có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 1 17, 2016

Trại Ông Bồ


(Tranh Trần Thanh Châu)

1.

Nếu bảo rằng sữa của đất là những giọt trắng tinh khôi ngậm trong từng hạt lúa thì mùi lúa trổ chính là mùi thơm của sữa. Cũng có thể là mùi thơm của người vì cánh đồng nằm giữa các thôn An Định, Hiếu Đức, Thanh Liêm, trông tròn đầy và thơm tho như một người mẹ đang vạch áo cho con bú.

Từ giữa đồng, để thưởng công cho một vị võ tướng, nhà vua đã cho phép ông giương cung bắn về bốn hướng. Mũi tên vút đi nhanh hơn cả chim cắt, xé gió mà bay cho đến khi không bay nổi nữa, thì đó là giới hạn cuối cùng của ơn mưa móc.

Trong khi những điền chủ giàu có khác với những mảnh ruộng manh mún, rải rác như thóc rụng chỗ nọ chỗ kia, thì ruộng của ông đầy đặn liền bờ, trông như một mâm xôi khổng lồ vàng rực khi mùa gặt tới.

Một điền trang đầy ân sủng bát ngát như thế, nhưng chưa phải là dinh cơ của ông. Đây chỉ là một cái trại để gia nhân coi sóc mùa màng.

Đến bây giờ, nghĩa là sau mấy trăm năm, dân quanh vùng vẫn không biết được tên ông tướng ấy là gì. Cái tên Bồ không phải tên ông vì chả ai dám gọi ông bằng tên cúng cơm trống không. Bồ, chỉ có thể là biểu tượng của một cái gì vừa vĩ đại, vừa cao xa, đến nỗi dân quanh vùng không thể hay không dám tò mò tọc mạch, một cái gì nửa như huyền bí, nửa như linh thiêng.

Như người ta bảo Tây nó cắm trụ bồ trên đỉnh núi Mò O để yểm người tài của mình, nhưng chẳng ai biết trụ bồ là trụ gì, và dĩ nhiên cũng chưa ai tận mục sở thị cái trụ bồ là trụ ra làm sao. Người nghe chỉ biết thè lưỡi lắc đầu: “Vậy à? Tây nó thâm thiệt. Hèn gì chàng Lía tài ba là vậy mà phải bị vây trong rừng!”.

Vậy thì, hãy tạm coi ông Bồ như mồ ma của một viên tướng vừa mưu lược vừa tàn bạo, đã có công san phẳng cả kinh thành Đồ Bàn, kinh thành huyền hoặc được đồn đại với những cái tháp bằng vàng hay chứa đầy vàng, đuổi vua tôi nước Chiêm một thuở vàng son vào tận Man rang, Man rí nghèo đói. Những ai còn tiếc ruộng tiếc vườn thì đêm đêm bị những kẻ trùm khăn đột nhập vào nhà, cắt cổ, ném xác xuống giếng. Dân sở tại có kiện thưa liền bị gán tội làm loạn, bị lùa vào trong lòng tháp rồi chất củi bên ngoài mà đốt.

Cái miền đất đầy xương ống tay ống chân và sọ người kia liền được thay tên là Bình Định để ghi công đại định.

Từ đó, ruộng có tên ruộng công thần, trại có tên trại ông Bồ.

Dù chỉ là kẻ làm công trọn đời, nếu biết tận tụy và trung thành, nhưng quản gia của trại ông Bồ vẫn được tá điền kính cẩn một điều thưa ông chủ, hai điều thưa ông chủ và dân trong vùng gọi là trại chủ. Dễ chừng đã có đến cả trăm trại chủ nối tiếp nhau trông coi điền trang, trong khi cái huyền thoại ông Bồ kia chỉ còn là một địa danh khiêm nhường của xứ Bình Định.

Làm quản gia tuy có nhàn nhã hơn tá điền nhưng vẫn cứ phải thức khuya dậy sớm, thao thức theo nắng mưa và vẫn lo sợ bị đuổi đi còn hơn cả tá điền sợ bị lấy ruộng lại.

Nếu anh lười nhác chỉ lo ăn chơi hay ham mê bài bạc thì chưa hết một vụ mùa đã bị thay ra như thay một con trâu hay một con bò cày. Nhưng nếu anh sốt sắng quá, bóp hầu bóp họng quá, vun quén cho chủ ngay cả lúa lừng lúa lép cũng cứ đè ra mà chia đôi, thì anh cũng sẽ phải sớm xách nón ra đi.

Chủ không đến hay có đến mà không ai biết, nhưng mọi việc anh làm đều không qua mặt được chủ. Hời hợt quá không xong, cay nghiệt quá cũng không được. Chỉ trụ lại được khi anh tỏ ra khôn ngoan, vừa biết cách làm đẹp lòng chủ mà cũng vừa làm yên lòng tá điền. Không đến nỗi như phải đi xiếc trên dây, nhưng cũng không thể bảo đó là một công việc dễ dàng gì.

Đã có lúc chỉ trong vòng vài năm mà thay đến cả chục chủ trại. Kẻ thì bớt xén lúa thóc, kẻ thì hung dữ đánh đập tá điền, kẻ thì đau bệnh ặt ẹo, kẻ thì gây sự với hương lý trong vùng… Và trước lúc có cuộc cướp chính quyền, giữa đồng ruộng trơ trọi một mình, không một ai dám nhận lấy cái chết đã được báo trước, vì nhiều nơi những người sắp chết đói kéo đi từng đàn cướp phá các kho thóc.

Không có trại chủ nên các tá điền cũng không cày cấy, bao nhiêu ruộng nhứt hạng điền mỗi mùa xe trâu hàng chục chiếc chở cả tháng vẫn chưa hết lúa, giờ một hạt cũng không. Rồi những cái đầu chụm lại nhau thì thầm rằng mai đây mốt nọ cộng sản sẽ lấy ruộng để chia cho dân nghèo. Thế là đất nằm yên chờ chủ mới, người cũng chờ một sự đổi thay. Chỉ có cỏ dại là chẳng những không chờ mà còn thừa dịp sinh sôi nẩy nở tràn lan. Chẳng mấy chốc đồng lúa ông Bồ xanh tươi là thế, đã biến thành một cánh đồng hoang.


2.

Giữa lúc cái đám hậu duệ của ông tướng Bồ kia nản quá định bỏ quách cho rồi, thì có một gã xứ Nghệ đến xin được làm quản gia. Gã là một người đàn ông đã bắt đầu để râu, nghĩa là trên dưới năm mươi, trên tay lúc nào cũng cầm một cuốn sách mà chưa bao giờ thấy mở ra. Gã có vẻ nửa như một thí sinh tam trường lạc đệ thì nhưng không chịu làm thầy đồ, nửa như một anh Tây học dở dang không có cái may được làm thầy thông thầy phán. Nói theo kiểu bây giờ, thì đó là một anh chàng thất nghiệp ăn mãi lương vợ cũng chán, thôi thì làm một chân quản gia cho được ấm thân trong lúc chờ tuổi già.

Một chiều giáp tết, gã được đưa đến một cái tiểu đình cũ kỹ chừng như đã được xây dựng trên cả trăm năm. Một người đàn bà có lẽ cũng ngần ấy tuổi, ngồi sẵn từ bao giờ, chỉ nhìn gã bước lên tam cấp chứ không đứng dậy chào.

“Ông đấy hè?”, bà nói.

“Thưa phải”.

“Xem ra, ông không phải là người biết việc đồng áng hè, liệu ông có làm nổi việc quản gia không hè?”.

“Thưa, tôi sinh ra và lớn lên từ ruộng đồng, cho dù rất ít khi cầm đến cây cày cây cuốc, nhưng từ trong máu đã biết thế nào là cấy cày, tôi tin với cái đầu của mình, chẳng những làm được mà còn làm hơn công việc của một quản gia”.

“Ông nói chắc hè! Thôi ta cũng phải tin ông. Đây là bản giao ước và đây là lộ phí. Ngày mai xin ông lên đường. Ta muốn ông có mặt ở đó trong ba ngày tết. Dù sao ông cũng là chủ nhân ở đó. Chủ mới phải đón năm mới chứ, vui hè !”.

“Thưa vâng”.

Ông đón nhận cái bọc bằng lụa trong đó có những điều khoản ghi rõ bổn phận và quyền lợi của một quản gia, rồi bái biệt người đàn bà vẫn còn giữ được chút quyền uy trong tiếng hè như chút nắng còn vương lại trên các bức tường rêu.

(Từ đây kẻ kể chuyện cũng xin gọi bằng ông).


3.

Ông đáp xe lửa đi Bình Định. Xình xịch suốt một ngày dài mới đến ga Vân Sơn. Nơi đây chính là Đồ Bàn, cách trại ông Bồ chừng vài cây số.

Trên nền đất đỏ màu gạch nung, tháp Cánh Tiên vàng rực như được dát vàng trong ánh hoàng hôn. Đi nhiều, thấy nhiều, nhưng chưa có nơi nào gây cho ông nhiều cảm xúc như khi đứng dưới chân ngọn tháp này. Trong khi đầu óc ông kinh ngạc trước vẻ đẹp hùng vĩ thì tim ông rung động vì nỗi ngậm ngùi. Trong gió như có tiếng binh khí chạm nhau, tiếng cười man dại xen lẫn tiếng thét gào. Người xưa đâu, những Chế Mân, Chế Bồng Nga, những Huyền Trân, Ngọc Hân? Và, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, những con người mà chiếc bóng vĩ đại vẫn còn đổ dài xuống miền đất điêu linh này?

Họ đang ở đâu? Ngọn tháp kia phải chăng là nơi chốn linh thiêng để những con người làm nên lịch sử, cũng có lúc phải giật mình nhìn xuống cuộc bể dâu với biết bao hưng phế?

Và ông, gần hết đời bập bềnh nổi trôi, cái hào khí “nam nhi hà sự phạ Côn Lôn”* đâu, sao lại bó thân làm tôi tớ cho một người đàn bà? Gió xuân chưa tới, ngọn gió đông cuối năm hãy còn rét lắm. Lại càng rét hơn với một người lỡ vận như ông!

Khoác tay nải lên vai, ông thả bộ một mình trên con lộ chạy ven sông. Những nương bắp, nương dâu, những đồng sâu, ruộng cạn hai bên đường nối tiếp nhau đem đến cho ông ít nhiều an ủi.

Ông sải bước nhanh hơn, kịp đến trại khi người lão bộc đang buồn bã châm cây đèn dầu duy nhất. Ngọn đèn quá nhỏ không đủ sức soi rõ mặt người mới đến.

“Ông là ai?”, người lão bộc e dè cất tiếng hỏi.

“Là trại chủ”.

Người lão bộc run rẩy suýt đánh rơi cây đèn.

“Thưa, ông đến đây chỉ có một mình?”.

“Ừ, một mình, thì sao?”.

“Thưa, chỉ vì trước đây thường đến đôi ba người, lúc nào cũng có người nhà của đại quan”.

“Ông không tin ta sao?”.

“Dạ, không dám”.

“Vậy hãy kiếm cho ta cái gì ăn, đói lắm rồi”.

“Dạ”.

Người lão bộc bị chủ bỏ quên trong bao nhiêu năm chỉ có thể đem đến cho ông mấy củ khoai môn luộc và một bát nước chè. Tớ nhìn chủ trong nỗi ái ngại, nhưng ông vẫn ăn uống ngon lành.

“Lão tên gì?”.

“Thưa, tên Sáu Nhánh”.

“Tên lạ hỉ ! Lão có biết trại này có bao nhiêu người làm ruộng rẻ không?”.

“Dạ, khoảng trên năm mươi người”.

“Ngày mai, chịu khó mời họ đến đây cho ta gặp”.

“Dạ”.

“Thôi ta đi ngủ đây, cả ngày mỏi mệt quá!”.

“Dạ, để con sửa soạn giường chiếu”.

“Lão già rồi, đừng xưng con mà ta mang tội”.

“Dạ”.

Sau đó, ông đánh một giấc dài tới sáng. Có lẽ sau những tháng ngày lang bạt, có lúc nằm vật vạ ở bến tàu bến xe, có khi ngủ bờ ngủ bụi, thì đêm nay là một đêm yên lành nhất, một đêm mà hai tiếng ngủ ngon cũng đậm đà ý vị như là ăn ngon.


4.

Giữa chừng buổi sáng, những tá điền nghe tin có trại chủ mới đã kéo đến ngồi chật cả nhà, tràn ra tận ngoài thềm. Ai cũng gãi đầu gãi tai, khúm núm ké né khi đứng trước mặt chủ. Trong số họ, có người khá già, cũng có người là phụ nữ.

Vẫn là những người cày không có ruộng mà ông đã gặp. Từ những đồng chiêm đất chật người đông xứ Bắc kỳ, đến những nơi cày lên sỏi đá ở Trung kỳ, ngay cả những cánh đồng cò bay thẳng cánh của Nam kỳ, họ, những người trong tay không có một tấc đất, vẫn gầy đét khẳng khiu, vẫn lam lũ rách rưới và vẫn có chung một cái nhìn vừa buồn bã vừa sợ sệt, một cái nhìn dễ chừng đã mấy ngàn năm, trở thành máu thịt không một chút đổi thay.

Việc đầu tiên mà ông muốn họ khởi sự làm ngay, cả trong ngày tết, là hãy mau mau nhổ cỏ phát bờ, dọn sạch mương máng để kịp đưa nước vào ruộng. Dù chậm mùa vụ, nhưng hãy còn cả mùa xuân, nên vẫn còn kịp xuống giống, gieo mạ.

Bao nhiêu đôi mắt buồn và sợ đó bất chợt mở to như nhà đang tối bỗng mở toang hai cánh cửa sổ khi ông bảo: “Mùa này coi như các người đã có công khai hoang, lúa gặt được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, khỏi cần nộp tô cho chủ, dù chỉ một hạt”.

Thầm thì, to nhỏ, nửa sợ nửa mừng, những con người nghèo đói tội nghiệp kia trên đường trở về vẫn không ngớt bàn tán.

“Phúc đức quá, chủ mới nói nghe thật sướng cái lỗ tai!”.

“Ông ấy thiệt là hiền”.

“Y như là cộng sản. Làm được bao nhiêu ăn bấy nhiêu, khác gì đem ruộng chia cho mình”.

“Thôi, đừng nói bậy nữa, từ đây cấm ai nói tới hai cái tiếng đó, không sợ bay đầu à?”.

Nghe nói thế, mọi người liền rúm ró, co đầu rụt cổ. Giống như mùa đông chỉ phong phanh có mỗi chiếc áo, chợt một cơn gió lạnh thổi qua, ai cũng thấy rùng mình. Cũng có lúc giống như trong làng đang có dịch, bỗng nửa khuya nghe tiếng quạ kêu trên mái nhà, báo hiệu có người sắp chết. Chưa thấy ấm no đâu, đã thấy bắt bớ, giam cầm, nếu một hôm nào đó trên đường làng có truyền đơn hay cổng làng có treo cờ búa liềm. Sẽ thành bình địa, sẽ máu chảy ngập làng nếu có ai đó đánh trống lùa dân ra khỏi nhà kéo lên phủ huyện.

Thôi, lạy trời, đừng để ông chủ mới này là người của cộng sản.

Nhưng mà cách làm của ông chủ mới sao có vẻ giống cộng sản quá. Ông sẽ lấy lại ruộng đã được giao cho tá điền từ đời ông đời cha họ, sẽ mướn trâu để họ cày, giao giống cho họ gieo, đưa phân cho họ bón và đưa liềm cho họ gặt. Ông sẽ chấm công rồi tùy theo số công mà được chia phần lúa nhiều hay ít. Ông cũng sẽ chia cho những người già, những người tàn tật không làm gì nổi cũng có lúa mà ăn. Phần địa tô của chủ, ông sẽ tự động cắt bớt trước khi cắt hẳn, để những bọn ăn không ngồi rồi đó không còn hút máu hút mủ của dân nữa.

Đây là dịp mà những ý tưởng mới mẻ nhất, xã hội nhất, sẽ được ông âm thầm thực hiện. Ông sẽ làm cách mạng theo cách của ông, sẽ biến cái trại ông Bồ này, cho dù nhỏ như tách trà so với cả nước, trở thành thiên đường trên mặt đất.

Thế nhưng, trừ vụ đầu coi như ruộng của nhà, ai cũng gắng sức mà làm, đến mùa sau thì người ta ngơ ngơ ngác ngác, cứ như nai lưng ra làm cho ai chứ không phải cho mình. Trước, có nhà được làm vài mẫu, đến mùa chẳng những đủ ăn mà còn dư giả để sắm sửa khi giỗ tết hay thuốc thang lúc ốm đau. Giờ, tính công, tuy nhiều thật đấy, nhưng đâu chỉ nuôi mỗi một thân, mà còn có cả cha mẹ vợ con, thì chỉ vài mươi giạ lúa, sao cho đủ.

Năm sau, không ai bảo ai, mọi người đều đồng lòng bỏ ruộng. Thà đi kéo xe, ở đợ, còn hơn là làm ruộng cho ông.

Thế là cái cẩm nang ông nghiền ngẫm trong bao năm, cái lý tưởng cách mạng rực cháy trong cuốn sách mà ông luôn mang theo bên mình, khi chạm vào thực tế bỗng rã bèng như những trang giấy kia bị đem ngâm trong nước. Từ chỗ mọi người hớn hở coi ông như tiên phật giáng trần, chỉ một năm thôi, đã lại coi ông như ma quỷ hiện hình.

Có người đã nói đến tai bà chủ và tuy lúc này đã già họm già hom, bà vẫn cố ngồi dậy mà phán rằng: “Cái thằng ni làm loạn hè!”. Bà liền sai gia nhân đánh một cái dây thép: “Mi muốn chết hỉ, hãy dẹp cái trò ngu xuẩn đó ngay!”.

Cầm cái tờ dây thép trên tay, ông giật mình nhận ra rằng làm cách mạng không dễ. Còn có cả cái bóng ma của ông Bồ và cái xác chưa chôn của mụ già nọ. Thôi thì, trước sao sau vậy, để khỏi phải bạc đầu thêm vì suy nghĩ, ông vội vàng giao ruộng lại như xưa. Có điều ông ngấm ngầm xem ai là kẻ đầu têu trong chuyện bỏ ruộng không cày. Kẻ đó ông không biết gọi là gì nhưng sau này, khi cái lý thuyết xã hội chủ nghĩa thành công, người ta khinh bỉ gọi là kẻ phản động.

Là một người khôn khéo và điềm tĩnh, ông liền đến thăm từng nhà, nhỏ nhẻ chuyện trò, bảo rằng ông chỉ muốn đem lại ấm no hạnh phúc cho mọi người, nào ông có muốn làm hại ai đâu.

“Trước làm hai mẫu, thì nay cũng hai mẫu, lại cho thêm lúa giống nữa, tốt quá rồi hỉ?”.

“Sao, đến những ba mẫu tư à? Thì ba mẫu tư, ta có bớt xén chi đâu, nhưng nếu làm không tốt thì ta lấy lại giao cho người khác đó”.

“Được rồi, cái đám đó gần miệng cống, bao nhiêu phân bón trôi hết, ta sẽ thêm cho công đắp bờ”.

Cứ thế, ông rủ rỉ ngọt ngào như chồng năn nỉ vợ, khiến cho cái đám tá điền lúc nào cũng bị cái đói đeo bám suốt đời, bỗng lại thấy ông nhân đức, hiền từ. Lại khúm núm gãi đầu, gãi tai. Lại một điều thưa, hai điều dạ.

Và bỗng chốc ông nhận ra rằng làm cách mạng sao bằng làm trại chủ. Cho dù lúa thóc phải giao nộp đúng kỳ (nhiều đến cả toa xe lửa), nhưng cái quyền sinh sát hoàn toàn là nằm ở trong tay ông. Cho ai sống là được sống, bắt ai chết (đói) là phải chết. Cái lệnh sinh tử mà ông giáng xuống thì dù Trời có đứng trên mái nhà cũng không sao cứu được.

Ông thử cắt bớt ruộng của Sáu Liều, kẻ dám nói, “Thà đắp chiếu nằm dảnh cẳng sướng hơn là làm công theo kiểu đó” đưa cho Chín Rụng làm và thế là cả bọn đều im như thóc, chẳng ai dám hó hé điều gì.


5.

Không thay đổi được cái thân phận chỉ muốn làm nô lệ của bọn họ, ông liền thay đổi số phận của chính mình. Trước hết ông cất một nếp nhà mới, đứng riêng ra, không chung đụng với lũ nhà kho tối tăm nặng nề. Một nhà cặp chứ không nhà lá mái, nhưng tre phải được uốn thật thẳng rồi ngâm bùn cho khỏi mọt, tranh phải là rạ tháng ba vàng óng, sàn nhà lót gạch tàu, sân lót gạch mộc.

Ông chọn những tá điền khéo tay và trung thành, cùng ăn cùng làm với họ, và chỉ trong nửa năm, ông đã có một nếp nhà xinh, một ao cá lúc nào cũng quẫy đuôi đớp bóng như cơm sôi, một giếng nước trong với cần vọt cao vót, một cối đạp vang lên tiếng giã gạo thình thịch, một cối xay để nghe tiếng cút kít và bao quanh vườn nhà là hàng giậu chè với cổng toàn duối quanh năm xanh biếc.

Đấy chính là một góc của quê hương ông và giờ đây, mỗi chiều bắc ghế ra ngồi đầu ngõ nhìn khắp ruộng đồng, trước cảnh yên bình một cõi, ông cảm thấy rất hài lòng.

Người lão bộc đã quá già nhưng lòng trung thành không già nên ông vẫn giữ lại và hứa sẽ cho một cỗ áo quan tươm tất khi nhắm mắt xuôi tay. Việc đồng áng thì đã có tá điền, nhưng những việc thường ngày không thể không có một người đàn bà. Ông cần một chị bếp làm nhiều nói ít và người ta đã đưa đến một người có đức tính trời cho là không nói một tiếng nào. Chị khoảng bốn mươi tuổi, biết xay lúa giã gạo, đi chợ nấu ăn, giặt giũ lau dọn nhà cửa, chỉ mỗi cái tội là gọi không thưa.

Chị ta câm, đúng vậy, và ông không mong gì hơn.

Khi ánh nắng cuối ngày dịu xuống, không cần mũ nón, với đôi chân trần, ông thong thả đi dạo trên những bờ ruộng cỏ mọc xanh rì, đầu óc không bợn một chút trầm tư, an nhiên tận hưởng cái thú riêng tư chỉ có trời đất biết. Đó là cái thú mà người dân quê đã xếp thứ hai sau quận công.

Ông rút một cái chảng ba đã thủ sẵn trong lưng quần, cắm xuống nền đất ướt, cẩn thận lôi cậu nhỏ của mình ra, vuốt ve một chút, nựng nịu một chút rồi nhẹ nhàng gác nó lên như một pháo thủ đang chăm chút cho khẩu pháo của mình. Và trong khi lặng nghe mọi sự tăng tăng như được gãi ngứa thì ông thích thú ngồi ngắm nó bắn vọt ra kêu long bong, khiến bọn nhái bén giật mình nhảy tõm xuống nước. “Mình hãy còn bảnh lắm”, ông nhủ thầm.

Xong việc, ông khoan khoái đứng lên.

Ông đi vào nhà, ăn một bữa cơm không cầu kỳ lắm nhưng được nấu nướng tinh tươm, uống một bát nước chè tươi rồi nằm lên võng đong đưa chờ giấc ngủ.

Ông thấy cái việc làm quản gia ở trại ông Bồ này quả là rất hạp với mình. Sức ông chỉ có thể quản một cái điền trang như thế này thôi. Dời non lấp bể hay tế thế kinh bang thì đó là việc của ai chứ không phải việc của mình. Mà biết đâu được, khi thời cuộc đổi thay như Nhựt vừa hất cẳng Pháp đó, mình lại có thể phất lên không chừng. Biết đâu được, thiên cơ mà!

Nghĩ tới đó, ông liền ngồi dậy chong đèn đọc lại cuốn sách mà ông đã thuộc làu như cháo. Đọc để mà đọc chứ ông cũng nhận ra rằng những điều lăng nhăng trong đó, nói là dễ nhưng làm không dễ, những điều mà trong thâm tâm ông đã cảm thấy xa vời nếu không muốn nói là ảo tưởng. Mình đâu phải là Minh Trị, cũng đâu phải Tôn Dật Tiên, mình chỉ là một anh lõm bõm đôi câu tiếng Pháp, lam nham một ít chữ Nho, không khéo thì rơi đầu như Nguyễn Thái Học đó thôi.

Lui về đây, kể cũng hơi xấu hổ. Nhưng bám vào gấu quần của một mụ đàn bà thì đã sao nào? Được ăn no ngủ kỹ, được thảnh thơi tập tễnh làm thơ, còn muốn gì hơn nữa? Sang năm mình sẽ bày ra hội thả thơ, mình sẽ được tôn lên làm chủ thi đàn, chừng ấy râu mình sẽ dài hơn, sẽ như Đào Tiềm chớ bộ. Ai cũng bảo mình có phong thái cốt cách của một thi nhân, mình cũng nghĩ vậy, nhưng làm cho ra một bài thơ nghe được thật là khó. Khó hơn cái ông gì bên Nga làm cách mạng kìa.

Mà thôi, thơ với chả phú. Ông xếp sách, xỏ chân vào guốc mộc, đi tới cái nơi mà ông tin rằng có nhiều thứ còn hay hơn thơ và cách mạng. Đó là một góc của gian nhà cũ, nơi mà lũ chuột rúc rích cả đêm. Ở đó, chị bếp những khi nóng nực thường nằm gác chân lên thành cửa sổ. Gió thổi phập phù khiến hai ống quần chị chạy lên chạy xuống. Ông đứng nhìn một lúc rồi thử đặt một bàn tay cho nó chạy theo.

Chị câm mà, ông nói chuyện bằng tay với chị.

Than ôi, lần đầu tiên chị đã không dám đạp ông ra khỏi giường thì những lần sau, như đêm nay, chị cũng đành để ông ghé xuống nằm bên cạnh, trước khi leo lên mình.

Một ngày của ông như thế.

Một năm của ông cũng như thế.

Mọi sự sẽ cứ mãi như thế, một cách rất đề huề, cho đến khi ông về dưới suối vàng gặp lại các cụ tổ.


6.

Nhưng trống mõ lại nổi lên và thời cuộc đã sắp đặt cho một cuộc thay bậc đổi ngôi.

Cách mạng tháng tám nổ ra hất tung cái ngai vàng của Bảo Đại. Rồi kháng chiến toàn quốc khiến cái xứ Bình Định bị cắt rời khỏi xứ Huế. Bà chủ đã già khú mà vẫn chưa chịu chết, giờ có muốn mỗi ngày đánh hằng chục cái dây thép đòi cắt cổ ông, cũng không cách gì đánh được.

Ông trở thành chủ thật sự của trại ông Bồ.

Và đây là lúc mà cái óc khôn ngoan, cái tài xoay xở của ông bộc phát rõ rệt. Ông liền giao nộp tất cả phần thóc địa tô cho ủy ban. Tiến bộ hơn nữa, ông định chia hết ruộng cho người nghèo. (Có phải của mình đâu mà tiếc). Nhưng ủy ban bảo chưa phải lúc, ông hãy tạm quản giùm chờ kháng chiến thành công.

Vẫn biết đây là một kẻ ranh ma, nhưng những người cộng sản khôn khéo hơn đã giả vờ như không biết gì, cứ coi ông như một nhà yêu nước chân chính. Họ đưa ông vào Hội Liên hiệp Việt Minh, là cái bong bóng sặc sỡ luôn luôn được thổi phồng để dụ khị tất cả mọi thành phần kể cả những kẻ sau này họ kết tội là phản quốc. Các ống loa bằng thiếc trên những cái chòi cao không ngớt nêu tên ông, nhiều đến nỗi ông tưởng mình chỉ đứng sau có mỗi Hồ chủ tịch. Và cũng bởi vì là chủ trại Bồ, lại có râu, nên loa vẫn oang oang gọi ông một cách kính trọng là cụ Bồ.

Chưa bao giờ ông thấy mãn nguyện như lúc này.

Kháng chiến càng lúc càng gian khổ. Bốn tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú phải tự lực cánh sinh. Trong khi mọi người bị vắt từng giọt máu, từng giọt mồ hôi, thì với chức danh chủ tịch hội liên hiệp, ông vẫn sống đời no đủ. Ông vẫn cơm trắng cá ngon chứ không phải như tá điền ăn cơm độn toàn khoai sắn. Vẫn mặc áo lụa thong dong đi dạo giữa ruộng đồng và dĩ nhiên vẫn bình an hưởng bốn cái khoái của một người đàn ông.

Chỉ có điều, nuôi người làm có thể bị lên án là bóc lột, để rồi từ đó bị đá văng ra khỏi chức chủ tịch, bị đấu tố như chơi, nên ông đã cho chị bếp và ông lão bộc về nhà sau khi cưới được một cô vợ mới.

Đó là một cô gái lỡ thì vì đã hơn ba mươi mà chưa có ai động đến. Không phải cô không đẹp, là gái quê nhưng da trắng tóc dài, đẹp quá đi chứ. Chỉ phải tội cô hơi ngây ngây, lúc nào cũng nhoẻn miệng ra cười một cách ngu ngu dại dại.

Nhưng không sao, câm mà còn làm được việc ấy huống hồ là cười. Vì là con của Chín Rụng nên ông chỉ cần cắt thêm vài mẫu ruộng là xong, chứ không cưới hỏi gì.

Đêm đầu tiên, ngoài tiếng cười dại dại, ông lão bộc còn nghe cả tiếng ú ớ của một cái miệng trời bắt tội không nói được. Nhưng sáng ra mọi việc vẫn êm xuôi. Cô dâu vẫn cười nhưng có vẻ đã có hồn hơn. Chỉ có chị bếp là vùng vằng, ném hết cả những thứ mà ông chủ tặng ra giữa sân, kêu lên những tiếng kêu man dại như chó tru.

Một tháng sau hay gần như thế, trại ông Bồ bốc cháy dữ dội. Ngọn lửa giữa đồng to, cao và đỏ rực như một ngọn tháp mới nung.

Khi bọn tá điền từ trong các xóm xa đến dập tắt được lửa, thì giữa đống tro tàn, xác của ông và chị vợ đã cháy đen.

Hơn ba mươi năm sau, ruộng ở đây lại được chia cho mọi người, rồi lại vào hợp tác, rồi lại chia, có nghĩa rằng họ chỉ được làm chủ một cách khơi khơi thôi, vì chủ trại bây giờ là một ông Bồ rất mới, được gọi tên là ông Nhà Nước.

23/6/2012


Khuất Đẩu

——————————————–

* Thơ Phan Châu Trinh