có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Ba, tháng 4 27, 2010

Hỏi em, hỏi anh

nhạc và lời Thanh Trang
Tâm Hảo
trình bày





Bài hát “Hỏi em, hỏi anh” xuất phát từ một sự so sánh giữa dòng nước với dòng đời. Dòng nước ngoài thiên nhiên là một sự luân lưu theo nguyên lý “Nước sông ra biển lại mưa về nguồn” trong khi dòng đời của con người ta lại thuộc dạng hành trình không có “vé khứ hồi”! Nguồn nước ngoài thiên nhiên chẳng mấy khi cạn, trong khi dòng đời nơi mỗi con người trôi đến đâu thì “thượng nguồn” khô cạn đến đấy, tuy suối thác sông ngòi chả biết có có “kỷ niệm” gì của chúng hay không nhưng nơi mỗi con người thì lại có khá nhiều kỷ niệm của những ngày tháng có ánh nắng hay ánh trăng lấp lánh trên dòng nước của một thời đã qua. Tuy ánh nắng hay ánh trăng của ngày hôm nay vẫn lung linh trên dòng nước của thì hiện tại cũng như những năm tháng còn lại, thế nhưng nơi lòng những con “suối xưa” thì chỉ còn lại lớp đất cát khô cằn!

Thơ Huy Cận khi xưa có câu:


“Đã chảy về đâu những suối xưa? 
Đâu cơn yêu mến đến không chờ 
Tháng ngày vùn vụt phai mầu áo 
của những nàng tiên, mộng trẻ thơ!”


Còn “chảy” đi đâu nữa? Chúng chảy cho đến tận ngày hôm nay, “khi vẫn còn đây ấm mặt trời” – vẫn một câu trong bài thơ “Suối xưa” trong tập “Lửa thiêng” đó - còn ngoài ra thì chẳng còn chuyện “mưa về nguồn” để ta có lại cả một thời trẻ thơ! Có điều là vẫn còn đấy quá khứ và kỷ niệm nếu như trí nhớ nơi mỗi con người, theo tuổi tác, chưa có hao mòn! Để còn có lúc hai người bạn đời, vào một lúc bất chợt nào đấy, buột miệng hỏi nhau khi thấy hoa xuân rộn rã ngoài trời: ”Em (anh) có còn nhớ cái ngày đầu tiên em (anh) nói câu “Yêu anh (em) không nhỉ ?” Thường ra thì hình như quên gì thì quên nhưng chuyện đó thì người ta nhớ! Hình như vậy!


(Thanh Trang Nam Cali., Xuân 2010)