Tôi thường ngồi sau cửa sổ nhìn ra khu công viên mênh mông xanh mướt màu cỏ vào những buổi sáng, từ lúc trời còn nhá nhem đậm đặc sương mù đến khi nắng bắt đầu thắp sáng những đỉnh cây trồng dọc các lối đi tráng xi măng chạy quanh co ngang dọc. Nắng mai như lụa, êm và sạch. Rất xa, in mờ trên nền trời xám nhạt, chập chùng những khối chữ nhật thẳng đứng, cái thấp cái cao, nối thành vòng cung rộng.
Căn nhà ở ngoại vi thành phố, tiếp giáp với khu công viên nên rất yên tĩnh. Ngày mới dọn đến đây hai đứa em trai tôi cực lực phản đối, chúng than buồn, mỗi lần muốn xuống phố phải đi bus, còn phải đổi tuyến những ba lần. Bo-ring, Huân, thằng em kế than phiền, và Nô-gút, cậu Út cằn nhằn. Mẹ tôi cũng đồng quan điểm cùng hai quý tử. Bà hợp với không khí xô bồ, lịch kịch lạc cạc suốt ngày đêm ở những chung cư. Ngược lại ba tôi và tôi rất bằng lòng chỗ ở mới. Về mặt kinh tế, nhà ngoại ô nên giá thuê rẻ, tiết kiệm được cho ngân quỹ gia đình một món tiền đáng kể. Về mặt tinh thần, không khí chung quanh trong lành, yên tĩnh, tâm hồn không thường trực căng thẳng như ở dưới phố. Từ ngày dọn về đây tôi ngủ ngon hơn, ăn nhiều hơn, sức khỏe khả quan hơn, và thích nhất là phục hồi được tập quán dậy sớm tôi đã đánh mất từ bao năm. Sau một giấc ngủ dài, thức dậy, ngồi trước khung cửa sổ nhìn ra, tầm mắt được giải phóng, không gian bát ngát đã giúp cho đầu óc tôi trở nên sáng suốt, nhiều vấn đề tưởng chừng bế tắt của bản thân, của gia đình không còn khiến tôi khổ sở bức xúc thái quá. Tôi nghiệm ra một điều, thiên nhiên quả đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của con người.
Ðể được ở trong căn nhà này, chúng tôi -hai bố con- phải tranh đấu khá gay go với mẹ tôi cùng hai cậu em. Ðó là điều hi hữu. Bao nhiêu năm hai bố con đã quen với tính khí của bà, chủ quan, cực đoan và cứng như thép nguội! Tôi chưa từng thấy bất cứ kẻ nào lay chuyển được ý muốn mẹ, một khi bà đã xác quyết điều nào đó là đúng. Nếu sức khỏe tôi không suy sụp đến mức báo động, có lẽ ước muốn của hai bố con đã chẳng thể thành tựu.
Cho đến hôm nay, sau ba tháng, tôi vẫn còn ngạc nhiên về sự nhượng mộ của mẹ. Ðiều này làm tôi hoang mang. Tình cảm bà dành cho tôi ra sao? Ðâu là vị trí thực sự của tôi trong trái tim mẹ? Tôi không biết. Thực sự không biết. Ðôi lúc bà tỏ ra quan tâm,
“Này, mẹ nghĩ con nên để ý đến nhân diện một chút, con gái lớn không thể cẩu thả được, chiều nay đi làm tóc với mẹ, sẵn ghé qua shopping sắm ít quần áo mới.”
“Thôi mẹ ạ, có bao giờ con ra phố đâu, sửa soạn làm gì, vừa tốn tiền lại thêm rắc rối, quần áo như thế này con nghĩ đã tươm tất chán, ở Việt Nam chỉ hai bộ thay ra thay vào đâu đã sao?”
“Việt Nam khác, đây khác, mày không làm đẹp cho mày thì cũng đừng để tao phải mất mặt chứ.”
Mẹ tôi đột ngột thay đổi thái độ. Dù cố gắng để đừng nghĩ xấu về bà tôi vẫn không thể không kết luận việc bà muốn tôi ”tươm tất” hơn chỉ nhằm mục đích để tao khỏi phải mất mặt vì mày. Ý nghĩ khiến tôi đau quặn ruột gan. Tôi, một nhân vật thừa trong gia đình? Một món đồ hư hỏng chiếm quá nhiều diện tích làm vướng chân vướng cẳng mọi người? Nhưng lỗi nào phải tại tôi? Ai lại không muốn sinh ra với một nhân dạng toàn vẹn? Ðáng lẽ mẹ phải hiểu điều đó chứ. Luôn luôn, dù cố dấu, bà vẫn không che đậy được thái độ khó chịu về sự hiện diện ”ngoài ý muốn” của đứa con gái mà thượng đế, vì lơ đễnh hay muốn trừng phạt một tội lỗi nào đó trong tiền kiếp, đã ném đại nó vào cuộc đời khi phần ngoại hình Ngài chưa kịp hoàn tất. Tôi như một cái giằm ghim sâu vào da thịt, nhổ ra chẳng đặng, để đó thì nhức nhối triền miên.
Nhức nhối, với mẹ và với tôi, đã đành. Nó còn lây lan cho mọi người trong gia đình. Hai đứa em trai tuy có thương tôi đấy, tôi biết, nhưng tôi còn biết hơn nữa, trong thẳm sâu của tâm hồn, chúng nó không thể không nghĩ giá như tôi đừng có mặt trên cuộc đời này có lẽ mọi chuyện sẽ dễ chịu hơn. Tình thương của chúng dành cho tôi không phải thứ tình thương của những đứa em dành cho người chị có một nửa phần ruột thịt, mà đó là thứ tình thương của bậc vua chúa cúi xuống ban phát hồng ân cho bọn dân đen khốn khổ, tệ hại hơn nữa, của con người đối với lũ gia cầm! Tôi bi thảm hóa vấn đề quá chăng? Có thể tôi nghĩ sai về chúng. Có thể mặc cảm tật nguyền khiến tôi nhìn mọi việc, mọi hành vi của người chung quanh qua lăng kính tối ám của lòng nghi ngờ chật hẹp. Nhưng biết làm thế nào bây giờ? Ý nghĩ, những ý nghĩ, luôn luôn như con dao hai lưỡi, nó cứa vào thịt da kẻ khác và cứa ngay trên trái tim mình, buốt nhức!
Chỉ có một người thực sự thương yêu tôi, đó là bố, đúng hơn, người đàn ông tôi đang gọi bằng bố.
Ông đến với gia đình vào năm tôi tám tuổi. Về người cha ruột, gần như tôi không biết gì ngoài những lời hằn học mẹ thường ném vào mặt đứa con gái tật nguyền của bà,
“Nếu thằng khốn nạn không ăn chơi hư hỏng thì mày đâu dở người dở ngợm như bây giờ. Cha ăn mặn con khát nước. Nào có sai…”
Cha tôi ăn chơi hư hỏng thế nào? Và tại sao điều đó lại liên hệ đến sự bất hạnh của tôi? Có lẽ suốc đời sẽ không bao giờ tôi tìm ra câu trả lời.
Mọi cánh cửa hướng về dĩ vãng, ở đó có người đàn ông đã sinh thành ra tôi, đều bị mẹ đóng kín, khóa chặt.
Mỗi khi mẹ lồng lộn giận dữ, nhìn vẻ mặt bố, tôi có cảm tưởng ông đau khổ nhiều lần hơn tôi. Một đôi khi ông có nhỏ nhẹ can ngăn mẹ,
“Theo anh thấy nó đâu làm gì nên tội. Lẽ ra em nên công bình một chút, nó đáng thương hơn đáng ghét.”
Mẹ quắc mắt, ”Không liên quan đến anh, đối xử thế nào với nó là quyền của tôi, việc gì anh xía vô, hả?”
“Anh không có quyền, được đi, nhưng nó là con em, dẫu sao em cũng rứt ruột sinh ra, nó càng bất hạnh thì em càng phải lưu tâm hơn mới phải chứ. Em không nghĩ như thế là tàn nhẫn, vô nhân đạo ư?”
Mẹ chụp chiếc ly trên mặt bàn ném mạnh vào khung kiếng cửa sổ. Mặt kiếng vỡ nát, mảnh thủy tinh rơi loảng xoảng xuống thảm. Ðôi mắt bà trợn ngược, quai hàm bạnh ra, tiếng rít lọt qua kẽ hai hàm răng nghiến chặt,
“Anh bảo tôi tàn nhẫn, vô nhân tính, đã biết vậy sao còn lấy tôi? Tôi vô nhân tính, không phải người, anh lấy tôi, vậy anh cũng là súc vật à?”
Ðồ đạc tiếp tục đổ vỡ. Mẹ lồng lộn như con thú điên. Tôi chết khiếp trong sợ hãi. Úp mặt vào hai bàn tay, tôi nức nở,
“Con lạy mẹ, lạy bố…”
Tôi không biết phải nói gì với hai người. Nỗi đau dâng lên chận nghẹn cổ họng, ngực tôi tức nhói, mạch máu căng dưới da, trong đầu có hàng trăm nhát búa nện dồn dập. Mẹ đập phá một lát, chừng như cơn giận đã nguôi phần nào, bà ngồi xuống sofa thở dốc rồi sầm sập đứng dậy xách ví ra khỏi nhà.
Tôi thu nhỏ người trên chiếc xe lăn, tiếp tục khóc nấc.
Bố lặng lẽ đến gần, đặt hai bàn tay lên đôi vai xương xẩu của tôi bóp nắn nhè nhẹ.
Cả hai đều im lặng, sự im lặng có khi kéo dài năm mười phút. Qua sự im lặng đó, tôi với ông đều như đã tỏ bày với nhau rất nhiều.
Thường, cuối cùng tôi nghẹn ngào, ”Bố ơi, con khổ quá.”
Ông ôm đầu tôi vào ngực, vuốt nhẹ bàn tay trên mái tóc còi cọc của tôi, thở dài, nhưng vẫn không nói lời nào. Tôi khóc, rất lâu, nước mắt thấm ướt ngực bố. Bao nhiêu năm tháng đã qua, từ lúc bập bẹ tập nói cho đến ngày hôm nay, đã là thiếu nữ, tôi chưa một lần thực sự hạnh phúc. Hạnh phúc, hiểu theo cái nghĩa khiêm tốn giản dị nhất: yên thân với phần số hẩm hiu định mệnh đã an bài. Trong gia đình, luôn luôn tôi cố gắng thu nhỏ mình lại, để đừng ai nhìn thấy, đừng trở thành một cái gai, một chướng ngại, thậm chí một duyên cớ khiến mọi người động tâm hoặc khó chịu. Nhưng nào có được, tôi càng ép người, càng muốn tan biến thì sự hiện diện của tôi trong mắt mẹ càng nổi cộm, bà cho rằng thái độ câm nín của tôi là một thách thức, ”Trông kìa, mặt nó cứ trơ trơ như gỗ đá.”Trời ơi, tôi phải làm thế nào? Nếu tôi vùng lên chống đối, được không? Chưa bao giờ tôi dám nghĩ đến điều đó. Mẹ, trong tuổi thơ tôi đồng nghĩa với một hung thần, một phù thủy đầy bùa phép quyền năng. Mẹ, trong tuổi lớn tôi là một người đàn bà bản chất đầy ác tính. Làm sao tôi chống đối nổi với bà? Mà chống đối để làm gì? Tôi không thể rời xa căn nhà của mẹ, tôi không thể đứng vững một mình trong cuộc đời. Tôi vô dụng. Tôi như dây chùm gởi. Mặc cảm này có lẽ là một trong nhiều duyên cớ khác làm cho niềm sợ hãi của tôi đối với mẹ càng trở nên nặng nề không cách chi tháo gỡ.
Tôi khóc, khóc mãi. Bố tiếp tục im lặng. Bàn tay vẫn vuốt nhẹ trên mái tóc tôi. Cho đến khi cơn đau dịu đi, tôi dần dần bình tĩnh trở lại.
Tôi bình tĩnh trở lại và chợt nghe, rất nhẹ, trong lồng ngực bố nhịp đập đều đều của trái tim.
Bỗng nhiên tôi rùng mình. Mùi mồ hôi đàn ông toát ra đầy ngập khứu giác khiến tôi ngây ngất như say.
Tôi lờ mờ hiểu sự xúc động không hẳn bắt nguồn từ tình cảm của một đứa con đối với bố, hình như bên cạnh nỗi đau còn có một ước muốn tối tăm nào đó đang dấy lên. Một ước muốn tôi không dám triển khai. Nó cũng què quặt và bất toàn như chính con người tôi.
Ðiều lạ lùng, mỗi lần như thế tôi luôn luôn nhớ lại hình ảnh đã nhìn thấy vào năn lên tám, cái hình ảnh như vết sẹo lớn, bám trong óc tôi mãi đến bây giờ, còn rõ mồm một và có lẽ sẽ chẳng thể tẩy xóa…
Căn nhà nằm khuất phía sau lũy tre rậm, chỗ tiếp giáp với cánh đồng. Bên trái cánh đồng, nổi rõ trên nền trời là vì tường cao của khu vực nhà máy chế biến bột ngọt. Phía sau vì tường, cột ống khói đồ sộ vươn lên, nhả vào không trung đám mây đen cuồn cuộn, năm này qua tháng khác, không một phút ngơi nghỉ.
Tôi thường ngồi trước chái hiên nhìn ra cánh đồng. Vào những tháng trồng cấy, màu xanh trùng điệp của lúa trải dài ngút tầm nhìn, sóng lúa nhấp nhô. Thỉnh thoảng, vài cánh cò chao nghiêng, vẽ thành đường vòng cung rộng rồi nhẹ nhàng đáp xuống, khuất biến vào ruộng lúa.
Thuở đó tuổi tôi còn quá nhỏ để có thể cảm nhận được vẻ đẹp rất bình yên êm ả của thôn làng hồn hậu, ngược lại trong tôi lúc nào cũng sục sôi một nỗi buồn tủi trộn lẫn căm hờn.
Bởi vì phía bên phải cách chỗ tôi ngồi khoảng ba trăm thước là khuôn viên một trường tiểu học. Nơi đó mỗi ngày hai buổi vang vang tiếng cười đùa nô giỡn của đám trai gái cùng trang lứa. Nhìn chúng phơi phới hồn nhiên mà lòng tôi quặn thắt. Tôi thèm được đến đó, thèm chạy nhảy nói cười, thèm hòa nhập vào không khí tươi khỏe hân hoan kia. Nỗi thèm khát mãnh liệt đến độ có lúc tôi quên bẵng đôi chân tật nguyền, chồm người đứng dậy, đến khi mất thăng bằng ngã nhào mới bàng hoàng nhận ra tôi không giống chúng nó, chẳng thể là chúng nó. Và rồi tôi bật khóc, đau đớn, tủi nhục, tức tưởi. Ðôi chân khốn nạn. Ðôi chân như hai nhánh tre gầy cong vòng với hai bàn chân chân thiếu ngón. Ðôi chân… Trời ơi, đôi chân… Tôi nguyền rủa số phận, tôi nguyền rủa những người đã sinh thành ra tôi, tôi nguyền rủa cả những đứa trẻ may mắn kia.
Suốt buổi, tôi bò nhoài trên nền đất ẩm, như một con chó bị trọng thương lê lết vật vả từ góc này qua góc kia của chái hiên với một cái đầu đã điên loạn vì khổ đau. Khắp người tôi đất cát nhem nhuốc và nước mắt vẽ trên khuôn mặt gầy xanh những đường vằn vện bẩn thỉu.
Chiều xuống, bọn trẻ tan học ra về, khuôn viên ngôi trường trở nên yên tĩnh, rộng mênh mông. Một con sáo đáp đậu trên đỉnh chiếc cọc gỗ hàng rào cất tiếng hót lảnh lót. Mây màu xám đục dâng lên phía sau rặng tre. Phút chốc bầu trời chùng thấp u ám. Sắp mưa. Tôi muốn bò vào nhà nhưng rồi mệt quá đành ngả người xuống chân vách, thiếp đi. Văng vẳng từ cõi mịt mù, tiếng mưa rơi rào rào rất nhẹ trên mái tôn. Tiếng mưa như một điệp khúc lê thê không thay đổi âm độ ru tôi chìm hẳn vào giấc ngủ, dù ở chỗ tối tăm nào đó trong khối óc mù lòa, tôi vẫn cảm nhận được cái lạnh đang thấm dần vào da thịt, có lẽ do nước mưa từ chái hiên nhỏ xuống, mang theo bùn đất văng tung tóe khắp thân thể.
Trong giấc ngủ nhọc nhằn, tôi mơ thấy mình đứng bật dậy, chạy nhanh qua miếng sân nhão sình. Bầu trời ửng sáng, mây đen phút chốc tan nhanh và nắng bỗng vàng óng miếng sân chơi. Bọn học sinh từ các lớp học túa ra, chúng vây thành vòng tròn chung quanh tôi. Một đứa nói,
“Ðến phiên con Thục. Nhắm mắt lại. Tao đếm đến mười mới được mở nghe không?”
Tôi đưa hai bàn tay bịt kín đôi mắt.
“Một… Hai… Ba…”
Tiếng ”mười” vừa dứt, tôi mở bừng mắt. Tất cả đều biến mất. Trước mặt tôi chiếc lon sữa bò móp méo đứng trơ vơ trên nền đất nện. Tôi quay đầu chung quanh kiếm tìm. Có thể một hai đang núp phía sau cánh cửa kia. Tôi ước tính khoảng cách từ chiếc lon đến chỗ khả nghi và khoảng cách đến những nơi khác. Nếu chạy thật nhanh từ đây tới đó và quay về, hy vọng vẫn còn đủ thì giờ bảo vệ chiếc lon. Tôi thực hiện ngay ý định. Vượt nhanh qua miếng sân chơi, tôi bước lên bực thềm. Bỗng cánh cửa bật tung đập mạnh vào mặt…
Tôi ngã chúi nhủi trên nền đất. Tiếp theo, tiếng hét chói lói của mẹ,
“Con khốn nạn kia, trông người ngợm kìa…”
Lại thêm một cái tát trời giáng nữa. Ðầu tôi như muốn rời khỏi cổ. Cơn đau lôi tôi ra khỏi giấc mơ, choàng tỉnh hẳn. Trước mặt tôi không có lũ trẻ, không có miếng sân chơi, không có ống lon sữa bò… Chỉ có hình ảnh sừng sững mẹ với hai mắt trợn ngược, đôi môi mím chặt.
Mẹ đã về.
Mưa rì rào đều hạt. Chái hiên ướt nhẹp. Bùn nước văng tung tóe từ đầu đến chân. Tôi co người lại nhưng vẫn run bần bật, không hiểu vì lạnh hay vì sợ. Mẹ cúi xuống túm tóc tôi lôi xềnh xệch vào nhà, bà với nhanh cây chổi lông gà treo trên vách, quất túi bụi lên tấm thân tơi tả của tôi, miệng không ngớt nguyền rủa hò hét. Những ngọn roi đầu tiên có làm tôi điếng người vì đau thật, song đến một lúc da thịt bỗng tê dại, không đủ sức chuyền cái đau lên óc, tôi trở nên một cây thịt vô cảm giác, chỉ lả người đi, mê tỉnh chập chờn.
Cảnh đó tái diễn không biết bao nhiêu lần trong suốt những năm ấu thơ.
Trước khi mẹ tôi sửa soạn ra chợ -bà có một sạp bán chạp phô ngoài chợ- không bao giờ bà quên hăm he,
“Liệu hồn đấy, chỉ chơi trong nhà thôi, mày mà bò ra ngoài nghịch bẩn thì chết đòn nghe chưa?”
Dĩ nhiên tôi vâng dạ. Tôi nhớ đến những lằn roi chưa tan trên thân thể, tôi nhớ đến khuôn mặt hung dữ và những lời nguyền rủa độc địa. Tôi nhớ hết, tự hứa sẽ không bao giờ ngu dại tái phạm. Nhưng chẳng được bao lâu, lưng bữa nửa tháng, ấn tượng của những trận đòn bắt đầu nhạt thì tiếng cười đùa nô giỡn của đám trẻ từ ngôi trường vọng lại, như một thôi thúc mê muội không ngớt xoáy vào tai. Ðến nỗi cuối cùng chẳng thể cưỡng chống được sức quyến rũ mãnh liệt kia, tôi lại bò ra khỏi cửa. Ðể được nhìn ngó bọn chúng, được ước mơ chạy nhảy hân hoan như bọn chúng, và dĩ nhiên cũng để ”được” tủi hổ phẫn hận vì cái hồn nhiên phơi phới của bọn chúng. Tôi lại điên cuồng vật vã trên nền đất ẩm, lại nhếch nhác mũi dãi và lại đưa thân hứng chịu những ngọn roi tươm máu…
Một lần, sau trận đòn, mẹ lôi tôi về phía rặng tre, vất vào lùm tre gai,
“Rắn độc cắn chết mày đi, đồ oan gia nghiệt súc.”
Nhìn vào mắt mẹ, tôi hiểu bà đang muốn thế thật. Cùng nỗi đau đớn và sợ hãi, trong lòng tôi dấy lên một niềm căm thù dữ dội. Chính niềm căm thù này đã biến tôi trở thành lì lợm. Tôi chiếu tia mắt tóe lửa về phía mẹ, miệng ngậm chặt, cố nén cơn khóc sắp trào ra. Nếu Trời Phật chí công, kẻ bị rắn độc cắn chết là bà chứ chẳng phải đứa con gái tật nguyền khốn khổ này đâu. Tôi tự nhủ và cầu mong điều đó trở thành hiện thực. Tôi vẽ ra trong đầu hình ảnh mẹ sóng soài trên mặt đất, co giật liên hồi, da tím bầm, mắt trợn trắng đứng tròng, bọt mép sủi tăm hai bên khóe miệng… Hình ảnh tôi từng nhìn thấy chỗ bờ ruộng hai năm trước, đã xảy đến cho người đàn ông ở cùng xóm. Một cảm giác hả hê chạy rần rật trong mạch máu khiến tôi muốn cười lớn. Không để ý đến thái độ của tôi, mẹ quay lưng quày quả bước vào nhà. Tôi ngồi dậy, những vết roi tươm máu cùng lũ gai nhọn đâm vào da thịt tứ phía, tôi lịm người trong đau đớn. Tôi muốn bò ra khỏi bụi tre gai nhưng đôi chân khốn nạn cứ mềm èo như hai cọng bún, nhất định không tuân theo ý chí. Quay cuồng một lúc lâu, tôi vẫn chẳng thể thoát được ra ngoài. ” Mặc, cứ nằm đây, thử xem có chết không, cũng mong chết được càng đỡ khổ.”Tôi nhủ thầm.
Một đứa bé tám tuổi, một con vật bất toàn đang phải chống chọi với người mẹ ác độc. Có ở trong hoàn cảnh tôi lúc bấy giờ mới hiểu hết sự tuyệt vọng cũng như thái độ liều lĩnh của tôi.
Chiều xuống nhanh, bóng tối bắt đầu nhá nhem. Gió luồn trong rặng tre u u như tiếng ma gào.
Bỗng có tiếng gầm gừ phía sau lưng.
Tôi giật mình quay ngoắt lại.
Trên đường mòn, một con chó lông đen tuyền đang đuổi theo một con chó khác, nhỏ chỉ bằng nửa, lông rụng gần hết và ghẻ lở nham nhở, lại què mất một chân, chân trái, phía sau. Con chó đen tuy đuổi theo song có vẻ không mấy nhiệt tình, luôn luôn giữ khoảng cách khá xa. Con chó ghẻ thỉnh thoảng dừng lại, quay đầu nhìn như khuyến khích rồi lại lững thững chạy. Ðến gần chỗ tôi ngồi, nó dừng hẳn, lần này nó ngoắc đuôi há miệng sủa ủng ẳng. Con chó đen thận trọng tiến lên. Con chó ghẻ tiếp tục ngoắc đuôi và sủa ủng ẳng. Con chó đen tiến thêm vài bước, ngần ngừ đưa mõm vào háng con chó ghẻ khịt khịt. Bất ngờ nó nhảy chồm lên lưng con chó ghẻ. Tôi giật nẩy mình kinh ngạc khi nhìn thấy ”cái đó” đỏ au, dài ngoằng đang thúc liên hồi vào háng con chó ghẻ. Con vật ốn yếu ghẻ lở kia cố gắng giữ cho thân thể đừng quồ xuống dưới sức nặng của một trọng lượng nặng gấp đôi đang phủ trên lưng. Chiếc chân sau còn lại không ngớt run rẩy chực sụm xuống. Một lúc, con chó đen nhấc chân lên, xoay người lại, và cứ thế, chúng dính vào nhau, cả hai chiếc mõm đều há rộng, lưỡi thè dài ngoằng, phì phò thở…
Cảnh tượng diễn ra trước mắt khiến tôi bàng hoàng quên cả đau nhức, sợ hãi. Thuở đó, tôi chưa đủ trí khôn để hiểu “hành động” kia nhằm mục đích gì. Nhưng rất rõ ràng, nó là một ấn tượng mãnh liệt khắc đậm trong cân não.
Bây giờ, mỗi lần bố ôm tôi trong lòng, mỗi lần tôi được hít thở cái mùi đàn ông toát ra từ thân thể bố, lắng nghe nhịp đập nhẹ nhàng của trái tim phía sau lồng ngực vạm vỡ, cùng lúc với nỗi đau đớn và sự thèm khát tối tăm mơ hồ, trong trí tôi luôn luôn bật lên hình ảnh kia, hình ảnh con chó què ghẻ lở cố nâng thân hình còm cõi của mình, cộng thên trọng lượng của con chó đen trên một chân sau run rẩy. Nó khổ sở hay sung sướng? Tại sao? Bởi động lực nào nó ưng thuận một cách quá nhọc nhằn ”công việc” đó? Và tôi nữa, tại sao hình ảnh kia lại hiện về với tôi mỗi lần nằm trong vòng tay bố?
Tôi không đủ khả năng để phân tích sự liên hệ kỳ lạ giữa hai sự cố.
Nắng bắt đầu thắp sáng những đỉnh cây trong công viên.
Một chiếc xe từ đường lớn rẽ vào lối đi tráng xi măng. Ðậu lại. Từ trên xe cặp trai gái bước ra, họ dìu nhau ngồi xuống cạnh một gốc cây. Người đàn ông quàng tay qua vai cô gái, vít đầu cô ta xuống. Hai người hôn nhau. Chiếc hôn kéo dài rất lâu. Bàn tay người đàn ông luồn trong áo đứa con gái. Tôi nhìn không chớp mắt hoạt cảnh đang diễn ra. Tôi nhìn, và khắp người nổi gai, rờn rợn. Bỗng nhiên tôi nghĩ đến bố. Tại sao bố mà không một người nào khác? Tôi chẳng dám triển khai câu hỏi. Tôi sợ. Có điều gì trong ý nghĩ tôi về bố. Một điều gì… Bắt đầu từ bao giờ?
Kể từ buổi chiều mẹ vất tôi ngoài bờ tre, tám tháng sau bố đến với mẹ. Số phận tôi, nhờ bố, khá hơn trước rất nhiều. Tôi được bố mua cho một chiếc xe lăn và được đến trường. Tôi học giỏi. Ðiều đó cũng dễ hiểu. Tám tuổi, tính ra tôi học chậm hơn các trẻ con cùng lứa những hai năm, một phần khác, nếu không vin vào chuyện học hành tôi còn biết sử dụng thì giờ vào việc gì? Mẹ không còn đánh đập và ít nguyền rủa tôi như trước. Sự thù hằn mẹ trút lên đầu tôi bắt nguồn từ người cha ruột mơ hồ nào đó của tôi, như một cách trả thù, đã dịu xuống nhờ sự hiện diện của bố. Ông mang đến cho mẹ nguồn nhiên liệu là tình yêu để bà thắp sáng lại ngọn lửa thanh xuân tưởng chừng tắt ngấm bao năm. Bà trẻ ra. Nhan sắc của một người đàn bà một con được phục hồi. Kinh tế gia đình cũng khả quan hơn nhiều. Chúng tôi dời nhà xuống phố. Mẹ sang lại sạp chạp phô cho người khác, phụ với bố trông coi một cửa hàng mua bán máy móc điện tử.
Cuối năm tôi mười tuổi, bố mang gia đình vượt biên.
Huân và đứa em kế liên tiếp ra đời trên xứ sở này.
Bất hạnh cho tôi! Chút tình thương nhỏ nhoi mẹ ban phát trong gần hai năm ngắn ngủi dần dần triệt tiêu khi hai đứa em có mặt. Tôi bị ném trả về vị trí khốn nạn của mình. Vị trí của một đứa con gái tật nguyền xấu xí và vô dụng!
Nhưng dẫu sao tôi cũng đã quen chịu đựng điều bất công. Chỉ có bố. Tội nghiệp bố. Quan hệ giữa mẹ và bố bỗng đổi khác từ ngày sống trên xứ người. Là đàn bà, lại có nhan sắc, mẹ dễ dàng và nhanh chóng hội nhập vào đời sống mới, bà bước qua một giai cấp khác lúc nào không hay. Trong khi mẹ mỗi ngày mỗi tiến nhanh về phía trước thì bố -ngược lại- cứ đứng mãi một vị trí, trở nên lạc hậu và có cơ nguy bị đào thải. Mẹ đi từ chỗ khó chịu về bố đến xem thường, cuối cùng là ngang ngược, hỗn hào. Ban đầu bố có phản ứng, nhưng dần dà có lẽ ông nhận thấy quyền hạn làm chồng đã mất, sự nể trọng không còn, phản ứng càng dữ dội bao nhiêu khoảng cách giữa ông với mẹ càng xa rời bấy nhiêu. Ông đành cắn răng đầu hàng. Cứ thế, ông trở nên một người đàn ông nhu nhược, sợ vợ và dĩ nhiên vô cùng cô đơn.
Hai đứa em mỗi ngày mỗi lớn, chúng có đời sống riêng của chúng, vả, hình ảnh người cha có vẻ ”vô tích sự” như mẹ vẫn thường chì chiết và ”hèn” như chúng vẫn nhìn thấy chẳng nhiều thì ít khiến chúng không mấy hãnh diện về ông. Chúng trở nên xa cách với ông.
Chỉ còn tôi. Tôi hiểu được nỗi khổ, những dày vò đau đớn trong tâm hồn bố. Người đàn ông năng động tháo vát thuở xưa đâu rồi? Ðời sống mới, môi trường mới, những giới hạn không thể vượt qua, đã hủy diệt ”cái tôi” thật của ông, biến ông thành một hình nhân dật dờ phi cá tính. Ông không hèn. Bố không hèn, không bao giờ hèn. Tôi hiểu chứ, hiểu hơn ai hết điều đó. Nhưng bây giờ, cũng như tôi, ông là một người cô đơn và ”vô dụng”. Ðồng bệnh tương lân. Chúng tôi nhìn thấy nhau và cảm thông nhau. Tôi thương ông. Ngoài tình thương của một đứa con dành cho bố, tôi còn thấy ở ông hình ảnh của một người đàn ông lý tưởng. Ông rộng lượng, vị tha, có tâm hồn. Ông xứng đáng để đón nhận cách cư xử khác hơn cái cách mẹ đang làm.
Năm nay tôi hai mươi tuổi. Một đứa con gái hai mươi tuổi dù tật nguyền xấu xí vẫn là người bình thường về mặt tâm trí. Tôi có những ước muốn của tôi, tôi có một mẫu đàn ông để nghĩ về. Mẫu đàn ông đó, có thể do sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài quá giới hạn, tôi đã không thể tìm thấy ở đâu khác ngoài căn nhà này, mà bố, là đại biểu.
Cặp tình nhân bây giờ đã ngả xuống cỏ. Người đàn ông gần như nằm hẳn trên đứa con gái. Họ tiếp tục hôn hít sờ soạng khắp thân thể nhau. Chiếc áo đứa con gái tốc lên, phơi hẳn khoảng da sườn trắng muốt. Từ chỗ ngồi của tôi sau cửa sổ đến cặp tình nhân là một khoảng cách khá xa, vậy mà tôi có cảm tưởng như nghe rõ tiếng môi lưỡi quấn quít, tiếng thở gấp hổn hển, và da thịt đứa con gái -không, da thịt tôi- dưới bàn tay của gã đàn ông, đang sần sượng tê dại.
Tôi rướn người lên, nhắm mắt lại. Bàn tay của bố tiếp tục vuốt đều trên mái tóc tôi, bàn tay di chuyển dần xuống, bóp nắn nhè nhẹ phần sau ót. Tôi rùng mình. Mặt vùi sâu trong ngực bố, tôi thì thào,
“Bố ơi, con muốn chết.”
“Không được nghĩ bậy. Con nên tha thứ cho mẹ. Bà ấy có những khổ tâm riêng. Con hãy cố gắng đặt mình vào vị trí của mẹ. Bố rất tiếc đã không giúp gì được cho con, bố cũng rất tiếc đã không làm mẹ vừa lòng. Chúng ta hình như đều bị đặt sai chỗ.”
“Nhưng mẹ phải hiểu đâu phải lỗi tại con. Bố, cha ruột của con là ai? Ông ấy còn sống hay chết rồi? Tại sao ông ấy với mẹ xa nhau? Tại sao không bao giờ con nghe mẹ nói gì về ông ấy ngoài những lời nguyền rủa cay độc?”
“Bố nghĩ đó là một kỷ niệm đau đớn, một vết thương luôn mưng mủ mẹ muốn quên nhưng chẳng thể quên được, bởi vì, bất hạnh cho con, con là duyên cớ nhắc nhở, khơi động vết thương kia thường trực mỗi ngày.”
“Vì vậy, con muốn chết.”
“Vấn đề không phải ở đó, nguyên nhân không đến từ con. Chỉ là cái cớ, con hiểu không? Con chỉ là một cái cớ. Mẹ không thấu suốt điều này, vì thế mẹ làm khổ con, đã đành, mẹ còn làm khổ chính mẹ. Nếu con thấy được điều bố vừa nói, lòng con sẽ nhẹ nhàng hơn, và do đó con sẽ có đủ lý do để tha thứ cho mẹ.”
“Không, con không hiểu, không thấy gì hết. Con căm thù mẹ. Bố ơi, con muốn chết, hoặc mẹ, mẹ phải chết. Bố ơi, như thế là bất hiếu, là súc sinh, nhưng… nhưng… ý nghĩ này cứ bám mãi trong đầu con, không thể tẩy xóa. Trời ơi, con khổ quá, con khổ lắm…”
Bố siết chặt tôi vào ngực, vòng tay bố rắn chắc, tôi có cảm tưởng từng lóng xương, từng sợi gân trong thân thể nhão ra, mềm nhũn. Tôi run lên. Miệng mở ra, tôi áp môi lên khoảng ngực bố, khoảng ngực với lớp vải áo đã ướt sũng nước mắt. Và tôi lại rùng mình.
Mùi mồ hôi đàn ông đầy ngập khứu giác…
Con chó ghẻ bỗng sủa lên vài tiếng ngắn, chiếc chân sau duy nhất chợt khụy xuống, một cơn run rẩy, tôi nhìn thấy rõ, rất rõ, cơn run rẩy chạy khắp tấm thân gầy trơ xương, đồng thời nó rướn người về phía trước, chiếc mõm nhê nhếch nước dải đang trào ra hai bên khóe, đôi mắt đục nhờ vô hồn. Một lúc, chúng rời nhau. Con chó đen bước chậm một vòng quanh con chó ghẻ rồi lững thững lủi vào đám lau cao. Con chó ghẻ nằm xuống, dạng chân quay đầu liếm quanh háng. Lại sủa ăng ẳng vài tiếng ngắn, gác mõm lên chân trước, đôi mắt khép hờ, lim dim như ngủ. Ðám ruồi xanh bay loạn, bu đen trên những mảng ghẻ tươm mủ. Con chó ghẻ thỉnh thoảng lắc mình, đuôi và hai tai ve vẩy…
Tôi ngậm lớp vải ướt sũng nước mắt giữa hai hàm răng. Tôi thèm ngậm sâu hơn, xuyên qua lớp vải, khoảng da thịt căng mềm ngực bố. Từ bao giờ, hai cánh tay tôi đã quàng quanh người ông, ngực tôi ép sát, khuôn ngực trinh nữ nhọn cứng, hai đầu vú cạ trên lớp vải, nhột điếng.
Ðứa con gái bỗng xoay người lật gã đàn ông xuống. Cô ta nằm hẳn trên thân thể gã. Hai mông nhô cao, nhấp nhỏm như trong tư thế ái ân. Lần này cô ta cười lớn, tiếng cười vọng đến tận chỗ tôi ngồi.
Lác đác khắp khu vực công viên có thêm vài cặp nữa.
Ngồi, nằm, quấn quít. Nắng lên cao, bóng mát của những tàng cây ngả dài trên cỏ. Hôm nay cuối tuần, công viên hứa hẹn sẽ đông như mọi cuối tuần khác.
Ba tháng, kể từ ngày dọn về chỗ ở mới, tôi gần như không bước ra khỏi nhà. Thú vui duy nhất của tôi hiện giờ là ngồi đây, có khi từ sáng tinh mơ đến chiều, nhìn ra khu công viên, theo dõi từng cặp tình nhân, thả hồn theo mọi hành động của họ và mơ mộng. Tôi đang dùng chữ ”mơ mộng”. Ðúng không? nếu gọi những điều nẩy ra trong đầu tôi suốt nhiều tháng nay là ”mơ mộng” thì kể cũng tội nghiệp cho ngôn ngữ loài người. Mơ mộng, một đứa con gái đang tuổi dậy thì, đã phát triển đầy đủ, có những đòi hỏi mãnh liệt của xác thịt, từ đó vẽ ra trong đầu bao nhiêu ảnh tượng tình ái đắm say, những ảnh tượng rất gần với cuộc đời thường nhưng cũng vô vàn lãng mạn, những ảnh tượng gắn liền cùng tiếng cười trong vắt thủy tinh, với cỏ, với hoa, với khoảng trời xanh lồng lộng, với suối nguồn vi diệu róc rách, với tóc thơm môi ngọt gọi mời… Còn tôi, tôi vẽ ra cái gì trong đầu? Sự đòi hỏi mù tối của thân xác trộn lẫn với niềm căm thù sâu sắc? Như thế có thể nào gọi được là mơ mộng? Tôi tật nguyền ở nhân dáng, đã đành, hình như tôi còn tật nguyền cả trong tâm hồn, óc não. Tôi, có lẽ đúng như lời mẹ thường nguyền rủa, một con thú, một kẻ ”nửa người nửa ngợm”. Lời nguyền rủa đó mẹ lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần từ lúc tôi mới có trí khôn đến bây giờ, đã như một vết ố trong tâm hồn, đã như một sự kiện tất nhiên, riết rồi chính tôi cũng không dám tin mình đang là một con người. A, nếu quả thật tôi không là một con người như lời mẹ thì cớ chi tôi cứ băn khoăn mãi, khốn khổ mãi, tự dằn vật mãi? Tôi không cùng ”giai cấp” với con người, cớ chi tôi không sống theo cách của tôi, sống theo điều tôi muốn? Nhưng tôi muốn gì? Có thật tôi đang yêu bố? Có thật tôi đang nhìn thấy ở người đàn ông này cái nhu cầu cần thiết khả dĩ lấp đầy được ước vọng của tôi? Và bố, bố nghĩ về tôi thế nào? Một đứa con gái bất hạnh đáng thương xót? Một kẻ đồng điệu có khả năng chia sẻ tâm sự thầm kín? Một thân xác đàn bà -ngoại trừ đôi chân tật nguyền- cũng tròn vẹn đầy đủ như bất cứ người đàn bà nào khác? Tôi xấu, phải. Tôi bất toàn, phải. Nhưng tôi cũng là đàn bà. Ðàn bà, đàn bà… Chứ sao? Tôi có cái quyến rũ của một con cái, một con cái trong mùa động cỡn, người ngợm tôi chắc phải tiết ra mùi vị nào đó, mà bọn đàn ông, kể cả bố, cũng phải ngửi thấy chứ?
Bóng mát tàng cây chỗ cặp tình nhân thâu ngắn lại. Cỏ, trong nắng, xanh mướt một màu xanh lấp lánh. Gã đàn ông lần tay xuống phía dưới, lớp vải váy được vén lên, hai bắp chân to khỏe của đứa con gái nổi rõ trên nền cỏ mượt. Bàn tay gã đàn ông luồn sâu, đứa con gái oằn mình, cô ta rướn người bấu chặt hai cánh tay trên tấm lưng rộng. Tôi như nghe rõ tiếng thở của đứa con gái. Tiếng thở dồn dập, gấp rút…
Tôi siết mạnh vòng tay quanh lưng bố, thì thào,
“Bố ơi…”
“Gì con?”
“Tuổi tác có phải là một trở ngại giữa trai gái không bố?”
“Con hỏi, để làm gì?”
“Trả lời con đi bố.”
“Có thể có … Mà cũng có thể không. Bố, bố chẳng hiểu, bố không rành lắm đâu.”
“Bố ơi…”
…
“Con… Con… Con… yêu bố…”
“Ờ, bố biết. Bố cũng thương con lắm, thương hơn cả hai anh em Huân nữa.”
“Không phải… Con yêu bố. Một người đàn bà yêu một người đàn ông. Bố hiểu chứ? Ðàn bà… Ðàn ông…”
“Ồ, Ồ… Con đang nói gì?”
“Con yêu bố… Yêu bố… Yêu bố…. Yêu con đi, bố, yêu con đi…”
Tôi nói, vấp váp. Tôi nói, mê loạn. Tôi nói, điên dại. Bố đẩy tôi ra, nhìn xoáy vào mắt tôi, tia nhìn vừa kinh ngạc, vừa xót thương. Tia nhìn khiến cơn điên trong tôi trào vỡ. Tôi chồm tới, ôm siết bố. Hai cánh tay tôi như được tăng cường thêm sức mạnh, tôi cuống quít ghì chặt mặt bố vào ngực, khuôn ngực con gái, khuôn ngực dậy thì, khuôn ngực căng nhức những đêm thao thức. Tôi nghe rõ hơi thở bố dồn dập rối loạn, phà nóng sau lớp vải mỏng.
“Ðừng con, không được. Bình tĩnh lại con, bình tĩnh…”
Nhưng giọng nói bố đã bất bình thường, đã vấp váp. Mùi vị đàn bà, mùi vị của một con cái, chứ sao, tôi biết, không thể cưỡng chống được đâu. Trong tôi, một niềm hoan lạc dâng lên. Bố phải thua, bố phải đầu hàng, bố phải ngả vào ước muốn của tôi. Ý nghĩ khiến tôi sung sướng dại người. Ðôi chân tật nguyền, đôi chân như hai nhánh tre gầy chẳng nghĩa lý gì hết, và khuôn mặt tôi, khuôn mặt xấu xí, có vẻ man rợ đần độn cũng chẳng nghĩa lý gì hết. Tôi đang là một con cái, tôi đang toát ra cái mùi vị đàn bà. A, bây giờ thì tôi hiểu, mùi vị đàn bà, mùi vị của một con cái! Con vật gầy nhom ghẻ lở, què một chân, miệng há hốc, nước dãi nhê nhếch hai bên khóe, chiếc chân sau độc nhất run lẩy bẩy cố chống đỡ để đừng quồ ngã dưới sức nặng của một trọng lượng gấp đôi đang phủ trên lưng. Con vật thở phì phò, hai mắt đục nhờ, đôi tai cụp xuống. ” Cái đó” thúc liên hồi. Cơn rùng mình chạy khắp châu thân con vật khốn nạn. Tiếng sủa ủng ẳng tắt nghẹn trở thành tiếng gầm gừ. Tôi hiểu. Tôi hiểu. Tôi hiểu rồi. Mùi vị của con cái! Bỗng nhiên tôi muốn bật cười lớn. Tôi hình dung khuôn mặt mẹ, khuôn mặt trắng hồng, hai gò má ửng đỏ, đôi mắt đen nhánh ướt tình, đôi môi bóng nhẫy, nụ cười nở bung những chiếc răng trắng lấp lánh. Mẹ nhìn tôi, nhìn chúng tôi, nhìn người đàn ông đang nằm trong vòng tay tôi, đang vùi mặt giữa hai trái vú tôi, hai trái vú căng cứng, nhô lên hai đầu nhọn, mọng đỏ. Chiếc áo đã tuột ra quá nửa, hàng nút áo mở bung, da thịt mịn mướt chỗ khoang bụng… Ðôi mắt đen nhánh không còn ướt tình mà trợn ngược chỉ còn tròng trắng, khuôn mặt hồng hào trở nên tái xám, quai hàm bạnh ra, tiếng nói rít qua hai hàm răng nghiến chặt,
“A, chúng mày, chúng mày…”
Tiếng rít tắc nghẽn, chìm ngập trong cơn giận đang dâng lên phía sau lồng ngực phơi căng sinh lực kia,
“A… A… Chúng mày…”
Rồi sao nữa? Tôi thế đấy. Có sao không? Tôi thế đấy. Bộ tôi không có quyền sung sướng, bộ đặc quyền sung sướng chỉ dành riêng cho bà, cho những người toàn vẹn như bà hay sao? Bao nhiêu năm bà hành hạ tôi, bà nguyền rủa tôi, bà xem tôi không hơn một con vật. Một con vật ghẻ lở, què quặt, hôi thối. Tôi ngước nhìn bà, thách thức. Tia nhìn tóe ra hàng nghìn tia lửa thù hận. Tôi thấy mẹ rùng mình, bà úp mặt vào hai bàn tay, bật khóc. Lần đầu tiên mẹ khóc. A, mối hận lòng của tôi, như thế, đã được trả. Bà phải trả chứ, mẹ đã vay của tôi quá nhiều. Hai mươi năm, sơ sinh đến trưởng thành, bao nhiêu đắng cay, tủi cực, bao nhiêu đau đớn không cùng. Mẹ phải trả. Phải trả… Tôi kéo đầu bố lên, hôn đắm say trên đôi môi đang run rẩy… Mẹ ngã vật ra trên mặt thảm, thân thể co giật liên hồi, Rắn độc cắn chết mày đi… Ðồ oan gia nghiệt súc… Rắn độc, rắn độc, rắn độc… Con rắn màu xanh, dài ngoằng, cái đầu dẹp hình tam giác, miệng há rộng, lưỡi như một cây kim nhọn… Con rắn phóng tới… Mẹ dẫy dụa tuyệt vọng…
Cặp tình nhân đứng dậy. Hai người trở ra xe. Chiếc xe bò chậm khỏi lối đi tráng xi măng, khuất bóng chỗ khúc quanh.
Tôi bàng hoàng đưa tay sờ má, vuốt dọc bàn tay xuống khuôn ngực lép. Chung quanh tôi không một tiếng động ngoài tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo tường. Mẹ có lẽ đã đi làm, bố có lẽ còn đang ngủ, hai đứa em có lẽ đã đến trường. Chỉ còn một mình tôi và một cái đầu đậm đặc những ảnh tượng tật nguyền.
Nắng thu gọn bóng mát của tàng lá chung quanh gốc cây. Hai đứa trẻ đuổi nhau, chúng chạy về phía tôi. Ðến chỗ hàng rào sắt ngăn chia phần đất của công viên với khu vực căn nhà, thằng bé trai bắt kịp đứa con gái. Chúng ngã nhào trên thảm cỏ mượt. Cả hai cùng cười lớn. Tiếng cười dội vang trong bầu khí yên tĩnh.
Buổi trưa bên ngoài cửa sổ rực rỡ nắng.
Khánh Trường
(Trong tập truyện "Chỗ tiếp giáp với cánh đồng", nxb Tân Thư 1991)