bút tích và chân dung nhà văn Phùng Ngọc Ẩn (hàng trên, từ phải qua)
trong TẬP THƠ TRUYỆN KHÔNG QUÂN THỚI CHIẾN (Saigon, 1974)
Hi vừa trở về sau một phu vụ hiểm nghèo. Thân phi cơ còn in dấu lỗ chỗ vết đạn từ dưới bắn lên. Cũng như bao nhiều lần khác, anh chép miệng 'số mệnh cả ' -- để trả lời cho các bạn cơ khí viên bu quanh, hỏi han những chi tiết phi cơ trúng đạn. Trong những phiêu bồng tưởng tượng bay xa, những thằng bạn thầm ước được nghe ít nhất một lời nói hào hùng 'nghiêng cánh sắt đâm đầu vào súng phòng không đang khai hỏa' , một hình ảnh chuyên chở tràn đầy chí cả chất ngất chín từng mây. Anh nhìn thân con tàu loang lổ như một kỵ sĩ nhà nghề, ngắm kỹ con ngựa già của mình đang chảy máu, sau một lần xung phong vượt qua hào lũy, trận mạc đối phương; mà các vết thương còn hiển hiện chưa khô, đang rỉ xuống từng giọt hồng, đọng thành vũng đầm đìa trong tâm hồn chai sạn.
Môt điếu thuốc cong queo, răn rúm, giữa 2 ngón tay gầy guộc nổi gân xanh, chậm chạp đưa lên mũi một thứ khói cay xè, giữa 2 hàm răng thiếu chất 'calcaire' bắt đầu vỡ mẻ. Những vòng khói tròn ẻo lả, ngập ngừng, chập choạng tản mát vào khỏang không; như tâm sự riêng anh trong nỗi buồn giao động.
Đứa con gái anh đang đau nặng, nằm ở quân y viện thành phố ngoài kia; ở ngoài khung phi đạo dài mút tầm mắt; ngoài cổng rào kẽm gai chi chít, rải rác từng cậy bảng cấm, vẽ hình đầu lâu xương sọ 'bãi mìn'. Anh vỗ vai thằng bạn thân,
"Tao về thăm con. Mày chuẩn bị chuyến bay sau nhé!"
Đường thành phố nhộn nhịp ồn ào. Những nụ cười bất chợt ven đường, từ trong các 'Snack bar' vọng ra, nghe chát chúa , dữ dội hơn cả những lằn đạn trực diện chốn sa trường. Hi rùng mình, tưởng tượng đến hình bóng âm thầm của một anh quân nhân thám báo, đang dò dẫm tiến chiếm mục tiêu dưới màn sương, bỗng thật nhanh như sao xẹt, êm đềm như lời tình; một mũi tên tẩm thuốc độc bắn từ ngang hông, xuyên qua cổ họng anh ngọt lịm. Mồ hôi lạnh, không biết dồn nén từ đâu, nhỏ ra từng giọt trên gáy. Hi giá buốt, kéo cổ áo bay, ngửi thấy mùi nồng trận mạc xông lên, sau một chuyến bay nhiều cảm giác.
Trại nội thương có vẻ vắng người. Chiến tình dạo này đang hồi sôi động -- khu ngoại thương là khu ăn khách nhất , náo nhiệt đầy đủ mọi thứ áo lính từ trận tuyến tải về. Có cả những vết thương thi đua triển lãm tràn ngập ngoài hành lang. Phòng chật, chỗ thiếu; các chiến sĩ bị thương nằm tạm trên ghế xếp trình bày công khai chứng tích chiến trường, dưới mắt nhìn xót xa đồng đội. Gió mưa bất chợt, mỗi sáng mỗi chiều; là những vuốt ve thường xuyên hiện diện, mang những cọng lá vàng úa đang run rẩy bay vèo rơi xuống ghế trận, dưới làn gió thoảng rùng mình. Dư ảnh của hoàng hôn mộ địa vùi nông một thằng bạn lính, chết đi không được nghe kèn đồng, một bài 'chiêu hồn tử sĩ' như còn lảng vảng đâu đây, oan hồn chưa siêu thoát. Sự thua thiệt là hình ảnh dành riêng cho người vắng mặt, và cho cả người sống sót nín câm. Những chính trị gia thường hay dựa vào cái thế 'đa số trầm lặng' làm mẫu số cuối cùng cho mỗi lần thua cuộc trên bàn cờ chính trị. Một mẫu số vô hồn vay mượn vào những nơi bất mãn ngụy trang, những chán chường giả tạo, sau những lần miếng đỉnh chung, mồ danh lợi vượt thoát khỏi tầm tay. Một thứ trầm lặng hiện diện khác của những người hơn một lần, thề nhập cuộc; đang mang nỗi u hoài khắc khoải làm hành trang lang thang lếch thếch trên đoạn đường chiến chinh dài dằng dặc, bằng mười mấy năm 'ở lính', xin được tách rời tâm sự chiến trường ra khỏi vòng hào quang tôn vinh tưởng tượng trá hình của những kẻ chưa hề được xót sa cho chín những giọt máu bạn thân hòa lên nét vẻ hào hùng mưu sinh tồn tự do trên đất Việt.
Hi im lặng ngồi ở hàng hiên, đợi đến giờ thăm chính thức. Anh chợt nhớ đến 7 ngày hôm trước, anh mang con đến bệnh xá dân y. Đứa con đang lên cơn sốt dữ dội, nóng trên 42 độ -- cơn nóng của đứa bé truyền sang anh dưới tình phụ tử, thành một bộ dạng buồn cười. Cô nữ y tá đang bận viết thư tình, đã cười ruồi, trước bộ mặt thất thần của anh đang lo âu, hốt hoảng. Ông bác sĩ vào giờ chót, cũng lộ diện trước mặt Hi, như một vị thần độ thế. Những gõ, những nghe; cuối cùng ông ta trách, sao anh không xao lãng bổn phận làm cha. Lời than phiền khiến Hi đau điếng, "... tại sao giờ này, anh mới đem con đến?" Hi trả lời nghẹn ngào, "Thưa bác sĩ, tôi mới đi bay hành quân về. Nhà chỉ có vợ, và con, cùng ốm một lúc. Hiện nay tôi để vợ ở nhà, và nhờ hàng xóm ghé mắt trông giùm." Ông bác sĩ y khoa gật gật, " y viện đã hết nước biển, ông cố tìm một chai, rồi đem ngay đến đây. Nếu không, e con bé khó sống!"
Giao con cho y tá, Hi trở ra xe gắn máy, phóng như bay. Chưa bao giờ Hi thấy mình lái xe bạt mạng đến thế. Nhiều lúc Hi giật mình, chợt nghĩ, nhỡ có tai nạn, ai sẽ tìm hộ chai nước biển cho con đây, lại bớt ga chạy chậm lại. Rồi Hi lại tăng tốc, để quyết ăn thua đủ với tử thần, khi nhớ đến con đang hồi quyết liệt, mà hơi ấm con còn vương nồng trong vòng tay lồng ngực của anh. Cuối cùng anh cũng đến được bệnh xá đơn vị. Anh cố gắng sẽ trình bày mạch lạc bệnh trạng con đang hồi nguy kịch, hy vọng được người ta bố thí cho một chai nước biển. Vị sĩ quan quân ý trực đêm hôm đó, lạnh lùng trả lời,
"Nước biển khan hiếm, chỉ để dành cho nhân viên phi hành lâm nạn. Thiếu tá chịu khó đi xoay nơi khác vậy."
Hi cười buồn, ngắm kỹ lại gương mặt ông ta. Gương mặt đó không có một nét nào đáng giá, để có thể so sánh với y sĩ đại úy Hà Thúc Nhơn, một 'toubib' ít ra cũng đã làm rạng danh ngành quân y ngành bộ binh ở Nha Trang. Và, Hi gửi ý nghĩ phiêu du vào vùng trận mạc hôm rồi, tại sao dàn phòng không địch hôm ấy không bắn trúng ngay mình, để mình được chảy máu, và được người ta cấp cho vài ba chai nước biển? Nước biển đó đem cho con ta, liệu sớm thoát bệnh hiểm nghèo.
Bé Thu ơi! bố đã hết lời, lòng nhân đạo của thấy thuốc đã cho thuê mất rồi; thôi thì con hãy cố với sức yếu trẻ thơ cầm cự, chờ bố phải đi tim bằng được chai nước biển cho con. Hi quan sát lại kỹ càng cái tủ kính đựng một dọc lọ nước biển thẳng hàng. Rồi Hi xoay ngang, ngỏ lời cảm ơn ông quân y sĩ. Anh chạy bay về phòng hành quân đơn vị, bảo thằng bạn thân đi theo, giả ôm rên la. Sĩ quan trực phi đoàn gọi xe cứu thương tới tấp. Ông quân y sĩ, con người máy, đi ngay với đầy đủ y cụ cứu nguy. Trong lúc đó, Hi bỏ ra xe trực hành quân, mang theo một thằng em, chuyên viên 'bàn tay nhám'.
Trở lại bệnh xá, Hi vô gạ chuyện với cô y tá trực phòng, trong lúc đó, thằng em 'bàn tay nhám' bắt đầu giở ngón 'điệu thủ thư sinh' thần tốc. Một phút ngắn ngủi trôi em, thằng em 'bàn tay nhám' đã ra ngay xe Jeep, ngang anh, nó nháy con mắt cười tình.
Thế là xong, đứa con gái duy nhất của Hi sẽ thóat được cái chết trong đường tơ kẽ tóc rồi -- và Hi cũng đã qua được một đêm lo sốt vó kinh hoàng. Ngay ngày hôm sau, anh lập tức mang con gái vào quân y viện. Giờ cất cánh hành quân đã gần kề, thế mà anh vẫn còn thui thủi ngồi ở góc phòng chờ đợi -- đứa con gái trong tay thỉnh thoảng nấc lên, trở mình quằn quại. Giá có tiền, anh đã đem con vào những bệnh viện lớn mang danh hiệu ngoại quốc tại Sài gòn -- cỡ Grall, Saint Paul chẳng hạn -- chứ không đủ can đảm đợi chờ những giây phút căng thẳng triền miên, lo âu, tê xót. Một nỗi buồn không tên, như viên đạn đồng rít xé không gian lao thẳng vào tim nhức buốt. Hi ôm con trong lòng chờ chực đã hằng giờ -- ngòai vòng kẽm gai -- tiếng rao của hàng bán phở rong đang gọi mời sự lớn dậy của dạ dày thoi thóp; từ trong các hạch khẩu vị ưa ra một dòng nước dãi thèm thuồng. Anh chậm chạp nuốt nước bọt đẩy nó trôi xuống cổ họng, tự dưng dậy lên niềm cay đắng đang cào xé theo từng nhịp lên của trái táo Adam nặng kịt. Điếu thuốc lá, vẫn là điếu thuốc lá quân tiếp vụ trên đầu môi, mang đủ vị cay xè, khói đắng vào cung thẳm cung tim đang nhảy nhịp buồn nhạc chết.
Bảy ngày đã trôi qua, người khách viếng thăm đều đặn nhịp nhàng ở khu nội thương quân y viện -- kể cả những giờ phút thăm bất chợt, sau lượt bay vê, như cái bóng lặng lẽ, im lìm, ngồi ở hàng hiên, đếm những lá úa vờn bay, như thể anh từng đếm những 'chiếc lá đồng đội' bay đi, không trở lại khu vườn 'quân đội' vào thu. Nghĩ miên man đến cái chết đồng đội, buồn, rồi qua đi nhanh; không nguy kịch bằng lưỡi hái 'kiệm ước' đời sống đắt đỏ, nguy hiểm gấp vạn lần đạn địch, đang tung hòanh đe dọa khủng khiếp trên mũ sắt, ba lô lính trận.
Bé Thu, con anh đã chết rồi!
Ngay từ đêm đầu, nhiệt độ cơn sốt quá cao, vì phải đợi mãi chai nước biển, sức chịu đựng trẻ thơ căng thẳng đến mức tuyệt cùng rồi; đã làm tan vỡ mạch máu nào đó trong não. Những ngày kế tiếp, ông quân y sĩ đã tận tình cứu chữa, không cãi được mệnh trời. Một tiếng sét ngang tai như vỡ bùng âm thanh tung tóe! Như một kẻ hấp hối trong án tử 'thời đại kiệm ước' hiện nay. Tin con chết như phát súng ân huệ cuối cùng đang nhả đan vào thái dương chàng phi công thời chiến. Hi ngồi lịm trước hành lang quân y viện, nước bọt ứ ra mép như một dòng suối hận đời. Lệ đã cạn từ lâu trên 'cửa sổ linh hồn' ráo khô của những ngày bắt đầu nếm mùi lọc lừa, phản trắc, bạc như vôi, dưới bàn tay quyền uy 'định mệnh'.
Một chiếc xe Lambretta 3 bánh chạy lọc cọc trôi xuôi về miền ngoại ô thành phố, một khoảng đất nhỏ nhoi gói ghém xác hài nhi, lời vĩnh biệt con thơ chỉ là hơ mây ngủ thì thầm dưới rặng trâm bầu trong chiều mây xám. Trên bầu trời, một cánh chim đơn kẻ lẻ loi bay chập choạng về tổ, giống hệt tâm hồn Hi đang vỡ vụn.
Một nén hương cô độc nghiêng ngả cắm lên mộ sơ sài, mộ chí nguệch ngoạc nét chữ sắt se tình phụ tử. Chỉ vì không kiếm được một chai nước biển đúng lúc. Vợ Hi vẫn tiếp tục ốm đau uể oải. Cuộc sống èo uột, thiếu đủ thứ, mọi bề, như một thứ trì hoãn cuộc chiến não nề, trước quyền lực ào ạt của từng ồng thuốc tây đắt giá. Một mình chôn con, cô độc trở về nuôi vợ, lẻ loi trong từng bữa ăn nấu lấy một mình, lạnh lùng trong giấc ngủ chập chờn ác mộng.
Hi sa sút hốc hác như một quả chanh bị vắt hết nước, những sớ khô, xơ xác, củn mẳn, trơ tráo như cọng rau ngổ đơn lẻ phất phơ trong cánh đồng hoang sau mùa gặt -- chẳng khác gì hàm râu biếng cạo, tỉa; mọc lởm chởm lăng loàn. Cũng may phi công cấp tá, nếu là đại úy ra đường bị quân cảnh hỏi sự vụ lệnh, giấy xuất trại, số quân - "không quân số quân mang số 6 đầu, phạt nặng gấp 6 lần bộ binh đó a?"
Trở mình, vợ thức giấc, hỏi thăm con ra sao? Hi bèn trấn an bằng giọng ngụy trang, vui ngay, trả lời, "con đã đỡ nhiều, vài hôm nữa, anh sẽ đón nó về với em, được chưa?" Vợ gật đầu, Hi nhớ lại nhiều lần mặc quần áo ra phố, vợ hỏi, lại ngụy trang, đi thăm con.
Hi bỏ hết thời gian ngồi lặng câm trong nghĩa địa tiêu sơ, để cật vấn tâm hồn mình trong niềm run rẩy, nao núng của lương tri, để nghe một đáp số về thân phận '17 năm ở lính' -- con chết vì không đủ tiền mua 1 chai nước biển -- nếu có tiền dư dả, thì đã đưa nó vào Grall, Saint Paul; thì đâu đến nỗi?!
Trên đường về nhà chiều hôm đó, Hi đi ngang qua Câu lạc bộ, ánh đèn rực rỡ ánh hoa đăng. Anh lính gác cổng cho biết, đêm nay kỷ niệm ngày sinh nhật ông quân y sĩ. Hi chợt nhớ tới đứa con xấu số, đến chai nước biển 'định mệnh' phũ phàng đêm nào. Anh soát lại túi tiền -- hồi chiều một thằng bạn thân từ Đà Nẵng vào -- biếu 500 đồng mua thuốc lá hút chơi cho quên đời. Chẳng hiểu sao, Hi vù ra chợ, mua một bó hoa, để chúc ông quân y sĩ một ngày vui sinh nhật. Cầm bó hoa trên tay, cài tấm danh thiếp, Hi đưa cho anh lính gác. Hi bỗng thấy tiếc nhớ một cái gì khó nói, Hi ngắt lại một bông, lâm râm khấn nguyện, 'đóa hoa hồng này ba dành tặng con'.
Giã từ anh lính gác, cài đoá hồng vào túi áo bay, Hi tiếp tục trên đường về nhà; để cũng tiếp tục đóng kịch với vợ anh, chưa khỏi cơn đau ốm.
Phùng Ngọc Ẩn
(tr. 215-223 trong "Tập Thơ Truyện Không Quân Thời Chiến", nxb vàng son, Saigon 1974)