có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Ba, tháng 5 04, 2010

Hoàng Trúc Ly, thơ của người tìm kiếm



Thi ca, với nhiều người làm thơ, là cả một hành trình tìm kiếm. Mục đích của hành trình ấy là gì, có lẽ câu trả lời không phải đơn giản chỉ một vài câu vài ý là đủ. Hành trình ấy với đích nhắm đến là chân thiện mỹ là một chặng đường dài có khi suốt cả đời người. Tận nhân lực chưa đủ, còn cần có mộ cái duyên nữa. Đôi khi, làm hết sức mình nhưng chưa thể đến đích, nếu không có sự may mắn. Thí dụ có những giây phút bất ngờ xuất thần nẩy ra những ý tưởng và ngôn ngữ mà có nhiều người cho rằng “bắt được của trời“. Theo tôi nghĩ, trong cảm quan riêng mình, Hoàng Trúc Ly đã có những câu thơ xuất thần như thế, và người đọc thơ, sẽ có những ấn tượng khó mờ phai. 

Nằm mộng thấy nữ sinh

Ta từ giấc mộng bước gần em
Đường phố đầy trăng hay mặt trời chìm
Ô hay con gái bay nhiều quá
Hai cánh tay mềm như cánh chim

Như cuống của hoa, như cội của cành
Em, đến bao giờ là em của anh
Thôi đã vô cùng cô liêu bóng cả
Như chim xa rừng tội nghiệp rừng xanh

Tuyệt mù giấc mộng mỏng như sương
Vai áo hào hoa tê tê bụi đường
Ra đi ta đắp lên sông núi
Trời rộng sông dài nỗi nhớ thương

Hoàng Trúc Ly

Thơ Hoàng Trúc Ly trầm lặng, ngôn ngữ đơn giản tỏ ra ông ít dụng công về kỹ thuật ngữ nghĩa. Nhưng trong cách diễn tả có sự gạn lọc từ hình ảnh đến ý nghĩa để câu thơ có cấu trúc riêng và có phong vị riêng.

Nhà văn Hồ Nam trong “100 khuôn mặt văn nghệ sĩ” có đề cập đến Hoàng Trúc Ly: 


“.. Theo lời Trần Tuấn Kiệt thì Hoàng Trúc Ly làm nhiều thơ lắm có cả vạn bài nhưng số thơ còn lại chẳng bao nhiêu và số được người đời lưu truyền cũng quá ít, nhưng bài nào cũng hay cả nếu không muốn nói là tuyệt vời nhất là những bài thơ lục bát rất “cách tân” mới từ âm thanh tới ngôn ngữ, nhất al phương diện ngôn ngữ..”

Có một bài thơ lục bát của Hoàng Trúc Ly được truyền tụng mà nhiều người cho rằng ông làm để tỏ lòng ái mộ với một ca sĩ (mà người đời truyền tụng là Thanh Thúy hay Hà Thanh). Bài thơ chữ nghĩa giản dị nhưng lại tạo được cảm giác sâu lắng cho người đọc :

“Từ em tiếng hát lên trời
tay xao dòng tóc tay mời âm thanh 
sợi buồn chẻ xuống lòng anh
lắng nghe da thịt tan tành xưa sau 
Trời em tiếng hát lên từ
Âm ba tóc rối lững lờ vòng tay
Ao dài lùa nắng vào mây
Dấu chân hồng nhạn rụng đầy gió sương“

Theo tôi, phải nói là một bài thơ hay. Hình ảnh và ngôn ngữ có chất bàng bạc sương khói nhưng cũng tạo được cảm giác của những giây thần kinh xao xuyến và rung động trong tột độ căng cứng. Bờ tóc xõa được ví với những sợi buồn “chẻ xuống lòng anh” hay tà lụa ”áo dài lùa nắng vào mây” là những câu tuyệt bút. Động từ “chẻ “ hay “lùa“ đã gây cảm giác mạnh và chủ động cho câu thơ. Và, tôi khi đọc bài thơ trên đã cảm thấy như có những bài hát và những nốt lặng âm thanh ngân nga trong lòng. Tôi nghĩ thơ mà giải nghĩa hay chú thích là một điều bất khả nên tôi chỉ nói một cách thành thực suy nghĩ của mình. Vẽ rắn thêm chân không thể làm cho rắn bò trong tranh được…

Một bài lục bát khác, cũng rất Hoàng Trúc Ly biểu lộ cái đời sống lãng tử mua buồn, bán vui chung thân của một người giàu cảm lụy :

“Tôi ơi tôi mãi tôi còn
trái tim bé nhỏ nỗi buồn chung thân 
nhớ gì vết cỏ bàn chân
lối đi thơ dại đêm gần tịch liêu“ 

Nhà phê bình Uyên Thao trong “Thơ Việt hiện đại 1900-1960” có một nhận định về một thời kỳ thi ca viết:

“... Hợp với Hoàng Trúc Ly, Tô Thùy Yên, Chế Vũ, Nguyên Sa, Quách Thoại đã lập thành một bộ “ngũ cường" (theo danh từ chính trị) của thi đàn Việt Nam hiện đại. Bộ năm này đã phản ánh thật đầy đủ thực trạng xã hội hôm nay, mặc dù họ làm thơ siêu hình, họ làm thơ triết luận (Hoàng Trúc Ly, Tô Thùy Yên, Quách Thoại ) hay họ thiên sang tình ái (Nguyên sa, Chế Vũ). Đa số các thi bản của họ là những bức tranh linh hoạt với những nét vẽ đậm, táo bạo, những màu sắc gay gắt..”


Trở lại với thời kỳ mà thi ca có những phát triển mạnh mẽ với phong trào làm mới cách tân, thì quả là so với những năm tháng trước đã có sự thay đổi trông thấy. Thơ tự do mặc dù có những sự dè bỉu chống phá nhưng đã tạo được sự bứt phá ra khỏi vòng cương tỏa của vần điệu. Những kiện tướng như Thanh Tâm Tuyền, Quách Thoại,… của thơ không vần hay thơ bảy chữ tám chữ nhưng không câu nệ đến vần điệu nhiều mà chú ý đến hình ảnh, ý tưởng của Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn,, so với những thi nhân của thời thơ mới có nhiều mới mẻ từ ngôn từ đến kết cấu. Với Hoàng Trúc Ly, dường như ông ít để ý thể loại mà hay chú trọng đến ngữ nghĩa được chuyên chở trong thơ. Ông lẳng lặng làm thơ, âm thầm suy tưởng trong phong cách riêng mình để tạo thành một thế giới mà những dằn vặt, những băn khoăn, những ẩn ức của một thời đại mà ông đang sống, trong một xã hội mà sự đổi thay cũng như mức độ tàn phá đến độ ghê gớm của một đất nước đang chiến tranh. 

Nét chung mang của một thời đại thi nhân là những phản ứng trước biến động lịch sử. Từ hoàn cảnh riêng mình, họ soi gương vào chính đời sống của họ và chính từ những nét riêng tư ấy tạo thành bản sắc riêng cho mình. Thơ, có khi là một phần đời sống, một phần tâm tư với dấu ấn nặng nề của chiến tranh. Viên Mai, một thi nhân đời Thanh trong Tùy Viên Thi Thoại có viết ”Tác thi, bất khả dĩ vô ngã” (làm thơ thì không thể không có cái Tôi). Bởi vì nếu không có cái tôi trong thơ thì sẽ bị cái tệ nạn cóp nhặt phô diễn. Người sau có thể hiểu cái “ngã“ là cái nét đặc sắc của riêng mình nhưng cũng có thể hiểu là chính đời sống tư riêng, hay cái cảm quan chủ động, hay cái xương thịt não tủy của riêng. Cái tôi của Hoàng Trúc Ly trong thơ có cái bềnh bồng của một người lãng tử, sống trong cõi mộng và làm thơ để phát tiết ra những ẩn ức dằn vặt trong tâm:

”Những người xưa đi rồi không về nữa
một mình anh gặp lại một mình em
chiều lửng lơ nghe nắng rụng bên thềm
em cúi mặt mắt buồn ươn ướt đỏ.
Nhà anh nghèo anh đau tim anh yếu phổi
đời anh lạnh lùng bốn hướng gió và mưa
ta lạc nhau từ em còn bé nhỏ
anh thương em câm nín đến bao giờ
bởi vì đâu da em xanh giá rét
nắng rưng vàng lên mái tóc mồ côi
ngày giặc giã quê hương mình mỏi mệt
mười năm qua hình ảnh có ngậm ngùi
Nhà anh nghèo anh đau tim anh yếu phổi
Em bồng bềnh anh phiêu lãng về đâu
Không dĩ vãng cho đêm dài đợi sáng
Không mai sau cho nước chảy qua cầu
Em bảo anh người đi không trở lại
Nấm mồ ai như giọt lệ chưa tan 
Ngọn gió nào mang anh vào mộng mị
Em giang hồ làm tiếng hát lang thang
Ta đến bên nhau sao chùng bước mỏi
Lời sắp xé môi sao bỗng nghẹn lời
Anh nhớ em núi cao càng hiu hắt
Anh thương em : máu vọt bốn phương trời...”

Bài thơ hay nhưng buồn quá. Dường như có một điều gì áy náy của những bất hạnh đang chực chờ đến gần. Cuộc đời thi sĩ như từ một linh cảm không hay. Sau cuộc đổi đời năm 1975, sống liên tục trong nghèo đói và chết vì bịnh lao phổi trong cái sinh kế quá nhọc nhằn. Ông sinh năm 1933 và mất năm 1983 khi vừa 50 tuổi. Cái tuổi thọ ngắn ngủi của một cuộc sống thất cơ lỡ vận, nghèo túng và bất đắc chí “Nhà anh nghèo anh đau tim anh yếu phổi” câu thơ như một tiền định của mệnh số, như một tiếng than, trầm lắng. Qúa khứ thì lang thang, tương lai thì mù mịt và “Tôi“ và “Em“ chia tay nhau trong nỗi ngậm ngùi. Thơ là những dòng máu vọt ra từ cõi lòng thổn thức hay chính là máu tươi của hai lá phổi bị ruỗng nát bởi những dày vò nghèo túng.

Thơ Hoàng Trúc Ly đầy những tan vỡ và chia xa. Ông nghĩ về cái chết, về một ngày sẽ ra đi dời bỏ cuộc đời này. Ông tưởng tượng đến những cơn địa chấn thay đổi cả thiên nhiên, của một ngày trở về của mình. Vĩnh Biệt:

“Rồi mai khởi sự xa đời
Chuyến xe trăm tuổi đưa người nghìn năm
trăng sao bốc cháy chỗ nằm 
áo xanh mây lá vết bầm núi non...”

Có người nói thơ Hoàng trúc Ly khó hiểu. Thí dụ như đọc bài thơ Môi giới:

“a tên (?) em: Xin mời em chối bỏ tên anh
vì tên em là cuộc đời 
Ba Bảy năm Tám Sáu
Hai bốn chi Mười Mười
Con số có tên kiêp người có tuổi
Anh già rồi chối bỏ tên anh?”

Kể ra cũng khó mà đoán được ý nhà thơ muốn nói gì. Nhưng những đoản khúc sau thì dễ hiểu hơn :

“hai chân: Xin mời em đạp lên số mệnh của anh
vì chân em là nhịp bước
Anh rớt lại rất thèm tới trước xin mời em
Răng: xin mời em cắn vào lưỡi anh
Vì răng em là giọt sương
Sớm mai mở mắt sương chưa tan
Nên răng em chưa thành giọt lệ
Xin mời em...”

Trần Tuấn Kiệt đã viết về ông : “Người làm thơ không cần nghĩ đến thơ. Nhưng thi sĩ họ Hoàng thật đúng là một nhà thơ đặc biệt của thế hệ thi nhân suy niệm ngày nay...”

Và Tam Ích, cũng viết : ”Hoàng Trúc Ly đã và đang làm mọi người ngạc nhiên ít nhất là một lần nữa – về thiên tài của mình. Tôi dùng danh từ thiên tài không dè dặt chút nào. Ly vốn khiêm tốn ; nhưng cách đây gần mười năm, một trong những người bạn đường văn nghệ đầu tiên của Ly -là tôi- là người có quyền hãnh diện với chính mình và hãnh diện cho cả văn và thơ hiện đại...”

Phạm Công Thiện cũng nhận xét: “Thơ của Hoàng Trúc Ly có ma lực kỳ quái của những câu phù chú. Đối với Hoàng Trúc Ly, ngôn ngữ hãy còn mới tinh. Mỗi chữ đều mang một linh hồn, mỗi chữ là một sinh vật. Tôi gọi Hoàng Trúc Ly là thi sĩ lớn, là nhà thơ bực thầy của thi ca hiện đại..”

Thực ra, Hoàng Trúc Ly là một người làm thơ may mắn. Hồ Nam đã kể: “Con người Hoàng Trúc ly thật lạ : năm 1963 có người mắt xanh “liên tài” bỏ tiền ra in thơ cho Hoàng Trúc Ly và tập ”Trong cơn yêu dấu” ra đời. Trần Tuấn Kiệt hết lời ca ngợi tập thơ này mhưng Hoàng Trúc Ly không quan tâm suốt ngày rượu say và đi giang hồ. Nhà thơ Đinh Hùng làm cả một chương trình Tao Đàn giới thiệu thơ hoàng Trúc Ly nhưng tác gỉa “Trong cơn yêu dấu” cũng chẳng chú ý nên mọi người cho rằng Hoàng Trúc Ly cao ngạo không ai thích nhưng thật ra lúc này Hoàng Trúc Ly suốt ngày say bí tỉ có biết gì đâu mà cao ngạo...”

Hoàng Trúc Ly ẩn dấu trong thơ những ẩn ức siêu hình, những câu hỏi dường như lúc nào cũng bàng bạc nỗi buồn. Cái số mệnh của một thi sĩ đa đoan của một tâm hồn nhạy cảm :

“Khuya đi dù biết biệt về đâu
nghiêng tai còn mãi tiếng sầu vọng âm
đường xưa trải nhớ âm thầm
ngôi sao yểu mệnh căm căm cuối trời”

Thơ nhiều buồn hơn vui nhưng với tình yêu lại là những ngôn ngữ thiết tha, những ý nghĩ êm đềm, những trao gửi nồng nàn:

“Có phải vì em đang gỡ tóc 
cho mây từng dợi rối chân chim
có phải hoa bay đầy cánh bướm
vì em thay áo mái tây hiên
ôi mới hôm nào như hôm qua
tay ai bùa phép nắm đôi ta
như nắm mùa đông hơ ngọn lửa
cho tuyết đầu non chảy máu ra
ôi mới hôm nào như hôm kia
con đường chở nặng những đêm khuya
cho nên bóng tối bay thành khói
ánh mắt mờ sương lạc lối về
Ôi có hôm nào như hôm nay
Anh ghen vì gió đã choàng vai
Em đi như vẽ trên đường nắng
Em nói như đàn trong miệng ai
Anh là dòng sông mơ chín suối
Em là mặt trăng thèm mặt trời
Cách trở bốn mùa vây trái đất
Còn nghe đau sót thuở nào nguôi?"

Thơ tình yêu chân thành mà tuyệt vời. Tôi chỉ nghĩ giản dị như thế. Viết về một tài thơ lớn như Hoàng Trúc Ly mà viết sơ sài như bài này thì quả là không hay lắm. Đã thế còn trích dẫn quá nhiều nhận định của nhiều người. Thú thực, tôi không được đọc nhiều những bài thơ của Hoàng Trúc Ly nên cái cảm nhận cũng không bao quát được hết thi ca của ông. Và, cái không gian, thời gian của ông sống và làm thơ cũng có hơi chút lạ lùng với tôi. Thành ra, chỉ vì tấm lòng yêu mến một thi sĩ tài hoa nên đành biết gì viết nấy. Hy vọng rằng, người đọc qua đây, có thể mường tượng được một tài thơ lớn nhưng cuối đời bị thất cơ lỡ vận và chết trong âm thầm. Hy vọng sẽ có một ngày được đọc lại những tập thơ tài hoa của ông được tái bản như “Trong cơn yêu dấu”, ” Đêm dài Muôn Thuở”, “Tiếng Hát Lang Thang “...


Nguyễn mạnh Trinh