có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Bảy, tháng 12 27, 2014

Nỗi cô đơn



Nỗi cô đơn

Ngồi dưới bóng sồi già trên đỉnh núi
Lúc chiều vàng tôi buồn bã lâng lâng
Dõi mắt nhìn cánh đồng ở dưới chân
Đang đổi sắc thay màu khi nắng xuống.

Này dòng suối rạt rào tung nước cuốn
Uốn cong rồi khuất dạng ở đàng xa 
Kìa mặt hồ nước phẳng lặng bao la 
Sao hôm mọc trên nền trời thẩm tú.

Trên dãy núi với rừng cây bao phủ
Trời nhá nhem chiếu tia nắng cuối cùng
Màn sương chiều ngự trị bóng mông lung
Tỏa màu trắng đường chân trời nhuốm bạc.

Bỗng từ nóc giáo đường vang tiếng nhạc
Trong thinh không vang dội một hồi chuông
Khách bộ hành dừng bước ở bên đường
Lòng rộn bởi thánh âm đêm vừa xuống.

Cảnh lịm ngọt nhưng lòng không lôi cuốn
Tôi dửng dưng hờ hững mãi suy tư
Quả đất này như bóng tối ảo hư
Dù nóng cũng không sưởi người đã mất.

Chập chùng núi bao gồm trong tầm mắt
Khắp bốn phương khắp trời đất bao la
Từ bình minh cho đến mãi chiều tà
Tôi chẳng thấy ở đâu là sung sướng.

Thung lũng núi đồi tôi nào muốn hưởng
Cung điện huy hoàng biệt thự nguy nga 
Sông, đá, rừng, niềm cô quạnh mình ta,
Thiếu chỉ một, thế gian thành hoang vắng.

Sáng mặt trời lên rồi chiều tắt nắng
Cứ xoay quanh cho tròn một chu kỳ
Mọc rồi lặn tôi nào thiết tha chi
Mặt trời ư? Tôi không còn chú ý.

Khi nó quay một vòng quay hoành vĩ
Mắt tôi nhìn xuyên khoảng trống mênh mông
Chẳng muốn gì, tôi thấy chỉ là không
Chẳng đòi hỏi điều chi từ vũ trụ.

Có thể vượt ngoài thái dương tinh tú
Còn mặt trời khác chiếu sáng không gian 
Tôi sẽ gửi thân ở lại trần gian
Điều tôi mộng sẽ hiện ra trước mắt.

Ở nơi đó tôi có niềm khao khát;
Gặp lại mình, hy vọng và tình yêu,
Tài sản này ai cũng ước ao nhiều
Người cõi thế không có tên để gán.

Tôi sẽ chất lên chiếc xe Hừng Sáng
Những món cần rồi sẽ vút bay đi
Cuộc sống lưu đày ở lại làm gì
Chốn trần thế tôi còn chi để tính?

Khi cánh đồng bị lá rừng phủ kín
Gió đêm lên cào xé khắp trũng sương
Và tôi đây như chiếc lá còn vương 
Hỡi giông tố, hãy cuốn tôi theo lá!

Phan Hạnh


(nguyên tác)

L’Isolement

Souvent sur la montagne, à l’ombre du vieux chêne,
Au coucher du soleil, tristement je m’assieds; 
Je promène au hasard mes regards sur la plaine, 
Dont le tableau changeant se déroule à mes pieds.

Ici gronde le fleuve aux vagues écumantes; 
Il serpente, et s’enfonce en un lointain obscur; 
Là le lac immobile étend ses eaux dormantes 
Où l’étoile du soir se lève dans l’azur.

Au sommet de ces monts couronnés de bois sombres, 
Le crépuscule encor jette un dernier rayon; 
Et le char vaporeux de la reine des ombres 
Monte, et blanchit déjà les bords de l’horizon.

Cependant, s’élançant de la flèche gothique, 
Un son religieux se répand dans les airs: 
Le voyageur s’arrête, et la cloche rustique 
Aux derniers bruits du jour mêle de saints concerts.

Mais à ces doux tableaux mon âme indifférente 
N’éprouve devant eux ni charme ni transports; 
Je contemple la terre ainsi qu’une ombre errante 
Le soleil des vivants n’échauffe plus les morts.

De colline en colline en vain portant ma vue, 
Du sud à l’aquilon, de l’aurore au couchant, 
Je parcours tous les points de l’immense étendue, 
Et je dis: “Nulle part le bonheur ne m’attend.”

Que me font ces vallons, ces palais, ces chaumières, 
Vains objets dont pour moi le charme est envolé? 
Fleuves, rochers, forêts, solitudes si chères, 
Un seul être vous manque, et tout est dépeuplé!

Que le tour du soleil ou commence ou s’achève, 
D’un oeil indifférent je le suis dans son cours; 
En un ciel sombre ou pur qu’il se couche ou se lève, 
Qu’importe le soleil? je n’attends rien des jours.

Quand je pourrais le suivre en sa vaste carrière, 
Mes yeux verraient partout le vide et les déserts: 
Je ne désire rien de tout ce qu’il éclaire; 
Je ne demande rien à l’immense univers.

Mais peut-être au-delà des bornes de sa sphère, 
Lieux où le vrai soleil éclaire d’autres cieux, 
Si je pouvais laisser ma dépouille à la terre, 
Ce que j’ai tant rêvé paraîtrait à mes yeux!

Là, je m’enivrerais à la source où j’aspire; 
Là, je retrouverais et l’espoir et l’amour, 
Et ce bien idéal que toute âme désire, 
Et qui n’a pas de nom au terrestre séjour!

Que ne puîs-je, porté sur le char de l’Aurore, 
Vague objet de mes voeux, m’élancer jusqu’à toi! 
Sur la terre d’exil pourquoi resté-je encore? 
Il n’est rien de commun entre la terre et moi.

Quand là feuille des bois tombe dans la prairie, 
Le vent du soir s’élève et l’arrache aux vallons; 
Et moi, je suis semblable à la feuille flétrie: 
Emportez-moi comme elle, orageux aquilons!

Alphonse de Lamartine 
(1790 – 1869)




Câu thơ theo mãi

Câu thơ ấy ghim trong trí nhớ tôi từ thời trung học. Trí nhớ hao mòn theo năm tháng; câu thơ ấy vẫn còn nguyên đó nằm lòng.Đồng văn Nam, ông thầy dạy Pháp văn sinh ngữ 1 suốt 3 năm các lớp Đệ Lục, Ngũ, Tứ, chỉ khoảng trên 50 tuổi nhưng trông già hơn, dáng gầy gò khắc khổ, nét mặt nghiêm nghị, dáng bước phất phơ. Mỗi khi ông dõng dạc cất tiếng, tuy đôi mắt ông không cố mở to, bọn học trò chúng tôi im ngay. “Silence!” “Allez au tableau!” “Sur vos genoux!” (Im lặng! Lên bảng! Quì gối!) Đôi khi ông nổi nóng hét mắng “Ferme ta gueule!” (Câm cái mõm mầy lại!). Chúng tôi tuân phục mệnh lệnh thầy với sự kính nể chứ không thù ghét.Đến bây giờ nghĩ lại, tôi biết đó là sự tận tụy của thầy muốn dạy cho đám học trò học hành tử tế. Nhờ ông khó mà bọn con trai lười biếng học như tôi ngày nay còn một mớ tiếng Tây ghim lại trong đầu, như câu thơ “Un seul être vous manque et tout est dépeuplé” trong bài thơ L’Isolement của Alphonse de Lamartine chẳng hạn.Theo lẽ thường, người ta chỉ nhớ một hay hai câu đầu của bài thơ chứ ít khi nào nhớ những câu nằm ở giữa. Vừa nghe “Trăm năm trong cõi người ta…” là biết ngay đó là câu thơ mở đầu của Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tương tự, “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi…” là Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm, “Trước đèn xem chuyện Tây Minh…” là Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, “Nàng có ba người anh đi bộ đội…” là Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan, “Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn…” là Hai Sắc Hoa Ti Gôn của TTKH, v.v… Vậy mà học bài thơ L’Isolement dài 52 câu (13 phân đoạn, mỗi phân đoạn 4 câu) của Alphonse de Lamartine, hầu như ai ai cũng chỉ nhớ nhất câu thứ 28 (cuối phân đoạn 7). Thầy thách thức cả lớp học xem có đứa nào dịch được câu này cho thật đúng; đám con trai ngồi há hốc trơ mắt ếch. Một thằng liều mạng:”Chỉ vắng một người thôi là chẳng còn ai hết”

Trong lớp có vài tiếng cười khúc khích nổi lên; thầy lại quát “Silence!” Một đứa khác đưa tay lên:

“Chỉ một vật thôi mà bạn thiếu thì tất cả không có người“

Thầy Nam lại phải giảng thêm ý của câu thơ đó là, “nếu người nào đó (hay cái gì đó hay vật gì đó) mà ta thiếu mất đi rồi thì bấy giờ đối với ta cả thế gian này không còn nghĩa lý gì nữa cả; tất cả xem như vắng tanh trống rỗng.”

Dù ý tổng quát của câu thơ tôi nắm vững nhưng làm sao dịch thành thơ cho nổi nên tôi ngồi im và chỉ sợ thầy gọi tên mình thì khổ đời. Một số học sinh khác bạo gan đưa tay lên xin dịch, phần nhiều là con gái. Sau cùng, một chị dịch:

“Một người mà thiếu trong ta
Thế gian đông mấy cũng là vắng hoang.”

Thầy khen “Très bien!” và cả lớp cũng công nhận câu dịch hay. Chị đó là con lai có mẹ Việt cha Pháp, thảo nào.

Câu thơ đã dán keo dính chặt trong trí nhớ tôi, cứ lâu lâu nổi lên như trêu ghẹo. Cứ mỗi lần tôi nghe câu tiếng Việt nào mang ý nghĩa giống ý của câu “Un seul être vous manque et tout est dépeuplé!” thì tôi lại đoán già đoán non. Ví dụ như mỗi khi nghe ca sĩ Lệ Thu hoặc Thế Sơn hát bản nhạc Hỏi Người Còn Nhớ Đến Ta của Hoàng Thi Thơ, trong đó có câu “Và hỏi tại sao thế giới đông người nhưng chỉ thấy riêng ta…?“, tôi không khỏi thầm nghĩ: “L’Isolement của Lamartine đây!”


Bị kết án 4 năm tù vì giảng dạy bài thơ L’Isolement

Tình cảm lãng mạn chẳng giúp mang lại bạc tiền vật chất nhưng nó là một trạng thái tự nhiên của tâm hồn con người rất hấp dẫn. Nhưng người cộng sản miền Bắc từng cho đó là ủy mị, là sản phẩm độc hại làm bạc nhược tinh thần. Qua quyển hồi ký Pháp ngữ “Un Excommunié” (bản dịch Việt ngữ “Kẻ bị mất phép thông công” của Nguyễn Quốc Vỹ đăng trên Thông Luận 2009), luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997) có kể vụ cộng sản xử án một giáo viên dạy văn (“Procès d’un intellectuel“, phiên xử một người trí thức).

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường nhận định rằng đấy là một phiên xử quái đản duy nhất được biết trong lịch sử ngành tư pháp văn minh ngày nay. Ông kể rằng sau khi cộng sản tiếp quản Hà Nội năm 1954, giới lãnh đạo cao cấp ra lệnh triệu tập một phiên tòa để kết án một giáo sư dạy văn về tội “đã đầu độc tâm hồn sinh viên” qua việc giảng dạy bài thơ L’Isolement) của Lamartine. Quan tòa là đảng viên cộng sản; bị cáo là một giảng viên đại học tại Hà Nội không chịu đi theo kháng chiến.

Tại phiên xử, quan tòa cộng sản nói “Sự việc đã hiển nhiên. Có hay không có việc ông giảng dạy cho sinh viên tác phẩm Cô đơn (L’Isolement) của tác giả Lamartine và ca tụng nhà thơ này? Có hay không có việc ông tán tụng những vần thơ chán chường, mất hy vọng và bi quan yếm thế và hậu quả là đầu độc tâm hồn của giới trẻ đã nghe theo tiếng gọi của Đảng Cộng sản của chúng ta mà đứng lên muôn người như một để xây dựng lại nền Tự do, Độc lập và Tự hào Dân tộc?”

Bị cáo đáp rằng ông không có ý chống phá chủ nghĩa cộng sản và ông cũng không tán tụng bài thơ L’Isolement của Lamartine. Chính trị và luật là hai lãnh vực khác nhau như sự trái ngược giữa ước mơ và sự thật vậy. Mơ ước là điều cho phép nhà chính trị làm khi mà những việc làm của họ là nhắm tới tương lai, nhưng luật là được xây dựng vững chắc trên những cơ bản vững chắc, của hiện tại và cụ thể. Không thể lẫn lộn giữa mơ và thực, giữa chính trị và luật. Lời buộc tội là một sự lạc đề, là một hành động hạ nhục và xúc phạm đến lòng tự trọng của người trí thức. Bị cáo nói:

“Tôi không tán dương một ai dù người đó là người được mọi người ca tụng. Tôi không đứng ra bào chữa cho một chủ thuyết nào, ngay cả khi có hàng triệu người theo nó và ca tụng nó. Không, tôi chỉ phân tích, giải thích, cố gắng làm cho sinh viên hiểu cái trạng thái tình cảm mà không một kẻ độc tài nào, không một chế độ độc tài nào có thể xoá bỏ, khi mà tác phẩm ấy đã có mặt hơn một thế kỷ nay. Con người ai cũng liên tục mơ mộng cho đến một tuổi nào đó và trong một hoàn cảnh sống nào đó. Chỉ có những người cộng sản lão đời, những người khắc khổ không còn nước mắt mới cho rằng không thể có những giọt nước mắt khốn cùng của loài người, để tự nâng mình thành một loại siêu nhân.”

Chẳng ai bị cộng sản lôi ra tòa mà được tha bao giờ. Vị giảng viên đại học bị kết án 4 năm tù.


Dịch L’Isolement xong rồi vứt sọt rác

Trong bài viết Một Thời Rất Xưa đăng trên Đặc San Ái Hữu Đại Học Đà Lạt, Giáo sư Vương Văn Bắc có nhắc một giai thoại thú vị như sau:

(Trích:)

Tôi đặc biệt ưa thích mấy tập thơ của thi sĩ Lamartine. Tôi đã cặm cụi ngồi dịch bài thơ ‘L’Isolement’ (Cô Đơn) trong tập ‘Méditations Poétiques’ của tác giả này.Thấy tôi yêu thơ Lamartine như vậy, bà chị ruột của tôi, chị Giang, đã cố công đi mượn cho tôi bản dịch Việt ngữ của bài thơ nổi danh nhất của Lamartine, bài ‘Le Lac’ (Hồ Xưa). Phải nói là hai chị em tôi rất thương quý nhau, không những vì cha mẹ chỉ còn hai người con nhưng còn vì tính nết chị tôi rất đáng kính mến. Gia đình tôi cũng như phần lớn gia đình Việt Nam thời ấy có thói trọng nam khinh nữ. Khi tài sản trong nhà trở nên eo hẹp, chỉ có thể cho một người con đi học ở thủ đô Hà Nội mà thôi, cha mẹ tôi đã để cho tôi một mình đi học ở Trường Bưởi, còn chị tôi phải ở lại nhà giúp đỡ gia đình. Vậy mà chị tôi không bao giờ tỏ ý oán hờn ganh ghét, trái lại chị vẫn luôn luôn yêu quý tôi và coi những thành tựu sau này của tôi như những thành tựu của chính chị.Riêng về chuyện bản dịch bài Le Lac của Lamartine, cử chỉ ân cần của chị Giang đã có phản-tác-dụng. Không phải vì bài dịch dở quá mà là vì hay quá. Các bạn hãy thử xét xem. Đây là bốn câu đầu của nguyên bản Le Lac:Ainsi, toujours poussés vers de nouveaux rivages,

Dans la nuit éternelle emportés sans retour,
Ne pourrons-nous jamais sur l’océan des âges
Jeter l’ancre un seul jou?

Và đây là bản dịch mà chị tôi đã mượn được cho tôi xem, như tôi còn nhớ lõm bõm sau hơn nửa thế kỷ:

Kiếp phù thế thuyền trôi, trôi mãi
Qua bờ này lại tới bến kia
Trong đêm vô tận dài ghê
Biển đời một buổi khôn bề buông neo

Tuy không thoát khỏi được thường tình, quá ưa chuộng thơ văn của chính mình, nhưng trước những câu thơ, dù là thơ dịch, vẫn giữ nguyên vẹn được âm hưởng, ý nghĩa và dáng dấp Việt Nam, tôi cũng còn đủ lương thiện trí thức để thấy rằng thơ người là hay còn thơ mình dở quá, gượng gạo như anh lính Pháp thử nói tiếng ta, nên không ngần ngại, tôi liệng ngay bản dịch bài thơ “L’Isolement” của mình vào sọt rác, và từ đấy tôi cũng không hoài công cố gắng phiên dịch những bài thơ ngoại ngữ bất hủ sang tiếng nước mình nữa. Về sau nghĩ lại, có lúc tôi cũng cảm thấy hơi tiếc, nhưng không sao nhớ lại nổi những gì mình đã vứt bỏ. Tôi còn nhớ mang máng là mình đã dịch câu lừng danh nhất trong bài L’Isolement: ‘Un seul être vous manque et tout est dépeuplé’ như sau:

‘Vắng ai khắp cả đất trời quạnh hiu’.

Giáo sư Vương Văn Bắc

(Ngưng trích)


Câu thơ ‘Vắng ai khắp cả đất trời quạnh hiu’ được Giáo sư Vương Văn Bắc, cựu Tổng Trưởng Ngoại Giao VNCH, dịch cũng hay quá, thế mà ông chê dở và vứt vào sọt rác.

Tra cứu Internet, tôi tìm thấy có bốn bản dịch Việt ngữ khác của bài thơ L’Isolement tại các nối kết dưới đây.

Phạm Nguyên Phẩm. Nguồn: http://www.thivien.net/viewpoem.php?ID=18751
Câu 28: “Vắng một bóng mà đất trời yên lặng.”

Câu 28: “Với hồn tôi sa mạc, khi nàng vắng bóng.”

Câu 28: “Thiếu dù chỉ một thảy đều vắng không.”

Tôn Thất Phú Sĩ. Nguồn: 
Câu 28: “Đã mất hẳn trong lòng tôi chai đá.”

Còn tôi, bề nào mình đã ở tuổi xế chiều nên không ngại tài hèn dịch bài thơ của Lamartine gọi là góp mặt với bạn thơ trên diễn đàn. Triết gia người Mỹ Ralph Waldo Emerson ở thế kỷ 19 đã nói “It is one of the blessings of old friends that you can afford to be stupid with them“, đại khái có nghĩa là “May phước là giữa bạn cũ/xưa/già với nhau thì dù mình có ngu ngốc với họ cũng chẳng sao.”

(Xin đọc lại bài thơ đăng bên trên)

Một người bạn từng bảo “Nó vận vào người anh rồi đấy!” Có lẽ cũng đúng thật, vì câu thơ ấy theo tôi mãi đến tận bây giờ…


Phan Hạnh
 23/12/2014