có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Bảy, tháng 6 14, 2014

Hoàng Hạc Lâu



Nguyên văn

Hoàng Hạc lâu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ 
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu 
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản 
Bạch vân thiên tải không du du 
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ 
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu 
Nhật mộ hương quan hà xứ thị 
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.


Dịch nghĩa

Lầu Hoàng Hạc

Người xưa cưỡi hạc vàng bay đi rồi 
Đất này nay chỉ còn trơ tòa lầu Hoàng Hạc 
Hạc vàng một bay không trở lại 
Mây trắng ngàn năm vẫn thong thả lửng lơ bay 
Sông tạnh nom rõ hàng cây trên đất Hán Dương 
Cỏ thơm xanh tốt trên bãi Anh Vũ 
Chiều xuống, quê nhà không biết ở phương nào 
Khói sóng trên sông khiến lòng buồn bã.

----------------------------------

Hoàng Hạc Lâu là bài thơ nổi tiếng của Thôi Hiệu (崔顥), một nhà thơ thời nhà Đường. Tương truyền rằng, Lý Bạch khi đến Hoàng Hạc Lâu định làm thơ, đã thấy thơ Thôi Hiệu đề trên vách, đọc xong, vứt bút, ngửa mặt than rằng:

Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu... 

Dịch nghĩa:

Trước mắt có cảnh đẹp mà không thể làm thơ được, 
vì ở trên đã có bài thơ của Thôi Hiệu rồi


Hoàng Hạc Lâu có lẽ là bài thơ Đường được nhiều người Việt dịch nhất. Sau đây là một số bản dịch từ lâu phổ biến, thêm đôi bản nữa mới ra đời trong thế kỷ 21.



Dịch ra thơ Đường luật

Ngô Tất Tố:

Người xưa cưỡi hạc đã lên mây,
Lầu hạc còn suông với chốn này.
Một vắng hạc vàng xa lánh hẳn,
Ngàn năm mây bạc vẩn vơ bay.
Vàng gieo bên Hán, ngàn cây hửng,
Xanh ngắt châu Anh, lớp cỏ dày.
Trời tối quê nhà đâu tá nhỉ?
Đầy sông khói sóng gợi niềm tây!


Khương Hữu Dụng:

Ai cưỡi hạc vàng đi mất hút, 
Trơ lầu Hoàng Hạc chốn này thôi! 
Hạc vàng một đã đi đi biệt, 
Mây trắng ngàn nãm bay chơi vơi. 
Sông tạnh Hán Dương cây sáng ửng, 
Cỏ thơm Anh Vũ bãi xanh ngời. 
Hoàng hôn về đó, quê đâu tá? 
Khói sóng trên sông não dạ người.


Vũ Hoàng Chương:

Xưa hạc vàng bay vút bóng người, 
Nay lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi. 
Vàng tung cánh hạc đi đi mãi, 
Trắng một màu mây vạn vạn đời. 
Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu, 
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi. 
Gần xa, chiều xuống, đâu quê quán? 
Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi!


Lam Giang:

Người tiên cưỡi hạc khuất bao giờ, 
Lầu hạc nơi này dấu vẫn trơ. 
Hạc cất cánh vàng bay một nước, 
Mây dãng màn bạc lượn nghìn thu. 
Hán Dương cây rạng sông quanh khúc, 
Anh Vũ cồn tươi cỏ ngập bờ. 
Đâu chốn quê hương trời sẩm tối, 
Khói vờn sóng nước gợi sầu mơ.

Nguyễn Quảng Tuân:

Người xưa cưỡi hạc đã bay xa,
Hoàng Hạc lầu không vẫn chốn này.
Mây trắng ngàn năm lơ lửng mãi,
Hạc vàng một tếch khuất trùng ngay.
Hàn Dương sông tạnh cây phô sắc,
Anh Vũ cồn xa cỏ mọc dày.
Chiều muộn quê nhà đâu khuất bóng?
Trên sông khói sóng gợi buồn thay.


Thanh Tâm Tuyền:

Người xưa rong chim hạc đi khuất, 
Đất cũ để trơ lầu vắng không. 
Hoàng hạc thuở biệt rồi tuyệt dạng, 
Mây nghìn kiếp trắng mải bông lông. 
Tạnh quang cây bến lung linh nắng, 
Xanh ngát cỏ đồng thiêm thiếp hoang. 
Xế muộn làng quê nơi nào nhỉ? 
Mặt sông khói quyện buồn lạ lùng.


Đặng Tiến:

Hạc vàng người trước cưỡi đi rồi, 
Lầu trống còn tên Hoàng Hạc thôi. 
Một thuở hạc vàng không trở lại, 
Nghìn năm mây trắng vẫn đang trôi. 
Hán Dương cây đứng soi sông sáng, 
Anh Vũ cỏ non biếc bãi bồi. 
Chiều tối quê hương nhìn chẳng thấy, 
Trên sông khói sóng dạ bồi hồi.


Nguyên Khuê:

Cưỡi hạc người xưa đi đã lâu,
Còn đấy Hoàng Hạc chỉ trơ lầu.
Hạc vàng biền biệt từ xưa ấy,
Mây trắng lững lờ đứng mãi sau.
Sông tạnh Hán Dương cây lắng bóng,
Bãi thơm Anh Vũ cỏ tươi màu.
Chiều buồn quê cũ nơi nào nhỉ,
Khói sóng trên sông giục khách sầu.


Trần Trọng San:

Người xưa cưỡi hạc bay đi mất,
Riêng lầu Hoàng Hạc vẫn còn đây.
Hạc đã một đi không trở lại,
Man mác muôn đời mây trắng bay.
Hán Dương sông tạnh, cây in thắm,
Anh Vũ bờ thơm, cỏ biếc dày.
Chiều tối, quê nhà đâu chẳng thấy
Trên sông khói sóng gợi buồn ai.


Văn Toàn:

Người xưa cưỡi hạc biết đi đâu? 
Hoàng hạc trơ đây một mái lầu. 
Biền biệt hạc vàng không trở lại, 
Phiêu diêu mây trắng vẫn trên đầu. 
Sông quang rõ nét Dương Hán thụ. 
Cỏ mướt xanh màu Anh Vũ châu. 
Quê cũ chiều tà đâu chẳng thấy. 
Trên sông khói sóng khiến ai sầu.


Hải Đà:

Người xưa cưỡi hạc vút xa đây
Hoàng Hạc lầu trơ quạnh chốn nầy
Một thuở hạc vàng hun hút khuất
Ngàn năm mây trắng lững lờ bay
Hán Dương sông tạnh cây tươi thắm
Anh Vũ đồng thơm cỏ mịn dày
Chiều phủ quê xa mù mịt bóng
Sông vờn khói sóng não nề thay!


Đinh Vũ Ngọc:

Hạc vàng người trước cưỡi đi đâu?
Hoàng hạc còn đây một mái lầu
Biền biệt hạc vàng bay một thuở
Lững lơ mây trắng trải ngàn thâu
Hán dương cây biếc sông in bóng
Anh Vũ cồn thơm cỏ dơn màu
Khuất nẻo quê hương, chiều lịm tắt
Sông mờ khói sóng, chạnh niềm đau.


Thiềng Đức:

Ai người cỡi hạc vàng đi mãi
Còn lại nơi đây Hoàng Hạc lầu
Chim hạc thần bay từ hội ấy
Tầng mây trắng toả tới ngàn sau
Hán Dương cổ thụ soi sông lạnh
Anh Vũ bãi bồi ngát thảo dâu
Trời sụp tối quê hương khuất nẻo
Buồn vương khói sóng ta thêm sầu...


Trúc Ca Dương Vân Châu:

Cánh Hạc đưa Người khuất lối mây,
Lầu xưa hiu quạnh đứng nơi đây.
Một phương thăm thẳm non xanh biệt,
Bốn hướng mơ màng khói biếc bay,
Sóng Hán Dương pha mầu nắng đọng,
Cỏ Anh Vũ đượm áng hương say,
Quê nhà đâu nhỉ? Hoàng hôn rụng,
Sương tỏa bâng khuâng, khối hận đầy.




-------------


Dịch ra thơ lục bát

Trần Trọng Kim:

Người đi cưỡi hạc từ xưa,
Đất này Hoàng Hạc còn lưu một lầu.
Hạc vàng đi mất đã lâu,
Ngàn năm mây trắng một màu mênh mông.
Hán Dương cây bóng lòng sông,
Bãi kia Anh Vũ cỏ trông xanh rì.
Chiều hôm lai láng lòng quê,
Khói bay sóng vỗ ủ ê nỗi sầu.


Tản Đà:

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu? 
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ! 
Hạc vàng đi mất từ xưa, 
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay. 
Hán Dương sông tạnh cây bày, 
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non. 
Quê hương khuất bóng hoàng hôn, 
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?


Hải Đà:

Người xưa theo cánh hạc vàng, 
Vút bay thãm thẳm, bẽ bàng lầu thơ. 
Thoắt đi cánh hạc xa mờ, 
Mênh mang mây trắng thẫn thờ luyến thương. 
Cây xanh vờn bãi Hán Dương, 
Cỏ thơm Anh Vũ lộng hương bốn bề. 
Chiều buông phủ lạnh bóng quê, 
Chập chùng khói sóng thảm thê khách sầu.


Thu Tứ:

Bản 1:

Người xưa cưỡi hạc đi rồi, 
Lầu xưa còn đứng chơi vơi một tòa. 
Hạc bay đành mãi mãi xa, 
Nghìn năm mây vẫn trắng lòa tầng không. 
Mưa ngừng, nom rõ bãi sông: 
"Ngàn cây thắp nến", bồng bồng cỏ tươi.(1) 
Quê phương nào hở, chiều ơi? 
Mịt mờ sông khói chi người ngẩn ngơ.

Bản 2:

Hạc vàng vút tự bao giờ, 
Lầu Hoàng Hạc để đứng trơ bến này.(2) 
Hạc đi, về chẳng hẹn ngày, 
Nghìn năm mây trắng mơ bay khắp trời. 
Mưa ngừng, rõ cảnh xinh tươi: 
Bờ cây chen lá, bãi bồi cỏ lan. 
Chiều buông, sông khói mơ màng, 
Lòng ai chợt thắt, bàng hoàng: quê đâu?



___________

(1) "Ngàn cây thắp nến": lời ca khúc Nắng Thủy Tinh của Trịnh Công Sơn.
(2) Lý Bạch có bài thơ "Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quản Lăng", tức lầu Hoàng Hạc ở gần một cái bến.


(sưu tầm từ nhiều nguồn trên Internet, trân trọng cảm ơn các tác giả.)