Những ngày cuối năm, người ta bắt đầu sửa sang lại bệnh xá. Đám lính đã thay phiên quét vôi mới trên các vách tường loang lổ, cũ kỹ của trại. Họ chùi lau các ô cửa sổ, quét dọn con đường, sân trại và đốn ngã một gốc cổ thụ to lớn bên cạnh nhà vĩnh biệt. Một vẻ gì mới mẻ và tươi mát đã trở về trên những mái ngói của khu điều trị sĩ quan, trại nội thương số 2, hoặc những mái tôn của trại binh sĩ. Trong thinh không, nắng mới mang theo hơi ấm. Bầu trời thật xanh, và mây trắng là đà rất thấp, dễ chừng chạm vào đỉnh những cây cổ thụ đầy bóng lá.
Đây là lần thứ hai tôi trở lại khu bệnh xá này. Chiếc xe ambulance cũ kỹ, nệm xe tơi tả, trần xe bám đầy bụi đỏ, hú còi mang tôi vào cổng đầy hoa sứ ấy. Tôi lại bắt đầu làm bạn cùng cái giường sắt kê bên vách trại, cái mùng cũ, tấm mền, tấm drap xa xưa. Có một điều gì quá xúc động đang chiếm lấy tôi, khi tôi đứng trên bực thềm trại cũ trong một buổi sáng mai rét buốt này. Tôi đang nhìn lại những ngày tháng cũ, như tìm ở đấy một sự dung thân tội nghiệp của đời tôi. Có phải, cuối cùng, tôi chỉ còn có nó, để giúp đỡ tôi trong những ngày quá sức bão bùng. Người bạn yêu dấu của đời tôi. Vậy tôi phải thú thật, người bạn quá thân mến ấy, đã giúp cho tôi quên đi những phiền muộn, những lo âu, những toan tính, sửa soạn ở bên ngoài. Có ai hiểu lòng tôi không? Có ai nhìn con tim tôi đang mềm yếu đấy không?
Đây là lần thứ hai, tôi được sống bằng những ngày tuyệt vời nhất của tuổi trẻ. Bom đạn, hận thù, lệch lạc, tôi đã bỏ quên ở ngoài hàng rào dây kẽm. Bây giờ, thế giới của tôi, tôi đang thu nhỏ lại trong cõi cô đơn. Tôi và cái giường sắt quen thuộc, tôi và tấm chăn ấp ủ suốt ngày. Tôi và những ngày trôi qua, với những nỗi quên lãng…
Trại bệnh vàng tươi dưới ánh nắng đầu ngày. Tôi rảo mắt nhìn căn phòng điều trị cũ, để tìm một gương mặt quen thuộc. Các giường sắt đang nằm song song với nhau. Các tấm nệm được cuốn lên tự lúc nào. Các mùng gối đã mang đi đâu hết. Chỉ còn vài người co ro trong bộ đồ xanh nằm trên giường, đang nhìn một kẻ lạ. Thật sự, tôi đã xúc động vô chừng. Tôi liên tưởng đến một ngày ngưng tiếng súng đã sắp kề. Ngày hòa bình đã sắp đến. Tôi nghĩ rằng, chỉ có tôi là một kẻ cuối cùng đến với trại bệnh này mà thôi. Vâng, ở những chiếc giường sắt trống trơn ấy, là một biểu tượng của một cuộc chiến gần tàn hay sao ? Là hình ảnh của một chiến trường lắng dịu hay sao? Là kết quả trung thực nhất, mà báo chí, lãnh tụ đã tiên đoán trong những ngày gần đây hay sao?
Tôi đang đứng giữa một căn phòng bệnh xá. Ngày nào, cũng những cái giường này, những người thương binh từ mặt trận trở về, tay chân bó bột, mắt mù, tai điếc đang mếu máo rên rỉ. Ngày nào, những đôi mắt tột cùng đau đớn, đang đẫm lệ nhìn lên trần nhà xám xịt, hòa lẫn những tiếng khóc thương của một kẻ vừa lên bàn mổ. Vâng, ngày nào, tai tôi còn nghe rõ, tiếng cha ơi, mẹ ơi, của một người thương binh trẻ, tiếng kêu đau đớn trong đêm tối, em ơi, vợ ơi… Ngày nào, cái thế giới của xanh xao, bệnh hoạn, của khấp khểnh, của tàn ta, buồn như một chiếc xe quen đưa người về nghĩa địa. Bây giờ, thế giới ấy đã không còn nữa…Nếu có, chỉ vài ba con bệnh sốt rét, nước da tái mét đang nằm bất động trên tấm drap chờ ngày xuất viện mà thôi.
Phải hòa bình đã đến rồi không ? Phải cái giờ phút quá chừng tuyệt vời, quá mức linh thiêng ấy đã đến rồi chăng…Cớ sao tôi đang chờ đợi nó, mỏi mòn suốt ngày trên giường bệnh. Thật sự tôi đã quá chừng mềm yếu. Tôi mong bệnh sẽ tiếp tục hành hạ. Tôi mong phổi tôi sẽ phải nám. Tôi mong mắt tôi sẽ phải nặng thêm một hai độ, tai tôi sẽ phải điếc… Rồi, sẽ trở về một cách thật bình an. Trưa nay, tôi đang nằm trên giường bệnh với bao ý nghĩ trong đầu. Nhiều lúc, tôi ngỡ tôi là một quan tài cũng nên. Tôi đang trải con tim tôi cùng cõi lòng của khu bệnh xá. Trong bốn vách tường hình chữ nhật, vàng nhạt uế mầu, có những người đến và ra đi… Tôi nằm lắng tai nghe nỗi mỏi mòn rã rời lăn đi như một bánh xe trên con đường vô định. Giờ này, người yêu dấu của tôi đang ở mãi dưới một đồng bằng châu thổ. Giờ này, nàng đang trở lại căn phòng làm việc cũ của nàng, với những chồng hồ sơ, với những trang đánh máy lỡ dở. Rồi chốc nữa, nàng sẽ về lại nhà, trước tiên nhìn căn phòng, để xem cửa sổ có mở. Nàng vẫn hy vọng một ngày bất chợt tôi trở về để mở cánh cửa đã đóng từ lâu. Tội nghiệp cho nàng. Còn tôi, giờ này, đang ở mãi một nơi cao nhất của xứ sở, của lạnh lùng, của gió vu vu, của mưa thét gào…Một người bạn đã viết về tôi : rồi hắn sẽ bắt đầu chôn chân vào một lao tù mới. Ơû đâu cũng là một bãi sình.
Vẫn con cừu già quen thuộc. Vẫn bộ lông dày cộm rủ xuống tận đất, đầy nhơ bẩn. Nó đã có mặt tại khu bệnh xá này từ bao giờ, nó vẫn kéo dài cuộc sống thật lẻ loi, tội nghiệp, thật mệt mỏi. Một con súc vật quá sức cô độc, chẳng khác một cái bóng mờ ảm đạm. Nó nằm ngủ bên hiên trại. Nó vất vơ trong khu nhà bếp. Nó đứng ủ rủ tránh cơn mưa đang giận dữ thét gào. Nó nặng nề khốn khổ mang bộ lông dày như một chiếc mai tự vạn kiếp. Nó vẫn hiện hữu; khi trong trại bệnh này, biết bao kẻ đến và đi… Nó chẳng khác một ông già trơ trọi nhất trần gian, kéo dài cuộc đời tăm tối.
Trước mặt tôi, con cừu già nua ấy đang nằm trên sàn đất đỏ sưởi nắng. Ngày hôm nay, trời trở ấm sau những ngày rét mướt lạ lùng. Căn phòng bệnh xá được tô điểm lại, chắc để đón mừng năm mới hoặc một phái đoàn cao cấp nào đó. Con cừu già, miệng nhai chậm chạp, đôi mắt lờ đờ nhìn những bóng thương bệnh binh chập chờn qua lại. Bên cạnh tôi, một vài thương binh trong bộ đồ xanh đang chơi cờ tướng. Họ bị sốt rét hành. Họ đã kể với tôi về những đơn vị bị chứng bệnh trên (…). Sốt rét ỏ vùng cao nguyên này có tiếng là ghê khiếp. Người bạn cùng phòng đã kể :
- Cậu hãy tưởng tượng một thằng như tôi, uống nước bao giờ cũng đun sôi, cũng bỏ thuốc lọc, thế mà cũng bị sốt rét…
Tiếng người bạn khác chen vào, pha trò.
- Thì vào nhà thương, thì đợi hòa bình…
- (…)
Vâng, cái ảo ảnh quyến rũ ấy, đã đến với chúng tôi như một chất ma túy. Thí dụ, buổi tối hôm nay, đài Luân Đôn, đài Hà Nội, đài Bắc Kinh, đài Sài Gòn, đã trịnh trọng đọc một bản tin quan trọng nhất trong những bản tin thời sự thế giới: Hai phe lâm chiến đã ý thức được sự tồn vong của dân tộc, đã đồng ý ngưng chiến kể từ ngày…Hòa bình đã về, sau hơn hai mươi lăm năm chiến tranh phi lý… Oâi, nếu đêm hôm nay, tiếng nói ấy như một lời thánh thần ban xuống giữa cõi tối tăm của bệnh xá này… Tôi đang lịm trong giấc mộng tuyệt vời ấy. Tôi đang muốn chết đi trong nỗi sung sướng điên cuồng ấy. Rồi, tôi và lũ bạn ở trong trại bệnh, sẽ dắt dìu nhau, kẻ chống nạng, kẻ băng bó đầy mình, kẻ tóc râu như con dã thú, kẻ xanh xao, ốm yếu, như một tên nghiện thuốc phiện… Chúng tôi sẽ mở cánh cửa sắt của thế giới này, trải con tim thật nhạy cảm cùng nhân loại, để làm một cuộc duyệt binh vĩ đại cùng những người đang lâm chiến. Họ ở Trường Sơn xuống, Hạ Lào qua, Cao Mên lại. Họ từ muôn nơi tụ họp lại, cùng bắt tay nhau, cùng chúc mừng nhau, cùng nghẹn ngào chào nhau. Hà Nội gặp Sài Gòn. Quảng Bình gặp Quảng Trị. Huế gặp Vinh, những thành phố miền Bắc sẽ phải thắp đèn lên, để chào mừng những ngọn đèn của miền Nam. Rồi tôi sẽ theo con tàu suốt đầu tiên, thở khói than hầm, rúc hồi còi cao ngất để về lại quê nội của tôi. Ba tôi sẽ phải chống gậy chỉ đường ngôi mộ nội ngoại tôi, cái nền đất của ngôi nhà yêu dấu của chúng tôi…Thành phố Quảng Bình quê hương ta ơi. Tiếng hát ấy sẽ không còn tiếng hát của hận thù, của nước mắt, của bom đạn, nhưng là tiếng hát của một thành phố đang mở rộng cánh cổng đón mừng những đứa con lưu lạc trở về thăm quê cũ.
Một cơn gió lạnh thổi qua, tái tê da thịt, tôi khẽ rùng mình, và bàng hoàng đánh rơi cơn mộng. Trước mặt tôi, cách xa một hàng rào dây kẽm, một sự tấp nập hiện ra. Thì ra một phái đoàn ngoại quốc đang đến trại tù thương binh trong quân y viện. Có lẽ họ đang điều tra, hoặc đang thăm hỏi hai tên thương binh BV. Cụt chân. Tôi đứng dậy, tiến về phía khu trại tù binh. Tôi lấp ló ở ngoài sân. Hình như, hai người tù binh trước, lần tôi vào bệnh xá đầu tiên, đã đi đâu. Bây giờ, là hai người mới. Một tên bị cưa chân phải. Một tên thì băng bột cả hai chân. Cả hai đang nằm trên giường sắt. Đám người ngoại quốc bu quanh. Họ chắc hỏi về sự ước muốn trở lại quê hương của hai người tù thương binh kia. Tôi thấy hai người tù lắc đầu.(…)
Tôi đang tự hỏi, phân tích, suy luận về trường hợp hai người tù binh trong trại bệnh này. Tôi cố tìm trên gương mặt ấy, một cái gì biểu lộ một mối thù địch, ác ôn. Nhưng không, tôi chỉ thấy một đôi mắt thật buồn bã, trên gương mặt vô cùng chất phác bị may vá chằng chịt. Đôi mắt ấy, tôi nhận thấy ở bên trong những ô lưới sắt. Màu hoàng hôn le lói trên khung cửa. Nắng chiều còn sót lại, đọng thành từng mảng nhỏ trên gương mặt hắn. Hắn đang đứng nhìn tôi. Tự nhiên tôi muốn mời hắn một điếu thuốc. Tôi muốn bày tỏ sự thân thích vô hình giữa tôi và hắn. Giữa những con người bất hạnh như nhau, giữa những tên thanh niên sinh ra trong một thế kỷ đen tối. Tôi muốn hỏi rõ cùng hắn: Tại sao hắn lại không muốn trở về quê hương, xứ sở. Tại sao hắn lại ở lại để chịu đựng cái kiếp tù tội muôn đời ? Tại sao hắn lại bỏ quê hương hắn, trong lúc hắn trở nên một kẻ anh hùng… Tôi nói trường hợp ấy cho người bạn tôi cùng phòng. Người bạn cụt một chân, trong một buổi chiều chớm lạnh.
Chúng tôi co rúm trong áo ấm. Điếu thuốc mời nhau và gương mặt của bạn tôi chìm sâu trong màu sắc tàn úa của một ngày.
- Bạn nghĩ, tại sao họ lại không chịu trở về ? Tôi nhắc lại một bản thông báo cũ của chính phủ, nói lên một thắng lợi lớn về chính sách tuyên truyền.
- Chính phủ đã có lần nói rằng hơn chính mươi trong số một trăm tù binh tàn phế đã không chịu trở về miền Bắc…Bạn chắc đã nghe .
- Vâng , tôi đã nghe. Nhưng tôi muốn nói một điều : Không ai muốn trở thành anh hùng với cái chân, tay đã cụt, đã cưa đâu…(…)
Rồi bạn kể thêm.
- Ngay chính trong bệnh xá này, có những thương binh không dám cho gia đình hay tin mình bị thương. Họ sợ những giọt nước mắt của kẻ còn lại. Họ sợ trở về trước cổng nhà với hai chân đã cụt.
- Vâng , chúng ta đâu có sống cho chính chúng ta. Mà còn rất nhiều sự liên hệ xung quanh chúng ta nữa. Chúng ta không phải sợ hãi, đau đớn cho chính bản thân, nhưng chúng ta sợ bà mẹ, người cha thức trắng hằng đêm, cầu nguyện hằng bữa. Chúng ta sợ những giọt nước mắt của vợ, cái kiếp hẩm hiu, đáng thương của con chúng ta.
Tôi nghĩ đến một người yêu dấu. Tôi muốn thầm thì cùng nàng về những giọt nước mắt trong đêm cuối cùng. Có phải những giọt lệ lăn dài trên hai gò má xanh xao của nàng như là một biểu tượng của một người cô phụ não nùng. Bây giờ, nàng ở thật xa, và tôi, cũng thật xa. Nàng làm sao biết, bây giờ tôi đang lưu thân giữa một cõi hiu quạnh quá chừng. Nàng làm sao biết tôi đang kéo dài những ngày chờ đợi mỏi mòn thế này.
Lại kể về một con ma bên kia nhà xác. Vị bác sĩ trưởng trại đã nhắc đến những điều mà khi bệnh nhân trong bệnh xá đã gặp phải. Một con ma thiếu nữ tên là Thúy Sương, đã về khóc lóc trong giấc mơ của hai người bạn. Kết qủa, đêm nào hai người đều bị xuất tinh dầm dề. Nàng đã bị chết thảm trong một vụ nổ lựu đạn cách đây không lâu. Đêm ấy, người bạn tôi không dám ngủ ở giường cũ nữa.
Sáng mai, tôi và hai nguời tù binh được xe ambulance tải lên phòng ngoại thương để y sĩ khám bệnh. Tôi ngồi cạnh một người tù binh cụt chân. Dưới sàn xe, người tu øbinh trẻ nằm trên băng ca. Hồ sơ bệnh lý đề tên Nguyễn Thế Vinh, sinh quán tại Quảng Bình. Quảng Bình, quê nội tôi đó, và một người con của quê hương tôi đang nằm trước mặt tôi đây. Quảng Bình, thành phố quê hương ta ơi…Tôi phải nói làm sao để nói người bạn cùng chung một chuyến xe bệnh viện, cùng đồng một số phận, về một tình cảm bất chợt gặp lại trên gương mặt trẻ măng, tái xanh và hao gầy của hắn. Tôi muốn nghe hắn kể lại những gì đã xảy ra trên thành phố bên kia vĩ tuyến, một thành phố như sương như khói, một nơi chốn mà ba tôi ao ước trước khi nằm xuống, được trở về. Người vẫn thường nhắc đến những con mực nang thịt mềm và thơm, những con sò biển ngọt lịm, mùi nước mắm nồng nàn… Người thường nhắc đến, hàng năm, vào ngày giỗ ông nội tôi, về những ngôi mộ không ai dọn cỏ… Tôi ao ước được nghe hắn kể những tai ương kinh hoàng đổ xuống thành phố, sau những trận mưa bom oanh tạc liên miên…Nhưng tôi ấp úng không nói được một lời. Có một sợi dây vô hình ngăn chia tôi và hắn. Hắn nghĩ gì khi nhìn tôi ? Hắn nghĩ gì khi liên tưởng đến số phận của hắn ? Tôi đốt thuốc, mời tên tù binh cụt chân. Tên này lặng lẽ cầm, lặng lẽ gật đầu rồi nhìn mông lung ra ngoài khung xe lộng gió. Tôi biết làm gì hơn.
Một ngày cuối năm trở về trên bệnh xá. Một ngày buồn ghê gớm cho những kẻ không nhà, không một thân nhân. Tôi đang ngồi trên một thân cây đổ. Hoàng hôn về đem theo hơi lạnh đến sớm. Những con chim mùa xuân đang bay vờn trên bãi cỏ. Gió rì rào trên khóm lá xoan. Lũ bạn tôi vẫn ngồi bất động. Không ai nói lên một lời. Đằng sau tôi, phía trại tù binh, một tên tù binh đang đứng nhìn ra sân. Phía bên hàng rào, nhà xác đang vang lên nức nở tiếng khóc của một người đàn bà. Một người thương binh xanh xao đang cúi đầu lặng lẽ đi trên con đường đất đỏ. Hắn đang cầm một bó hoa huệ đi cắm trước bàn thờ. Một người Thượng đang kéo ống quần xanh lên, mân mê vết sẹo. Còn tôi, tôi đang mơ đến một nơi trở về, khi ngưng tiếng súng.
Sáng mai, tôi lên xe cùng hai người tù binh. Chúng tôi được di chuyển lên phòng ngoại thương để khám một lần cuối./.
Trần Hoài Thư
Giới thiệu của nhà văn Mai Thảo
(tạp chí Văn ngày 1-3-1972)
Trong cái số rất đông những nhà văn trẻ, những người viết mới của chúng ta hiện nay, cái số rất ít những người nổi bật lên, đã đích thực nhẩy qua hoặc né thoát được vũng lầy văn chương đồng phục, là những người đã tìm được cho mình một thái độ lên đường tốt và đúng. Tôi muốn nói đến cái thái độ trầm tĩnh của người lữ hành nhận thức được con đường gai lửa, nên thận trọng trong từng bước tiến. Bởi vì muốn đi tới, còn muốn đi xa. Từ mấy năm nay, theo dõi những bước chân Trần Hoài Thư trong cõi văn chương sáng tác đặc thù của những người viết trẻ, viết dưới bóng cờ, viết bên súng trận, tôi vui mừng nhìn thấy sự trầm tĩnh đó ở Trần Hoài Thư, một Trần Hoài Thư mà hào quang chưa sáng chói bây giờ, nhưng tôi tin sau này, không lâu, là nhà văn trẻ có điều kiện hoàn thành được những tác phẩm có kích thước, có trọng lượng. Nhiều người viết trẻ của chúng ta, sai lạc và nhầm lẫn trong nhiệt tình phóng lớn, đã ném những cái nhìn trợn tròn, căng thẳng vào đời sống, thời thế, đất nước và tuổi trẻ của mình. Để chẳng thấy gì hết. Hoặc chỉ thấy khẩu hiệu chỉ thấy giáo điều. Họ không bắt gặp được văn chương. Bởi văn chương là những biển trời phía khác. Phía tôi nhìn thấy cho Trần Hoài Thư, là cái phía của những người trẻ tuổi đặt sống thành suy nghĩ, tự thành trong cô đơn một đời, xuôi chảy thuận dòng theo đồng hành và thế hệ, nhưng vẫn bảo toàn nghiêm mật được cá nhân mình. Vì biết sống và viết cách nào cũng phải bắt nguồn tự đó.
Điểm xuất phát vào hòa nhập với toàn thể ở Trần Hoài Thư do đó là chính Trần Hoài Thư. Truyện ngắn Bệnh Xá Cuối Năm sau đây của anh là một minh chứng. Khung cảnh và không khí của một bệnh xá trong những ngày cuối năm, là nơi người lính trẻ bị thương trong đoản thiên Trần Hoài Thư khôi phục lại được con người, cá nhân mình. Người lính trẻ ở đây thể xác còn hư nhược, tâm thần còn giao động, tư tưởng còn hoài nghi. Nhưng không hề gì. Chiều hướng sống của nhân vật trong sáng tác vẫn là từ một trạng thái mê thiếp bàng hoàng đang dần dần hồi tỉnh. Vẫn là cái chết đã qua, đời sống gặp lại. Và thấy. Và nhìn. Dẫu còn bằng một tròng mắt mỏi, từ một xe lăn, từ một bàn mổ, từ một giường bệnh. Người đọc có thể chê trách người lính bệnh của Trần Hoài Thư trong Bệnh Xá Cuối Năm đã đề cập tới những chủ đề lớn lao như chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước, đoàn viên và thương yêu hai miền, bằng một tâm hồn quá đơn giản, thơ ngây. Người lính của chúng ta hiền quá. Hiền thật. Làm thế nào được. Dân tộc ta hiền, mãi mãi hiền, mặc dù đã hai mươi năm lâm trận. Cái tính hiền đó được biểu hiện cùng khắp trong những truyện ngắn về tiền đồn, về mặt trận, của Trần Hoài Thư, mà Bệnh Xá Cuối Năm là một.
Mai Thảo