“Thưa bác sĩ, vết thương của tôi nằm ở chỗ này, ngay đây, ngay mạn sườn bên trái, dưới vú chừng một bàn tay. Đây là một chứng bệnh quái đản. Tôi không biết nó xuất phát từ đâu, từ lúc nào, vì cái nghiệp chướng nào mà tôi vướng phải nó. Hôm đó… lâu rồi… hồi còn là một đứa bé gái, tôi nằm trên đi-văng giỡn với thằng em út thì bị nó chọt lét cười lăn lộn. Tôi đấy tay nó, nghiêng người qua bên trái và thốt nhiên trào nước mắt vì một cảm giác đau buốt kỳ lạ thốc sâu vào bẹ sườn như có lưỡi dao chọc mạnh ở nơi đó. Tôi la oái lên một tiếng, giận dữ đạp em tôi té lọt xuống sàn.
Thằng bé ngơ ngác lồm cồm bò dậy rồi khóc rống lên. Má ơi, má… Má tôi xăm xăm đi vào với cây chổi lông gà. Có chuyện gì? Tại sao biểu học bài mà không học, giỡn rần rần cả ngày. Quì gối úp mặt vô tường, lẹ lên, không tao đét cho mỗi đứa vài roi bây giờ. Em tôi sợ hãi nín bặt. Tôi không ngồi dậy được, nằm sóng sượt ra đó như con chim bị cắt cánh, vừa đau vừa tủi. Tới khi má tôi giơ cây chổi lông gà lên thì tôi mới gượng hết sức mà mấp máy môi. Má, con đau lắm, đau chỗ này.
Vết thương nhỏ như đồng xu, cộm lên như cái mận hồng hồng và bóng lưỡng. Khi tôi gãi thì nơi đó chảy ra chút nước vàng và nhớt. Má tôi nói rằng tôi bị mụt nhọt. Bà cắt một miếng vải mùng, quẹt vào ít thuốc dán hiệu Con Rắn mà bà tin tưởng còn hơn thuốc tiên rồi đắp lên chỗ đau cho tôi. Hai ba ngày sau tôi thấy đỡ. Má tôi cười. Thấy chưa, tao nói có sai đâu, thuốc dán Con Rắn là số một mà. Dù vậy, vết thương của tôi không lành hẳn. Nó chỉ làm bộ lành. Nó giống như một toán quân mai phục chờ thời, khi ẩn khi hiện, khi rình rập, khi tấn công. Mỗi khi nó làm giặc với tôi thì tôi lại đắp lên ít thuốc dán Con Rắn cho tới khi nó đầu hàng thì tôi lột miếng thuốc dán vất đi. Nó không lớn thêm, không nhỏ lại. Nó cứ như thế, không quá hiền để người ta lờn mặt mà cũng không quá dữ để người ta lồng lộn chống trả tới cùng. Nó đùa đùa, bỡn bỡn, nhấp nhấp, nhử nhử y như mèo vờn chuột, một thứ mèo rất đểu. Tôi phải sống chung với nó một cách oái oăm như thế này. Và cũng từ đó tôi không bao giờ có thể nằm nghiêng bên trái. Tôi chỉ nằm nghiêng bên mặt, mãi cho tới bây giờ.
Không ai biết tôi bị bịnh gì. Từ bác sĩ Tây y đến mấy ông thầy thuốc bắc. Có người bảo tôi bị một thứ ghẻ kinh niên, có người khăng khăng cho rằng gan tôi yếu nên không lọc được hết chất bẩn trong người, chúng tích tụ lâu ngày, xì ra thành ung nhọt. Tôi uống kháng sinh, uống lá cây rễ cây, bôi các loại thuốc gia truyền, dương đông kích tây mãi cũng chán, tôi phớt lờ sự hiện diện của nó. Nó đeo dính lấy tôi ngày này qua tháng khác như cái bóng bám lấy cái hình.
Thưa bác sĩ, ông hỏi gì? Ông hỏi là cái vết thương đó đã gây những trở ngại gì cho tôi trong sinh hoạt đời thường? Vâng… thì… dĩ nhiên… làm sao tôi tự nhiên được. Thuở con nít tôi còn giấu giếm được. Lớn lên tôi rất sợ. Tôi sợ người ta biết tôi có một vết thương trên thân thể, nhất là đối với những người có mối quan hệ thân mật với tôi, tôi không bao giờ thắp đèn trong những lúc ấy. Thế nhưng qua một thời gian, tôi vỡ lẽ ra rằng chẳng có ai trong số những người đó phát hiện ra điều bí mật của tôi, cho dù tôi có tô hô trước mặt họ đi nữa. Những người tình của tôi… họ quá bận rộn. Họ như những con ngựa ngã dài sau cuộc truy hoan trên thân thể tôi, đầu óc lơ mơ lãng đãng trên những đám mây ảo tưởng về sức mạnh và khả năng chiếm hữu của người đàn ông. Tôi nằm nghiêng qua bên mặt. Trong bóng tối mờ mờ, tôi không nói cho ai biết về cái đau do những sợi lông trên cánh tay trần của họ cọ xát vào vết thương của tôi, như những sợi nylon của cái bàn chải chà vào lớp da rát bỏng. Không ai biết điều này đâu. Chỉ một mình tôi biết. Duy nhất một mình tôi biết…
Dù sao thì tôi cũng phải chữa cho lành. Chứng bệnh này kéo dài quá lâu khiến tôi gần như phải bỏ phế cánh tay trái. Những cử động bên phía ấy làm tôi đau. Xin bác sĩ giúp tôi. Người ta mách với tôi rằng bác sĩ rất giỏi các chứng ngoài da…”
Người bệnh ngừng nói. Ánh mắt của bà đậu lại ở cặp kính trễ xuống sống mũi mà phía sau đó là đôi mắt kèm nhèm bụp mỡ của vị bác sĩ già. Ông bác sĩ chưa nói gì vội, tháo kính ra chùi vào vạt áo, xong lại cho ngón tay út vào một bên tai ngoáy mấy cái liền. Hết tai rồi đến mũi. Ông hắt hơi liền tù tì. Đợi cho tai và mũi đã yên chừng đó ông mới đưa bàn tay xoa xoa nhè nhẹ hai bên màng tang. Ông nói:
- Có vẻ như tôi còn bệnh nhiều hơn bà.
Người bệnh có vẻ sốt ruột. Bà moi trong giỏ ra một lô chai thuốc để trên bàn:
- Thưa bác sĩ, đây là những thứ thuốc mà tôi đã uống qua.
Ông bác sĩ không nhìn những chai thuốc đó chỉ lên giường:
- Xin bà cho tôi xem chỗ đau.
Người bệnh bước lên giường nằm xoay mặt vào trong. Vẫn bằng điệu bộ hết sức chậm chạp vị bác sĩ xem xét vết thương rồi lẳng lặng mở tủ lấy ra cái chai đựng một thứ dung dịch trong suốt. Ông thấm chất lỏng ấy vào một miếng gạc rồi chậm nhè nhẹ lên cái nốt mận nhỏ nhưng nhầy nhụa. Người bệnh làm như rùng mình nói bằng cái giọng hớn hở:
- Tôi thấy mát lắm bác sĩ ạ. Ông bôi thuốc gì cho tôi vậy? Từ trước giờ chưa có loại thuốc nào làm tôi cảm thấy mát như thứ thuốc này.
Vị bác sĩ thấm thêm chất lỏng ấy vào miếng gạc rồi đắp lên vết thương, băng lại. Ông bảo:
- Bà mặc áo vào đi. Tôi khám xong rồi.
Người bệnh ngồi dậy cài lại cúc áo. Mắt bà hướng về cái lưng áo choàng trắng bị ố một vài chỗ và không mấy thẳng thớm của vị bác sĩ già. Bà thấp thỏm chờ một câu nói trong khi ông bác sĩ cất lọ dung dịch vào tủ, xếp trang hồ sơ trắng tinh không một chữ vào cái bìa cứng rồi tiến tới cái hồ cá bên cạnh cửa sổ. Trong hồ một con cá mình mẩy dẹp lép, đuôi phất phơ như lá phướn bơi qua bơi lại. Ông mở cái lọ con con rải chút thức ăn lên mặt nước cho cá. Không chờ được nữa bà cất tiếng:
- Thưa bác sĩ, tôi đã bị bịnh gì? Cách chữa trị phải như thế nào?
Vị bác sĩ vẫn còn đứng chỗ hồ cá xoay lưng về phía bà. Ông đáp mà không nhìn lại:
-Bệnh này không chữa được. Tôi cũng là một con bệnh như bà. Tôi có một vết thương y như thế, ở mạn sườn bên phải.
Người đàn bà há hốc mồm. Bà tưởng mình nghe lầm nên nhoài người về phía trước:
- Bác sĩ… nói… nói sao ạ?
Ông bác sĩ xoay người lại và cười nhẹ:
- Bà không tin à?
Hai con mắt cá trong hồ như lồi ra thêm. Người bệnh có cảm tưởng như nó đang ngừng bơi và bà cũng ngừng thở để chăm chú theo dõi những gì sắp tới. Ông bác sĩ ngồi vào bàn, hai tay đan vào nhau. Những vết đồi mồi trổ lấm tấm trên lớp da nhăn. Ghèn trong mắt ông lại đổ ra đầy hai bên khóe.
“Tôi cũng có một vết thương như thế. Lâu rồi. Từ lúc nào tôi chẳng nhớ. Một lần khi đi tắm, tôi lấy cục xà bông xát lên người và nghe rát buốt ở mạn sườn bên phải. Từ đó tôi luôn luôn nằm nghiêng về bên trái và giữ cái tư thế bắt buộc đó cho tới bây giờ.
Nhiều người đàn bà đã đi qua đời tôi và từng thao túng trên thân thể tôi nhưng chẳng ai nhận biết sự có mặt của một vết thương ở đó. Ngay cả vợ tôi, người đàn bà đã chung sống với tôi 43 năm. Tối đi ngủ tôi luôn luôn nằm bên tay phải của nàng, nàng bên tay trái của tôi. Đó là cái phần đời dính vào nhau của chúng tôi. Còn phía bên kia, bên phải của tôi, cái chỗ có vết thương ấy là một nơi hoàn toàn khuất lấp. Nàng không biết và tôi cũng chẳng buồn kể lể. Tôi không bao giờ đem vết thương ấy để ra ngoài ánh sáng.
Vợ tôi là một người đàn bà chính chuyên và tận tụy, một người mẹ rất hy sinh. Nàng lấy tôi khi mới 17 tuổi. Nàng coi tôi như một ông hoàng. Nhiều hôm nàng còn nấu nước thơm và tự tay tắm rửa cho tôi. Hãy để em hầu hạ anh - nàng nói. Tôi tự ví mình như vùng hạ lưu màu mỡ nhờ sự vun bồi của dòng nước thấm đẫm yêu thương và lòng nhiệt thành. Một điều lạ lùng mà suốt đời tôi không bao giờ hiểu nổi là tại sao thân cận đến như thế mà nàng không biết chỗ vết thương của tôi. Chỗ ấy trông giống như cái hố bị đào khoét thấu vào tận bên trong để lộ những sợi gân và đầu xương trắng hếu mà nàng vẫn không thấy. Bàn tay của nàng từng kỳ cọ khắp nơi trên thân thể tôi mà khi gần chạm đến cái hố thẳm đau đớn ấy thì tự nhiên nàng rụt lại. Chẳng lẽ lúc ấy mắt nàng bị nắng quáng đèn lòa? Tôi không hiểu nổi, không tài nào hiểu nổi. Bao giờ tôi cũng phải tự chăm sóc vết thương của mình. Chỉ có một mình tôi hùng hục cuốc đất, hùng hục lấp cái hố thương tật ấy hết năm này tới năm khác bằng đủ thứ cách , mà khi ngẩng lên thì chỉ có cái vầng trăng vạn thuở đội trên mái đầu đã nhuốm bạc.
Tới một hôm thì nàng chết. Già thì chết. Đơn giản thôi. Trong một cặp vợ chồng thì phải có người đi trước người đi sau. Nàng chọn làm người tiên phong. Tôi gạt nước mắt nấu một nồi nước thơm và cũng muốn tự tay tắm rửa cho nàng giống như nàng từng tắm rửa cho tôi trước đây. Tôi đặt nàng lên giường và dùng một cái khăn mềm thấm nước thơm lau khắp người vợ, từ mặt, mũi, xuống đến cổ, vai, ngực, hai cánh tay, hai bên lườn và thình lình, tôi run bắn cả người. Bên sườn trái của nàng, cách chỗ vú độ một bàn tay là một vết thương, hệt như vết thương của tôi, lớn độ cái đồng xu, cũng bầy nhầy, hũng sâu vào trong và cũng tươm ra thứ nước vàng và nhớt. Tôi kinh hoảng tột cùng. Tại sau 43 năm nay tôi không hề biết. Tại sao tôi không biết? Tại sao nàng chẳng hề hé răng? Có phải vì chỗ đau ấy mà nàng lúc nào cũng nằm nghiêng về bên phải và đậy kín cái hố đen ở phía bên trái của nàng bằng cái nắp của sự im lặng vĩnh cửu?
Tôi bật khóc. Tôi đã biết gì về vợ tôi? Té ra tôi chẳng biết gì hết mà tôi vẫn tưởng là tôi biết. Dù sao nàng cũng đã chết rồi. Tôi có tự trách mình ngàn lần thì con người kia cũng chẳng thể quay về. Quả là một bi kịch.”
Vị bác sĩ ngừng nói. Người đàn bà bị bệnh ngồi cứng đờ trên ghế. Con cá trong hồ bất động thở ra những cái váng bằng bọt nước nổi lều bều. Ông bác sĩ gõ gõ cây bút lên mặt bàn:
- Có những thứ bệnh không chữa được. Bà về đi. Khi nào vết thương hoành hành thì cứ đắp lên bất cứ thứ gì làm cho bà dễ chịu. Thuốc dán Con Rắn cũng được…
Người bệnh thẫn thờ:
- Thưa bác sĩ…
- Bà muốn hỏi điều gì?
-Còn… thứ thuốc khi nãy? Bác sĩ có thể biên toa cho tôi mua được chứ? Tôi thấy thứ thuốc ấy rất mát.
Ông bác sĩ mỉm cười:
- Thưa bà, chất lỏng ấy không phải là thuốc. Nó là nước lã thôi.
Người bệnh trố mắt:
- Nước lã?
- Vâng. Tôi đã nói với bà. Không có thứ thuốc gì làm lành được vết thương ấy. Bà có thể dùng nước mưa hay nước máy cũng được.
Người bệnh gằn giọng:
- Ông nói dối.
Vị bác sĩ nói:
- Tại sao tôi phải nói dối bà? Tôi có thể bịa ra rằng đó là một thứ thần dược và hốt của bà bao nhiêu tiền cũng được nhưng tôi đã không làm như vậy. Cái chai ấy là nước lã thôi.
Vị bác sĩ đứng lên mở cửa phòng khám bệnh nhưng người đàn bà vẫn không chịu ra về. Bà ta ngồi lì trên ghế, mặt đanh lại. Vị bác sĩ thở dài:
- Thôi được. Tôi sẽ tặng bà một ít cho bà vui lòng.
Ông mở tủ lấy ra cái chai khi nãy và chiết thứ nước trong suốt ấy vào một cái chai nhỏ hơn rồi đưa cho người bệnh. Người đàn bà đón lấy, lắc lắc cái chai và ném lên bác sĩ cái nhìn hoài nghi:
- Tôi không hiểu. Đây là… là cái gì?
- Là nước lã thưa bà… Tôi hứng từ cái rô-bi-nê đằng kia. Bà cứ lấy đắp lên chỗ đau, chẳng hại gì.
Người đàn bà run run đứng dậy, bước ra cửa và dừng lại. Bà ngẩng đầu nhìn xoáy vào người đối diện. Ông bác sĩ hiểu ý. Ông cười nhẹ:
- Bà vẫn không tin. Thôi được, nếu bà nhất định không tin thì cứ nhìn đây.
Ông bác sĩ cầm lấy cái chai trên bàn, mở nắp và đưa lên miệng nốc hết chỗ còn lại. Vài giọt nước nhểu trên ngực áo và bám li ti trên mớ râu ria bờm xờm. Vị bác sĩ đưa ống tay áo quẹt ngang miệng đoạn cầm tập hồ sơ của bà đưa cho một y tá vừa bước vào. Ông xoay lại nhìn người bệnh, khẽ nhún vai:
- Xin lỗi bà. Rất tiếc tôi không làm được gì cho bà. Không có thứ thuốc nào làm lành được vết thương ấy.
Người đàn bà bị bệnh bước ra khỏi dưỡng đường, băng qua lộ, tấp vào một hiệu cà phê ở vỉa hè đối diện. Trong hiệu người ta đang theo dõi một trận dã cầu, cứ ít phút lại “ồ” lên hoặc đấm tay xuống bàn xịt xọt.
Bia thi nhau sủi bọt trong những cái cốc vàng óng. Tro trong những cái gạt tàn thuốc càng lúc càng đầy lên. Nắng chiều ngả xuống lòng đường hắt lên những tấm bảng hiệu, những khung cửa kính, những băng ghế dựa, những bờ tường, bồn hoa, cột điện… Bà ngồi ở đó rất lâu, ngó bâng quơ những khuôn mặt người lướt qua lướt lại, những vòng bánh xe quay tít trong bụi và khói. Trong tầm nhìn rối ren sự vật, bà thoáng thấy vị bác sĩ già với cái cặp da cũ trên tay, đầu đội chiếc mũ xười, áo quần xốc xếch, kẹp một xấp báo trong nách đứng chờ xe điện bên kia đường. Ông đứng dựa cột đèn, chẳng buồn ngó ai, chốc chốc đưa tay vào túi lấy ra một thứ gì đấy bỏ vào miệng nhóp nhép. Thật ra hình ảnh đó sẽ chẳng gợi lên một điều gì đặc biệt nếu như một ý nghĩ không lóe lên trong đầu bà lúc đó. Bà nhổm dậy, chồm ra khỏi ghế để nhìn cho rõ. Rồi bà trầm ngâm ngồi phịch xuống. Bà đã hiểu. Bà đã hiểu vì sao người đàn ông ấy đứng niễng về bên trái, xách cái cặp bên tay trái, kẹp xấp báo bên tay trái và đứng dựa cột đèn cũng bên tay trái để ưu ái một sự tự do hoàn toàn cho phía tay mặt.
Cao Thanh Phương Nghi
5/2012