Góc khuất của chiến tranh- Ảnh Philip Jones Griffiths
Người hỏi tôi:_” Anh đã biết gì về cuộc chiến?”
Vào thời buổi Internet phổ biến như hiện nay bạn chỉ cần gõ vài dòng, click chuột vài cái là đã thấy đầy kết quả trên Google về cuộc chiến Việt Nam. Hoặc bạn muốn có nguồn tin đáng tin cậy hơn thì hãy vào WiKipedia…trong ấy hội tụ đầy đủ sự hiện diện của các bên, nguyên nhân khách ,chủ quan,khoảng thời gian, không gian của những sự kiện, kết cục và những con số. Một con số khá lớn mà đơn vị tính lên đến cả triệu ...
Riêng tôi, chỉ là đứa bé mười một tuổi khi cuộc chiến dừng lại. Trong những ngày mà hàng ngày luôn luôn có vài chục, vài trăm sinh mạng cầm súng cả hai bên phải ngã xuống (điều này ở quá xa và tôi không được mục kích) ,nhưng những thường dân vô tội ở cạnh tôi chẳng hạn như anh nông dân hiền lành đang cày cuốc trên đồng, người thiếu phụ thăm chồng đồn trú, mấy đứa bé ngồi nghịch thứ đồ chơi sắt thép chết người ngoại bang (do đất nước quá nghèo nàn của nó không sản xuất được cho nó một thứ đồ chơi thật sự và đính lên đó một cái mác an toàn)… phải bỏ lại cái quý giá là cuộc sống, thì một sinh linh nhỏ bé như tôi, run rẩy trong cái thị xã hằng đêm vang về tiếng súng, cũng luôn được đánh động bởi một thứ! Trong cơn gió lốc của chiến tranh sinh mạng con người như những chiếc lá mong manh luôn bị lay động.
Thị xã:
Thật khó khăn khi phải lục lọi trong dòng thời gian để lấy lại những hình ảnh cần tìm về một một thị xã miền duyên hải thời chiến. Nha Trang, cái thị xã là đề tài cho biết bao bản tình ca và những bài thơ tình lãng mạn thời ấy. Nằm trong một vịnh biển, thị xã hiền hòa , nguyên sơ nằm náu mình trong màu xanh của những vòm cây. Đi đến đâu, ngước mắt lên đầu cũng thấy những tán lá xanh .Những con đường luôn gắn liền với những loại cây đặc biệt nào đó. Võ tánh_ xà cừ, Huyền trân_ phượng đỏ, Ngô quyền_ keo, gạo,me tây; Phan bội Châu, Độc lập, _xà cừ; Phan châu Trinh _bàng, Trưng vương _me tây….Mỗi mùa thành phố mang một sắc thái, một cái mùi đặc biệt… Biển và màu xanh nguyên thủy với bờ cát trắng phau chạy dài, rì rầm trong tiếng ru đồng điệu của hàng dừa và phi lao. Phi lao nhiều, nhiều hơn cả dừa ! Từ khách sạn Duy Tân trở xuống phi trường dường như đầy phi lao. Phi lao trãi dứoi gốc chân mình một tấm thảm nâu dày, mịn màng,làm chổ nghỉ chân cho dăm ngừoi khách, đôi tình nhân anh sinh viên sĩ quan và chị nữ sinh trường Huyền trân…( Chăc điều này các bậc tiền bối sống ở Nha trang biết rõ hơn tôi) . Nhưng thị xã không chỉ cho ta thấy mỗi điều đó. Thị xã đang sống. Thị xã nằm trong những biến động của dòng chảy của lịch sử. …. Con đường Duy tân chạy dọc bờ biển được chặn hai đầu bởi hai cái lô cốt. Một bằng bê tông nằm ngay tòa tỉnh trưởng ( nay là Ủy ban nhân dân Tỉnh) và một là cái đồn đá lớn vĩ đại ( giờ là nơi quảng trường).Sau đó là rừng dương…kho quân tiếp vụ…lại rừng dương…quân cảng. Những lô cốt có mặt ở mọi nơi, nấp dưới hàng me xanh kho quân cụ ( nay đường Thái nguyên)…dưới tán cây phượng đỏ đường Lê thánh Tôn(sát trường dòng Thánh Tâm), hay trước cổng doanh trại Quang Trung nay đường Ngô Quyền….Người lính với khuôn mặt khăc khổ và cái nhìn bâng quơ vào khoảng không phía trước, như đang tìm kiếm và định hình số phận của mình trong cuộc chiến… và cũng như những đứa trẻ đồng niên sinh ra trong những năm chiến tranh, tôi được mẹ quê hương đong đưa trên chiếc võng kết bằng dây kẽm gai , hai đầu võng là hai cái tháp canh đen sì, nghễu nghện và được ru ngủ bằng bài ca đầy nước mắt của một dân tộc da vàng.
Tôi lớn lên trong sự nuôi nấng của bà ngoại..Có lẽ do bận bịu với công việc buôn bán, má tôi có một cái sạp nhỏ bán quần áo tại Chợ Đầm, bà chỉ nuôi tôi ba tháng cho đến khi tôi cai sữa. Bà sống tại căn nhà trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, cách nhà ngoại tôi khoảng nữa cây số. Ba tôi là lính không quân thuộc phòng khí tượng, trong thời gian ấy đang đóng quân tại Đà Nẵng. Nhà ngoại tôi có 4 người. Ngoại, cậu bảy ( em má tôi, má tôi thứ sáu) , dì út ( thứ chín ) và tôi. Ông ngoại đã mất từ lâu, năm ba mươi tuổi, do bịnh sốt rét.
Cậu bảy là giáo viên toán trường Bá Ninh và cũng là trung úy pháo binh biệt phái. Năm 73,74 gì đó, chiến tranh trở nên ác liệt hơn, người ta lại động viên cậu vào lính đóng ở Tuy Hòa. Cậu là họa sĩ và phòng khách của nhà ngoại đầy những bức tranh sơn dầu do cậu vẽ. Nhưng ngày đó, đứng ngẩn tò te trước những màu sắc nhòe nhoẹt, nổi khối treo trên tường, tôi không tài nào hiểu được cậu muốn mô tả cái gì. Duy chỉ có một bức tranh to, vẽ chân dung một người thiếu nữ treo trịnh trọng giữa những bức vẽ cây cỏ, hình nhân màu mè khác. Chân dung của người con gái xõa tóc với đôi mắt thật buồn và chiếc nón lá. Nghe mấy người lớn bảo đó là người yêu của cậu, quê đâu tận Phú lâm Tuy hòa. Về sau tôi còn nghe phong phanh, chị đã chết do chuyến xe lam lên tỉnh lị bị trúng mìn… Sau này cậu đi rồi, mỗi lần đứng một mình trong phòng khách tôi lại thấy sợ khi nhìn lên bức chân dung ấy. Đôi mắt đó quá thật!...
Dì chín tôi là giáo viên tiểu học tại trường Sơn Ca. Ngôi trường nằm trong một hẻm nhỏ đường Nguyễn thiện Thuật hiện nay, sát nơi đồn trú một đơn vị cảnh sát dã chiến. Thỉnh thoảng tôi vẫn thường được dì chở đi xem văn nghệ mà trường tổ chức nhân ngày lễ lộc gì đó. Hình ảnh những chị học sinh, lúc đó lớn hơn tôi vài tuổi, xúng xính trong chiếc váy sồi, chiếc nón quai thao ,vai mang chiếc trống con , thoăn thoắt trong tiếng nhạc của vũ khúc trống cơm tạo cho tôi những ấn tượng thật mạnh mẽ. Cái vũ khúc chân dị và dễ đi vào lòng người ấy là đề tài của những câu hỏi ngây ngô của tôi với dì về nguồn gốc của một miền đất không có. Trong cuốn sách địa lý mà tôi vẫn học ở trường, đất Việt là một mảnh đất cong cong chạy dài, mặt giáp với biển Đông; phía Nam phình to, nhỏ thuôn hơn về hướng Bắc và... bị cụt ngọn trong một nhát cắt. Không lồi lõm, khúc khuỷu như vị trí địa lý tự nhiên thường thấy,đó là một vạch ngang thật tàn nhẫn ; sắc cạnh và ngọt lịm.Vết cắt do bàn tay con người.
Chắc có lẽ trong dòng ký ức hoen rỉ không có gì sáng sủa và khôi nguyên hơn là hình ảnh về những người thiếu nữ Việt . Ngày đó cứ mỗi buổi sáng , mỗi lần dì dắt xe ra, tôi thường chạy ra đường đưa dì đi dạy. Cái cử chỉ điệu đàng khi vén tà áo dài cũng trở thành một thứ căn cố, nề nếp; dì thường mặc chiếc áo dài màu tím cà, cái quần vải xoa trắng, đôi dép sandal thấp gót.Tiếng máy xe mobilet nổ lạch bạch , dì quay lại nhoẻn cười, chào tôi với câu quen thuộc “_ Dì đi làm nghe Huy!” . Tôi ái ngại đứng ngó theo bóng chiếc áo dài tím với cái nón bài thơ màu trắng đơn độc, lẫn dần trong dòng sắc áo rằn ri của những anh lính trận đang hối hả bên đường....Đôi lúc cũng muốn chất vấn lịch sử về sự vô tri ,vô giác của nó. Về những điều tưởng chừng bình thường và giản dị nhất mà những người thiếu nữ Việt vô tội lẽ ra phải có ...Năm 1974, người yêu đầu tiên của dì, một anh cảnh sát dã chiến phải bỏ mạng ở Bồng Sơn ( Bình Định); vài năm sau khi thống nhất, 1979, lại một người nữa tử trận tại mặt trận biên giới Tây nam . Những cuộc chiến triền miên trên dãi đất này mang đi mãi mãi những người trai đất Việt.....
Bà Ngoại:
Nhưng người tôi thương nhất trong nhà là bà ngoại. Khác hẳn với bà nội được sỉnh ra trong gia đình phong lưu, được giáo dục theo kiểu Tây, tiếng Pháp nói làu làu, bà ngoại là điển hình của một gia đình nông dân thuần Việt. Quê ngoại ở Thái thông,Thái Tú cách trung tâm thị xã khoảng năm cây số. Nơi có những cánh đồng lúa trãi dài, trĩu nặng đến nỗi, những bông lúa như muốn cắm đầu xuống đất bùn, con đường đất màu nâu chạy quanh co, những bụi tre hiền lành với âm thanh kẽo kẹt buồn muôn thuở, cái mùi hăng hăng của đống phân trâu còn xanh vãi bên đường , con chim chích chòe đuôi dài đứng chầu hẫu, chờ nhặt nhạnh những con bọ hung ngoi ra từ đống phế thải đó… Cuộc đời ngoại như một loài thiên di , sinh ra trong bản năng cung cúc và tận hiến cho chồng con. Ông ngoại tôi là một nhân viên thư ký lục lộ (cầu đường bây giờ) nên phải đi rất nhiều. Quy Nhơn, Playcu, KonTum, …Người phu đường ấy kéo lê theo những số phận lên những vùng đất rừng thiêng, nước độc nhất ở mảnh đất miền trung này ( thập niên 30-40) rồi cuối cùng đuối sức ,bị đốn ngã bởi cơn sốt rét rừng tại Buôn Mê…để lại người phụ nữ góa bụa và đàn con nheo nhóc…
Thường thì mỗi buổi sáng, ngoại thường dắt tôi đi ăn sáng. Chợ sáng thường tụ họp cách nhà khoảng vài chục thước,một khoảng sân nhỏ dưới bóng những cây dừa. Thôi thì đủ cả những món ăn. Nào là : bánh canh, xôi bắp, xôi vò, bánh cuốn, bánh căn…Mỗi món ăn đi kèm với những khuôn mặt người đàn bà quen thuộc. Chị Bảy bán xôi có cái cười lún hai đồng tiền nhưng bị sún mất cái răng cửa, bà Thu bán bánh mì có ông chồng làm cảnh sát, buổi sáng thường lui cui phụ vợ, ông Định có hai chị con gái tới tuổi cập kê xinh xắn, chạy tới, chạy lui…Món ngoại thích nhất có lẽ là bánh canh cá thu. Ngoại nói nó mềm, dễ nuốt. Còn tôi khoái nhất là xôi bắp.Chỉ năm đồng, mười đồng cắc đã có một gói bự, gói trong chiếc lá bàng,nóng hôi hổi, bỏng tay. Xôi dẻo, trắng phau có vị béo của mỡ phi. Vị ngọt ngọt,mằm mặn của muối đậu. Gió sớm từ biển lên man mát kéo những tàu dừa trên đầu xào xạc. Tôi ngồi trên cái đồ ngồi bằng gỗ, nhẩn nha từng hạt xôi, ngóng theo câu chuyên của mấy bà, mấy chị. Thím Ba, nhà dưới gốc dông cách nhà tôi mấy căn, phàn nàn chuyện mấy tán dông gió to rớt xuống nhà. Chú Hai lại tỉ tê với ông Định về anh con trai lớn bị bắt quân dịch. Chị Tư Thu ca cẩm về anh Ninh, chồng chị, đi lính ở vùng 1 lâu quá không gửi thư về. Những trận chiến ở đâu xa lắm tận Quảng Trị, Tây Ninh cũng hội tụ về đây…qua những lời kể của những người đàn bà và tiếng thở dài.
Ngoại tôi thích ăn trầu. Như một người nghiện, hề thiếu là không chịu được.Cái công thức bất di bất dịch là: một nữa lá trầu được quét một vệt vôi, cuộn lại. Một phần tư trái cau. Cau phải cau đúng tuổi. Già quá cứng, non không có vị. Một đoạn sắc vún ( làm bằng một thứ vỏ cây nào đó trên rừng) khoảng bằng ngón tay. Tất cả cho vào một cái cối nhỏ bằng vỏ đạn, nguấy lên bằng một cái que inox , đầu đập dẹp. Mọi thứ được nghiền nhào trong khoảng hai phút không hơn, vì lâu sẽ chảy nước.Sau đó tất cả được đổ vào cái miệng móm mém, hàm trên sạch rụi, hàm dưới chỉ còn một cái răng. Vén thêm túm thuốc rê, lau những vệt nước dãi đỏ tươi chảy lằn theo khóe mép. Ngoại ngồi nhai bỏm bẻm, thỉnh thoảng lại phun phẹt phẹt dòng nước dãi vào cái ống nhổ. Đôi lúc không có chuyện gì làm, tôi thích thú ngồi chống tay lên cằm xem ngoại ăn trầu.
Cái cối cũng là một tác phẩm của chiến tranh. Từ một vỏ đạn bằng ngón chân cái, nó được cậu Tám, đi lính truyền tin, gọt dũa bằng tay tạo nên. Dưới đế nối với thân có tạc hình mấy người đàn bà khỏa thân dáng nhẫn nại đang nai lưng cõng cái cối bên trên. Ngoại trách “_ Cái thằng, đục đẽo gì mấy con nhỏ trần truồng vậy nè!”. Còn tôi, mỗi lúc nhìn những hình nhân ảo não đó,cảm thấy có một cảm giác như thương hại…
Thỉnh thoảng cậu Bảy cũng có về ghé qua nhà. Khi đi một mình, khi đi với cả nhóm người năm ba ông lính trên chiếc xe Jeep. Ông nào ,ông nấy đội mũ sắt, mặt đen sì, áo giáp trông ngồn ngộn. Giày đinh kêu lộp cộp khắp nhà. Vào ngày đó, căn nhà đang yên bình bỗng rộn rịp lên. Ngoại chạy lên ,chạy xuống quýnh quáng. Dì Chín nghỉ dạy tiu tíu gọi mấy chị bên hàng xóm xúm xít nấu cơm. Cái sân trước nhà ,cạnh gốc ổi và cây mãng cầu, súng ống dựng la liệt. Tôi len lén đứng ở góc nhà, mắt dõi cậu. Sau hồi chào hỏi, cậu tắm rửa, ăn cơm rồi lên phòng khách ngồi một mình trên đó, lúc ra hút thuốc trò chuyện với mấy anh lính. Dường như sau này cậu như bẳn tính, ít nói, trở nên lầm lì hơn. Không còn vui vẻ và hào hoa như trước. Đụng cái là “Đ. Mẹ!..”. Chừng như cậu đã thay đổi…Được mấy ngày cậu lại đi. Thế giới vẫn hoàn lại như cũ.
Một phần thế giới của tuôit thơ là ngôi trường. Trường tiểu học có cái tên là Mầm Non đối diện với nhà. Hai cánh cổng sắt sơn màu xanh nước biển quen thuộc. Từ ngoài đi vào là một cột khá cờ cao nằm phía bên phải và giữa khuôn viên là một cây sapuchê tán rộng. Trường có khoảng 7 lớp học. Hai vợ chồng Thầy Tùng là hiệu trưởng. Đó là người đàn ông cao gầy, có đôi mắt đen và sáng. Cô , thấp người,tướng đi không dẹp lắm, nhưng nói chuyện dễ lôi cuốn. Đám con của Thầy phần đông lớn hơn tôi và học ở trường khác, chỉ có con bé Loan nhỏ hơn một tuổi và thằng Khôi, nhỏ hơn nữa. Con bé này rất láu,thỉnh thoảng lại rủ tôi bắn bi và thường lừa tôi sau khi thua bằng cách chạy vào nhà ,đóng kín cửa lại. Tôi học lớp cô giáo Vi. Nhà cô ở đường Nguyễn trường Tộ, cách trường mấy căn. Cô có anh chồng cao to đi lính không quân, đóng tại phi trường Nha trang. Anh tính tình vui vẻ, thỉnh thoảng lại dắt cả gia đình lên nhà thăm ngoại tôi. Trong lớp tôi là thằng dốt toán, chỉ giỏi văn và lịch sử. Chừng như mấy con số không hạp với tôi. Dì tôi mỗi lần khoe tôi vơi bạn bè, thường nói “_ Thằng Huy nó chỉ giỏi sử, không tin chị đọc vài chữ trong sách sử coi, nó nói trúng hết.” Mà thiệt vậy, tôi học thuộc lòng cuốn sách sử hồi đó. Thường giờ toán luôn luôn là cái giờ lơ mơ. Mặc những con số. Tôi cứ thả hồn mơ mộng ra con đường nhỏ cạnh trường. Dù rằng con đường đặc quánh những bụi và đất vừa bị cày lên bởi những chiếc chiến xa mới chạy ngang qua…
Quãng đường năm trăm met từ nhà ngoại đến nhà tôi ( với tôi lúc ấy) là một quãng đường khá xa. Quãng đường mang một nét lạ đặc trưng của thời chiến. Con đường đá dăm với một bên là những mái nhà lụp xụp, một bên là một bãi dây thép gai trơ trụi chạy dài. Gỉ sét_dị dạng_bất nhẫn và đầy thù hận. Nó như con vật bị người ta đánh đuổi đường cùng, chạy tựa vào bức tường, giương lên những cái vuốt nhỏ xíu để ttự vệ... Tứa máu trên tay bà mẹ ẵm đứa con tránh chiếc xe bên đường. Thằng nhỏ khóc tức tưởi vì bị rách chiếc áo mới duy nhất trong năm nó có. Bị anh phế binh phang cho cục gạch vì lốp chiếc xích lô mưu sinh hàng ngày,bị chọc lủng…Nó nằm đó dưới ánh nắng chát chúa, mỏi mòn chờ đợi một ngày rục rã. Chung quanh , người ta đổ chất đống những thứ rác rưởi, ông táo vỡ, xà bần, đủ thứ hầm bà lằng để cách ly nó với cuộc sống bên ngoài…. Nhưng sau mấy cơn mưa dầm dề, một buổi sáng trời quang đãng và mát mẻ trở lại. Người ta bàng hoàng, không tin vào mắt mình nữa. Trãi dài đến tận cuối con đường là một thảm màu hồng xác pháo, bồng bềnh và rực rỡ đến độ chừng như không có chỗ nào chèn được màu xanh của hoa Tigon. Những cánh hoa non chừng vươn cả ra ngoài, nhẹ nhàng lơn bàn tay con bé chập chững và đám bướm ong cũng xúm xít nhau lại, tìm lấy sự thanh bình với những đôi cánh tàn tạ,rách mướp…
Việt cộng:
Một buổi tối , tôi đang ngủ với bà ngoại. Bỗng nhiên có tiếng súng nổ. Yên lặng một lúc, có tiếng người nói lao xao. Rồi một tràng súng chát chúa, rất gần như sát vào tai. Ngoại tôi chồm dậy,hất cái mùng rồi lôi tôi đẩy vào gầm giường. Bên kia giường dì chín cũng lục cục chui ra. Tôi nằm co,run lập cập trong góc, che chắn phía ngoài là bà ngoại...Lát sau, những tiếng động xa dần. Đêm lại trở về với sự tĩnh lặng. Trời vừa rạng sáng ,có tiếng người la í ới bên ngoài. Dì Chín hớt hải chạy vào nhà “_ Má, má có người chết!”.
Tôi vội chạy ra đường. Một đám người lố nhố cạnh cái sân đất nhà bà Năm, nơi tôi vẫn thường hay bắn bi. Tôi gắng chen vào. Hình ảnh một người đàn ông khó đoán tuổi trong chiếc quần cộc màu đen, mặc chiếc áo cộc tay màu nâu nhạt, nằm co quắp trên vệ đường. Từ đâu đó trên cơ thể , một dòng máu sậm màu ,chảy dài đóng vũng lại trên mặt những viên đá lát. Dòng máu cứ loang loang mãi đến khi bị chặn lại bởi mấy viên đá có gờ cao hơn.Nơi đó nó từ từ dâng lên, đẩy đám bụi phía trên lấm tấm, lấm tấm….Một người đàn ông chép miệng_” Người coi nhỏ mà máu ở đâu chảy dữ!”.. Giọng khác “_ Tù trốn hồi đêm”… ”_ Việt cộng!”… Mấy người đàn bà ở gần đó mang ra chiếc chiếu, đắp lên xác người đàn ông. Dì Chín cũng lật đật chạy về, tay xách nải chuối đang cúng trên bàn thờ ông ngoại cùng bó nhang. Khói nhang xua đi mùi tanh của vũng máu. Chốc sau có mấy người lính tới, giải tán đám đông. Rồi một chiếc xe mang dấu hồng thập tự hú còi chạy đến . Một người đàn bà nhanh tay đặt nải chuối lên cái xác ,trước khi cái băng ca được chuyển vào bên trong. Chiếc xe hú còi inh ỏi chạy về hướng ngược lại…Cuộc sống lại trở về với những điều thường ngày của nó, chỉ có bà Năm tội nghiệp, miệng ca cẩm,múc từng gàu nước rửa đi ,rửa lại vũng máu đọng trên sân. Tối đó dì Chín làm mâm cúng nho nhỏ ; cái đèn hột vịt, bát nhang và nải chuối để trên cái ghế. Tôi đứng xa xa nhìn vào cái bóng thành tâm đang vái tứ hướng của dì….
Nhưng vết máu ấy chưa sạch, nó len sâu giữa nghách của hai viên đá lót đường, nơi mà dòng nước gột không chảy tới được. Nó tạo một vết thâm, sâu hoắm ở phía trong. Điều này tôi khám phá được khi đi tìm viên bi rơi gần đó. Rồi tôi cũng quên đi. Nhưng sau đó mấy tuần, xuất hiện trong kẽ đá đó là một cái cây lạ, nhỏ bằng ngón tay người với những bông hoa lấm tấm như bụi… Tôi định kể chuyện này với dì, nhưng nghĩ sao lại thôi! …Sau này có ai đó lập cái miếu thờ bằng gỗ, đứng tựa vô gốc dông.
Đường Nguyễn Công Trứ không dài. Nó là con đường nhỏ lát đá dẫn ra Chợ Đầm; một cái chợ lớn của thị xã và kết thúc ở một quân lao. Đó là con đường mà tôi quen thuộc từng cái ổ gà, từng vết lồi lõm, sứt mẻ trên nó. Con đường của tuổi thơ với những cây dông cổ thụ to vài người ôm đứng so le hai bên , lá xanh ngắt bốn mùa. Những cái chồi cụt sần sùi nhô ra từ thân cây như những mặt người hiền lành. Dưới cái tàng to lớn của nó, trên những khoảng sân nhỏ là những trò vui bất tận của tuổi thơ.Từ trò bắn bi, đánh chõng, bán hàng xén đến những cái đám cưới trẻ con. Từ những chiếc lá, trái dông…tới đám cỏ gà. Cái gì cũng mời gọi được những cuộc chơi. Những vũng nước trong vắt đọng bên đường sau cơn mưa là nơi tôi dầm đôi chân nhỏ bé của mình, soi gương mặt mình thay đổi theo dòng thời gian, đứng ngắm bầu trời với những đám mây trắng bồng bềnh trôi qua trên đỉnh đầu…và thỉnh thoảng tấm gương yên bình ấy vẫn bị phá vỡ bởi bánh những chiếc xe nhà binh gầm gào qua lại trong dòng náo loạn của cuộc chiến.
Một sáng có một dòng khoảng mười chiếc xe nhà binh như vậy, đậu hàng dài trên con đường, hướng về phía quân lao. Những chiếc xe xấu xí, mình mốc thếch bụi . Mấy người quân cảnh vẻ mặt mệt mỏi nhảy xuống, tạo thành cái hàng rào xung quanh. Trên xe đầy những người tù mặc bộ bà ba màu nâu đỏ, lố nhố. Đa phần họ còn trẻ. Đủ các giọng nói trọ trẹ, trình trịch... Những người tù trên xe xin nước để ăn cơm sấy. Rồi cả cái xóm như túa ra. Ban đầu vài người, sau một đám đông lúc nhúc. Cả mấy bà đi đường cũng ráng chen vào. Cảnh lúc này như cái chợ.Tiếng gọi nhau ơi ới. Đám đàn ông xăng xái múc từng gàu nước từ giếng. Đám đàn bà thảy lên xe chuối ,bánh những thứ có sẵn trong nhà. Đám con nít chạy tới ,chạy lui lăng xăng xô đẩy cả vào người mấy anh quân cảnh_ lúc này đã tản ra, đang đứng chống súng, ánh mắt bàng quang....Trong khung cảnh đó, có người đàn bà tóc bạc xõa tung, áo quần xốc xếch. Đôi chân không dép dẫm lên những viên đá ba lát sắc cạnh, tấm lưng còng rướn lên thùng xe với tiếng gọi khản đục _ “ Ba My ơi! ”, “Ba My ơi!”.. Cái áo trắng chuyển động dích dắc từ xe này đến xe khác...Tiếng gọi bị khuất lấp bởi những tiếng ồn ào, rồi trỗi dậy phía xa xa nghe thê thiết ,đặc quánh... Thời gian đi qua. Nắng hửng lên, gắt gỏng. Tiếng gọi vẫn còn ,lúc này như kẹo lại dính trong không gian_ Ngoại tôi !
Đêm đó nằm cạnh ngoại, tôi thấy cái áo gối ướt đẫm. Tôi biết ngoại nhớ cậu Ba, một người lính phía bên kia. Câu chuyện tôi nghe lỏm từ dì năm và dì Chín xì xào trong buồng từ chiều. Tôi không có khái niệm về cậu, cậu ra đi lúc tôi chưa ra đời...
Nhưng về sau điều tôi biết trong cuộc chiến này, còn có những bà mẹ Việt hàng ngày vẫn âm thầm ,sống trong nỗi lo canh cánh cho từng đứa con rứt ruột. Sáng đứa bên này, tối đứa bên kia. Những tiếng kinh cầu cất lên, nhưng dành cho ai đây?_ cứ mãi bị dành giật,trôi lang thang vô định...trong khi từng đêm , tiếng súng thực từ đâu đó vẫn đưa về, gõ nhịp tim người.
Tang tóc:
Tang tóc một chiều ngang xóm nhỏ
Trán người cô phụ trắng khăn sô...
Chiều đó gần chạng vạng,có chiếc GMC nhà binh từ đường lớn đột ngột rẽ vào. Chiếc xe chạy thật chậm như đang tìm kiếm cái gì đó . Thùng xe buông kín mít. Cuộc chơi nữa chừng của những đứa nhỏ bị phá vỡ. Những đôi mắt bám theo chiếc xe trong sự tò mò. Những người lớn trong xóm cũng mở cửa đứng nhìn,lúc đầu cũng tò mò . Nhưng sau tuổi tác và sự cảm nhận dày dạn hơn, cho họ nhận biết cái điều mà bọn trẻ không biết. Ánh mắt họ chững lại , lồng ngực họ bị bóp nghẹt. Những hơi thở ra bi bí như không còn sức sống. Họ nhìn chiếc xe như bị nó thôi miên... Chiếc xe vẫn chầm chậm lăn bánh qua xóm , lúc này chừng như hẫng trong không gian. Từng vòng xoay nghiến lên đá nghe rõ lục bục, nho nhỏ. Những câu hỏi từ người lính trên cabin vọng xuống, được trả lời bằng cái lắc đầu ngờ nghệch. Chiếc xe chạy đến cuối con đường rồi quay lại. Mọi việc vẫn diễn ra như thế , nhưng lần này cái chỉ tay của người đàn ông còn chút tỉnh táo,về căn nhà nhỏ nằm gần ngã tư. Chiếc xe hực lên với làn khói dầu đen kịt, chậm rãi, đầy định mệnh...rướn tới đích.
Nhà con Yến rồi!... Con nhỏ có khuôn mặt xinh xắn học chung lớp với tôi. Tôi còn nhớ mỗi lần đi học ,nó thường mặc cái áo đầm màu xanh có cái nơ to bằng vải buộc phía sau. Bọn con trai nghịch ngợm thường kéo tụt cái nơ đó ra , để con bé loay hoay với mấy sợi dây , khóc nức nở...Nhà nó chỉ có nó là con gái. Nó có một thằng anh lớn hơn tôi vài tuổi tính hay ăn hiếp tôi, mỗi lúc chơi cùng.Nhưng được cái nó học trường trên phố, không động chạm tới tôi nhiều. Má nó là cô Hường, một người đàn bà xinh xắn đi làm sở Mỹ trên phố. Mỗi buổi sáng , ngồi ăn xôi, tôi vẫn thấy cô trong chiếc áo dài, mái tóc cắt ngắn phidé đi lươn lướt bên đường. Hình như mỗi lúc cô đi qua, ai cũng thích nhìn vì cô đẹp, không chỉ riêng tôi. Tôi rất thích đi sát cô, người cô có mùi nước hoa nồng nồng thật dễ chịu...Ba nó trung úy, đóng đồn xa, thỉnh thoảng mới về. Ngày trước ba nó là bạn thân với cậu Bảy , nghe đâu cùng học một trường. Tôi còn nhớ ba nó để hàm râu rậm phía trên... Ông Hai Tịnh_ ba cô Hường là một người nghiêm khắc bao giờ ra ngoài, áo cũng bỏ vô quần chỉnh tề. Một lần ổng vụt tôi tới chốn, bởi tội phá cây mận ngoài hàng rào!
.... Chiếc xe dừng xịch trước nhà, kéo một đám đông bọn trẻ vây quanh. Hai người lính mở cái bửng đuôi xe, thả cái rầm. Mấy người khác vén tấm bạt che phía trong lên, để lộ một hàng quan tài được phủ bằng những lá cờ vàng, khổ rộng. Không khí u ám sau khi chạm trán với ánh sáng bên ngoài chừng như thụt lại,chui tụt vào phía trong. Trong ánh sáng tờ mờ , người lính dùng chiếc đèn pin chừng như định vị cái cần tìm. Cùng sự giúp sức của mấy người nữa, anh và đám bạn kéo một chiếc trong dãy, ra ngoài. Hiển hiện trong ánh sáng ban chiều, đó là một hình khối chữ nhật vuông vức, nằm cô độc...
Lúc này người nhà đã túa ra. Không gian òa vỡ ra với nước mắt và tiếng khóc than. Chiếc quan tài được hạ xuống trên đôi vai những người lính. Đám đông tản ra và kéo thành một hàng dài phía sau. Vào giữa cái sân nhỏ, nó được đặt trên mấy con ngựa học sinh. Anh đội trưởng lấy chữ ký của người trong gia đình từ cuốn sổ dày cộm. Mấy anh lính đứng nghiêm, chào lần cuối rồi lần lượt đi ra.Những cái bóng trắng đổ xô lại quanh cỗ quan tài, rũ rượi. Cái khoảng khắc đó, in đậm trong tôi . Và suốt dọc dường đời tôi cũng không thể nào quên được khuôn mặt xinh xắn ,đẫm nước mắt và quầng khăn tang trắng của người bạn gái thuở thiếu thời, trong cái xóm nhỏ đầy dẫy kỷ niệm của những ngày chiến tranh.
Bên ngoài, chiếc xe lại nổ máy, đâm vào bóng chiều đỏ thẩm, tiếp tục cuộc tìm kiếm mang tính định mệnh. Lần này là một gia đình nào đó, trên phố...
Biến cố:
Đã qua mùa xuân , nhưng những cơn mưa phùn còn kéo dài đeo bám lấy thị trấn . Mặt đất lầy lội,đầy sình, trơn tuột. Bầu trời nặng trĩu những đám mây xám như trù ếm không gian trong sắc tự kỷ, ám nuội . Đối nghịch với sự trì trệ của tự nhiên đang vây quanh, bên dưới là sự hỗn độn, mất trật tự của một tổ kiến đang bị phá vỡ.
Những con đường ngập đầy sắc áo lính. Những chiếc quân xa màu xanh xám nằm đầy, rãi dọc theo những con lộ. Súng ống, quân cụ la liệt trên vỉa hè. Trong vòng lẩn quẩn khốn khổ có cả những người lính đi, lẫn những người lính trở về. Bài Kinh khổ của ca sĩ Khánh Ly từ cái quán bên đường chừng như không còn tác động trên những đôi mắt đăm chiêu, dưới vành mũ sắt sùm sụp, đứng tựa lưng dưới mái hiên của dãy nhà bên đường...Ngày đó,thị xã như một một vũng nước xoáy khổng lồ ,hút những người trai trong mọi săc áo lính đi vào, rồi sau đó lại lặng lẽ đẩy ra xa, xa hơn…có thể xa mãi.
Nhưng còn có một dòng chảy khép nép luồn lách tuôn đi, dài như bất tận.Một dòng người gồng gánh, tay xách nách mang những thứ “Phi chiến tranh” như giường chiếu, bàn tủ, nồi xong … đôi lúc chỉ có hai con chó con ngồi trong 2 cái thúng hai đầu. Những đúa trẻ tiu tíu, bám theo tay mẹ nó, gà gật trong cái điệu trước ngực; lọt thỏm ,lắc lư trong cái gùi phía sau.Những đôi mắt khó diễn tả. Những đôi mắt mệt mỏi , vô hồn không còn nhìn về phía trước. Thị giác bị đưa xuống đôi chân trong bản năng bầy đàn của loài kiến _ dọ dẫm, tránh rồi đi; tản ra rồi họp lại. Người nọ nối tiếp người kia, người sau nối đuôi người trước. Dòng người vòng qua trạm gác. Dòng người uốn lượn theo góc phố. Phân tán nơi bùng binh. Hội tụ lại ở cuối đường. Dòng người trôi theo con mưa, kéo dài không dứt…. Dòng người di tản.
Môt phần của dòng người đó rẽ nhánh , túm tụm lại nơi góc đường, trước các trường học, sân vận động, công sở trong khi số khác vẫn tiếp tục. Số ở lại chắc mang chút hy vọng mỏng manh, một ngày cuộc chiến dịu đi sẽ quay về nơi chôn nhau cắt rốn.
” Đang đánh lớn ở Buôn Mê Thuột” .Những người lớn xì xào…
Các trường học trong thị xã bắt đầu cho học sinh nghỉ học. Những phòng học trống được sử dụng làm nơi ở cho những người tản cư. Bọn nhóc chúng tôi lại không có chuyện gì để làm. Nhưng bon tôi không thiết chơi nữa. Những trò vui tuổi thơ vẫn đầy ra đó, vẫn mời gọi nhưng vô vị. Chừng như nó không cạnh tranh nổi với ảnh hưởng của những bài học giáo dục về lòng trắc ẩn giữa con người và con người. Dù không biết phải làm gì,trừ những đứa quá bé, bọn trẻ trong xóm vẫn chong mắt đứng nhìn, từ sáng đến chiều, thu hết hình ảnh của bao nỗi thống khổ trên những thân người tơ tướp, những người mà chúng tôi gọi là đồng bào, vừa bước ra khỏi vùng khói lửa.
Con bé có cái giọng Huế khó nghe, bước vào nhà tôi xin nước. Đôi tay đầy ghét , ôm khư khư cái camèn innox của lính như báu vật. Bộ quần áo nhăn nheo, đen sì đã lâu không được giặt, bốc mùi tanh lợm. Khuôn mặt loang lỗ những mảng bụi quện mồ hôi, bết mấy mảng tóc nhơm nhớp. Đôi chân trần thâm xịt màu bùn. Đầu ngón chân cái toe ra quái dị. Trên mu bàn chân. một miếng bông băng đẫm nước mưa đã tróc, để lộ một vết lở sâu hoẳm, có thể nhìn thấy máu lẫn những vệt nước vàng ri rỉ. Thấp hơn tôi cái đầu, người thối hoắc như con cú. Nó đi lọm khọm như một bà già . Duy trong ánh mắt là cái gì đó cương cường , rất khó hiểu…đến nỗi tôi dù thương hại nhưng cũng thấy không có cảm tình cho lắm.
Do mấy phòng học phía trong đã đầy người, nên người ta tận dụng những khoảng sân, vỉa hè để dựng những túp nhà tạm. Với những vật liệu thô sơ như vài tấm ván ép, mấy cái cây mà những người trong xóm mang cho, một dãy dài những túp nhà tạm bợ đã mọc lên nơi mấy bãi đất trống. Sau này có mấy chiếc xe quân dụng của chính quyền tới, đổ một đống tôn, cây gỗ, dãy nhà tạm bợ trông có vẻ chỉn chiu hơn trước. Dì Chín cùng mấy người đàn bà trong xóm xúm nhau quyên góp cơm gạo, quần áo cũ, những thứ vật dụng mà gia đình không xài đem ra cho. Mấy chị lớn hơn tôi một chút cũng nhí nhảnh mang cái túi chữ thập đỏ, chăm sóc những vết thương cho mấy đứa bé, bày vẽ mấy chuyện tắm rửa vệ sinh. Thường hai bữa, có chiếc cam nhông trờ đến, phân phát gạo sấy, đường sữa..những thứ nhu yếu phẩm….
Túp nhà của mấy mẹ con con bé người Huế nằm đối diện với nhà ngoại tôi, trên cái sân bên ngoài của trường Mầm Non. Mảnh sân bé xíu chen chúc năm,sáu gia đình. Do vị thế và cũng do cái túp nhà trống trãi, dường như không có một tiện nghi nào nên mọi sinh hoạt trong gia đình nó, đều lọt vô mắt của tôi. Nhà nó có ba đứa nhỏ. Nó là chị cả. hai đứa kia. Một đứa nằm nôi, đứa kia con trai khoảng bảy, tám tuổi. Thằng này khá lém hay lui cui chơi một mình với mấy miếng nhựa xanh,đỏ lượm từ cái gáo bể, ai quăng ngoài thùng rác. Nhưng cái trò nghịch nhất của nó là nắm đuôi con chó kiểng của bà Tư hàng xóm nhấc bổng lên, làm con chó la hoảng oăng oẳng. Mẹ nó trong nhà xách cái roi chạy ra, quất mấy cái đen đét vô mông. Tiếng khóc la vang lên cả xóm. Được dăm phút , mọi chuyện yên ắng, tôi lại thấy nó ngồi vọc đất, lui cui.
Con nhỏ “Người rừng” đôi khi cũng tham gia vô mấy chuyện “ giáo dục”. Nó cũng bắt thằng em đứng úp mặt vô tường, tay vác cái chổi to tướng răn đe. Không hiểu môi trường cuộc sống, từ thâm căn cố đế nào đã đào luyện cho nó tính cách của một người đàn bà trưởng thành thật sự. Trong nhà nó có thể thay thế mẹ nó để làm tất cả những công việc từ đun nước, nấu cơm, rửa chén bát đến tắm em, thay tả cho đưa nhỏ trong nôi .Biết ngồi vắt từng thau đồ to tướng trước nhà bằng đôi tay bé xíu .Biết lọ dọ đi ra chợ xin mấy đồng tiền lẻ để mua mấy bó rau. Dùng miếng vải cũ ai đó cho chăng lên làm chỗ thay đồ. Bằng cách riêng nào đó, nó làm anh lính phát chẩn động lòng phát thêm cho nó bị gạo sấy hay mấy lon sữa bò. Biết làm vừa lòng bà ngoại bằng sự tinh ranh, khi đi qua mượn mấy cái thùng xách nước …Nó làm việc như luôn tay, luôn chân. Tính cách nó thay đổi như màu da con tắc kè. Thường mỗi lúc nó thay mẹ trông đứa nhỏ nằm nôi, để mẹ nó đi tắm. Cái điệu bộ ẳm đứa em đưa qua, đưa lại và cái giọng ầu ơ trọ trẹ của nó cất lên, nghe già chát….hoặc của một cái gì đó không còn là của tuổi thơ!
Nói đúng hơn, đó dường như là tiếng gọi vọng ngắn ngủi của tuổi thơ một thế hệ đã bị cuộc chiến lấy cắp....
Đồng vọng;
Vào những ngày cuối cuộc chiến, đêm chừng như dài hơn. Dài trong tiếng cầu kinh của ngọại, trong tiếng súng lớn nhỏ đì đùng vẳng về nghe rõ mồm một. Con người trở nên nhạy cảm, cảnh tỉnh.Trên tròng mắt những người lớn xuất hiện những vòng trũng sâu. Ở nhà duy chỉ có Ngoại là chìm trong tiếng kinh. Tiếng giày nhà binh ngoài đường vọng vào không mang tính đồng khối, mạnh mẽ như trước. Giờ đây nó chỉ là còn là sự lẻ tẻ, kéo lê hoặc cuống quít. Đêm hoang mang, sáng trắng dưới ánh đèn hỏa châu nổ lục bục. Người ta thấp thỏm mong cho trời mau sáng... Nhưng dưới ánh sáng ban ngày, mọi thứ còn thê thảm hơn . Cả tuần nay, không thấy người đi, chỉ thấy người về. Toàn lính. Từng tốp một chục, năm ba , đôi khi chỉ mỗi người đơn độc. Những người lính đầu không mũ, chân không giày; áo quần lôi thôi, lếch thếch. Những khuôn mặt già sọm, đôi mắt nhìn đau đáu, cái nhìn không định vị, phó mặc.Rồi dòng người lưa thưa dần, đôi lúc ngắt quãng ...
Phố xá đóng cửa. Mọi hoạt động ngưng trệ. Rác rưởi ,súng ống, mũ mãng quăng đầy trên đường. Đâu đó tiếng súng rộ lên của những kẻ đi hôi của....Bầu trời không ngớt bóng của những chiếc máy bay vận tải, trương cái bụng màu xám trắng nặng nề với âm thanh rền rỉ , hướng về phi trường. Ngoài lộ, trước trại lính,trên mấy cái thùng phuy chắn ngang đường , gác khẩu đại liên với băng đạn vàng chóe nằm chếch cái nòng đen sì lên trời...
Vài hôm trước , nhác thấy bóng cậu Bảy về. Lần này lạ, trong bộ đồ dân thường. Khuôn mặt hốc hác, đen sạm. Cậu xuống nhà bếp, thì thầm với Ngoại về việc di tản. Nhưng ngoại nhất quyết ở lại. Cả dì Chín cũng vậy.Trưa đó thấy cậu lấy túi đồ, lên cái xe zeep đậu trước nhà, đi cùng mấy người bạn. Trong xóm cũng có vài người ra đi. Căn nhà to lớn sát cạnh của thằng Út giờ bỏ không. Tội nghiệp thằng bạn nối khố. Trước khi đi nó còn cho tôi thùng đồ chơi của nó. Trong đó có mấy khẩu súng nhựa, to như thật. Nhưng dì Chín đã lượm ,quăng vô thùng rác. Dì còn la cho. Mà thiệt! Bây giờ súng ống người ta quăng tùm lum. Tôi muốn lấy chục cái cũng được. Cái thật trông như cái giả....Mấy ngày liền ,tôi lang thang trong căn nhà có cái sảnh tối om , rộng thênh thang ,lặng ngắt tiếng người. Đứng trước mấy cánh cửa gỗ lim, đầy bụi và những căn phòng giờ lạnh lẽo. Chồm mình lên miệng cái giếng trước sân, nghiêng ngó với mỗi cái cái bóng của mình dưới đó, hét lên đợi nghe tiếng vọng ồm ồm. Nhớ thằng bạn!...
Nhưng cuộc chơi đơn độc không kéo dài. Hôm sau những người tản cư đã chuyển vào trong căn nhà. Những tiếng người lại ồn ả. Trong đó có cả gia đình bốn mẹ con của con nhỏ tản cư...
Ba tôi đã về từ mấy hôm trước. Ông trốn trại về từ phi trường. Ba định mang tôi về dưới nhà nhưng bà ngoại không chịu. Cuối cùng tôi lại ở phía ngoại.Căn nhà bây giờ trở nên chật chội vì có mợ Tám dẫn thêm một bầy con đông đúc từ trên phố xuống. Cậu Tám đang kẹt ở đâu tận Vũng Tàu. Mợ người Đà Lạt, đẹp người, nói năng từ tốn. Năm đứa con gái của mợ như một đàn ruồi, lăng xăng, khó chịu.. Khoảng trống cho cá nhân thu hẹp dần. Nhưng kệ, không khí bên ngoài , luôn tạo cho người ta một cảm giác muốn nương tựa vào nhau. Càng gần càng tốt...
Chiều đó, ngưng gió. Khoảng hai, ba giờ chiều một cột khói lớn bốc lên từ chợ. Những người lớn chạy tới, chạy lui xôn xao. Mấy người lính di tản đã đốt chợ. Má tôi tuyệt vọng chạy lên, chạy xuống, tiếc của. Bà định liều vô khuân mấy bao hàng, nhưng ba tôi ngăn lại, sợ mấy người đi hôi của bắn chết. Hàng người trong xóm đứng ngó cái chợ cháy đỏ rực đến đêm. Nhìn gương mặt má, tôi thấy hàng nước mắt giàn giụa. Tài sản của bao năm cắc củm , giờ ra tro....
Ba tôi bàn về chuyện xây cái hầm. Tôi với đám nhỏ gần nhà phụ ba lăn mấy cái phuy rỗng trước cổng trại lính về. Lúc tôi ra, khẩu đại liên vẫn còn nằm đó với băng đạn vàng chóe, nhưng bọn tôi tránh xa,chỉ đứng nhìn. Căn hầm chữ nhật được dựng bằng chục cái thùng phuy ghép vào, phía trên là hai tấm cửa sắt cháy đen, ba tôi đem từ chợ về, trên giằng thêm mấy bao cát. Hầm nằm ở trước sân, nơi có cái sân xi măng. Phía trong dì Chín có trãi mấy tấm chiếu. Tôi nhanh chóng chiếm một góc làm của riêng cho mình với mớ tài sản nho nhỏ. Một cái ba lô trong đựng mấy ràng bánh khoai, mấy bao mì gói hai con tôm, lon sữa mấy cuốn truyện,tôi nhớ trong đó có cuốn “ Tâm hồn cao thượng” và cuốn “ Không gia đình” của Hà Mai Anh ...
Đó là đêm đầy tiếng súng, tiếng súng nhỏ nổ ran khắp nơi như tiếng pháo đêm giao thừa nhưng sáng ra đột nhiên tịnh bặt. Nhà đóng cửa,mọi sinh hoạt đều diễn ra một cách chầm chậm, nghe ngóng. Khoảng mười giờ sáng, dì Chín len lén mở cửa. Người Việt cộng đầu tiên tôi thấy lá hai người lính, đầu đội mũ rộng vành, mặc bộ quần áo xanh lụng thụng, rảo bước đi qua. Họ im lặng, khẩu súng khoác qua vai, nòng súng chúc về phía trước...Lúc sau, tiếng súng lại nổ ran phía doanh trại Quang Trung, nhưng lần này âm thanh chỉ một loại đạn. Người ta kéo ra xem một lá cờ thật lớn được kéo lên. Lá cờ nửa xanh,nửa đỏ chính giữa có ngôi sao vàng . Những tràng đạn lại nổ ran,nhưng tất cả đều hướng lên trời....Buổi chiều có mấy chị Viêt cộng trong bộ quần áo bà ba màu đen, cùng mấy anh bộ đội đến chia nhau trú lại tại mấy căn nhà trong xóm. Lúc này tôi mới biết cái từ “Bộ đội”.
Do mấy chiếc cam nhông chở đồ tiếp tế không còn, nên con nhỏ “ Người rùng” thường qua nhà tôi xin gạo. Con nhỏ giờ phổng phao, đầu tóc chỉn chiu hơn với mấy cái kẹp xước dì Chín cho. Đôi chân nhún nhảy, thoăn thoắt . Cái dáng lọm khọm đã biến mất. Vết lỡ nơi mu bàn chân đã lành giờ trở thành cái sẹo to tướng lâu lâu nó vẫn giở ra khoe với tôi. Nó thường mượn mấy cuốn sách của tôi về đọc. Ba nó lính chết trận tại Quảng trị năm 1972, gia đình nó ở Huế. Nó theo má nó, mang mấy đứa em cùng bà dì di tản theo tàu “há mồm” vào Nha trang. Trong đám hỗn loạn dưới cảng, bà dì lạc mất, nên mẹ con nó dạt vô đây. Nó thân với mấy chị “Việt cộng” đóng trong nhà, nên tôi cũng lân la làm quen. Mấy chị này thấy khá hiền, dân miền trong, nói năng điềm đạm, chẳng làm mất lòng ai. Trong nhà ngoài ba lô súng ống, để riêng một chỗ, tài sản cá nhân của mấy người dân cũng không thấy ai đả động gì đến. Thỉnh thoảng , tôi vẫn thấy vài chị ngồi lau súng trên ban công hay chải tóc , làm mấy việc chau chuốt của phụ nữ với cái gương soi nho nhỏ. Dì tôi cũng được vận động đi làm công tác cứu tế cho mấy người tản cư gần đó. Sáng sáng thường đi cùng mấy chị này lên phố. Có lần bà ngoại được một chị ngồi vạch tóc bắt chí, hai người nói chuyện có chữ “con dâu, con rể” gì đó, tôi thấy chị khúc khích cười mãi. Hàm răng trắng bóng, xinh xinh...
Con bé con gia đình tản cư sốt mấy ngày, trưa đó bà ngoại sai tôi đem hộp sữa qua cho nó. Buổi trưa vắng lặng. Mọi người chung quanh đã đi ngủ . Cạnh chiếc nôi con bé đang nằm chỉ còn hai người đàn bà đang ngồi tỉ tê _ Người đàn bà tản cư và chị Việt cộng, hai cánh tay cùng đưa chiếc võng lắc qua ,lắc lại nhè nhẹ. Cái giọng ầu ơ của hai người đàn bà tuy lúc trước ,lúc sau ; cái giọng này , giọng nọ nhưng chung bài dân ca về tình mẫu tử...
Rón rén bước vào để lon sữa trên bàn, tôi quay ra...
Chiếc nôi vẫn lắc lư đều đặn. Con bé đã ngủ say . Cạnh đó là cái bóng của hai người đàn bà xõa tóc, ngồi lặng im . Đôi mắt của những người phụ nữ Việt đang thả cái nhìn về một hướng, đồng vọng vào khoảng trời xanh nho nhỏ trước sân, dù bên dưới là những vệt khói đen chưa tan hẳn của cuộc chiến....
***
Đoạn kết:
Mấy tuần sau, mấy chị “Việt cộng “lại ra đi.
Tháng sau, Sài Gòn giải phóng. Những chiếc xe đò đã hoạt động trở lại. Những người tản cư cũng trở lại quê hương, chúng tôi chia tay với gia đình con bé.
Nữa tháng sau cậu Ba về . Đôi mắt gần lòa của Mẹ Việt lại một lần nữa trào lệ. Xin cầu mong cho đây là lần cuối!
Tháng sau nữa cậu Bảy về. Nhận được giấy gọi học tập. Trước khi đi, cậu đem đốt mấy bộ quần áo lính cùng một vài bức tranh. Trong đó có bức họa về một người con gái có đôi mắt rất thật. Đôi mắt đã ám toán cái phòng khách trong một thời gian dài. Cậu trông già hơn. Cậu đi vội vã, chỉ với bị gạo và mấy con khô của bà ngoại kịp dúi cho.
Dì Chín nức nở mãi khi nhận được lá thư báo về cái chết của người yêu đầu tiên, từ một người bạn. Nhìn đôi mắt đỏ hoe của dì, tôi muốn nói lời nào đó an ủi nhưng không nói được. Dì khóc nhiều đến nỗi, dì đi dạy phải đeo cặp kính râm thật to ,trông thật tội nghiệp!
Còn tôi cũng chuẩn bị cho buổi học đầu tiên của niên học. Ngày đầu, những lời giảng bài của cô giáo trên bục nghe sao xa vợi.....Có lẽ tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều!
***
... Nha trang đã vào thu. Thành phố đang trong thời khắc giao mùa. Những chiếc lá vàng rơi đầy trên đường. Tôi bước đi , chân cố tránh dẫm lên một chiếc lá, vì biết đâu, nó là chiếc lá cuối cùng còn sót lại của một mùa xưa cũ.
Vũ Khuê
Nha Trang, 10.2013