có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Bảy, tháng 1 16, 2010

Yêu như Kiệt Tấn




Sau loạt bài “Điên như Kiệt Tấn”, không ngờ cái giọng “đọc” ồm ồm của tôi lại dội tới tầng thứ mười lăm của một chung cư chọc trời ở ngoại ô Paris, làm thức dậy một Kiệt Tấn mỏi mệt như một con sư tử già. Con sư tử nhu mì ngáp một cái, hỏi rằng, hà cớ gì đọc Tấn mỗ mà nhà ngươi chưa biết mặt mũi ra răng lại nhớ tới Bồ Tùng Linh? Tôi bèn thưa rằng, ấy là cái chuyện làm người khác hơi thở rướn cong thì Tùng Linh tiên tử viết như vầy “hai người bèn giao hoan cực kỳ thích thú” làm cho các tượng đất trong đền Khổng tử giật mình ngã lăn. Có lẽ, để tôi nói rõ hơn, ông liền click một lúc đến những sáu truyện tình dài đọc ná thở. Sáu truyện đó là: “Bến đò trao thơ”, “Đêm cỏ tuyết”, “Sáng dậy nghe em khóc”, “Người em xóm học”, “Yêu em xứ tuyết”, “Em đến mùa trăng cuối”.

Sáu truyện nguyên xi như sáu con tem còn dấu hồ sau lưng, chưa bị cái lưỡi của bất cứ nhà nước nào, đảng nào liếm bớt.

Sao không năm, không bảy mà lại là sáu nhĩ?

Sáu truyện tình của một đời dài thì có thấm thía gì đâu cho một con sư tử. Hay là sáu câu vọng cổ. Đúng rồi, ông còn có biệt danh Út Bạc Liêu nghe ra cũng lừng lẫy chẳng kém gì công tử Bạc Liêu thứ thiệt. Vậy là mùi mẫn lắm đây.

Truyện đầu lúc ông mười bảy tuổi. Bị hớp hồn bởi một cô bé nhà quê mười bốn mười lăm gì đó đang bồng em đứng coi múa lân. Em mặc áo trắng quần đen, có đôi môi muốn cắn một cái, đôi mắt nheo nheo gợi tình chịu hết nổi. Thì cũng y như chàng thư sinh trong truyện Liêu Trai, chỉ thấy nàng che miệng cười mà chàng đã cuống lên tương tư muốn chết. Rồi đó, cậu Út nhà ta chép thơ Nguyễn Bính tặng nàng, hát rống lên chào bình minh HOA ban mai bừng sáng để nàng nhìn sang, lại ra bến đò trao thơ hẹn hò gặp nàng sáng sớm quét lá me. Sau cùng cũng ấp được bàn tay run như cái đuôi thằn lằn lên tay nàng và ngửa mặt nàng ra hôn phớt lên môi.

Dạo đó, những gã con trai miền trung như tôi chỉ biết ngồi ở bến đò Thừa Phủ ngắm các nàng nữ sinh Đồng Khánh qua lại dòng Hương, để rồi mơ màng nhớ nhớ quên quên. Vậy thôi, làm gì hẹn được một em, hôn thử môi em một chút.. Cho nên, cái chuyện bến đò trao thơ đã là giải nhứt chi nhường cho ai. Có điều đọc truyện này mà không cười chết bỏ thì cũng lạ.

Không cười sao được khi mờ mờ sáng, cậu Út nhà ta đang lấp ló hồi hộp trong cái kẹt hẹp lé giữa hai căn nhà thì có một xì thẩu bán hủ tíu hỏi “ai ló, sao không ỉa chong nhà lại da ỉa đây lớ?” Cậu phải ấp úng nói là đi lượm banh, nhưng lão con trời nên không bị trời đánh kia cứ lải nhải, “lị kí thụt dza thụt dô, ngộ tưởng là thằng ăn chộm chớ!” Chẳng còn chút thơ mộng tình tứ gì ráo. Như ai khác thì mắc cở chết đi được, im miệng luôn chứ kể lại làm gì. Nhưng cậu lại cho đó là chiến công đầu đời, là máu mê gái có nòi, là con đực nghe trong ngàn dặm mùi hương quyến rũ tiết ra từ con cái.

Thừa thắng xông lên, năm sau cậu yêu một nường nữ sinh nhưng lại ngủ với một em bán nước mía tên Tuyết. Em đã rành sáu câu, nhưng cậu thì mới theo thằng anh dợt thử có một bận. Bây giờ người ta gọi “make love”, nhưng năm mươi năm trước cậu Tú Kiệt chỉ biết làm mà không biết gọi. Làm tình, đúng vậy, làm trên bãi cỏ, làm trong bụi cây, làm trên cái phản gõ thợ mộc vừa đánh vecni, làm bên chum nước trong nhà tắm chật hẹp. Nghĩa là mọi lúc mọi nơi có thể. Làm tình mà cứ như được mời đi ăn cỗ. Ăn nhồm nhoàm, uống ừng ực, theo kiểu miền Nam chứ không rón rén thò thụt như kiểu miền Trung của Võ Phiến.

Lại có hai chuyện đáng cười nữa. Đó là lúc thằng anh năn nỉ xin ké và lúc ông bố bao che bảo con Tuyết trốn mau đi chớ má mầy lên đó. Đúng là ba con đực sống hết mình khiến ai đó phải giật mình!

Đến truyện “Sáng dậy nghe em khóc” thì cả một bọn thành nhân chi nam tử kéo nhau đi tìm gái ở chỗ chị tú Đại. Có một em ngực no căng như bưởi Biên Hoà có người yêu chết trận nhớ chàng bằng cách lấy tên chàng làm tên mình và cũng thờ chàng bằng cách làm đĩ. Một em khác không đẹp bằng, tướng mạo không đĩ lại đi làm đĩ, bị cả bọn đẩy cho Kiệt. Say, không làm ăn gì được nên mới sáng ra đã nghe nàng khóc tỉ tê vì cho rằng Kiệt chê nàng xấu. Kiệt phải hết lời năn nỉ. Đây là người con gái Kiệt gặp trong đời, nói nhiều hơn làm (tình). Chỉ lúc nàng vui vẻ xuống biển chơi đùa, bên một chiếc tàu không người bọn họ mới giao hoan cực kỳ thích thú.

Chàng tuổi trẻ vốn dòng họ Kiệt cũng phải xếp những chuyện yêu đương để theo việc bút nghiên ở tận Cá da Đại (Canada). Rồi sang Pháp thăm thằng anh cho biết Paris. Buồn, khóc như trẻ con khiến cho Diane bồ của Lộc thương tình an ủi. Bất ngờ vít cổ nàng đòi hôn. Than cô đơn quá. Nàng chẳng những không giận lại còn cảm động vì thấy anh Mít mới này quả thực sôi nổi đam mê. Hai người yêu nhau điên đảo.

Về lại Canada, giữa tuyết trắng lạnh căm, nhớ Diane muốn chết. May gặp Louise, lại yêu ghen cuồng dại.

Bẵng đi hơn ba mươi năm về lại Việt Nam. Đi loanh quanh khắp chốn rồi cũng lại về Đà Lạt. Về với rừng thông và trăng mờ. Rồi từ trong ánh trăng, Em lại hiện ra. Em vừa là Tuyết của tuổi mười Tám, vừa là Evelyne, vừa là Louise, vừa là một cô gái Ninh Chữ gọi anh là ông Phật của em.

Sáu truyện thực ra chỉ là một truyện. Cũng như sáu câu vọng cổ cũng chỉ là một câu. Truyện tình của Kiệt. Mùi mẫn. Nồng nàn ướt át, nhưng không lâm ly thống thiết như những câu vọng cổ của Út Trà Ôn.

Những hồi ức đó ngập tràn những má những môi, những vú và mông, những bờ khe cỏ mượt khiến người đọc dễ lầm tưởng tác giả viết về sex. Nhiều người cho là nóng bỏng. Thực ra, nói như cô Mai Lan, đọc các truyện của ông thấy hay, cảm động và cười. Cười mãi, cười khỏi nói, cười hết biết. Cũng như Bồ Tùng Linh tiên tử nói đến các hồ ly yêu nữ, tuy chuyện phòng the không thể không nói đến, nhưng nói để mà nói chứ không để gợi cho người ta thèm. Cái khó của người viết là khi nói đến những chỗ khó nói, phải làm sao gợi cảm chứ không gợi dục. Cả một câu truyện tình của một người coi tình dục là thực phẩm tươi ngon, qua hồi ức của tuổi sáu mươi phải như một con suối trong vắt dưới ánh trăng chứ không thể là con kênh Nhiêu Lộc.

Bồ Tùng Linh viết Liêu Trai đầy chuyện gái trai trong dâu trên bộc nhưng không phải là dâm thư như Kim Bình Mai.

G. Marquez viết Những hồi ức về các cô điếm buồn của tôi nhưng thanh sạch chứ không vẩn đục như Rừng Na Uy của H. Murakanmi.

Kiệt Tấn viết “Đêm cỏ tuyết” và nhiều truyện khác không như “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu.

Cho nên một người đọc có bản lĩnh chỉ có thể cười khúc khích hay cười xả láng khi nghe tác giả kể lại những bữa tiệc trần gian thịnh soạn với một giọng điệu tự giễu cợt mình chứ không phải khoe khoang như một tay Don Juan hay một Sở Khanh. Cái cách Kiệt yêu Diane hay Louise không như một số Mít ta sang Tây “trả thù dân tộc”. Yêu và được yêu lại nồng nàn còn hơn người bản xứ. Được vậy, như cô Mai Lan nói, những người nữ của ông như những con chim mà chú bé nhặt được, chú nâng niu, chăm chút chứ`không phải chơi rồi bỏ. “Và vì yêu quá, thương quá nên chim non trở thành nạn nhân của chú bé”.

Sau hơn hai mươi năm bỏ bút, động cơ nào khiến ông viết lại, mà phần nhiều là viết truyện tình của chính mình? Ông đâu có phải là một Clinton mà chuyện tình với cô thực tập sinh đã làm nóng bỏng cả Nhà trắng và cả thế giới. Ông chỉ là một người thất nghiệp, mất quê hương, mấy lần bị đưa vào bệnh viện tâm lý. Trên đã nói, ông viết không phải để khoe. Giờ xin nói thêm, ông viết cho một nỗi buồn sâu thẳm. Buồn vì em vịt vàng bị xe cán, vì bạn bè đứa chết đứa cụt chân, vì một ngày nắng đẹp lại có một thằng lính Mỹ cầm súng đứng gác trên phần đất không phải là quê hương của nó, vì bà cụ Bắc kỳ lẩn thẩn hỏi đã đến Tết chưa ông nhỉ, vì bà bán càrem ông gọi bằng má, vì bà bán đậu phộng lép biết là dối gạt vẫn bóp bụng mà bán để cho bụng mình và cháu mình khỏi phải lép, vì sau tháng tư đen bỗng dưng mất quê hương đành phải trầy trật xin cái xứ sở có những thằng lính thiết giáp cán con vịt vàng cho tôi được nhận nơi này làm quê hương! Xiết bao đắng cay, tuy cuộc đời mà những Tuyết, Hường, Diane, Louise... đã hái trái cấm cho ông bất kể lời ngăn cấm của Thượng đế.

Về tình dục, ông tràn bờ, ông thoả mãn, nhưng cuộc đời, nhất là đời một người đàn ông đã từng đậu thủ khoa quân y, từng chịu rét lạnh để du học ở Canada, từng ôm những mộng tưởng xoay nghiêng trục đất, đâu chỉ có ngồi ôm những kỷ niệm nhỏ nhoi mà khóc trên tầng thứ mười lăm. Người về soi bóng mình, giữa tường trắng lạnh câm!

Ông nói, tôi thoả mãn nhưng không hạnh phúc.

Một cách nhìn mình không còn ai nhìn rõ hơn được.

Tôi không biết về ông nhiều nên không thể bàn về cái thoả mãn nhưng không hạnh phúc đó. Tuy nhiên, nếu đem cái tít “Yêu như Kiệt Tấn”, lúc này đã trở thành một nhân vật, ra bàn thì quả thực nói như nhân vật của Marquez, rằng tình dục chỉ là liều thuốc an ủi khi người ta không có đủ tình yêu. Chỉ có cô bé tên Hoa bồng em coi múa lân mà ông chỉ dám hôn phớt qua môi là tình yêu mới lớn, còn các mối tình khác theo như ông kể là tình của những con ong đã tỏ đường đi lối về. Ông có khóc thật đấy khi xa các nàng nhưng khóc mà không đau khổ. Yêu mà chưa biết khổ đau thì cũng chưa gọi là yêu. Có phải vì vậy mà ông thoả mãn nhưng chưa hạnh phúc?

Cũng như Bồ Tùng Linh viết truyện ma chồn đâu phải chỉ để nói về ma quỷ hoang đường. Kiệt Tấn viết về các em bán nước mía, tóc vàng tóc nâu, đâu chỉ để nói về cái nõn nường, mà để nói về cái no đủ phồn tạp tuy thừa mứa nhưng vẫn thiếu quá nhiều, quá dài, quá lâu cho những người bị xua đuổi khỏi quê hương. Như dân Do Thái gần hai nghìn năm vẫn chỉ có thể thoả mãn và hạnh phúc khi được sống trên mảnh đất xưa cũ.

Truyện “Em đến cuối mùa trăng” là truyện hay nhất trong sáu truyện mà tôi được đọc. Cái ánh trăng ma mị dưới sương mờ có cái gì đó lung linh giống như ánh trăng tan trong nước xanh khiến Lý Bạch phải ngã xuống sông mà chết. Không phải vì say rượu, không phải vì cái màu vàng ngà ngọc, mà vì, tôi tin, Lý Bạch thấy Dương Quý Phi nằm phơi mở đợi chờ dưới đáy sông. Một con người đã từng nhả ngọc phun châu một lúc ba bài “Thanh bình điệu” để ca ngợi Dương Quý Phi thì làm sao mà lại không yêu nàng. Và Hàn Mặc Tử, mặc dù Maria, linh hồn tôi ớn lạnh, nhưng trong cái đớn đau rơi rụng của xác thân, vẫn thấy chị nguyệt trần truồng tắm, lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe. Cái đẹp của dục tính đã ít nhiều khoả lấp những cơn đau của xác thân đói khát. Kiệt Tấn đã từng đêm ngắm Tuyết tắm dưới trăng mà không quần áo. Còn hơn cả Thúc Sinh ngắm nàng Kiều tắm hoa.

Không khí trở nên liêu trai khi biết ở bụi cây nọ có người con gái tên dạ lý đã chết. Và theo mùi hương lãng đãng, người con gái hiện dần ra, với bầu ngực của Nguyên, hông háng của Tuyết, tóc mây của Diane, cổ trắng ngần của Louise... những người của năm tháng cũ đang long lanh trở về theo bước chân của Nguyệt Bạch. Mộng và thực đan xen. Mộng nhiều hơn thực nên ta choáng ngợp trước những ý tưởng xem ra bất kính: “Anh là ông Phật của em, ông Phật ưa sờ vú!” Lại nữa, “em muốn có một đứa con của ông Phật.” Và Nam mô a di đà Phật đâu phải là kinh. Kinh là sự im lặng của đất trời, là tiếng lá rơi, tiếng gió thổi, tiếng lá cựa mình...

Người đạo đức (giả), người đọc không kỹ, người mang sẵn trong đầu những ý tưởng mang sắc màu hoả ngục sẽ thấy ngột thở, thấy nóng ran bởi ngập tràn âm thanh và dáng hình cuồng nhiệt. Thế là người ta bảo ông điên, hay tung hô, sống hết mình và viết hết mình. Ông cười cợt, chế giễu mình là dâm tặc, trong khi nhiều người lại nín thở hồi hộp. Ông đưa thơ, đưa nhạc vào, làm cho những người con gái cho dù bồng em coi múa lân, bán nước mía, hay đã từng yêu hết người này đến người khác, trở nên xinh đẹp đáng yêu, trở nên bình đẳng ngang hàng, dù nàng viết thơ sai chính tả, hay làm đĩ mà không được đẹp. Bên cạnh những vú những mông là những câu thơ trong vắt:

Ngồi đây đợi nắng bình dương
Tương tư phố nhỏ bụi hường lao xao
Xanh xanh xanh gọi nắng vào
Nghiêng nghiêng nghiêng trắng lượn chào vàng lên...

Và đây nữa, khi vẽ lại cái nốt ruồi của một nàng, ông viết: “nốt ruồi dưới mắt trái như một nốt nhạc buồn!” Viết như thế bảo sao các nàng không trao hết về ông. Viết đến đây tôi lại nhớ đến Alexis Zorba người Hy Lạp của Nikos Kazanzakis, một người rất được phụ nữ yêu vì rất biết nâng niu quý trọng họ.

Không đâu, đọc ông tôi không thấy hơi thở mình phải rướn cong, mà thấy được cười sảng khoái, thấy ông có cái tài mà không dễ ai có được, ấy là nói chuyện yêu đương một cách tầm phào mà không làm cho quý bà phải đỏ mặt. Vậy thì, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ hạnh phúc rồi sao ông lại bảo không? Hay là ông còn hận một điều gì? Hỡi ơi, bảy mươi tuổi mà còn hận một điều gì thì chỉ có Trời mới biết được!


Khuất Đẩu
Giáng Sinh 2009


nguồn: tienve.org