có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Hai, tháng 2 28, 2011

Ở giữa sự huyền bí của mỗi người



Một nhạc sĩ chuyên viết tình ca suốt 50 năm đời ông cho đến ngày gần đất xa trời bỗng tuyên bố một câu xanh dờn thế này với khán giả bốn phương: “Những bài nhạc tôi viết là viết theo… đơn đặt hàng hoặc là do tôi bịa đặt cho mùi mẫn chớ thật sự tôi không có mối tình nào đáng gọi là mối tình cả.” Một bác lớn tuổi đang ôm cháu vào lòng vừa đút cho nó ăn vừa theo dõi chương trình phỏng vấn nhạc sĩ trên truyền hình nghe vậy giận quá tới tắt màn ảnh cái cụp. “Nghe ổng nói muốn dộng cho vài cái.” Chưa hả, bác gái còn lập tức lục hết trong nhà đem ra tất cả các băng, đĩa của nhạc sĩ này giao cho… tôi. “Nè. Mày đem về nghe hay làm gì làm đi. Tao chán ổng quá.” Tôi thừ người giữa đống băng, đĩa ngổn ngang. Tôi ở kẽ giữa, tôi thương cả hai người. Một nhạc sĩ sáng tác gần 300 bản tình ca đến cuối đời thú nhận là ông “không có mối tình nào đáng gọi là tình hết ráo”, mọi sự là giả hết đấy thôi bạn ơi, có đáng thương hay không? Còn bác gái (đã con đàn cháu đống thế kia), bác đã từng có một tình yêu ra rít nào trong đời chăng hay giữa những ê chề ngán ngẫm bác chỉ có thể làm mỗi một việc là chăm chút gắn những lời ca lóng lánh như sao kia lên bầu trời tối thui của thân phận mình để đêm đêm ngước lên tự an ủi mà rồi bỗng đùng một cái, những ngôi sao ấy tắt ngúm không còn. Biểu bác không thất vọng, không muốn “dộng” cho ông nhạc sĩ kia sao đặng?

Một trường hợp khác là nhạc sĩ Hoàng Quý với bài hát nổi tiếng Cô Láng Giềng. Nhạc sĩ Tô Vũ (em ruột nhạc sĩ Hoàng Quý) kể lại: “Với Cô Láng Giềng anh tôi chỉ sáng tác lời 1. Đó là những vần thơ đầy lạc quan, phấn khởi khi chia tay người yêu và hy vọng ngày trở về gặp nhau trong vui mừng. Còn lời 2 là do tôi sáng tác thêm. Lời 2 không phải tâm tư của Hoàng Quý mà do tôi hư cấu và Hoàng Quý đã đồng ý, xem như 1 tác phẩm nghệ thuật chớ không phải mô tả một mối tình có thật vì thực tế anh tôi không có một bi kịch tình yêu như nội dung lời 2.” (*)

Đành lòng nay tôi bước chân ra đi
Giơ tay buồn hái bông hồng tường vi
Ghi chút tình em chờ đợi tôi
Đừng nói lời phân ly

Cô láng giềng ơi
Nay mối duyên thơ đành đã lỡ rồi
Chân bước xa xa dần miền quê
Ai biết cho bao giờ tôi về

Như vậy té ra những lời lẽ làm người ta tan nát cả tâm can rốt cuộc là… “đồ giả”? Nếu tôi thuật thêm chuyện này cho bà bác nghe thì chắc bà còn mong trời mau mau sập cho rồi. 

Đúng là trên thế gian này núi núi đồ giả. Như con loan con phượng chẳng hạn, có ai trông thấy bao giờ đâu mà người ta cũng vẽ được từng cái móng cái vẩy. Không riêng các nhạc sĩ mà rất nhiều văn sĩ, thi sĩ cũng cho rằng tác phẩm của họ chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Tôi thì tôi không hoàn toàn tin như vậy đâu. Những thứ phô diễn bên ngoài là lớp hoa hòe hoa sói, là cái người ta nói cho qua lề đấy thôi chứ tận đáy lòng của mỗi người làm sao không có ít nhiều những xúc cảm chân thành nào đó ở một mức độ nào đó tùy theo mỗi cá nhân, mỗi hoàn cảnh. Những cái thật ấy phần lớn không tiện giải bày, người ta phải giấu đi như giấu của dưới đất, dằn bên trên là danh dự, là đạo đức, văn hóa, là lễ giáo thường tình. Hoặc có khi cái thật ấy rất bé nhỏ thì có người lại khuếch đại ra thêm để tuôn xả những bức bối dồn nén bên trong hoặc để đánh lừa chính mình hoặc đánh lừa thiên hạ. Thử nghĩ tại sao Bồ Tùng Linh phải viết chuyện ma, chuyện chồn? Có lẽ viết như thế thì tha hồ vung tay múa bút vì chẳng có ai vịn vào con ma, con chồn ấy để bắt bẻ ông được. Ở giữa sự huyền bí của mỗi người là những điều hết sức…huyền bí.

Nhắc đến mấy chuyện này tôi lại nhớ đến anh thầy giáo, người quen thân với gia đình tôi lâu năm. Anh và tôi chơi với nhau từ nhỏ, tuổi tác không cách biệt bao nhiêu nên chuyện đời của người này người kia biết rõ. Anh giáo trước đây lúc mới ra trường được phân công về dạy ở một tỉnh lẻ. Tỉnh nghèo, học trò nghèo, thầy giáo chỉ có cái bút máy bơm mực và chiếc xe đạp còm. Trong số học trò có một cô bé rất xinh, rất hiền, ngoan ngoãn, siêng năng. Anh giáo trẻ để ý cô, thấy thích thích, thấy sợi tơ tình như có ai búng nhẹ mà ngân hoài không dứt. Mà rồi cứ phải đắn đo. Cảnh nghèo nhà dột cột xiêu. Muốn đi cưới vợ sợ nhiều miệng ăn. Anh đắn đo mãi tới ngày con sáo đủ lông đủ cánh lách qua cái lồng bỏ ngõ thờ ơ bay mất tiêu, anh tự giận mình sao quá chừng u đục bèn bỏ nghề giáo bôn ba đi làm ăn với thiên hạ. Anh tròng tréo ra được nước ngoài, hùn hạp chỗ này, mối lái chỗ kia, mua nhà dựng cửa, cưới vợ sanh con, tiền bạc ào ào, địa vị vững chãi. Dù vậy, cái trơn tru mặt ngoài của một gia đình bề thế không lấp được hết những gập ghềnh lồi lõm trong tâm hồn anh giáo. Hình bóng cô học trò lâu lâu lại gợn lên như những rẽ nước trên mặt hồ, lúc tụ lúc tan, lúc nhiều lúc ít. Anh làm một cuộc hành trình vượt ngàn dặm đường trở về làng xưa quyết vạch bể tìm sông vạch trời tìm nắng. Cái anh giáo trắng trẻo rụt rè như con gái ngày nào bây giờ già xạm, phong trần, tóc hói leo heo. Cô học trò thì đen đúa, nhăn nheo, răng sún móm xọm, bàng hoàng bối rối không hiểu mấy chục năm xa cách ông thầy “Việt kiều” từ trên trời rớt xuống thình lình xuất hiện trước cửa nhà mình rồi hẹn mình ra nói chuyện là nói chuyện gì. Cô sốt ruột quá chừng, muốn gấp gấp quay về để còn nấu cám, nấu tương, lại thêm e ngại lỡ chồng cô đi nhậu về bắt gặp thì phiền toái lắm. Trên con đường làng sáng trăng ông thầy nói với cô cái câu mà ông dành sẵn mấy chục năm trời: “Hồi đó tôi định cưới em, mà rồi…” Cô học trò hết hồn, chưng hửng: “Thầy…Thầy nói gì? Em không hiểu.” Ông thầy ngậm tăm, chẳng thốt thêm lời nào, đờ đẫn nhìn trăng chảy lai láng trên khuôn mặt ngơ ngơ ngác ngác của cố nhân. Em không hiểu cũng phải. Ngày đó tôi chỉ mới “để ý” em, mà “để ý” là gì, là nhìn, mà chỉ nhìn lén, nhìn trộm, nhìn xéo xéo xiên xiên chớ còn chẳng dám nhìn thẳng, nói chi tới nắm tay nắm chưn hay mở miệng tỏ tình tỏ ý. Em ơi, bởi xưa anh quá thẹn thùng. Để cho con sáo đậu gần rồi bay.

Về lại bên này tôi thấy anh giáo có cái vẻ buồn buồn, hay tư lự. Anh lại tự dưng nẩy ra cái tật mới là sính làm thơ quá đỗi. Hồi nào tới giờ anh có thơ thẩn như vậy đâu. Cứ làm được bài thơ nào anh lại gởi cho… tôi đọc. Tôi bảo: “Anh ơi, anh làm thơ thì gởi cho người ta kia kìa, gởi tui làm gì.” Anh kể chuyện anh với cô học trò chấm dứt rồi. Cô ấy không muốn thư từ qua lại gì nữa, bảo không muốn nước lã mà khuấy nên hồ. Trước kia không có gì, giờ khi không mang tiếng “có gì”, oan mạng. Lơ mơ chồng cô làm giặc, rồi vợ thầy cũng không để yên, dẹp tiệm cho khỏe. Anh giáo cười méo xẹo: “Mình có mèo mỡ gì đâu. Ngóng về quá khứ cũng giống như mở một cánh cửa sổ cho hiện tại. Vậy mà cô ấy nỡ bít.” Tôi đùa: “Hay là anh mở… cửa sổ khác đi.”

Thơ của anh giáo tràn lan một chữ nhớ. Người ta đọc thơ bảo anh đã cảm tương tư nặng rồi. Anh có chối bai bải cũng không ai tin, mà nhận bừa thì thấy chông chênh thế nào. Tôi đến nhà anh chơi. Anh kéo lên cái gác xép sát nóc chuồng cu nơi có một cái cửa sổ nhỏ xíu nhìn xuống sân sau và các nhà lân cận. Anh bảo: “Ngồi đây làm thơ là số một. Nhất là những đêm sương mù dày đặc, nhìn cái gì cũng mờ mờ ảo ảo. Nhìn cành cây thấy giống dáng người, nhìn cái lá tưởng chiếc hài, vẽ vời mộng tưởng cho đỡ buồn vậy mà, chớ trời ơi, trên đời muốn có một mối tình nặng ký cỡ Kim Trọng-Thúy Kiều hay Hạng Võ-Ngu Cơ đâu phải dễ.” Trăng rọi qua cửa sổ. Cái gác chuồng cu tạo cảm giác như đang ở trong thư phòng của một anh học trò trong truyện liêu trai. Trên bàn gỗ có bài thơ chừng mới viết, tôi cầm lên đọc thử

Ai về trên cỏ
Gót vẹt đường hoa
Áo mỏng quần nhòa
Đầm đìa sương giá

Vườn ta bỏ ngõ
Em ghé vào không? 
Thẫn thờ ta đợi
Bóng nhòe bên song

Tôi có cảm tưởng dường như mình vừa vỡ lẽ ra một điều gì. Anh bạn của tôi cần một cánh cửa sổ cho đời sống hiện tại của anh ấy. Mối tình với cô học trò xa lắc xa lơ kia chỉ là cái cớ, chẳng thể gọi là tình. Nó nhẹ quá, nhỏ quá, mà lại cứ lộm cộm như hạt cát trong giày, chỉ làm tình làm tội cho vợ anh ấy. Chị có biết gì đâu, suy diễn những chuyện động trời rồi ghen tương ầm ĩ, tốn mấy hộp khăn chùi nước mắt.

Càng sống càng thấy ra nhiều sự oái oăm ở đời.

Chuyện người là vậy, còn mình?

Tôi cũng có một cánh cửa sổ riêng của mình nằm đằng sau tất cả những huyên náo, rần ì của đời thường, những hào nhoáng, se sua của thế giới xung quanh. Tôi vẫn hay một mình đứng tựa cửa ấy dõi mắt về xa. Cánh cửa mở ra cho tôi một ngôi chùa, một con đường đất, một cái ao bèo, một cây cầu ván của quê hương ngày tôi mới lớn. Trước chùa là cây đa cổ thụ buông rễ lòng thòng như những sợi thừng, sau là bãi tha ma chập chùng những ngôi mộ khuất lấp trong cỏ tranh và cây dại. Ngoại tôi nằm ở khu đất chùa đó đã ba chục năm. 

Có một lần tôi theo mẹ vào chùa thăm mộ. Tôi quét dọn, nhổ cỏ, nhúng khăn ướt lau chùi bùn đất lấm lem xung quanh ngôi mộ còn mẹ thì bày ra các thứ bông hoa, nhang đèn, gạo muối, giấy tiền vàng bạc. Một chị phụ nữ còn trẻ dắt chiếc xe đạp để dựa gốc cây, khóa cẩn thận xong xách bó nhang và mấy trái quít đến phần mộ người nằm bên cạnh. Thấy mẹ, chị mỉm cười cúi đầu chào. Trời đứng gió không một gợn mây. Những chòm mả im lìm, nhẫn nại. Một con chuồn chuồn chao xuống đậu trên nhành lá non. Chị đàn bà kia đến bên cạnh mẹ nhỏ nhẹ hỏi:
-Chị có hộp quệt không cho em mượn? Lật đật đi quên đem theo hộp quẹt.

-Có. Nè, em lấy đi. Có cần chổi, nùi giẻ gì không chị cho mượn?

-Chắc khỏi chị à. Gia đình người này đã trả tiền thuê anh coi mộ ở đây rồi. Ảnh giữ gìn cũng sạch sẽ. Em ra để thắp cho ông ấy cây nhang… cho ấm lòng.

Tôi nghe giọng mẹ có vẻ ngạc nhiên:

-Ủa, vậy người này không phải người nhà của em à?

Tần ngần một chút chị kia đáp:

-Không… Ông ấy không phải bà con họ hàng gì của em hết. Em với ổng… quen biết không lâu. Nhớ thì ra đây thăm chớ có phải giỗ quải, thanh minh gì đâu.

Mẹ tôi cởi cái nón lá ra quạt nhè nhẹ. Tôi liếc qua mộ bia của người bên cạnh. Đó là một người lớn tuổi và mất đã được 5 năm. 

Mùi nhang khói làm người ta mủi lòng. Đại đồng chung trong chùa cứ mỗi cách khoảng đều đặn lại đệm những tiếng u buồn não nuột vào cái tĩnh mịch thê lương của bãi tha ma. Mẹ sắp mấy cái bánh lá ra đĩa. Hai cây nến nhểu sáp cháy leo lét. Chị kia lột quít đem qua mời.

-Chị ăn cho vui. Đỡ khát nước.

-Cám ơn em. Lát em có vô chùa lạy Phật không?

-Chắc không. Em còn phải về. Nhà xa lắm…

-Nhà đâu lận?

Tôi chẳng nhớ gì nhiều trong những câu chuyện trò vớ vẩn. Quít hơi chua làm tôi nhăn mặt. Tôi nhớ vậy thôi. Lát sau tôi nghe mẹ nói:

-Em có lòng quá. Chắc em thương ông ấy lắm phải không?

Chị đưa tay quệt mồ hôi trên trán, ánh mắt đượm buồn.

-Em với ổng… có gì đâu. Chẳng qua cái tình tri ngộ. Em đi nuôi thằng em nằm nhà thương, tình cờ gặp ổng. Thấy ổng đơn chiếc em tội nghiệp. Mấy cô y tá tưởng em là người nhà của ổng nên nhờ em chăm sóc đỡ đần ổng. Lúc ổng chết không có ai bên cạnh, chính em vuốt mắt cho ổng rồi đưa ổng xuống nhà xác. Hai ngày sau con cháu ổng mới vô. 

-Chắc ổng thương em lắm nên về chứng giám đó. Em coi cây nhang cháy cong vòng kìa. Nhang cháy mà cái tàn không rớt xuống là người ta về đó em à. Em qua vái ổng đi.

Chị kia quay lại. Tôi thấy mắt chị mở lớn, nhìn sững. Chị đến trước mộ bia, quì xuống, chắp tay lầm thầm. Những đầu nhang cháy đỏ lập lòe. Một hơi gió nhẹ lùa vào đám cỏ gà khiến chúng lảo đảo, oằn xuống, những đầu bông trắng mịn li ti bung vãi ra rớt đầy chân mộ xong dồn lại bay tấp vào trong bụi sau cơn gió khác. Van vái xong chị còn đến nắm chặt tay mẹ hỏi lần nữa, giọng run run:

-Chị. Có thiệt người ta về không chị?

Mẹ tôi nói chắc như mười ăn một:

-Thiệt chớ còn không thiệt. Nhang cháy mà cái tàn cong vòng không rớt xuống là người ta về đó. Em không biết sao?

Tôi chẳng biết điều mẹ tôi nói có đúng không nhưng sắc mặt người phụ nữ kia bừng lên nét mừng rỡ cảm động. Chị ta lắp bắp:

-Cám ơn chị. Cám ơn chị.

Mẹ tôi cười:

-Ơn gì?

Chị khom xuống mở khóa xe đạp, nói như líu cả lưỡi:

-Chị biết không, hồi nãy em quẹo vô cua này nè, xém nữa bị xe lam tông. Chắc nhờ ổng phù hộ. Không là chết rồi.

Chiếc xe đạp sút sên, chị phải ngồi xuống gắn lại xong chùi hai tay dơ vào cỏ. Rồi chị ngoảnh lại nhìn mẹ và tôi cười thêm lần nữa. Chiếc xe đạp lọc xọc, nhập nhòa len qua lách lại giữa những chòm mả, rẽ vào con đường đất rợp dưới những tàn cây ô môi sau khuất hẳn về phía bên kia của cổng tam quan có những Hán tự sơn màu đỏ. Tôi giúp mẹ thu dọn đồ đạc ra về. Nhang đã rụi hẳn trong bình hương của người bên cạnh, để lại những cái chân tre lạnh lẽo xám đen ở một đầu. Tôi tự nhủ: “Chắc người khuất mặt ấy đã đi rồi” và nhớ tới cái câu chị ấy nói. “Em với ổng… có gì đâu. Chẳng qua cái tình tri ngộ.” Trên đời này có khoảng tình tri ngộ nào đậm đà như thế không?

Ngày đó tôi chỉ nhìn thấy sự huyền bí nằm ở những cái tàn nhang không gãy. Sau này lớn lên tôi hiểu là sự huyền bí không nằm ở đó. Đã có những ẩn tình gì được giấu che dưới cái gọi là tình-tri-ngộ theo lời kể sơ sài của người con gái đó và đủ mạnh để người ta vói qua được cả bức tường âm dương cách trở? Dĩ nhiên tôi làm sao biết được, tôi chỉ thấy phảng phất một cái gì rất sâu xa, nặng trĩu trong ánh mắt của người kể. Sợi dây nối mỏng manh giữa tôi và câu chuyện ấy cũng vì một lẽ huyền bí nào mà chẳng bao giờ đứt. Tôi nắm một đầu, câu chuyện kia một đầu, cứ thế, trôi dài qua bao nhiêu xao động, dập vùi… 

Hai chục năm sau tôi trở về chùa xưa thăm mộ ngoại. Người nằm cạnh bên đã được cải táng đi nơi nào không rõ. Chỗ bên ấy là đám cỏ hoang khô cháy lẫn lộn đất cát xà bần, được cắm cọc, giăng dây, đã bán lại cho người khác. Hoa mười giờ tím rịm, lang thang, rập rờn khắp bãi tha ma. Một người đàn ông gầy khô, đội mũ lưỡi trai xoay ngược cầm vòi nước và cái bàn chải chùi rửa cho ngôi mộ gần đó, chẳng buồn ngó ai. Tôi đứng lặng, bần thần. Tiếng đại đồng chung vọng ra từng hồi, u ẩn. Thằng bé trong chùa chạy ra bảo sư thầy mời cô khi nào cúng xong thì vào chùa dùng bữa cơm chay. Tôi mỉm cười gật đầu, vái ngoại tôi ba vái rồi theo chân thằng bé đi về phía trai đường. 


Cao Thanh Phương Nghi
2/2011 


(*) Trích Wikipedia về nhạc sĩ Hoàng Quý
(**) Nhan đề “Ở giữa sự huyền bí của mỗi người” mượn từ một câu thơ của Hoàng Ngọc Biên