có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 12 27, 2015

Chuyện chó chết




Tôi đọc đâu đó rằng, muốn làm cho một người đàn bà trẻ bớt cô đơn khi bạn không thường xuyên có nhà, thì hãy mang đến cho nàng một con chó nhỏ. Con chó của tôi vừa chết tối qua. Hai tháng trước đây bạn gái của tôi mua nó ở vỉa hè từ một người đàn bà bán chó dạo.

Ban đầu, tôi không nghĩ rằng bà là một người bán chó chuyên nghiệp hay sống bằng nghề mua bán chó. Khác với những người bán cố định ở các chợ bán mèo chó và các loại thú nuôi khác trên các con đường như Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai... tôi tình cờ thấy bà ngồi ở những khu vực khác nhau. Đôi khi tôi gặp bà ở chợ Bà Chiểu, đôi khi lại ở đường Pasteur, ở đường Hùng Vương. Bà khoảng trên dưới 70 tuổi, trông có vẻ là một bà già nhà quê nghèo khổ, miệng bỏm bẻm nhai trầu, luôn mặc quần đen và một chiếc áo sẫm màu. Trên vai khoác chiếc giỏ đệm, bày khoảng 1, hay 2 con chó nhỏ khoảng một tháng tuổi, loại chó cỏ, không có chút giá trị gì với dân chơi chó quý. Có lần tôi hỏi thì được cho biết mỗi con như vậy bà chỉ bán chừng trên dưới 2, 3 trăm ngàn.

“Chó bà mua ở đâu?”

Bà trả lời tôi nhát gừng, giọng Quảng, “Không mua. Chó nhà!”

“Nhà bà nuôi nhiều chó lắm hả, sao tôi thấy ngày nào bà cũng có chó bán?”

“Hết chó nhà thì tới chó xóm. Tui bán giùm, người ta cho tiền xe.”

“Quê bà ở đâu?”

“Ngoải!”

“Ngoải là đâu?”

“Ngoải là ngoải, chứ ở đâu nữa. Ngoài xứ, xứ Quảng. Ông mua chó thì mua, sao cứ hỏi miết chi vậy?”

Tôi tắt đài.



Có khi buổi sáng tôi gặp bà ở một nơi, chiều lại thấy bà ở một nơi khác, cách xa nơi cũ. Khi thì bà ngồi nhìn dòng xe cộ chạy qua trước mặt, khi thì bà lại bước chậm rãi, lủi thủi trên hè nắng. Vẫn chiếc giỏ đệm và con chó nhỏ chưa bán được ôm trên tay. Lý do tôi để ý đến bà là vì lâu nay chúng tôi có ý tìm mua một con chó để nuôi cho vui nhà. Yêu cầu phải là một con chó đực (chúng tôi ngại nuôi chó cái vì lo phải chăm sóc các chó nhi đồng về sau), khoẻ mạnh, rẻ tiền và nhìn không xấu lắm. Tôi dừng xe xem chó của bà mấy lần nhưng không có con nào ưng ý. Lần sau cùng, bạn gái tôi chọn lấy 1 con trong lứa chó 3 con, trả bà 250 ngàn.

Tôi đặt tên nó là Lunar cho thơ mộng. Có phải nghĩa tiếng Anh của “Lunar” là đồng nghĩa với “Nguyệt” của tiếng Hán? Lunar là chó mực, khi nó về với chúng tôi thì đã được khoảng một tháng tuổi. Nhà tôi yên tĩnh, ít người, nên sự có mặt của nó làm cho đời sống chúng tôi có vài thay đổi nhỏ. Nhà nhỏ, không có nhiều không gian cho nó chạy nhảy. Tôi lấy thùng carton lót khăn bông và giấy báo, đặt ngoài sân làm nơi cho nó ngủ. Tuần đầu tiên mọi chuyện bình thường. Bạn tôi cưng con chó nhỏ và bận rộn với nó làm tôi ganh tị. Lunar đã biết nịnh và đùa với chủ. Mỗi khi chúng tôi đi đâu về, nó biết chạy ra mừng, và thường len lén nằm dưới chân giường ngước mắt nhìn lên. Tuần kế tiếp, Lunar bắt đầu có triệu chứng của bệnh tiêu chảy. Chúng tôi mang nó đi chích thuốc, nhưng bệnh không thuyên giảm. Mùi phân tanh lợm. Mấy ngày sau lại có thêm chứng bỏ ăn, ghẻ lác và toét mắt. Chúng tôi cố gắng chăm sóc nó hết lòng. Mỗi bữa cô bạn tôi nấu cháo cho nó ăn bằng cách bón từng muỗng. Dùng thuốc sát trùng rửa các vết ghẻ rồi rắc thuốc bột lên. Khi không còn tiêu chảy thì nó đã rất yếu. Chúng tôi bất lực nhìn cái chết ăn mòn đời sống nó một cách tiệm tiến. Nó gầy nhom và lông rụng xác xơ. Tuần cuối cùng, Lunar chỉ nằm thoi thóp nhìn chủ, cái nhìn buồn rầu và mệt mỏi. Tuy lý trí cho biết rằng nhiều phần chắc nó sẽ chết, nhưng chúng tôi vẫn thầm mong có một phép lạ nào đó giúp nó qua cơn bệnh, chúng tôi mơ hồ hy vọng vào sức sống bền bỉ của nó.

Buổi chiều, sau khi làm vệ sinh các vết thương, dùng thuốc nước nhỏ mắt, nhỏ mũi, cho ăn, tôi thấy Lunar không thể tự mình đứng dậy. Nó nằm yên ngước mắt nhìn và rên khe khẽ. Tôi biết thần chết đã đến, đã chạm tay vào nó, tôi thầm mong tối nay điều này đến thật nhanh, không gây đau đớn. Thần kinh của tôi không đủ mạnh và nhẫn nại để chịu đựng thêm việc chứng kiến cái chết bào mòn một sinh vật như vậy. Một lát sau, khi chúng tôi đi chợ về thì nó nằm im xoải chân. Lunar đã đi. Cô bạn tôi vào nhà ngồi khóc. Tôi quấn xác Lunar, bé bằng một con mèo nhỏ, vào chiếc khăn bông, bỏ vào một cái bao vải, rồi vào một cái hộp carton. Việc tìm một vườn cây hay một khu đất trống nào ở thành phố tấc đất tấc vàng này để chôn chó là chuyện viễn mơ. Tôi mang “quan tài” ra đặt trước cửa nhà, vào chỗ mà những người lo việc vệ sinh cho khu phố đến lấy rác.

Buổi sáng nay, dãy nhà chúng tôi ở chưa đến phiên lấy rác. Mỗi tuần người ta lấy rác 3 lần, cách một ngày nghỉ một ngày. Mùa này trời nắng nóng, tôi biết nếu chỉ để xác Lunar thêm một hôm nữa thì sẽ không ổn. Tôi cố thức dậy sớm, bỏ chiếc hộp vào một cái bao tải khác, đặt lên sườn xe gắn máy chở Lunar đi. Xem thế nhưng không đơn giản tí nào. Tôi không thể nhớ ra một nơi tập trung rác nào quanh khu tôi ở nên phải chạy loanh quanh khá xa. Sau cùng, tôi cũng ném được chiếc bao vào chiếc xe đang lấy rác ở một khu chung cư. Vĩnh biệt Lunar!

Tôi biết bạn mình sẽ lại buồn vì không có sinh vật nào để cho cô chăm sóc và đùa vui trong những khi tôi vắng nhà. Với bản tính mẫn cảm, cái chết của Lunar sẽ ám ảnh cô một thời gian. Tôi biết, một trong những cách tốt nhất để cảm thấy mình vẫn được thương quý trên cuộc đời này bởi một sinh vật, mà ít bị trách nhiệm ràng buộc nhất (điều này không kể ở xã hội phương Tây), là hãy nuôi một con chó. Và nếu muốn hiểu được nỗi đau của một sinh vật thì hãy thử tưởng tượng mình là sinh vật đó trong cơn khốn quẫn. Nhưng có lẽ chúng tôi phải cân nhắc về việc này một cách thận trọng hơn. Việc có trách nhiệm, dù ít, với một sinh linh nào khác vào lúc này là mệt quá đối với tôi.

Tôi ghé uống cà phê với hoạ sĩ Trịnh Cung. Nghe tôi kể chuyện Lunar xong, ông kể cho tôi nghe chuyện con chó ông nuôi hơn 14 năm. Khi vợ ông qua đời, con chó bỏ ăn nằm im dưới quan tài, nước mắt rưng rưng. Ông quấn lên đầu nó một dải khăn tang. Trước đây, ông vẫn đi về lặng lẽ một mình, tôi nghĩ đến đôi mắt chờ chủ trong bóng tối.

Những ngày cuối năm, Sài Gòn có vẻ chật và đông hơn mọi khi. Tôi bắt gặp mình dõi mắt tìm trên những vỉa hè. Tôi biết tôi đang tìm gì. Một bà già nhỏ thó, vai khoác giỏ đệm, ngồi nhai trầu bỏm bẻm ở vỉa hè, bên con chó nhỏ, trong một thành phố 9 triệu người.


Nghèo bán chó. Còn khó, khó bán cái gì? Một ông khách ngồi bàn cà phê kế bên trả lời giúp tôi rằng, “Khó thì bán máu. Nhưng có bọn không có chó cũng không có máu, thì lăm le bán nước. Chuyện đó cũ mèm, chắc ông biết rồi.”


Nam Đan