có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Bảy, tháng 4 02, 2016

Nỗi Buồn Không Tên




Hai người đàn bà ngồi cạnh nhau chuyện trò mà tay thì thoăn thoắt gọt, cắt cà rốt, khoai tây, su su, su hào, bầu, bí ngô, bí đao, v.v... Họ và một số người khác, phần đông là nữ giới, đang chuẩn bị cho bữa cúng chay nhân dịp vía Quan Âm cùng với lễ thất tuần của những người quá cố. Thật ra, dù không có lễ lạc gì, chùa này cũng, trong mỗi cuối tuần, thứ bảy hoặc chủ nhật, hoặc cả hai, làm các món ăn trưa cho thực khách.

Hai người đàn bà còn trẻ lắm, khá xinh đẹp. Người trẻ hơn khoảng 25 tuổi, người kia trên 30. Họ ngồi ở gần cuối sân chùa có mái che bằng vải bạt được sử dụng làm chỗ nấu bếp. Cuối sân là khu rửa chén bát. Phía trước khu này, chạy song song với hông chùa, là một hàng dài bàn ghế, bên trên cũng có vải bạt che, dành cho khách thập phương đến ngồi tạm nghỉ trước khi vào chánh điện lễ Phật. Hay nói cho đúng hơn, người nào muốn lễ Phật thì vào chánh điện cạnh đó, người nào muốn “thọ trai” thì đến đấy ngồi chờ lấy thức ăn. Tự động lấy. Gần khu nhà bếp có người đứng đấy múc thức ăn cho vào tô, vào dĩa, đặt vào khay, thực khách đến lấy mang đi.

Ngôi chùa nhỏ bé. Sân chùa cũng không rộng, vài ba chục xe đậu là hết chỗ. Cây cối thưa thớt, không có cây lớn. Có lẽ chùa được dựng lên chưa lâu, mới mấy mươi năm chăng sau những đợt vượt biên của người tỵ nạn. Không có lầu chuông, lầu trống, hòn non bộ, cũng không có những cái tháp thờ phụng những vị trụ trì đã nhập diệt. Nó nằm gọn trong khu dân cư đông đúc, xô bồ, thuộc vùng nghèo nàn của Long Beach, Nam California. Đa số cư dân quanh chùa là người gốc Mễ Tây Cơ, hoặc những người từ Trung Mỹ, Nam Mỹ nhập cư. Không thấy, hoặc rất hiếm người Mỹ da trắng. Nhưng khách thập phương tới chùa tuyệt đại là người gốc Việt. Đông đảo, tấp nập lắm.

“Chị ơi,” người trẻ tuổi tiếp tục câu chuyện vừa bị gián đoạn vì cô phải đi đổi con dao, “người ta tới đông quá chừng. Hết chỗ đậu trong sân chùa rồi. Những người đến sau phải làm sao đây? Hay phải bỏ về. Công toi.”

“Chắc là chị chưa rõ. Chị đi chùa này nhiều lần chưa? Hay mới đến đây lần này là lần thứ nhất?”

“Em tới lần đầu.”

“Họ không về đâu. Không đậu được chỗ này thì kiếm chỗ khác mà đậu, phải chịu khó chớ. Đi chùa chứ đâu phải đi chơi, đi du lịch. Trên các con đường nhỏ quanh chùa cũng có chỗ đậu được. Mà không được cứ đậu đại. Không thấy cảnh sát huýt còi thì cứ đậu. Mà cảnh sát thấy người ta đi chùa thì chắc cũng phải thông cảm chứ. Ô, mà cảnh sát Mỹ lạnh như tiền, đã phạt là phạt, sức mấy cảm với thông.” Ngẫm nghĩ một chút rồi nói tiếp. “Nhưng sao xe cứ đậu tùm lum thế kia. Có lẽ cảnh sát tha? Hay chưa thấy? Mà thấy cũng có thể tha. Hết chỗ đậu gần thì đậu xa. Nhiều người đậu xe xa lắc, kéo nhau đi bộ lề rề tới như đoàn người hành hương. Mỏi chân là cái chắc. Thì cũng coi như tập thể thao thôi. Đi bộ là môn thể thao rất tốt, chị đồng ý không.”

Người trẻ tuổi hơi chau mày, thầm nghĩ cái bà này nói năng lăng nhăng, lung tung. Cô mỉm cười đáp:

“Thế sao. Để em xem nào. Nhưng tới thì nhiều mà vô chánh điện lễ Phật thì ít. Tới chỉ cốt ăn thôi, ‘ăn cơm chùa’ theo nghĩa đen của nó. Chùa này không ‘ngon’ mà đồ ăn có lẽ lại ngon.”

Người lớn tuổi phản đối:

“Chùa này không ngon là sao? Theo tôi biết, mấy Thầy ở đây, tôi chưa tìm ra chữ, à, đều đạo cao đức trọng, tu hành tinh tấn. Chùa đất Phật vàng đó. Nghĩa là chùa nghèo nhưng cái tâm không nghèo. Mà cái tâm mới đáng quý. Cho nên người ta mới tới đông như thế.”

“Em xin lỗi. Cái tâm không nghèo nghĩa là gì?”

“Là ... tôi cũng bí. Tôi sẽ hỏi sau. Nhưng cái cách tu hành tại chùa này ...”

Người trẻ tuổi ngắt lời:

“Em nói ‘chùa không ngon’ là nói đùa mà. Đồ ăn ngon thì em nhe tiếng, nên tới thử. Nhưng chị thấy đó chứ, em không giống như những người kia đâu. Trước khi ăn, em tình nguyện đến khu này giúp việc ... nấu nướng. Đói, ăn sau. Hết thức ăn, về. Không sao cả.”

Người lớn tuổi cười hiền từ:

“Chị làm thế là phải. Mà trong chánh điện cũng có đông người vào cúng đấy chứ. Tôi đi chùa này đã lâu, thật ra cũng không lâu lắm, không lâu bằng mấy chị bạn của tôi, lâu hơn chị thôi, nên được biết số người đến đây cúng dường Tam Bảo không phải là ít. Nghĩa là cũng nhiều nhiều. Lễ Phật xong họ tới bỏ tiền vào những thùng ‘donation’, tức là ... thùng phước sương, không cần ai biết. Những thùng đó đặt nhiều nơi, dễ thấy lắm, để ý là thấy ngay. Nhưng chị nói cũng đúng, người đến chỉ để ‘ăn cơm chùa’ đông ghê. Tôi thấy chùa này đông nhất. Các chùa khác đâu có thế. Tôi nhớ hồi sau ba mươi tháng tư, những ngày đầu ...”

“Sau ba mươi tháng tư là cái gì?”

“Là sau khi Miền Nam mất. Lúc đó tôi còn ở Huế. Một ông cách mạng, tôi đoán thế mà đúng đấy, có vẻ đàng hoàng, kính trắng, áo bỏ ra ngoài, nghĩa là không bỏ vô quần, mang dép Nhật, chớ không như những ông dép râu khác. Ổng nói, hơi rụt rè, rằng tôi mới tới chùa này lần đầu, chùa này là chùa Từ Đàm phải không. Trông kìa người ta đang ăn cơm chùa, đúng không chị. Tôi nói đúng. Ông ấy hỏi tiếp tôi tới đó cùng ăn với đồng bào được không, có phải đóng góp, chia sẻ gì không. Tôi nói được, cứ việc, ăn xong khỏi trả tiền, ăn cơm chùa mà. Ông ta mới đầu có vẻ không tin lời tôi, đứng ngó chần chờ một chốc rồi mới vào bàn. Mà cũng không chịu ăn ngay, nhìn qua bên phải, ngó qua bên trái, lúng ta lúng túng, áp a ấp úng, thấy tội nghiệp ...”

Người trẻ tuổi có vẻ sốt ruột, đổi đề tài:

“Chị ở vùng nào?”

“Tôi ở Anaheim, đi đường trong gần một tiếng nếu không bị kẹt xe. Còn bị kẹt xe thì khỏi nói, có khi một tiếng rưởi, hai tiếng là chuyện thường. Mà đi chùa thì phải chịu khó mà đi. Đã định đi thì sớm trễ gì cũng phải đi. Bỏ về nửa chừng, tội chết.”

“’Đường trong’ là cái gì?”

“Là đường xe chạy trong các thành phố, thị trấn, không được chạy quá tốc độ. Cảnh sát rình, chạy quá tốc độ bị hò lại ngay. Chứ không phải như ‘free way’”.

“’Free way’ là cái gì?”

“Tôi chẳng biết giải thích ra sao đây. Là những con đường tha hồ chạy. Chạy mau, 60, 70 dặm một giờ. Xe chạy chớ không cho người chạy bộ đâu nhé, xe đạp cũng cấm. Không có đèn xanh đèn đỏ, chạy một lèo. Nó nối các thành phố, các tiểu bang với nhau. Có đường chạy qua tới qua Mễ. Hình như qua cả Canada.”

“Em còn phải học hỏi nơi chị nhiều lắm. Em ở Huntington Beach, cũng gần đây thôi.” Ngẫm nghĩ một chốc. “Sao chùa này không làm như nhiều chùa khác, là cứ tiền trao cháo múc. Có phải tiện việc sổ sách hơn không.”

Một chiếc xe hơi tiến vào sân chùa, không chỗ đậu, vội quẹo ra cổng sau, suýt đụng vào một đứa bé chạy vuột khỏi tay mẹ. May có nhiều tiếng la.

“Đáng đời!” Người trẻ tuổi reo to, dừng tay, đặt con dao lên trên chiếc thau nhựa, ngẩng mặt lên nhìn vào sân chùa tràn ngập xe hơi và khách thập phương. Cô lằm bằm tiếp:

“Sẽ có ngày ...”

“Ủa, cái chuyện gì vậy?” Người kia ngạc nhiên hỏi.

“Thì đấy, chị không thấy đó sao. Lái xe thì chỗ đông lái ẩu, giữ con thì có đứa bé giữ cũng không xong. Án mạng xẩy ra như chơi. Nhưng em muốn trở lại chuyện cũ.” Cô hạ giọng. ”Chùa này làm ăn luộm thuộm. Sao không chịu bắt chước chùa khác tiền trao cháo múc. Trước khi tới chùa này, em đã đi hai ba chùa gần chỗ em ở. Xìa ra năm đồng đô la bợ tô bún, hoặc dĩa cơm, hai, ba đồng khúc bánh mì, chẳng hạn. Lời chán. Còn cái kiểu này lỡ nhiều người chỉ ưa ‘ăn cơm chùa’ thôi, thì có ngày chùa sập tiệm.”

“Nhưng mấy Thầy của chùa này đâu tính chuyện buôn bán, mà lời với lỗ. Cứ cho tha hồ ‘ăn cơm chùa’. Có hai Thầy nấu ăn ngon lắm, chỉ huy ban nhà bếp. Mà hình như nhờ chư Phật gia hộ, nhà chùa chưa hề bị khó khăn về tài chánh. Nghĩa là vẫn có người rộng rãi đóng góp nhiều, rất nhiều. Dư bù thiếu. Như thế người nghèo khổ, thiếu thốn cũng được san sẻ, cũng được ăn xong khỏi trả tiền. Tôi có khi cũng thế. Là vì quên mang ví chứ không phải cố ý. Nhưng ít khi thôi. Lâu lâu quên một lần, xin được từ bi hỷ xả. Hơn nữa ...”

“Tôi đang nghe.”

“Thấy chị chăm chú ngó ngoài kia, tôi tưởng ... Hơn nữa phải có thời gian, phải được huân tập nhiều đời nhiều kiếp, người ta mới làm quen cúng dường, hay nói đúng hơn, người ta mới chịu bỏ tiền đóng góp vào thùng phước sương sau khi ăn no. Cái hay ở đây là thoải mái, không ai canh chừng, dòm ngó. Hơn nữa ...”

Người trẻ tuổi sốt ruột ngắt lời:

“Lại còn hơn nữa cái gì, hả chị?”

“Phật dạy người san sẻ, người cho, còn phải biết ơn người được san sẻ, được cho. Là vì ...”

Người trẻ tuổi cố giấu cái chau mày, ngắt lời, nói lảng sang chuyện khác:

“Chị coi kìa, người ta tới đông quá, hết chỗ ngồi rồi. Có lẽ em phải vào trong kia một chút, ra ngay. Em vào báo cho cho các Thầy biết hết chỗ ngồi.”



Cái bà này quá lẩm cẩm. Nói năng rề rà, lôi thôi, lạng quạng. Chỉ nhìn cách ăn mặc của bà là đủ, không phải là ni cô mà cũng ưa nâu sồng như ai. Lại có chuyện người cho mà phải mang ơn người nhận, phi lý hết sức. Đã thế còn dám bảo đấy là lời Phật dạy. Nhưng thật ra đâu phải chỉ vì nghèo khổ, thiếu thốn người ta mới thích “ăn cơm chùa”. Ai cũng vậy, ăn xong khỏi phải lôi hầu bao ra, phủi tay, phủi mép thong thả ra về, thì sẽ thấy cuộc đời nhẹ nhàng, dễ dàng, tươi đẹp biết bao. Mình cũng nhiều khi như thế. Nào, thử theo dõi nhóm người này.

Một gia đình, năm người lớn, hai đứa bé, vừa từ cổng trước đi vào. Cái bà lẩm cẩm này e cũng có cái đúng, chắc họ đậu xe xa, kéo nhau hàng một đi bộ tới. Đứng ngó hớt hơ hớt hải làm chi đó? Giống mấy con gà mở cửa mả. À, đúng rồi, chờ bàn trống. Sắp có vài chỗ trống kia kìa, gần khu nhà bếp, gần mình. Mình theo dõi từ đầu tới cuối xem ăn xong họ có chịu bỏ tiền vào thùng phước sương hay không. Thì thầm cái gì vậy? Chắc đang phân công. Đúng, hai người trong nhóm vội vàng ngồi vào chỗ mới có hai người đứng dậy, kéo thêm hai cái ghế của bàn khác, thế là được bốn chỗ ngồi. Hai người khác đi lấy thức ăn. Một người ngồi trên một bậc tam cấp gần đó hai tay nắm chặt tay hai đứa con nít. Coi bộ kinh nghiệm đầy mình. Rụp rụp. Thức ăn mang tới. Thiếu ghế cho một người đang giữ hai đứa bé, xem họ tính sao đây. A, thì ngồi trên bậc tam cấp mà ăn.

Ăn uống nhồm nhoàm, khoái trá, hả hê. Mải miết ăn, không có thì giờ chuyện trò với nhau. Ăn xong chưa chịu đứng dậy cho người khác đến “thế chỗ”, còn ngồi đó chờ gì nữa? Một người trong bọn nhìn dáo dác, rồi chạy lăng quăng tìm tòi. Lại còn tìm cái gì vậy hả? Bị móc túi mất bóp? Bỏ quên cái dù, cái nón? Hay tìm thùng phước sương? Không phải, tìm tăm xỉa răng. Có rồi, mang đến chia mỗi người một cây. Kẻ rung đùi, người chép miệng xuýt xoa. Bị trái ớt cay xé họng hay đang thưởng thức cái hậu vị của những món ăn chay nấu ngon? Chưa hết, một người hỏi chén đũa, tô dĩa ăn xong để tùm lum thế kia thì tính làm sao đây. Một người khác trong bọn trả lời kệ, sẽ có người tới đây dọn dẹp, lau bàn, lau ghế, rồi họ sẽ mang chén đũa tô muỗng đến cuối sân lo việc rửa, lau, gọn gàng, sạch sẽ. Chùa này rất vệ sinh. Mà đồ chay, dễ rửa lắm. 

Mà này, cái gia đình đã ăn no bụng kia có chịu dời gót ngọc đi hay không? Để chỗ cho người khác ngồi chứ. Nhiều người đang đứng chờ kia kìa. Bộ đui không thấy sao? Xem nào. Cuối cùng họ cũng “từ tốn”, “thong dong”, “chậm rãi”, nháy mắt nhau đứng dậy đi chen lấn theo hông chánh điện ra về. Người lớn tuổi nhất trong bọn đi nán lại sau cùng, khẽ liếc mắt nhìn vào bàn thờ Phật nằm xa trong chánh điện, đầu khẽ gật gật. Có lẽ muốn lạy Phật giã từ. Rồi rảo bước đi nhanh cho kịp những người kia. 

Đúng như mình đoán, họ “ăn cơm chùa.” 



“Chị đang nghĩ ngợi gì vậy?” Người lớn tuổi hỏi nhỏ.

Người trẻ tuổi hơi giật mình:

“Em đang theo dõi ... em đang lắng nghe thử có tiếng chuông tiếng mõ không.” Cúi mặt, chìa cổ tay trắng nõn ra nhìn đồng hồ. “Đã 12 giờ rồi, đúng ngọ rồi. Các chú tiểu lo việc thỉnh chuông lại quên khuấy hay sao đó.”

Như đề trả lời, một hồi chuông gióng lên, tiếp theo là một hồi trống, và tiếng tụng kinh từ chánh điện văng vẳng đưa tới. Người lớn tuổi ngồi lại ngay ngắn, buông con dao để trên mép bàn, hơi cúi đầu, mắt lim dim, bàn tay chắp lại, miệng lâm râm tụng niệm. Người trẻ tuổi ngồi yên lặng. Chỉ sau một khoảnh khắc ngắn, họ lại cầm dao lên tiếp tục công việc cắt, gọt. Cô lớn tuổi trong bộ nâu sồng rộng thùng thình, mái tóc dài được quấn lại gọn gàng, khuôn mặt trái soan, nước da trắng mịn, đôi mắt trong sâu lắng toát ra một vẻ tín cẩn, dịu dàng. Cô trẻ tuổi áo sơ mi màu hồng nhạt, quần tây màu xám, mái tóc buông dài phần sau che kín cổ và vai, phần trước rủ xuống phủ một nửa vầng trán để lộ khuôn mặt thật tươi, cặp mắt sắc, và nụ cười nở ra thật dễ dàng, tự nhiên.

Bỗng nhiên cô lớn tuổi buông tiếng thở dài.

“Chuyện gì vậy chị?” người trẻ tuổi ngạc nhiên hỏi.

“Không, không có chuyện gì đâu. Ô, tôi vô ý quá, để chị phải ... Vâng, không nghĩ tới thì thôi, khi sực nghĩ tới tôi bấn cả ruột gan, chẳng còn thiết gì nữa.” Mắt rưng rưng. “Cái tánh tôi bất thường, khi buồn khi vui ...”

“Chị đừng ngại. Mới gặp chị hôm nay, em mến ngay. Có chuyện buồn hả chị? Cái buồn san sẻ ra nó sẽ vơi đi. Chị cứ nói em nghe, biết đâu em giải tỏa được đôi điều. Rồi em cũng sẽ tâm sự với chị chuyện của em. Chuyện của em là chuyện vui, dài dòng, khá ly kỳ đấy. Chị nghe sẽ hết buồn ngay. Em tên Trân. Còn chị?”

Người lớn tuổi cười dịu dàng, đưa bàn tay vén mấy sợi tóc lòa xòa vướng vào đôi mắt còn ướt, rồi lấy khăn giấy chặm khô nước mắt, khẽ đáp:

“Tôi tên Diệp. Cám ơn chị. Chẳng qua là tôi phải về Việt Nam ngày mai. Đã mua vé khứ hồi. Mẹ tôi mất hôm qua. Mẹ tôi có một mình bên đó. Nghĩa là ở với bà con, ruột thịt không còn ai. Tôi thì chưa đủ thời gian để bảo lãnh mẹ tôi qua, thì mẹ đã vội ra đi.” Nước mắt cô chảy thành dòng, Trân vội đưa chiếc khăn giấy khác cho Diệp chặm nước mắt. “Hôm nay tôi đến chùa vừa lễ Phật vừa câu siêu cho mẹ. Nhưng cái kẹt của tôi là ...”

Diệp ngập ngừng, không muốn nói tiếp. Trân khuyến khích:

“Là sao hả chị? Chị cứ nói hết đi, em đang nghe.”

“Con tôi còn nhỏ quá, mới hơn một tuổi rưỡi. Còn 18 ngày nữa cháu được một tuổi bảy tháng, tổng cộng 19 tháng 18 ngày. Xem nào, tôi tính lộn rồi, một tuối, sáu tháng mười hai ngày mới đúng, tức là 18 tháng, 12 ngày. Nhỏ quá, không Nhà Trẻ nào chịu nhận bé.”

Trân cười, gần như chế giễu:

“Tưởng gì. Dễ ợt.”

“Sao lại dễ?”

“Chị bồng nó theo.”

Diệp ngừng tay, thở dài:

“Tôi cũng định thế, nhưng bà con ở Việt Nam cho hay đang có dịch sốt xuất huyết, trẻ con bị chết khá nhiều. Tôi tính cứ liều bồng nó theo, không lẽ trẻ con ai cũng chết. Nhưng nghĩ lại cứ sợ như thường, lỡ nó trúng vào con mình. Tôi thương nó lắm. Ba nó cũng thương, mà phải đi làm việc. Hai người phải có một người đi làm chứ. Hai mẹ con lúc thúc bên nhau suốt ngày, nay tôi phải đi một mình. Đành để nó ở lại đây, tôi không yên tâm một chút nào cả.” .

“Không có chị, ảnh đi làm, thế nó ở với ai?”

“Trong thời gian tôi đi cả tháng trời thì phải gởi nó tại nhà một người em họ. Cái cô này tôi cũng chưa được biết nhiều. Em họ của ảnh, có gia đình con cái. Không có đứa nào nhỏ như bé. Nhà tôi cách nhà cô ấy chừng hơn một tiếng...”

“Là cái gì?” Trân ngắt lời.

Diệp tỏ vẻ không hiểu. Trân tiếp:

“Em mới qua đây thôi, đôi khi không hiểu nổi cái lối nói bên này. Hơn một tiếng là cái trò ... là cái gì gì?”

“À, hồi nãy tôi có nói rồi mà, tức là hơn một tiếng lái xe. Tôi có nói tôi ở Anaheim ...”

Trân vội ngắt lời. Trân thích ngắt lời:

“Ờ, hình như chị có nói như vậy, nhưng em thấy kỳ kỳ nên hỏi lại. Ai lại lấy thời gian đo không gian bao giờ, xa nhau hơn khoảng cách của một giờ! Xa nhau lâu hơn một tiếng còn nghe được. Mà gởi nó luôn một tháng thì...chắc mỗi cuối tuần ảnh sẽ đến thăm cháu một lần, phải không hả chi?”

Diệp nén tiếng thở dài:

“Không phải vậy. Ai lại làm như thế. Anh thương nó lắm, anh nhớ nó chịu sao nổi. Mà không có tôi, nó cũng nhớ chứ. Nhớ bố, nhớ mẹ. Nay không có tôi, phải có anh buổi tối, nó đỡ nhớ phần nào. Chị có hiểu tôi nói cái gì không?”

“Hiểu.”

“Thế này nhé, sáng đưa cháu qua nhà cô ấy, chiều về đón. Kể cũng nhọc nhằn cho ảnh, xa hơn 70 miles. Bên mình là xa hơn một trăm cây số đó. Xa hơn Sài Gòn - Vũng Tàu. Cầu mong bé không khóc đêm cho ba nó ngủ yên, sáng mai có sức đi làm. Ảnh hơi khó ngủ chứ không như tôi. Tôi ôm bé trong lòng là ngủ một giấc cho đến sáng.” Nói như nói một mình. “Mẹ mong con đừng khóc. Mà mẹ thấy con chưa hề khóc. Con chưa biết khóc. Không có mẹ con cũng ngủ thẳng giấc nghe con.”

Trân bĩu môi:

“Chị khỏi lo xa. Con nít lẹ lắm, không phải như chị ... như chị em mình đâu. Chỉ năm bảy hôm là yên ngay. Nghĩa là ... có mợ hay không mợ chợ cũng đông.”

Diệp lại kín đáo nén tiếng thở dài. Dường như biết rằng người đối thoại với mình nhận ra điều đó, nhận ra những cơn xúc động quá đáng của mình, cô liền phân bua, nói một hơi dài như vừa được dịp giải tỏa những gì đè nặng trong lòng:

“Tôi biết tôi tu nhưng chả đến đâu. Thì phải ráng tu nhiều hơn nữa, phải không chị? Chị chắc mau ‘ngộ’ hơn tôi. Tôi thương bé lắm. Đức Phật dạy cuộc đời vô thường, phải buông xả thì mới mong tiêu trừ mọi đau khổ. Mà tôi thì cũng có hiểu lời Phật dạy, mong muốn vâng theo lời Phật, mà vẫn cứ bị dính mắc. Tôi gắn bó với bé quá sức. Không muốn xa cháu nửa bước. Hai mẹ con ở nhà với nhau đeo nhau như sam. Chị biết con sam không? Nắn tay nắn chân nó khi nó ngủ say, nắn từng ngón từng ngón, hôn vô đầu hôn từng sợi tóc chưa mọc dài, hôn vô má thiếu đường muốn cắn nó, nhiều lúc làm nó khóc ré lên. Có lần thay tả cho nó tôi còn ...”

“Vâng, em đang nghe.”

“Tôi ... tôi nếm thử phân của nó.”

Trân giật mình la toáng lên:

“Trời ơi! Chị điên rồi hả? Thật không thể tưởng tượng nổi. Mà để làm chi vậy?”

Diệp tỏ vẻ hổ thẹn:

“Tôi không điên đâu. Tôi chỉ tôi muốn biết, muốn chia sẻ tất cả những gì thuộc về cháu. Người ta nói đồng cam cộng khổ, hình như nghĩa là ngọt bùi cay đắng gì cũng đều chia cho nhau. Cái hay cũng như cái dở, cái thơm tho cũng như cái... không thơm. Tôi biết tôi là người mẹ bất thường, làm nhiều việc sai quấy, cho nên đi chùa tôi mặc bộ nâu sồng này để có thể luôn luôn tự nhắc nhở mình phải ... bớt ham muốn, ... bớt vướng mắc... bớt thương yêu ... dù là thương con ...”

Trân quắt mắt, ngắt lời:

“Dù là thương con, chị nói cái gì vậy?”

“Chẳng biết tôi nói như thế, nghĩ như thế có đúng hay không. Có dịp, tôi sẽ nhờ Thầy giảng cho rõ hơn. Tôi còn mù mờ lắm, mà Phật pháp nhiệm mầu, kinh tạng hàng ngàn cuốn, nhiều vô số kể. Biết tu hành mấy kiếp cho xong. Thôi thì làm được gì thì làm. Gần đây tôi cũng đã cố gắng làm được một việc, là xa cháu nửa ngày mỗi cuối tuần để đi chùa, để có thì giờ cho riêng mình lo việc tu tập. Và cũng để bé quen xa mẹ trước khi tôi đi Việt Nam.” Nghỉ một chốc. “Tôi đã tập lái xe lấy được bằng lái. Thi ba lần mới đậu đó. Lần thứ ba nhờ bà giám khảo người Mễ dễ tính. Tôi đoán là người Mỹ gốc Mễ. Mà cũng có thể gốc Nam Mỹ. Tôi tự lái xe được rồi. Chị có bằng lái xe chưa?”

“Có. Mới qua tới Mỹ, việc làm đầu tiên của em là phải có bằng lái xe dù chưa đủ tiền mua xe. Chị nói tiếp đi.”

“Như trưa hôm nay bé ở nhà với bố. Tôi cũng muốn mang nó theo, nhưng nó phá quá, sợ bị người ta rầy la, tội nghiệp cháu. Hai cha con ở nhà với nhau suốt cả buổi chắc cũng buồn lắm. Xe thì tôi đã lái đi, ảnh đâu có thể bồng cháu đi bộ ra biển, hay đi đây đi đó. Bên này đất rộng, đi đâu cũng phải có xe.”

Trân nhìn đăm đăm người bạn mới quen, làm ra bộ quan tâm.

“Thế mà ngày mai,” Diệp buồn bã nói tiếp, “tôi phải đi. Phải xa cháu cả tháng trời. Trăm lạy ngàn lạy Đức Phật, Đức Cứu Nạn Cứu Khổ Quán Thế Âm Bồ Tát. Xin Ngài từ bi gia hộ.” 


*

Mùa thu năm 1976, một năm sau khi Miền Nam mất, Sài Gòn rất buồn. Chợ Lớn càng buồn hơn. Phố xá vắng vẻ, xao xác, tiêu điều. Như những chiều ba mươi Tết ngày xưa.

Những dòng người đi bộ lầm lũi trên các hè phố rác rến, trên các lề đường thưa người. Đàn ông, ít hẳn đi, áo sơ mi nhàu nhò, quần tây bụi bặm, dép râu; đàn bà, chiếm số đông, áo bà ba nhếch nhác, quần rộng thùng thình, không trang điểm phấn son, thỉnh thoảng mới thấy có người mang dép nhựa kiểu Nhật quai xéo. Mặt người nào người nấy gầy gò, hốc hác, mệt nhọc, lo âu. Nhiều cặp mắt gần như tuyệt vọng. Những dòng xe đạp, xe gắn máy, rất hiếm, chạy miên man trên những con đường lớn trống trải. Họ chạy lăng quăng, loanh quanh. Một nhà văn, Lỗ Tấn, có ví mấy con ruồi hay con ong gì đó, đậu ở một nơi nào đó, bị người ta đưa tay phủi, thì bay đi chờn vờn quanh đấy. Rồi thấy yên yên thì bay trở lại đậu chỗ cũ. Những người khác tìm đường trốn ra khỏi nước bằng mọi cách, nhất là bằng đường thủy, đúng ra trên những con thuyền vượt biển ọp ẹp. Họ chẳng nề gian nguy, chẳng cần biết sẽ về đâu, miễn là thoát hoặc chết. 

Một nỗi buồn khó tả len lỏi vào mọi sinh hoạt hàng ngày của mỗi người. Buồn miên man, buồn ray rức, buồn u uất. Và cũng có cái buồn như đứa bé còn nhỏ lắm, chưa nhận thức được gì, hoang mang, ngơ ngác, không hiểu tại sao mẹ nó bỗng bỏ nó mà đi. Nỗi buồn không tên.

Bỗng có một tin được quần chúng hân hoan đón nhận. Nhà cầm quyền sẽ ban lệnh khoan hồng. Các đài truyền thanh, truyền hình, mấy chục tờ báo hàng tuần, hàng ngày, đặc biệt loa phóng thanh phường khóm loan tin rằng Cách Mạng sẽ khoan hồng, nghĩa là sẽ cho phép thân nhân thăm nuôi những người đi “học tập cải tạo”. Mọi người cảm thấy mừng hụt. Tưởng là gì. Tưởng là tất cả tù cải tạo đều được tha về. Có thế mà gọi là khoan hồng hay sao? Tù được cho ăn, được cho thăm viếng, đó là chuyện bình thường. Nay cho thăm, tuy chậm còn hơn không. Nhưng sao lại nuôi? Vì tù đói quá, thiếu chất đạm quá, thiếu chất ngọt quá, và thiếu hẳn các thứ thuốc chữa bệnh thường xẩy ra như kiết lỵ, sốt rét, cảm cúm, ghẻ lở v.v... Và dường như bên ngoài các trại tù người dân thường cũng không có đủ những món cần thiết ấy, thuốc men cũng như thức ăn. Thân nhân vài ba tháng được đi thăm nuôi một lần, mang theo chút đường, chút nước mắm, chút thịt, dăm bảy viên thuốc. Quý giá vô cùng. Để tù có sức đề kháng, để có thể sống sót.


*

Trân lục lại quá khứ. Nhớ như in. Chỉ mấy năm thôi, mà cứ tưởng như nó đã xẩy ra từ kiếp nào.

Hồi đó, họ gặp nhau tại Trung Tâm Huấn Luyện Hạ Sĩ Quan ở Đồng Đế, gần thành phố Nha Trang. Một Chủ Nhật, mẹ đi thăm Tạo, người cháu gọi mẹ bằng dì ruột, đang làm huấn luyện viên “Tác Xạ Vũ Khí Mìn” tại Trung Tâm nói trên. Cha mẹ Tạo đều qua đời, anh coi người dì như mẹ ruột. Cả tháng nay, vì tình hình chiến sự khẩn trương, Trung Tâm cấm trại, Tạo không được phép ra ngoài. Cho nên mẹ của Trân mua một ít bánh trái, thức ăn, mang vào cho cháu. Trân xin đi theo cho vui. Thì gặp cái anh chàng kỳ cục bạn học thời trung học của Tạo.

Mới gặp, mình ghét hắn ngay. Ghét thật tình. Con người thô bỉ, lì lợm. Mẹ bận hỏi han ông anh họ ngồi bên kia bàn, hắn đã thừa cơ tán tỉnh ráo riết. Gặp lần đầu tiên mà đã gọi người ta là em, xưng anh ngọt xớt! Em đẹp quá, anh chưa thấy ai đẹp bằng, anh giới thiệu đi thi hoa hậu nhé, chắc chắn đoạt giải, tiếp theo sẽ đi đóng phim, minh tinh màn bạc, làm người yêu của lính viết thư tình trên ba lô nặng trĩu. Ăn nói ba hoa, nói cho có nói, chẳng nhằm nhò gì cả, chẳng trúng trật đâu vào đâu. Mẹ chợt ngoảnh mặt chú ý lắng nghe thì cô sắp đi thi rồi hả, tôi có kinh nghiệm cứ tập trung vào mấy môn hệ số 3 là đậu ngay; mẹ vừa quay qua lục lọi trong giỏ mấy món đồ ăn mang ra, thì lại hạ giọng em cười một tiếng đi, đừng bẽn lẽn nữa, hay muốn đóng vai nàng tiên câm. Vừa nói vừa cười mỉm, nhách cái mép qua phía trái một cách đểu đểu. Cứ tưởng bở. Người ta không nói gì không có nghĩa người ta đã “chịu tốt một bề”, hay người ta thích nghe. Nhưng không lẽ mét mẹ. Thôi, mặc kệ nó, cứ việc nói tiếp đi, tai gần miệng thì tự nhiên đón nghe trước hết mọi lời nói của mình, cái thứ tiếng Huế đàn ông trọ trẹ khó nghe, khó lọt được vào tai người khác. Con gái Huế nói còn nghe được. Mỏi miệng chưa, tốp đi, đồ cà chớn. 

Cuộc sống tại thành phố biển này luôn luôn mang một dáng dấp êm đềm, hiền hòa, dù đất nước đang có chiến tranh, dù làn sóng đỏ tuồng như đang muốn lăm le tràn đến, dù mọi người đều được thông tin về những trận đánh lớn, đánh nhỏ ở Vùng Một xa xôi, hoặc ở Cao Nguyên tiếp giáp với Lào, Miên, hoặc ở vùng Bình Long, An Lộc, hoặc ngay cả ở khu Đồng Bò cách thành phố không xa. Đứng trên lầu cao, nhìn về phía Đồng Bò, có khi thấy máy bay oanh tạc, khói nổi lên từng đám. Thuận gió có thể nghe tiếng nổ như tiếng sấm xa. Đánh ác liệt rồi đánh lai rai. Rồi thôi đánh. Rồi lại đánh. Quân Miền Bắc chắc chắn đã thuộc lòng câu nói nổi tiếng của người đồng chí lớn của họ, của người thầy của họ, là Mao Trạch Đông, “Địch đánh ta chạy, địch chạy ta đuổi.” Đánh nhau lâu quá, 10 năm, rồi 20 năm, rồi còn thêm bao lâu nữa. Đâm nhàm. Tiền tuyến cứ việc giết nhau, bên nào cũng bảo đối phương thiệt hại nặng, chết vô số kể, chiến tranh sắp chấm dứt, phần thắng tất về bên ta. Hậu phương cứ việc lo bon chen làm ăn kiếm sống, ngày lại ngày. Tưởng cứ vậy cho đến lúc tận thế! 

Bỗng dưng cao nguyên mất, miền tuyến đầu tan vỡ, các tỉnh bắc Trung Phần thất thủ. Rồi Nha Trang bỏ ngỏ. Nhiều đơn vị trong quân đội rút đi, nhiều đơn vị khác như rắn không đầu. Cộng quân tiến vào Nha Trang như có như không. Như những giấc mộng dữ để mong sáng ngày mai thức dậy thấy cuộc đời vẫn êm trôi, vẫn như xưa. Nhưng không phải thế, không phải mộng mị gì cả, mà là sự thực nằm lù lù ra đó. Đau đớn. Phẫn uất.

Gia đình Trân, khá giả, gồm cha mẹ, người em trai và Trân, đã kịp dọn nhà vào Sài Gòn khá sớm, cùng một lúc với Nhà Hàng Cơm Tây Frégate nổi tiếng của Nha Trang. Nhà hàng này mở lại tại Sài Gòn trong một thời gian ngắn rồi đóng cửa. Tạo và Hưng, tên anh chàng ba hoa đó cùng một số đồng đội cũng đã lánh vào Nam trước khi Nha Trang bị tràn ngập. Thật ra Hưng đã tìm mọi cách đi ngược ra Trung tìm gia đình, nhưng không thể nào kịp. Rồi 30 tháng Tư, mọi thứ sụp đổ.

Tháng Năm, Tạo và Hưng, cùng tất cả sỹ quan cấp úy, hàng trăm ngàn người, được lệnh trình diện học tập cải tạo tại nhiều nơi, thường là những trường trung học ở Sài Gòn được chuyển thành trung tâm tiếp nhận. Hưng vẫn chưa có tin tức gì từ gia đình ngoài Trung, tính toán rằng sau 10 ngày đi “Cải Tạo” như thông cáo của nhà cầm quyền, sẽ trở về quê. Làm lại cuộc đời của người bại trận. Sỹ quan cấp tướng và tá, hoặc những người bị xem là nguy hiểm cho chế độ thì đã phải trình diện cách đấy gần một tháng rồi, và bị đưa đi xa tận ngoài Bắc. Chưa thấy người nào được thả.

Tạo và Hưng rủ nhau đi trình diện cùng một nơi cho có bạn. Hai người bạn cùng một số đông bị lùa lên những xe bịt bùng chạy lên Trảng Lớn thuộc tỉnh Tây Ninh. Những người khác bị đưa đi những nơi khác như Long Thành, Suối Máu, Phước Long ...Thân nhân của những người gọi là đi học tập cải tạo hoàn toàn không nhận được tin tức nào cả. Ba bốn tháng sau tù cải tạo được viết thư gởi về nhà. Một năm sau, thăm nuôi.

Tạo không còn gia đình, mẹ Trân đi thăm, kéo theo Trân. Hai mẹ con lặn lội, nào cuốc bộ những quãng đường dài, nào chen nhau lên những chiếc xe lôi xộc xệch cà tàng, nào đáp mấy chuyến xe đò dơ dáy và chật như nêm, chí rận từ những hành khách hôi hám đứng kế, thường không có chỗ ngồi, bò qua tóc, qua cổ hai mẹ con nhột nhạt, ngứa ngáy. Tại nhiều đoạn đường, hai mẹ con bị xô, lấn, chật quá, đứng hỏng cẳng, chân không chạm sàn xe từng quãng dài. Cuối cùng họ cũng tới được Trảng Lớn, Tây Ninh.

Tạo gầy đét, mặt mày hốc hác, áo quần lôi thôi, lếch thếch. Và lầm lì suốt cả buổi thăm viếng. Mới hơn một năm, Trân áng chừng Tạo đã mất đi gần 50 kí lô. Mãi đến khi gần hết giờ thăm nuôi, anh mới mở miệng năn nỉ Dì và Trân giúp đỡ Hưng, người bạn có ơn lớn với Tạo. Hưng không liên lạc được với gia đình, không có ai thăm nuôi cả. Mẹ Trân và Trân đồng ý làm công việc đó.

Kỳ thăm nuôi kế tiếp, mẹ và Trân lỉnh kỉnh mang các thứ cho cả hai người, Tạo và Hưng. Nhưng cuối cùng chỉ được phép mang vào gói quà cho Hưng. Hưng trông còn tệ hơn Tạo nhiều. Anh ốm yếu, xanh xao, buồn bã. Mẹ không thể nào nhận ra Hưng. Anh mất hết những nét liến thoắng, linh động, mất cả những chuỗi nói, tràng cười luôn miệng. Trân phải nhìn chăm chú khá lâu cho đến khi thấy cái nhếch mép sau nụ cười gượng gạo mới nhận ra được những nét quen quen nơi Hưng. Chỉ được phép nói chuyện với nhau trong vòng nửa tiếng theo nội quy, mẹ và Trân phải ra về.

Tại sao không được mang quà cho Tạo? Thì ra họ đã tổ chức trốn trại. Sau này Hưng kể cho Trân nghe về câu chuyện trốn trại của Tạo, Hưng và hai người tù khác. Câu chuyện sống mãi trong trí nhớ của Trân.

*

Bốn người thuộc cùng một đơn vị (tức là một B, trung đội) trong đêm khuya rủ nhau trốn trại. Hai người bị bắn chết, xác nằm sóng sượt dưới con hào, một bị bắn vào bụng, ruột đổ ra thành một đống lớn nằm bên cạnh xác, người kia toác hàm, văng mất nửa mặt. Cạnh hai người là hai khẩu AK. Sau, trong một buổi họp của B, được giải thích hai tên trốn trại đó bị bắn chết vì đã dám cướp súng trong tay hai trong những người lính đi tuần ban đêm.

Trong bốn người trốn trại, Tạo gan lì nhất, bò trước tiên chui ra khỏi nhiều lớp rào kẽm gai có cài mìn, bẫy và những hàng rào tre dày đặc. Và thoát ra ngoài. Hưng bám sát theo chân của Tạo. Bỗng nghe hai ba loạt AK nổ chát chúa, anh liền nằm yên nín thở. Gai của dây kẽm gai, gai tre đâm vào da thịt, lá tre, cành tre phủ đầy người. Hơn một giờ sau, bỗng lại vang lên vài loạt AK xa xa trong đêm tối mịt mùng. Anh đoán rằng bọn lính canh phòng tuần hành đã bỏ nơi này mà đi rồi, nên mới dám lần mò trườn bò như loài rắn, dần dần quay lại trở lại lán an toàn. Mọi người tù trong lán của anh đang say sưa ngủ.

Anh không lo ngại lắm về những vết sây sướt trên vai, trên tay chân. Các bạn tù phụ trách việc đốn tre như anh đều luôn luôn bị gai tre đâm. Khi tìm cách chui qua những lớp hàng rào, cả bốn người đều mặc áo quần bao cát tự may lấy, và mỗi người đều mang theo một bộ áo quần “tử tế” mặc từ hồi đi trình diện cải tạo. Bộ áo quần đó được gói lại, cất kỹ, phòng khi sau này được thăm nuôi , hay ở tù về, có mà mặc. Nay trốn trại, nếu may mà thoát ra khỏi, phải tìm chỗ kín đáo cổi bộ bao cát ra quăng đi, và thay bộ kia vào. Bằng không khi trên đường đi, hoặc qua xóm làng, chợ búa, công an nhận biết ngay. Lẽ dĩ nhiên, nếu trốn được khỏi trại, họ không dại gì về nhà. Thế nào trại cũng thông báo cho công an phường liên hệ. Anh cũng không quan tâm đến bộ áo ba lỗ, quần xà lỏn bao cát đang mặc trong người bị rách bươm. Anh đã có sẵn hai bộ bao cát khác treo lủng lẳng trên đầu nằm. Nhưng anh rất lo lắng chẳng biết sau đó Tạo xoay xở như thế nào ở bên ngoài trại tù. Loạt AK mới đây có liên quan gì đến Tạo hay không? Hay chỉ bắn thị uy? Đang trốn lẩn lút hay đã bị tóm? Còn sống hay đã lãnh đủ băng đạn?

Sáng hôm sau Khung ra lệnh tập họp tù cải tạo. Mỗi đơn vị (mỗi B) đứng riêng tại khu vực của mình, không được quan hệ với nhau, sau đó không được nói năng linh tinh, nghĩa là trao đổi nhau những tin tức “thất thiệt”. Và điểm danh kỹ lưỡng. Cuối cùng quản giáo cho biết B của anh, chỉ có B của anh mà thôi trong toàn thể trại Trảng Lớn, có ba người trốn trại, hai người bị bắn chết bên trong hàng rào như đã nói trên, người thứ ba thoát ra ngoài hàng rào, ngoan cố chống cự dù Cách Mạng khoan hồng bảo đưa hai tay lên đầu hàng, nên cũng đã bị tiêu diệt. Thế là Khung và B hoàn toàn không biết anh cũng là người đã tham dự trốn trại.

Hưng sững sờ. Tạo cũng đã bị bắn chết sao? Không, chưa thấy cái xác của Tạo, anh không tin. Anh mong rằng đấy là tin “thất thiệt”. Anh biết rõ rằng Cộng Sản có bao giờ nói thật đâu.

Quản giáo chỉ định sáu người tù cải tạo lo việc chôn cất, tình cờ có anh trong đó. Bốn người khiêng hai cái xác được quấn vào trong những tấm vải bạt rách bươm, bó lại bằng dây thừng, có thêm hai khúc cây làm đòn gánh. Hai người khác vác hai bó cuốc xẻng. Và một quản giáo.

Trời mưa dầm dề. Mưa cách đấy hai hôm cho đến bây giờ vẫn chưa ngớt. Đám đưa tang ướt như chuột lột đi loạng choạng trên những con đường đất bùn lầy lội, trơn trợt, vắng teo. Quản giáo tay cầm súng lục, mình mặc áo đi mưa ny lông cũ kỷ, đi đằng sau chỉ đường. Bầu trời, mặt đất, mịt mù. Những lùm tre phất phơ, những hàng rào kẽm gai bao quanh cái trảng, biến mất trong mưa. Một bức tranh toàn màu xám xịt nếu không được điểm lấm tấm bằng những giọt máu đỏ nhỏ xuống từ hai xác chết, máu theo nước mưa thấm qua lớp vải bạt chảy thành từng dòng ngắt quãng.

Đi khoảng nửa tiếng, quản giáo đi theo từ đằng sau bảo đứng lại, rồi đưa tay chỉ về phía những bụi lau cỏ mọc hoang cách đấy vài trăm thước, hô to:

“Chôn sau đám lau đằng kia.”

“...”

“Thấy chưa?”

“Thấy.”

“Chôn xong về ngay.”

“Vâng.”

“Biết đường về không?”

“Biết.”

“Xong việc phải về ngay. Không được đi bất cứ nơi nào khác. Tôi nhắc lại, chôn xong khẩn trương về trại, có người theo dõi.”

“...”

“Rõ chưa?”

“Rõ.”

Quản giáo đứng lại, nhìn theo đám tù đưa tang trong một khoảnh khắc ngắn, rồi quay lưng đi nhanh trở về con đường cũ.

“Cái thằng nhát gan như thỏ,” một người trong bọn nói.

Một người khác phụ họa:

“Đúng thế. Sợ chốc nữa ta chia cuốc xẻng xong lỡ nổi khùng lên phang đại vô đầu chứ gì.”

“Hai anh nói gì tui không hiểu,” người thứ ba nhỏ nhẹ hỏi. Người nói đầu tiên vội đáp:

“À, tụi này nhắc lại chuyện cũ mà. Nghe qua rồi bỏ. Nào ... tới nơi rồi kìa.”

Đó là một khoảnh đất nhỏ nằm sau đám lau sậy cỏ mọc xanh lưa thưa trên vài chục ngôi mộ mới đắp. Những ngôi mộ thấp lè tè, méo mó, không ra hình dáng, chen nhau chẳng theo hàng lối nào cả. Nếu không nhìn kỹ, tưởng đấy là một bãi đất hoang. Đặt hai cái xác ướt sũng nằm song song trên đường mòn, chia nhau cuốc, xẻng, khai quang được một miếng đất nhỏ cạnh một nấm mộ đất. Và hì hục đào huyệt. Trời mưa không ngớt. Nước bùn bắn vào người, vào đầy những chiếc quần đùi làm bằng bao cát, họ trông như bé con mặc tã đầy chưa được thay. Bắn vào áo may-dô cũng làm bằng bao cát, bắn vào những cái đầu tóc cắt ngắn lam nham, vào mặt, vào mắt.

“Ê, mày khóc hả?”

“Khóc cái con khỉ. Bùn văng vô mắt cay sè mày không thấy sao. Ừ ..., tao khóc đấy.”

Một người tù khác khá cao lớn, nghe nói học năm thứ sáu y khoa, trước đây mang lon thiếu úy quân y của bên bại trận, coi bộ năng nổ, sành sõi. Mọi người đều đầu trần, riêng hắn kiếm đâu ra được một cái nón đan bằng lá kè đội xeo xéo trên đầu một cách điệu nghệ. Hắn đến xem xét hai cái xác đã được gở ra khỏi những tấm vải bạt. Rồi hắn rút ra từ cái túi quần đùi bao cát một chiếc khăn vuông cũng bằng vải bao cát – thằng này tỉ mỉ và chu đáo thật, quần bao cát mà cũng có túi, lại có cả chiếc khăn, có lẽ dùng để lau miệng sau khi ăn xong. Hơi rườm rà đấy, hết nón tới khăn. Tù mà, lại ở trong trảng, trong truông trơ trọi, sống gần như súc vật, thì ăn xong lấy lưng bàn tay quẹt miệng vài cái như gà quẹt mỏ là xong. Cần gì khăn.

Kê cái đầu của người bị toác hàm lên đùi, hắn dùng khăn lau sạch máu đọng trong tóc, trên cái mặt chỉ còn lại một nửa, trên cổ, trên ngực của cái xác. Chốc chốc hắn nhúng chiếc khăn xuống vũng nước mưa cạnh đó xả cho bớt máu rồi lau tiếp. Với người đổ ruột, hắn lau máu kỹ hơn và khó khăn hơn. Cánh tay của hắn luồn từ miệng vết thương đi sâu vào thân thể của xác chết. Trong khi đó, một người tù khác rút từ trong lưng quần đùi một con dao bé tí, tới bên bụi cây nhỏ bên đường cứa một chốc đứt một cành cây, cắt thành hai khúc, mỗi khúc được vót nhọn một đầu.

Một người vừa đào huyệt vừa hất hàm hỏi:

“Cậu làm cái gì vậy?”

“Làm cọc.”

“Chi vậy?”

“Để cắm làm dấu hai cái mả mới. Rồi về lán kiếm gỗ hoặc đá khắc bia.”

“Biết tên hả?”

“Không. Hỏi sau. Làm xong đem ra đây cắm.”

“Bộ cậu tưởng muốn tới đây lúc nào là tới?”

“Ô, phiền thật, phiền thật. Quên nghĩ đến chuyện đó. Nhưng thôi kệ lỡ rồi. Cứ làm. Chắc còn ở đây lâu, biết đâu đi lao động có dịp ghé ngang qua đây.”

“Nhưng coi kìa. Tất cả những nấm đất kia có cái nào có bia đâu. Có lẽ cũng là mộ tù cải tạo đấy. Làm bia chi cho mệt. Chỉ năm ba hôm trời mưa trôi hết.”

Người vót cọc nổi nóng:

“Tao đã nói kệ tao mà. Ý kiến cái con khỉ gió!”

Hai huyệt đã đào xong, không sâu mấy. Mới nghỉ tay đào, tay tát nước, mưa đã ngập đầy. Sau một hồi bàn bạc, tất cả đồng ý cởi hết áo đang mặc bao bọc lấy hai cái xác, rồi phủ ngoài cùng bằng những miếng vải bạt rách bươm cũ. Xong lấy dây thừng bó chặt hai cái xác trông như hai đòn bánh tét khổng lồ. Cuối cùng thả nhẹ xuống hai huyệt nước. Như thế, hai cái xác đỡ bị ướt, lạnh. Thế ư? Và những người đi chôn cũng sẽ cảm thấy yên lòng hơn là để họ thân xác trần truồng, người thì còn nửa mặt, người thì cái bụng toác hoác.

Cuốc xẻng lại được bó thành hai bó giao cho hai người vác – lệnh trên cấm mỗi người vác riêng một cái cuốc, vì làm như vậy mỗi cây cuốc có thể biến thành vũ khí cá nhân. Nguy hiểm. Đi lao động hàng ngày luôn luôn phải mang cuốc, xẻng, dao phát rừng, cũng theo cái kiểu đó.

Sáu người tù đứng yên một phút, cúi mình trước hai nấm mồ mới đắp, có hai cây cọc cắm sâu. Rồi đi hàng một trên con đường mòn trở về lán. Đầu trần, mình trần, dưới cơn mưa dai dẳng. Chỉ một tù có đội nón, trông như cai tù. Cảm thấy ớn lạnh khi nghĩ đến hai người bạn tù sẽ nằm đó ngủ một giấc ngủ cô quạnh ngàn năm. Thân nhân làm sao tìm ra mồ mả. Vâng, chỉ sau vài mùa mưa nắng, tất cả cái gọi là nghĩa trang ấy sẽ biến mất không còn chút tăm tích trong cái Trảng Lớn rộng mênh mông này. Ai nấy máu nóng trong người dồn lên đầu. Gặp quản giáo đang đứng chờ ngay cổng ra vào, sáu người tù nhìn trừng trừng. Báo cáo cụt ngủn: chôn xong.

Về tới lán, hỏi quanh, được biết thêm vài chi tiết về hai người bị bắn chết. Người toác hàm trước là Giám Sát Viên của Viện Giám Sát ở Sài gòn, người đổ ruột là Kỹ Sư Cơ Khí thuộc ngành Công Binh. Anh chàng giám sát người Bắc trắng trẻo, mắt sắc, môi mỏng, hàm bạnh; anh chàng kỹ sư người Nam da đen nâu, cao, lưng hơi khòm, miệng luôn luôn nở một nụ cười hiền khô.


*

Năm sau Hưng cùng một số tù bị đưa lên Cà Tum gần biên giới Miên. Thật ra ở đây cuộc sống trong tù có phần thoải mái hơn. Ngày thì vào rừng đốn tre, đốn cây, chặt mây, cắt tranh, đánh tranh, canh tác, đào giếng, khiêng đá; đêm thì mỗi người ngủ trên chiếc chỏng tre trong cái chòi lá không phên tự dựng lấy, nhìn ra ngoài thấy trăng tròn trăng khuyết, thấy rừng mờ mịt, xào xạc. Quản giáo và lính bảo vệ ở đâu không ai biết. Thỉnh thoảng, gió núi rít, giật mình trong đêm khuya, nhìn xa xa. Mấy cây cổ thụ rỗng ruột cháy từ trong lòng cháy ra bừng đỏ lên. Bừng đỏ sau mỗi cơn gió thốc, tàn tung lên rồi lả tả rơi xuống như pháo bông. Từ Hải tân thời bị hỏa thiêu chết đứng? Và ngọn cây gần đấy nghiêng ngã, quằn quại, phải chăng là nàng Kiều đang vật vã khóc than. Khổ thân quá! Từ Hải khổ hay Kiều khổ? Tù khổ hay thân nhân lặn lội thăm nuôi khổ?

Tiếp tế khó, ăn uống càng ít ỏi, đói triền miên. Nhưng bù lại, khỏi phải mỗi ngày tập họp vào hội trường nghe dạy dỗ về Mác, Lê, về “con người mới xã hội chủ nghĩa”.

Rồi chiến tranh giữa Việt Nam với Khmer Đỏ bùng nổ, tù được chuyển đi nơi khác. Một số được chuyển đi Bà Rá, Phước Long; một số khác đến Gia Rai, Long Khánh, trong đó có Hưng; một số khác nữa bị chuyển đi đâu không ai biết.

Sau đó có tin anh chàng quân y năm thứ sáu ấy, được biết tên là Lộc, cái anh chàng “tẩm liệm” sành sõi, cái anh chàng ăn mặc điệu nghệ, cái anh chàng “đờn tưng tưng” khi được rảnh rổi, đã bị bắn chết tại khu nấu bếp của trại tù Phước Long vì can thiệp vào chuyện một lính bảo vệ đánh đập một tù cải tạo. Còn nhớ khi ở Trảng Lớn, Lộc sau một ngày lao động hay ngày nghỉ cuối tuần thường ngồi dưới hàng hiên của lán ôm “cây đàn ghi ta tự chế” đánh những bài nhạc “lành mạnh” như Kết Đoàn, Dậy Mà Đi, Lên Đường v.v... Năm bảy bạn tù hát theo uể oải, rời rạc, lộn xộn. Chưa thuộc lời. Nhạc thì đơn giản, dễ nhớ. Những bài nhạc loại đó tù được hát trong vài ba tháng đầu tiên. Về sau, cấm. Tại sao cấm, mọi người bàn ra tán vào.

Hưng chuyển trại đến đâu, cô em gái hờ đều lặn lội đi thăm nuôi đến đó.̣ Chị ơi, em lo quá. Em sợ rằng nếu không được thăm nuôi lỡ ảnh không chịu nổi cảnh tù đày. Người ta có ơn lớn với anh họ của mình mà. Và Trân cũng nhận ra rằng đàn ông bỗng nhiên rất khan hiếm. Càng hiếm, càng quý. Những bạn trai cùng trang lứa với mình, và cả những người đàn ông hơn mình 10 tuổi, 15 tuổi, 20 tuổi và lớn hơn nữa, cũng đều biến đi đâu hết cả. Họ lần lượt trình diện “chui vào rọ” ở tù không thời hạn, hoặc trốn, hoặc vượt biên, hoặc chết. Một xã hội khô khốc vắng bóng đàn ông, “những người đàn ông của mình”. Bù vào đấy chỉ thấy xuất hiện càng ngày càng đông “những người đàn ông khác”, ăn nói cộc lốc, thô lỗ, cử chỉ ngờ nghệch, kệch cỡm, những công an quân phục màu vàng nhạt, bộ đội quân phục màu xanh rêu. Đi thăm bạn của người anh họ biến thành niềm vui cho chính Trân.

Vào quãng sau một năm ở tù tại Gia Rai, trại của Hưng có nhiều người bị kiết lỵ nặng. Người này lây qua người kia, không thuốc chữa. Nhiều tù chết. Trân đi thăm. Hưng ốm đến rạc người trông như bộ xương ngọ nguậy, được dìu ra Phòng Thăm Nuôi ở dưới chân một ngọn đồi, mà trước kia Quốc Gia gọi là Đồi Phượng Vỹ. Hai người bạn tù dìu Hưng đi. Cái chết luẩn quẩn quanh cái phòng mái tranh, phên tre. Ghê khiếp. Cái chết nó bò từ chân bàn lên mặt chiếc bàn dài và rộng, rộng đến nổi hai người ngồi đối diện nhau, người tù và thân nhân, bắt buộc phải ngồi như thế, không thể vói nắm tay nhau. Muốn nói cho nhau nghe phải nói to để người khác cũng nghe được. Nhưng Hưng không nói to nổi, Trân nghe tiếng được, tiếng mất. Cái chết nó bò từ chân người tù lên bụng, lên tay, lên cổ, lên đầu. Liệu nó có bò lên người đi thăm? Nó hóa thân thành ruồi nhặng đậu lên thức ăn nguội lạnh, dơ bẩn, bám vào miệng những cái chén, cái tô tự làm lấy từ những mảnh thiếc nhỏ nhặt từ đống rác, hoặc bu vào những gáo dừa, những lóng tre dùng làm ly uống nước.

Lẽ ra thời gian viếng thăm kéo dài nửa tiếng, nhưng chỉ mới khoảng 10 phút bỗng quản giáo bảo chấm dứt cuộc thăm. Hưng yếu quá. Quản giáo bảo sẽ đưa anh trở về lán, hay vào trạm xá để chữa bệnh, hay sẽ bị cô lập, tùy quyết định ở trên. Trân nghe mà chết điếng cả người. 

Trân năn nỉ, lạy lục, van xin quản giáo cho phép hôm sau mang thuốc trị kiết lỵ lên cho Hưng. Bằng không, chắc chắn Hưng sẽ chết. Người cán bộ từ chối. Nhưng Chị ơi, em đã muốn là nhất định làm cho được. Trân quỳ mọp xuống đất, khóc lóc thảm thiết, hai cánh tay thì như hai con rắn quấn chặt chân người cán bộ. Anh ta lúng túng, lọng cọng, không biết xử trí ra làm sao. Cuối cùng anh ta cúi xuống nói nhỏ bên tai Trân. Cô mừng rỡ, cám ơn rối rít. Ô, trong bọn họ cũng có người còn lòng trắc ẩn. Cô mượn bút và lấy một bao thư cũ từ trong túi áo ra ghi chép. Ngày hôm sau Trân mang thuốc lên trao cho lính gác ở cổng, dặn dò kỹ lưỡng. Cô nhớ ông dược sỹ già đã ân cần bảo lọ thuốc trị liết lỵ này đã cũ lắm, đã quá thời hạn, thuốc trước 75 mà, tức là thuốc quý đấy. Chứ bây giờ toàn là đồ dỏm.

Quả thật, Hưng tai qua nạn khỏi. Nhưng còn điều này khiến Trân lo nghĩ. Hưng thật khó hiểu. Thăm anh lần đầu, anh kinh ngạc, rồi vui mừng, rồi cám ơn, nhưng vẫn lặng lẽ, và ngẩn ngơ như người mất hồn. Những lần sau anh vẫn không lấy lại được một chút nào cái sinh động, linh hoạt đến náo nhiệt của ngày xưa. Anh chợt vui, chợt buồn, lúc tha thiết, lúc lơ đãng. Hoàn cảnh có thể thay đổi bản chất con người đến thế sao. Thế nhưng dần dần họ yêu nhau. Tình yêu đến khi gian khổ cùng chịu, khi hiểm nghèo có nhau, khi cái sống nằm kề cái chết.

Ở tù tại Gia Rai gần hai năm, Hưng được thả, được phát cái “Giấy Ra Trại”. Chứ không phải giấy chứng nhận mãn hạn tù. Anh và bạn tù được giải thích họ không phải là tù, mà là những người đi học tập cải tạo, là những trại viên. Về Sài Gòn anh tạm trú tại nhà cha mẹ Trân chỉ hơn một tuần lễ. Trân bàn chuyện làm một đám cưới “chụp giật” thật đơn giản. Thời buổi loạn ly mà, làm được cái gì thì làm ngay. Nhưng cũng không kịp vì Hưng lại được tin có chuyến vượt biên do một người bạn cũ tổ chức tại cửa Phan Rí. Anh phải đi ngày hôm sau. Anh đi như đi trốn gia đình Trân càng sớm càng tốt. Trân muốn đi theo tiễn đưa, Hưng không cho, bảo rằng rất nguy hiểm. Rồi bặt âm vô tín.

Năm sau, Trân nhận được thư của Hưng từ Mỹ gởi về. Trân rất ngạc nhiên và cũng rất vui mừng. Khi chưa có tin tức của Hưng, Trân cũng đã có ý định vượt biên, dù cha mẹ hết sức ngăn cản. Nay cô càng cương quyết. Cũng như nhiều người chán ghét cái chế độ mới hung tàn này, cô chấp nhận mọi nguy hiểm kể cả cái chết, miễn là thoát ly. Cuối cùng Trân tìm được một đường dây giả trang làm người Việt gốc Hoa đi “bán chính thức”. Chị ơi, Trời thương em, chuyến đi trót lọt, đến được một hòn đảo thuộc Nam Dương, liên lạc được với Hưng, được Hưng bảo lãnh. Chỉ ở đảo hơn một năm, Trân đến Mỹ. Thư ngay với Hưng qua hộp thư bưu chính, đến định cư tại Nam Cali nơi Hưng cư trú. Hưng bảo ảnh ở chung phòng với hai người bạn. Và đã có việc làm ổn định. Thỉnh thoảng trong giờ làm việc ảnh kiếm cớ “nhảy dù” đến thăm Trân. Tình cũ, tình mới, sung sướng biết bao. Còn cuối tuần ảnh tình nguyện làm thêm giờ phụ trội, được lãnh đồng lương nhiều gấp hai lần rưỡi so với giờ bình thường trong tuần. Cho nên anh bận lắm, không thể đến với Trân vào cuối tuần. Từ từ, không có gì mà vội, làm việc nhiều sẽ để dành nhiều tiền, rồi sẽ mua nhà, rồi sẽ làm lễ cưới sau. Mỹ mà, có con trước, đám cưới sau là chuyện bình thường, Hưng nói.


*

“Chị ơi, em may mắn quá. Cái may đến dồn dập làm em lo ngại. Vì có ai may mắn mãi mãi. Biết đâu những ngày sắp đến cái may sẽ không còn. Cho nên em phải lo tu tỉnh, làm lành lánh dữ, nếu không gặp may thì cũng tai qua nạn khỏi. Phải không chị? Vì vậy em sẽ đi chùa mỗi tuần một lần cầu xin Đức Phật phù hộ ... Này, này, chị sao thế?”

“Không, tôi không sao cả,” Diệp đáp. “Anh đó tên là gì? Tên Hưng hả chị? Chị có chắc thế không? Có làm huấn luyện viên ở Đồng Đế trước 75?”

Trân chau mày bắt bẻ, giọng hơi gắt gỏng:

“Ủa, chị nói gì vậy? Từ nãy đến giờ em đã nhắc đến tên ảnh biết bao nhiêu lần rồi!”

“Trùng tên nhau là chuyện thường, phải không chị? Mà trùng cả nơi làm việc cũng có thể xẩy ra. Tôi ... không phải tôi, chị bạn đạo của tôi cũng gặp trường hợp, không phải ... hoàn cảnh như thế đó. Có lạ chưa. Nghĩa là ... nghĩa là...” Nói đến đấy, Diệp bỗng dừng lại, áp bàn tay lên ngực.

Trân hơi sửng sốt, chau mày nghĩ ngợi, chậm rãi hỏi:

“Chị cũng có người ... người quen tên là Hưng?”

“Không, không. Không phải ... Chị bạn đạo của tôi chứ. Mà cũng không phải chị đó, chị nghe người ta nói thôi. Tôi cũng nghe người ta nói mới đây. Nghe nói? Lời nói vừa ra khỏi cửa miệng là đã sai hết cả ý nghĩa định nói rồi, tôi nghe Thầy giảng thế. Nhưng ở đây, chuyện này không dính dáng gì tới ý nghĩa cả. Mà là chuyện xẩy ra ... Mà cũng lại là người Huế. Vô lý hết sức.” Lẩm bẩm một mình. “Hèn chi lầm lì suốt ngày, thở dài, thở ngắn. Đêm ngủ không yên. Lại hay nổi sùng vô cớ. Rồi tử tế, xoắn xuýt, mẹ nó, em em. Bửng lửng, bơ lơ, lỡ đứng, lỡ ngồi.”

“Chị nói cái gì vậy?” Trân e dè hỏi.

Diệp gần như quên cả người đối diện, nói nhỏ cho chính mình nghe:

“Chỉ được có một chuyện. Là hết sức thương nó. Còn mình ...?”

“Chị Diệp này”, Trân ngắt lời, “chị có nghe em nói không?”

“Xin lỗi chị, tôi có nghe. Nhưng tôi khổ quá. Chị ơi.”

“Em không hiểu chị nói gì cả. Hay là chị có ... có quen biết anh Hưng? Mà sao chị cũng biết anh ấy người Huế?”

Diệp buồn rầu:

“Anh Hưng nào vậy? Tôi có biết gì đâu. Anh ấy cũng người Huế sao? Làm sao tôi biết được. Tôi không quen, không biết ai hết. Chẳng qua là vì chị tự khai ... à không phải vậy, xin lỗi chị. Chị tự nói ra đó thôi, tôi nghe rõ từng tiếng một.”

Trân cáu kỉnh:

“Tôi nói hồi nào?”

“Chị bảo cái anh ấy giọng Huế đàn ông trọ trẹ khó nghe mà cứ tưởng gì đó, ... tưởng bở ... Chị kể lại lúc chị gặp anh Hưng, anh ấy, lần đầu tiên ở ... Đồng Đế. Thôi, thôi, mình hãy bỏ qua chuyện đó đi. Chị Trân ơi, chị ... và tôi nữa. Chị em mình hãy quên chuyện đó đi. Quên ngay từ bây giờ ... và mãi mãi.” 

Trân bàng hoàng. Bỗng Diệp ngã xiêu người qua ghế bên cạnh làm đổ cả rổ khoai tây đã gọt xong, con dao vuột ra khỏi bàn tay nằm trên mặt bàn đá. Hoảng hốt, Diệp vội ngồi lại ngay ngắn, sửa lại mái tóc bị tung, rồi ngồi xuống đất, hai tay run rẩy đất nhặt khoai cho vào rổ, và miệng thì lẩm bẩm:

“Tôi bậy quá. Tôi nói năng chẳng đâu ra đâu mà cứ ưa nói. Xin chị bỏ qua.”

Trân ái ngại:

“Xin chị bình tĩnh. Có điều gì xin chị nói ra hết, chị nhé. Em sẵn sàng nghe.”

Diệp nghẹn ngào:

“Không phải, không phải. Chẳng có điều gì đáng nói cả. Chẳng qua là vì ... tôi biết nói gì đây. Ô, sao cuộc đời lạ lùng thế này. Vâng, tôi nhớ mẹ tôi lắm.” Nước mắt ràn rụa, bỗng như lại quên hẳn Trân đang chăm chú lắng nghe, nói một mình. “Mẹ ơi, sao mẹ vội đi ngay vào lúc này. Và bé nữa. Bé ngoan ngoãn ở lại với bố. Mẹ biết bố thương bé. Chỉ một tháng thôi, thời gian qua mau lắm, nghe con. Lạy Phật trăm ngàn lạy.”

Trân ngập ngừng:

“Chị, chị.”

Diệp như chợt tỉnh:

“Xin lỗi chị.”

“Chuyện gì dù khó khăn mấy cũng có thể giải quyết được, miễn là mình thấy rõ vấn đề. Còn bác thì, chắc tuổi thọ bác đã cao. Ai cũng phải giã từ cuộc đời này. Thôi, xin chị đừng quá lo buồn. Cháu bé cũng đã có bố nó lo, cô nó lo. Một tháng sẽ qua nhanh. Để em dẫn chị vào trong kia kiếm chỗ nằm nghỉ một chốc.”

“Cám ơn chị, nhưng hãy cho tôi ngồi yên ở đây vài ba phút. Tôi không sao đâu. Tôi ...” Tiếp theo Diệp vói tay lấy con dao nằm trên mặt bàn.

Trân nhỏ nhẹ:

“Chị nghỉ tay một chút nhé. Em có tí việc phải đi ngay. 


*

Nhiều lần trong tháng ba muốn vô Nha Trang mà không thể nào vô được. Đường hàng không thì phi trường Phú Bài bị Cộng quân tràn ngập. Đường bộ bị chận ngang lưng chừng đèo Hải Vân, dân tỵ nạn từ Huế, Quảng Trị chạy vào biến thành những cái bia đỡ đạn. Bị thương, bị chết, vô số. Hoảng hốt tìm đường biển chạy bừa xuống cửa Thuận An, nghe nói có đơn vị Thuỷ Quân Lục Chiến kéo về đấy. Trọng pháo đuổi sát gót. Cha và anh bị bắn chết, xác chôn vùi dọc đường. Gia đình bốn người còn lại hai, khốn quẫn như cá nằm trên thớt. May cuối cùng cùng mẹ trốn về được quê ngoại. Ở với cậu mợ.

Còn Hưng? Không biết ra sao, sống hay chết, vẫn ở Nha Trang hay đã đi nơi nào khác. Thương nhớ anh quá. Cùng học ở Đại Học, sau anh hai lớp, yêu nhau lâu ngày mới làm đám cưới. Vừa xong Đại Học, vừa cưới xong, thì anh bị động viên vào Thủ Đức. Ra trường được chuyển vào Trung Tâm Huấn Luyện Đồng Đế, Nha Trang, khỏi bị đi tác chiến. Nghĩ thế là có phước lắm. Đâu ngờ. Nhớ câu hò ru em:

Lên non thiếp cũng lên theo
Xuống thuyền thiếp cũng cheo leo mạn thuyền

Người ngày trước thuỷ chung như thế đó. Mà mình bây giờ tự xét cũng thấy không khác mấy. Lấy chồng phải theo chồng là lẽ thường. Ai cũng thế thôi. Thì tại sao mình cứ nghe lời bàn tới bàn lui của mẹ, tại sao thời buổi loạn ly mà cứ chần chừ không chịu thu dọn theo anh ngay để sống chết có nhau. Em nhớ anh quá. Em lo cho anh quá.

Chờ. Bặt âm vô tín. Một năm, rồi hai năm, rồi ba năm. Chờ đến bao giờ? Bỗng, như ma hiện hồn, Hưng về. Anh bảo về nhà cũ thấy nhà đã bị chiếm. Hỏi thăm nhiều người, cuối cùng biết được bố và anh của mình đã mất, mình theo mẹ về quê ngoại. Anh đi tìm ngay. Anh ốm nhom và buồn. Anh đổi tính, không nói không phô suốt ngày. Chỉ ở lại ba hôm, rồi hai vợ chồng nhất định tìm đường đào thoát dù mẹ năn nỉ mình đợi qua năm mới, ăn Tết xong ra giêng ngày dài tháng rộng, hẵng đi. Mình rút kinh nghiệm cũ, nhất định đi. Mẹ cũng lạ, vào thời buổi này mà mẹ không bao giờ bỏ quên ngày kỵ, ngày chạp, ngày vía, ngày Tết. Người Huế già cả dường như ai cũng giống mẹ, lo cho người đã chết thật chu đáo, lo việc cúng quảy quanh năm không ngớt. Họ sống nhiều với quá khứ, mà quá khứ của Huế có quá nhiều chuyện bi thảm.

Nhưng cậu thì khác, đồng ý ngay. Cậu bảo anh không có tên trong hộ khẩu, sợ trước sau gì anh cũng bị bắt, lại đi tù. Tốt hơn hết đi sớm ngày nào hay ngày ấy. Mẹ cho gần hết số vàng mà mẹ để dành từ thời còn con gái tới bây giờ. Cậu mợ giúp thêm tiền. Hai vợ chồng vô được Phan Rí tìm lại được đường dây mà Hưng đã biết. Và thoát.

Ở Đảo hơn một năm đã được nhận vào nước Mỹ nhờ anh nói được tiếng Anh, nhớ số quân, và gặp nhiều may mắn khác. Nhận trợ cấp tỵ nạn chỉ vài ba tháng thì anh đã tìm được việc làm tốt. Cuộc sống từ nay sẽ thuận buồm xuôi gió, Diệp sung sướng thầm nghĩ.



Và Quốc ra đời.

Con ơi, cha mẹ đặt tên con là Quốc. Là đất nước của bố mẹ, là quê hương của bố mẹ, là kỳ vọng của bố mẹ. Con mau lớn nhé, con sẽ đưa bố mẹ về thăm bà nhé. Mẹ qua đây, chẳng bao lâu cậu bên nhà cũng qua đời. Bà không ở với mợ, dọn tới ở người cháu, làm mẹ lo. Con sẽ lấy vợ Việt Nam nghe con. Con lớn lên bố mẹ sẽ tìm nơi cho con ở gần cộng đồng Việt Nam, để con dễ gặp bạn trai, bạn gái người xứ mình. Mới có thể có vợ Việt Nam chứ. Lỡ con lấy vợ Mỹ liệu còn nhớ bố mẹ? Ô, mà con mới ra đời, ai lại đi nói chuyện vợ con. Vô duyên. 

Bé chóng lớn. Và sớm khôn. Lúc mới ra đời, nằm ngửa, nằm sấp gì tay chân cũng cứ quơ quơ, cứ đạp đạp liên tục không một phút ngừng nghỉ. Đạp mạnh lắm, mẹ sợ bé trầy chân. Chỉ trừ khi bé ngủ. Lúc biết đứng, biết đi, lại càng quậy. Bé bỏ băng giai đoạn bò. Thật ra chưa bao giờ thấy nó đi. Nó không biết đi tới, chỉ biết đi thụt lùi. Hoặc đứng thì dang hai tay quay tròn người cho tới khi chóng mặt té xuống sàn nhà. May có trải thảm. Và muốn tiến tới là chạy và chạy, không chịu đi. Cũng chưa bao giờ nó chịu nằm yên, hoặc ngồi yên. Chạy quanh quẩn, rồi nhảy cà tưng, rồi cầm tay mẹ mà kéo, mẹ phải lúp xúp chạy theo.

Ra khỏi nhà bé vui như chim sáo, chim sẻ, chim gi. Bỗng dưng hai chữ “chim gi” trở lại trong ký ức. Không, con sẽ không phải là con chim gi đâu, bị nói oan, bị chế giẽu, bị mắng. Mà mẹ bị, chứ đâu phải con, mà sợ. Tuổi thơ của mẹ vui buồn lẫn lộn. Chuyện con chim gi là chuyện nhỏ. Còn biết bao nhiêu oan khuất khác nặng nề hơn nhiều mà trẻ con như mẹ hồi đó phải gánh chịu, phải câm nín, không giải thích được. Không có người lớn nào chịu lắng nghe con nít. Tuổi thơ của con bây giờ và ở xứ này sẽ khác, sẽ là những chuỗi ngày trong sáng, vô tư, hồn nhiên. Đất nước này biết quý trọng trẻ nhỏ. 

Nhớ hồi còn nhỏ được cho đi nghỉ hè tại Nha Trang, ở tại nhà bà con, tình cờ đọc một cuốn Sách Hồng do Tự Lực Văn Đoàn in, nhan đề “Con Chim Gi Sừng”. Thích quá. Quên coi tên tác giả, hồi bé chỉ biết đọc truyện chứ không quan tâm đến tác giả. Nhưng chữ Tự Lực Văn Đoàn thì nhớ vì bố của mẹ, tức ông ngoại của con, ông bảo thích cái nhóm này lắm. Lớn lên mẹ đọc mẹ cũng thích. Con? Ô, chắc không được rồi, con lớn lên ở xứ này, nói tiếng nói của xứ này, học hành nơi này, liệu còn nhớ tiếng Việt? Khi về khoe, bị ông chú nói mình ưa bịa đặt, ưa nói dối, xảo trá. Sai thì phải sửa, đừng ngoan cố. Phải bỏ những tính xấu đó đi. Là vì không có chữ “gi”trong tiếng Việt. Sách nào lại viết thế, nhất là sách của văn đoàn có tiếng đó. Chú bảo phải viết là “ghi” mới đúng. Khổ thay, không có cuốn sách ấy để đưa chú coi. Từ đó chú nhìn mẹ bằng con mắt khó chịu. Mãi khi lớn lên, một hôm tự nhiên thấy ngay câu trả lời hết sức đơn giản: từ chữ “gì” rất thông thường bỏ đi dấu huyền thành chữ “gi”. Con chim gi.

Trên lề đường hai mẹ con cùng đi, mẹ luôn luôn nắm chặt tay của bé, sợ bé chạy xuống đường. Không được nghe con, tuyệt đối không được. Đường đi là dành cho xe hơi, xe bịch bịch, xe đạp, nghe con. Thế nhưng gặp ngọn lá, khúc cây, trên lề đường, bé trì người cúi xuống lượm ngay. Tay cầm không hết, chia cho mẹ. Mẹ phải cầm lấy chơi với bé. Mẹ vô ý quăng đi, bé phản đối, la lên. Mẹ lại nhặt lên, kiếm thêm một nạm cỏ, vài hòn sạn đưa cho bé, bé cười phô mấy chiếc răng cửa vừa mới nhú ra nửa chừng trông xinh quá. Lại gặp bất cứ cái gì vừa tầm chân của con nó là con đá, bụi cây thấp, bụi hoa, hàng rào bằng cây bông ngũ sắc, v.v... Thậm chí gặp hàng rào bằng gỗ con cũng đá. Mẹ sợ chân bé đau, giữ bé lại, ngồi xuống xoa chân bé xem có vết trầy hay không. Thường là có. Con không biết đau. Rồi đứng dậy cùng đi. Bé lại cúi lượm cái này, cái kia, hoặc thuận chân thì đá phất, phất, như người ta phất cờ. Nhìn hai mẹ con chơi với nhau trên lề đường vắng, trên hè phố, người ta tưởng đó là hai người điên.

Từ đó về sau, mỗi khi ra khỏi nhà, biết tính của con, mẹ mang theo vài món đồ chơi nho nhỏ như con chuột, con cóc, đầu máy xe lửa v.v... Bé lại được mang giày ống cao su. Thế là bé tha hồ đá, chân không bị đau, trầy. Và khi bé muốn trì người xuống để nhặt cái gì đó trên đường đi, mẹ đưa ngay cho bé mấy món đồ chơi mẹ mang theo. 

Nhưng xuống bãi biển thì khác. Bé mê biển vô cùng. Lần đầu tiên tới biển, bé nhìn ngẩn ngơ. Dường như còn nhỏ quá, mắt bé chưa nhìn được xa. Dần dần quen với trời biển bao la, bé chạy ào xuống nước, mẹ hoảng hốt chạy theo nắm kịp cánh tay tí hon, mủm mỉm, kéo bé lên. Phải một phen uống nước mặn, bé chừa, không dám liều lĩnh nữa. Sau đấy, hoặc chờ mẹ mặc áo phao vào mới được bồng lội ra xa, hoặc chạy lúp xúp ven mép nước. Và cái quang cảnh này mẹ cho là tuyệt vời. Như những con chim biển bé nhỏ chân dài, mỏ dài, sóng tràn lên thì quay mình chạy nhanh vào bờ tránh nước, sóng rút lui thì đuổi theo sóng mỏ cày xuống cát ướt tìm sò, hến, dã tràng, rong, rêu. Bé cũng chạy nhanh đôi chân ngắn như quay tròn, đuổi sóng, trốn sóng. Mẹ đứng nhìn theo hồi hộp, sẵn sàng chồm tới. Và con luôn luôn tránh được sóng chạm vào chân.

Mặt trời lên cao, nắng đầy bãi, bảo về con không chịu. Mẹ phải làm bộ bỏ đi một mình, vừa đi vừa kín đáo nhìn lui trông chừng bé. Cho đến khi mẹ đã đi xa tít, bé mới ra sức chạy theo, té lên té xuống trên bãi cát. Mẹ biết bé không đau, dừng lại chờ. Bé níu lấy tay mẹ. Mẹ hỏi bé có ăn cát không, bé há miệng ra thật to, thè cái lưỡi đầy cát. Bé chỉ biết nuốt vào, chưa biết nhổ ra, mẹ phải lấy ngón tay út cào cát ra khỏi miệng bé.

Khi gần một tuổi, bé bắt gặp cái gì cũng tưởng là đồ ăn. Nhất là giấy. Mẹ mua cho bé cái xe hơi bằng nhựa, bé cho vào miệng cạp. Quả banh nhỏ, con khủng long tí hon, con sư tử, gấu, thỏ, cá mập, voi, khỉ, chó, mèo v.v... cũng cho vào miệng cạp. Không sao, cứng quá, răng còn non, cạp không ra. Nhưng mẹ sẽ không cho bé cuốn sách có hình ảnh nữa. Biết cầm sách lên nhưng chưa biết xem, ngắm, trái lại cho vào mồm xoay cuốn sách ngược rồi xuôi để cạp. Nước miếng nhểu ra tùm lum ướt miệng, ướt hai má, ướt ngực, ướt hai bàn tay nhỏ xíu. Mẹ la, bé buông sách xuống, há miệng, đầy giấy. Gặp cứt chó khô trên đường, bé cũng lượm cho vào miệng. Lại phải lấy ngón tay moi miệng bé ra. Từ đó, mỗi lần bé cúi xuống đất lượm bất cứ cái gì, mẹ bắt bé phải chìa ra cho mẹ coi.

Con nít thích ôm ấp, bé là ngoại lệ. Trong vòng tay ôm, bé vùng vẫy, la hét, phản đối. Chỉ khi đi ngủ ban đêm, bé mới thích nằm tròn trong lòng mẹ. Ôm bé trong lòng, mẹ sung sướng biết bao. Mẹ nhớ những câu ca dao, những câu thơ. Truyện Kiều mẹ cũng có nhớ lõm bõm. Mẹ ru thì thầm cho bé chóng ngủ. Mẹ bỗng nhớ hai câu thơ của một thi sỹ nổi tiếng trong Tự Lực Văn Đoàn:

Người mẹ đời du dương tay mở rộng
Tôi nằm tròn thành một giọt sương hoa

Mẹ đoán được ý của nhà thơ, nhưng mẹ không muốn hiểu như thế. Vì mẹ cảm thấy mẹ không đáng kể, con mới là tất cả. Vâng, con của mẹ là giọt sương, một giọt sương khác thường, giọt sương vĩnh cửu không hề bị những tia nắng gay gắt khiến nó bốc hơi bay đi mất. Và mẹ là nụ hoa. Giọt sương mang đến cho nụ hoa sức sống, tình yêu và hy vọng. Và sự tươi mát. Thiếu con, mẹ biết mẹ không sống nổi. Khi con khôn lớn, thiếu mẹ con cũng sẽ tiếp tục sống còn với cuộc đời này. Mẹ chết, con vẫn còn, lẽ đương nhiên.

Thức dậy không thấy mẹ nằm cạnh, bé đảo mắt tìm. Rút kinh nghiệm, những hôm sau, trước khi ngủ, con nắm lấy tóc mẹ cho vào miệng gặm. Ngủ dậy cũng không thấy mẹ, thì đến tối hôm sau nữa khi được mẹ bồng lên giường chuẩn bị ngủ, bé nắm tóc mẹ nhiều hơn, rồi cẩn thận cuốn tóc vào ngón tay mấy vòng. Làm như thế, bé nghĩ gì? Nghĩ rằng sẽ giữ được mẹ mãi mãi?

Ngược lại khi thức dậy trước mẹ vào buổi sáng hay buổi trưa, bé nằm yên nhìn mẹ một chốc rồi từ từ khép đôi mắt, và chỉ vài phút sau, tiếng thở của bé nghe đều đều, nhè nhẹ, khuôn mặt lắng dịu, thanh thản, êm ả. Mẹ giả bộ ngủ say để con bắt chước ngủ thêm. Ban ngày khi mẹ nằm nghỉ thì bé lấy xe hơi, đầu xe lửa, chơi một mình. Chơi chán bé đẩy xe lên đầu, lên mặt, lên thân hình, đẩy xuống tận bàn chân của mẹ. Rồi đẩy lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ tư, cho đến khi mẹ thôi không nằm nữa, ngồi dậy. Bé lại lảng tránh ra chơi xa hơn để mẹ khỏi chụp lấy bé mà hôn cho đến khi bé thét lên. 

Hơn một tuổi, bé vẫn chỉ biết la, biết cười, bé rất hay cười, chứ không biết khóc. Bé biết hát trước khi biết nói. Buổi sáng sớm hay sau khi ngủ trưa dậy bé không chịu khóc nhè một hồi cho “vui nhà vui cửa” mà cứ ê a, ư ử như con chim non đang tập hót trong tổ, đôi mắt thơ ngây nhìn bình minh đang lên, ánh sáng đang tràn vào. Trong khi chim non chờ chim mẹ tha mồi về tổ, trong khi bé chờ mẹ làm cho bé bầu sữa đầu tiên trong ngày, đây con, “mới”,“nóng”, “bự”. Tiếng hót của con chim non, tiếng hát của bé, chưa ổn định, chưa thành hình, rất ít âm điệu, nhưng mẹ nghe say đắm. Mẹ yên lặng lắng nghe cho đến khi nào con thôi hát tìm chơi món khác.

Và chẳng bao lâu bé tập nói tiếng một. Tiếng nói đầu tiên: me, rồi mẹ, rồi ba. Tiếng thứ hai bin, rồi bín, rồi biến, rồi biển. Và những tiếng kế tiếp, từng tiếng một. Chẳng hạn trời lạnh mẹ năn nỉ một hồi chẳng cần biết bé hiểu được bao nhiêu. Mẹ nói dường như để cho mẹ nghe nhiều hơn cho bé nghe:

“Con ơi, bây giờ ra ngoài kia lạnh lắm đó. Mặc áo len đi con rồi mình ra nhe. Mặc giùm cho mẹ cái áo đi con. Coi chừng cảm bây giờ.”

Bé phản đối, trả lời cụt ngủn:

“Kệ.”

Và bé nhất định vùng vằng không chịu mặc thêm áo. Mẹ đành chịu thua. Lẽ cố nhiên vì trời chưa lạnh lắm mẹ mới chịu thua.

Chơi một mình, không xô nổi chiếc ghế khá nặng chận đường trái banh của bé đang lăn, bé nhìn mẹ ra lệnh:

“Phụ.”

Mẹ vội vàng khiêng ghế đi chỗ khác rồi tập cho bé nói hai tiếng “cám ơn”, nhưng bé chưa chịu tập, mải đuổi theo trái banh.

Mẹ bảo bé đi tìm một chiếc giày bé bỏ quên đâu đó. Bé siêng năng và sốt sắng lắm, chạy sục sạo tìm trong đống đồ chơi, dưới gầm bàn, gầm giường, sau kẹt cửa. Chỉ một nhoáng bé mang chiếc giày ra ngay. Bé đã có trí nhớ, biết vất chiếc giày ở nơi nào. Mẹ nói “Cám ơn, cám ơn”, bé ngơ ngác vài giây rồi cũng lặp lại “cám”, “cám”. Mẹ xoa đầu bé, đôi mắt bé long lanh. Nhưng cũng có khi bé quên, tìm không thấy giày đâu cả, liền chạy đến nhìn mẹ. Mẹ hỏi giày đâu, bé la to:

“Có.”

Chỉ nói một tiếng thôi, rồi chạy tìm những món đồ chơi khác. “Có” có nghĩa là “không có”.

Bé thích ăn kẹo. Mẹ không muốn bé ăn vào nhiều chất đường, lại dễ hư răng, nên chỉ cho bé mỗi ngày hai cục kẹo nhỏ. Hai mà thành ba. Cục kẹo thứ nhất, bé ăn nhanh. Khi cho cục thứ hai, mẹ phải giao hẹn:

“Đây là cục kẹo cuối, nhớ đó nghe. Không được giở trò nghe.” 

Và bắt bé lặp lại hai chữ “kẹo cuối”, nhưng bé chỉ nói:

“Cuối.”

Nhưng nào yên, thèm kẹo quá bé chạy tới mẹ la lên “cuối” rồi chạy đi nơi khác. Chỉ một chốc, bé quay lại mẹ la lên “cuối” cho đến khi nào mẹ cho thêm một cục nữa. Dường như bé cũng mơ hồ hiểu rằng cục này là cục cuối thiệt, cho nên bé không chạy xin thêm một cục kẹo cuối thứ ba. 

Bé thường bú sữa trong cái bầu nhưng thỉnh thoảng cũng đòi pha sữa vào cái ly nhỏ bằng nhựa của riêng bé. Uống sữa từ cái ly bé cũng thích, được dùng ống hút. Thay vì hút vào, bé thổi phì phì ra cho nổi bong bóng. Chơi mãi, không hết sữa trong ly. Bị mẹ năn nỉ, la rầy, bảo húp cho hết đi, không được bỏ mứa, bé trả ống hút và húp vài ba hơi là cạn ly ngay. Thế là khi nào muốn uống sữa từ trong ly, bé chỉ chạy tới mẹ và ”ra lệnh”:

“Húp.”

Chỉ có hai mẹ con bên nhau suốt ngày, cho đến khi bố đi làm về. Thế mà thì giờ vẫn qua mau. Nửa tiếng đồng hồ với hai chiếc xe trên tay: Xe ủi đất trong một bàn tay, xe chữa lửa trong bàn tay kia, hai xe dập vào nhau, hay bị đẩy đi cùng một lúc. Chán thì chạy nhanh ra chỗ để giày dép xỏ hai bàn chân tí hon vào đôi giày thể thao của bố mang vào phòng mẹ, rồi lê ra phòng khách. Để đổi môn chơi, bé một tay ôm con cọp, một tay ôm con khủng long, đầu đội chiếc nón lưỡi trai to quá khổ trùm xuống che cả cặp mắt, chạy ngù ngờ trong phòng khách, ủi vào tường, té vào bộ ghế xa - lông. Hoặc trèo lên giường mẹ nhảy tưng tưng kiểu “trampoline”, rồi khiêng mấy chiếc gối ném xuống đất để một lát sau mẹ sẽ vào trải lại tấm “ra” cho thẳng thớm, mang gối để vào chỗ cũ. Vân vân.

Nhưng trò chơi bé thích nhất là đá banh. Bé đá loạn xà ngầu trong phòng khách, có khi banh đụng vào tranh treo tường, đồng hồ, bình hoa. Mẹ năn nỉ mãi, xin bé “nhẹ chân”, bé không vâng lời. Mẹ phải mét bố. Bố thủ thỉ dặn dò, chỉ trỏ, đá nhẹ trái banh biểu diễn. Bé nhìn đâu đâu như không thèm chú ý lời bố, nhưng hiểu hết. Từ đó về sau, khi đá banh mạnh chân làm rung rinh đồ treo tường, bé sực nhớ, bèn “nhẹ chân”.

Đấy là những lúc mẹ bận làm việc nhà, giặt ủi áo quần, chùi bếp núc, hút bụi, nấu ăn, pha trộn bột sữa, may thêm áo quần cho bé ... Bé tinh ý lắm. Mẹ bận làm việc, bé để yên, chơi một mình. Khi thấy mẹ rảnh tay, bé chạy đến mẹ ngay, cầm tay mẹ kéo đi.

“Ủa, cục cưng của mẹ kéo mẹ đi đâu vậy?”

“Chơi.”

Nhưng cũng có vài trường hợp bé chịu vâng lời mẹ. Chẳng hạn lúc mẹ đang bận làm việc gì đó, trong phòng vắng vẻ, bé ì ạch kéo chiếc ghế đến bàn thờ, trèo lên ghế, đứng vói tay lấy chuông, mõ ra, bắt chước mẹ đánh cóc cóc, cheng cheng. Mẹ nghe tiếng đến với bé, rồi năn nỉ, rồi nghiêm mặt dặn dò đi, dặn dò lại, đừng lấy các thứ trên bàn thờ ra chơi nghe con, mang tội nặng lắm, thờ phụng phải nghiêm trang, “no, no” nghe, nhớ nhớ nhớ nghe. Từ đó, thỉnh thoảng bé cũng kéo ghế tới bàn thờ, nhưng chỉ đưa tay rờ, hoặc chu miệng thổi phù phù vào chuông, vào mõ, chứ không chơi trò lấy dùi “đánh chuông, gõ mõ”nữa.

Xong kéo ghế đi chỗ khác, tìm trò chơi khác. Nhưng với cái “remote control” bé dường như cho là không quan trọng mấy dù mẹ cũng dặn kỹ “no, no”, đừng lấy chơi, đừng lấy đập mạnh xuống mặt bàn, hư, gãy bây giờ. Mẹ bận việc, bé lấy cái remote chỉa vào TV bấm lia lịa. Bấm không ra hình, bé cầm chơi với cái remote một chốc, chán lại ném nó vào cái bàn nhỏ của bé. Mẹ rảnh tay đến xem chừng bé, thì bé tới lấy cái “remote” đưa cho mẹ, miệng cũng “no, no”, ý nói bé không được chơi với cái món này. 

Với thời gian, bé nói được hai tiếng, rồi ba tiếng. Nhưng bé biết nói hai tiếng “máy bay” từ thuở mới bốn, năm tháng tuổi. Nhà bố mẹ nằm ở một vị trí từ đó có thể thấy máy bay trên trời cao vạch thành đường thẳng chênh chếch từ núi ra biển. Để bé được thở không khí trong lành, mỗi ngày mẹ bồng bé ra bao lơn chơi một lần. Mẹ chỉ máy bay, thoạt tiên bé không thấy. Dần dần bé quen mắt nhìn xa, nghe tiếng máy bay xa, mẹ vừa chỉ cho bé vừa nói, “Máy bay”. Bé bập bẹ nói theo:

“Bai bai”, “bay bay”, “may bay”, và cuối cùng, sau một thời gian, “máy bay”.

Trong một chuyến đi xa, lúc đó bé mới năm tháng tuổi, được ngồi trong lòng máy bay nhưng bé không biết gì cả. Khi máy bay đã đáp xuống phi trường, mẹ bồng bé đưa lên cao để bé có thể nhìn cảnh vật bên ngoài qua cửa sổ. Thấy máy bay đậu chi chít, bé mừng rỡ la lớn:

“Máy bay, máy bay.”

Tiếng nói của bé chưa rõ. Thế là những hành khách ngồi cạnh, vài người Việt và hầu hết là người bản xứ, tỏ vẻ rất ngạc nhiên và vội vàng vẫy tay bye bye bé “đáp lễ”. Có người đứng dậy đến nhìn bé trìu mến, và nói nhỏ:

“Cám ơn baby, bye bye baby. Baby giỏi quá, đi đường dài thế này mà không nghe baby la khóc lần nào cả.”

Bé ngơ ngác nhìn lại. Bé chưa biết khóc mà. Bé cũng chưa biết sợ, chưa biết đau. Hồi mới hai, ba tháng tuổi được mẹ đưa đi chích ngừa, bé thản nhiên nhìn cây kim đâm vào cánh tay mủm mỉm, và nhìn cô y tá rồi nở ra một nụ cười “thiên thần”. Cô y tá mở tròn mắt nhìn lại.

Đó chỉ là dăm bảy câu chuyện nho nhỏ, vui vui giữa hai mẹ con mà thôi. Sao lại nói ra đây làm chi? Còn biết bao nhiêu chuyện khác nói sao cho xiết. Mà chuyện vụn vặt nào liên quan đến con cũng đi sâu vào lòng mẹ để trở thành một phần của đời sống của mẹ.


*

Thế đối với cha của bé? Bé thương bố cách khác, bố cũng thương bé vô cùng. Chiều nào đi làm việc về, bố cũng xách xe chở hai mẹ con đi chơi phố cho “thoáng”, ở nhà cả ngày nó “mụ” người đi, chữ dùng của bố. Hoặc đi chợ mua thức ăn cho những ngày hôm sau. Hoặc ra bãi biển, bé tha hồ chạy tung tăng, vọc cát, chơi với những con chim nhỏ chân dài mỏ dài như đã nói. Hoặc đùa giỡn với chim hải âu đậu từng bầy trên bãi cát. Thoạt tiên, thấy chim to và nhiều, bé sợ, đứng xa xa chỉ trỏ. Dần dần bé đánh bạo tiến đến gần, chim bay giạt đi, bé vui sướng. Hay đi vườn hoa cho bé trèo lên cầu tuột, đu xích đu. Trời lạnh thì đến các malls có máy sưởi để bé hết nhìn món này đến sờ thứ khác, hay vô thư viện cho bé tập nhìn những sách tranh ảnh.

Từ ngày có bé, mỗi cuối tuần cả nhà đều đi xa. Gặp “Cuối Tuần Dài”, cái gia đình bé nhỏ ấy dần dần đi khám phá, thăm viếng hầu hết các thị trấn, thắng cảnh quanh vùng. Bố chụp nhiều hình cho bé, cả nghìn cái, được làm nền bởi vô vàn cảnh vật, núi, sông, biển, sa mạc, vùng Nam California từ Los Angeles County đến San Diego County. Bé mới năm tháng tuổi đã được đi máy bay như đã nói, sau đấy bố còn mua vé máy bay đưa hai mẹ con đi thăm phía bên kia của nước Mỹ - Florida, Miami Beach, rồi Key West. Bố bảo bố muốn bé mới hơn một tuổi mà đã bay hết chiều ngang của lục địa rộng lớn này. Mẹ bảo bé còn nhỏ quá có biết gì đâu, bố trả lời nó chưa biết nhưng nó có thể “cảm thấy”, và sau này khi nó lớn lên, kể cho nó nghe, đưa hình cho nó xem, nó sẽ sung sướng vô cùng.

A, cái lối bố thương bé coi bộ “rộng lớn” hơn mẹ thương bé.

Có điều lạ là bố chưa bao giờ rầy la to tiếng hoặc đánh bé, thế mà bé luôn luôn vâng lời. Với mẹ, bé đã biết lì lợm, thoái thác, không vâng lời. Thì lúc nói “không”, lúc nói “no”.

“Trưa quá rồi, hơn 12 giờ rồi. Cưng của mẹ phải đi ngủ cho đúng giờ, đúng giấc, giữ gìn sức khoẻ. Con đi ngủ giùm cho mẹ. Mẹ thương.”

“ ‘No’ ngủ. Chơi.”

“Đưa cái kính cho mẹ cất. Con làm gãy bây giờ. Con đã làm gãy ba cái rồi. Đưa mẹ mau lên, mẹ không có tiền mua cái khác đâu. Con ngoan, mẹ thương.”

“’Không’ đưa. Đeo.” Rồi bé đeo ngược, đeo xuôi, rớt lên, rớt xuống.

Bé thích bắt chước người lớn. Chưa đến hai tuổi đã đòi uống cà phê, bia. Lẽ tất nhiên bố mẹ nhất định không cho. Mẹ nói bé nhỏ quá mà uống cà phê tim sẽ đập mạnh, đau; uống bia cảnh sát “police” sẽ hỏi giấy. Mẹ phải nói thêm chữ “Police” để bé quen nghe chữ đó, để dọa bé khi bé không vâng lời. Chẳng biết bé có hiểu mẹ nói gì không. Nhưng mẹ cứ nói, mẹ nói nhiều cho con nghe. Cũng như mua cho con nhiều món đồ con chưa tới tuổi dùng - quả địa cầu bằng nhựa đường kính gần bằng chiều cao của bé có đủ hình năm châu bốn biển, máy điện tử quay lên thì hiện ra từ chữ A đến chữ Z kèm theo bài hát trẻ con quen thuộc, chiếc xe uỉ đất xúc lên được những hòn bi nhựa ... Những thứ đó bé để lăn lóc, hoặc coi nó như trái banh, đá, đá. Chỉ có cái còi là bé thích nhất. Bé đút còi vào miệng thổi hoài nhưng không ra tiếng. Hơi của bé còn yếu. Lại chạy đến đưa mẹ thổi giùm, tuýt, tuýt, bé vỗ tay. Mẹ nói đó là cái tu huýt, và bảo bé lặp lại hai tiếng đó. Mẹ muốn nói với bé thật nhiều, bằng tiếng Việt, lại dùng những chữ rất “thôn quê”, mong khi bé lớn lên nhớ được năm ba chữ.

Lớn lên thêm, con sẽ được đến lớp mẫu giáo, rồi tiểu học ... sẽ nói toàn tiếng Anh, tập hát toàn những bài hát trẻ con Anh, Mỹ. Sẽ dần dần quên hết tiếng mẹ đẻ. Thì ngay bây giờ mẹ sẽ thử tập con hát những bài hát nhi đồng Việt Nam nhé, chẳng hạn:

Chiều nay em đi câu cá
Về cho má
Nấu canh chua
Ô kìa con cua
Đừng la lớn nó chui xuống hang
Đừng la lớn nó chui xuống hang

Là vì những bài hát thời thơ ấu sẽ ghi sâu vào trí nhớ của con người cho đến trọn đời. Mẹ mong khi con lớn lên vẫn còn nhớ nguồn gốc của mình, một chút thôi cũng được. Biết đâu con sẽ nhớ nhiều hơn. Bằng không, mẹ sợ lắm. Chẳng lẽ chỉ vì bố mẹ không thể và không thích sống với cái chế độ ấy, con của bố mẹ khi lớn lên sẽ biến thành một người Mỹ một trăm phần trăm, hoàn toàn dửng dưng đối với quê cha đất tổ? 

Chưa biết dùng muỗng bé đã đòi cầm cả đôi đũa để ăn cơm. Khều khều làm cơm đổ tùm lum. Bố mẹ ăn xong quả chuối, trái cam, trái quýt v.v... liền đem vỏ bỏ vào sọt rác. Thấy thế, bé giành làm việc đó. Mẹ có khi quên, tự mang bỏ vỏ vào thùng rác, bé nhất định đòi mẹ phải lấy ra, đưa cho bé, để bé bỏ. Bé chu đáo, hễ ném vỏ không lọt vào trong thùng, bé lượm lên ném lại một cách thích thú. Trò chơi mới của bé mà. Những lần đầu tiên, sau khi bỏ rác vào thùng, bé lại thò tay vào thùng móc rác ra chơi. Mẹ năn nỉ bé đừng ở dơ như thế, vi trùng dính vào đầy tay, ẹ lắm, sinh bịnh. Bé trả lời “No, no”. Mẹ phải cầu cứu bố. Bố bảo bé mới vâng lời, không chơi với rác rến nữa.


*

Nay mẹ phải xa con! Và bố con. Mẹ gọi điện thoại dặn cô ấy năm lần bảy lượt, cô ở xa quá mẹ không kịp tới tận nơi dặn dò tận mặt, cho cô biết những cái tật của con, thói quen của con, tánh tình của con, nói đi nói lại, cho đến nổi cô phát cáu, chị ơi, tôi cũng đã có con rồi, trước chị, cũng đã nuôi chúng nó lớn lên đâu vào đấy, chị khỏi lo, nếu chị còn nói mãi như thế này, tôi không dám giữ nó nữa đâu, chị chịu khó đi tìm nơi khác. Mẹ phải xin lỗi cô mỏi cả miệng cô mới chịu cho gởi.

Xa con đến một tháng trời. Và sau đó còn có biết bao nhiêu chuyện lôi thôi nữa mà mình chắc chắn biết trước nó sẽ xẩy ra, sẽ không ... sẽ không ... tiên liệu nổi. Ủa nói cái gì vậy? Sao tôi khổ đến thế này. Lạy Đức Phật trăm ngàn lạy, lạy Đức Quán Thế Âm Bồ Tát trăm ngàn lạy. Xin Ngài ra tay cứu vớt! Thầy giảng đừng mong cầu. Ngón tay chỉ mặt trăng không phải là trăng. Phải tự tu hành, phải tự cứu lấy, phải tự thắp đuốc lên mà đi. Nhưng con còn yếu đuối lắm. 

Những năm tháng không có tin tức gì về Hưng, không ngờ Trân xuất hiện. Trân nó còn trẻ hơn mình, thông minh, xinh đẹp, tự tin, sắc sảo. Tuy hơi cứng cỏi. Lại không luộm thuộm như mình. Nó đã nuôi nấng Hưng trong tù suốt mấy năm trời. Thuốc thang cứu cả mạng sống của Hưng. Công ơn lớn quá, cái công “cải tử hoàn sinh” mà ba lúc còn sống thường nói tới, thường bảo rằng không có gì đền đáp nổi.

Hơn nữa, tôi đâu thể trách cô được. Tôi không ghen tương, cũng không phân bì, đố kỵ. Vì mãi đến bây giờ cô cũng chưa biết Hưng đã có vợ là tôi, và ảnh đã đánh lừa cô. Mà anh cố tình đánh lừa hay anh bị dồn vào cái thế phải nói láo, làm bậy? Anh lâm vào một hoàn cảnh quá đặc biệt, phải không anh? Người khác ở cùng một hoàn cảnh như thế có lẽ cũng không thể làm khác. Chưa chắc! Mỗi người mỗi khác. Mỗi người là một vũ trụ chứa đầy bí mật. Có thể nào qua Vạn lý ... Ô, mình lại nhớ ông nhà thơ đó rồi, mơ theo trăng và vơ vẩn ... Thi sỹ thì giàu tưởng tượng, chân đi hỏng đất. Mình phải có trí tuệ, phải trở lại với chánh niệm, Thầy thường giảng như thế.

Nhưng có một điều chắc chắn là cô hoàn toàn vô can. Thôi, cô hãy về với anh ấy, tôi là người phải ra đi. Phải biết rời bỏ, buông thả. Đừng vướng mắc nữa, thêm phiền não.

Bây giờ phải viết cho anh một lá thư ngắn trước khi lên máy bay. Biết viết làm sao cho hai người hiểu thấu lòng mình? Đừng thắc mắc, ngại ngùng gì nhé, hãy an tâm hưởng hạnh phúc bên nhau. Viết thế nào đây? Anh ơi, em đã biết hết mọi chuyện giữa cô Trân và anh rồi. Cô ấy rất xứng đáng là vợ anh. Em sẽ thu xếp lại cuộc đời riêng của em. Theo luật lệ bên này, em sẽ được giữ thằng Quốc. Khỏi cần kiện tụng lôi thôi, miễn là em được nuôi thằng bé.

Anh ơi, em thương nó vô cùng, thương nó hơn thương anh, hơn thương chính bản thân em. Không có nó, em sẽ không sống nổi. Em không oán ghét anh đâu. Không có anh, em sẽ khổ, nó cũng sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Nhưng còn có cách giải quyết nào khác nữa? Anh bằng lòng nhé. Tháng sau trở lại Mỹ em sẽ tới bồng nó đi theo em. Ở Mỹ, không ai chết đói cả. Hơn nữa, em biết nhiều nơi cần vú em, nhiều nhà có con còn nhỏ như bé. Em sẽ mang bé tới đó để vừa nuôi con họ vừa nuôi con mình. Nó sẽ nên người. Ở cái nước sung sướng, giàu có, tự do này, nó sẽ không phải trải qua những nỗi khổ mà anh và em từng chịu đựng từ khi ra đời cho đến nay. Này anh, nghĩ đến điều đó, bây giờ em cảm thấy có phần yên tâm. Vâng, Quốc sẽ sung sướng, anh đừng lo. Thôi nhé, xin chào anh.


*

“Máy bay, máy bay.” Bé reo lên sung sướng khi xe vừa đến phi trường.

“Hôm nay,” bố nói, “mẹ sẽ được đi máy bay một mình. Hai bố con mình tiễn đưa mẹ xong rồi về nhà mình nhe.”

Bé dường như hiểu lơ mơ, trả lời:

“No, no.”

Mẹ tiếp:

“Quốc ơi, con đừng ‘no, no’ nữa. Con ngoan mẹ thương. Mẹ về đám Bà chỉ một tháng thôi, rồi mẹ trở lại với con.” Nói trong nước mắt. “Hai mẹ con mình sẽ luôn luôn có nhau. Ở Mỹ không ai đói, không ai rách, không ai bịnh, đâu mà sợ.”

“Ủa, em nói cái chi vậy? Với lại nó có hiểu gì đâu.”

Diệp nén tiếng thở dài:

“Xa nó, xa anh, em buồn. Em nói lung tung cho có nói. Thôi, em không nói nữa là yên chuyện.”

Đậu xe xong, Hưng một tay bồng bé, một tay kéo cái va-li của Diệp, đi nhanh qua phía nhà ga dành cho những chuyến bay quốc tế. Diệp vai mang túi xách cá nhân rảo bước đi theo. Sau khi trình vé máy bay, cân hành lý, Hưng thở ra nhẹ nhõm nói với Diệp:

“Anh cứ sợ trễ. Em trằn trọc suốt đêm, làm anh mất ngủ lây. Sáng thiếp đi không nghe đồng hồ reo, may không bị kẹt xe. Mà có gì làm em lo lắng đến thế.”

“Vâng, em có cái tật hay lo. Ngày thường anh đi làm, em ở nhà cũng hay lo. Anh thấy em vô lý, vô nghĩa hay không? Nhưng mà lý nghĩa mghĩa lý để làm gì cho mệt. Lo thì cứ việc lo.”

Hưng ngắt lời:

“Em lại bắt đầu dài dòng. Vắn tắt đi. Anh đi làm thì em lo cái gì?”

“Thôi em không muốn nói nữa, mà anh cứ muốn em nói. Anh khó chịu lắm. Mà không nói bây giờ, khi nào mới nói. Chẳng hạn lo con bò trắng răng, lo anh lái xe dọc đường, dù anh lái cẩn thận, người ta chạy ẩu, rủi có gì. Huống là hôm nay em đi, để anh một mình lái xe về nhà với bé mà đường thì xa. Rồi còn lắm chuyện anh phải giải quyết nữa.”

“Em yên tâm.” Hưng chau mày liếc mắt nhìn Diệp, ngập ngừng. “Còn có chuyện gì cần giải quyết nữa đâu.”

“Thế à? Thật không đấy? Anh giả đò hay ghê. Ô, em suýt quên. Bé ngồi trong car seat ở ghế sau, anh phải luôn luôn trông chừng. Bé có thể mở dây an toàn chơi. Bé nghịch lắm.”

“Được rồi. Còn gì nữa không, em?”

“À, còn chuyện này nữa, lại suýt quên. Em như người mất hồn. Anh biết tại sao không? Tại vì ... tại vì ... Thôi, nói thế đủ rồi. Về nhớ coi cái thư để trên nóc tủ lạnh nghe anh. Thư quan trọng lắm đấy, phải đọc ngay.”

“Thư ai vậy?”

“Chiều hôm qua lấy thư, em vội không để ý. Nhớ cái thư nghe anh.”

“Em nói nghe tức như bò đá. Vội không để ý mà biết là nó quan trọng lắm!”

“Ô, em nói trật rồi. Xin cho qua.”


*

Đông người quá nhưng bố cũng phải để bé xuống đất. Cánh tay bé được bố nắm chặt trong khi bé thì chỉ muốn vùng ra khỏi tay bố để chạy tung tăng. Bé rất thích chỗ đông người. Đến hơn một tuổi rưỡi, bé vẫn chưa có thói quen đi, chỉ biết hở ra là chạy. Cho nên bé rất khó chịu phải đi chầm chậm tay bị bố nắm chặt. Cũng chưa biết khóc. Trong đám đông, bé cười luôn miệng, vui quá mà. Đôi khi đưa bàn tay nhỏ xíu vẫy chào người nọ, người kia. Nhiều người cúi mình xuống thấp nhìn bé cười lớn, bé đứng không tới ngang bụng người ta, chào lại bé. Chỉ một khoảnh khắc ngắn, bố mẹ và bé đã đi dần tới cửa cách ly. Chỉ người có vé máy bay mới được cho qua cửa đó.

Hưng một tay nắm lấy vai Diệp, bóp mạnh, tay kia vẫn nắm bé chặt, nói nhỏ:

“Em giữ gìn sức khỏe.”

“Thôi em đi nghe. Quốc, mẹ đi.”

Diệp trình giấy tờ và đi nhanh qua cửa gác. Bổng bé bất ngờ giật mạnh tay ra khỏi nắm tay của bố, chạy theo mẹ. Người đứng kiểm soát to cao tại cửa lom khom lưng đuổi theo bé để giữ bé lại, nhưng vồ hai ba lần đều trật. Bé vừa quá thấp vừa rất lanh lẹ, lại biết ẹo người, nghiêng mình, chùn vai qua trái, qua phải, né tránh. Mọi người quanh đấy cười ồ. Mẹ quay người lại, bồng bé lên, mang bé trở lại cửa và đưa qua cho bố bồng.

Hưng có vẻ bất mãn:

“Em hôm nay sao lạ thiệt! Không hôn từ giã anh đã đành, không quen hôn anh trước mặt người khác, thì ít nhất cũng phải mi bé một cái chứ.”

“Không mi ... không miếc gì cả.” Diệp trả lời, nghẹn ngào.

“Nhưng tại sao?”

“Không tại sao cả.”

Hưng bực mình, nói rít qua hàm răng:

“Em mà không chịu nói rõ, anh sẽ, anh sẽ ...”

Diệp ngập ngừng:

“Em biết tính nó lắm. Hôn nó rồi bỏ đi, mà lại đi lâu, ... nó nhớ. Thà đừng hôn, nó đỡ nhớ... Em mong nó quên, không vướng mắc ... Tạm quên ... Em không muốn nó khổ.”

Nói xong Diệp quay người bước đi nhanh, vẫy tay chào, nhưng cũng không kịp giấu hai hàng nước mắt.

Hưng đứng nhìn theo Diệp. Anh mong Diệp quay người lại vẫy tay chào một lần nữa trước khi đi lẫn vào đám người chen chúc. Anh lắc đầu, thở dài. Rồi anh bồng con đến chỗ xe đậu. Nó vùng vẫy trên tay bố gọi mẹ, mẹ. Bố bảo mẹ lên máy bay rồi, một tháng nữa về. Nó lặp lại “Mẹ máy bay”. Vào trong xe, ngồi trong car seat ở hàng ghế sau, trên con đường dài về nhà, bé bặp bẹ nhiều lần “Mẹ máy bay” cho đến khi ngủ thiếp. 


*

Bồng bé vào giường, cổi giày cổi vớ bé ra vất đại xuống sàn nhà, nhè nhẹ đặt đầu bé lên chiếc gối nhỏ, đắp cho nó chiếc mền len của nó che kín từ ngực đến chân, xong anh đứng lặng người nhìn bé một chốc khá lâu. Lần đầu tiên bố thay mẹ đắp mền cho con ngủ đây nhe, con ngủ cho ngon nhe, anh nói lên thành tiếng. Bỗng thấy lòng rào rạt dâng lên một thứ tình cảm mới mẻ, trìu mến. Bé cựa mình, mở con mắt mơ màng như có đám sương trắng che phủ, miệng mấp máy, rồi hai hàng lông mi trên, mi dưới khép lại đan vào nhau thành hai vệt đen xinh xắn dưới cặp lông mày cong cong bên trên. Cả khuôn mặt tỏa ra một vùng ánh sáng dịu dàng. Thế là bé ngủ tiếp, tiếng thở êm êm, đều đều.

Hưng đến tủ lạnh vói tay lên nóc tìm thấy ngay lá thư. Anh đứng đọc lá thư nhiều lần dù chỉ có mấy dòng. Anh ngồi ngẩn ngơ.

Quá khứ hiện về rõ nét như khúc phim ngắn quay lại. Được ra tù, anh phân vân không biết nên ra Huế tìm Diệp ngay hay tới Trân trước. Ơn nghĩa của Trân lớn lao quá. Và anh cũng đã thông báo cho Trân biết vào khoảng tháng Chín anh về, chưa có ngày chính xác. “Cách Mạng” không bao giờ cho biết ngày chính xác. Không có chuyện người nhà lên Trại Tù đón tù về. Thì cứ hãy đến Trân rồi sẽ liệu tính chuyện khác sau.

Trong thời gian hơn một tuần lễ sống với gia đình của Trân, lòng anh như lửa đốt. Anh lơ đãng bàn với Trân về chuyện đám cưới “chụp giật”. Anh muốn về quê ngay nhưng không biết nói năng với Trân thế nào cho cô ta khỏi buồn lòng. Thì may thay anh được tin một người bạn sẽ tổ chức vượt biên tại Phan Rí. Anh cho Trân biết, cô tán đồng dù không đi được cả hai. Ở đây, Trân nói, chết cả lũ. Một người thoát, sẽ cứu những người còn lại. Nhưng anh không ra Phan Rí ngay như đã nói với Trân. Anh nói dối. Anh nhớ người vợ mới cưới ở quê nhà không được bao lâu thì hoàn cảnh bắt phải xa nhau, và tất cả mọi thứ đều sụp đổ. Nay phải tìm về quê cũ xem sao đã. Và anh gặp lại. Rồi cùng Diệp vượt biên. Vào thời kỳ ấy, hễ có dịp đào thoát là phải đi ngay, không ai chờ ai, may sống, rủi chết. Anh ra đi mà lòng vẫn canh cánh nhớ Trân không chút nào nguôi.


Không chờ bé ngủ cho đẫy giấc, anh đánh thức bé dậy, chở bé đến Trân, mang theo lá thư của Diệp đưa cho Trân đọc. Vì anh không biết xử trí ra làm sao cả. Anh biết Trân là người cứng cỏi, quả cảm, thử để Trân quyết định theo chiều hướng nào. Rồi tính sau.

Đọc thư xong, Trân ném mạnh lá thư xuống bàn, đanh mặt lại:

“Thế ra anh đã đánh lừa tôi suốt mấy năm nay.”

“Trong hoàn cảnh của anh... Mà thôi, anh biết anh hoàn toàn có lỗi. Anh phải nói cái gì đây? Xin em tha thứ.”

“Anh phá đời tôi, bây giờ xin em tha thứ! Nói nghe lạ quá, dễ quá. Anh nghĩ rằng mọi chuyện cứ thế sẽ êm trôi? Và tôi sẽ chùng lén gặp anh?”

“...”

“Tôi cũng dễ bị lừa thật. Qua đến đây vẫn còn u mê để bị sập bẫy thêm.”

Hưng ôn tồn tiếp lời:

“Vậy anh phải làm gi? Em muốn anh làm gì?”

Trân nổi nóng, cao giọng:

“Anh thách tôi hả?”

“...”

“A, còn điều này nữa, anh hãy nhắc lại đi. Ghê gớm thật! Anh hiện đang ở trọ với mấy người bạn? Cuối tuần làm giờ phụ trội? Để dành tiền mua nhà?”

“...”

“Lại thêm cái thằng nhỏ này nữa!”

“Xin em. Xin em đặt đứa bé này ra ngoài ... chuyện của em và anh. Anh van em. Nó vô tội, vô can. Hơn nữa ...”

“Hơn nữa cái gì?”

“Hơn nữa nó ngoan ngoãn và hồn nhiên. Tội nghiệp nó. Anh thương nó vô cùng.”

Trân gằn giọng:

“Anh nói nghe thật buồn cười. Trẻ con nào lại không hồn nhiên, vô tội? Chỉ có người lớn mới giở hết trò này đến trò khác để hại người.”

Nói xong, Trân ngồi im. Hưng cũng không nói một lời. Bé thu mình ngồi yên trong lòng bố nhìn ngơ ngác. Sau một chốc, anh cau mày, lạnh lùng lên tiếng:

“Cô còn muốn nói gì nữa?”

Hưng nhìn thẳng ra cửa, dợm mình đứng dậy, hai tay nâng bé lên, như muốn bỏ đi. Bỗng Trân đổi thái độ, mỉm cười với bé. Anh lại từ từ ngồi xuống ghế, lấy tay vỗ nhẹ trên má của bé trong lúc nó mở to mắt nhìn bố rồi nhìn Trân. Trước đó, nó không bao giờ chịu ngồi lâu như thế. Cái không khí lạ lùng giữa một người đàn bà không phải là mẹ mình và cha mình khiến cho bé kinh ngạc không dám rời khỏi vòng tay bố ôm chăng. Trân nói nhỏ nhẹ với bé:

“Bé tên chi?”

“Quốc.”

“Bé mấy tuổi?”

“Một tuổi.”

Trân nhìn Hưng như muốn hỏi. Anh vội đáp:

“Bé hơn một tuổi rưỡi, nhưng nó nói dài như thế chưa được nên nói một tuổi. Bé biết nói hơi chậm. Chơi và phá thì sớm lắm.”

Trân tiếp tục hỏi bé:

“Bé thương cô không?”

“Thương”

“Thương nhiều không?”

“Biết.”

Hình như sự có mặt của bé dần dần khiến cho câu chuyện giữa hai người bớt gay go, căng thẳng. Trân lại quay mặt nhìn Hưng như muốn hỏi bé định nói gì. Anh đáp:

“Bé nói ‘biết’ có nghĩa là ‘không biết’. Nói ‘có’ có nghĩa là ‘không có’.”

Trân lại vui vẻ hỏi bé câu hỏi cũ:

“Bé thương cô nhiều không?”

Bé lơ đãng nhìn nơi khác trả lời:

“Biết.”

Trân cúi mặt nói:

“Hôm nay anh đem nó đến đây làm gì vậy? A, tôi hiểu rồi, ở nhà không còn ai nên đi đâu cũng phải đèo nó theo.”

Hưng vội vàng đáp:

“Vâng. Diệp vừa mới đi về Việt Nam.”

“... Rồi sẽ đem gởi cháu bé tại nhà một người em họ, phải không?”

Hưng ngạc nhiên trố mắt nhìn Trân:

“Đúng thế. Sao cô biết, sao em biết?”

“Cái gì tôi cũng biết.”

Hưng mỉm cười:

“Nhà cô ấy cũng hơi xa, hơn ...”

“Anh khỏi nói tiếp,” Trân ngắt lời. “Hơn một tiếng.”

Nói xong, Trân đứng dậy khỏi ghế, nhìn xuống đất, vừa đi vừa nói ngập ngừng:

“Phải chờ chị ấy, chị ... chị Diệp, từ Việt Nam trở về, rồi mới có thể tính tiếp chuyện khác. Chị ấy cũng ... anh hồi nãy nói cái gì đó ... cũng vô tội, vô can? Phải rồi, chị có lỗi gì đâu. Bây giờ thì ... tôi đề nghị như thế này ...”

“Vâng, anh đang nghe.”

“Anh khỏi phải đi xa. Cô em họ của anh ở vùng nào? Thôi, tôi không cần biết. Thế này này, mỗi sáng trước khi đến sở làm, anh tới đây đón tôi về nhà anh. Có lẽ khi đến đây anh cũng phải chở bé theo như hôm nay. Để bé ở nhà một mình đâu được. Chiều đi làm về, anh về nhà anh, mang tôi và bé trở lại đây. Rồi chở bé về. Nói như vậy là rõ ràng rồi chứ.”

“Nghĩa là?”

“Nghĩa là tôi sẽ trông bé mỗi ngày khi anh vắng mặt. Khi mẹ nó về Việt Nam.”

Hưng ngẩn người, không tin ở tai của mình. Trân lặng lẽ tiếp:

“Một tháng sẽ qua mau.”


*

Trân lẩm bẩm cái thằng nhỏ này trông cũng hay hay. Tao thế mẹ mày đây. Mẹ mày một tháng nữa mới về với mày. Liệu mà khóc nhè đấy nhé, tao không ưa đâu. Ô, cái thằng này chả biết lạ quen gì cả hả? Không biết sợ hả? Cô nghiêm giọng:

“Quốc, tới đây!”

Bé vẫn ngồi yên trên chiếc ghế thấp đặt trước cái bàn thấp của nó. Bố mẹ mua cho nó bộ bàn ghế bằng nhựa nho nhỏ gồm một bàn tròn và bốn ghế có dựa lưng. Một bình hoa giả, chùm hoa dính liền với bình, nằm dài ở góc bàn. Bỗng bé đứng dậy, chạy vào phòng ngủ của mẹ tìm tòi một chốc, rồi lấy ra một trái banh nhựa chơi một mình. Nó đá trái banh nhắm vào bộ bàn ghế. Trái banh đi xéo. Nó lượm banh để trước mặt đá lại. Hai ba cái ghế ngã nghiêng, bình hoa lăn hẳn xuống sàn nhà. Nó tới dựng một cái ghế dậy, lấy banh đá tiếp.

“Quốc, tới đây! Tao không giỡn đâu.” Trân lớn tiếng.

Bé ngừng chơi ngơ ngác đứng yên ngó. Trân tiến đến nắm mạnh tay bé kéo tới bộ xa - lông đặt sát tường. Trân ngồi trên chiếc ghế dựa, bé đứng trước mặt cô. Cô quan sát bé. Mày dài, mắt to, sáng. Ô, hai hàng mi và cái miệng xinh quá. Mũi khá cao, tai to, dày. Mới hơn một tuổi rưỡi mà cao như con nít ba tuổi. Lớn lên có làm khổ con gái người ta không đấy? Nhưng mà coi hai cái đầu gối kìa, đầu gối nào cũng có vài vết sẹo vừa kéo da non. Thằng này chắc nghịch lắm, chạy té hoài mà không “ê càng” chứ gì.

“Bé tên chi?”

“Quốc.”

“Thương cô không?”

“Biết.”

“Không được nói vậy. Nói thương hay không thương, nghe chưa!”

Bé quay lưng chạy nhanh vào phòng ngủ của mẹ. Lại kiếm đồ chơi. Hầu hết đồ chơi của bé được cho vào một cái thùng lớn để trong một phòng đựng áo quần, nhưng không hiểu sao bé chưa tới đó lục lọi. Thì thấy chiếc gối trên đầu nằm giường của mẹ, bé ôm vào lòng một chốc, rồi ném xuống đất, rồi kéo lê chiếc gối chạy quanh quẩn trong phòng. Bé tìm được cái “remote”, tức là cái “no, no”, mẹ giấu trong túi áo len, bấm loạn xạ vào TV nhưng không hiện lên hình ảnh nào cả.

Nếu có mẹ, bé sẽ đòi mẹ cho coi “caillou trọc đầu”, hoặc “dinosaur”, hoặc “con chó đỏ bự”, hoặc “đoàn xe lửa”, hoặc “bầy ngựa trắng”, vân vân. Cho nên bé đành phải quăng cái “no, no” vào rổ đựng áo quần của bé vừa thay sáng nay trước khi bố chở mẹ và bé ra phi trường. Lục được hộp son phấn của mẹ, bé thích quá. Bé lấy thỏi son bắt chước mẹ bôi vào miệng, rồi bôi thêm vào mặt, vào mắt. Cay quá chảy nước mắt, nhểu nước miếng. Phải tìm trò chơi khác. Bé cố trèo, đứng lên được trên thành đầu giường, nếu có mẹ, mẹ cấm leo trèo như thế, lỡ té u đầu sứt trán, mẹ nói. Bé níu được song cửa sổ, vói tay lấy cuốn lịch treo tường, tiện thể vớ vào khung hình trong đó có hình bố mẹ chụp với bé khi bé tròn một tuổi rưỡi. Mới đây thôi. Khung hình rớt xuống cái rầm. Cô Trân ở phòng ngoài nghe tiếng động bước vào nhìn bé chằm chằm. Rồi gằn giọng nói:

“A, cái thằng này phá phách quá. Làm rớt đồ lung tung. Coi cái mặt kìa.”

Bé đứng yên không dám nhúc nhích. Cô xếp lại các món đồ vung vãi vào hộp đựng son phấn, treo lại tấm lịch và khung hình vào chỗ cũ, xong đâu đấy cô lại nhìn bé nghiêm giọng:

“Ta sẽ có cách trị.”

Cô đã đi ra khỏi phòng khá lâu mà bé vẫn còn đứng nép bên cạnh giường mẹ. Lần đầu tiên cặp chân luôn luôn ngứa ngáy đó chịu đứng yên dù không ai có mặt ở đó để “kiềm chế” bé. Đứng lâu quá, bé mệt, trèo lên giường, nằm đùa chơi với cái hộp đựng kính mát của mẹ để quên dưới tấm khăn lông, mở hộp ra, đóng hộp lại, nghe tiếng kêu tách tách mãi đến chán chê. Và bé ngủ thiếp một giấc thật lâu. 


*

Hưng sốt ruột xin phép Hãng cho về sớm. Trước kia, khi xe anh vừa về tới sân trước, anh đã thấy Diệp và bé đứng chờ bên cửa lớn đã mở sẵn. Hai mẹ con nghe tiếng máy xe nổ là biết ngay. Anh cho xe vào chỗ đậu. Anh vừa mở cửa xe bước ra thì bé liền thả tay mẹ ra, chạy nhanh đến bố, nhảy vào hai cánh tay bố đang đưa ra đón lấy. Nay cửa đóng ỉm im. Anh gõ cửa. Trân không chịu mở cửa ngay. Anh chờ một chốc, gõ lần thứ hai. Trân mở cửa ra, lạnh lùng hỏi:

“Vể sớm?”

“Anh sốt ruột xin về sớm. Thằng nhỏ đâu em?”

“Ngủ.”

“Anh quên dặn em mỗi ngày cho nó hai bầu sữa thôi. Em đỡ nhọc công.”

“Đủ no không?”

Anh vui vẻ trả lời:

“Thì ngoài ra mình ăn cái gì cho nó ăn cái ấy nếu nó đói, nó đòi. Không cần ăn cháo. Ăn cơm chan nước canh, nước thịt. Có cá thì chịu khó lấy cho hết xương. Hoặc ăn chuối, cam, bánh, đậu phụng rang, hột điều, chips. Cái gì bé cũng ăn được. Giấy mà nó còn không chừa, nữa là.”

“Ăn lúc nào?”

“Bất cứ lúc nào nó đòi.”

“Giờ nào cho nó ngủ?”

Hưng vui vẻ đáp:

“Thằng này ham chơi lắm. Chơi chán nó mới chịu đi ngủ. Mẹ nó biết ru, biết hò, mà cũng phải dỗ lâu nó mới ngủ. Còn anh thì chịu thua, không tài nào dỗ bé ngủ được. Thấy anh, bé bày chuyện chơi hết trò này đến trò khác. Em khỏi lo. Ngày bé ham chơi, tối ngủ nhiều bù.”

Trân bĩu môi:

“Đúng là như thú vật. Mà thú vật trên rừng chứ không phải gia súc, gia cầm.”

Hưng cau mày khó chịu, cười gượng gạo:

“Em nói đúng. Diệp và anh thương nó quá, chiều nó quá, nó hư.”

“Không phải thế là thương. Sẽ có hại cho nó khi nó lớn lên. Tôi sẽ có cách.”

“Còn chuyện này nữa, bé thèm kẹo lắm, nhưng không dám cho nó ăn nhiều chất ngọt. Mỗi ngày cho nó hai cục thôi. Ăn hết cục thứ nhất bé sẽ đòi thêm cục thứ hai ngay, tức là cục cuối. Hộp kẹo anh giấu trên nóc tủ lạnh, sợ bé thấy, đòi.”

Nghe tiếng nói lao xao của bố ngoài kia, bé vùng dậy trụt thật lẹ xuống giường, chạy cái vèo ra phòng khách. Nhảy gọn vào hai cánh tay đang đưa ra của bố, bé nói lắp bắp:

“Sữa, bánh, chuối.”

Bé đói bụng quá rồi, anh thầm nghĩ. Anh định đi làm sữa nhưng Trân đòi về ngay. Anh liền mở tủ lạnh lấy cho bé ba bốn cái bánh “Lu”, rồi bồng bé lên, và cùng Trân ra xe. Vừa đi Trân vừa hỏi thêm:

“Khi nào nó ... ỉa?”

“Cũng bất thường. Tùy cái bụng của bé.”



Một ngày sau đó.

“Đòi kẹo hả?”

“Một cái.”

Cầm kẹo trong tay, bé chạy ra phòng khách đá cái bàn nhỏ một phát lăn cù, rồi đứng lại bóc kẹo cho vào miệng. Xong xuôi, bé chạy vào nhà bếp ném giấy gói kẹo vào thùng rác. Bé lắc xắc, giấy lọt ra ngoài, bé ngồi xuống lượm miếng giấy ném lại vào thùng. Lần này được. Bé ăn kẹo mau quá. Hình như bé không ngậm, nút, mà nhai kẹo nghe rạo rạo rồi nuốt cái ực. Bé chạy tới cô nói:

“Kẹo, cái cuối.”

“Ừ, cái cuối. Nhớ đấy.”

Lần này bé ăn chậm hơn. Chạy nhanh vào nhà bếp, ném giấy gói kẹo vào thùng rác. Xong bé lại chạy vào phòng mẹ tìm đầu xe lửa đẩy lui đẩy tới trên mép giường. Bé hay chạy vào phòng mẹ. Có lẽ bé nghĩ rằng cứ chạy đại vào đó biết đâu có mẹ, và nếu có, bé sẽ cầm tay mẹ rủ đi chơi với bé. Bé chưa bao giờ cầm tay cô trước. Chưa dám chăng. Nghe tiếng cô lục đục gì đó ở nhà bếp, bé chạy tới cô, nói:

“Cái cuối.”

“Cái thằng này lưu manh ... như cha nó. Ta phải dạy. Ê, hết cuối rồi. Còn đòi nữa sẽ biết tay ta.”

Bé nhìn ngơ ngác. Lại chạy ra phòng khách lấy con cá sấu dùng như cái chày đánh vào trái banh nhựa. Chơi trò này chán, bé xếp bốn cái ghế nhỏ chồng lên nhau. Rồi đá một phát mạnh vào chồng ghế. Bé thích đá lắm. Thỉnh thoảng hai bàn chân của bé bị trầy trụa, mẹ dán band- aid vào. Mẹ đã từng thủ thỉ nói ráng tập đá banh đi con, đá cho hay, lớn lên làm ngôi sao đá banh kiếm tiền nuôi vợ. Nhưng bây giờ đá nhẹ kẻo đau chân. Nghe mẹ nói thế, có lẽ bé chẳng hiểu gì mấy, có lẽ chỉ biết đá là không bị rầy la. Thế là đá càng mạnh, không biết đau chân là gì. Lại chán chạy đến cô nói:

“Cai du, na xo, con chó bự.”

Cô không hiểu. Bé chỉ cô cái “remote” để trên bàn phấn, rồi nói:

“No, no”.

Cô cũng không hiểu. Cuối cùng bé nói nhỏ:

“Cái cuối.”

Cô Trân chau mày hỏi gằn:

“Cái gì? Cái gi?”

Bé khựng người lại, ngơ ngác, lại nói:

“Cái cuối.”

Cô đập bàn, hét to:

“Đừng có lưu manh!”

Bé giật bắn người. Lần đầu tiên bé giật mình. Cô cầm chặt tay bé, dẫn bé tới đứng sát tường, bảo bé úp mặt vào tường đứng im. Bé không hiểu. Cô vừa buông tay, bé chạy nhanh vào phòng mẹ. Cô không đuổi theo, đứng tại chỗ, mặt đanh lại, nghiêm giọng ra lệnh:

“Này, mày có tới đây không?”

Bé ngơ ngác ngó rồi đi lần lần từng bước một đến cô. Cô chỉ vào tường. Bé khá sáng dạ, tới nhanh, vô ý cụng đầu vào tường nghe cái bộp, và đứng yên. Khoảng mươi phút sau, cô bảo:

“Thôi. Đủ rồi.”

Bé không hiểu tiếp tục đứng. Cô bước tới kéo bé đến gần dặn dò:

“Đứng như vậy đủ rồi. Này, này, cô cho bé một bầu sữa buổi sáng. 12 giờ ăn trưa, xong đi ngủ. Ngủ dậy cho một bầu sữa buổi chiều. Ngày hai lần như lời cha mày dặn. Biết không?”

Bé im lặng. Có lẽ chẳng hiểu gì. Cô đưa tay làm dấu bảo bé đi chỗ khác, bé hiểu ngay. Chạy tới bàn ăn trèo lên thò tay định bẻ một trái chuối. Bé đói bụng quá rồi. Cô lớn giọng:

“Muốn ăn thì chỉ, để cô lấy. Không được tự động lấy. Hiểu chưa?”

Cô bẻ một trái chuối đưa bé. Bé biết lột chuối, ăn hơn nửa trái, phần còn lại bé ném xuống mặt bàn, vỏ thì mang bỏ vào thùng rác. Cô nạt lớn:

“Ăn phải ăn cho hết. Không được lột ra rồi bỏ mứa! Dơ!”

Bé hoảng hốt chạy đến bên tường ngơ ngác đứng chờ. Bé có trí nhớ tốt. Có lẽ bé định đứng úp mặt vào tường. Cô la:

“Không phải. Tới lấy chuối ăn cho hết.”

Bé rất thông minh, hiểu ngay, chạy tới lấy phần chuối còn lại đun một cái hết vào miệng. Cô đi bắc nước làm sữa cho bé, miệng lầm bầm:

“Chắc mày đang oán tao lắm. Nhưng ... ba mày không ra gì. Rồi tự nhiên tao phải tử tế với mày? Phải hầu hạ mày?” 

Như mọi khi, hễ gặp chuyện “khó xử” bé chạy vào phòng mẹ đứng ngó ngơ ngác một hồi. Lần này bé cũng vào phòng mẹ, đến bên giường, kéo lê bàn tay tí hon lên trên nệm, hai chân đi thoăn thoắt lui lui, tới tới. Bé bắt đầu bỏ thói quen chạy. Bé cũng bỏ thói quen cười, và rất ít nói. Cô mang sữa vào, bé mừng rỡ cầm lấy bình sữa, trèo lên giường mẹ, nằm xuống đưa bình vào miệng, bú. Bé bú mau hết, không dám gọi thêm, bú khan kêu chột chột, mỏi miệng nằm yên, rồi ngủ lúc nào không hay.

12 giờ trưa cô vào thức bé dậy ăn cơm. Bị phá giấc ngủ, bé không kè nhè. Cô đặt một chén cơm nhỏ có chan nước thịt trước mặt bé, định đút cơm cho bé. Bé giành cái muỗng tự đút ăn lấy. Bé không dám giành đũa của cô như trước kia giành đũa của mẹ. Nhưng bé ăn không hết, lại làm đổ cơm lên bàn, muốn bỏ chạy. Cô lấy muỗng lùa cơm trên bàn vào chén của bé, bắt bé phải ăn tiếp cho hết cơm mới được đi chơi. Bé liền cầm muỗng xúc cơm một cách vụng về cho vào miệng, vẫn làm đổ cơm xuống chiếc ghế cao của bé. Cô quắt mắt. Bé cúi mặt. Cô lấy muỗng khác xúc cơm đút cho bé, bé vội vã hả to miệng, nhai nhanh, nuốt nhanh. Hết mau. Ăn xong, chưa biết làm gì, bé chạy đại đến cửa sổ nhìn ra ngoài, tình cờ thấy một chiếc máy bay bay ngang trên bầu trời. Bé quay người chạy nhanh tới cô miệng bập bẹ, “Mẹ, máy ...” Cô hỏi to nói cái gì. Bé bỗng khựng lại không nói tiếp. Mặt mày ngơ ngác. Từ đó bé không bập bẹ tập nói nữa. 

Sau bữa cơm trưa im lặng, cô nghiêm giọng bảo bé đi ngủ, không được chạy tới cửa sổ nữa. Bé hiểu, mừng rỡ chạy nhanh vào giường mẹ. Cô cũng bước nhanh theo sát sau lưng bé, xem bé có vâng lời không. Bé nhanh nhẹn trèo lên giường. Bé nằm ngay xuống, xeo xéo một góc cái giường rộng thênh thang. Trời lạnh, cô đẩy cái mền lại gần bé. Bé vẫn nằm yên. Cô đứng ngó phân vân. Rồi cô tới đắp mền lên cho bé. Xong, cô đi ra phòng khách, mở TV coi.

Hơn một giờ sau cô bước nhè nhẹ vô phòng ngủ trông chừng, thấy bé nằm yên, hai con mắt trong veo và xanh biếc như mắt mèo Xiêm chăm chú nhìn ra cửa sổ. Cô tò mò nhìn đôi mắt trẻ con, đôi mắt của bé. Nó thanh thoát và êm ái lạ thường. Nhưng hình như không phải chỉ có thế. Hình như nó có gợn một chút gì khó hiểu. Hoang mang? “Suy tư”? Hình như nó có vương một chút buồn, nỗi buồn không tên. Ôi dào, lại giàu tưởng tượng rồi? Con nít mà “buồn bã”, “suy tư” cái nỗi gì! Mẹ nó đột ngột bỏ đi, nó có hiểu gì đâu. Có lẽ vì nó nhớ mẹ chăng? Thấy cô, bé giật mình, mắt từ từ khép lại. Cô lẩm bẩm:

“Kệ mày, năm ba hôm nữa đâu sẽ vào đấy.”

Buổi chiều bé chạy lui chạy tới giữa phòng của mẹ, phòng khách và nhà bếp. Nó không được cô dẫn ra bao lơn nhìn máy bay trên trời. Cũng không được dẫn ra ngoài đường coi phố phường. Hay dẫn ra biển dù hơi xa, mà càng xa, bé càng thích. Cũng không được cô cùng chơi. Chán thì chơi với con khủng long, con cá sấu, con sư tử, con hươu cao cổ. Hoặc lại đá mấy chiếc ghế nhỏ, cái bàn nhỏ cho nó lăn cù ... Chỉ có thế, lặp đi, lặp lại. Một lần bé chạy vào nhà bếp, đến thùng rác, quên lời bố dặn, moi rác ra chơi. Bị cô gặp, bắt đứng quay mặt vào tường gần nửa tiếng.

Bé uống xong bình sữa thứ hai thì bố về. Bố hôn bé rất nhiều hai bên má, rồi bồng vào hai nách bé, tung bé lên gần đụng trần nhà, cho bé rớt xuống, chụp bé lại. Đó là cái trò bé thích nhất. Mọi ngày bé bắt bố làm lại cái trò đó nhiều lần. Bé sung sướng nói, “Làm nữa, làm nữa”, và cười ròn rã. Lần này bé không cười, không nói một lời. Trong ngày, bị cô la nhiều, lẽ dĩ nhiên bé cũng không biết nói một lời nào cả, và cũng không khóc. Bé vẫn chưa biết khóc. Chỉ bắt đầu biết “mếu”, môi trên ép vào bên trong môi dưới, cái mặt dài ra, nước mắt rưng rưng. Khi đang chơi một mình, hễ thấy cô “xuất hiện”, bé hơi giật mình, và thôi chơi. Ngó quanh kiếm trò chơi khác.

Trên xe bố đưa cô về nhà cô, chốc chốc bé nói nhỏ với bố, “Mẹ máy bay”. Có lẽ bé muốn hỏi mẹ đâu hả bố. Tiếng nói của bé chưa rõ ràng, cô nghe nhưng không hiểu, hỏi lại bé, bé ngơ ngác, im lặng. Lần nào bố cũng thấy cái tã của bé ướt sũng. Bố hỏi bé iả chưa, bé cũng không trả lời, hay không biết trả lời. Bố quay qua hỏi cô, thì được biết từ hôm cô đến trông bé đến giờ, không hề thấy bé iả. Thì ra bé sợ. Bé nín, chờ bố.


*

Rồi một buổi chiều bố đi làm về, bé không chạy đến nhảy sà vào lòng bố nữa. Bố bồng bé hôn vào hai bên má, định tung bé lên, sực nhận thấy người bé nóng hâm hấp. Chắc bé bị cảm. Mấy hôm nay ban đêm lạnh lắm, bố chỉ cổi áo jacket của bé cho bé đỡ vướng, thay tã, quần, sau khi “xi” bé iả, mặc quần khô khác vào, để nguyên áo len dày cho bé được ấm phần bụng và ngực, mặc thêm áo dày bên ngoài. Bé cảm, bố không dám tắm cho bé mỗi buổi tối trước khi bé đi ngủ như thường lệ. Thỉnh thoảng bé rên nhỏ khi trở mình trong đêm khuya.

Ngày hôm sau, dù bị “ấm người”, bé vẫn chạy lăng quăng trước khi bố chở bé qua cô để đón cô cùng về trông bé. Chỉ có khác, bé không cười, không nói, ăn uống kém hẳn đi, lại có khi bỗng dưng thét lên một tiếng ngắn rồi im. Những lần như vậy, cô lừ mắt ngó, bé ngoảnh mặt chạy đi nơi khác, miệng mếu, cặp mắt rưng rưng. Cứ như thế suốt bốn hôm, ngày với cô, đêm với bố. Cô bảo với bố bé ngoan hơn trước nhiều, bớt phá, bớt nghịch, nhất là không đá banh rầm rầm trong phòng khách hay nơi nào khác nữa.

Chiều hôm thứ tư, bố nhỏ nhẹ hỏi cô:

“Thằng nhỏ mấy hôm nay làm sao vậy, hả em?”

“Thì có gì mà nhắng lên thế. Có làm sao đâu. Trẻ con thỉnh thoảng vẫn biếng ăn nhác chơi. Đó là chuyện thường.”

Nửa đêm về sáng hôm thứ năm bé lên cơn sốt dữ dội. Buổi sáng Hưng gọi vào sở xin nghỉ làm việc ngày hôm ấy. Đưa bé đi bác sĩ gia đình. Bác sĩ chỉ xem qua, cấp tốc đưa bé vào bệnh viện. Bé bị gãy cả hai cái xương ở cánh tay trước, tay trái. Vết thương quá nặng, chắc bé đau lắm, lại không được chữa trị ngay, nên bé hôn mê. Ba bác sĩ họp nhau chữa trị cho bé.

Anh lo lắng vô cùng, đứng ngồi không yên. Khi thì anh cố chờ nghe từng giây, từng phút tin tức của bé tại Văn Phòng Bệnh Viện, vừa mong tin đến mau chóng, vừa sợ tin đột ngột đến. Lúc thì mải miết đi quanh các toà nhà của cái Bệnh Viện khá lớn này như người mất hồn, quên cả ăn uống. Tin cuối cùng: tình trạng của bé chưa ổn định.

Anh nghĩ ngợi lung tung. Bé chạy nhanh lắm, bạo lắm, có lẽ bị vấp té vào cạnh bàn? Mà đâu có thể như thế được, mặt bàn cao hơn cả đầu bé, phải không Trân? Vậy sao gãy tay? Có lẽ bé nhảy tưng tưng trên giường mẹ, vô ý té văng xuống sàn nhà, đưa hai tay chống, thì phải gãy thôi. Nhưng sao vết hằn sâu vào hai cái xương gãy lại có thể do một vật cứng và mỏng chạm rất mạnh vào, theo lời của bác sĩ? Có lẽ, phải không Trân, bé giang cao cánh tay đập mạnh xuống, đụng phải một vật cứng nằm chắn ngang bên dưới. Mà trật rồi, xương gãy từ phía lưng cánh tay, chứ không phải từ phía ngược lại. Hay là có một thanh sắt mỏng nằm chờ sẵn bên trên khi cánh tay bé vung ngược ra đằng sau? Nhưng sức lực của bé đâu có đủ để làm gãy cả hai cái xương cùng một lúc? Thế thì tại sao?

Không lẽ có kẻ lạ mặt vào nhà lúc Trân bận làm việc gì đó ở sân sau. Một tên “tâm thần”, một thằng điên, thấy bé một mình thì hành hung một lúc cho vui thế thôi. Rồi nó bỏ đi. Và Trân không hề hay biết gì? 

Anh đặt ra nhiều giả thuyết, anh nghi ngờ, chẳng thấy chút ánh sáng nào cả. Anh buồn bã ngồi trên chiếc ghế đá đặt bên dưới một cây cổ thụ vươn cao quá cả lầu ba của tòa nhà bệnh viện. Thỉnh thoảng vài ngọn lá rụng xuống chạm vào thành ghế bật lên tiếng kêu khô khan. Anh ngẩn ngơ nhìn mấy chiếc lá rụng, rồi nhìn ra xa. Đèn đường đã lên. Đèn vàng, đỏ, xanh thay nhau đổi màu liên miên. Những dòng xe từ đâu chạy đến, dừng lại, chạy đi. Đi đâu? Cứ thế, cứ thế. Một ý nghĩ buồn rầu xâm chiếm. Vâng, dòng xe có khác gì dòng đời. Đời con người. Đời con vật. Như con cóc bỗng từ trong hang nhảy ra, rồi đi đâu? Như chiếc lá rụng chạm vào thành ghế anh đang ngồi khiến anh nhiều khi thảng thốt. Nhưng lá non, lá xanh xin đừng rụng, đừng rụng, anh thì thầm cầu khẩn.

Ý nghĩ của anh lại quay về với bé. Chắc bác sĩ chẩn đoán sai. Chắc bé đã từ trên giường cao té xuống đưa tay ra chống. Tay người lớn cũng phải gãy, huống là bé còn non nớt, chưa được hai tuổi, xương nhỏ, mềm. Nhưng vết hằn sâu? Chẳng lẽ, chẳng lẽ ... Thôi, thôi, chuyện đó để “hạ hồi phân giải”. Trước mắt ... Lỡ Quốc có bề nào. Nghĩ đến đấy, anh không cầm được nước mắt, đứng dậy, nhìn quanh, có ai thấy mình không. Những dãy hành lan bệnh viện thấp thoáng vài bóng người đi nhanh.

Không, làm gì có chuyện vô lý như thế được. Quốc đang còn nhỏ bé, trông như thiên thần có cánh, bé thương yêu của ba đã làm gì nên tội. Chỉ là một chiếc lá non. Nhưng lỡ ... Thôi, thôi, không nhưng nữa! Mà “chưa ổn định” nghĩa là cái gì, xin bác sĩ nói rõ. Ôi chao, mình thương bé một, Diệp thương bé mười, chắc chắn là thế. Mà cũng chưa chắc, có khi bố thương con hơn mẹ thương con. Dù gì đi nữa, phải thông báo cho Diệp biết mọi chuyện, phải gọi điện thoại ngay, bằng không sẽ ân hận suốt đời.

*

Thì ra.

Bốn năm hôm trước đây, cô mang từ nhà một gói quýt trái nhỏ hơn trái chanh, ngọt lịm. Cô ngồi ở bàn ăn lấy quýt ra ăn trong khi bé chạy lăng quăng với mấy đồ chơi của bé. Cô cười cười kêu bé tới. Thấy cô vui, bé trèo lên ghế, cầm đại một trái quýt, cho vào miệng cạp ngay. Cô nhìn chờ xem bé phản ứng như thế nào. Bé nhăn mặt, miệng phì phì. Thấy cô bóc vỏ, bé bắt chước. Nhưng vỏ cứng quá đối với mấy ngón tay nhỏ tí xíu, bé bóc mãi không được. Cô lấy lại trái quýt trong tay bé. Bé “no, no” phản đối quen miệng, nhưng lại đưa ngay trái quýt lại cho cô. Cô bóc vỏ giùm bé. Bé thích quá, miệng thì nhai quýt, nuốt cả hột, tay thì xé nhỏ vỏ quýt ra chơi, quăng đầy bàn. Cô la, bé giật mình. Cô gom vỏ quýt lại cho vào một cái dĩa nhựa, để ở mép bàn. Khỏi cần sai bảo, bé tụt xuống khỏi ghế cầm lấy cái dĩa đầy vỏ mang vào nhà bếp đổ vào thùng rác.

Hai bàn tay bé còn vụng dại, cầm nghiêng cái dĩa không khéo, phần lớn vỏ rơi ra bên ngoài thùng. Bé ngồi bệt xuống sàn nhà, tay rù rờ lượm từng miếng vỏ quýt nhỏ ném vô thùng, miếng lọt vô trong, miếng lọt ra ngoài. Lại lượm quăng vô. Vỏ quýt nằm ngoài thùng còn nhiều, tràn lan. Trò chơi mà. Bé phải chơi như thế nửa giờ nữa chưa chắc đã xong. Chờ lâu không thấy bé ra, cô vào xem. Thấy thế, cơn giận nổi lên, cô hét to:

“Thằng quỷ này moi rác ra chơi hả!”

Bé giật bắn mình. Cô đảo mắt nhìn quanh. Đâu cả? Cái chổi, cái chày giã tiêu hành, cái chai nước lọc, cái bình xịt kiến, gián? Đâu cả? Chỉ thấy có con dao chặt thịt nằm trong bồn rửa chén. Cô tới lấy con dao, trở đầu sống, đánh một cái vào cánh tay trước của bé. Tay bé nằm kín bên trong hai lớp áo. Trời lạnh lắm, nhưng ban đêm bố không muốn vặn máy sưởi sợ “khô bé”. Bé được mặc áo mỏng cụt tay bên trong cùng, áo len dài tay tiếp theo, và ngoài cùng là cái jacket dày cũng tay dài.

Bé sợ sệt cúi đầu không dám nhìn cô, im lặng chịu đau.

“Mày không đau hả? Không đau, không nhớ.” Cô bực tức nói.

Cô dang tay đánh lần thứ hai, mạnh hơn. Bé thét lên một tiếng lớn, rồi cố bặm hai cái môi run run lại. Cô ngừng tay, quan sát bé. Nó chảy nước mắt nhiều, ướt cả hai bên má, không khóc ra tiếng.

“A, cũng biết khóc đấy chứ.”

Cô quay trở về phòng ăn. Bé ngồi một mình trong nhà bếp kề bên thùng rác.


*

Người nhà của Diệp bên đó cho hay cô ta đã rời Việt Nam hơn một ngày rồi. Có lẽ sắp tới Mỹ. Lạ quá, Diệp đã mua vé khứ hồi, định ở tại Việt Nam một tháng sau đám tang mẹ. Bây giờ mới hơn nửa tháng. Đúng ra Diệp còn phải ở lại lo coi sóc việc dời mồ mả của cha và anh. Hai người đã bị bắn chết khi cùng mẹ Diệp và Diệp tìm cách trốn vào Đà Nẵng bằng đường thuỷ những ngày ly loạn ấy. Bà con cho biết tìm được mộ hai vị tại một làng vùng Trài Hà gần cửa Thuận An. Nay họ khuyên dời mộ lên chân núi Tam Thai gần núi Ngự Bình, nơi đó có nhiều ngôi mộ của tổ tiên. Khi sống có nhau, khi chết bên nhau, cho ấm cúng, Diệp nghĩ thế.

Rồi Diệp còn phải vào Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn thăm bà con, họ hàng, bạn bè của cả hai bên, bên chồng và bên Diệp. Một lần đi, một lần khó, một lần tốn kém. Hơn nữa, mình bảo khỏi lo cho bé, con nít xa mẹ buồn năm bảy ngày rồi thôi, quên ngay. Đã bàn tính kỹ lưỡng với nhau như vậy trước khi Diệp lên đường. Nay tại sao Diệp trở lại Mỹ sớm đến thế, Hưng băn khoăn tự hỏi. Hay có ai đã báo cho Diệp biết? Vô lý, chuyện mới xẩy ra, tin tức đâu đi nhanh đến thế.

Anh biết Diệp thương bé vô cùng. Chắc chắn Diệp đã linh cảm được tình trạng hiện tại của bé nên bỏ hết mọi chuyện quay trở lại Mỹ. Và tình thương bao la và lạ thường của người mẹ ấy sẽ có khả năng hóa giải những nguy khốn xẩy đến cho đứa con của mình, anh tin tưởng như thế. Có Diệp anh sẽ yên tâm hơn nhiều.

Bỗng anh sực nhớ anh chưa gọi điện thoại cho Trân báo tin về chuyện bé. Anh cũng quên gọi điện thoại vào sở xin nghỉ ngày hôm sau, mà bây giờ thì tối rồi, sở không có người trực đêm. Chắc Trân đã phải ngồi chờ anh với bé suốt ngày hôm nay. Chắc Trân giận lắm. Quả thế, vừa nhận ra giọng của anh ở đầu dây, Trân cướp lời ngay không cho anh nói thêm một tiếng nào. Cô trách anh là thứ người xấu xa, bội bạc, xốc nổi, vô trách nhiệm, không thể nào tin nổi. Chưa hết tức giận, cô nói tiếp khi cần thì anh tha thiết lắm, xoắn xuýt, xun xoe, khi không cần thì trở quẻ liền liền, chỉ một cái nhấc điện thoại lên cũng sợ phí sức. Nói xong, cô mạnh tay cúp máy.

Anh không kịp giải bày. Anh bấm máy định gọi lại. Bấm nửa chừng, anh cảm thấy mệt nhọc vô cùng, bèn tắt “cell phone”, cho máy vào túi áo ngoài, đi ra khỏi khu bệnh viện tìm quán ăn. Từ sáng đến giờ anh chưa ăn uống gì cả. Anh tìm vào một tiệm McDonald’s gần đấy, gọi một hamburger, và hai ly McAfee. Anh khát nước hơn là đói, và cũng định thức suốt đêm trông bé..


*

Anh nhấp nhổm bên chiếc ghế dựa đặt ở cuối phòng, đứng lên, ngồi xuống không yên. Và khi thì đến nhìn bé, khi thì đi tới đi lui, đầu óc vẫn bị đè nặng bởi mối nghi ngờ tại sao bé lâm vào tình trạng như thế. Khoảng nửa đêm, anh rời ghế nằm, khép kín cánh cửa lại, đến bên giường của bé. Dưới ánh đèn mờ mờ, nhìn thấy bé gầy hẳn đi, nước da không còn hồng hào như trước, trái lại trắng xanh, đôi mắt nhắm nghiền, hơi thở như có như không, anh đâm lo lắng, hoảng sợ. Anh cổi giày của anh ra ra cho đỡ vướng, ngồi bệt xuống sàn nhà. Anh dựa ngực vào cái giường, bàn tay trái đặt ngửa dưới cánh tay bó bột của bé, bàn tay mặt luồn vào bên trong chiếc mền nhỏ, úp sấp, để nhẹ lên trên bụng bé. Anh chẳng hiểu làm như thế có gây tổn hại gì cho bé hay không, nhưng anh không cưỡng lại được. Như thể anh sợ bé vuột khỏi bàn tay của mình, như thể anh muốn giữ hơi ấm của bé lại, như thể anh muốn truyền thêm hơi ấm vào cho bé. Và anh ngủ thiếp lúc nào không hay.

Anh nằm mơ. Hay đúng hơn mơ tỉnh lẫn lộn. Thỉnh thoảng anh nghe tiếng chân người ta đi bên ngoài cửa phòng, thấy ánh đèn lờ mờ phía trên đầu giường của bé, đồng thời hiện lên nhiều hình ảnh, nhiều cảnh tượng lộn xộn không đâu vào đâu. Khủng long, sư tử, cá sấu, cóc, thỏ mà anh và Diệp mua về cho bé chơi biến thành thú rừng hung dữ nhảy như tôm tép nhảy trong những chiếc rớ đánh cá thời thơ ấu anh và bé và trẻ con cùng xóm thường thấy trên sông trên hói trên ao bèo mùa đông lạnh. Bé cũng nhảy tưng tưng trên giường mẹ, té nhiều lần, mà cứ nhảy. Đồ đạc trong phòng khách nằm đổi chỗ, ngổn ngang, choáng hết lối đi, anh không thể lần vào được. Trân và cô em họ hình như có quen nhau ngồi ở giường bệnh tập hát, chốc chốc hét to, ma quái. Anh thì đi tìm, quên không biết tìm cái gì, cái đầu của anh đầy sương mù, nghĩ mãi không ra. Hình như cũng có Diệp ở đâu đây. Đang thắp nhang? Có lẽ chuông mõ sắp gióng lên? Anh cố nghe nhưng không có tiếng chuông. Và anh bỗng sực nhớ mình đang tìm cái gì rồi. Vâng, mình phải đi tìm bé ngay. Chẳng biết từ đâu bé chạy ào tới, anh mừng rỡ đưa tay đón. Bỗng anh cảm thấy lòng bàn tay mặt nóng lên. Có cái gì rần rần. Và anh tỉnh hẳn.

Bé đạp chân. Anh mơ hồ nghe tiếng bé bập bẹ: “Mẹ máy bay. Mẹ, mẹ.”


Ngự Thuyết
3/2016