Lần cuối trong mảnh giấy ngắn gọn, anh chỉ viết mấy giòng chữ “ Đừng đến nữa, sẽ gặp lại sau”. Chị không hiểu điều gì xảy ra cho anh. Ở trong tù, những chuyện chống đối, bị giam riêng, bệnh hoạn, chuyển trại chờ tin, là điều bình thường. Chỉ mong được vậy, yên lòng một điều là anh còn sống. Là đàn bà, chị cần chỗ dựa, cần tình thương yêu đùm bọc chở che, như con trẻ cần cha. Chỉ mong ngày anh trở về, sống một đời sống tầm thường, như tấm lòng chị khát khao. Không đòi hỏi nhiều khi mà những tang thương đã bất ngờ đổ xuống, không riêng cho ai. Trong những lần thăm nuôi chồng, đời sống bên chị vẫn là những người đàn bà chung cùng cảnh ngộ, gói ghém miếng ăn, dành dụm đến hẹn lại lên. Niềm vui xót xa nhìn lên tờ lịch cho ngày gặp gỡ. Cái bàn ngồi đối diện, mười lăm phút trao đổi, hình như chỉ để nhìn mặt nhau, bên họng súng chực hờ sau lưng của người bảo vệ. Cái nắm tay thân quen ngày cũ, cái hơi ấm của tình chồng vợ bị khựng lại, bên tai giọng nói dạy đời “Đừng làm thế mất văn hóa” của gã lính canh lên lớp mỗi lần vậy làm chị ái ngại. Đứa con nhỏ hỏi “ Ba ơi sao ba không về”. Chị thấy anh rươm rướm nước mắt, cúi đầu nhìn xuống. Có nói gì được bao lâu, nhìn nhau được bao lâu, khi tiếng kẻng báo hiệu hết giờ. Ba tháng chờ đợi, hạnh phúc chỉ ngần có ấy. Câu nói giã từ mẹ con em về cùng với giọt nước mắt nóng lăn đi trên má, mặn ở môi, giọt nước mắt nhẫn nhục âm thầm lặng lẽ.
Kể từ ngày biết lẻ loi, không phải vì tình phụ, cho chung một nghịch cảnh. Chị đứng giữa hai thế giới mới cũ cùng một xã hội, thương hại bao che và xa lánh tách rời. Chị phải đối đầu với một thực trạng mới, đẩy những người đàn bà cùng cảnh về một phía. Chấp nhận những điều trước mắt, chị sống với niềm thủy chung, với kỷ niệm đầu đời sót lại. Lần ra đi ở anh, ở buổi sáng bị giữ lại, mất hút. Cái cảm giác hốt hoảng sợ hãi chỉ biết ôm con, đứa con tám tháng vào lòng mà khóc. Biết bao người đàn bà như chị chung cùng, quên đi nỗi lạc lõng cô đơn, chỉ sợ một điều không trở lại. Có cùng cảnh ngộ mới hiểu nỗi xót đau, mới thấy cơn chịu đựng ở thời gian là một thách thức chực hờ, lúc nào cũng muốn đẩy những người đàn bà ngã xuống quên đi ái ân ngày cũ. Chị không thể quên, hình ảnh những người đàn ông, trong đó có chồng chị dưới bờ rạch ở rừng U Minh, những cây tràm được vận chuyển, bằng sợi dây cột ở cổ, kéo lê dưới nước. Họ đi mệt mỏi trong sức lực cùng cạn, những người tù khổ sai lao động. Cuộc đời đến đây là hết. Với chị thân xác còn đó, mong mỏi được trở về, dẫu trong hoàn cảnh nào cũng nhận chịu. Chị không muốn con nhỏ nhìn thấy, dưới mắt trẻ thơ, một trò chơi cho mỗi phận người. Trên cánh đồng sình lầy đỉa vắt, hai người đàn ông với chiếc cày bắt ngang cổ nặng nề kéo lê thay thế cho đàn trâu cày đất. Trong sách vở giáo khoa thư, trong ruộng đồng đi qua cuộc sống miền Nam không có hình ảnh nầy. Tất cả đổi thay trong thế áp đặt cho người cùng khổ, cho cuộc đổi đời đi xuống. Ban phát đặc ân ở những lần thăm nuôi gặp gỡ, nhưng cùng lúc họ cho thấy cơn tuyệt vọng kéo dài, kéo thêm khoảng cách tủi nhục không còn gì bám víu. Những lần chuyển trại, những dời đổi. Ở đâu chị cũng đi theo, bởi ở đó còn có cuộc sống, còn có hình bóng của một đời đeo đẳng.
Lần thăm nuôi ở Vườn Đào, địa danh nghe thơ mộng, nhưng thực sự là địa điểm tập trung những người mang bệnh cùi trước đây, nay biến thành trại cải tạo. Trên chuyến xe đò, đường xá gập ghềnh hang ổ, lắc lư vận chuyển. Chị tay xách giỏ, tay vịn vào cột sắt trên xe để đứng vững trong suốt lộ trình. Mùa nước lớn, con đường ngập nước lấp xấp, trên xe hầu hết là đàn bà, những người vợ muốn tìm đến với chồng theo kỳ hẹn. Cánh áo bà ba trắng chị mặc trên người, cái quần sa tin đen bóng, ôm lấy cặp đùi thon dài, chị đứng vững, dù có mỏi run, phải đứng như thân phận chị, không còn chọn lựa nào khác.
Nhà trại là những căn nhà lá nằm dọc xuôi, được bao kín bằng những hàng rào kẽm gai cùng vọng gác. Địa thế thấp trũng, nước tràn vào lên cao trước hết, chỉ một buổi chiều nước dâng lên ngập ở sân. Nhà trại báo động, biện pháp chống đở bằng cách mỗi đội đưa rơm về đấp lên chỗ nằm. Một tiếng đồng hồ sau, nước dâng lên cao, xẻng lấy đất từ vị trí đứng đấp lên, rơm được vớt đưa về, phủ lên thêm. Cho đến nửa đêm nước đã dâng tới nóc nhà. Những người tù nằm vất vưởng trên cao, nhìn thấy đêm rộng mở, đêm bát ngát với một màu nước trắng xóa bao bọc. Trên đầu không còn mái che, những vì sao lấp lánh, gió thổi nước lăn tăn se lạnh. Có sống trong cảnh ngộ nầy mới biết được cảm giác bồng bềnh cô độc. Tất cả chỉ nghĩ cơn chịu đựng ngắn hạn, chờ phương tiện chuyển trại. Nhưng không, họ không có gì khác. Những con cá trong rọ phải sống bằng mọi cách theo giòng đời trôi nổi, và thực tế trước mắt là nước bao phủ xung quanh. Thực phẩm mỗi ngày bây giờ hai ổ bánh mì con, bếp được kê cao, anh nuôi là đồng bọn đứng ở truồng dưới nước mà nấu, chảo nấu cho mỗi đội bốn chục người một chén cơm, phân chia ra mỗi người được một muỗng. Vậy thôi, anh ăn hôm nay, ba mươi chín ngày sau đến người khác. Ôi cơm gạo miền Nam, cơm gạo cho những người tù cải tạo. Di chuyển trong trại bấy giờ khó kiểm soát hơn, dịp cho anh em qua lại. Bỏ chân xuống chỗ nằm, trầm mình xuống nước, lội băng qua khoảng cách, lặn dưới hàng rào kẽm gai là đến cùng nhau, trên tay cầm lấy cái khăn khi cần thiết quấn ngang leo lên vừa đủ lịch sự. Xung quanh là nước, ở đâu cũng ướt cả, chỉ một chỗ khô để nằm dung thân. Lần đó nhà trại hoãn thăm nuôi tiếp xúc, vì lý do an ninh hay để che dấu với bao nhiêu lý do khác. Thực phẩm nhận từ người thân, được đón vào trong những chảo nấu cơm to lớn, đựng trong đó, một người lội theo, đẩy chảo đi như những chiếc phao thả nổi.
Chị đứng bên ngoài, trên con lộ ngập nước dưới chân. Đôi mắt chị mở lớn như muốn nhìn xa hơn, kiếm tìm. Cái trũng to lớn với những dãy nhà lá chìm sâu trong biển nước. Anh ở đâu, chỉ thấy những cái đầu không phân biệt ai trên nóc nhà. Cái khoảng cách gần gủi nhưng thật mơ hồ, trong lòng chị nỗi đau bất chợt, tuyệt vọng cho lần không gặp, tuyệt vọng khi thấy mình bất lực không làm gì khác hơn chỉ là cơn chờ đợi như hằng bao lâu chị đã đợi chờ. Những giòng chữ ngắn ngủi ở anh lần trước phải chăng anh muốn xua đuổi, cắt đứt ân tình để chị yên tâm kiếm bờ bến khác, nấm nuối theo anh, chị được gì khi thực tế đã không thể cứu vãn, tương lai là những cùng khổ theo lần thăm nuôi, những túng thiếu hao hụt đổ xuống khi ngày trở về không bao giờ có được. Nhà trại đã thông báo, thả về nếu có, tập trung chỉ định cư trú, một nơi nào đó, phải chăng đó là quyết định anh muốn xa rời chị, cho tương lai con một mai lớn lên lập đời khác, chị cảm thấy hốt hoảng, linh tính cho chị biết có điều không ổn.
Buổi chiều như những người đàn bà khác, chị ở lại quanh khu vực chờ phương tiện trở ra hôm sau. Căn nhà lá gần đó, là chỗ bao lần chị dừng lại. Cái chỗ của gia đình neo chiếc ghe lớn mỗi sáng sớm hợp đồng chở bánh mì cho nhà trại trong mùa lụt nầy. Chị nhìn thấy người đàn ông tay dắt dìu năm đứa con nhỏ đang tìm hỏi thăm đường. Những người đàn bà khác bu lại.
_ Mới được tha hả, sao hay vậy?
_ Hoàn cảnh mà.
_ Mấy đứa nhỏ ở tù chung hả?
Người đàn ông trên bốn mươi, nước da ngâm đen, giọng thiểu não:
_ Mấy tháng trước, bả thăm nuôi, đem con vào đây, ra về đành đoạn bỏ lại cho nhà trại giải quyết. Không ai biết, cuối cùng kêu tôi ra nhận con, Tội nghiệp tụi nhỏ, vào ở chung luôn, bửa đói no, anh em trong đội phải chia thêm phần cho năm mạng nữa, thiệt là gánh nặng.
_ Rồi bây giờ được tha hả. Về đâu vậy? Một người hỏi.
_ Sợ mấy đứa nhỏ chết nước, thả ra, không biết có bị bắt lại sau không nữa. Tiền bạc không có, tứ cố vô thân, trở về không biết sao mà sống.
_ Lo làm gì, tự do trước đã.
_ Ai không biết tự do, nhưng mất hết rồi, mất luôn con vợ mới chết nữa.
Người đàn ông tháo chiếc chân giả, trong nhà nói vọng ra:
_ Vào đây tá túc một đêm đi cha nội, nghe cha than thấy như nửa đời hương phấn quá.
Giọng mấy người đàn bà phụ họa:
_ Ở lại đây đêm nay, tụi tôi muốn hỏi thăm anh nhiều chuyện, mấy khi có dịp may nầy.
Căn nhà có thêm sáu mạng người chật cứng. Mấy đứa nhỏ vô tư hỏi," Nhà sao đông người, giống ở trỏng quá, ở ngoài bây giờ là vậy sao ba?". Người đàn ông nín thinh, chỉ có mấy giọng đàn bà phát ra liên tục.
_ Anh biết anh Được không?
_ Biết chứ. Nó bị suyễn nặng quá, thuốc men đâu đủ, ai đó chỉ bắt đỉa nấu cháo ăn trị suyễn, anh em tay nào không gớm thì bắt cho nó, mấy con đỉa đen mun mập ú lội lều bều trên mặt nước, thấy muốn nóng lạnh, nhất là màn cạo lông lộn ngược nó lại, bầm ra nấu cháo, vậy mà nó ăn được, hết biết, phần còn lại bỏ ra, liệng dưới nước nó cũng sống lại.
_ Thế có khỏi không? Một người khác hỏi.
_ Thấy còn suyễn đó.
Gả cụt chân xen vào: Dễ thôi, muốn diệt giống nầy, rắc muối lên mình nó thì tan ra máu ngay, vụ nầy tôi rành quá mà. Mấy bà hỏi nhiều quá cho chả nghỉ thở đi, ở chi trong đó ở hoài, sao không biết lo đường chuồn. Người đàn bà, chị trông còn trẻ trách chồng: Ông ăn nói bạt mạng, khéo lụy thân, chân ông đi không được mà xúi người ta trốn. Gã cười hì hì. Ở chi mà ở trong đó hoài, lo thăm nuôi tiếp tế đủ mạt. Nghĩ mà tức cười, nhốt mà không nuôi, để mấy bà nuôi, cha đời vậy, sao không lo thân mà trốn cho rồi. Lúc nầy đây anh chàng vừa được thả xen vào, nửa như bâng quơ nhắn nhủ:
_ Mấy anh chị nói nhiều quá kẹt tôi, mới có vụ trốn trại mấy ngày trước khi nước lớn.
_ Ai vậy, anh biết tên không? Mấy người đàn bà xôn xao hỏi.
_ Thằng Đằng, Bửu, Tạo gì đó, cùng bọn ăn cơm chung.
Cái xách tay như nhẹ bâng, chị nghe tim mình đập mạnh, mồ hôi rịn ra, bất ngờ quá. Hèn chi lần thăm nuôi nầy không ai được gặp. Chị muốn khóc trước cái tin nầy, trong đó có chồng chị. Chị nhìn người đàn ông bên mấy đứa nhỏ, giọng van lơn:
_ Anh nói thật hả, có biết họ đi đâu không?
Người đàn ông lúc nầy mới để ý đến chị:
_ Chồng chị hả?
Gương mặt chị tái đi, chỉ biết gật đầu. Giọng mấy người đàn bà. Có sao không? Họ có làm khó dễ ở nhà chị không?
_ Không biết nữa, tuần rồi tôi ghé qua nhà nội nó trước khi lên đây, đâu biết gì.
_ Chị cứ khai vậy là tốt, nhưng trước sau cũng bị rình rập theo dõi.
Lúc nầy đây, chị không sợ điều gì xảy ra cho chị, trước mắt chị cần nghe tin, cần biết những gì xảy ra cho anh ấy.
_ Mấy dêm trước có tiếng súng nổ ở xa, tụi nó bảo có chạm ở gần đây, hướng biên giới.
_ Anh ấy đi bằng cách nào, về đâu?
_ Trời đất! Tụi nầy mà biết, ai cũng biết thì làm sao thoát được.
_ Trong đó có phiền hà không?
_ Sao không, hai thằng nằm hai bên người trốn bị còng cả, hỏi tới hỏi lui chưa ra manh mối gì, kế đó nước lên, lo vụ lụt....
Người đàn bà ngồi bên nói câu an ủi:
_ Phước họa vô chừng mà em, từ nay chị em ta không còn gặp chung mỗi chuyến thăm nuôi nữa, em cứ chờ tin thôi biết sao bây giờ.
Chị nghe chua xót trong lòng, anh chưa nói với chị những gì cần nói cho xa cách nầy. Anh có trở về, gặp chị hay không, một nơi nào đó. Chị không tưởng được ngày tháng tới sẽ như thế nào, thà như trước kia, còn gặp còn an ủi, còn có hy vọng sống còn. Tự dưng giọt nước mắt chảy ra lúc nào không biết, chị khóc âm thầm, lòng chị nặng tênh mệt mỏi.
Bỗng dưng đứa trẻ nhỏ la lên, giọng hốt hoảng “ Có rắn, nó chun ở dưới kìa” . Cùng lúc mấy cái đít nhổm lên bật dậy “ Ở đâu, ở đâu? ” Đó đó, nó chui xuống đó, hai con lận. Anh chàng ngồi xe lăn nói kiếm cây đi, bươi nó ra mà đập. Người đàn ông vừa được thả ra bình tỉnh hơn. Để tôi, để tôi. Anh đứng lên, thò tay vào bọc đồ của mình, một lúc anh cầm cái lọ nhỏ trút ra, đổ vào tay, hai bàn tay xoa vào nhau. Một mùi hôi nồng nặc. Có tiếng la. Sao hôi rệp vậy. Không trả lời. Anh ngồi xuống vỗ vỗ mấy cái trên mặt đất. Con thứ nhứt chun lên, cái đầu quờ quạng như say thuốc. Anh tóm gọn, một rồi hai, nấu nồi cháo cho đêm nay nghe. Giọng anh hóm hỉnh. Mấy người đàn bà khen ngợi:
_ Sao hay vậy, không sợ nó à.
_ Bây giờ biết nghề rồi đâu ngán.
_ Cách mạng dạy hả?
_ Có đâu, tôi học lóm từ thằng nhỏ hôm đi lao động, thấy nó sinh sống bằng nghề nầy, ông già nó đâu chịu nói, cái hôm nó lỡ miệng, mình mới biết. Ai ngờ cái giống rắn ghê hồn nầy mà sợ mấy con rệp trong chăn. Anh lên giọng giảng giải.
Gã cụt chân xen vào. Mà phải rận rệp hút máu tù mới kết quả nghe, lấy độc trị độc mà, anh về có nghề nầy sống dược rồi đó, phải đặt hàng ở bọn cùng khổ mới có được, hồi xưa Tây Độc trong truyện của Kim Dung chắc có thuốc nầy mà dấu. Mấy người đàn bà ngơ ngác hỏi nhau chuyện gì vậy. Gã cười. Chuyện võ hiệp mà, mà nầy phe Âu Dương đi đâu cũng có bầy gái thơm phức đi theo, làm sao có rệp được mà trữ cha nội. Anh chàng mới được tha hình như được hỏi trúng chỗ ngứa lên tiếng.
_ Anh quên bọn xà nô hả, còn các cô thì có thuốc giải.
_ Ở đâu vậy?
_ Thì trong mình các cô ấy, chuyện nầy khó nói lắm, phải ở chỗ riêng tư mới nói được.
_ Dạy tui nghe. Gã lần đến anh chàng bắt rắn, nghe hắn thầm thì rồi phá lên cười. Tuyệt chiêu à nghe, để tôi dặn riêng con vợ mới được, ai ngờ bả có thuốc giải mà mình không biết. Người đàn bà, vợ gã nói thôi đi ông, cái thân ông đan tranh lác qua ngày mà sống thì liệu đi. Gã cười hì hì, nấu cháo đi bà. Thôi đi tôi sợ cái giống nầy lắm. Giọng anh chàng bắt rắn, để tôi lo cho, ở tù mà, chuyện gì cũng làm được, mấy đứa nhỏ đã quen, chỉ cần có chất đạm là đủ. Người đàn bà chủ nhà an ủi. Thôi bỏ qua mọi chuyện đi, ngủ khỏe một đêm, sáng mai ra lò bánh mì lấy hàng giao xong, sẽ đưa bà con ra quận dùm, chỉ lấy chút đỉnh tiền xăng dầu thôi.
Đêm. Chị không ngủ được, bao nhiêu kỷ niệm, bao ngày tháng sống bên chồng năm xưa cùng lúc kéo đến. Khi biết chắc cách xa, bao nhiêu mặn ngọt nồng cay lúc nầy là lúc chị thấy hạnh phúc nhất, đau thương nhất khi nghĩ về nơi chốn đó, cái nơi chốn mà từ nay chỉ sống bên bờ ảo vọng. Trở về căn nhà cũ, một thân một mình cho ngày mai, chị lại tiếp tục, lại phải bắt đầu chờ trông từ một hướng khác, cái ngày đoàn tụ xa lắc xa lơ. Chị ngồi lên dựa vào cây cột tràm nhà, cái cây ốm yếu nhưng lúc nầy cũng chịu nổi thân thể chị, chị nghe tiếng thở dài từ lòng chị hay của ai đó.
Người đàn ông được thả ban chiều nói tía lia, giờ cũng không ngủ được, Anh phục con vợ mình quá. Cái chuyện bất nhân bỏ con thế nầy mà nó làm được, với anh thì không thể cầm lòng dứt đi nấm ruột, nhưng can đảm hy sinh vậy, kết quả bây giờ là ngày trở về đây. Không biết ai bày ra cái kế nầy, anh vừa sung sướng muốn cười một mình, bao lâu rồi anh giả câm điếc ù ù cạc cạc, cách mạng lý luận phê bình nín thở qua sông, anh còn lặn sâu hơn họ nghĩ nữa, gần bọn dốt mà khôn hơn họ làm sao yên được. Anh chỉ nghĩ yên phận mình, còn vợ anh chu đáo đến nơi hơn. Sáng mai trở về, tự dưng anh cảm thấy chút xuyến xao. Nếu quả thật con vợ ra đi, bỏ đàn con cho anh thật, thì rõ ràng Điệp đã cắt đứt giây chuông. Anh nhìn sang người đàn bà, tự dưng thấy chút hổ thẹn. Lúc sắp rời bỏ thế giới nầy, bỏ lại bạn bè cũ, thương ghét đùm bọc cho con cái anh, anh cảm thấy lòng ngỗn ngang trăm mối, biết bao chuyện nhìn thấy tai nghe chất chứa trong lòng. Từ anh chàng Thanh cao ốm yếu, nằm bên cạnh, cắt đứt gân cổ tay tự vận, để cánh thư lại, được phát hiện giao cho bác sĩ Thành phe ta cấp cứu, sau đó bị cùm riêng. Cánh thư anh chỉ đọc được mấy giòng đầu, rồi bị tịch thu, bị tập họp lên lớp đổ lỗi là âm mưu thâm độc của Thanh, giao vợ cho cách mạng để mang tiếng cướp vợ ngụy, bị cùm riêng cho đến chết. Cái đêm trăng lặn, trời tối đen, từ gian nhà nằm cặp bờ kinh, một vài anh em thấy Bé, tên thiếu úy bộ đội đổi cho tên vệ binh đứng gác trước đó, đi xuống, cùng lúc Thanh được dẫn ra tắm đêm. Chính hắn, hắn dìm đầu Thanh xuống, bóp cổ cho đến chết, cái dẫy dụa, cái tiếng ằng ặc ngộp nước rợn người. Anh nghe da mình nổi gai, đồng bọn được đánh thức, nhưng biết làm sao hơn, khi mà ở đây phận người chết như cóc nhái. Chỉ một tên Định thôi, ăng ten báo cáo chỉ chọt, cũng đủ cho họ thủ tiêu bốn năm mạng rồi, còn mấy tên phe ta viết bài phát thanh mỗi ngày loa đọc lải nhải tâng bốc, nghe muốn buồn nôn. Ở đây thiện ác, sa tăng ác quỉ đều hiện nguyên hình, trong vòng kẽm tự do, phe nhóm phân ra chơi chung đứng về một phía hay tự cô lập, để rồi nồi nào úp vung nấy, hồn ai nấy giữ trước sự rình rập chỉ điểm, trước họng súng thủ tiêu tàn bạo. Anh thương cho Thanh, Thanh giỏi quá nhớ dai quá, nghiên cứu sách Mác Lênin một bụng, có lần cách mạng lên lớp hảnh diện Lênin là người Việt, vì có chung họ Lê, Thanh thích nói nhiều, uyên bác thật, những lần ở hội trường anh nói say sưa, như thể phe ta giảng bài cho phe mình, anh lộ cái khôn nhiều quá, lộ tài năng tiềm ẩn nhằm phục vụ cải thiện chính sách, chả bù với Đại tá Kim ở trại Chi Lăng, lúc nào cũng viện dẫn, ấp a ấp úng, chỉ biết về quân sự, không hiểu gì về chính trị chính em hết. Họ đem ông ra làm tài tử chính trong phim Thành Đồng Tổ Quốc, bộ phim tài liệu của Đông Đức chiếu cho anh em coi, hỏi ông ta cái gì cũng trả lời biết, nhưng chỉ ra lệnh thôi, còn thuộc cấp ở dưới thi hành. Lúc nào tay ông cũng lau mồ hôi, chịu làm tỉnh trưởng võ biền trước anh em, ở hội trường, thế mà sống. Phần Thanh, anh chỉ nghĩ con đường nhân ái để hoán chuyển họ, nhưng càng lộ thiện tâm, anh lại trở thành mục tiêu bị kềm giữ. Trong lúc cha Khang tuyên úy ở Hà Tiên, cho rằng đường lối Đảng cùng gần với Thiên Chúa. Đảng dạy nói thẳng nói thật, phê bình đoàn kết. Chúa dạy tông đồ thương yêu giúp người cùng khổ, không dối trá. Hai vế luôn đi đôi, gần nhau trong một chính sách, qua mười bài học tập duy nhất lúc đầu. Cuối cùng nhà trại phán một câu xanh rờn. Cách mạng không chấp nhận Thiên chúa. Cha thua trước cái ngang rồi cha nín, bỏ quên ban lễ phép thánh. Cha hiền lành dễ thương trở lại làm anh Khang, dù lúc nào cũng bị chiếu cố. Anh nghĩ đến người ở lại, anh em kẻ còn người mất, đến những người vượt trại, bị bắt lại hành hạ đến chết, đến một vài con nhạn thoát được nhưng không biết về đâu.
Anh nhìn sang người đàn bà đối diện. Trời đêm, ngôi nhà không cửa nẻo, kẻ nằm người ngồi, mấy đứa con anh co lại, cái tư thế vừa đủ khổ cho mỗi người như hàng mấy tháng qua chúng đã chịu đựng. Gương mặt chị bầu bĩnh, trong sáng dưới ánh trăng đêm hắt vào, chị thiếp đi trong giấc mệt mỏi. Lúc nầy đây anh muốn lay chị thức dậy, nói chị nghe anh biết nhiều chuyện hơn chị tưởng, biết Tạo chồng chị. Cái buổi sớm trước khi ra ngoài lao động, Tạo có sang ngồi nói chuyện. Hôm đó hắn mặc hai áo, anh ngạc nhiên hỏi, Tạo nói sợ lạnh, ngừa vậy thôi. Ra ngoài cả bọn mấy đứa khác đội làm tản ra, móc đất ruộng đấp mấy bờ đê trãi dài. Trời nắng chang, mình mẩy lấm sình đất, làm thật lực như thể ngày bình thường. Buổi chiều, khi tập trung trở về trên đường di chuyển , ngừng lại lần đầu điểm danh, đầy đủ cả. Không ai nghi ngại. Trong lúc loanh quanh bắt đầu đi, ba bốn thân mình cùng lúc tuột xuống cái trũng lấy đất cập sân nhà, tách rời khỏi đôi mắt của mấy tên chỉ điểm đàng trước. Mấy người đi sau thấy, không ai nói gì lúc nầy. Cho đến khi vào trại, điểm danh lần nữa, phát hiện mất người, cả đoàn bị ngồi lại bên ngoài, để tay lên đầu trước họng súng canh giữ. Ai thấy? Ai đi gần.? Tiếng hét giận dử của viên chính ủy. Không cho ăn chiều nay nếu không bắt lại được. Không ai trả lời. Chấp nhận cùm chung cả. Một trung đội trở lại bắn báo động lùng sục, nằm lại phục kích. Đêm đó có tiếng súng nổ, một tràng A.K từ xa vọng lại. Viên chính ủy ra lệnh dẫn đội trưởng có người trốn trại đi nhìn mặt. Cả đêm, nhóm bạn thân tình không ngủ, nghe tiếng súng nổ từ hướng phục kích, anh em rã rời thất vọng, thương họ như thương chính bản thân mình. Cái chỗ nằm bằng tấm nylon trãi trên đất sét, cái hơi nước về đêm bốc lên ướt đẫm phần dưới. Đêm nay anh nghe lạnh hơn cùng tiếng thầm thì cầu nguyện cho phe ta thoát. Viên đội trưởng trở về. Thằng nào bị? Không phải. Người khác, trại khác, trùng hợp đêm nay vượt trại đi về hướng nầy bị bắn chết. Tiếng thở ra nhẹ nhỏm từ tình thân, nhưng cũng một mạng người khác chết thay. Bọn vệ binh tiếp tục nằm phục lại cả hai đêm sau, cho đến lúc biết được có người thương tình chở họ sang sông, chúng chửi đám dân che chở phản động, còn có tình với bọn ngụy. Huề thôi.
Anh nhìn chị, một trong những người đàn bà miền Nam lặn lội theo chồng. Trong lịch sử dân tộc, chưa có lúc nào đông đảo phận đàn bà chịu đựng cảnh ngộ nầy, lấy thời gian làm thước đo thủy chung nhân nghĩa. Anh muốn an ủi chị ở tháng ngày còn lại, nhưng chợt nghĩ bản thân anh giờ đây cũng chưa biết thế nào, anh còn đầy ấp mặc cảm của người thua cuộc, xa lạ với thế giới bên ngoài hay nói đúng hơn, anh không muốn gặp ai lúc nầy, thời gian đã làm thay đổi nhận nghĩ tâm tình anh.
Buổi sáng sớm, có lẽ như lệ thường chiếc ghe lớn mang ký hiệu F4, neo dưới sông mở máy vận chuyển, gã vệ binh quen thuộc mang theo anh Sơn từ nhà trại làm tài công, cùng vợ gả cụt chân đi bốc hàng thực phẩm. Người đàn bà âu yếm nói với chồng. Anh ngủ ngon nghe. Chị nghe anh ta nói giọng ngái ngủ, bà mua thêm cho tôi bịt thuốc. Cái không khí giã từ ngắn ngủi lúc nầy, vẫn làm chị thấy đau khi nghĩ đến phận mình. Chị thức sớm hơn dù đêm qua lòng chị ngổn ngang trăm mối. Không biết ngày mai thế nào, nhưng trở về trước đã, biết đâu một nơi nào đó, anh sẽ gặp lại chị, chị phải trở về trong đời sống gia đình như những người quanh chị chốn nầy, chờ chuyến ghe trở lại, trả ra thế giới bên ngoài.
Cho đến gần xế trưa, gã cụt chân lầm bầm chửi rủa nóng ruột, mấy tên vệ binh mang súng ra hỏi thăm. Cuối cùng mọi việc rõ ràng, lò bánh mì nơi nhận hàng không còn ai, chiếc ghe mang ký hiệu F4 bốc người đi hết. Vượt biên hả? Cả bọn sửng sờ. Anh chàng có cô vợ bỏ đi tái mặt. Cách mạng cũng có người vượt biên hả. Mấy người? Ai biết. Bọn vệ binh chửi rủa um sùm. Vậy là bị móc nối từ phe ngụy rồi. Người đàn ông vừa được thả hôm qua như biết phận mình. Anh đứng lên dắt dìu con nhỏ. Mấy người đàn bà bàn tán thôi mình tự liệu, kẻo trể thêm ngày nữa. Chị đứng lên theo. Lúc nầy không ai muốn liên lụy đến thân mình. Hình ảnh người đàn ông cụt chân ngồi đó. Cái chân giả tháo ra lẻ loi kề bên. Mái nhà xưa còn đó.
Khi ra đến bên ngoài, người được thả về nhắn nhủ, anh ấy đi về hướng biên giới. Chị nói tiếng cám ơn, còn phần anh thế nào, lấy chút tiền lộ phí. Tôi hả. Người đàn ông nhỏ giọng, chưa biết sao, mỗi người một cảnh ngộ. Chị an ủi anh định làm gì sống, câu hỏi mà chính chị lúng túng tù quẩn ở ngày tháng qua. Anh nói chắc nhờ rận rệp qua ngày trước đã, sống cùng chúng, thở hơi người. Biết đâu một ngày, tôi sẽ tìm thấy ý nghĩa cho chính mình, còn bây giờ thôi cũng đành. Chia tay nghe.
Chị ngồi lặng lẽ trên chiếc xuồng quá giang. Sóng nước vỗ vào mạn hai bên, trong lúc con thuyền vẫn đi lên theo mái dầm đưa đẩy. Câu hát tìm em như thể tìm chim, chim bay biển Bắc anh tìm biển Đông, lúc nầy đây đổi lại cho chính chị. Trời đất bao la, ở anh biết đâu là nhà. Chị nhìn xuống mặt nước đục trong, giòng nước vẫn lặng lờ. Chị ngồi yên trong tư thế bất động. Không biết bao lâu cánh tay chị bỏ thòng khuấy mấy vòng dưới nước. Đột nhiên nhìn thấy khuôn mặt người đàn ông, hòa nhập với khuôn mặt chị đầm đìa nước mắt. Tự dưng chị thấy sợ hãi. Là anh đây? Hình ảnh xác chồng bị treo cổ lủng lẳng quá ngày, chết khô trên cây thốt nốt. Không thể tin đó là sự thật. Không có người đàn bà quen thuộc nào bên chị lúc nầy, mảnh đất xa lạ, những khuôn mặt xa lạ bao quanh thương hại không hiểu gì. Chỉ còn có anh, cái thân thể năm xưa với sợi dây oan khiên tròng cổ, giữ anh lại trói lấy đời nhau. Không ai phân biệt bạn thù, đằng sau khung cửa hòa bình, nạn nhân vẫn là người thua cuộc. Chị khóc, tiếng khóc như một bày tỏ, gởi gấm lòng thương yêu cho đến ngày chung cuộc. Chỉ có mình chị biết, anh còn sống, cho tương lai cho những ngày sẽ tới. Mây bay đi chị vẫn đợi, vẫn chờ như mảnh giấy sau cùng. Ở đó tâm tình đau thương, niềm hạnh phúc xót xa dâng hiến, giờ đây trôi theo dòng đời khô cạn.
Hoài Ziang Duy
(Trích từ tuyển tập truyện ngắn Ông Tướng Sang Sông)
Kể từ ngày biết lẻ loi, không phải vì tình phụ, cho chung một nghịch cảnh. Chị đứng giữa hai thế giới mới cũ cùng một xã hội, thương hại bao che và xa lánh tách rời. Chị phải đối đầu với một thực trạng mới, đẩy những người đàn bà cùng cảnh về một phía. Chấp nhận những điều trước mắt, chị sống với niềm thủy chung, với kỷ niệm đầu đời sót lại. Lần ra đi ở anh, ở buổi sáng bị giữ lại, mất hút. Cái cảm giác hốt hoảng sợ hãi chỉ biết ôm con, đứa con tám tháng vào lòng mà khóc. Biết bao người đàn bà như chị chung cùng, quên đi nỗi lạc lõng cô đơn, chỉ sợ một điều không trở lại. Có cùng cảnh ngộ mới hiểu nỗi xót đau, mới thấy cơn chịu đựng ở thời gian là một thách thức chực hờ, lúc nào cũng muốn đẩy những người đàn bà ngã xuống quên đi ái ân ngày cũ. Chị không thể quên, hình ảnh những người đàn ông, trong đó có chồng chị dưới bờ rạch ở rừng U Minh, những cây tràm được vận chuyển, bằng sợi dây cột ở cổ, kéo lê dưới nước. Họ đi mệt mỏi trong sức lực cùng cạn, những người tù khổ sai lao động. Cuộc đời đến đây là hết. Với chị thân xác còn đó, mong mỏi được trở về, dẫu trong hoàn cảnh nào cũng nhận chịu. Chị không muốn con nhỏ nhìn thấy, dưới mắt trẻ thơ, một trò chơi cho mỗi phận người. Trên cánh đồng sình lầy đỉa vắt, hai người đàn ông với chiếc cày bắt ngang cổ nặng nề kéo lê thay thế cho đàn trâu cày đất. Trong sách vở giáo khoa thư, trong ruộng đồng đi qua cuộc sống miền Nam không có hình ảnh nầy. Tất cả đổi thay trong thế áp đặt cho người cùng khổ, cho cuộc đổi đời đi xuống. Ban phát đặc ân ở những lần thăm nuôi gặp gỡ, nhưng cùng lúc họ cho thấy cơn tuyệt vọng kéo dài, kéo thêm khoảng cách tủi nhục không còn gì bám víu. Những lần chuyển trại, những dời đổi. Ở đâu chị cũng đi theo, bởi ở đó còn có cuộc sống, còn có hình bóng của một đời đeo đẳng.
Lần thăm nuôi ở Vườn Đào, địa danh nghe thơ mộng, nhưng thực sự là địa điểm tập trung những người mang bệnh cùi trước đây, nay biến thành trại cải tạo. Trên chuyến xe đò, đường xá gập ghềnh hang ổ, lắc lư vận chuyển. Chị tay xách giỏ, tay vịn vào cột sắt trên xe để đứng vững trong suốt lộ trình. Mùa nước lớn, con đường ngập nước lấp xấp, trên xe hầu hết là đàn bà, những người vợ muốn tìm đến với chồng theo kỳ hẹn. Cánh áo bà ba trắng chị mặc trên người, cái quần sa tin đen bóng, ôm lấy cặp đùi thon dài, chị đứng vững, dù có mỏi run, phải đứng như thân phận chị, không còn chọn lựa nào khác.
Nhà trại là những căn nhà lá nằm dọc xuôi, được bao kín bằng những hàng rào kẽm gai cùng vọng gác. Địa thế thấp trũng, nước tràn vào lên cao trước hết, chỉ một buổi chiều nước dâng lên ngập ở sân. Nhà trại báo động, biện pháp chống đở bằng cách mỗi đội đưa rơm về đấp lên chỗ nằm. Một tiếng đồng hồ sau, nước dâng lên cao, xẻng lấy đất từ vị trí đứng đấp lên, rơm được vớt đưa về, phủ lên thêm. Cho đến nửa đêm nước đã dâng tới nóc nhà. Những người tù nằm vất vưởng trên cao, nhìn thấy đêm rộng mở, đêm bát ngát với một màu nước trắng xóa bao bọc. Trên đầu không còn mái che, những vì sao lấp lánh, gió thổi nước lăn tăn se lạnh. Có sống trong cảnh ngộ nầy mới biết được cảm giác bồng bềnh cô độc. Tất cả chỉ nghĩ cơn chịu đựng ngắn hạn, chờ phương tiện chuyển trại. Nhưng không, họ không có gì khác. Những con cá trong rọ phải sống bằng mọi cách theo giòng đời trôi nổi, và thực tế trước mắt là nước bao phủ xung quanh. Thực phẩm mỗi ngày bây giờ hai ổ bánh mì con, bếp được kê cao, anh nuôi là đồng bọn đứng ở truồng dưới nước mà nấu, chảo nấu cho mỗi đội bốn chục người một chén cơm, phân chia ra mỗi người được một muỗng. Vậy thôi, anh ăn hôm nay, ba mươi chín ngày sau đến người khác. Ôi cơm gạo miền Nam, cơm gạo cho những người tù cải tạo. Di chuyển trong trại bấy giờ khó kiểm soát hơn, dịp cho anh em qua lại. Bỏ chân xuống chỗ nằm, trầm mình xuống nước, lội băng qua khoảng cách, lặn dưới hàng rào kẽm gai là đến cùng nhau, trên tay cầm lấy cái khăn khi cần thiết quấn ngang leo lên vừa đủ lịch sự. Xung quanh là nước, ở đâu cũng ướt cả, chỉ một chỗ khô để nằm dung thân. Lần đó nhà trại hoãn thăm nuôi tiếp xúc, vì lý do an ninh hay để che dấu với bao nhiêu lý do khác. Thực phẩm nhận từ người thân, được đón vào trong những chảo nấu cơm to lớn, đựng trong đó, một người lội theo, đẩy chảo đi như những chiếc phao thả nổi.
Chị đứng bên ngoài, trên con lộ ngập nước dưới chân. Đôi mắt chị mở lớn như muốn nhìn xa hơn, kiếm tìm. Cái trũng to lớn với những dãy nhà lá chìm sâu trong biển nước. Anh ở đâu, chỉ thấy những cái đầu không phân biệt ai trên nóc nhà. Cái khoảng cách gần gủi nhưng thật mơ hồ, trong lòng chị nỗi đau bất chợt, tuyệt vọng cho lần không gặp, tuyệt vọng khi thấy mình bất lực không làm gì khác hơn chỉ là cơn chờ đợi như hằng bao lâu chị đã đợi chờ. Những giòng chữ ngắn ngủi ở anh lần trước phải chăng anh muốn xua đuổi, cắt đứt ân tình để chị yên tâm kiếm bờ bến khác, nấm nuối theo anh, chị được gì khi thực tế đã không thể cứu vãn, tương lai là những cùng khổ theo lần thăm nuôi, những túng thiếu hao hụt đổ xuống khi ngày trở về không bao giờ có được. Nhà trại đã thông báo, thả về nếu có, tập trung chỉ định cư trú, một nơi nào đó, phải chăng đó là quyết định anh muốn xa rời chị, cho tương lai con một mai lớn lên lập đời khác, chị cảm thấy hốt hoảng, linh tính cho chị biết có điều không ổn.
Buổi chiều như những người đàn bà khác, chị ở lại quanh khu vực chờ phương tiện trở ra hôm sau. Căn nhà lá gần đó, là chỗ bao lần chị dừng lại. Cái chỗ của gia đình neo chiếc ghe lớn mỗi sáng sớm hợp đồng chở bánh mì cho nhà trại trong mùa lụt nầy. Chị nhìn thấy người đàn ông tay dắt dìu năm đứa con nhỏ đang tìm hỏi thăm đường. Những người đàn bà khác bu lại.
_ Mới được tha hả, sao hay vậy?
_ Hoàn cảnh mà.
_ Mấy đứa nhỏ ở tù chung hả?
Người đàn ông trên bốn mươi, nước da ngâm đen, giọng thiểu não:
_ Mấy tháng trước, bả thăm nuôi, đem con vào đây, ra về đành đoạn bỏ lại cho nhà trại giải quyết. Không ai biết, cuối cùng kêu tôi ra nhận con, Tội nghiệp tụi nhỏ, vào ở chung luôn, bửa đói no, anh em trong đội phải chia thêm phần cho năm mạng nữa, thiệt là gánh nặng.
_ Rồi bây giờ được tha hả. Về đâu vậy? Một người hỏi.
_ Sợ mấy đứa nhỏ chết nước, thả ra, không biết có bị bắt lại sau không nữa. Tiền bạc không có, tứ cố vô thân, trở về không biết sao mà sống.
_ Lo làm gì, tự do trước đã.
_ Ai không biết tự do, nhưng mất hết rồi, mất luôn con vợ mới chết nữa.
Người đàn ông tháo chiếc chân giả, trong nhà nói vọng ra:
_ Vào đây tá túc một đêm đi cha nội, nghe cha than thấy như nửa đời hương phấn quá.
Giọng mấy người đàn bà phụ họa:
_ Ở lại đây đêm nay, tụi tôi muốn hỏi thăm anh nhiều chuyện, mấy khi có dịp may nầy.
Căn nhà có thêm sáu mạng người chật cứng. Mấy đứa nhỏ vô tư hỏi," Nhà sao đông người, giống ở trỏng quá, ở ngoài bây giờ là vậy sao ba?". Người đàn ông nín thinh, chỉ có mấy giọng đàn bà phát ra liên tục.
_ Anh biết anh Được không?
_ Biết chứ. Nó bị suyễn nặng quá, thuốc men đâu đủ, ai đó chỉ bắt đỉa nấu cháo ăn trị suyễn, anh em tay nào không gớm thì bắt cho nó, mấy con đỉa đen mun mập ú lội lều bều trên mặt nước, thấy muốn nóng lạnh, nhất là màn cạo lông lộn ngược nó lại, bầm ra nấu cháo, vậy mà nó ăn được, hết biết, phần còn lại bỏ ra, liệng dưới nước nó cũng sống lại.
_ Thế có khỏi không? Một người khác hỏi.
_ Thấy còn suyễn đó.
Gả cụt chân xen vào: Dễ thôi, muốn diệt giống nầy, rắc muối lên mình nó thì tan ra máu ngay, vụ nầy tôi rành quá mà. Mấy bà hỏi nhiều quá cho chả nghỉ thở đi, ở chi trong đó ở hoài, sao không biết lo đường chuồn. Người đàn bà, chị trông còn trẻ trách chồng: Ông ăn nói bạt mạng, khéo lụy thân, chân ông đi không được mà xúi người ta trốn. Gã cười hì hì. Ở chi mà ở trong đó hoài, lo thăm nuôi tiếp tế đủ mạt. Nghĩ mà tức cười, nhốt mà không nuôi, để mấy bà nuôi, cha đời vậy, sao không lo thân mà trốn cho rồi. Lúc nầy đây anh chàng vừa được thả xen vào, nửa như bâng quơ nhắn nhủ:
_ Mấy anh chị nói nhiều quá kẹt tôi, mới có vụ trốn trại mấy ngày trước khi nước lớn.
_ Ai vậy, anh biết tên không? Mấy người đàn bà xôn xao hỏi.
_ Thằng Đằng, Bửu, Tạo gì đó, cùng bọn ăn cơm chung.
Cái xách tay như nhẹ bâng, chị nghe tim mình đập mạnh, mồ hôi rịn ra, bất ngờ quá. Hèn chi lần thăm nuôi nầy không ai được gặp. Chị muốn khóc trước cái tin nầy, trong đó có chồng chị. Chị nhìn người đàn ông bên mấy đứa nhỏ, giọng van lơn:
_ Anh nói thật hả, có biết họ đi đâu không?
Người đàn ông lúc nầy mới để ý đến chị:
_ Chồng chị hả?
Gương mặt chị tái đi, chỉ biết gật đầu. Giọng mấy người đàn bà. Có sao không? Họ có làm khó dễ ở nhà chị không?
_ Không biết nữa, tuần rồi tôi ghé qua nhà nội nó trước khi lên đây, đâu biết gì.
_ Chị cứ khai vậy là tốt, nhưng trước sau cũng bị rình rập theo dõi.
Lúc nầy đây, chị không sợ điều gì xảy ra cho chị, trước mắt chị cần nghe tin, cần biết những gì xảy ra cho anh ấy.
_ Mấy dêm trước có tiếng súng nổ ở xa, tụi nó bảo có chạm ở gần đây, hướng biên giới.
_ Anh ấy đi bằng cách nào, về đâu?
_ Trời đất! Tụi nầy mà biết, ai cũng biết thì làm sao thoát được.
_ Trong đó có phiền hà không?
_ Sao không, hai thằng nằm hai bên người trốn bị còng cả, hỏi tới hỏi lui chưa ra manh mối gì, kế đó nước lên, lo vụ lụt....
Người đàn bà ngồi bên nói câu an ủi:
_ Phước họa vô chừng mà em, từ nay chị em ta không còn gặp chung mỗi chuyến thăm nuôi nữa, em cứ chờ tin thôi biết sao bây giờ.
Chị nghe chua xót trong lòng, anh chưa nói với chị những gì cần nói cho xa cách nầy. Anh có trở về, gặp chị hay không, một nơi nào đó. Chị không tưởng được ngày tháng tới sẽ như thế nào, thà như trước kia, còn gặp còn an ủi, còn có hy vọng sống còn. Tự dưng giọt nước mắt chảy ra lúc nào không biết, chị khóc âm thầm, lòng chị nặng tênh mệt mỏi.
Bỗng dưng đứa trẻ nhỏ la lên, giọng hốt hoảng “ Có rắn, nó chun ở dưới kìa” . Cùng lúc mấy cái đít nhổm lên bật dậy “ Ở đâu, ở đâu? ” Đó đó, nó chui xuống đó, hai con lận. Anh chàng ngồi xe lăn nói kiếm cây đi, bươi nó ra mà đập. Người đàn ông vừa được thả ra bình tỉnh hơn. Để tôi, để tôi. Anh đứng lên, thò tay vào bọc đồ của mình, một lúc anh cầm cái lọ nhỏ trút ra, đổ vào tay, hai bàn tay xoa vào nhau. Một mùi hôi nồng nặc. Có tiếng la. Sao hôi rệp vậy. Không trả lời. Anh ngồi xuống vỗ vỗ mấy cái trên mặt đất. Con thứ nhứt chun lên, cái đầu quờ quạng như say thuốc. Anh tóm gọn, một rồi hai, nấu nồi cháo cho đêm nay nghe. Giọng anh hóm hỉnh. Mấy người đàn bà khen ngợi:
_ Sao hay vậy, không sợ nó à.
_ Bây giờ biết nghề rồi đâu ngán.
_ Cách mạng dạy hả?
_ Có đâu, tôi học lóm từ thằng nhỏ hôm đi lao động, thấy nó sinh sống bằng nghề nầy, ông già nó đâu chịu nói, cái hôm nó lỡ miệng, mình mới biết. Ai ngờ cái giống rắn ghê hồn nầy mà sợ mấy con rệp trong chăn. Anh lên giọng giảng giải.
Gã cụt chân xen vào. Mà phải rận rệp hút máu tù mới kết quả nghe, lấy độc trị độc mà, anh về có nghề nầy sống dược rồi đó, phải đặt hàng ở bọn cùng khổ mới có được, hồi xưa Tây Độc trong truyện của Kim Dung chắc có thuốc nầy mà dấu. Mấy người đàn bà ngơ ngác hỏi nhau chuyện gì vậy. Gã cười. Chuyện võ hiệp mà, mà nầy phe Âu Dương đi đâu cũng có bầy gái thơm phức đi theo, làm sao có rệp được mà trữ cha nội. Anh chàng mới được tha hình như được hỏi trúng chỗ ngứa lên tiếng.
_ Anh quên bọn xà nô hả, còn các cô thì có thuốc giải.
_ Ở đâu vậy?
_ Thì trong mình các cô ấy, chuyện nầy khó nói lắm, phải ở chỗ riêng tư mới nói được.
_ Dạy tui nghe. Gã lần đến anh chàng bắt rắn, nghe hắn thầm thì rồi phá lên cười. Tuyệt chiêu à nghe, để tôi dặn riêng con vợ mới được, ai ngờ bả có thuốc giải mà mình không biết. Người đàn bà, vợ gã nói thôi đi ông, cái thân ông đan tranh lác qua ngày mà sống thì liệu đi. Gã cười hì hì, nấu cháo đi bà. Thôi đi tôi sợ cái giống nầy lắm. Giọng anh chàng bắt rắn, để tôi lo cho, ở tù mà, chuyện gì cũng làm được, mấy đứa nhỏ đã quen, chỉ cần có chất đạm là đủ. Người đàn bà chủ nhà an ủi. Thôi bỏ qua mọi chuyện đi, ngủ khỏe một đêm, sáng mai ra lò bánh mì lấy hàng giao xong, sẽ đưa bà con ra quận dùm, chỉ lấy chút đỉnh tiền xăng dầu thôi.
Đêm. Chị không ngủ được, bao nhiêu kỷ niệm, bao ngày tháng sống bên chồng năm xưa cùng lúc kéo đến. Khi biết chắc cách xa, bao nhiêu mặn ngọt nồng cay lúc nầy là lúc chị thấy hạnh phúc nhất, đau thương nhất khi nghĩ về nơi chốn đó, cái nơi chốn mà từ nay chỉ sống bên bờ ảo vọng. Trở về căn nhà cũ, một thân một mình cho ngày mai, chị lại tiếp tục, lại phải bắt đầu chờ trông từ một hướng khác, cái ngày đoàn tụ xa lắc xa lơ. Chị ngồi lên dựa vào cây cột tràm nhà, cái cây ốm yếu nhưng lúc nầy cũng chịu nổi thân thể chị, chị nghe tiếng thở dài từ lòng chị hay của ai đó.
Người đàn ông được thả ban chiều nói tía lia, giờ cũng không ngủ được, Anh phục con vợ mình quá. Cái chuyện bất nhân bỏ con thế nầy mà nó làm được, với anh thì không thể cầm lòng dứt đi nấm ruột, nhưng can đảm hy sinh vậy, kết quả bây giờ là ngày trở về đây. Không biết ai bày ra cái kế nầy, anh vừa sung sướng muốn cười một mình, bao lâu rồi anh giả câm điếc ù ù cạc cạc, cách mạng lý luận phê bình nín thở qua sông, anh còn lặn sâu hơn họ nghĩ nữa, gần bọn dốt mà khôn hơn họ làm sao yên được. Anh chỉ nghĩ yên phận mình, còn vợ anh chu đáo đến nơi hơn. Sáng mai trở về, tự dưng anh cảm thấy chút xuyến xao. Nếu quả thật con vợ ra đi, bỏ đàn con cho anh thật, thì rõ ràng Điệp đã cắt đứt giây chuông. Anh nhìn sang người đàn bà, tự dưng thấy chút hổ thẹn. Lúc sắp rời bỏ thế giới nầy, bỏ lại bạn bè cũ, thương ghét đùm bọc cho con cái anh, anh cảm thấy lòng ngỗn ngang trăm mối, biết bao chuyện nhìn thấy tai nghe chất chứa trong lòng. Từ anh chàng Thanh cao ốm yếu, nằm bên cạnh, cắt đứt gân cổ tay tự vận, để cánh thư lại, được phát hiện giao cho bác sĩ Thành phe ta cấp cứu, sau đó bị cùm riêng. Cánh thư anh chỉ đọc được mấy giòng đầu, rồi bị tịch thu, bị tập họp lên lớp đổ lỗi là âm mưu thâm độc của Thanh, giao vợ cho cách mạng để mang tiếng cướp vợ ngụy, bị cùm riêng cho đến chết. Cái đêm trăng lặn, trời tối đen, từ gian nhà nằm cặp bờ kinh, một vài anh em thấy Bé, tên thiếu úy bộ đội đổi cho tên vệ binh đứng gác trước đó, đi xuống, cùng lúc Thanh được dẫn ra tắm đêm. Chính hắn, hắn dìm đầu Thanh xuống, bóp cổ cho đến chết, cái dẫy dụa, cái tiếng ằng ặc ngộp nước rợn người. Anh nghe da mình nổi gai, đồng bọn được đánh thức, nhưng biết làm sao hơn, khi mà ở đây phận người chết như cóc nhái. Chỉ một tên Định thôi, ăng ten báo cáo chỉ chọt, cũng đủ cho họ thủ tiêu bốn năm mạng rồi, còn mấy tên phe ta viết bài phát thanh mỗi ngày loa đọc lải nhải tâng bốc, nghe muốn buồn nôn. Ở đây thiện ác, sa tăng ác quỉ đều hiện nguyên hình, trong vòng kẽm tự do, phe nhóm phân ra chơi chung đứng về một phía hay tự cô lập, để rồi nồi nào úp vung nấy, hồn ai nấy giữ trước sự rình rập chỉ điểm, trước họng súng thủ tiêu tàn bạo. Anh thương cho Thanh, Thanh giỏi quá nhớ dai quá, nghiên cứu sách Mác Lênin một bụng, có lần cách mạng lên lớp hảnh diện Lênin là người Việt, vì có chung họ Lê, Thanh thích nói nhiều, uyên bác thật, những lần ở hội trường anh nói say sưa, như thể phe ta giảng bài cho phe mình, anh lộ cái khôn nhiều quá, lộ tài năng tiềm ẩn nhằm phục vụ cải thiện chính sách, chả bù với Đại tá Kim ở trại Chi Lăng, lúc nào cũng viện dẫn, ấp a ấp úng, chỉ biết về quân sự, không hiểu gì về chính trị chính em hết. Họ đem ông ra làm tài tử chính trong phim Thành Đồng Tổ Quốc, bộ phim tài liệu của Đông Đức chiếu cho anh em coi, hỏi ông ta cái gì cũng trả lời biết, nhưng chỉ ra lệnh thôi, còn thuộc cấp ở dưới thi hành. Lúc nào tay ông cũng lau mồ hôi, chịu làm tỉnh trưởng võ biền trước anh em, ở hội trường, thế mà sống. Phần Thanh, anh chỉ nghĩ con đường nhân ái để hoán chuyển họ, nhưng càng lộ thiện tâm, anh lại trở thành mục tiêu bị kềm giữ. Trong lúc cha Khang tuyên úy ở Hà Tiên, cho rằng đường lối Đảng cùng gần với Thiên Chúa. Đảng dạy nói thẳng nói thật, phê bình đoàn kết. Chúa dạy tông đồ thương yêu giúp người cùng khổ, không dối trá. Hai vế luôn đi đôi, gần nhau trong một chính sách, qua mười bài học tập duy nhất lúc đầu. Cuối cùng nhà trại phán một câu xanh rờn. Cách mạng không chấp nhận Thiên chúa. Cha thua trước cái ngang rồi cha nín, bỏ quên ban lễ phép thánh. Cha hiền lành dễ thương trở lại làm anh Khang, dù lúc nào cũng bị chiếu cố. Anh nghĩ đến người ở lại, anh em kẻ còn người mất, đến những người vượt trại, bị bắt lại hành hạ đến chết, đến một vài con nhạn thoát được nhưng không biết về đâu.
Anh nhìn sang người đàn bà đối diện. Trời đêm, ngôi nhà không cửa nẻo, kẻ nằm người ngồi, mấy đứa con anh co lại, cái tư thế vừa đủ khổ cho mỗi người như hàng mấy tháng qua chúng đã chịu đựng. Gương mặt chị bầu bĩnh, trong sáng dưới ánh trăng đêm hắt vào, chị thiếp đi trong giấc mệt mỏi. Lúc nầy đây anh muốn lay chị thức dậy, nói chị nghe anh biết nhiều chuyện hơn chị tưởng, biết Tạo chồng chị. Cái buổi sớm trước khi ra ngoài lao động, Tạo có sang ngồi nói chuyện. Hôm đó hắn mặc hai áo, anh ngạc nhiên hỏi, Tạo nói sợ lạnh, ngừa vậy thôi. Ra ngoài cả bọn mấy đứa khác đội làm tản ra, móc đất ruộng đấp mấy bờ đê trãi dài. Trời nắng chang, mình mẩy lấm sình đất, làm thật lực như thể ngày bình thường. Buổi chiều, khi tập trung trở về trên đường di chuyển , ngừng lại lần đầu điểm danh, đầy đủ cả. Không ai nghi ngại. Trong lúc loanh quanh bắt đầu đi, ba bốn thân mình cùng lúc tuột xuống cái trũng lấy đất cập sân nhà, tách rời khỏi đôi mắt của mấy tên chỉ điểm đàng trước. Mấy người đi sau thấy, không ai nói gì lúc nầy. Cho đến khi vào trại, điểm danh lần nữa, phát hiện mất người, cả đoàn bị ngồi lại bên ngoài, để tay lên đầu trước họng súng canh giữ. Ai thấy? Ai đi gần.? Tiếng hét giận dử của viên chính ủy. Không cho ăn chiều nay nếu không bắt lại được. Không ai trả lời. Chấp nhận cùm chung cả. Một trung đội trở lại bắn báo động lùng sục, nằm lại phục kích. Đêm đó có tiếng súng nổ, một tràng A.K từ xa vọng lại. Viên chính ủy ra lệnh dẫn đội trưởng có người trốn trại đi nhìn mặt. Cả đêm, nhóm bạn thân tình không ngủ, nghe tiếng súng nổ từ hướng phục kích, anh em rã rời thất vọng, thương họ như thương chính bản thân mình. Cái chỗ nằm bằng tấm nylon trãi trên đất sét, cái hơi nước về đêm bốc lên ướt đẫm phần dưới. Đêm nay anh nghe lạnh hơn cùng tiếng thầm thì cầu nguyện cho phe ta thoát. Viên đội trưởng trở về. Thằng nào bị? Không phải. Người khác, trại khác, trùng hợp đêm nay vượt trại đi về hướng nầy bị bắn chết. Tiếng thở ra nhẹ nhỏm từ tình thân, nhưng cũng một mạng người khác chết thay. Bọn vệ binh tiếp tục nằm phục lại cả hai đêm sau, cho đến lúc biết được có người thương tình chở họ sang sông, chúng chửi đám dân che chở phản động, còn có tình với bọn ngụy. Huề thôi.
Buổi sáng sớm, có lẽ như lệ thường chiếc ghe lớn mang ký hiệu F4, neo dưới sông mở máy vận chuyển, gã vệ binh quen thuộc mang theo anh Sơn từ nhà trại làm tài công, cùng vợ gả cụt chân đi bốc hàng thực phẩm. Người đàn bà âu yếm nói với chồng. Anh ngủ ngon nghe. Chị nghe anh ta nói giọng ngái ngủ, bà mua thêm cho tôi bịt thuốc. Cái không khí giã từ ngắn ngủi lúc nầy, vẫn làm chị thấy đau khi nghĩ đến phận mình. Chị thức sớm hơn dù đêm qua lòng chị ngổn ngang trăm mối. Không biết ngày mai thế nào, nhưng trở về trước đã, biết đâu một nơi nào đó, anh sẽ gặp lại chị, chị phải trở về trong đời sống gia đình như những người quanh chị chốn nầy, chờ chuyến ghe trở lại, trả ra thế giới bên ngoài.
Cho đến gần xế trưa, gã cụt chân lầm bầm chửi rủa nóng ruột, mấy tên vệ binh mang súng ra hỏi thăm. Cuối cùng mọi việc rõ ràng, lò bánh mì nơi nhận hàng không còn ai, chiếc ghe mang ký hiệu F4 bốc người đi hết. Vượt biên hả? Cả bọn sửng sờ. Anh chàng có cô vợ bỏ đi tái mặt. Cách mạng cũng có người vượt biên hả. Mấy người? Ai biết. Bọn vệ binh chửi rủa um sùm. Vậy là bị móc nối từ phe ngụy rồi. Người đàn ông vừa được thả hôm qua như biết phận mình. Anh đứng lên dắt dìu con nhỏ. Mấy người đàn bà bàn tán thôi mình tự liệu, kẻo trể thêm ngày nữa. Chị đứng lên theo. Lúc nầy không ai muốn liên lụy đến thân mình. Hình ảnh người đàn ông cụt chân ngồi đó. Cái chân giả tháo ra lẻ loi kề bên. Mái nhà xưa còn đó.
Khi ra đến bên ngoài, người được thả về nhắn nhủ, anh ấy đi về hướng biên giới. Chị nói tiếng cám ơn, còn phần anh thế nào, lấy chút tiền lộ phí. Tôi hả. Người đàn ông nhỏ giọng, chưa biết sao, mỗi người một cảnh ngộ. Chị an ủi anh định làm gì sống, câu hỏi mà chính chị lúng túng tù quẩn ở ngày tháng qua. Anh nói chắc nhờ rận rệp qua ngày trước đã, sống cùng chúng, thở hơi người. Biết đâu một ngày, tôi sẽ tìm thấy ý nghĩa cho chính mình, còn bây giờ thôi cũng đành. Chia tay nghe.
Chị ngồi lặng lẽ trên chiếc xuồng quá giang. Sóng nước vỗ vào mạn hai bên, trong lúc con thuyền vẫn đi lên theo mái dầm đưa đẩy. Câu hát tìm em như thể tìm chim, chim bay biển Bắc anh tìm biển Đông, lúc nầy đây đổi lại cho chính chị. Trời đất bao la, ở anh biết đâu là nhà. Chị nhìn xuống mặt nước đục trong, giòng nước vẫn lặng lờ. Chị ngồi yên trong tư thế bất động. Không biết bao lâu cánh tay chị bỏ thòng khuấy mấy vòng dưới nước. Đột nhiên nhìn thấy khuôn mặt người đàn ông, hòa nhập với khuôn mặt chị đầm đìa nước mắt. Tự dưng chị thấy sợ hãi. Là anh đây? Hình ảnh xác chồng bị treo cổ lủng lẳng quá ngày, chết khô trên cây thốt nốt. Không thể tin đó là sự thật. Không có người đàn bà quen thuộc nào bên chị lúc nầy, mảnh đất xa lạ, những khuôn mặt xa lạ bao quanh thương hại không hiểu gì. Chỉ còn có anh, cái thân thể năm xưa với sợi dây oan khiên tròng cổ, giữ anh lại trói lấy đời nhau. Không ai phân biệt bạn thù, đằng sau khung cửa hòa bình, nạn nhân vẫn là người thua cuộc. Chị khóc, tiếng khóc như một bày tỏ, gởi gấm lòng thương yêu cho đến ngày chung cuộc. Chỉ có mình chị biết, anh còn sống, cho tương lai cho những ngày sẽ tới. Mây bay đi chị vẫn đợi, vẫn chờ như mảnh giấy sau cùng. Ở đó tâm tình đau thương, niềm hạnh phúc xót xa dâng hiến, giờ đây trôi theo dòng đời khô cạn.
Hoài Ziang Duy
(Trích từ tuyển tập truyện ngắn Ông Tướng Sang Sông)