có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Bảy, tháng 11 07, 2015

Biển Sầu





nhạc Y Vân
tiếng hát Thái Thanh
trong phim Trống Mái


Vào khoảng 1971, cuốn phim “Trống Mái” do hãng phim Hương Giang thực hiện chiếu ở Sài Gòn và các tỉnh đã thu hút khá đông khán giả, do bởi ngoài con số người hâm mộ cải lương đi coi thần tượng của mình đóng phim (kép cải lương Thanh Tú đóng vai chánh). Lại còn nhiều giới khác cũng đi coi do bởi tên tựa của phim “Trống Mái” nghe nó là lạ nên đi coi để biết.


Tuy chỉ là phim đen trắng nhưng nhà sản xuất đã đánh trúng tâm lý của khán giả nhiều giới nên đã thành công. Ðặc biệt khá đông học sinh và trí thức cũng dành thì giờ đi coi cuốn phim này.

Phim “Trống Mái” phóng tác theo cuốn tiểu thuyết bất hủ của cố văn hào Khái Hưng trong nhóm Tự Lực Văn Ðoàn. Ðây là sản phẩm điện ảnh đầu tiên có một giá trị văn học nghệ thuật, do đã hướng về việc xây dựng giáo dục văn hóa dân tộc.

Phim được đạo diễn Lê Mộng Hoàng điều khiển và phần hình ảnh do Trần Văn Lịch đảm trách, thực hiện với thành phần tài tử như Thanh Tú, Ngọc Hạnh, Huỳnh Thanh Trà, Cẩm Hồng, Vương Vũ, Diễm Hương, Thùy Linh, Việt Hùng, Anh Ðào, hai bà Bảy Ngọc và Hồng Hà Chúng tôi tóm lược cốt truyện phim “Trống Mái” như sau:

Hiền (Ngọc Hạnh) một nữ sinh mới đậu tú tài toàn phần, cùng mẹ là bà Hậu (bà Hồng Hà) một nhà tỷ phú ở Sài Gòn ra Nha Trang nghỉ mát. Một hôm đi chơi về hướng làng chài lưới, Hiền gặp một thanh niên đẩy một chiếc thuyền nặng nề mà cả 6 người khác đẩy không nổi. Hiền ngạc nhiên khi thấy ở chốn này lại có một người vạm vỡ như một lực sĩ cường tráng đẹp như pho tượng cổ Hy Lạp.

Vì tánh tò mò, Hiền đã làm quen với Vọi (tên chàng thanh niên), và Vọi kể cho Hiền nghe cuộc đời chàng Hiền thấy Vọi ở một cái gì hiền hậu, chất phác thật thà. “Vọi đẹp, đẹp theo nhà hội họa, nhà điêu khắc, thể thao.”

Trong đám bạn bè trai gái đi nghỉ mát có Hồng (Diễm Hương), Thu (Anh Ðào), Lưu (Huỳnh Thanh Trà), Miên (Vương Vũ Ư) là những sinh viên luật. Lưu yêu Hiền bằng một tình yêu tha thiết của tuổi trẻ, chàng ghen tức với Vọi nên có nhiều lần ngăn cản Hiền không cho gặp Vọi.

Một hôm nhân lễ sinh nhật của Hiền, bà Hậu chiều con để cho nàng tổ chức một buổi tiệc, hợp các bạn bè gồm có Ô Lưu, Miên, Hồng, Phụng và Hiền cũng không quên mời Vọi đến cùng vui với mình.

Chàng mặc áo dài khăn đóng, chân không mang giày dép chi cả, dáng điệu thật bỡ ngỡ quê mùa. Sự hiện diện của một chàng đánh cá đã làm ngạc nhiên đám thanh niên nhộn nhịp vui đùa.

Những cái nhìn khinh bỉ, những tràng cười khả ố đã làm Vọi đau khổ, Vọi buồn rầu ra về. Một lát sau, đám bè bạn của Hiền kéo ra về, họ cười cợt chế nhạo sự quê mùa, sự ngớ ngẩn của Vọi bằng những luận điệu thật tàn nhẫn. Vọi đau khổ nép mình trốn dưới lườn xuồng để lẩn tránh những cái nhìn ranh mãnh, những cái nhìn độc địa của đám trai gái thị thành.

Ðã 3 hôm Hiền không gặp Vọi ngoài bãi biển, Vọi sốt vì tình yêu thất vọng hay vì nắng biển?

Rồi một hôm trong lúc Vọi lang thang ngoài bãi biển thì gặp Lưu cho biết Hiền đã trở về Sài Gòn. Vọi tái mặt, thất vọng, rồi tiếp theo những lời gièm pha chế nhạo của Lưu, Vọi buồn bã.

Từ ngày ấy Vọi thấy trong lòng trống trải cô đơn, chàng buồn, một thứ buồn không tên đã chế ngự lòng chàng từ dạo đó

Vọi nảy ra ý trả thù khi Lưu định thuê thuyền của Vọi ra khơi chơi - nhưng rồi lương tâm không cho phép, cuối cùng bản tánh chất phác thật thà của Vọi đã thắng. Lưu trở về Sài Gòn được bình yên. Riêng Vọi vì quá nhớ thương Hiền người con gái xinh đẹp đã làm hồn chàng mất mát sự yên tĩnh.

Ðể đỡ nhớ Hiền, Vọi trở lại những nơi mà Hiền và chàng đã đi qua. Hòn Trống Mái, nơi đây chàng đã tìm cách khắc tên chàng và Hiền trên tảng đá.

Một buổi trời mưa phùn giá rét biển đông dữ dội văng sóng bạc đầu lên mỏm đá, người ta vẫn thấy Vọi đi đi lại lại trên bãi cát quần áo ướt đẫm, hai má chàng ướt đẫm, chẳng biết đó là nước mưa hay nước mắt?

Hè năm sau Hiền cùng mẹ và các bạn trở lại Nha Trang, đến hòn Trống Mái thì nhìn thấy khắc hai chữ H và V. Hiền chợt nhớ đến Vọi, nên rủ nhau đến nhà để thăm. Nhưng khi đến cổng nhà của Vọi thì lạnh lùng hoang vắng. Từ xa một già một trẻ tiến tới đó là mẹ và em của Vọi, bà mẹ già đau đớn nói trong nước mắt: Vọi đã chết!

Hiền nghẹn ngào để rơi hai dòng lệ thương đau thì thầm “chỉ vì ta.”

Ở ngoài kia Lưu dựa lưng vào tảng đá nhìn ra xa. Ở ngoài khơi tiếng sóng biển rầm rộ đổ hồi.


Danh tác “Trống Mái” của Khái Hưng thật là linh động và hấp dẫn, là một cuốn tiểu thuyết bất hủ, một tác phẩm văn học vô giá mà không ai có thể dám phủ nhận giá trị về nội dung của câu chuyện. Chính nhờ yếu tố đó, mà tác phẩm Trống Mái đã sống trong văn học mãi mãi cho đến bây giờ.

Nhiều người xem phim đã thắc mắc rằng: Hiền đi nghỉ mát ở Nha Trang và gặp Vọi ở làng chài lưới. Cũng như thất vọng vì tình, Vọi đi qua lại những nơi mà chàng và Hiền đã từng đi qua: Hòn Trống Mái, và Hè năm sau Hiền trở lại Nha Trang đến hòn Trống Mái thấy dấu khắc chữ HV, như vậy hòn Trống Mái ở Nha Trang sao?

Thật ra thì hòn Trống Mái ở tỉnh Thanh Hóa cạnh bãi biển Sầm Sơn, tức là phía bên kia vĩ tuyến. Trong thời kỳ đất nước chia đôi, hãng phim không thể nào ra Bắc để quay phim nên đặt cho hòn Trống Mái ở Nha Trang chăng?