Ngàn thông ngơ ngác rừng nghiêng ngả
Ghềnh thác đồi non chôn tuổi tôi
NT
Nhà thơ Nguyễn Công Trứ thích nhiều thứ. Cầm, kỳ, thi, tửu, và cả giai nhân, ông đều không bỏ sót thứ nào. Nhưng khi đã trải qua lắm chuyện vui buồn của nhân thế, có lúc ông cảm thấy chán ngán những “đồ thích chí chất đầy trong một túi” đó, muốn buông bỏ tất cả những mong kiếp sau tái sinh đừng làm người nữa. Tại sao vậy? Vì làm người có lẽ ông sẽ quen con đường cũ trở lại với những mê đắm trước kia chăng. Chi bằng làm cây thông:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Nhưng sao lại cây thông? Tại sao không phải những loài sinh vật khác, cây cối khác? Nguyễn Công Trứ sáng tác hầu hết bằng thơ nôm, khá phong phú về số lượng cũng như chất lượng, rất đa dạng về đề tài, cho nên, hẳn là trong một phút cao hứng, hồn thơ bay bổng như cánh chim chỉ ghé đậu vào một ngọn thông nào đó hót líu lo một chốc rồi bay đi, rồi đáp xuống thăm những niềm vui, nỗi buồn khác nữa chứ.Thế nhưng tiếng hót líu lo ấy bỗng dưng lưu lại nhiều vang vọng trong tôi.
Thấy thông, nhớ Nguyễn Công Trứ. Đấy là vì thông hay vì Nguyễn Công Trứ? Cũng thế, thấy bạc phau cầu giá, nhớ Nguyễn Du; thấy ngõ trúc quanh co, nhớ Nguyễn Khuyến; thấy trống thủng, nhớ Hồ Xuân Hương; thấy kẻ hành nhân qua đó, nhớ Đoàn Thị Điểm; thấy váy lĩnh quét sạch hè, nhớ Tú Xương; thấy bao nhiêu là khỉ ngồi, nhớ Nguyễn Nhược Pháp; thấy gần nữa cặp môi nâu, nhớ Vũ Hoàng Chương; thấy vàng phấn bướm đa tình, nhớ Đinh Hùng; thấy bèo giạt về đâu, nhớ Huy Cận; thấy những cành nhãn muộn cánh dơi lay, nhớ Bích Khê; thấy bờ tre rung tiếng sẻ, nhớ Anh Thơ; thấy con chào mào khát nước, nhớ Hoàng Cầm; thấy nước đen sâu thao thức, nhớ Thanh Tâm Tuyền; thấy em đi tỉnh về, nhớ Nguyễn Bính; thấy mới tạnh mưa trưa, nhớ Xuân Diệu; thấy ngàn lau không tiếng nói, nhớ Hàn Mạc Tử; thấy mảnh quần xưa đã vá, nhớ Quang Dũng; thấy chợ chiều nhiều khế ế chanh, nhớ Bùi Giáng; thấy đò nghẹn đoàn quân xa, nhớ Tô Thùy Yên; thấy là áo sương mù hay áo em, nhớ Nguyên Sa; thấy bụi cuốn chinh yên, lại nhớ Nguyễn Du. Vân vân và vân vân. Đấy mới chỉ là những phản ứng do thị giác tạo nên.
Thông thường sống ở xứ lạnh, xứ ôn đới. Xứ nhiệt đới cũng có tuy ít hơn. Thông sống gần người, trừ những cây xa xôi sống cả hàng trăm năm, ngàn năm trong rừng sâu núi thẳm.
Hay đúng hơn, người tìm thông mà đến, hoặc lôi kéo thông về ở với mình, gieo hạt, gầy giống, chăm sóc cho nó mau lớn, ngắm nghía, nghe tiếng reo, nương bóng mát, chẻ những khúc chứa nhiều nhựa làm đồ nhen lửa, trái thì sơn phết thêm chút màu làm đồ chặn giấy, đồ chơi, đồ lưu niệm, thân thì cưa những đoạn dày, thẳng, dài, làm phên, làm vách. Thông và người thân thiết nhau mà, giúp đỡ nhau khi cần. Nhưng lòng người khó lường lắm. Khi độc tố dâng lên không có gì cản nổi, người ta không ngại nổi lửa thiêu rụi cả ngàn thông để giành sân lấn đất, để “chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai”, khiến Hồ Than Thở, chẳng hạn, của thành phố đó buồn rầu nằm queo cạn kiệt cả sức lực, cả nguồn nước, nghĩ đến những ngày xưa không xa lắm, được ấp ủ bởi nhiều đồi thông ngày đêm soi bóng xuống hồ, và cùng với hồ thủ thỉ những câu chuyện thần tiên ngàn năm bất tuyệt.
Nơi đó, nơi thành phố đó, vào thời buổi ấy, mở mắt nhìn là thấy thông. Những buổi sáng mặt trời đã lên lưng chừng mà vẫn se se lạnh, những buổi chiều còn sót lại chút ánh nắng, những buổi trưa sau cơn mưa vội, ở nhà thì ngồi trên lầu bên cửa sổ, ở ngoài đường thì đứng lại tại bất kỳ nơi nào, ngắm thông là thấy tâm hồn bay bổng ngay như Nguyễn Công Trứ ngày xưa. Dọc những con đường dốc lên dốc xuống, hoặc ngoằn ngoèo trong thành phố, trên những ngọn đồi trập trùng, những sườn núi, đỉnh núi xanh biếc, dưới những lũng sâu thăm thẳm, bên những thác, những ghềnh, những hồ, những suối, thông đứng vươn mình lên cao khi thì trang nghiêm lạnh lùng, lúc thì mơ màng âu yếm, nhưng luôn luôn mang một vẻ đẹp cao nhã.
Nhưng không phải thông ở đâu cũng thế. Có nhiều loại thông lắm, cả trăm loại, theo những nhà thực vật học. Chúng nó khác nhau về hình dáng, màu sắc, thân, vỏ cây, cành, lá (những cây kim), hoa, trái. Mùi nhựa thông, phấn thông, tiếng thông reo cũng khác.
Có lẽ tôi không nên đi sâu vào lãnh vực mà mình không biết rõ. Có lẽ chỉ nên tiếp cận với thông như con cừu nhìn thông cùng một lúc với chân trời, bầu trời. “Mắt cừu nhìn xa” nhiều khi thấy lòng băn khoăn. Này, sao lại có loài thông cành dưới dài cành trên ngắn dần chụm lại thành hình chóp; có loài thân, cành, ngọn túa ra bừa bãi không ra hình dáng nào cả; có loài cành chĩa ra từ sát mặt đất dày đặc không cho thấy gốc; có loài hình hài khắc khổ mọc cheo leo bên sườn núi đá mà người Tàu, người Nhật thường vẽ lại lên trên lụa hoặc giấy hoa tiên v.v...
Và có loài, như đã nói, đó là những cây thông vươn lên trông vừa oai vệ, vừa trang nhã, cao đến vài ba mươi mét hoặc hơn, lá thì từng chùm gồm năm ba chiếc như những cây kim đan len thu nhỏ đi một tí, xanh mướt, mượt mà như lúa con gái, cành thì thật dài, cách mặt đất cả mươi mét, hơi lưa thưa, nghiêng nghiêng chênh chếch hướng lên, cho phép ta được thấy, khi nhìn ngang đấy là hàng hàng thân cây vỏ nâu đen đứng cách nhau lúc xa lúc gần, để lộ đằng sau những chân trời trắng, khi nhìn lên thì lại là những tàn những lọng ở những độ cao thấp khác nhau do những cành lá du dương hội ý họp lại mà nên, và xuyên qua đấy cũng là trời, không phải chân trời mà là những khung trời lồng lộng, mắt cừu bắt gặp những cụm mây trắng nõn như lụa tơ tằm, lại có khi là những lớp vảy tê tê mùa thu, hoặc buổi chiều mây vàng rực rỡ chuyển dần qua đỏ, hoặc vào mùa gió, cành thông nghiêng ngả, mây cuồn cuộn, lồng lộn, bỗng thấy vui, buồn, bâng khuâng, hoang mang, và sợ sệt nữa. Vâng, lúc bé lại sợ nữa khi thấy sau những tàn, lọng ấy, mây bay từng vạt chạy trốn, những khung trời thay hình đổi dạng, những đám mây xa lạ tiến tới đuổi đánh.
Thời thơ ấu, sống lẫn trong trùng điệp thông của Đà Lạt. Gần nhau quá, nhiều khi quên nhau, hoặc không để ý đến nhau. Như đang hô hấp, tắm gội trong không khí thông, trong không gian thông, trong ngàn thông.
Đi xa, nhớ thông quá. Cũng thường thấy thông, nhưng không phải là thông của tuổi thơ ngây. Thông Huế vùng Nam Giao, Đền Huyền Trân, Lăng Tẩm, Thiên Tuế; thông mọc từng quãng dọc theo con đường chạy dài từ Ban Mê Thuột qua Pleiku qua Kontum trên những triền núi cao; thông lác đác từ ngoại ô Hà Nội chạy xuống vùng vịnh Hạ Long v.v... tất cả đều không phải là thông của ngày xưa với những chùm năm ba lá nõn nà dài gần bằng cây kim đan len, xanh tươi mượt mà như lúa con gái, thân thì cao, cành thì lưa thưa, và những khung trời.
Rồi người già dần mà thông không già theo kịp; người đi, mà thông vẫn kiên trì đứng yên, đứng mãi một chỗ. Phải chi cây cối cũng biết đi và đi theo.
Có khi người quay lại, lại gặp lại thông. Quay lại từ ga Tháp Chàm, Phan Rang, hoặc từ Ngã Ba Dầu Giây, Xuân Lộc.
Từ Tháp Chàm, trong chiếc xe đò chật chội vượt qua những miền đồng bằng khô cằn trồng hành, tỏi, hay các loại cây ăn trái như dừa, me, ổi, hay phượng, hoặc lác đác những vườn nho của vùng Tân Mỹ, Ninh Sơn, rồi theo con đường đèo có nhiều đoạn uốn mình “như lối đi của loài rắn”, đèo Ngoạn Mục, và khi thấy mô đất cao đằng xa nhô ra không khác gì khúc lạp xường khổng lồ trên đó lồng lộng những hàng thông cành lá vươn lên như những cánh tay của các vị linh mục, mục sư đang đứng giảng đạo trong giáo đường, lòng rộn lên, đấy, đấy, thế là sắp tới rồi.
Từ Ngã Ba Dầu Giây vượt qua Gia Kiệm, Túc Trưng, Phương Lâm, hai bên đường rải rác nhà cửa, vườn tược, bò dần lên những đồi chè xanh của Bảo Lộc, và khi đến Di Linh thì trời bắt đầu lạnh, rất lạnh vào mùa đông, vào mùa hè cũng se se lạnh, lạ quá, lạnh hơn hẳn so với trên con đường uốn éo rắn bò phía bên kia, không gian chợt trong veo và thơm ngát, bỗng đèo Prenn đột ngột xuất hiện với không biết cơ man nào mà kể, thông và thông, nhấp nhô trùng trùng điệp điệp, nhuộm hết cả trời đất bằng những “gam” màu xanh, lòng lại nôn nao, đấy, đấy chỉ còn mươi cây số nữa là tới.
Từ đó, đi đâu thấy thông là nhớ thông Đà Lạt, nhớ Đà Lạt.
*
Nối liền Nam và Bắc Cali, có ba con đường chính: đường 5 chạy giữa, đường ven biển Thái Bình Dương, và đường 395 phía núi.
Đi đường 5 nhanh, nếu không đi xe nhà, có thể sử dụng Xe Đò Hoàng phục vụ thật chu đáo, lịch sự, giá vé phải chăng. Người Tàu, và một ít người da trắng, da đen “đánh hơi biết” cũng lục tục đi Xe Đò Hoàng.
Trên con đường 5 ở quãng giữa Orange County và San Jose, khi qua đèo Los Angeles mới gặp rừng cây, đồi, núi, và những hồ nước dưới chân núi, lác đác dăm ba con thuyền nhỏ, và thông thì thưa thớt, không mượt mà xanh tươi chút nào cả, trái lại trông già cỗi, cành lá lỗ chỗ, cũn cỡn, bờm xờm. Rất hiếm thấy những hàng thông cao, cành lưa thưa làm thành tàn, thành lọng bên trên. Trên đèo 152 nối ngang từ đường 5 đến vùng gần biển, thông mọc nhiều hơn, tươi tắn hơn, dọc đường phong cảnh cũng đẹp hơn. Ngoài ra là những thị trấn nhỏ, trạm xăng, vườn cây ăn trái mút mắt, lại có đoạn đường dậy lên mùi phân bò – hàng ngàn con bò cặm cụi gặm cỏ trên những cánh đồng rộng lớn có hàng rào bao quanh.
Đường 395 chạy một đoạn khá dài theo chiều dọc của California cũng có thông rải rác, và đặc biệt là cái đẹp hoang sơ của núi non và sa mạc. Mùa đông tuyết đóng nhiều nơi cho nên nhiều ngày con đường bị đóng.
Nhưng, nghe nói, đi ven Thái Bình Dương trên hai xa lộ 1 và 101 thay nhau, mới tha hồ chiêm ngưỡng Mẹ Thiên Nhiên. Có dịp, phải đi. Mùa Đông vừa rồi, dịp may đến.
Buổi sáng sớm, chiếc xe nhỏ năm chỗ ngồi chạy qua các quận hạt, thị trấn xinh đẹp như Ventura, Santa Barbara, Santa Maria, Pismo Beach. Con đường êm đềm cách đại dương mênh mông ngoài kia không xa là bao, mà lại rất gần những khu nhà cửa, vườn hoa, nép mình trên sườn đồi, sườn núi, hoặc ẩn hiện trong vùng cây cối xanh tươi, hoặc thấp thoáng dưới những thung lũng nhỏ. Cũng có những lâu đài nhưng thường là những kiến trúc xinh xắn, chỉ cao ba bốn tầng, rất hài hòa với cảnh vật chung quanh. Thỉnh thoảng hiện lên mấy cái vịnh hình bán nguyệt, hình lưỡi liềm, mấy hòn đảo lô nhô xanh. Cảnh đẹp níu chân du khách nhiều lần. Mãi khi trời đã xế chiều xe lúc chạy lúc dừng mới đến Morro Bay. Chạy thêm một đoạn, thấy tấm bảng chỉ đường ghi rõ địa danh Cambria cách đấy mấy dặm.
Mùa đông tạnh. Và lạnh. Xe chạy chầm chậm. Đến một đoạn, mọi người trong xe bỗng lặng thinh, không trầm trồ chỉ trỏ cười đùa nữa, như không dám làm quấy động thiên nhiên tinh khiết, mơ màng và mờ ảo ngoài kia. Một làn sương mỏng như dải lụa, hay đấy là mây, phủ lên mấy quả đồi thấp, mấy sườn núi, mỏng quá, không che kín nổi những ngôi nhà hai ba tầng mái nâu, mái đỏ, tường trắng, ống khói vuông, những khung cửa sổ hé mở, những chiếc lan can “bâng khuâng lượn mơ hồ”, và những hàng rào nho nhỏ, xinh xinh.Và nhất là thông, những cây thông dong dỏng, cành lưa thưa nghiêng nghiêng họp thành tàn, thành lọng trên cao, cho thấy khung trời bên trên trắng xóa mịt mù. Đà Lạt! Thông Đà Lạt! Tôi buột miệng. Rồi tôi tự hỏi, có thật thế không, biết đâu xa tưởng vậy nhưng tới gần thấy khác.
Xe chạy dù chậm, chỉ mươi phút vùng đồi núi thấp ấy đã lẫn trong mù, đã bị bỏ lại đằng sau. Cảnh trí khác mờ mờ hiện ra trong buổi chiều tối dần trừ một vùng ánh sáng di động trước mặt khi ánh đèn xe chiếu rọi. Tôi nhìn lui không thấy thông đâu nữa, nhưng cảnh cũ dường như còn vướng lại đâu đây trong mắt, trong hồn. Đà Lạt, sao lại Đà Lạt? Sao lại thông Đà Lạt? Vì nó giống thông Đà Lạt có nghĩa nó đẹp hơn cả? Nó êm đềm hơn cả? Có chắc vậy không? Mà đẹp là cái gì? Sao lại êm đềm?
*
Bé vừa được chín tháng tuổi. Chập chững tập đi, té lên té xuống, thằng bé con say bí tỉ hả! Gặp ai bé cũng cười, cười không tiếng, cười bằng mắt và miệng. Gặp gì vớ nấy. Vớ được cái gì vào những ngón tay tí hon,vụng về, ngo ngoe cũng cho vào mồm, nhai nhai, phì nước miếng. Giấy, tóc, nhất là tóc trên đầu của mẹ, lá cây, vụn bánh, và những gì có màu sắc nổi, lạ mắt, bé đưa tay vớ một cách thật bất ngờ khó ai biết trước để đề phòng. Nắm không được thì bé áp mặt vào đưa miệng cạp, nhai. Cha mẹ thấy kịp, giữ đầu bé lại, moi đồ trong miệng bé ra, bé vùng vằng né tránh, cuối cùng chịu thua, lại cười. Đôi khi bé bị oan, đưa tay nắm đại có trúng trật gì đâu cũng cho tay vào miệng nhai nhai.
Bé dễ lắm, ưa cười lắm. Một người bạn hỏi bé có bao giờ khóc không, coi chừng nó không biết khóc đấy, cũng là chuyện bất thường, có thể nguy hiểm không chừng. Bố chột dạ, đét vào đít của bé một cái khá mạnh, bé hơi ngạc nhiên phân vân nhìn bố, nhìn quanh ngơ ngác, sau một chốc ngắn, lại cười.
Các dì, các cô, và cả bà nội ở xa, cũng thương bé lắm, bồng bế chuyền tay không hở mỗi lần tới thăm bé.
Bố mẹ phải đi làm suốt ngày, sáng chở bé đến gởi tại nhà ông bà ngoại, chiều chở về. Thế là giữa cái phòng khách chật chội của ông bà ngoại được dựng một hàng rào vây quanh vuông vức mỗi cạnh dài hai mét, chiều cao hơn nửa mét, bằng nhựa, để làm giang sơn cho bé.
Từ giang sơn đó, bé nhìn đây đó. Cái bàn thờ Phật có mấy bức tượng, và lư hương, chuông, mõ; cái tường vôi trắng ngà trên đấy treo vài bức tranh cũ, cái đồng hồ, và tấm lịch; cái nhà bếp cạnh đấy với lò gas, bồn rửa chén bát, tủ đựng nồi niêu xoong chảo, và kệ gỗ. Vịn hàng rào ngửa cổ nhìn lên, bé chỉ thấy cái trần trống trơn và cái quạt trần. Mọi thứ sơ sài, nhàm chán.
Trong giang sơn đó, bé vui chơi. Chơi gì? Chơi với vài món như con thỏ nhồi bông; cây đàn nhựa nhỏ tí xíu phát ra vài điệu nhạc khi bị bé ngã vào chạm trúng nút, thì bé ném thỏ xuống sàn vớ lấy cây đàn đưa lên mồm gặm — bé ngã nhiều lần khiến những điệu nhạc cũ cứ thế lặp đi lặp lại, khiến ông ngoại thuộc làu; và hai cái bồ đoàn ngoài vải nâu trong vỏ cây dùng để ngồi thiền.
Nhiều lúc chơi một mình mãi cũng buồn, bé một tay vịn hàng rào, tay kia vẫy, một chân trụ chân kia đu đưa, mình nghiêng ngả, đưa mắt van lơn, ông hay bà ngoại phải vào “chuồng” chơi với bé. Chân còn yếu, bé luôn luôn đứng một tay vịn hàng rào, trông dáng như con khỉ vườn bách thú. Bé rất thích bà ngoại. Bà mỏi lưng nằm xuống đọc sách, bé sà đến níu tóc, giật sách, giật kính lão, cho vào mồm, cắn cắn, nhai nhai. Bà bảo nó ngứa sáu cái răng non, trên bốn dưới hai, thấp thoáng trắng ở cửa miệng khi bé cười. Bà giấu sách, nằm trùm mền kín đầu né tránh, bé kéo mền ra không nổi, đành cắn bà qua lớp mền dày, không đau. Bé lại “say rượu” bí tỉ đi quanh, tay nắm đồ chơi, ngã lên ngã xuống, ngã sấp tới trước vất đồ chơi chống hai tay, nhưng ngã ngồi phịch xuống sau thì thường xuyên hơn, không biết đau, miệng bi bô phì phò nước miếng. Có khi bé chơi như thế một mình hàng giờ khi ông bà bận làm gì đó.
Một lần dì qua thăm ông bà ngoại, có bé tại đó. Ông bà ngoại có việc gấp tại sở xã hội, nhân tiện nhờ dì trông cháu giùm. Sau gần hai tiếng ông bà ngoại mới về được dì cho biết bé ở nhà rất ngoan, bú hết hơn một bầu sữa đầy và vui chơi với dì trong chuồng không biết mệt, và cũng không biết khóc.
Thấy ít đồ chơi quá, bà ngoại kiếm thêm cái lượt, cái chai nhỏ, cái hộp, tất cả bằng nhựa; ông ngoại tăng cường thêm cái cell phone cũ hết xài, trái banh tennis tróc nỉ. Để đổi không khí, mỗi ngày một lần khoảng vài mươi phút bé được ông hoặc bà bồng ra bao lơn cho bé nhìn ánh sáng chói chang, cho con mắt đen chớp chớp ngó cây hoa quỳnh xơ xác, cây ớt trụi lá mùa đông. Bé chưa biết nhìn xa về phía những chiếc xe hơi đậu cạnh vườn hoa, những mái nhà phẳng lân cận, con đường cong cong, những cây thông cao hình chóp... Thảng hoặc bé chỏng tai nghe tiếng chim hót đằng xa, tiếng máy bay gầm gừ trên trời, tiếng còi xe cứu thương hay xe chữa lửa gào thét, thì bé thôi bi bô.
Cứ thế, ngày qua ngày, trừ hai ba giấc ngủ ngắn, bé vui chơi, tập sử dụng cái miệng bập bẹ, cắn, hai bàn tay tí hon níu, kéo, vớ, hai bàn chân ưa quắp các ngón lại đi, đứng, ngã, rồi ăn bột, rồi nằm bú, rồi lăn cù. Lạ thật, bé luôn luôn cử động không biết mỏi mệt, không một phút một giây ngừng nghỉ để lấy sức.
Một cuối tuần bố mẹ và ông bà ngoại đi nghe nhạc, gởi bé tại nhà của dì không xa lắm. Nhà cao, cửa rộng, sang trọng, thơm tho, láng lẩy. Lại có mấy đứa con của dì hơn bé hai, ba tuổi, thích bé lắm; cũng có cái hàng rào nhựa nhưng đẹp đẽ hơn nhiều của mấy đứa bé con dì dùng cách đây mấy năm, trong đó tràn ngập đồ chơi, nhiều con thú núi rừng, con cá biển khơi, nhiều xe hơi, xe lửa, xe tăng, máy bay, tàu chiến, và cả gươm giáo, súng ống nữa. Không có búp bê vì dì bảo bé là “đấng nam nhi” mà chơi búp bê sẽ biến thành con gái. Dì và mấy con của dì đã quen bé nhiều, bồng bế, đùa giỡn. Trong ngôi nhà mới ấy, giữa phòng khách rộng lớn, đẹp đẽ ấy, cái hàng rào hiện đại ấy được dựng lên tại một góc cho bé, và cho cả mấy trẻ kia muốn vào chơi với bé. Bé vui hẳn lên, chốc chốc cười lên thành tiếng.
Bố mẹ yên tâm. Ông bà ngoại cũng không lo lắng khi bé được gởi nơi dì. Sau vài câu nói vỗ về, có lẽ bé chẳng hiểu gì, ông bà ngoại và bố mẹ hôn bé thật mạnh, thật dài, rồi đi. Bé đứng vịn hàng rào nhìn theo mọi người đi ra khỏi cửa, một tay đu đưa, miệng cười để lộ mấy cái răng trắng nhỏ xíu.
Đang nghe nhạc, điện thoại cầm tay báo, mẹ chạy vội ra ngoài hành lang mở máy. Ô, bé sao vậy, sao kỳ lạ vậy! Nghe bé khóc thảm thiết qua máy mà xốp phổi, nghe dì nói dỗ mãi bé không nín. Cứ ở nguyên chỗ nơi bé đứng vịn hàng rào nhìn theo bố mẹ và ông bà ngoại đi ra khỏi cửa hồi nãy mà khóc. Cho bé ăn, bé xua tay đẩy. Đưa nấm vú của bầu sữa vào miệng, bé không chịu ngậm, lắc đầu, sữa bắn vọt ra làm ướt tóc, ướt trán của bé. Mấy trẻ kia đến cười đùa với bé, bé càng khóc lớn. Dì đưa tay bồng, bé vùng vẫy, gào thét, đành buông bé xuống đặt lại trong hàng rào. Đứng vịn một tay lâu, khóc lâu, bé mệt, ngồi bệt xuống sàn, dựa đầu vào hàng rào ngủ thiếp. Giấc ngủ rất ngắn, mở mắt còn ướt, lại đứng lên một tay vịn hàng rào chỗ cũ nhìn ra cửa khóc tiếp. Cứ thế nhiều lần. Dì muốn khóc theo.
Cho đến khi bố mẹ và ông bà ngoại về. Mẹ vội bồng bé ra khỏi hàng rào. Bé tức tưởi lẩy một chút, rồi sà vào lòng mẹ, khóc nấc thêm vài tiếng, rồi kê đầu lên vai mẹ, áp má vào má mẹ, và ngủ. Không kịp bú. Mẹ bảo bé đói bụng lắm, sờ cái bụng thấy mềm xèo, thế mà. Mẹ bồng bé ra xe để đem về nhà, cho bé vào “car seat”, cài dây an toàn, lay lay bé dậy cho bú. Bé vẫn thở đều đều ngủ ngon lành, mi mắt còn ướt nhoè.
Mẹ bảo tưởng gởi cái thằng chó con này nơi ông bà ngoại được thì gởi tạm một thời gian ngắn nơi dì nó nó càng thích hơn nữa chứ. Bà ngoại đáp nó nhớ bố mẹ ông bà đã đành, nó còn nhớ cả cái “giang sơn” cũ của nó nữa.
*
Lớn thêm một chút, rời thành phố núi. Về Miền Trung. Cũng có thông nhưng khác thông Đà Lạt, làm nhớ quay quắt. Với năm tháng, chú bé lớn dần và cũng dần dà làm quen với khung cảnh mới. Đặc biệt là cây. Cây luôn luôn định hình cho cảnh vật, cho thiên nhiên, cây luôn luôn gieo ấn tượng mạnh vào lòng người, nhất là người đi. Vào thời đó, phố phường, làng mạc, nhà cửa, đường sá dù có thay đổi đi nữa, cây vẫn cứ thế kiên trì đứng tại chỗ “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Nếu có gì khác, đó là nó lớn thêm ít nhiều mà thôi.
Mỗi mùa mỗi loại cây cỏ hoa lá. Mai lan trúc cúc chăng? Không. Mùa hè phượng đỏ, “Sao bông phượng nở trong màu huyết”, sao sân trường vắng hoe, sao bãi biển đông nghẹt; mùa thu cây bàng lá vàng rụng nhiều trên những ngõ vắng, có mấy cây bàng mồ côi gần cồn mồ khi trút lá trông giống người đứng khóc; mùa đông cây thầu đâu, được thi vị hóa thành cây sầu đông, cành trơ xương khẳng kheo không còn một chiếc lá, co ro đứng ven con đường chạy về huyện lỵ Phú Vang. Thế khi mùa xuân đến? Mọi thứ cây đều tranh nhau khoe tươi dưới ánh mặt trời, không có loại cây nào đủ tư cách làm đại diện. Thông thì mùa nào cũng có, dù ở miền Trung cũng thường mọc tại những vùng đồi núi, xanh tươi quanh năm; mà tre, trúc, lồ ô, cũng quanh năm tươi tốt. Hình ảnh của cả hai loại cây đó nổi bật trong trí nhớ khi xa cách tuy thông vẫn đậm đà hơn.
Ngày xưa, ngàn dâu biểu tượng cho quê nhà. “Ngàn dâu xanh ngắt một màu” trong Chinh Phụ Ngâm, hoặc “Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh” trong Kiều. “Ngàn dâu” không phải là hình ảnh ước lệ trong văn thơ chịu ảnh hưởng Tàu đâu. Ta, trong một quá khứ không xa lắm, “ngàn dâu” đã xuất hiện trong một bài tân nhạc cũ, tiếc không nhớ tên tác giả và tên bài hát, Tình Quê Hương chăng? “Ngàn dâu xanh ngắt/mấy nếp tranh xa mờ / tiếng sáo bay dập dìu đường về thôn xưa”. Nguyễn Bính thì “Em ơi em ở lại nhà / Vườn dâu em đốn mẹ già em thương.” Ở Huế, gần thành phố cuối vùng Gia Hội, Đò Cồn, Đò Chợ Dinh (nay Cầu Chợ Dinh) bên sông Hương, có một làng tên là Bãi Dâu.
Gần đây, ngàn thông, bờ tre, ngõ trúc thay thế ngàn dâu. Vâng, tre cũng đã cùng với thông tô đậm nét trong lòng người đi — lũy tre xanh ướt át trong mưa dầm, kẽo kẹt trong nắng hè, vật vã trong bão tố. Và lá rụng nhiều vào mùa thu. Ngoài ra còn nhiều loại cây khác nữa, cây cau, cây chuối, cây soan, cây sua đũa, cây đước, cây ô môi, cây bông giấy. Nhất là cây dừa. Nhớ Tam Quan, Bồng Sơn, Bến Tre, những rừng dừa ngút ngàn và cả những cây dừa đứng riêng rẻ lả ngọn thật dài dưới trăng bên dòng sông trôi với những chùm trái tròn trịa chứa đầy một loại nước ngọt của Mẹ Thiên Nhiên uống vào mát cả lòng, cả dạ. “Cao vòi vọi một đọi nước đầy” là cái gì vậy? Câu đố thời con nít bỗng trở lại với trí nhớ.
Đi xa nhớ chốn cũ, nhớ cây cỏ hoa lá, trở về lại gặp. Đi rồi về. Hay nói cho đúng hơn, nơi nào cũng đi cũng về. Đi về giống nhau. Qua Đại Lãnh về Phú Yên, qua Tam Kỳ về Đà Nẵng, xuống đèo Hải Vân về Huế, qua bắc Vàm Cống về Long Xuyên, xuống Thái Nguyên về Hà Nội, lên Bình Chánh về Sài Gòn, qua sông Hậu về Cần Thơ, qua Cai Lậy về Cái Bè ... Và ngược lại.
*
Bây giờ mọi chuyện đổi thay. Đi thôi, không về nữa. Mới hôm qua, 27/4/2014, nhà văn Huy Phương cho ra mắt cuốn Ngậm Ngùi Tháng Tư . Thay Lời Tựa của sách là bài thơ Bài Tháng Tư, trong đó, bốn câu đầu:
Lũ chúng ta, ván cờ dở cuộc
Tướng bỏ thành, phá tượng, buông xe
Ta thân tốt chân trời góc bể
Nỗi qua sông chẳng hẹn ngày về.
Lời thơ ngậm ngùi, chua xót. Vâng, “chẳng hẹn ngày về” là phải. Đúng là một đi không về như trong một câu thơ cổ nổi tiếng. Không phải vì học đòi Kinh Kha, Kinh Khựa vớ vẩn nào, mà chỉ vì Kinh Tởm. Chỉ vì trước kia dù có khi không một đồng xu dính túi, vẫn luôn luôn nhận ra rằng mình là một ông chủ trong hàng triệu chủ nhân ông của đất nước tổ tiên để lại, vẫn muốn thỉnh thoảng thăm lại chốn cũ khi nhớ, vẫn cảm thấy bất cứ nơi nào cũng có thể là điểm hẹn trở về. Đi về cùng một nghĩa. Nay không còn. Ngàn thông thời thơ ấu hay lũy tre xanh hay hàng dừa lả ngọn đều bị một mãnh lực bí hiểm, hung ác, tàn bạo, quỷ quyệt, tước đoạt ngày một ít cho đến khi không còn gì cả. Thì phải đi thôi. Có thể dừng lại một nơi nào đó, rồi đi tiếp. Cho đến cuối đời.
Con mắt nhìn mông lung, còn đâu mắt cừu nhìn xa, chiều mùa đông vùng Cambria, không thấy đằng sau những nhánh thông có những gì, có còn là khung trời xanh thăm thẳm, hay mây vờn như dải lụa, hay mây nổi vảy tê tê, hay mây vàng rực rỡ chuyển dần qua đỏ. Hay mây cuồn cuộn trời xưa đổ? Chỉ còn mây trắng một màu. Hình như câu nguyên vẹn của nó là “Bốn phương mây trắng một màu”.
Ngự Thuyết
Cuối tháng tư 2014