1
Trong kho từ vựng của tiếng Việt có những từ mà tôi cảm thấy thấm thía, phải nói là thấm thía vô cùng — như một làn gió lạnh thấu xương luồn qua khe liếp trong một đêm chăn chiếu không đủ ấm. Ngoài tiếng hốt trong hốt của như chỉ để dành cho những kẻ gặp thời, những kẻ sau 75 bỗng phất lên như lửa gặp gió, còn các tiếng hốt rác, hốt cứt là trọn gói dành cho những kẻ bọt bèo trôi nổi như chúng tôi.
Khi ngọn cờ trên dinh Độc Lập bị thay màu thì cũng là lúc chúng tôi nghe hồi chuông báo tử vang lên dóng dả trong các trại gia binh. Chúng tôi hoảng loạn, bồng bế, dắt díu nhau mà đi cứ như trước kia đã ngơ ngác rời bỏ ruộng đồng. Quên béng cây cày cây cuốc, quên mùi bùn đất, những người dở thầy dở thợ chẳng biết sẽ sống như thế nào khi đã từ lâu quen ngửa tay lãnh lương được trả cho mồ hôi và máu, quen lãnh tiền xác chết của cha, của chồng hay của con.
Đó là những người hãy còn quê cũ để mà về, cho dù cái quê cũ đó đã tan hoang từ lâu: nhà bị đốt cháy, đình chùa bị phá sập và đồng ruộng thì như thuở hồng hoang chưa biết đến dấu chân người. Nhưng cũng hãy còn chút an ủi là được sống với những linh hồn của ông bà tổ tiên, là còn có người hỏi chào, có phải mày đó không Hai, Ba... mới mấy năm mà tưởng ai nhìn không ra, hãy còn con sông xưa, con đường cũ... Còn chúng tôi, những kẻ di cư từ miền bắc xa xôi thì biết về đâu. Chúng tôi chỉ là những đống, những bãi... Cho nên cái tiếng “hốt” là xứng đáng nhất dành cho chúng tôi.
Chúng tôi bị hốt chớp nhoáng chỉ trong một buổi chiều. Xe chất đầy đàn bà trẻ con và những người đàn ông thẫn thờ, mỏi mệt, cùng với những gạo thóc chăn màn và những vật dụng tạm bợ rẻ tiền. Xe chạy suốt đêm trên những con đường mà ánh đèn pha quét lên chỉ thấy đất đá lồi lõm, những cây cầu run rẩy khóc than, những cỏ cây rậm rịt xa lạ, cứ phải rờ rẫm như đang dò tìm đường. Rồi sáng ra, chúng tôi bị ném xuống một vùng khô quạnh nhưng lại có một tên gọi mỹ miều là kinh tế mới.
Số phận của những kẻ bị “hốt”, bị “ném” chưa nói ra ai cũng đã biết là nó chẳng ra gì. Năm ấy, tôi hai mươi mốt tuổi nhưng đã có đến những hai con. Tuổi trẻ và sắc đẹp nếu có cũng chỉ bùng lên như một que diêm rồi tắt ngúm. Người ta bảo thời của chiến tranh cần phải sống gấp, sống vội, chứ bom đạn đầy trời như thế này, biết chết lúc nào. Cái mùi đời mà tôi được nếm thử trên chiếc ghế bố dưới mái tôn nóng hầm hập chưa biết nó ngọt hay mặn, cay hay chua, thì số phận cũng đã vội vã buộc ràng thêm cho đủ sức chở của một con lừa ưa nặng.
Lọt thỏm giữa núi rừng xa lạ, không được một bàn tay nào chìa ra, chúng tôi cũng phải ráng sức đứng lên để tự cứu chính mình. Trước hết là dựng cho được một cái lều. Lúc nhỏ đọc truyện Robinson với bao ngạc nhiên và mơ mộng, tôi rất thích đời sống trên hoang đảo của ông. Chỉ có mỗi một con dao nhỏ mà ông đã làm được rất nhiều việc: dựng được lều để ở, làm hàng rào để chống thú dữ, săn cá để ăn... Nhưng giờ cả vợ lẫn chồng, trầy cả vai, phồng rộp cả hai tay, hì hục mãi mà vẫn chưa dựng nổi một cái lều con con. Lúc này mới thấy những miếng ván ngo làm thùng đạn, những miếng carton thùng đồ hộp, hay những tấm tôn méo mó là vô cùng quý báu.
Rồi những thiếu thốn không ngờ lại lù lù kéo tới: thiếu dầu để đốt, thiếu nước mắm để ăn, thiếu muối để nêm. Nhất là muối, cái thứ rẻ tiền nhất tưởng như có cũng được mà không có cũng chẳng sao, chả là cuộc đời đã quá mặn rồi, cần đường cần mật chứ ai cần chi muối, vậy mà giờ thiếu nó, cháo nuốt không trôi nói gì đến cá thịt. Nhớ có lần nghe những người lên xứ Thượng trở về nói, cho đứa trẻ viên kẹo nó không thích bằng cho hạt muối. Cứ tưởng là nói đùa, không ngờ đó là sự thật.
Và đủ thứ sợ. Sợ những cơn mưa rừng như cả một con sông chảy trên trời cao trút nước xuống mù mịt, sợ những con rắn mà chỉ nghĩ tới nó thôi cũng đã quýnh quíu cả tay chân, sợ những con cọp mà tiếng gầm còn rợn người hơn cả tiếng rít của đạn bom. Nhưng sợ nhất là những con đười ươi trong câu chuyện kể của bà nội. Con vật tưởng là ngộ nghĩnh cứ nhe hàm răng trắng nhởn ra cười suốt ngày, không ngờ khi mặt trời lặn là lập tức nó xé thịt mình ra ăn. Rồi sức khoẻ của con cái mà chỉ cần một chút sương đêm là đã khiến chúng ho như gõ mõ.
2
Bây giờ, chút mát ngọt chảy qua cuộc sống đắng chát của chúng tôi là một con suối nhỏ. Nơi đây không có những con nai vàng ngơ ngác, nhưng có những gộp đá như những con voi xuống tắm suối đang nằm phơi mình cho lũ nhỏ chơi đùa, đàn bà giặt giũ. Con suối trở thành nơi gặp gỡ của những kẻ bị vứt một cách tàn nhẫn ra ngoài xã hội. Chẳng mấy chốc, ai cũng đã quen mặt biết tên nhau. Những chuyện nhỏ chuyện to đã bắt đầu rì rào như nước suối. Những hục hặc ghen tuông, những nguýt lườm dè bĩu, những trận đòn vùi dập vợ con của những anh chồng hậm hực vì thua cộng sản... lúc nào cũng thầm thì đừng nói cho ai biết, nhưng cũng vì thế mà lan nhanh như điện. Lúc bị hốt, nhiều thứ phải bán tống bán tháo như ti vi, tủ lạnh, nhưng cái thói ngồi lê đôi mách thì chẵng những đã không bỏ lại, mà còn xốc xếch mang theo không sót một chuyện gì.
Thế rồi cái thứ quý và hiếm nhất lúc này là muối, bỗng dưng trong đêm có người kêu thét lên vì mất trộm. Hắn nhanh như vượn, vụt hiện vụt biến như ma. Để đâu cũng bị hắn lần ra được như thể muối có mùi quyến rũ của xạ hương. Như trong những phim cao bồi, những người đàn ông không có súng thì dùng gậy gộc dao rựa, rút hết vào trong bóng tối mai phục. Một đêm, hai đêm, đến đêm thứ ba thì bắt được thủ phạm.
Lửa được đốt lên.
Hắn bị trói quặt tay ra sau lưng, râu tóc bờm xờm, chỉ mặc một cái quần đùi rách. Qua ánh lửa chập chờn loang lổ những vệt tối sáng, trông hắn như người rừng.
Mày là thằng nào?
(Hắn không nói, chỉ ngước cặp mắt trắng dã lên nhìn người vừa quát hỏi).
Mày có biết tụi tao chơi luật gì không? Luật rừng đấy con ạ. Chúng ông đập mày chết ngay nếu hỏi mà mày không nói.
(Hắn vẫn giương mắt ra nhìn, như thể không biết nói chứ không phải không chịu nói).
Sao mày lấy cắp muối của bọn tao?
(Người hỏi chìa ra một hũ muối là vật chứng vừa đoạt lại từ trong tay hắn).
Thằng này muốn ăn đòn đây. Đù mẹ, có nói không?
Hắn bị tát vào một bên má. Cái tát có thể mở đầu cho một trận đòn hội chợ. Mãi đến lúc này hắn mới chịu ấp úng.
Tôi thèm quá!
Thèm thịt cá chứ ai thèm muối?
Đã hơn năm rồi tôi không có được một hạt.
Sao vậy?
Tôi được giao nhiệm vụ giữ “điểm”
Điểm là cái quái gì?
Tôi không biết.
Vậy biết gì?
Tôi chỉ biết khi có bộ đội hay dân công tới, thì dẫn đường cho họ đi. Một quãng chừng mười cây số, đến một điểm khác rồi về. Tôi phải dọn sạch bất cứ thứ gì bọn họ để lại, ngay cả một lát sắn khô hay một tàn thuốc lá. Rồi sửa lại cây cỏ trên đường bị giẫm đạp, sao cho như chưa có ai từng đi qua. Để giữ bí mật.
Thế thì mày ở đâu?
Ở trên cây hay trong hang.
Được bao lâu rồi?
Mười năm.
Mười năm kia à? Mười năm sống một mình giữa núi rừng sao?
Chớ biết sống với ai.
Làm cách nào để sống.
Thì trồng chỗ này hom mì, chỗ kia dây khoai. Chỉ có muối là không tự túc được.
Ai cung cấp muối?
Lâu lâu trên cho một ít. Nhưng cả năm rồi không ai qua đây.
Sao vậy?
Không biết. Chắc là có một đường dây khác.
Sao không lệnh cho mày đi?
Không biết.
Chắc tụi nó muốn mày chết rục ở đây. Để giữ bí mật mà!
Cho tôi hỏi. Các anh là ai?
Là biệt kích đấy, sợ không?
Biệt kích gì mà dẫn vợ con theo đông vậy.
Tụi tao thua. Tụi mày thắng, không biết sao?
Không
Giờ “giải phóng” rồi đó. Muốn đi đâu thì đi.
Sao các anh lại tới chi đây?
Đi kinh tế mới, cha nội à.
Kinh tế mới là sao?
Là bị đuổi khỏi thành phố. Tụi tao giờ cực như chó.
Tôi không hiểu.
Có gì mà không hiểu. Tụi tao bị đuổi lên đây để cho bọn mày có nhà có xe. Mày về mau mà làm cán bộ.
Tôi chỉ muốn về thăm nhà.
Hắn đúng là người rừng. Cái nhìn vừa ngơ ngác vừa ngây dại chứng tỏ đầu óc hắn nhỏ như trái ổi. Ở đó người ta đã dặt vào một con bù loong và siết chặt cho đến khi rỉ sét. Mà đâu phải chỉ một mình hắn. Cái đường dây giao liên ngoằn ngoèo trên núi rừng Trường Sơn có cả ngàn người sống và chết với “điểm”như hắn. Nghĩ tới thân phận họ, chúng tôi thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều.
Dĩ nhiên chẳng ai nỡ bắt tội một người như hắn. Chúng tôi cho hắn ăn muối cho đến khi nào ói ra thì thôi. Hắn chuộc tội bằng cách về cái hang bí mật khuân hết những mì khoai cho chúng tôi. Hắn không còn là Việt cộng nữa. Hắn là một con người bị đẩy xuống hàng thấp nhất, thua chúng tôi một bậc vì không có muối.
Bọn đàn ông bắt đầu chọc ghẹo hắn. Họ cho hắn hút thuốc, uống rượu, hỏi đêm có nằm mơ thấy gái không. Có người định giựt cái khố ra xem cái đó còn hay mất. Một người nhại câu hát, mười năm không dùng giờ này teo nhách! Tiếng cười nổ ran như pháo. Từ khi bị ném xuống đây, lúc nào họ cũng giữ khuôn mặt héo úa của kẻ thua trận, giờ mới thấy họ cười đùa hí hửng như thế, vì ít ra họ cũng thấy “thắng” được một người. Nhiều chị có chồng tử trận bị họ đem ra gán ghép. Nói thật đi, biết ấy... chưa? Hắn cứ nghệch mặt ra cười, trông như một con đười ươi.
Hắn sống cùng chúng tôi. Chặt cây, cắt tranh, dựng lều rất giỏi. Trông cái vẻ khờ khạo, thiệt thà của hắn ai cũng thấy thương. Nhiều người nói, Việt cộng thằng nào cũng như nó thì đỡ biết mấy.
Nửa tháng sau, có xe lên, hắn lẽo đẽo xin về. Lúc đầu người ta không cho, bảo hắn giả bộ trốn kinh tế mới. Chúng tôi kể cho họ nghe hắn là người giữ “điểm” bị bỏ quên, họ liền tra hỏi hắn ở đơn vị nào, ai là thủ trưởng, hắn lắc đầu bảo không biết. Họ nói, thể là bỏ ngũ trốn vào rừng. Muốn về xuôi là phải trói lại để giao nộp cho công an. Cứ tưởng hắn giận dữ phản đối, không ngờ hắn đưa tay cho trói. Chắc hắn nghĩ, mười năm trung thành với Đảng thì sợ gì. Nhỉn hắn ngồi sau thùng xe, tay bị trói, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi.
3
Nhiều năm sau chúng tôi cũng về lại thành phố. Nhưng chẳng phải được ai đón đưa mà lần hồi trốn về. Không có lá bùa hộ khẩu, không việc làm, không nhà cửa... chúng tôi như những con chó hoang chui rúc dưới gậm cầu. Người đạp xe ba gác, kẻ bán vé số, lượm bọc nylon. Cũng không ít kẻ đêm đêm đứng sau gốc cây, nép trong bóng tối để bán dưới nuôi trên. Chúng tôi vẫn chỉ là rác rưởi. Nhưng chẳng còn ai rỗi hơi đi hốt chúng tôi nữa.
Một hôm chồng tôi dẫn về một kẻ gầy đét thất thần như vừa mất cả vợ con. Có nhớ ai đây không? Chồng tôi hỏi. Tôi lắc đầu. Anh “điểm” đó, không nhớ sao? Điểm nào? Thì “điểm” thèm muối chớ còn “điểm” nào nữa.
Hoá ra là anh ta.
Bày ra một xị rượu, hai trái cóc, chồng tôi vui vẻ mời anh nhậu. Trong câu chuyện buồn như vừa bị mất trộm, anh ta kể, cũng may trong ban liên lạc kinh tế mới hôm đó, có người tin anh là người của “điểm” nên đã không đối xử với anh như thằng bỏ ngũ. Nhưng về được đến làng thì làng đã bị đốt, cha mẹ anh em thất lạc đến giờ vẫn chưa gặp lại. Hỏi sao không làm cán bộ, anh nói lý lịch không rõ ràng. Biết tìm đâu ra hai người biết rõ trong thời gian ấy mình làm gì. Coi như mất tiêu 10 năm hy sinh cho Đảng!
Giọng anh bây giờ cay đắng xót xa, nói mà như đang cào xé lòng mình ra khiến người nghe là chúng tôi cũng ứa máu. Chồng tôi thay anh chửi tuốt tuồn tuột. Đù mẹ phải chi làm loạn được thì tao với mày cùng đi. Nhìn về phía bên kia sông hãy còn rậm rì lau lách, chồng tôi nói, chỗ đó sao giống Lương Sơn Bạc quá.
Một cộng sản, một cộng hoà, nhưng hai người bây giờ như cùng một chiến tuyến, chồng tôi và anh ta cứ mày tao với nhau như đã thân nhau từ bé.
Hỏi: bây giờ làm gì để sống, anh nói: trong tay chẳng có mảnh giấy gì chứng nhận là công dân, ngay cả làm xã viên hợp tác xã cũng không được. Khai là lính ngụy, là Fulro may ra còn được công nhận để đưa đi cải tạo, chứ khai là một “điểm” thì dễ đi tù vì bị nghi ngờ là địch từ Lào, Campuchia xâm nhập. Thân tao bây giờ, trăm thứ bệnh trong người, có muốn đi ăn xin cũng đi không nổi. Định chết quách cho rồi nhưng chỉ có một bước nhảy xuống sông mà cũng không làm được.
Chồng tôi rủ anh về sống chung, cùng đi đẩy xe ba gác, tuy không giàu có như cán bộ nhưng cũng sống được, anh ta cười như mếu, phải chi đòi lại được 10 năm! Tụi mày còn con cái nên phải nhẫn nhục, chứ tao, ngay cái đó chưa biết nó nằm ngang hay nằm dọc, tròn hay méo, thì sống để làm gì!
Đêm hôm đó, anh bỏ đi, bảo ra công viên rộng rãi hơn.
Mấy ngày sau, người ta đem xuống một cái xác treo trên cây. Chồng tôi hớt hải chen vào đám đông để nhìn cho rõ mặt. May quá không phải là anh. Nhưng cũng từ đó chúng tôi không gặp lại anh lần nào nữa.
Khuất Đẩu
15/12/2010
tienve.org