có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 11 13, 2015

Bóng nguyệt lòng sông



Ông già Thành chậm rãi đưa tay vào túi áo khoác lấy ra một cái khăn giấy mỏng, tay kia gỡ lấy cặp mắt kiếng trắng đang đeo. Đôi mắt bị bỏ trống khiến cái mí với những chiếc lông mi thưa thớt chớp lia chớp lịa. Ở phía dưới, bắp thịt xệ xuống màu xẫm đen, đầy những vết nhăn hình xương cá. Da mặt nhăn đùn như trái táo khô. Tay cầm tờ giấy mịn, ông lau nhè nhẹ đôi tròng kiếng, cử chỉ thong thả, từ từ. Hồi lâu khi lau xong, ông đeo lại trên mắt, nhìn thử một lượt chung quanh rồi quay qua nói vớùi một bà già ngồi bên cạnh. Bà nầy nhỏ con ốm yếu, khoác một bộ áo len dầy rộng thùng thình, đang ngồi sưởi nắng, dáng co ro:

– Loay hoay chừng tháng nữa là tới đông. Ở cái xứ gì mà ngày giờ qua mau quá. Lẩm rẩm mà tui với chị Sáu ở trong cái nhà dưỡng lão nầy gần đúng một năm.

Bà Sáu Đành ngồi ở đầu băng cây cũng đang nhìn trời nhìn đất, đầu óc nghĩ vẩn nghĩ vơ, nghe nói bèn trả lời:

– Ờ ờ, lẹ quá, bên Việt Nam mình phải chờ thiệt lâu mới tới Tết. Còn ở đây cứ xuân hạ thu đông thay phiên nhau qua vùn vụt. Riết rồi sao chỉ thấy một năm mười hai tháng toàn là mùa đông. Thiệt là rầu thúi ruột. Mà sao ông anh cứ dùng hoài cái danh từ Viện Dưỡng Lão, tui thấy nó kỳ cục. Chịu khó bắt chước người ta đổi mới một chút đi. Ở đây ai cũng nói là Trung Tâm Tiếp Cư Tuổi Vàng nghe cho đỡ buồn mà hay hơn.

Ông Thành nghiêng mình xuống đưa tay lượm một cái lá rụng trước mặt, nhìn một hồi lâu từng đường gân chạy chằng chịt như mạng nhện trên mẩu lá vàng, rồi mới đưa qua bà Sáu phân bua:

– Chị thắc mắc chi mấy cái danh từ đó. Như cở tuổi tui với chị, bây giờ dùng tuổi vàng, tuổi bạc, tuổi ngọc gì thì cũng đâu có trẻ lại được chút nào. Con người ăn học càng cao, càng văn minh tấn bộ thì càng nói năng khéo léo, đẹp đẽ, hoa mỹ nhưng đã là sự thật thì đâu có dùng lý luận để thay đổi được. Tui nghĩ cái gì mình cố che dấu thì cái đó dễ bị lộ tẩy cho người ta để ý.

Ông già không cần biết bà Sáu có nghe hay không, vẫn thản nhiên tiếp tục:

– Như cái lá nầy ban đầu là cái mầm non nhú ra từ thân cây hoặc cành cây nhỏ, nhờ nắng mưa phát triển đầy đặn xanh tươi đẹp đẽ được vài tháng. Thu tới vàng vọt héo úa, chỉ cần một cơn gió nhẹ là nó vĩnh viễn rớt xuống đất đen, để rồi năm sau những cái lá khác tiếp nối chu trình bất tận đó. Cũng vậy con người ai cũng phải trãi qua các giai đoạn trẻ thơ, trưởng thành, già nua rồi chết. Bỡi vì cái thân xác con người giới hạn, nó chỉ sống được một trăm năm thôi, làm sao mà lột da sống đời. Cái sự thật rõ ràng như vậy, vậy mà khi nghe cái câu làm người ai cũng phải chết – người ta thường gạt đi nghĩ rằng chỉ có người khác là phải chết, còn mình thì trẻ hoài, đẹp hoài và dĩ nhiên là sống hoài…

Bà Sáu háy ông già Thành bằng nửa con mắt, trề môi như không thèm nghe cái lối nói chuyện xóc họng thầy đời, miệng định cãi, nhưng sợ ông giận nên đành phải nhịn. Ở trong cái chung cư mười từng nầy, chỉ có ông già Thành và bà là người Việt Nam da vàng. Còn lại toàn là da trắng với da đen. Mỗi lần muốn nói chuyện với họ thì bà phải ra dấu, vừa mỏi tay vừa bực mình. Dầu sao có người cùng quê hương xứ sở làm hàng xóm cũng đỡ khổ. Bà con xa không bằng láng giềng gần. Ông Thành vẫn còn nói láp dáp bên tai:

– Nhưng mà chị Sáu ơi, tuổi trẻ có cái đẹp của tuổi trẻ thì tuổi già cũng có cái vui, cái đẹp của tuổi già. Mỗi thời, mỗi lúc đều có nỗi vui riêng của nó nếu mình biết tận hưởng. Trẻ sống theo trẻ, già sống theo già, thì làm gì mà không tìm được niềm vui. Còn nếu mình đã trọng tuổi mà cố bám víu, sống vội sống vàng như lúc mười chín, hai mươi thì cái đó thiệt tình coi không được đa! Như ngày nào đó chị cao hứng đi uốn tóc quăn, thoa son dồi phấn xanh xanh, đỏ đỏ, vẽ mắt đen thui, mặc áo đầm, đi giày cao gót…

Bà Sáu nghe nói tới đó, tức quá nhịn không nỗi nữa, cự nự:

– Cái ông nầy ở không rảnh rỗi, nói chuyện gì đâu. Khi không bày đặt chuyện kêu tôi đi uốn tóc, mang giày cao gót… Mà ông nói nghe hay quá hả, vậy ông chứng minh cho tôi coi cái lá rụng dính đầy bụi đất nè, cũng như tuổi già của ông với tui nè, nó đẹp ở cái chỗ nào?

Ông già Thành hấp háy cặp mắt sau đôi kiếng lão, nhìn bầy bồ câu xám đen đang rủ nhau từng đám đi kiếm mồi. Chúng thảnh thơi bay lượn nhảy nhót vô tư. Trong khi đó, ông và bà Sáu ngồi mà tranh luận chuyện trời đất. Ông năm nay cũng đã già mà bà cũng không còn trẻ trung. Cả hai đang ở vào cái tuổi của mùa nào cuộc đời?

Trời đã bắt đầu nong nóng, nắng chan hoà trên khắp lối đi. Cả không gian sáng rực rỡ chói lọi. Gần chỗ hai người, rải rác đây đó có những cây tùng lùn thấp, tàn lá xoe tròn hình nón như được cắt xén, chăm sóc tỉ mỉ. Những cây phong to cở hai ôm tay lá đã úa vàng từ cả tuần nay. Có cây màu vàng ánh, có cây màu đỏ sậm. Cả một vùng cây lá trãi dài một vùng xanh, vàng, đỏ chen lẫn nhau tạo thành một bức tranh thiên nhiên vĩ đại. Ông nhìn thấy ngọn đồi với cái nóc nhà thờ cao vút và rặng núi xanh mờ mờ ở tận phía nam. Cái không gian trong suốt yên lành đẹp đẽ quá. Ông đưa tay chỉ ra xa:

– Chị Sáu thấy không, cả một vùng màu sắc, ánh sáng trộn lẫn nhau, xanh, vàng, trắng, đỏ. Cảnh tượng thiên nhiên đẹp đẽ phong phú hơn các bức tranh do con người vẽ nhiều lắm. Mấy anh chàng hoạ sĩ bắt chước mà vẽ nhưng họ vẽ dở ẹc. Có ra hồn gì. Làm sao mà ghi hết được cái đẹp của vạn vật thiên nhiên. Hồi tôi còn ở đảo, vô thư viện tìm sách mà coi, có đọc được một tạp chí Trung Hoa thấy họ nói về mùa thu. Chị biết họ dùng chữ gì không?

– Ai mà biết chữ Tàu!

– Họ đã dùng bốn chữ “diễm lệ túy nhơn” đẹp đẽ, quyến rủ khiến lòng người say ngây ngất.

Bà Sáu kêu lên:

– Thiệt hả, sao họ tả cảnh nghe hay quá vậy! Rồi chợt nghĩ ra, bà nhìn xoi mói ông Thành.

– Tui không tin đâu, ông bày đặt ra để gạt tui. Mà ông nói lòng vòng quanh quẩn, ông chưa giải nghiã được câu tui hỏi. Ông Thành xoa hai tay xương xẩu, da nhăn nheo.

– Ừa ừa, chị không thấy sao, trong thiên nhiên mùa xuân, mùa hạ có cái tươi vui rực rỡ thì mùa thu, mùa đông cũng có cái lộng lẫy, trang trọng của nó. Bây giờ tui hỏi chị nghen, khi đi coi cải lương, giữa đào kép diễn tuồng với khán giả ngồi coi, ai là người sung sướng?

Bà Sáu trề môi:

– Hỏi vậy mà cũng hỏi. Dĩ nhiên là mấy người ngồi ở dưới. Làm khán giả sướng hơn, thoải mái, không bận rộn, có thì giờ mà thưởng thgức. Làm đào với kép, không phải dễ dàng, cực khổ vất vả lắm, phải có tài. Hát mà lấy được đồng tiền…

– Đó đó, tôi muốn trả lời cái câu hỏi của chị. Trong cái gánh hát lớn của cuộc đời, con người ai cũng phải trãi qua một giai đoạn thật dài, múa may quay cuồng trên sân khấu. Nhiều khi lo lắng trăm mưu nghìn kế, tranh giành được mất hơn thua, đâm ra quên mất con người thật của mình, đến đổi không biết mình là ai nữa. Như con cá bơi lội vẫy vùng trong dòng sông, cứ tưởng là được tự do, tung tăng thoải mái nhưng thiệt ra nó bị cái dòng nước bao la vĩ đại mênh mông cuốn hút lội phăng đi, nào có hay biết chút gì. Tui với chị, người làm đào, người làm kép, đóng cái vở tuồng đời đã mấy chục năm, mệt mõi rồi, bây giờ được làm khán giả để coi người ta múa hát, chị không thấy sung sướng lắm sao?

Bà Sáu lúc lắc cái đầu:

– Thôi thôi ông ơi! Ông thử nghĩ coi, tuổi già thì đâu còn ham muốn gì nữa được. Muốn đi chơi chỗ nầy chỗ kia thì chưn cẳng run rẩy đi không nổi, muốn ăn món ngon vật lạ thì răng cỏ rụng hết trơn, muốn nhìn ngắm thưởng thức cảnh đẹp, thì mắt mờ, đầu óc lú lẫn nhớ trước quên sau… Đó là tui chưa kể đủ thứ bịnh hoạn, như ông với tui bây giờ, nay đau mai mạnh, không biết ngày nào về với ông bà. Cái sung sướng mà ông kể thôi dành để riêng cho ông, hổng có tui trong đó.

Ông già Thành không trả lời, ngồi duỗi thẳng chưn, lưng ngã dựa trên thành ghế. Nắng chói làm ông nheo mắt. Buổi sáng hôm nay, nắng ấm thiệt dễ chịu. Ngoài đường ở trạm đợi xe, đám đông đứng chờ đợi, dáng vẻ ai cũng khoẻ mạnh yêu đời. Mấy đứa con nít đuổi bắt nhau, chạy giỡn dọc theo lối đi. Có một cặp thanh niên nam nữ, ôm nhau hôn, gần gũi thật tự nhiên, coi vũ trụ chung quanh như tan biến hết. Không gian như chỉ còn riêng hai đứa yêu nhau. Ông Thành choàng dậy chỉ cho bà Sáu:

– Nè, chị thấy hai đứa trẻ đó yêu nhau, đẹp đôi ghê hôn. Thiệt là xứng đào xứng kép. Chị thì sao không biết chớ riêng tui, mỗi lần thấy mấy đứa nhỏ, làm quen, ve vản, quấn quít nhau là tui thấy vui trong bụng. Ít ra thì tụi nó cũng thấy được trong giai đọan thương yêu, cuộc sống trở nên có ý nghiã hơn, đẹp đẽ nên thơ hơn…

Bà Sáu hứ một tiếng to, phản đối quyết liệt:

– Cái thứ đồ con cái nhà ai, mới nứt mắt mà đã bày đặt nầy nọ, không biết xấu hỗ. Giữa đường giữa sá, dám làm cái chuyện đồi phong bại tục. Vậy mà ông không trách cứ phê bình, lại còn có vẻ khuyến khích cổ võ… Tui coi không được một chút nào.

Nói xong bà ngún ngoải, quay mặt qua phía bên kia, thở dài:

– Thiệt tình!

Ông già Thành cười ha hả:

– Chị với tui thiệt là hổng hạp. Từ chuyện lớn tới chuyện nhỏ, cái gì cũng trái ý, vậy mà sao ông trời lại xui khiến gặp nhau trong cái góc biển chưn trời nầy. Thôi tôi hỏi chị nghen, hai đứa nhỏ đó yêu nhau, tại sao chị lại cho là xấu xa? Nó không chọc phá gì ai, đâu có làm hại cho kẻ khác. Mà yêu nhau đâu phải là cái tội cần phải trừng phạt, ngăn cấm. Chừng nào nó ăn cắp, ăn trộm, chửi rủa, đánh lộn, hút xì ke, ma tuý… nghiã là làm những điều gì có hại cho tập thể, xã hội, thì cái đó thiệt là không được.

Bà Sáu tức quá cãi lớn tiếng:

– Ông chùi cái kiếng lại cho sạch hơn coi, rán nhìn cho rõ hai đứa đó được mấy tuổi, tụi nó mà hơn mười tám là ông chặt đầu tui đi. Con nít còn đi học, cơm cha áo mẹ, không lo trau dồi đèn sách, bày đặt đủ thứ chuyện nầy chuyện kia, quá trời mà! Thiệt là cái thời mạt pháp. Còn ông nói yêu nhau không làm hại xã hội hả? Nèø ông coi đi, hai đứa nó ôm nhau hun chùn chụt giữa đường giữa sá đó, nó đã tội lỗi đầy mình rồi, còn muốn làm gương xấu cho kẻ khác bắt chước.

Bà hạ giọng:

– Đẻ con mà hư hỏng như vậy thà đẻ trứng gà trứng vịt luộc ăn còn sướng hơn!

Giọng ông Thành ôn tồn:

– Tui đồng ý với chị một điểm nhỏ thôi. Tuổi trẻ đi học, yêu đương quá sớm thì trễ nãi việc học hành. Cái đó thì đúng. Nhưng nếu nó học khá, học hành vẫn đàng hoàng thì việc yêu đương có hại gì đâu. Ngồi trong lớp có người mình yêu thiệt dễ thương, liếc qua liếc lại không vui lắm sao. Hồi nãy chị dùng chữ bày đặt, tui không chịu cái chữ nầy. Con người ngoài cái nhu cầu ăn uống, ăn mặc, đi đứng, còn cái nhu cầu phát triển lý trí và tình cảm nữa. Tới một cái tuổi nào đó, mình thấy trời xanh hơn, mây trắng hơn, nắng hồng hơn, phải không chị Sáu?

Bà già vẫn còn tức tối, không trả lời. Ông Thành tiếp:

– Chị nói tuổi tụi nó còn quá trẻ? Mười sáu, mười bảy cũng đâu còn là nhỏ. Hồi xưa người ta gả chồng từ lúc mười ba. Hổng lẽ đợi đến sáu, bảy mươi như tôi với chị, rồi mới bắt đầu biết yêu… Bà Sáu bực quá, mặt xụ xuống:

– Xí, già mà hổng nên thân, đừng có chọc tới tui. Ông nói cho sướng cái miệng, phải chi có được con gái thông minh, học giỏi, đẹp đẽ yêu kiều, gặp phải cái thằng lưu manh, xão trá, điếm đàng nó rù quến, rồi tặng cho một cái bầu chình ình, để ông coi cái cảnh đó có chịu nổi không? Lúc đó tui chống con mắt lên để nhìn cho rõ…

– Trời đất! Chị nói chi mà dữ vậy. Nếu con tui học giỏi, thông minh, thì làm sao gặp phải một thằng lưu manh xão trá, điếm đàng? Vậy cái thông minh giỏi giắn đó vụt ở đâu? Chị không nhớ cái câu ” đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu “, Việt Nam mình cũng thường nói ” nồi nào úp vun nấy”. Mà muốn làm quen với một cô gái đẹp đâu phải dễ. Cái nầy tui nói thí dụ, chị nghe đừng có giận. Cở giỏi giắn, đẹp trai như tui mà cách đây ba bốn chục năm về trước, dầu muốn xin theo chị để xách dép xách giày, chị cũng đâu thèm cho, phải không chị Sáu? Vậy thì chị cũng đừng lo, con gái nó trưởng thành sớm hơn con trai, nó khôn hơn về mặt tình cảm. Nhưng mà dầu nó có thằng bồ bất tài, vô tướng mà nó yêu được thì cũng đâu có sao. Nói đi nói lại, miễn yêu nhau thiệt nhiều là được. Trong tình yêu cũng không nên tính khôn tính dại. Tính toán nhiều quá mất vui đi. Bà Sáu xỉa xói: – Hứ, chuyện đó làm sao biết được. Nhưng cái lối lý luận của ông là hổng ưa. Dầu ông có nói gì thì nói, tui cũng không chấp nhận cái lối mèo mã gà đồng. Còn phải kể cha mẹ, ông bà, hàng xóm, phong tục, gia thế, lễ giáo, tuổi tác… nữa chớ! Một cơn gió thổi tạt ngang, những chiếc lá vàng rời cành đưa nhau bay lả tả trong không gian như đàn bướm. Ông già Thành húng hắng ho, hai tay ôm lấy ngực. Cái lưng cong vòng, cúi gập xuống. Một hồi lâu, mặt mới bớt nhăn nhúm: – Ờ, ờ, thôi tôi chịu thua chị,.. Vậy thì hễ là con nít thì không được yêu nhau. Muốn cái gì thì phải xin phép cha mẹ. Người phương Nam không được lấy người phương Bắc, phương Đông không được gặp người phương Tây. Người học giỏi không nên chơi với người ít học. Người giàu không nên thân với người nghèo. Người đức hạnh thì không nên làm quen với người lưu manh, đàng điếm, đẹp không nên gần gũi xấu…

Nói tới đây, ông già nheo mắt chọc bà Sáu:

– Nếu chị là Thượng Đế có đủ mọi quyền năng thì trái đất bốn tỉ người nầy, chỉ còn sống sót độ trên dưới một tỉ người thôi. Còn ba tỉ kia vì dốt nát, thiếu đức hạnh, xấu xí, nghèo khổ,.. chắc chị hoá phép cho họ đi chỗ khác chơi riêng một mình, đỡ lây qua những người đàng hoàng, sang trọng, đẹp đẽ…

Bà Sáu nghe tới đó, phủi đít đứng dậy bỏ đi vô trong, miệng lầu bầu:

– Thiệt tình, muốn ngồi phơi nắng cho khoẻ một chút mà cũng không được yên thân. Ông nói lải nhải hoài nghe mệt quá, già cả đâm ra đổi tánh bất nhơn. Trên đời nầy chỉ có mình ông là nghĩ ra mấy cái điều kỳ cục. Cũng may là không có con gái, nếu có thì nó đã xách gói theo trai từ hồi mười ba mười bốn…


***

Bịnh viện X, ngày…tháng….

Chị Sáu kính mến,

Tôi đã vào bịnh viện X.. được tuần nay. Đêm hôm đó tôi bị trở bịnh bất ngờ, được xe nhà thương đưa vô đây lúc ba giờ sáng, không kịp từ giã chị. Hiện đang nằm ở phòng hai mươi, lầu hai, được thuốc men chăm sóc chu đáo. Tuy nhiên thể xác tôi bây giờ rệu như cây mục, không biết gãy gục lúc nào. Ối, chuyện đó hơi đâu mà lo, già thì chết, đó là lẽ thường tình. Tôi không lo sợ gì hết và có thái độ rất là bình tĩnh. Có lẽ cũng mong cho cái ngày đó đến mau thêm một chút thì đỡ bị dằn vặt. Tôi bây giờ trơ trọi, không còn một người nào thân yêu ngoài chị, nên những giây phút rảnh rỗi còn lại nầy, rán viết cho chị vài chữ.

Chị còn nhớ, cái buổi sáng cuối tuần, tôi với chị tranh luận về tuổi trẻ, tuổi già. Tôi biết những lời tôi nói làm chị buồn lòng, nhưng tôi vẫn cứ nói, một phần vì cái tánh nghĩ sao nói vậy, không quanh co trau chuốt, một phần vì câu chuyện xoay quanh cái nỗi niềm hối hận nằm sâu kín trong tâm khảm, tôi cố đè nén thì nó lại trồi lên trong tim, trong óc, không thể nào gột rữa cho hết sạch được. Mà làm sao xoá bỏ được cái điều mình đã lầm lỡ. Mấy lần tôi định nói cho chị biết lý do tại sao tôi lại có quan niệm lạ lùng như vậy nhưng thấy chị không tha thiết với câu chuyện nên đành thôi. Câu chuyện tôi kể cho chị, không có gì kỳ lạ đặc biệt. Nó tầm thường giản dị như hàng trăm, hành ngàn chuyện xảy ra trong gia đình Việt Nam mình.

Tôi được sanh ra và lớn lên ở thành phố Sài Gòn. Hồi đó cuộc sống tôi rất sung túc, yên vui. Nhờ của cải cha mẹ để lại khá đồ sộ, tôi làm chủ một cửa hàng xuất nhập cảng tơ lụa, gấm vóc. Nhà tôi trông nom một cửa hiệu kim hoàn. Công việc kinh doanh ngày một phát đạt. Chúng tôi chỉ có duy nhứt một cháu gái nên rất yêu thương chiều chuộng. Cháu Thuỷ giống mẹ nên rất xinh xắn, thông minh, năm mười tám tuổi cháu đậu bằng Tú Tài Pháp hạng bình. Còn nỗi sung sướng nào bằng khi cha mẹ thấy con vừa đẹp đẽ vừa học giỏi. Tất cả tình thương của vợ chồng tôi đều đổ dồn cho con. Cháu nó lại ngoan ngoản, lễ phép, hiền lành nên chúng tôi thường sung sướng và hãnh diện khoe với bạn bè.

Một hôm mẹ nó hớt hơ hớt hải từ ngoài bước vào nhà, báo cho tôi biết một nguồn tin động trời là cháu Thuỷ có bạn trai. Chính mắt bả thấy hai đứa cặp đôi nhau đi trong nhà sách Khai Trí, cử chỉ rất là thân mật. Thái độ hốt hoảng của nhà tôi làm như là trời sập tới nơi. Tôi nghe xong vừa sợ hãi, vừa lo lắng. Nếu may mắn mà cháu Thuỷ gặp được người chồng có ăn học đàng hoàng, con nhà tử tế, còn nếu không may thì vợ chồng tôi buồn khổ biết chừng nào. Cả cái gia tài chúng tôi cố gắng gầy dựng mấy chục năm nay kể như là tiêu tan hết vào tay người khác. Những ngày sau đó, tôi dò la tin tức, được biết cậu Hoàng, người bạn trai của cháu, là sinh viên Đại Học Văn Khoa Vạn Hạnh. Tuy cậu ấy đẹp trai, học giỏi nhưng gia đình đông anh em mà lại nghèo. Bà mẹ cậu ta phải vất vả cực khổ nuôi con. Để đủ tiền ăn học, cậu Hoàng phải dạy thêm ở các tư gia vào những ngày nghỉ. Vợ chồng tôi tuy kính trọng cái nghị lực phi thường, cái đức tính cần cù nhẫn nại, nhưng không phải vì vậy mà chấp nhận cậu Hoàng làm con rể. Chồng của cháu Thuỷ phải là người xứng đáng hơn. Tôi bàn với nhà tôi, thay vì để cháu tìm người bạn trăm năm thì vợ chồng chúng tôi với cái hiểu biết từng trãi, giao thiệp quen biết nhiều nợi, tìm dùm cho cháu. Cuối cùng chúng tôi chọn được một người rất là vừa ý. So với Hoàng thì Sơn không đẹp trai bằng nhưng về gia thế, học hành, tiền của, thì Sơn quá đầy đủ. Tụi tôi không còn mong ước gì hơn. Ban đầu cháu Thuỷ từ chối quyết liệt lời cầu hôn của Sơn và giữ vững tình yêu sắt son với Hoàng. Chúng tôi phải năn nỉ, phân trần điều hay lẽ thiệt. Rồi cho tới một ngày Hoàng phải nhập ngũ và bị đưa ra tận vùng một để chiến đấu ngoài đó. Sơn lợi dụng cơ hội lân la, chiều chuộng với sự hỗ trợ, khuyến khích của vợ chồng tôi. Một phần bị chúng tôi giận hờn ép buộc, một phần Sơn quá theo đuổi mà Hoàng thì xa xôi cách trở, cháu bị dồn vào cái thế phải nhận lời kết hôn.

Ngày đám cưới nhìn cháu khóc nức nở để về nhà chồng, tụi tôi cũng không cầm được nước mắt thương con nhưng trong lòng rất là sung sướng vì Thuỷ đã nghe lời dạy dỗ của mình. Chắc chắn là cháu sẽ có hạnh phúc bên chồng, cuộc đời sẽ đầy hoa gấm. Người con gái nào ở cái cõi đời nầy lại không mơ ước một mẫu người chồng lý tưởng như Sơn, có học vấn cao, tiền bạc, địa vị xã hội đầy đủ. Chúng tôi thay mặt cho cháu Thuỷ mà lựa chọn dùm cái hạnh phúc lứa đôi. Nhưng chị Sáu ơi! Cái hạnh phúc mà vợ chồng chúng tôi chọn, nó chỉ đúng có phân nửa. Hôm trước tôi có nói với chị, cái thân xác con người có giới hạn, bây giờ tôi thêm một điều nữa là cái hiểu biết cũng có giới hạn. Cái hiểu biết của vợ chồng chúng tôi chỉ thấy được cái bằng cấp thiệt cao, cái địa vị thiệt bự, cái tủ sắt thiệt to mà không thất được cái chiều sâu thăm thẳm của lòng người. Ngoài cái vóc dáng bề ngoài hiền lành tử tế, ai biết được hết cái mưu mô xão trá ở bên trong. Sơn từ ngày cưới được vợ, chỉ vài năm đầu thì êm ấm bình thường nhưng sau đó thì hối lộ, tham nhũng nên bị mất chức, tánh tình trở nên thay đổi. Sơn không còn e dè, gìn giữ gì hết, để lộ bộ mặt ăn chơi, đàng điếm, suốt ngày la cà, trà đình, tửu quán, nay cặp hết cô nầy, mai lại cô kia. Cháu Thuỷ sống với chồng như ở trong địa ngục, nhiều khi bỏ về khóc lóc, kể lể đủ thói hư tật xấu của Sơn. Chúng tôi chỉ biết khuyên lơn, an uỉ. Cái thảm kịch đó, cả ba chúng tôi cố gắng cắn răng chịu đựng, dấu kín bạn bè, không dám hở môi, sợ người chê cười. Nhiều đêm vợ tôi thao thức nhắc tới cậu Hoàng. Tôi vì xấu hỗ với con nên không dám nghĩ tới. Cháu Thuỷ thì tuyệt nhiên không hề đá động đến người bạn cũ một câu. Điều đó khiến vợ chồng tôi áy náy. Chẳng thà cháu trách cứ hai đứa tôi, có lẽ vậy đỡ khổ hơn chăng? Mỗi lần cháu bị Sơn hành hạ, đánh đập để đòi tiền, mặt mày sưng vù tím bầm, về nhà khóc lóc là mỗi lần tôi đứt từng đoạn ruột. Chịu đựng như vậy cho đến một ngày cuối tháng tư, năm bảy mươi lăm, Sơn hạ nhát dao ân huệ cuối cùng là đành đoạn bỏ bê vợ, ngang nhiên dắt một nhơn tình mới đi qua Mỹ. Cháu Thuỷ bơ vơ, trở về nương náu với chúng tôi. Ngày xưa cháu yêu đời, xinh tươi, kiều diễm, đẹp đẽ như cành lan trong nắng sớm thì bây giờ tàn tạ, thê lương, cằn cỗi. Cậu Hoàng biết được, có đến thăm mấy lần nhưng cháu cố ý lánh mặt. Phải chi cháu thân mật, ấm áp vui tươi trở lại với Hoàng thì lương tâm tôi đỡ bị dày vò. Tôi hiểu được chút ít tâm trạng của cháu Thuỷ. Tất cả cái nỗi ngại ngùng khó xử, xấu hỗ, đối với cố nhân là do vợ chồng tôi tạo ra. Ôi! Ông trời già cắc cớ làm chi, du tôi vào cái cảnh thiệt là éo le nầy. Sau đó, Hoàng bị bắt đi học tập mãi ở tận Lào Kay, hình như thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn, ngoài Bắc. Cháu Thuỷ có lặn lội ra đó thăm nuôi được một lần. Hoàng ngày nào mắt sáng môi hồng, bây giờ chỉ còn da bọc xương, một xác chết chưa chôn còn biết đi. Hoàng nói như lời trăn trối, khuyên Thuỷ đừng nên chờ đợi, ngày gặp nhau chỉ còn hy vọng ở kiếp sau. Chị Sáu ơi, trong các thứ định mạng ở cái cõi đời nầy, thì Cộng Sản là cái thứ dịnh mạng khắc nghiệt nhứt. Nó là chén thuốc độc cuối cùng bắt cháu Thuỷ uống từ giọt, từ giọt…

Làm sao một người con gái mảnh mai chịu đựng nổi cái cảnh bi thương, vừa bị chồng ruồng bỏ như quăng một chiếc vớ cũ vô sọt rác, vừa chờ đợi tuyệt vọng người mình thương yêu thật lòng ở kiếp sau. Sau chuyến đi Bắc về, đầu tóc của cháu bạc trắng như một bà già bảy mươi tuổi. Nét mặt của cháu trơ ra bất động như được nặn bằng sáp. Nụ cười hầu như rất là hiếm hoi. Nhiều đêm, tôi thấy cháu ngồi bất động như pho tượng im lìm, không biết cháu suy nghĩ điều gì. Vợ chồng tôi gạn họi hoài không được, chỉ còn nước khuyên lơn vỗ về… Rồi đến một đêm kia, cháu Thuỷ đi lang thang trong đường phố vắng người trong giờ giới nghiêm, người ta đã nhẫn tâm nổ súng vào cháu.

Chị Sáu ơi, người ta đã nhắm bắn vào một người lãng trí như nhắm một tấm bia bằng cây ở quân trường, không một chút xót thương. Trời ơi! chị Sáu, chị có tưởng tượng được cái nỗi đau đớn, xót xa, hối hận, dày vò vợ chồng chúng tôi đến thế nào không? Cháu Thuỷ, đứa con gái yêu quí nhứt đời tôi, nó là vàng, là ngọc, bây giờ đã nằm yên, bơ vơ dưới lòng đất lạnh, thân xác rữa tan, biến thành bụi đất. Tôi với má nó đau trong từng tế bào, từng đường gân sớ thịt. Từ đó về sau, cơm không ăn được, đêm ngủ cũng không được. Tê tái, đau xót. Khóc nhiều đến nỗi không còn nước mắt. Nhà tôi vì quá nhớ thương con, lâm trọng bịnh rối cũng qua đời. Tôi một thân một mình trơ trọi, tâm trí khủng hoảng gần như điên loạn. Nhìn vật gì trong nhà, sau bếp, ngoài vườn, cũng thấy hình ảnh vợ con lẫn khuất đâu đây.

Cuối cùng không chịu nổi cái đau khổ dằn vặt, tôi quyết định bỏ hết, để đến một chơn trời vô định nào đó. Ở đâu cũng được, miễn là phải thiệt xa để được quên, quên hết. Tôi già rồi, đâu cần phải lo nghĩ gì nữa cho đời sống, cho tương lai. Đời nguời ta, cái lo sợ to lớn nhứt thường ám ảnh là cái chết. Tôi bây giờ không sợ chết nữa, đôi khi còn mong cho nó đến sớm hơn, thì chị nghĩ coi tôi còn sợ cái gì. Tôi tháp tùng theo ghe vượt biên qua đến đảo, ít ra cũng tránh được cái thành phố cũ, nơi mà tôi có quá nhiều kỷ niệm chua xót.

Ở đây mỗi ngày tôi được chứng kiến hàng bao nhiêu thảm kịch mà đồng bào phải gánh chịu. Chết chóc, đói khát, bịnh tật, bão tố, hãm hiếp, giam cầm, đánh đập, con mất cha, vợ lạc chồng, người nào người nấy xơ xác như trái mướp phơi khô, tàn tạ, ủ rũ như cây cãi hết nước. Nỗi bất hạnh của gia đình chúng tôi có thấm thía gì với cái bất hạnh của cả một dân tộc bị đọa đầy. Thời gian quả là liều thuốc mầu nhiệm, nó khiến cho nỗi đau đớn ngày một phôi pha. Lòng tôi trở nên bình thản. Nhiều đêm, ngồi một mình trên ghềnh đá ở bãi buôn lậu, nhìn ra đại dương tối đen chập chùng, tôi nghĩ tới nghĩ lui, loanh quanh về việc tình cảm, hôn nhơn của cháu Thuỷ. Ôi, cõi lòng tôi nhỏ nhen, chật hẹp. Nó bị cái xã hội, phong tục, tập quán, giáo dục, thành kiến… vây quanh bám cứng, kết tủa, chặt không đứt, bức không rời… Bao năm sau biết được chuyện xưa lầm, thì đau khổ đã hằn trên trán nhỏ (Tạ Ký)

Chị Sáu mến,

Khi tôi viết thơ nầy cho chị, thì trăng đã qua khỏi đọt cây bên ngoài khung cửa hẹp. Mấy ngày nay nằm trên giường bịnh, cả phòng, cái gì cũng sơn màu trắng toát, nhìn hoài chán hết sức, chỉ có ánh trăng vàng nhạt là sáng dịu dàng. Tôi ở xứ nầy đã mấy năm, cho đến giờ phút nầy mới khám phá ra một điều mới lạ. Con trăng lưỡi liềm ở đây nó nằm dọc trên bầu trời chớ không nằm ngang như bên mình. Cũng thời là mặt trăng mà ở bên trời tây khác hơn bên đông. Nói chuyện về mặt trăng, đâm sực nhớ đến hồi còn trẻ, tôi rất thích hai câu thơ của một thiền sư Nhựt Bổn:

Hôm nay nhà cháy rồi 
Tha hồ mà ngắm trăng

Phải lâu lắm, trải qua nhiều đau khổ chồng chất, nhiều dịp nghiền ngẫm về cái ý nghiã thực sự của đời sống, rồi đến bây giờ về già, nằm lây lất trên giường bịnh ba bốn ngày nay, tôi mới thấy được hết cái thâm trầm của nó. Phải tự đốt nhà thì mới thấy được ánh trăng, không thể nhờ người khác… tuyệt đối không thể nhờ người khác….


***

Bà già Sáu đọc xong bức thư viết nửa chừng, không đoạn kết, nước mắt đầm đìa. Bà ngồi bần thần thiệt lâu trên chiếc ghế xích đu. Thiệt không ngờ, ông già Thành lại mang một tâm sự não nề, thê lương quá sức. Vậy mà bề ngoài ông vẫn cười cợt, tươi vui, bình thản. Cái con người, ốm yếu, da dẻ khô cằn, lại có một tình thương vợ con bao la không bờ bến. Bà nghĩ lại, đâm ra hối tiếc những lời cằn nhằn nặng nề hôm nào, đáng lẽ ra bà phải nói năng êm ái, dịu dàng hơn mới phải. Hình ảnh ông Thành ngồi trên băng cây sưởi nắng, tay lau cặp kiếng già, trầm lặng hiện rõ trước mặt. Cảnh như mới đây. Cái giọng lý luận thì nghe gay gắt nhưng cái tình ý thì thiệt dễ thương. Phải thật lâu bà mới đứng dậy nổi, cất kỹ bức thơ vào túi áo trong, bàn tay run run. Bà nghĩ trong bụng, để ngày nào mồ yên mã đẹp, bà phải đến chăm sóc, trồng cho ổng vài bụi hoa cúc, để khi thu về, ổng có dịp ngồi bên đám hoa vàng mà ngắm trăng. Lúc đó thì ổng tha hồ …


Võ Kỳ Điền
Trích trong "Kẻ Đưa Đường"