có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Tư, tháng 5 04, 2011

Nồi Bánh Tét




Ngày ba mươi tết đẹp nhất trong năm. Thời gian trôi chậm lại, bỗng đến một lúc trời trở lạnh, bóng tối đổ xuống mau. Chúng tôi không đứa nào muốn rời khỏi bếp lửa ngoài sân, nơi nồi bánh tét sôi sùng sục, lửa nóng rát mặt vì đun bằng gốc tre to, cháy đượm.

Con chó mực sủa nhiều lần, từ sau gốc cây khế. Ba hôm nay, con mực không dám đi ra khỏi nhà quá vài bước. Ánh sáng của cây đèn bão lắc lư chiếu từ hiên nhà che sáng một vùng, nhưng bóng tối mỗi lúc một dày, đẩy ánh sáng lùi lại. Chú Kiên giúp việc cho nhà tôi ngồi canh bếp lửa, mẹ tôi đã vào nhà thắp hương trên bàn thờ, dì tôi lục đục dưới bếp, tiếng động im dần, những người giúp việc khác đã đi ngủ, chỉ còn đám trẻ con ham chơi và chú Kiên vẫn còn thức cho đến giao thừa. Chú có nhiệm vụ vớt bánh ra, lựa những đòn đẹp nhất lát nữa cúng bàn thờ. Ba tôi vào Sài Gòn không về kịp. Hòa bình vừa lập lại, đường sá còn trắc trở, những người đàn ông trong gia đình, người bị Pháp giết, kẻ bị Việt Minh bắt đi mất tích, dân tản cư lần lượt trở về xóm cũ nhưng phần nhiều là đàn bà trẻ con và thương binh. Chú Kiên là thương binh, chú hay hát: sơn nữ ơi, đời ta như cánh chim rừng. Những dịp giỗ chạp, các mợ tôi, nhà vắng đàn ông, đều đem con cháu về quây quần bên bà ngoại cho ấm áp, riêng dì tôi đến ở chung ăn tết mấy hôm với em gái là mẹ tôi. Mẹ tôi có một khu vườn lớn, trồng nhiều ổi, cam, vả, khế, thanh trà, vài mảnh ruộng, cái quán tạp hóa nhỏ gần quốc lộ số Một, cần nhiều người giúp việc đồng áng vườn tược, nên nhà lúc nào cũng đông đúc, dù bà không giàu có gì. Lá chuối xanh từ từ đổi màu trong nồi nước sôi, mùi nếp bay thơm ngào ngạt, những sợi lạt cuốn chặt quanh khúc bánh ngâm mình trong nước mỗi lúc một siết chặt lại làm những đoạn ở giữa phồng ra, căng bóng dưới lớp nước sôi, sủi tăm mới đầu li ti rồi lớn bằng mắt cá, hơi lên nghi ngút. Trong không khí lẩn khuất chút âu lo thời cuộc của người lớn, chú gà trống từ cuối sân vẫn vô tư xòe cánh vươn cổ gáy vang, những đứa trẻ mải cười đùa đuổi nhau la hét ầm ĩ, và trong giấc mơ của tôi, vẫn leng keng những đồng tiền mừng tuổi thơm mùi kim loại hạnh phúc.

Từ hôm hai mươi ba tháng chạp, cúng đưa ông Táo về trời, mẹ tôi đã bắt đầu đi chợ tết, trong nhà không khí trở nên nhộn nhịp. Đi học về, thấy trước hiên bày những lọ thủy tinh, những hũ sành đựng dưa món, dưa chua, cà pháo ngâm, ớt xanh ớt đỏ ngâm dấm chua. Không khí buổi chiều ở nông thôn phảng phất mùi nhang đèn, mùi trầm thơm từ nhà ai bay ra. Hai đứa con trai, anh tôi và tôi, có bổn phận quét sân quét nhà, lau lư hương trên bàn thờ, chùi các chậu sứ ngoài hiên, là những công việc mà tôi thích thú. Đất trời thay đổi mỗi ngày, càng gần hết năm, càng trở nên mờ ảo, dịu dàng, bí mật. Bến đò mưa bụi lay phay tấp nập người qua lại. Trên những con đường mới đây còn lầy lội mưa dầm, nhão quánh bùn và phân trâu, nay đã bắt đầu khô ráo, thoáng thấy vài cánh áo mới, đôi phong pháo đỏ tươi trong quang gánh lùng nhùng.

Gần cuối năm, mẹ tôi gạt nỗi lo riêng vì ba tôi không kịp về cúng giao thừa, lấy lại dáng vui vẻ nhanh nhẹn thường ngày, sai người nhà đi tìm những lá chuối lớn, chuẩn bị gói bánh, làm tất bật luôn tay cho đến khuya. Trên cái mâm đồng lớn đựng trên phản gỗ, đậu xanh đã được giã nhỏ để làm nhụy bánh chưng bánh tét, trên một cái mâm khác những xấp lá chuối chồng cao ngất. Sáng ba mươi, vừa đi chợ về, mẹ tôi không kịp thay áo dài, đã hối hả bắc chậu nước lên bếp. Nồi thịt heo ướp sẵn, những thúng gạo nếp hôm trước đã được ngâm nước. Tôi đứng nhìn mọi người ngồi trên một chiếc phản gỗ lớn gói bánh, rồi theo anh tôi đi sau chú Kiên ra vườn, chú dùng một cái rựa lớn chọn những cây tre dài để chẻ thêm lạt. Một con chim chào mào lông đen mũ đỏ về hót hớn hở trên ngọn tre lao xao, những nốt nhạc của ngày thanh bình trước chiến tranh, khi tiếng súng chưa nổ lẻ tẻ, đường tàu xe lửa xuyên Việt còn chưa bị đặt mìn, những người lính gác cầu chưa có thói quen chĩa súng xuống nước bắn vào đám lục bình vừa trôi lững lờ qua chân cầu vừa trổ bông tím biếc; những cô dâu từ Huế, Sài Gòn mùa hè nắng ấm về thăm quê chồng tay cầm dù, tay xách va li, đi guốc cao gót, sơn móng chân, vẫn còn thản nhiên ngủ lại qua đêm trong căn nhà hương hỏa mà tổ tiên để lại. Mẹ tôi cho gói những chiếc bánh chưng vuông vức, nhưng gói bánh tét nhiều hơn, những đòn dài tròn trịa. Từ sáng sớm, những người giúp việc đã chuẩn bị bếp lửa ngoài sân. Chú Kiên bắc ba chồng gạch lớn làm bếp, những cái nồi đồng của mẹ tôi dù lớn cũng không đủ chứa, phải dùng thêm một cái thùng bằng tôn cao ngang ngực vì mẹ tôi cho gói bánh thật nhiều để mang cho bà ngoại, và cho bầy con cháu rất đông. Củi lách tách nổ, lửa lên đều, nước thỉnh thoảng sôi trào ra phải rút bớt lửa. Đêm càng sâu, trời càng lạnh, mọi người đã đi ngủ hết. Trước sân, cành mai bên bể cạn, nơi mặt nước phồng lên sau mấy cơn mưa, vài con cá chép bé teo đớp bóng, đang khoan thai nở những nụ sáng trong đêm huyền bí. Trong sáu, bảy đứa trẻ, con chú bác cậu dì gần bằng tuổi nhau, có lẽ tôi là đứa nhỏ tuổi nhất, vì vậy được thưởng món quà đặc biệt, đó là chiếc bong bóng heo thổi căng. Bọn trẻ ngồi sát vào nhau, im lặng lắng nghe chuyện cổ tích, chuyện ma hấp dẫn, để mặc con chó mực đang vẫy đuôi chồm về phía trước. Nó cố đánh hơi mùi thuốc độc. Ba hôm nay, trộm về làng.

Trong tiếng lửa củi lách tách, chú Kiên kể rằng ở bên kia sông, phía hạ lưu, có một ngôi làng nhỏ, dân làng ấy có tục đi ăn trộm, nghe nói không những đàn ông mà đàn bà con gái cũng làm nghề khoét vách trèo tường đục lỗ. Nhà bà ngoại tôi cũng có ít của ăn của để nên gần như năm nào cũng là đối tượng của các vị khách không mời, có năm bà tôi mất cả một cái nồi đồng lớn, từ thời Tự Đức. Làng ấy thờ một vị Thành hoàng nghe nói là một đạo hiệp, có lệ đến cuối năm cả làng phải đi nơi khác ăn trộm những thứ quý báu để cúng thần thì con cháu mới làm ăn phát đạt, nếu không sẽ bị phạt không ngóc đầu lên được. Họ ăn trộm rất giỏi, chưa bao giờ bị bắt. Đêm về khuya, những người đi chơi bài tới, bài bầu cua, bài tứ sắc, về ngang qua nhà sau những hàng chè tàu phủ kín dây tơ hồng nói cười thấp thoáng. Chiếc radio Ấp chiến lược, hồi ấy miễn phí cho nhiều gia đình, phát đi những bài hát mừng xuân rộn ràng từ đài phát thanh Huế. Chiếc đồng hồ con gà treo tường có quả lắc sáng choang treo trên cột nhà trước bàn thờ, thong thả điểm từng tiếng một, đĩnh đạc ngân vang. Trong bếp chỉ còn mẹ tôi vẫn lục đục sắp xếp nồi niêu xoong chảo, dì tôi đứng ở cửa cúi xuống trò chuyện. Một con tắc kè bò qua thân cây khế ngoài sân, đó là con tắc kè lâu năm khi ẩn khi hiện, khi xanh khi vàng, chỉ xuất hiện trong những dịp đặc biệt. Con chó mực chụm đầu nằm xuống giữa ranh giới của ánh sáng và bóng tối, mỗi khi có tiếng động khẽ nhỏm dậy dỏng tai lên.

Những đứa trẻ buồn ngủ nhíu mắt, chú Kiên đưa cả bọn vào nhà rồi thong thả đứng vớt bánh tét ra. Chỉ mình tôi quay lại đứng sau lưng. Khi ba tôi đi xa, tôi được thú ngủ chung với chú, nằm trên một cái giường kê sát mặt đất, bên cạnh hai người giúp việc khác, ở nhà dưới. Ru tôi ngủ, chú bắt chước ba tôi ngâm Chinh phụ ngâm, học mẹ tôi hát Lục Vân Tiên, giọng khàn khàn, nhớ lõm bõm. Dụi lửa tắt dần, nước vẫn còn sôi, chú vớt hết những đòn bánh tét, lá chuối xanh đã sẫm lại, căng bóng, đổ lên rá. Chú dùng gáo dừa, nhúng sâu vào nồi, múc từng gáo, cẩn thận đổ vào một cái xoong có quai. Nước nóng bốc hơi. Chú dùng hai tay cẩn thận bê cái xoong nặng đầy nước sủi tăm, và trước khi tôi kịp để ý, đứng thẳng lên, bất ngờ quay người lại, hắt nước thật mạnh vào bụi sả cao ngất ở gần đó.

Đó là một bụi sả lớn, thường trồng quanh nhà vừa để làm gia vị nấu nướng, vừa để chống muỗi và chống rắn rít vì mùi sả thơm hăng hắc làm chúng tránh xa. Một tiếng thét hãi hùng vang lên. Tôi rợn người. Một bóng đen vọt ra khỏi bụi sả, vùng chạy, nháy mắt đã biến mất trong bóng tối, nhưng tiếng thét vẫn còn vọng dài về phía cuối vườn, lũy tre xào xạc. Nhiều năm về sau, bom đạn khói lửa ngút trời, tôi mất liên lạc với chú Kiên, xa quê mãi không trở lại. Khi tôi về, nhà không còn ai, tôi lần hồi tìm dấu vết cũ, thấy lại được cái gốc đã tàn chỉ một nhánh nhỏ nhú lên của cây khế nửa chua nửa ngọt, nơi ngày trước con chó mực vẫn nằm sủa dấm dẳng, bụi bông trang hoa đỏ lơ thơ mỗi năm một đổi màu, khoảng sân xưa đầy gạch vụn đỏ hồng nấu bánh tét chiều ba mươi tết, chỗ ngồi của chú Kiên, của tôi và những đứa trẻ anh chị em họ. Bụi sả không còn, thay vào đó phất phơ bụi lau trắng như một cung nữ tóc bạc từ một triều đại khác, huy hoàng nhưng đã suy tàn, tôi đứng hồi lâu đến khi trời tối, đứng ở giữa đường biên của tối và sáng, như con chó nhỏ ngày xưa khi kẻ trộm về làng, lạc hướng, mất khả năng phản ứng trước nghịch cảnh cuộc đời, đánh hơi mùi thuốc độc của thời gian, đi ngủ rồi thức dậy nhiều lần trong đêm, ngửng đầu nhìn sao trời để tìm phương vị, nhưng những vì sao ấy dù mới đầu sáng đến mấy cũng cứ mờ dần trên nền trời xám của trí nhớ.

Đêm nằm trên võng bắc giữa hai chiếc cột của giàn hoa thiên lý, không ngủ được, tôi bỗng nhớ lại dạo tết hồi ấy có lần gần nửa đêm, tôi đang ngủ thì thấy giường lạnh, trở mình, chú Kiên không nằm ở đó. Tôi ngái ngủ mở mắt, thấy chú đang đứng im trong cửa sổ hướng ra sân sáng mờ mờ vì trước hiên lúc nào cũng có một cây đèn nhỏ thắp sáng. Tôi tò mò đến sau lưng, chú xua tay ra hiệu cho tôi quay lại, nhưng lúc ấy tôi cũng đã kịp nhìn thấy mẹ tôi từ ngoài sân đi vào dáng trầm ngâm. Hôm sau tôi để ý, lại thấy chú Kiên dậy một mình lúc khuya, lần này chú đứng bên cửa hông nhìn xuống bếp. Tôi lặng lẽ đến đứng sau lưng, nhưng chú không ngăn nữa. Mẹ tôi bước ra từ trong bếp, nơi giàn bếp có treo lủng lẳng những đòn bánh tét, bà cất để dành ra giêng làm món bánh tét chiên là thứ bọn trẻ rất thích. Bà cầm một đòn bánh tét trên tay, đứng im một lát, rồi đi xuyên qua nhà ngang, gần buồng ngủ của chúng tôi, hai người giúp việc khác đang ngáy to, tới trước sân, ngay chỗ đặt nồi bánh tét hôm trước, đặt đòn bánh xuống gần bụi sả, trên một tảng đá ong Thanh Hóa lớn, rồi trở vào nhà. Hôm sau bà cũng làm như thế, thêm bao nhiêu lần nữa thì tôi không nhớ, vì một hôm tôi mãi chơi suốt ngày mệt quá, ngủ thiếp đi, rồi hôm sau, như mọi đứa trẻ khác, quên bẵng hết mọi chuyện, quên một mạch mấy mươi năm, cho đến khi mùi hương của giàn hoa thiên lý đột ngột xông vào giấc mơ của một đứa trẻ, chiếu vào tâm trí của chú hình ảnh người giúp việc trung thành lúc thời thế thay đổi, thỉnh thoảng hứng chí nhấc bổng chú lên trời làm chú cười như nắc nẻ. Hình ảnh những đứa trẻ ngồi quanh đống lửa chụm đầu vào nhau nghe kể chuyện ma, chú như còn ngửi được mùi thơm hăng hắc từ bụi sả, mùi tre tươi của lạt mới chẻ, mùi lá chuối non hơi đắng, mùi nếp thơm lừng lững từ nồi nước sôi bay lên, tỏa khắp, làm chú chạnh nhớ đến đêm giao thừa đã xa, lo âu và hạnh phúc, đen và trong suốt.


Nguyễn Đức Tùng