có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 11 08, 2015

Quần thể Angkor, niềm tự hào của đế chế Khmer


Kiến trúc đá tại cổng Nam thành Angkor Thom. 
(Hình: ATNT Tours & Travel)

Lịch sử Ðại Việt vào thế kỷ 11-13 là những thế kỷ vẻ vang của các triều đại Lý-Trần với các chiến công rực rỡ của Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, chống ngoại xâm từ phương Bắc. Cùng trong thời điểm này, một đế chế khác cũng rất hùng mạnh chiếm cứ một dải đất lớn phía Tây Nam Ðại Việt. Ðế chế này có một nền kiến trúc và văn hóa hết sức rực rỡ mà ngày nay UNESCO công nhận đó là một di sản kiến trúc và văn hóa quí giá của nhân loại. Ðó chính là Ðế Chế Angkor một thời oai hùng của dân tộc Khmer suốt từ năm 800 đến 1430.

Triều đại Ðế Chế Angkor đã suy tàn từ khoảng giữa thế kỷ 15, các di tích lịch sử kiến trúc văn hóa Angkor bị bỏ hoang phế và tưởng chừng dân tộc Khmer đã quên hẳn đi di tích 700 năm tuổi này! Nhưng kiến trúc và văn hóa Angkor chưa chết, nó chỉ ngủ một giấc ngủ dài cho đến một ngày đẹp trời của năm 1860, Angkor được Henri Mouhot một nhà mạo hiểm người Pháp đánh thức dậy.

Angkor bao gồm nguyên nghĩa vừa là kinh đô của một triều đại (Angkor Thom), vừa là thánh địa của một tôn giáo (Angkor Wat), chiếm một diện tích khoảng 400km2 nằm phía Bắc hồ Tonlesap. Thần quyền và thế quyền đã quyện lấy nhau tạo thành một triều đại Angkor kéo dài hơn 600 năm trong lịch sử Khmer. Biết bao nhiêu đền đài đã được xây cất, để lại cho nhân loại những kiến trúc tuyệt tác như Ðền Angkor Wat, Thành Angkor Thom-Ðền Bayon, Baphuon, Takeo, Ta Phrom, Preah Khan, Banteay Srei, Rolous Group. Trong số đó Angkor Wat là ngôi đền lớn nhất và nổi tiếng, được chọn là một trong bảy kỳ quan của thế giới. Kiến trúc đền Angkor Wat cho tôi cảm nhận một không gian thoáng rộng hùng vĩ (trong một dịp khác tôi sẽ trở lại chi tiết với các ngôi đền Angkor Wat, Ta Phrom, Preah Khan). Tuy nhiên, nếu phải so sánh giữa hai ngôi đền Angkor Wat và Bayon, tôi lại cảm nhận một sự dịu dàng và nhẹ nhàng hơn khi ngắm nhìn đền Bayon trong kinh thành Angkor Thom.

Ðền Bayon, trung tâm chính của Ðế Thích tại Angkor Thom. 
(Hình: ATNT Tours & Travel)

Thành Angkor Thom là một hình vuông, bốn phía hướng theo Ðông Tây Nam Bắc và vị trí đền Bayon xem như là trung tâm của Angkor Thom. Thành có tất cả năm cửa (Cửa Ðông, Tây, Nam, Bắc, và cổng Chiến Thắng), nhưng du khách ngày nay chỉ vào Angkor Thom bằng Cửa Nam vì đây là cổng duy nhất còn có được hình dáng nguyên thủy (tuy cũng đã bị thời gian, đạo tặc, và chiến tranh làm hư hao khá nhiều), còn các cửa khác hầu như bị hư hại khá nặng.

Qua khỏi cửa nam độ hơn một cây số, du khách đến khu đền Bayon. Theo như truyền thuyết ngôi đền này được xem như “Ðế Thích,” còn đền Angkor Wat được xem là nơi thờ phụng “Ðế Thiên.” Vì thế người Việt chúng ta gọi vùng Angkor là nơi tôn thờ Ðế Thiên Ðế Thích. Ðền Bayon được cho là ngọn núi giữa trung tâm kinh thành Angkor do vua Jayavarman VII xây đựng vào cuối thế kỷ 12 nhằm để tôn thờ các Ðức Phật Bồ Tát từ bi, Ðức Phật Lokesvara thần thông bốn phương tám hướng và vị Phật Vua (*). Phải chăng nhà vua Jayavarman VII mang hàm ý đền Bayon không những chỉ là trung tâm điểm của tôn giáo Phật Vua mà còn là trung tâm điều hành uy lực của đế chế Khmer!

Ðền Bayon là một quần thể kiến trúc gồm 54 tháp đá “tượng Phật bốn mặt.” 
(Hình: ATNT Tours & Travel)

Ðền Bayon là một quần thể “tháp đá,” trên các tháp đá người ta sắp xếp các tảng đá chồng lên nhau và điêu khắc bốn mặt Phật ở bốn phía Ðông Tây Nam Bắc. Bayon được xem là ngôi đền có các khuôn mặt Phật điêu khắc đẹp nhất trong quần thể Angkor. Lạ lùng nhất là những nụ cười mỉm trên môi trên khuôn mặt Phật. Người đời sau gọi “Nụ cười huyền bí Bayon” dành cho “sự mỉm cười lạ lùng” này. Người nghệ nhân điêu khắc khuôn mặt Phật này, chắc hẳn “tâm” người này đã vượt qua khỏi mọi vướng bận của đời sống khổ đau và tầm thường của kiếp nhân sinh nên người nghệ nhân đó đã để lại cho nhân loại một nụ cười thật nhẹ nhàng dịu mát, nhưng quả là một nụ cười huyền bí cho trần gian.

Lúc xây cất đền Bayon, người ta tin rằng đền có 54 tháp trụ đá “khuôn mặt Phật.” Ngày nay, đền Bayon chỉ còn lại khoảng 37 tháp. Hơn sáu thế kỷ đã đi qua mà còn hiện hữu được con số như thế cũng là điều an ủi lớn cho dân tộc Khmer lắm rồi. Chiến tranh thời xưa tiếp nối đến thời nay, Pol Pot diệt chủng như thế! Ðạn bom như thế! Bayon vẫn còn hiện hữu “nụ cười mỉm” của Ðức Phật dành cho lớp người sau thưởng ngoạn. Thế chẳng là may ư!

“Nụ cười huyền bí Bayon.” 
(Hình: ATNT Tours & Travel)

Trong số hai mươi bảy vị vua nối tiếp nhau trị vì đất nước Khmer, nhà vua Jayavarman VII là người thông minh dũng lược nhất. Dưới thời ông, biên giới đế chế Khmer đi rất xa, ông thôn tính Chiêm Thành và quấy nhiễu An Nam. Ông cũng là người có công xây cất nhiều công trình đền đài to lớn và giá trị như Bayon, Angkor Wat. Ngoài ra, đền thờ Ta Phrom dành cho mẹ ông, Preah Khan dành cho cha ông cũng là hai đền thờ bảo vật khác cho thành phố Siem Reap hiện tại. Những công trình xây cất do nhà vua Jayavarman VII đều xứng đáng cho hậu thế thưởng ngoạn. Nhưng ông đã dùng hết sức lực người dân của ông. Dân Khmer thuở ấy nghèo quá, họ nghèo cho đến bây giờ vì hết nước Thái rồi đến Miến Ðiện tiếp tục theo dòng thời gian đi xâm chiếm dân tộc nghèo và yếu.

Cùng một thời điểm lịch sử, dân tộc Khmer để lại một di tích quần thể Angkor (Ðế Thiên Ðế Thích) cho cả nhân loại thưởng ngoạn và ngưỡng mộ. Thuở còn bé, tôi xem thường người dân láng giềng phía Tây. Nhìn phương Bắc cứ nghĩ rằng họ ghê gớm lắm. Nhưng có đến di tích Angkor, mình mới học thêm bài học về “sự khiêm nhường.”

Ðiệu vũ của các tiên nữ Apsara trên vách tường đền Bayon. 
(Hình: ATNT Tours & Travel)

Nước Ðại Việt chỉ có một di tích nhỏ bé Chùa Một Cột còn lưu lại đến nay. Nghĩ đi thì cũng ngượng, nhưng nghĩ lại thì vẫn còn có điều an ủi! Di tích nước Ðại Việt thì nhỏ bé, nhưng chiến tích thì lớn vô cùng! Trận Khâm Châu của danh tướng Lý Thường Kiệt-Tôn Ðản, trận Bạch Ðằng Giang của Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn, câu nói bất tử của danh tướng Trần Bình Trọng khi bị giặc Nguyên bắt “ta thà làm Quỉ nước Nam còn hơn làm Vương đất Bắc”! Những chuyện ấy đều làm rung động nước phương Bắc.

Ðiểm khác biệt là nước Ðại Việt còn, nhưng triều đại Angkor đã mất!


Trần Nguyên Thắng
Tours & Travel

(*) Tôn giáo Phật Vua: Sau khi nhà vua băng hà, “linh phù” của nhà vua sẽ về ngự ở giữa Chư Phật.