có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Hai, tháng 4 02, 2012

Tử





Thiếu úy Tiến thuyên chuyển về Sư đoàn Một trong lúc mặt trận phiá Bắc ngày càng khốc liệt. Tình hình ở Quảng Trị mỗi lúc một xấu đi. Những chiếc trực thăng gia tăng phi vụ, và khi chúng trở về, tiếng phành phạch của cánh quạt như khuấy động sự trầm mặc của Thành nội Huế, chém vụn một mảng trời u ám cuối xuân, rồi rãi xuống quân y viện Nguyễn tri Phương ngút ngàn mùi tử khí. Những chiếc poncho gói xộc xệch từng thây người được lôi ra khỏi trực thăng, sắp hàng thứ lớp trên nền xi-măng còn đọng vũng cơn mưa rơi bất ngờ từ hôm qua.


Bộ chỉ huy sư đoàn nằm không xa quân y viện. Đứng trước bậc thềm văn phòng Trung tâm hành quân Thiếu úy Tiến có thể ngửi ra sự chết lẫn trốn ở đâu đó. Trong gió, thoảng vào mũi là mùi bùn tanh, hồ nước cạn trông như thứ giao thông hào đào quanh đã rũ liệt những cành sen, tàn tạ đứng như mặc niệm. Mọi vật đều xác xơ trong mắt người Thiếu úy trẻ. Lá cờ rối nùi quấn quanh đỉnh cột, những bẹ lá chuối vàng vọt, chiếc Jeep lùn của ông Tiểu đoàn trưởng như con trâu nhuộm đầy bùn đất một cách quái đản; và chiếc cầu vồng tróc vữa gạch đá, cổ xưa như một giọng hò Nam ai u hoài. Bốn mươi tám tiếng trước đây Thiếu úy Tiến đi vào trình diện cấp trên bằng cái lối độc đạo ấy. Những quán cà phê lần lượt nằm lại phiá sau, trôi chảy mơ hồ đoạn nhạc đến từ Mỹ quốc xa xăm, thổn thức trên dãy hàng rào trồng chè tàu lưu giữ nhiều bóng tối. Bản ấy của CCR, lên Top cả thời gian dài: “Long as I remember, the rain been coming down, Clouds of mystery falling, confusion on the ground. Good men through the ages, trying to track the sun. And I wonder, still I wonder, who’ll stop the rain?…” Giờ này đứng trong căn cứ cách biệt với ngoại giới, Thiếu úy Tiến thử vẽ ngược lại lối vào. Ra khỏi vọng gát, qua đoạn cầu ngắn, con đường mang tên Đinh Bộ Lĩnh sẽ đâm thẳng hút mắt tới cửa Thượng Tứ. Rồi Thương Bạc, sông Hương, nón lá bài thơ, tóc thề, áo dài e ấp và những huyền thoại bao phủ chốn Thần kinh. Trong đời, Thiếu úy Tiến chưa một lần biết qua mặt mũi Huế. Sinh trưởng ở trong Nam, người học sinh trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu ấy không mấy cảm tình với cái cay xé họng có ở tô bún bò. Chẳng thích sự hà tiện của dân miền Trung trong cách trình bày một mâm cơm. Huế là một địa danh xa lạ. Nó thực sự tiếp cận lần đầu với Tiến khi anh ta đọc cuốn “Địa ngục có thật” của nhà văn Dương Nghiễm Mậu. Một cái bút ký nhốt trong đó chật chội và ngổn ngang những đau thương vô bờ của người dân vô tội gánh chịu ở biến cố Tết Mậu thân 68. Lần đầu, qua những trang văn, Huế đã tượng hình trong lòng Tiến một vết sẹo. Lần hai, Thiếu úy Tiến đứng ngơ ngác ở đây, phút này. Đứng thật sự trên xứ Huế cổ kính với bộ đồ trận nhăn nhàu và với một đầu óc nát nhừ những hoang mang. Huế đón Tiến với tất cả sự lạ lẫm mà nó có. Vết sẹo trong lòng Tiến như chưa hề liền da.

Đại úy Quân nhìn Tiến như nhìn bất kỳ một thằng lính nào. Nghĩa là trong đôi mắt ấy không có chút thiện cảm được thắp lên. Một cặp mắt xấu hơn hai tròng nhắm mở của con búp bê bằng nhựa. Vô cảm, lạnh chết. Tiến hiểu, khi mà ngoài kia áp lực đối phương đã như một gọng kìm từ từ siết lại, thì những kẻ đứng ở trong này, tròng con mắt họ vơi dần sự tinh anh. Họ thiếu ngủ, thiếu đủ thứ. Chưa chắc gặp lại người thân mắt họ sẽ ánh lên niềm vui. Đại úy Quân là cấp chỉ huy, trách nhiệm gánh lên vai có thể làm ông già đi, mà đôi mắt là triệu chứng ban đầu. Giọng Huế nặng, trầm, đục. Áo feild jacket ngả màu, ba bông mai chìm khuất, bảng tên thêu chỉ đen rối xơ, sơ ý dễ ngộ nhận ông ta tên Quan. Colt-45 nằm trong bao da đeo xệ sau mông, miệng ngậm pipe, khói thuốc 79 thơm ngọt luôn vướng vào khăn quàng bằng lụa quấn quanh chiếc cổ mập, ngắn. Tốt nghiệp Võ bị Đà Lạt, có bằng vô địch tác xạ Colt và Rouleau ở Tổng tham mưu. Anh dũng bội tinh với nhành dương liễu. Chiến thương bội tinh và lỉnh kỉnh những huy chương khác. Một vợ hai con, gia đình hiện trú ngụ ở Nha Trang… Bốn mươi tám giờ, Tiến chỉ biết ngần ấy điều về cấp chỉ huy trực tiếp của mình. Sự hiểu biết ấy có thể gọi là khá nhiều, trong khi vị Đại úy kia chẳng hỏi han lắm lời với thằng thuộc cấp vừa trình diện. Ông không cần biết lý lịch đứa “đệ tử” mới.

- Anh quen ai ở chốn này không?

- Thưa không, Đại úy.

- Tôi chẳng thích lối đánh giá một thằng lính qua hồ sơ quân bạ, nhưng anh, trước khi điều về đây, dường như anh đã gây ra một lỗi lầm, phạm kỷ luật?

Thiếu úy Tiến đứng nghiêm, mũ vải kẹp trong nách và không cảm thấy khó chịu với đám ruồi nhặng đang đùa giỡn trên mặt mình. Anh cố nhớ lại nguyên cớ đã gây ra vết nhơ trong đời lính.

- Không sao cả. Đối mặt với cái chết, tư cách của một thằng lính sẽ tự biểu hiện ra. Ngày mai chúng ta ra mặt trận, anh biết điều đó chớ?

- Dạ biết, Đại úy. Thiếu úy Tiến nói láo.

- Đi theo tôi, làm quen và nhìn mặt bạn bè con cái anh.

Đó là một tiểu đoàn không đủ quân số, theo cách định nghĩa ở quân trường. Và ngày mai, lính tráng sẽ lên đường với tất cả sự lỏng lẻo mà cấp trên vừa cố sức thu vén nhặt nhạnh. Nó tựa một bộ bài tây không đủ 52 lá. Chúng ta chỉ có thể binh xập xám chướng tay ba và xì tẩy, bài cào thì ta sẽ giao phó vào sự rủi may trong canh bạc đầy chông chênh ấy. Một ván bài bất thường tự bản thân. Tiểu đoàn di chuyển bằng GMC chạy ra hướng cột cờ Phú văn lâu, cửa An hòa, quốc lộ Một, bắc tiến. Con đường nhựa đen do ty Công chánh lục lộ Pháp khai mở, đổ dầu hắc tự ngàn xưa được xe ủi lô Mỹ tân trang nhiều lần. Mặt đường dâng cao dần theo mỗi một trùng tu và đồng thời nó cũng phơi mình đón nhận thường xuyên những trái hỏa tiễn từ núi cao bay về để cắm đầu xuống, tàn phá vô cớ từng lỗ sâu chảy máu đen. Nó êm ái ở đằng này và đằng kia là cả một sự dằn xóc. Con đường cũng có số phận của nó. Nó mang vào thân cái vận số: Một nửa ở thời đại văn minh, một nửa ở thời kỳ đồ đá.

Máy PRC-25 luôn phát tiếng rè. Đại úy Quân được lệnh ngưng di chuyển, đổ con cái xuống một mặt lộ bé hẹp. Trên bản đồ hành quân nó là một đường xanh nhạt vô thưởng vô phạt, và theo như sự hiểu biết của đơn vị Địa phương quân, đất đứng này được gọi là Cây số 17. Trong trung đội của Tiến có không ít những thằng lính biết đánh đấm từ thuở mười bảy. Nó giết người từ Garant qua Carbine cho đến vũ khí hiện tại nắm chặt trong tay: M-16. “Súng là vợ, đạn là con”. Những thằng lính mới mười bảy tuổi đầu đã hai lần ngoại tình, hai lần thay lòng đổi dạ, để bây giờ đang ôm ấp người vợ thứ ba. “Cái này mà không nâng niu chìu chuộng có ngày nó cắm sừng mình dễ như chơi nghe Thiếu úy. Thằng AK-47 có thể khai hỏa trong mọi tình huống, nhưng Em Mười Sáu thì không. Sạch sẽ em mới làm việc, dơ bẩn là em làm nũng gây trở ngại tác xạ ngay”. Tiến có cảm tình với những thằng lính lạ mặt ngay từ buổi đầu. Quân đội đã đẻ ra những thằng người kỳ cục. Một sự kỳ cục đáng yêu. Bất luận tuổi tác thế nào, chúng đều gọi người chỉ huy là ông thầy và hồn nhiên xem mình là đệ tử, là con cái. “Chứ gì nữa Thiếu úy, trong gia đình thì có cha mẹ, ngoài mặt trận thì có ông thầy. Thiếu úy nói thì em phải vâng lời chứ biết nghe ai giờ?” Một sự “hiếu thảo” bất thành văn, khỏi cần phải giáo dục.

Cây số 17 giống hệt như bất cứ dấu mốc nào cắm xuống quốc lộ. Bên trái là đồng lúa bỏ hoang mọc chen cỏ dại dẫn vào tận cùng là núi chắn, bên phải là lau lách phủ ơ hờ những gò mả thấp cao, tre trúc lưa thưa phiá sau thấp thoáng vài căn nhà tranh lạnh vắng một cọng khói dật dờ. Trời xám và đất nhiều màu, chỗ xanh chỗ đen chỗ đỏ chỗ hoàng thổ. Đội hình được giàn trải ra, nón sắt nhấp nhô nằm xuống bên những nấm mồ không tên tuổi. Thiếu úy Tiến đọc thầm câu thơ của Định Giang: “Đất thì rộng mà chỗ nằm quá chật! Tuổi xanh ơi sao vội vã làm thinh?” Những dấu hỏi, những dấu chấm than. Những cái lưng người từ chối một mặt nệm để lạnh lùng ra ngủ với dế giun. Những người đã chết tình cờ, những kẻ sắp chết và những đứa sẽ chết. Cuối đường luôn là một ụn đất. Một căn nhà, một địa chỉ thường trú. Y trang nhau, không Nam Trung Bắc.

Gió len lỏi về, lao xao trên từng ngọn cỏ. Không khí ẩm, hơi lạnh từ đất dồn lên, giao thoa cùng gió và tất cả đều chui vào thân thể của mỗi sinh vật. Phiá tây bắc, mây đen nặng nề dồn tụ. Mây hay khói lửa của đạn bom? Mưa sẽ đổ xuống mặt trận, làm khó khăn thêm sự di chuyển, dễ dàng khi xoá sạch máu và sau đó, những tử thi chóng thay hình đổi dạng. Thiếu úy Tiến thắp một điếu Bastos xanh, khói thuốc đắng trong miệng khô nhưng xem chừng lồng ngực đang ấm dần. Từ đây ra nơi giao tranh, khoảng cách không dưới bốn mươi cây số đường chim bay. Thủy quân lục chiến và binh chủng Dù đang đụng nặng. Đụng chênh lệch bởi đối phương mang nguyên cả sư đoàn ra xả láng, đánh hết rác, đánh ta-pi, đánh tới đồng bạc cuối. Bốn mươi cây số, địa chấn vẫn lan về, run run dưới chỗ nằm; từng đợt, từng đợt.

- Thiếu úy biết không, gia đình em ở ngoài nớ, cái mới ngặt! Ông già bà già ham ruộng ham vườn ham nơi chôn nhau cắt rốn một hai không chịu ra đi. Bom đạn thì vô tình, còn chi buồn hơn mình ra giải tỏa mà ngó thấy đấng sinh thành nằm chết dưới chân? Đoản hậu! Nói Thiếu úy tha lỗi, đụ mạ chiến tranh!

- Chẳng biết có giải tỏa được không? Tiến trầm ngâm. Tao chỉ sợ tụi mình phải ôm đầu máu.

- Nếu không được thì đỡ khổ. Đừng bắt phải nhìn thấy, chết khuất mặt khuất mày thì mình cũng được an ủi đôi phần.

Thằng lính nằm bên mặt mày nhẵn nhụi không một sợi râu. Giọng khô, môi nức nẻ, những cái răng cáu bẩn. Đôi mắt hẹp, ướt, nhiều ghèn, như thể vừa được tháo gỡ băng ra. Một đôi mắt khó trông rõ sự vật, nhập nhoà. Sự thật lẫn trốn đằng trước, cút bắt.

- Tại răng Thiếu úy lại hồ nghi là mình không giải tỏa được?

- Tôi nghe phong thanh mấy đơn vị bạn than phiền: Mẹ, đánh đấm kiểu gì kỳ. Bàn giao cho “nó” xong là y như rằng đôi ba hôm sau lại phải trở lui tiếp cứu.

- Có rứa mô nà! Ai nói? Họ chê bai đơn vị mình hay răng đây?

- Nhảy dù nói. Thủy quân lục chiến nói. Những đơn vị thiện chiến nói. Nhưng mà cũng tùy, bộ binh như tụi mình có nhiều anh ngon lành chẳng thua ai. Bảnh như đại đội Hắc báo chẳng hạn.

Thiếu úy Tiến chuyền mẩu thuốc ngắn cho thằng lính, nhớ tới đứa bạn thân. Khoá sinh ưu tú Bộ binh Thủ đức. Ra trường chọn đơn vị Biệt động quân, đụng địch lần đầu ở mặt trận phiá tây Quảng ngãi; mảnh B-40 đục khoét hạ bộ, chở về Tổng y viện Duy tân Đà nẵng, hội đồng y khoa chưa giám định cấp độ tàn phế nhưng chắc chắn là hắn sẽ giải ngũ. Trong khi chờ đợi, thỉnh thoảng hắn run tay mở hạt nút áo, mở sợi giây thun cột chặt một đầu bao ny lông có in hàng chữ Gạo Sấy, đổ hắt cái dung dịch vàng khè ọc ạch chứa trong đó đi rồi thưa với cô y tá là “em” mới đái xong. May, rủi. Bạc phước hay khéo tu? Những chữ đó chẳng ai mở miệng được khi đến thăm. Hắn vẫn đứng trên đôi chân nhiều vết nám. Hắn vẫn còn quen thói khôi hài: “Sức mấy? Tao chỉ chết ở một cửa tử thôi!”

Đại úy Quân biểu Tiến dắt vài thằng đệ tử vào thăm dò những căn nhà tranh nằm lẫn khuất bên cánh phải.

- Tôi sẽ cho thằng Hai bắn che nếu có chuyện. Bằng mọi giá anh phải trở lui ngay. Ông phát lệnh, sau lưng, thằng đeo máy truyền tin bám cứng với cái ăn-ten mỏng manh tựa một ngọn lá tre kỳ lạ luôn dong cao run rẩy.

- Tụi mình không thể nằm phơi cả đám giữa cánh đồng này. Đại bàng kết luận.

Thiếu úy Tiến điểm mặt ba đứa nằm gần, những cái nón sắt luôn lúc lắc trên đầu như sự từ chối chẳng thể nói ra. Lom khom, bốn nhân mạng đi men bờ đê, di chuyển luôn phát tiếng bởi quân trang quân dụng đeo cột kín người. Cả bốn đều nhỏ con và khi người ta chế tạo những thứ “đồ nghề” nhằm phục vụ cho chiến tranh, họ không mường tượng ra được kẻ sử dụng chúng lại thấp bé cỡ đó. Nặng nhọc là dĩ nhiên, khổ sở là điều ắt phải có. Tất cả đều vay mượn, chúng ta chưa hề một lần biết sáng tạo. Và đã là lính thì phải xâm lấy câu “Thi hành trước, khiếu nại sau” vào trái tim bé bỏng. Cắn răng, kêu không thấu mây xanh. Hãy rụt cổ lại để giữ mạng sống, khi đi giữa bạn và thù.

Phiá trước yên lặng. Ở thành phố, lặng yên được hiểu là hòa bình. Ở vùng mất an ninh, yên lặng đồng nghĩa với bất thường đang rình rập, đe dọa. Thiếu úy Tiến căng tai chờ nghe một tiếng nổ. Tất cả những khẩu súng, khoá an toàn đã mở, viên đạn đã lên nằm chờ trước vòng xoắn khương tuyến. Khoảng cách thu ngắn dần, trong mắt Thiếu úy Tiến thâu tóm một cảnh sắc không có sự sống. Thiếu gà vịt chó heo đi lẩn thẩn giữa sân. Sân đầy xác lá không một đường chổi quét qua. Vài lon đồ hộp C-rats hoen rỉ móp méo nằm với đất phủ che trông tựa một thứ mìn nội hoá. Bốn đứa tản ra, từ lom khom đến thẳng lưng, từ rụt rè đến vững bước. Chướng ngại không giăng lối, căn nhà vô chủ, trống hoác tựa chuồng trâu mọc giữa ruộng nước. Mùi ẩm mốc dồn đẩy vào mũi khi chân bước lên nền đất nện phẳng. Tuồng như lâu rồi, người đã bỏ lại vật để chạy với cái mong manh của sự sống.

- Mắc đái quá!

Thằng lính nói giọng Quảng-trị tìm một góc đứng. Đã lâu chưa, để cơ thể đòi hỏi sự bài tiết? Biết đâu niềm sợ hãi đã bắt người ta phải són đái. Nó gát súng vào vách, chật vật khi lôi được cái biểu tượng của giống đực ra khỏi quần. Mốc ẩm rút đi xa để điền thế vào một thứ mùi tanh khó ngửi. Nó cúi đầu khi tiểu tiện và Thiếu úy Tiến nhìn theo cái vật phát xuất ra vòi nước sủi bọt kia. Lở loét, xanh vàng đỏ và tấy sưng, to một cách khác thường. Tựa một cái lưỡi lê đã hoen rỉ, cùn mằn và thứ vũ khí ấy chẳng thể mang ra dùng khi cận chiến xáp lá cà. Nó không sừng sỏ được lúc đâm vào người kẻ nằm dưới và thằng lính sẽ ngồi trên giếng mà khát nước, buồn năm phút rồi hận cho số xui.

- Tởm. Mày mắc cái chứng quái qủy gì vậy?

- Lẻ tẻ thôi mà Thiếu úy. Tại con nhỏ ăn ở không được sạch sẽ cho lắm. Tại đêm hôm nhà ngói cũng như nhà tranh.

- Sao mày không xuống vài câu vọng cổ với thằng y tá?

- Lậu mủ lai rai đâu có hề hấn gì mà phải hạ mình với nó Thiếu úy. Băng bông ấy chỉ dành cho thằng nào đổ ruột thôi. Nó nói rứa đó. Huynh đệ chi binh mà Thiếu úy. Vọng cổ thì em chỉ dành ca cho người tình, riêng một mình nàng nghe thôi.

- Mày đi thử tao coi.

- Hề gì đâu. Thỉnh thoảng cà nhắc chút đỉnh.

- Bị Việt cộng rượt đuổi làm sao chạy hả con?

- Nhờ trời thôi… Thiếu úy tin không, có nhiều thằng đi khơi khơi giữa hòn tên mũi đạn mà chẳng hề hấn chi, như tuồng đạn tránh nó vậy.


- Tao tin chớ. Tao cũng tin là thằng nào chạy nhanh hy vọng sống sót của nó nhiều hơn thằng chạy chậm.

- Có gì em chạy sau lưng Thiếu úy. Chết thằng lậu mủ hơn là đơn vị mất đi ông Thiếu úy mới chân ướt chân ráo đổi về. Em nói thật lòng…

Yên lặng phủ chụp. Hai thằng đệ tử khác nhìn Tiến, cười như mếu.

- Thiếu úy có người yêu chưa?

- Đừng dông dài nữa. Tụi bây ra làm hiệu cho thẩm quyền biết là trong này vô sự.

Thiếu úy Tiến đeo súng một bên vai, moi túi áo tìm điếu thuốc. Zippo được mở nắp, reo vui ngọn lửa xanh. Dưới nắp có khắc chữ Huyền, tên một người con gái. “Thiếu úy có người yêu chưa?” Câu hỏi bật ra, xô tới Tiến một nỗi buồn quen thuộc. Ở đơn vị cũ một vài thằng cũng đã gióng rập khuôn cái dấu hỏi xưa rích ấy. Tò mò phát ra từ bờ môi và ái ngại đong đầy trong mắt. Tấm ảnh được lôi từ ví da ra. Nó luân lưu qua tay những đồng đội. “Đẹp quá Thiếu úy. Hết sẩy! Một dung nhan diễm lệ…” Tấm ảnh đen trắng thuở ban đầu và nó vàng vọt dần theo chân đi của Tiến, mỗi lúc một xa nơi phát xuất. Mưa, nắng, gió, khói súng luôn ấp ủ tắm gội vào cơ thể thằng lính đã đành, nó còn biết nhuộm sắc làm hoen mờ tấm chân dung thân yêu bé nhỏ kia. Hiểu ở một nghĩa nào đó, thời gian đã phá trinh hết thảy mọi điều, trí óc bị nhiễm độc trầm trọng bởi một sự phân ly chẳng thể cưỡng chống. Huyền, năm thứ hai Đại học Cần thơ. Cao 1m62 nếu chân mang guốc mộc. Cơ thể ấy thu lại còn một thước rưỡi nếu chạm phải bàn tay Tiến. Tiếng cười trong vắt như trẻ thơ và một sự từ chối rất nghiêm chỉnh nếu Tiến muốn “lấn đất dành dân”. Tiết trinh không phải là cái gì đó quá đỗi quan trọng. Huyền nói. Nhưng ít ra nó chứng minh được cho một lời thề. Em sẽ đợi anh, sắc son. Sau đó là môi hôn, lằn vạch cuối. Và sau đó, niềm mơ ước vỡ bờ tràn chảy. Huyền giữ chià khoá cánh cửa địa đàng trong khi Tiến phải rán giữ mình chu toàn một lời hứa. Đà Lạt được chấm là khu vườn thần tiên. Tiến sẽ trở về. Tuần trăng mật diễn ra, nắm tay nhau đi từ đồi Cù cho tới tuốt Thung lũng tình yêu. Đi từ sân nhà ga, qua cầu ông Đạo, leo lên chợ Hòa Bình, đổ dốc Minh Mạng, vào ciné Ngọc Hiệp, poster dựng đứng :”Tình thù rực nắng”.

Tình yêu ơi, hãy trao cho tôi lòng can đảm để đi xong một đoạn đường. Tới đích, tôi sẽ quay lưng lại khi nắm được trong tay tờ giấy phép. Về thành phố, tôi sẽ cố trút bỏ sự cộc cằn có ở một thằng lính tác chiến. Tôi đáp xe đò về Cần Thơ với vẻ lóng cóng sượng sùng trong bộ đồ dân sự vừa vay mượn. Tôi đứng bên gốc cây, trước cổng trường, dưới những chiếc lá rung động luôn đập cùng nhịp với trái tim tôi. Ôi! Cái thế giới ấy sao mà bình yên đến khó hiểu. Nó lạ lẫm tới độ phải ngờ vực dù mới hôm qua, ngày kia, tuần trước, tháng nọ, năm nào tôi từ trong đó phóng Honda chạy vụt ra, sung như bất kỳ một thằng sinh viên yêu đời háo hức đi gặp mặt tình nhân.

Đến chiều, tiểu đoàn vẫn chưa được lệnh lên đường. Có điều gì bất thường đọng trên khuôn mặt lạnh căm của Đại úy Quân. Trên núi cao, ở phiá phát xuất đường 9 nam Lào, những ánh chớp nháng lên muốn xẻ toạt trần mây đen. Tiếng lục bục không ngừng đổ xuống như cơn ho của một buồng phổi mắc bệnh lao. Mặt trời không có từ hôm Thiếu úy Tiến về đơn vị mới. Sắc màu từ cao chiếu rọi xuống vẫn là thứ xám ngoét, nay đang lần đổi qua màu tím bầm. Sáng, trưa, chiều thảy đều ui ui nhợt nhạt, và hoàng hôn là lúc mà tấm choàng đen từ phiá núi bay về, như cánh dơi hoang đường, phủ chụp xuống đồng rạ khô. Giống ly cà phê đen rót chậm vào tách trà lợn cợn xác. Thiếu úy Tiến thèm được nhấp môi vào ly rượu đắng. Một bi-đông thì càng tốt, trong ấy chứa thứ dung dịch có nồng độ cao gần bằng thuốc sát trùng. Đổ vào cổ và lửa sẽ trào ra nơi hai con mắt. Rất mỏi mệt, Tiến thèm ngủ, Tiến thèm được say. Hạnh phúc hơn, cho tôi nằm vật xuống, lịm người đi trên cơ thể trần truồng của một thứ giống cái nào đó. Nay sống mai chết không ai lường được thì lậu mủ giang mai hoa liễu thảy là ba cái bệnh lẻ tẻ, phải không mày? Tiến ngoắc thằng “lậu mủ” đến. Hắn đi như một đứa sợ đạp phải mìn.

- Ông thầy có điều gì sai bảo?

- Thứ gì nằm trong bi-đông của mày?

- Nước lạnh Thiếu úy.

- Tao ghét nhất những đứa dối trá. Hãy nhìn vào mặt tao khi trả lời.

- Nói láo cho bà vặn họng. Em thề rồi đó… Mặt Thiếu úy… Thiếu úy như đang thèm khát một thứ gì. Phải mà quanh đây có chú gà nuốt giây thun đi quàng xiên thì xem như đời thầy trò mình được lên hương.

- Bản mặt mày láo liên y như một thằng du kích. Tao hỏi thật, lương như mày đào đâu ra tiền để chơi đĩ?

- Em bán đôi giày trận. Con đĩ đó già chát tiền đâu có mấy hột Thiếu úy. Cái động bên hông chợ nó ra giá hệt như tấm bảng thực đơn dán ở quán cơm bình dân. Dễ chịu lắm, tiền lính là tính liền.

- Ừ, dễ chịu đến độ phải đi cà khiểng. Không chừng đụng xong trận này mày được thăng chức Thái giám.

- Giỡn chơi hoài Thiếu úy. Đời em sương gió đã quen, đâu phải lần đầu mà Thiếu úy phải quan hoài.

Tiến nhón mông để lôi chiếc ví ra.

- Ban trưa mày hỏi tao có người yêu chưa? Đó, nhìn đi em. Người yêu tao đó.

- Cha mạ ơi! Đại bàng ơi! Em mà có được người trong mộng như ri đây thì ba vạn cũng bỏ. Không chừng man khai lý lịch chạy chọt để trốn lính. Mình tự khai tử mình để sống yên với thứ tình yêu bé nhỏ tầm thường.

- Thật sự thì có thứ tình yêu cao cả vĩ đại hay sao?

- Có chứ Thiếu úy. Thiếu cha gì. Tình yêu quê hương đồng bào nè…

- Mày bắt đầu ca vọng cổ có phải không?

- Thôi được. Nếu em đỡ đạn cho Thiếu úy, thứ tình đó được Thiếu úy đề cao không?

- Mẹ mày. Đừng làm tao phải đau bao tử. Nếu chết, tao sẽ đi theo mày phù hộ, tao làm cho đạn phải đổi đường bay thay vì cắm sâu vào thân xác mày.


- Đừng ăn mắm ăn muối Thiếu úy. Kiêng cử dị đoan bao giờ cũng tốt cho một đời lính. Nhiều thằng đeo buà tùm lum quanh cổ sơ ý cúi đầu đi dưới giây phơi đồ lót của đàn bà, cắc bụp; thế là hồn du địa phủ, chết rồi mà mắt còn trợn trừng ngó lên cái quần xì-líp ny-lông oan nghiệt treo tòn teng trên đầu mình.

Sau tấm ảnh người thiếu nữ có ghi tên họ và địa chỉ chủ nhân. Thiếu úy Tiến lấy viết chép nó lại không sai một dấu phẩy vào mặt sau bao thuốc lá.

- Mày giữ giùm tao tờ giấy này. Kiểm điểm quân số mà thiếu vắng mặt tao thì mày hiểu phải làm gì rồi, đúng không?

- Nếu Thiếu úy ngon lành còn đứng sừng sững ra đó?

- Thì tao sẽ được đeo thêm một bông mai, lên lon ngay tại mặt trận. Thằng Trung úy Tiến này sẽ lấy phép về Cần Thơ. Em có bằng lòng lấy anh làm chồng không? Tao sẽ nói với người yêu câu đó. Tụi tao nắm tay nhau, không rời xa, tiêu cho thật hoang phí một tuần lễ ở Đà Lạt.

- Đà Lạt? Nó ở tận chốn mô? Trực thuộc Quân khu mấy? Vùng mấy chiến thuật?

- Mẹ kiếp! Mày là Fulro hay dân tộc thiểu số?

- Em người Kinh. Chánh quán làng Mỹ Chánh, Quảng Trị.

- Nước Việt gấm vóc mày biết được cái rẻo nào nói tao nghe.

- Quảng Trị, Huế, Sài-gòn và cuối cùng là Hà Nội. Trời ơi, đời lính túi bụi lùng bùng như em đây biết chi nhiều cho mệt óc Thiếu úy! Hoà bình, có tiền có bạc chưa chắc đã đi đó đi đây huống chi bây chừ hột gạo phải biết cắn làm hai, ăn dè ăn xẻn.

- Thật là ngứa lỗ tai. Phải nói lại là có tiền thì lo để dành mà chi cho cái khoản đéo nữa chứ?

- Oan em Thiếu úy. Nghe tin sắp đi hành quân, mình lật đật vác thằng nhỏ đi xả xui trước vậy thôi. Cho nó tắm chút hơi hướm đàn bà, biết mùi đời để mai này khỏi làm hồn oan trai tân.

- Cất cho khéo tờ giấy này đi. Mày nhớ nắn nót khi biên cái địa chỉ ấy ngoài phong bì.

Thiếu úy Tiến vỗ vai thằng lậu mủ. Nó ranh vặt khôn ngầm ở vấn đề này và ngu ngơ dốt đặc ở vấn đề khác. Có thể nó là một thằng lính lì lợm, một đứa nông dân chí thú cày sâu cuốc bẩm; nhưng tuyệt đối nó không thích hợp cho việc ôm sách vở đi mài đít ở ghế nhà trường, nhét đầy tai lời khuyên vàng ngọc của thánh hiền. Nó không hề biết trên quê hương này đã có một địa danh gọi là Đà Lạt, Hoàng triều cương thổ. Và như vậy cái giấc mơ luôn ấp ủ của Tiến, muốn tìm người chia xẻ, đã không được nói ra. Hình ảnh ngồi uống cà phê ở nhà Thủy tạ nhìn xuống những đôi tình nhân sánh vai đạp pédale l’eau trên mặt hồ có sương xuống nhiều sẽ là thứ gì đó rất xa xỉ, đầy viễn mộng so với đầu óc chật cứng những lam lũ thấp hèn của nó. Đánh giặc, lãnh lương, về hậu cứ uống rượu, chơi đĩ. Chu trình kiếp sống thằng lậu mủ sẽ tái lập trong cái vòng tròn khép kín đó. Một vòng tròn không có khe hở, tựa cái vòng gắn vào chốt an toàn của trái lựu đạn. Nhổ nó đi, mỏ vịt bung ra, mọi chuyện sẽ kết thúc.

Sáu giờ, Đại úy Quân phát lệnh Trung đội Một đi trước mở đường, thăm dò sâu vào làng xóm phiá trong. Tiến sẽ dẫn vài thằng con đi bọc cánh trái theo đội hình cánh cung, yểm trợ nếu có chuyện. Đại úy Quân muốn “làm sạch” khu vực có đường kính lớn, như thể mai hậu địa hình này sẽ dùng làm Bộ chỉ huy tiền phương nếu lá chắn mặt trận phiá bắc bị vỡ. Tiến đi trong bóng tối, đầu dật dờ với những ham muốn chẳng tượng hình. Câu thơ của tiền nhân lởn vởn đầy giễu cợt: “Một trà, một rượu, một đàn bà. Ba cái lăng nhăng nó quấy ta!” Tiến không biết uống rượu trong suốt thời gian miệt mài cắm đầu vào sách vở thuở học trò. Khi tóc xanh rụng xuống, nhận lãnh quân phục, ăn cơm nhà bàn ngó ra bãi tập dã chiến chấp chới hàng chữ “Quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” cơ thể Tiến bắt đầu thay đổi, như thứ trái cây già nắng phải tự mở bung để đánh rơi hạt mầm. Một ly nhăn mặt, ba ly lảo đảo cho tới cái nón sắt chứa đầy rượu vơi dần để rồi sau đó nôn thốc tháo, ớn lạnh không nhớ đường về. Tiến dần hiểu ra cái không khí “ắt có và đủ” của một chiếu rượu. Trước tiên nó biểu tượng cho hình ảnh một tráng sĩ, một đấng mày râu, Từ Hải chẳng hạn. Kinh Kha chẳng hạn. Sau đó, thấp thoáng ở đấy một thứ tình bạn thật hào sảng chực tìm cớ để biểu lộ. San cơm sẻ áo, chia ngọt xẻ bùi. Anh em như thủ túc bạn bè như y phục. Và cuối cùng, rượu; uống nó vào, nó vực ta qua một giây treo hai đầu nỗi bi phẫn và sợ hãi. Ta bước quàng xiên nhưng trái tim ta thôi co thắt, tai ta bớt ù đi khi hỏa tiễn bay ngang đầu. Ta bóp cò súng gài ngấc tự động với sự mê muội luôn có lý do để bào chữa. Câu nói của Tào Tháo muôn đời vẫn ghi vào sử xanh bởi cái chân lý cụ thể: “Thà ta phụ người còn hơn để người phụ ta!”

Tiến đi. Đi trong mê thiếp và đi trong căng thẳng. Những sợi giây thần kinh ở não bộ khi chùng xuống lại có lúc giãn nở hết bề dài của nó. Một cái giường. Không tưởng được nó quan trọng và sáng giá đến ngần ấy. Rồi ta cũng được nằm xuống thôi, ngủ ngon trên đồi sương đầy cỏ êm. Tiến nói với chính mình. Tiến thù ghét cái mập mờ có ở đàng trước. Tiến thích được dàn quân ra, dưới ánh mặt trời, hai phiá thù nghịch đối đầu, nòng súng khét bỏng, cổ họng khô khát, máu sẽ đổ và nếu chết, mọi cách thế khi từ giã cõi đời đều giống nhau, minh bạch và sòng phẳng. Tiến ghét ám khí, những đứa tiểu nhân, những thằng du kích ẩn mình nằm ở hóc kẹt nào đó. Một viên đạn bắn sẻ, đủ thời giờ để ngắm kỹ từ lỗ chiếu môn đến đỉnh đầu ruồi. Con mồi rớt xuống, rụng trong câm lặng không kịp kêu tiếng cuối vĩnh biệt cuộc chơi. Nhưng chiến tranh, nó không mỏi mệt sinh đẻ ra vô vàn những binh đoàn tiểu nhân. Cả một biển người tiểu nhân.

Tiến đi, đi cho tới hồi nghe tiếng thằng lậu mủ la lên. Thảng thốt, giọng đặc.

- Ai đó?

Cơ bẩm chuyển động, tiếng sắt thép va chạm sắc lạnh. Kim kích hỏa ngóc đầu chuẩn bị đập vào đít viên đạn đồng. Tiến ngồi thụp xuống như một phản xạ tự nhiên. Tay đè nón sắt, mắt nhìn xớn xác. Trời ạ! Một đứa con gái. Lạy Chuá tôi! Nó từ đâu hiện ra giữa đồng không mông quạnh này? A di đà Phật! Ở một đêm không trăng không sao và không luôn một đốm hỏa châu. Nó dong hai tay lên cao, tóc dài xác xơ, áo quần phong phanh lấm lem bùn đất. Nó xiêu đổ chẳng khác một hồn ma biên giới. Vô thừa nhận, lạc lõng, và sinh lầm thế kỷ. Vú nó nhỏ, điểm nhận dạng đầu tiên đập vào mắt Tiến, chứng minh tuổi nó đâu khoảng mười lăm mười sáu. Sau lưng nó là bóng tối mênh mông, nó đi một mình. Hai mắt nó long lanh, ngấn lệ nằm kia chẳng chịu rơi xuống khỏi bờ mi, nó không mù lòa lầm đường lạc lối. Thân hình ốm yếu ấy đang run lên, nó sợ hãi loài người hay cái lạnh của đất trời khiến nó co giật từng hồi như bị động kinh?

- Em từ đâu tới? Em đi một mình hay đi với ai?

Tiến hỏi khi đứng thẳng người lên. Thẩm quyền đã phát ngôn, thằng lậu mủ đằng hắng, tiếp nối:

- Nói mau.

Đứa con gái đứng như trời trồng. Môi mím chặt, khuôn mặt tái mét, bất động. Chỉ có hai giọt nước mắt bắt đầu lăn đổ xuống triền má, bò chậm rãi, dừng lại, đọng hạt ở dưới cằm. Giọt nước mắt nào cũng đều giống nhau. Nước mắt Huyền hôm nào ở bến xe đò tiễn biệt cũng thế. Trong vắt, như hạt kim cương chưa mài dũa. Nó chảy và lôi trái tim mình mềm yếu trông theo. Không phải vô cớ, người Tây phương cũng có chung một nhận xét: “Nước mắt là vũ khí của đàn bà”.

- Này em, đừng sợ hãi. Nãy giờ em có nghe tôi nói không? Hãy gật đầu nếu em nghe hiểu.

Thiếu úy Tiến nói, chân bước gần, nhìn rõ bờ ngực phập phồng lên xuống. Phiá trên, mái tóc thấm ướt đầy sương cúi xuống.

- Tốt. Vậy là em nghe được giọng Nam của tôi. Nhà tôi ở rất xa chốn này, còn nhà em, em cư ngụ ở đâu?

Đứa con gái chỉ tay vào khoảng tối phiá sau lưng. Có thể nó câm. Có thể nó xa lánh lửa đạn từ sáng sớm và lạc mất người thân tới độ lạc hồn. Xóm làng nó đang có giao tranh. Trước mặt nó cũng sẽ ám tối như thứ bóng đen mà nó vừa từ bỏ. Tiến ra hiệu cho thằng lính mãi chỉa nòng súng vào người con bé.

- Mày có áo ấm, khăn quàng hay thứ vải vóc bậy bạ gì đó không?

Tấm poncho được lôi ra khỏi ba-lô. Tiến đón lấy, trăn mở sột soạt chất ny-lông rít rát ấy để sau cùng phủ chụp lên vai gầy của cô gái. Từ thân thể kia phát toả nhiều mùi lẫn lộn, khói củi ẩm, mồ hôi, hương hoa chanh, bồ kết và mùi đặc thù của gái mới lớn. Một đoá tường vi là cách ví von cường điệu, nhưng mong manh dễ uá tàn là hình ảnh đứa con gái đang mang. Tiến không mường tượng ra được nếu nó đi lạc sang hướng khác, gặp toán ác ôn côn đồ nào đó, hậu quả tất yếu sẽ đến là một đối xử tàn tệ cỡ nào? “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn!” Mọi thứ có thật sự đúng như lời van xin ấy không? Nghe, buồn lòng, và thứ tha.

- Mình tính sao Thiếu úy? Lấn vào sâu chút nữa hay sao Thiếu úy? Một đứa cất tiếng hỏi.

Tiến thừ người, cố tập trung suy nghĩ.

- Có lẽ vậy. Điều chúng ta cần làm trước tiên là vào trú tạm một căn nhà nào đó. Em có biết quanh đây có chỗ nào gần để tụi mình tạm nghỉ chân không?

Đứa con gái lắc đầu. Nó quả là một đứa bé lạc loài. Tiến nắm tay nó dắt đi. Bàn tay lạnh cóng, không gầy nhỏ như Tiến lầm tưởng. Em cuốc đất, em cong lưng trên những nương khoai sắn và tuổi trẻ em trôi đi ơ hờ, loãng tan như cọng khói mà cha mẹ em xông đốt ở góc vườn mỗi chiều thôi lam lũ. Phải vậy không?

- Em tên chi?

Thiếu úy Tiến hỏi. Đứa con gái ngậm câm. Tiến không hiểu nếu anh được điều về ban 2 làm việc, cơ sở tình báo ở đó sẽ dạy anh những mánh lới nào khi gạn hỏi, lấy khẩu cung tù binh? Anh sẽ được gửi đi học khóa Phượng hoàng, anh sẽ dắt lính đi khui mở từng hầm trú ẩn một có nơi cái địa đạo đào chằng chịt dưới lòng đất của đối phương. Chúng luôn là thứ ma cà rồng, ban ngày trốn biệt im hơi đợi bóng đêm đổ xuống làm đám dơi tuá ra chập chờn gieo rắc những kinh hoàng. Cánh đồng này chẳng thấy dơi, chỉ có những con đom đóm bay mờ ảo với chất lân tinh khi tỏ khi mờ. Mồ mả và ma trơi, gộp thành cơn ác mộng luôn về trong giấc ngủ của Tiến thuở còn thơ ngây.

Cuối cùng thì cả bọn bắt gặp một cái miếu hoang. Trong khoảng tối dày, ẩn hiện bóng hình con cọp nhe nanh vẽ trên vách vôi tróc vữa sống động một cách lạ lùng. Miếu thờ thần gì? Chẳng lẽ quanh đây có Ông cọp ba móng độc đáo như truyền thuyết dựng đặt? Mỗi địa phương rỉ tai thêu dệt một cách riêng để biến hoá câu chuyện đi gần tới đích thần thoại: Đêm Ba mươi, cúng giao thừa xong, hãy mang đến miếu dâng lên một cô gái còn trinh thì dân làng mới được sống trọn năm trong hoà bình thịnh vượng. Bằng không hả, từ chết tới bị thương đếm không xuể đâu… Chắc chắn, đứa bày chuyện kia sẽ là thằng đàn ông mắc bệnh bạo dâm. Hoặc ngược lại, nó bất lực tới độ căm ghét đàn bà. Nhìn hình cọp, cô gái tỏ vẻ sợ hãi, co quắp ngồi dựa lưng vào trụ cột, xây lưng với thứ bùa chú thờ phượng kiểu kỳ cục nọ. Sách vở, binh thư kỉ yếu đi hành quân không cho phép lính tráng đốt thắp một ngọn lửa sưởi ấm. Đốm sáng nhỏ nhoi đầu điếu thuốc cũng nằm trong khoảng nghiêm cấm. Thiếu úy Tiến chia cắt phiên gát, ngồi đợi những tiểu đội khác tới bắt tay.

- Em sẽ đi đâu? Ngày mai khi trời sáng tôi sẽ dẫn em ra quốc lộ, chỉ cho em biết một lối đi an toàn.

- Em cũng không biết mình đi mô nữa!

Ngạc nhiên, bất ngờ và có chút vui thú gieo vào lòng Tiến khi nghe đứa con gái trả lời. Tiến bước lại gần, ngồi bên cô gái như muốn hơi ấm từ hai cơ thể sẽ giao thoa, cùng nhau sưởi chung một luồng nhiệt lượng. Tiến đoán cô gái đã bớt mệt, đã có thì giờ quan sát để rồi tin cậy anh. Trả lời câu anh hỏi khi mấy thằng lính đã rời ra, thôi hăm he với súng ống.

- Tôi cũng thế. Đó là tâm trạng tôi khi ra trường, chọn đơn vị. Nhiều con đường làm chúng ta hoang mang, như đứng trước một ngã tư.

- Không phải. Em chẳng có được sự lựa chọn nào hết.

Mặt đứa con gái đanh lại. Nó muốn tạo vẻ cứng rắn. Nhưng đó là cái cứng rắn đầy gượng ép. Nó sửa soạn khóc, hai vai bắt đầu rung lên dưới tấm poncho dài lết phết. Để an ủi, Tiến quàng tay qua vai nó. Đứa con gái không phản ứng.

- Anh là cấp chỉ huy?

- Không… Ừ, thì cứ cho là vậy đi. Cấp bậc anh chỉ là Thiếu úy.

- Ít ra thì những người lính đứng ngoài kia sẽ phải nghe lời anh, đúng không?

- Em cần gì ở anh? Nói đi, anh sẽ giúp ở cương vị một người Thiếu úy. Ừ, những đứa đứng ngoài đó sẽ chấp hành lệnh anh.

- Em đánh rơi gói hành lý chứa đựng những thứ quý giá. Là tài sản của cả gia đình em, anh thử nhờ họ tản mác ra tìm giúp, có được không? Loanh quanh đâu đó, không xa đây.

Tiến ngó vào mặt đứa con gái. Bóng tối chẳng giúp anh nhìn ra vẻ thật thà mà anh muốn nhìn thấy.

- Mọi thứ sẽ nằm yên ở đó và ngày mai chúng ta sẽ bắt gặp trở lại thứ mà chúng ta lỡ đánh rơi.

- Em sẽ chết mất. Gia đình em sẽ điên loạn nếu không tìm lại được. Năm lượng vàng, giấy tờ sở hữu chủ ruộng đất, khai sinh giá thú bằng tiểu học… tất cả gói chung trong một bọc vải. Trời ơi! Biết hồi mô trời mới chịu sáng cho?

- Anh cũng nôn trời sáng. Anh ghét bóng tối. Yên tâm đi, anh hứa bằng mọi cách sẽ tìm ra cho em. Em tên chi?

- Em tên Hồng.

- Hồng có đói bụng không?

- Em không đói. Em chỉ lo. Và lạnh.

Thiếu úy Tiến có cảm giác như Hồng đang nhích sát vào người anh. Những ngón tay Tiến bấu chặt vào vai cô gái, anh cố xua đuổi hình ảnh Huyền vừa chợt hiện. Huyền không cho tay anh đi hoang vào sau làn vải áo. Không bao giờ. Anh nhắm mắt, hít hương mùi từ cơ thể Hồng vào đầy ngực.

- Hãy cho em đi tiểu một lát. Anh quay mặt lại, hoặc tốt hơn anh tới đứng đằng kia.

Thiếu úy Tiến nghe lời. Đó là thứ mệnh lệnh thật dễ chịu. Nhưng anh làm biếng khi phải dời đổi. Anh ngồi yên trên cái nón sắt, cúi mặt xuống trốn giữa hai đầu gối. Tuy hai tai bị án che, Tiến vẫn chờ đợi và tin là anh sẽ nghe ra tiếng róc rách kỳ lạ của một giòng nước thoát đi từ khe hở, chảy xuống giữa hai chân Hồng. Tuồng như bộ phận thoát nước của động vật nào cũng đều nằm giữa đôi chân? “Thân thể người ta chia làm ba phần: Đầu, mình và tứ chi”. Sao ít ỏi thế? Sao tiết kiệm lời nói thế? Đại cương quá, tổng quát quá. Nói khơi khơi!

- Ngồi yên. Nếu mày cử động hoặc la lên tao sẽ bắn vỡ sọ.

Tiến giật mình. Cảm nhận hơi lạnh của một vật thể kim loại nào đó dí sát ót mình. Cái lạnh kỳ cục, tựa luồng điện truyền nhanh vào người khiến phải run bắn lên. Giọng nói Hồng nghe lạ hẳn, như cọp thần trên vách miếu đã nhập vào người cô, điêu ngoa giảo hoạt, mưu thần chước quỷ. Tay Tiến lần bò những ngón xuống nền xi-măng loang lỗ. Trống trơn. Khẩu súng đặt ở đó đã không còn. Thật là trẻ con! Tiến rủa thầm. Anh rà soát trí nhớ, những ngón tay ấy lại phải bò trở ngược lên đùi. Con dao dắt ở lưng quần luôn chung tình không xa rời Tiến. Hoặc giả chính anh chẳng hề biết phản bội nó. Anh đã hơn một lần dùng mũi nhọn của dao khắc tên Huyền lên chiếc bật lửa Zippo. Đầu óc Tiến căng ra. Chưa ai dạy Thiếu úy Tiến một thế võ hiệu nghiệm để đối phó với tình huống lạ lùng này. Nghiêng đầu sang một bên? Tiến tính toán. Tay phải nắm mũi súng giật tới đằng trước. Cây dao rút thật lẹ ra khỏi vỏ, cắm nó xuống vội vàng, ngập vào trủng ngực. Máu sẽ loang ra, chảy quanh bên đôi vú xuân thì. Hình ảnh đó làm Thiếu úy Tiến run tay. Anh không hề coi dao là vũ khí dùng để đâm thọc vào bất cứ giống sinh vật nào. Gớm tay. Đâm một đứa con gái yếu đuối? Trời ạ! Chỉ đạp phải một cây đinh khi lạc hồn đi với Tiến trong công viên, Huyền đã đau đớn suốt ba ngày. Đã nhác chơi. Đã đổ tội lên đầu Tiến làm bức rức thêm: Tại anh đó…

Tình hình sẽ đổi thay, kết thúc sẽ xoay qua hướng khác nếu không có sự xuất hiện của thằng lậu mủ.

- Ôn mệ ơi… Thiếu úy…

Hắn la lên.

- Việt cọng. Bớ anh em, Việt cọng… Hừ, tao đã nghi ngờ tự ban đầu…

Thiếu úy Tiến nghe một tràng đạn chát chúa vỡ ra, ù tai. Mùi thuốc súng tỏa lan, những đốm lửa nhảy múa. Có lẽ khẩu súng của anh đã phản bội, găm những viên chì công phá vào thân thể thằng lậu mủ. Cũng có thể trong hoảng loạn, chính thằng đệ tử ấy đã lia nguyên cả băng đạn về Hồng, chia đều một nửa cày vỡ lồng ngực người Thiếu úy. Hồng, cô du kích hay giao liên tuổi còn bé bỏng đổ gục thân thể của cô xuống người Tiến. Tư thế nằm chồng lên nhau như lối giao hợp chưa từng có của một đôi uyên ương. Môi Tiến thấm ướt nước miếng chảy ra từ miệng Hồng. Anh nhấm nháp cái vị ngọt nồng và tỉnh táo nhận biết đó là máu từ ngực cô ta nhễu xuống, từng giọt, từng giọt. Thiếu úy Tiến từ tốn đóng khép dần võng mô. Anh thấy mình ngồi bên Thung lũng Tình yêu, mặt hồ Than thở loang những vòng đồng tâm từ hòn cuội được ném ra khỏi tay Huyền. Tiếng cười trong vắt của người vợ tương lai gây nhiễu loạn như tiếng núi đồi hồi âm. Trôi dật dờ ở đâu xa, lướt đi trên rừng thông bài hát của CCR, vọng điệp khúc buồn: “… And I wonder, still I wonder, who’ll stop the rain?” Tiến biết lời bài hát ấy là thứ thông điệp chống chiến tranh. Mưa rơi hỗn loạn xuống đất ngầm hiểu là bom đạn thay phiên cày xới. Và thực sự trong chúng ta, ai sẽ làm cho nó ngưng lại? Mưa vẫn rơi, dội ướt nghe ngói hình hài. Tiến thấy lạnh. Hỡi Huyền dấu yêu ở nơi xa, chính anh đã phản bội một lời thề!

Chiếc thẻ bài đeo ở cổ Tiến rời khỏi vị trí phơi mình ra giữa gạch đá. Họ tên, số quân, loại máu. Ai cạy miệng Tiến để nhét nó vào? Ai cột chặt nó vô sợi giây giày của Tiến? Poncho trên người Hồng ai dùng nó để bó thây người Thiếu úy trẻ? Mọi thứ sẽ qua đi, chìm trôi vào quá khứ. Nước luân lưu chảy và trái tim người dễ lãng quên. *


Hồ Đình Nghiêm


-----------------------------
* Mượn lời của Flaubert: “Tout s’en va, tout passe, l’eau coule, et le coeur oublie”.