trị, còn bạn tôi, coi chính trị như sự sống của hắn. Chúng tôi đã như hai thái cực. Những lần, tôi không cầm được cơn nóng, thốt lên:

– Nhìn mày đọc chăm chú một tờ báo, tao muốn khóc. Thì ra, mày vẫn can đảm để nhìn vào những chủ thuyết, thủ đoạn chính trị, những cột phân nói về chiến tranh, chết người, tham nhũng thối nát, đang xảy ra mỗi ngày. Hừ, mày vẫn còn can đảm, lạnh lùng, để nhìn lại những gì đã khiến mày bỏ đi sao? Mỗi ngày, mày đều nghe đài BBC, là nghĩa lý gì? Không có nó, mày chết à?

– Mày có lý do riêng của mày. Tao có lý do riêng của tao. Mỗi người đều có mỗi mục đích sống.

Rồi bạn tôi cúi đầu, mệt mỏi:

– Nhiều khi, tao ước ao được như mày, là phụng sự cho văn chương, nghệ thuật, và sự sáng tạo. Chúng trường cửu. Nhung tao không thể chối bỏ hoài bão của tao. Hoài bão đã bắt tao phải bỏ quân đội mà đi…, và có lẽ, tao phải đau khổ vì nó. Dù sao, tao vẫn còn niềm tin. Chẳng hạn một ngày nào, như tối hôm nay, đài BBC loan báo hòa đàm Ba-lê thành công, hòa bình sắp đến. Chẳng hạn, tao còn nghe, một người như Hà Thúc Nhơn, hay hy vọng cầu Bến Hải mở hàng rào dây kẽm…

– Mày vẫn còn hy vọng?

Chưởng gật đầu. Tôi tiến về khung cửa gió. Lần nói chuyện ấy, trời đang hoàng hôn. Tôi nhớ rõ, một cơn bão rớt đã thổi qua thị trấn duyên hải hôm qua, và còn vương lại những trận mưa dầm dề không ngớt.

– Bắt đầu từ nay, tao xin mày một điều, Chưởng. Mày đừng nói chính trị với tao nữa. Chúng mình là những kẻ bỏ đi, cùng chung một số phận, là nhà tù đang mở cửa. Mày cho tao được sống những ngày còn lại. Tao cũng thế… Ừ, tại sao chúng ta lại cãi nhau như thế. Tao còn tiền, vừa mới xin được của bà chị nuôi, đi ăn cơm chứ?

– Đừng xuống phố, hôm nay chiến dịch đang phát động rầm rộ. Lỡ…

– Ừ nhỉ, tao quên mất…


*

Bạn tôi đã dắt tôi đến ngôi nhà người lãnh tụ. Tôi trông thấy một người đàn bà đang khóc lóc trước một mụ to béo ở trước cửa:

– Lạy bà, tôi van bà, chiếc vòng này tôi mua những năm ngàn.

– Tôi không biết, tôi cầm năm trăm. Muốn thì làm giấy tờ.

– Trời ơi, năm trăm sao đủ tiền mua thuốc. Con tôi phải đưa đi bác sĩ. Bà cho tôi cầm một ngàn. Tôi lạy bà.

Mụ to béo nguýt:

– Bà này cứ năn nỉ khóc lóc hoài. Con bà đau, mặc kệ bà, nói với tôi làm chi.

Nói xong, mụ bước vào nhà trong, để lại người đàn bà tội nghiệp ngoài cửa. Tiếng hét của mụ vang lên:

– Tư, ra đóng cửa lại. Bộ nhà này là nhà đòi nợ sao?

Tôi cảm thấy đầu bừng nóng. Người đàn bà đi vay nợ, đã khiến tôi liên tưởng đến mẹ tôi. Bà cũng từng nước mắt lưng tròng để van xin chủ nợ. Bà đã lạy từ ngoài cửa lạy vào nhà để cầu xin lòng “tốt” của chủ nợ. Khi ấy, tôi khóc ròng. Tôi chỉ mơ ước có một phép mầu huyền diệu, khiến mụ chủ nợ chết một cách thật thảm. Tôi đã không dám nhìn mẹ, và rúc ra sau nhà mà khóc cùng những con chim sâu.

Tôi hỏi Chưởng: Ai đó?

– Vợ ông ta.

Tôi kiên nhẫn mới khỏi buông tiếng rủa cộc cằn. Chưởng kéo tôi vào nhà và hỏi mụ:

– Có anh ở nhà không chị.

– Ồ, cậu mới lên.

– Dạ.

Tiếng mụ đàn bà như con ểnh ương kêu:

– Ba nó ơi, có khách.

Tôi nghe tiếng rầm rầm trên sàn ván. Chắc người lãnh tụ đang sửa soạn. Sau đó ông ta xuống. Đầu đội mũ phớt, (dù ban đêm), mang gương trắng, hút ống vố và choàng một chiếc áo măng-tô. Ông bắt tay chúng tôi. Trong ánh đèn mờ, tôi nhận ra một vẻ mặt hơi quen, có thể hơi quen, tôi nhắm mắt cố nghĩ ra. Ông kéo chúng tôi lên căn gác mà ông gọi là thư phòng, để soạn những tài liệu cho đảng viên học tập. Chưởng giới thiệu tôi với ông:

– Đây là người bạn của em. Anh ta ao ước được gặp anh.

Tôi giả vờ nói:

– Tôi nghe danh ông đã lâu. Thật hân hạnh được gặp ông.

Người lãnh tụ cười. Chúng tôi theo ông đến trước bàn thờ tổ quốc. Ông bảo:

– Đây là bàn thờ tổ quốc, đảng và tổ tiên chúng ta.

Tôi xin một thẻ nhang. Căn gác nhỏ, lung linh ánh nến. Mùi hương trầm ngào ngạt. Tôi bị mờ đi trong cõi thiêng liêng ấy. Đất nước tôi, ông bà tổ tiên tôi, có lẽ đang hiện diện ở trên cao. Lòng tôi trở nên mềm yếu, và tôi chẳng khác nào một đứa bé đang sợ hãi trước một đấng quyền uy tối thượng. Chưởng cũng đứng nghiêm, nhìn lên bàn thờ. Chúng tôi, những đứa con bị bỏ rơi của quê hương, hay trốn tránh quê hương cũng nên, đang trở về khóc lóc. Rằng chúng tôi đã bị hành hạ. Rằng thế hệ chúng tôi đang lao xuống vực sâu, bị tràn ngập bởi một cơn thiên tai tàn khốc. Những người trẻ tuổi đang giết nhau ở ngoài chiến trường. Những người trẻ tuổi đang bị đói khổ, đọa đày ở hậu phương. Những người trẻ tuổi đang bị guồng máy nhào nặn ở mọi nơi mọi chốn, ở cả Bắc lẫn Nam… Tôi cảm thấy đôi mắt tôi ràn rụa. Thế hệ chúng tôi đang cô đơn quá chừng. Một cơn gió lạ thổi vào phòng, ánh nến mờ tỏ. Tôi ngỡ ông bà, tổ tiên tôi đang nhìn chúng tôi mà khóc.

Người lãnh tụ đã mời chúng tôi ngồi xuống chiếu. Tôi vẫn còn mang theo một gương mặt xa xăm nào đó ở ông ta. Dưới ánh sáng leo lét của chiếc đèn bão mà gió đêm đã làm mờ tỏ, người lãnh tụ vẫn ngồi nghiêm trang, với chiếc mũ phớt, che một phần khuôn mặt hao gầy, cùng chiếc kính trắng đạo mạo.

Ông bắt đầu thuyết lý. Những danh từ cao xa, bay bổng, những tiếng gọi quá sức hoa mỹ, mà mơ hồ, khiến tôi không thể hiểu được một mảy may. Ông ta đọc một mạch trơn tru như lưỡi dao ngọt sắc chẻ một trái cây nào đó. Ông ta vừa liếm môi, vừa đọc, đến nỗi, tôi phải há hốc mồm ra. Ông đã đọc thêm những chữ thừa thãi thí dụ, hai chấm, thí dụ, hai chấm, một, nhập đề, hai, thân bài, ba, kết luận. Tôi bắt đầu chán. Tôi cố gắng hỏi ông một câu về Đại-nam-hải về những huyền thoại của Tiên Rồng. Nhưng ông ta không trả lời câu hỏi của tôi. Mắt tôi cảm thấy mỏi. Ông hỏi tôi có đọc báo BK không? Tôi nói có. Anh thích đọc cái gì nhật? Tôi nói đủ thứ. Chưởng thêm vào: Bài chính trị quốc tế của anh kỳ này khá quá. Người lãnh tụ cười, sẽ còn nhiều bài khá hơn. Tôi quay lại hỏi nhỏ Chưởng. Ai đó? Chưởng nói, VP đó. Anh lấy biệt hiệu là VP đó!

Mắt tôi trố lên, hướng về người lãnh tụ. Tôi không tin. Tôi đã viết nhiều bài trên báo ấy, và quen nhiều những cây bút tên tuổi. Tôi biết VP làm việc ở một Bộ ở Saigon. Ông ta là một người đáng phục về kiến thức cũng như về đời sống riêng tư.

Từ nỗi ngạc nhiên đến sự nghi ngờ, và cố gắng lắm tôi mới nhớ, người lãnh tụ của Chưởng chính là tên bán cao đơn hoàn tán, ở PM.


*

Tôi khốn khổ lắm mới dằn được cơn nóng nảy. Trong thời gian qua, đời sống trốn tránh và chui rúc đã tập cho tôi thêm một đức tính nhịn nhục. Nhịn nhục để mà sống yên ổn trong thời lận đận. Chúng tôi âm thầm bước xuống gác. Mụ vợ đang hét la người ở. Tôi cố bước mau ra ngoài cửa. Chúng tôi lao ra ngoài đêm. Chưởng dắt tôi về ngôi nhà của một đôi vợ chồng nhà quê, già nua và chất phác. Căn nhà nghèo nàn, vách đất, mái tranh, mà gian giữa là một bàn thờ vĩ đại, đèn hương nghi ngút. Đôi vợ chồng đã ở dưới một chái nhỏ, khốn khổ. Tôi nói với bạn tôi:

Người ta đã lợi dụng đưa tôn giáo vào chính trị để quyến rũ đám dân quê. Ông bà này, không phải là đảng viên, mà là tín đồ. Mày xem, lịch sử đã chứng tỏ điều đó. Nguyễn Trãi giúp Lê Lợi bằng cách viết chữ bằng mật ong trên lá cây rừng. Kiến ăn mòn, rồi lá rụng, trôi theo giòng suối. Và đầu óc mê tín của người dân đã ngờ, có một đấng linh thiệng xuống phò trợ. Những biến cố gần đây cũng vậy. Người ta đem tôn giáo vào chính trị nhiều quá. Bởi thế, có những ông thầy tu hay linh mục suốt đời ăn nhờ vào thùng phước sương…

Tôi định tối nay, tôi sẽ vạch rõ vụ giả danh động trời của người lãnh tụ ấy cho bạn tôi. Tôi biết bạn tôi sẽ khóc khi tìm thấy trên con đường mình về, một cõi cô đơn bi thảm. Còn tôi, liệu ngày mai, có tìm trên La Strada(*) của tôi một vì sao, như tôi đã thấy trên đỉnh đèo Ngoạn Mục kia không?


*

Đêm đó, tôi bỏ Chưởng, ra ngồi trong một quán giải khát. Đây là một nhà điếm trá hình. Từ dưới khung cửa lưới, tôi nhìn thấy những tàu dừa đen thẫm lay động trong gió. Và trên nền trời đen tối mờ mịt, rất nhiều vì tinh tú nhấp nhánh. Có vài vì sao băng. Và những ánh đèn rực rỡ trên đỉnh, từ một căn cứ Mỹ, long lanh như một chuỗi hạt kim cương. Tôi nghĩ đến nỗi hiu quạnh của một đời người. Tóc râu tôi đã chất ngất những gì mà đời sống, tuổi trẻ, hoài bão, mơ mộng, đánh gục xuống. Những ánh đèn kia lưu luyến tôi trong một giấc mơ. Phải rồi, anh đang nhớ em, mỗi đêm ở trên ngọn đồi phòng ngự. Phải rồi, mỗi đêm anh nhìn về thành phố biển, anh thầm thì một lời với em. Phải rồi, ở ngôi trường nội trú, em chong đèn xõa tóc, em mơ mộng bao nhiêu điều em không biết, anh là một hành tinh trên cao. Phải rồi, những ngày chủ nhật, anh trở về, đón em ở cổng, chờ em ở đường, nói về nỗi khổ cực, gian lao của người lính Việt nam cho em… Phải rồi, phải rồi… những lần hẹn hò thơ mộng ngày nào, khi chúng ta xa nhau. Em trở thành cô giáo, anh thì còn giong ruỗi ngàn trùng. Em lên miền cao, anh về miền biển… Mắt tôi bỗng mờ đi, và trong thinh không đã ngập tràn âm nhạc. Một khúc tình sầu của Chopin, khi tôi và nàng hôn nhau dưới một cột đèn lạnh giá.

Tôi lại nhận ra người lãnh tụ. Ông vẫn đội nón phớt, khoác áo măng-tô, mang kính trắng, đi chân chữ bát, bước hấp tấp vào bên trong nhà điếm.


*

Sáng mai, chúng tôi đã dậy trễ. Những chuyến xe đã lên đèo từ lúc nào. Chúng tôi vẫy những chiếc sau cùng một cách tuyệt vọng. Những ánh đèn pha chói mắt chúng tôi. Rồi băng băng soi vào lòng đêm chưa thức giấc. Trong lúc tưởng như tuyệt vọng, thì một chiếc xe jeep dân sự đã ngừng lại. Người chủ, to béo, mang áo veston, ngồi bên cạnh người tài xế ốm nhom, ông ta mời chúng tôi lên xe, sau khi hỏi:

– Các ông là thường dân hay là lính?

Tôi phải nói dối:

– Chúng tôi là sinh viên. Chúng tôi phải lên Dalat cho kịp ngày khai giảng

– Thế à! Mau lên, kẻo đèo đóng cửa.

Rồi chiếc xe lao đi, mạnh mẽ, gió núi lạnh như cắt da khiến tôi phải run cầm cập. Những vì sao muộn, hầu như càng lúc càng gần. Đôi khi, dưới ánh đèn pha rọi mặt đường, những con sóc hoặc thỏ chạy vụt qua. Chiếc xe như một con vật lẻ loi giữa đêm tối. Người chủ bỗng hỏi lại:

– Các ông chừng nào ra trường?

Tôi trả lời:

– Một năm nữa ông.

– Các ông theo ban nào?

– Chính trị kinh doanh.

– Vậy các ông là những nhà chính trị tương lai. Các ông nghĩ thế nào về đất nước hôm nay?

Tôi chưa kịp phát biểu, thì bạn tôi đã nói. Hình như, lần đàu tiên, hắn tìm được một người đối thoại. Hắn nói về một đất nước tham nhũng hối lộ, bất công và tan rã…

Tiếng người chủ vang lên:

– Như vậy, ông chinh-trị-gia tương lai, ông nghĩ phải làm thế nào?

– Phải đạp đổ tận cùng, rồi xây dựng lại.

– Nhưng bằng đường lối hành động nào?

– Bắn nhà giàu. Bắn hết. Nhà giàu là căn cơ của tư bản, là nơi phát sinh sự bất công. Phải tạo một thế giới đồng đều, trong ấy mọi người đều có quyền lợi kinh tế như nhau.

– Trời ơi, ông là Cộng sản rồi.

Ngực tôi nhói lên. Chưởng thì lắp bắp. Hắn cố bào chữa là hắn muốn có một cuộc cách mạng theo kiểu Nasser. Nhưng người chủ vẫn thốt lên:

– Chở mấy ông Cộng sản này vào đồn cho rồi. Mấy ông đón xe tôi lên núi phải không. Giờ này không có cảnh sát, quân cảnh kiểm soát mà!

– Trời ơi, tôi la lên, ông nghĩ bậy. Thú thật với các ông, chúng tôi là lính. Lính chánh gốc. Giấy tờ đây này.

Tôi lôi bóp trong túi ra… Vâng, tôi đã sợ. Trên ngọn đèo vắng này, xung quanh tôi, là những bốn người đàn ông lầm lì. Và có thể, người chủ xe này là một công an cao cấp cũng nên. Nhưng tiếng cười của gã vang lên rộn rã:

– Không sao, không sao, tôi nói chơi cho vui. Con tôi cũng có những ý nghĩ như các ông. Tội nghiệp cho tuổi trẻ bây giờ, sống lêu bêu bằng chữ nghĩa trong sách vở, rồi đi ra trận, lao đầu vào chém giết. Tội nghiệp…


*

Như vậy, trên ngọn đèo này, có một kẻ trở về với cõi lòng thất vọng não nề. Bạn tôi chắc đã nhận thức được điều ấy. Trong một thời đại chỉ toàn là sự nghi ngờ và hận thù, con người không sống trọn vẹn với niềm mơ ước. Tôi xiết chặt bàn tay bạn tôi, như thầm hỏi.

Xe càng lên cao, thì trăng càng mỗi lúc mỗi to hơn. Dễ chứng nó ở ngay trên đỉnh núi. Có lúc mặt trăng hiện sau những hàng thông, có lúc mặt trăng khuất sau một cái eo đá, và con đường trở nên tối lại. Những cành lá thông rũ ở giữa cái vành tròn sáng láng, như những mái tóc ủ rũ của người cô phụ. Lòng tôi nôn nao quá sức. Sự nôn nao như một kẻ xa nhà đã lâu trở về quê hương. Liệu tôi có thể tìm lại một chỗ dừng chân an ổn ở dưới chân đèo bên kia không. Đơn Dương, Đơn Dương, tôi thì thầm như một giấc mơ. Đơn Dương, anh trở lại thăm Đơn Dương đây. Đơn Dương, thung lũng xanh, và sương mù trắng đang chờ đợi một kẻ trở về…


*

Xe xuống chân đèo thì trời bắt đầu rạng sáng. Có tiếng gà rừng gáy, eo óc ở một nơi nào xa. Những vũng sương còn đọng trên những chòm thông lá mướt. Đơn Dương như một lũng sương mù. Tôi hớn hở nhảy xuống xe và nhào vào một quán cà phê bên kia đường. Uống một cốc cà phê Đơn Dương cho biết. Tôi nói lớn với Chưởng. Cà phê ở đây ngon có tiếng đấy. Trời lạnh thế này, không có gì thích bằng uống một hớp cà phê đậm và nóng. Chưởng cười khẽ, có lẽ mếu máo cũng nên.

– Sao không đi thăm nàng?

– Trời ơi, sáng chưa kịp mở mắt, mà gõ cửa nhà người ta à?

– Như vậy mới có tình nghĩa chứ.

– Thôi, chút nữa cũng không muộn.


*

Tôi không biết nhà nàng. Tôi hỏi thăm một con bé ở bên đường:

– Em bé, em biết cô giáo Quỳnh không?

Em bé gật đầu: – Cô dạy em đó.

– Em chỉ nhà giùm anh. Anh là anh cô Quỳnh đây.

Con bé hối hả dắt tôi đi. Chúng tôi đi theo một con đường đất đỏ, mọc đầy hoa hướng dương vàng rực, bước tới một dãy nhà gạch. Con bé chỉ tay căn nhà đóng kín cửa. Nhà cô giáo đó và nó chạy vào, chờ đợi rụt rè. Sau đó, con bé nói lớn:

– Thầy ơi, có người hỏi cô.

Tôi quay đầu lại, vội vã chạy. Tôi chạy như một tên điên. Tao cũng như mày, Chưởng ơi.


Trần Hoài Thư
Ban mê thuột, 2-71

(Bách Khoa số 345 ngày 15 tháng 5 -1971)