có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 11 15, 2015

Đỗ Kim Bảng và, ca khúc “Bước chân chiều chủ nhật”


nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng


Có thể rất nhiều người biết tên nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng. Bởi ngoài một số ca khúc rất nổi tiếng, ông còn là một nhà giáo dạy nhiều trường khác nhau; từ các trường trung học phổ thông, tới Võ Bị Đà Lạt. Nhưng, là người ít khi nói về mình, nên có dễ ít ai biết rõ tiểu sử của ông.

Trong số những tư liệu được lưu trữ trên Internet thì, tư liệu sau đây, về cuộc đời cũng như sự nghiệp của họ Đỗ, theo chỗ chúng tôi thấy, tương đối đầy đủ hơn cả. Tài liệu vừa kể cho biết:

“Nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng gốc Quảng Nam, sinh năm 1932 tại Huế. Ông là bạn đồng khóa với nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương từ trường trung học Khải Định cho đến trường Cao đẳng Sư phạm và Đại học Văn khoa Hà Nội. Ông học đàn với nhạc sĩ Lê Quang Nhạc, học lóm nhạc lý Tây phương với nhạc sĩ Văn Giảng và học thêm cổ nhạc với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba. Những năm học trung học ông tham gia sinh hoạt văn nghệ trong trường và trong Gia đình Phật tử với các bạn như Phạm Mạnh Cương, Hồ Đăng Tín, Hoàng Nguyên, Kiêm Đạt, Diên Nghị, Tạ Ký (thơ), Minh Tuyền (nhiếp ảnh), Lữ Hồ (văn học)…

“Năm 1949, ông sáng tác ca khúc “Mục Kiền Liên” và trình bày trong mùa Vu Lan tại Huế.

“Năm 1951, ông làm bài “Mùa thi ” được ban hợp ca Thăng Long dựng thành nhạc cảnh và trình diễn nhiều nơi ở trong nước.

“Hôm nay mùa thi , bao nhiêu người đi
Xe rộn ràng, lớp ồn ào, niềm vui vấn vương.
Thi ơi là thi, sinh mi làm chi ,
“bay” nghẹn ngào, “bám” ồn ào, buồn vui vì mi”.

“Sau đó được ban Gió Nam của nghệ sĩ Trần Văn Trạch cùng ban Thăng Long trình diễn “Mùa thi” tại Hà Nội năm 1954. Ban Thăng Long đã làm bài hát này nổi tiếng và đưa tên tuổi ông đến giới hâm mộ nhạc VN.

“Năm 1953, ông ra Hà Nội học tại Đại học Văn khoa và Cao đẳng Sư phạm. Trong thời gian này ông học thêm âm nhạc với nhạc sĩ Hùng Lân. Cuối năm 1954, ông di cư vào Saigon.

“Năm 1955, ông tốt nghiệp Cao đẳng Sư Phạm, được bộ Giáo dục biệt phái sang bộ Quốc phòng và dạy tại trường Võ bị Quốc Gia Đà Lạt từ 1955 đến 1960. Trong thời gian này ông sáng tác bản “Khúc hát ngày mai” được ban Thăng Long trình bày trên đài phát thanh Saigon và đài Quân đội.

“Năm 1960 về lại bộ Giáo dục ông dạy tại trường Trần Lục rồi Nguyễn Du. Trong năm này ông cho ra đời bài “Mưa đêm ngoại ô” và năm 1963 bài “Bước chân chiều Chủ nhật” do Thanh Thúy hát.

“Năm 1965 ông nhập ngũ khóa 21 trường Võ bị Thủ Đức… Ra trường với cấp bậc chuẩn úy (…) Năm 1969 ông được biệt phái về lại bộ Giáo dục và tiếp tục dạy học cho đến tháng 4-1975. Sau đó, ông đi học tập cải tạo đến năm 1978.

“Năm 1980, ông vượt biên rồi được định cư tại Hoa Kỳ. Ông đi học lại nghề cũ và dạy học ở Boston cho đến 1999 thì về hưu. Trong thời gian ở Mỹ ông phổ nhạc bài thơ “Tháng ba đi hành quân” của Trần Hoài Thư.

“Ngoài những nhạc phẩm nêu trên ông còn những sáng tác khác như : Mưa đêm ngoại ô, Sương đêm, Vòng tay giữ trọn ân tình, Vui dựng gia đình, Xin dìu nhau đến tình yêu.”

(Trích Nguyệt San Việt-Nam, chủ đề “Những Nhạc Sĩ Gốc Huế” (Bách khoa toàn thư mở – Wikipedia)

Tuy nhiên, nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng không chỉ nổi tiếng với ca khúc “Mùa thi”, một ca khúc hiếm hoi của kho tàng tân nhạc miền Nam 20 năm. Ông cũng không chỉ nổi tiếng với thể loại nhạc đạo, điển hình qua ca khúc “Mục Kiền Liên” mà, ông còn nổi tiếng, đồng thời nhận được sự trân trọng của những người cùng giới, khi ông sáng tác ca khúc “Bước chân chiều chủ nhật” năm 1963.

Ở thời điểm này, dòng tân nhạc miền Nam đang bị quá tải bởi những hình ảnh “anh anh / em em”sướt mướt, ủy mị… Hoặc bị “hội chứng mùa thu” vì, nhạc sĩ nào, dù lớn hay bé, chí ít cũng có dăm ba ca khúc viết về mùa thu… Mặc dù miền Nam về phương diện khí hậu, thời tiết, mỗi năm chỉ có hai mùa rõ rệt là mùa nắng và mưa. Khí hậu hay thời tiết miền Nam, không giống miền Bắc. Mùa thu hay mùa đông, nếu có chỉ thoảng qua trong tưởng tượng, trong hư cấu của rất nhiều nhạc sĩ mượn mùa thu, để “biểu dương” tính lãng mạn cao độ của mình?!.

Đỗ Kim Bảng thì không. Tuyệt nhiên ông không cố tình ôm lấy hay “thét gào mùa thu”. Ngược lại, ông để lại cho đời “Bước chân chiều chủ nhật” – – Một ca khúc mà, giai điệu mới lạ ông đem đến cho nó, khiến tự thân nó bật sáng. Chói lọi. Một cõi. Ngay ca từ của ca khúc này, người ta cũng không tìm thấy một nhân xưng đại danh tự “anh anh / em em” nào. Ngoài một chữ “tôi”, nhân xưng đại danh tự ngôi số ít, mở đầu phân khúc cuối: “Tôi thích lang thang trong chiều chủ nhật”.

Bìa nhạc Bước chân chiều chủ nhật 

Cách khác, với tôi, ngọn hải đăng soi suốt dòng chảy ca từ của “Bước chân chiều chủ nhật” chính là “những bước chân” và “những chiều chủ nhật” nào đó, của một Saigon, xưa, cũ:

“Ðêm vẫn chưa buông nhưng chiều dần tàn
Mây tím giăng ngang trên trời Sài Gòn
Phố phường chìm trong tiếng đời nỉ non
Lòng ai như vấn vương, ai về chan chứa tình thương

“Ôi tiếng chân đi trong chiều chủ nhật
Nghe quá bâng khuâng nghe sao rời rạc
Như từng hạt mưa rớt đều mái hiên
Nhịp chân vương bóng đêm, khuất dần cuối đường phố yên

“Bước chân khoắc khoải đi khi ngày vui vừa hết,
thôi luyến lưu mà chi
Bước chân nhuốm hoàng hôn
bước chân đếm chờ mong
đếm bao nỗi buồn niềm thương

“Tôi thích lang thang trong chiều chủ nhật
Nghe tiếng chân vang lên từng điệu nhạc
Ðể lòng nhẹ ru với thành phố im
Vì ngày mai nắng lên, phố phường xóa nhòa bước êm”

Với tôi, khi ông viết “Bước chân nhuốm hoàng hôn” rồi “bước chân đếm chờ mong / đếm bao nỗi buồn niềm thương” thì hai động từ “nhuốm” và “đếm”khá hiếm thấy trong ca từ nhạc Việt. Nhất là động từ “nhuốm” trong câu “bước chân nhuốm hoàng hôn”. Ngay với các thi sĩ của chúng ta, chẳng phải ai cũng có thể sử dụng động từ này đúng chỗ và đẹp đến như thế.

Để kết luận bài viết ngắn này, tôi muốn nói, số ca khúc họ Đỗ để lại cho đời sau, không nhiều. Nhưng chỉ với một “Bước chân chiều chủ nhật” không thôi, Đỗ Kim Bảng cũng đã xứng đáng để chúng ta nhớ tới ông, như một điểm son của lịch sử tân nhạc miền Nam, 20 năm vậy.


Du Tử Lê

(Garden Grove, July 2014)