có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 1 17, 2010

Mưa đêm cuối năm




Ngọc và Lung ngồi trên một tảng đá lớn, đã nghe thấy lạnh. Trăng sáng trên cái mênh mông ngun ngút của núi rừng. Nhìn xuống sườn núi dài thăm thẳm, cuối tầm mắt là hơi khói toả mờ mờ trên ngọn cây. Bóng hai người như hai con quạ đen kỳ quái ngả dài trên đá.

Ngọc nói:

- Mai đồng chí đi ?

- Sáng mai phải đi thì chiều mười tám mới đến Ân Hiệp kịp hẹn.

- Thạo đường đi Ân Hiệp chưa ?

- Vừa mới nói ban chiều rằng đây là lần đầu đi về vùng ấy.

- Mình thì xa ba năm rồi, nhưng chắc về Ân Hiệp mình không quên một con đường nào. Nghĩa là mình nhớ từng gia đình , quen từng nhà...

Lung không nói, y biết Ngọc đang ngập ngừng trước một câu hỏi mà anh ta đã nhắc lại hai lần rồi:"Tại sao mình lại không được phân công đi Ân Hiệp hả ?". Lần này thì Ngọc chùng lại kịp, không thốt ra câu hỏi. Nhưng anh ta mất trớn nói chuyện, ngồi yên lặng.

Lung nghĩ đến những làng thượng du sẽ đi ngang qua. Ðêm nay ở hang Tà Léc. Chiều mai có thể đến Nước Dòng , đêm mai nếu tình hình khá có thể ngủ bên một bếp lửa...Y quay lại nói với Ngọc:

- Này...kiểu nhà sàn người thượng bên Nước Dòng ngộ lắm. Cửa lớn ngó lên ngọn núi. Về phía chân núi có một cái cửa sổ nho nhỏ. Mình ở dưới nhìn lên thường thường trông thấy trẻ con thập thò ló đầu ra giống như những con thỏ con nhốt trong chuồng, xinh xinh...Ðồng chí đã đến Nước Dòng lần nào chưa nhỉ ?

Ngọc không đáp. Lung ngả lưng nằm ngửa, khoanh hai tay vòng lên đầu làm gối, nhìn bạn. Lung không có cảm tình với vẻ mặt ấy. Hai con mắt của Ngọc sâu mà nhanh nhẹn quá. Có một cái gì không thẳng thắng trong cái nhìn của anh ta. Lung có cảm tưởng như thế, vì Ngọc không chịu đựng nổi một khi bị người khác nhìn lại. Những lúc ấy anh ta hoảng hốt, tránh trớ tháo lui, vội vàng ngó lảng ra phía khác. Cằm anh ta nhọn, hai môi mỏng, gương mặt gầy, lưỡng quyền nhô cao. Nhất là cái nước da ngâm ngâm và trơn bóng lên của anh ta. Lung thấy ghét lạ. Lúc này nằm ngửa nhìn lên, Lung tò mò ngắm gò má bên phải của anh ta sáng lên một đường viền dưới trăng. Trán của anh ta có bề rộn nhưng lại thấp, rất thấp, và có hai lằn nhăn trông cộc lốc. Lung nghĩ:"Một tư tưởng thiển cận nào đã có cơ hội in sâu vào những nét nhăn ấy thì thực khó bề mà đuổi cho đi khỏi ". Ngọc không có những ý nghĩ sâu sắc, tế nhị, nhưng anh ta thật dai dẳng , đã húc đầu vào một tư tưởng nào thì cứ như bấu riết vào đấy, không tài nào gỡ ra được. Tuy vậy, nếu bị công kích, hay chỉ bị chỉ trích xa xôi, anh ta vội vàng tháo lui, lảng trốn như bỏ trận chạy dài. Thế rồi công kích xong, đâu lại vào đó, anh ta lại trở về với tư tưởng của mình, rón rén, lặng lẽ, tuồng như là vụng trộm , nhưng mà rất ương ngạnh. Anh ta có những biểu lộ thiếu tự tin ở cặp mắt, nhưng ương ngạnh, thiển cận vì cái trán.

Bỗng Ngọc lên tiếng hỏi Lung:

- Ðồng chí có thấy tôi nhút nhát lắm không ? Tôi thật là nhút nhát...nghĩa là tôi hành động không cương quyết gì cả. Nhiều lần tôi tự kiểm thảo thấy rằng chỉ vì e dè, do dự, thiếu mạnh dạn mà tôi hỏng việc rất nhiều. Nghĩa là tôi rất sợ người. Ðồng chí hiểu không ?...Nghĩa là khi nào đối tượng của hành động tôi không phải là sự vật mà là một con người thì tự nhiên tôi e ngại, rình từng phản ứng của đối tượng, sinh ra ngập ngừng, rụt rè, rồi làm hỏng việc. Ðồng chí hiểu chứ ? Thí dụ thế này: nếu cấp trên giao cho tôi vận chuyển một tấn lúa đi năm cây số, tôi có thể làm được, nếu bảo tôi tìm ra khuyết điểm của một cây súng xấu để sửa chửa , tôi có thể tìm tòi ra được, vì tôi chỉ đối đầu với những khó khăn vật chất. Nhưng nếu phải đi thương lượng với một nghiệp đoàn xe ngựa để họ bằng lòng giáo dục các đoàn viên về thái độ nhã nhặn và nhường thêm ít nhiều quyền lợi cho cán bộ thì tôi khó đi tới kết quả tốt đẹp. Nghĩa là tôi dè dặt, tôi khó tạo ra được một không khí hiểu biết lẫn nhau giữa đại diện nghiệp đoàn với mình, tôi cứ rụt rè, trịnh trọng, làm cho không khí nặng nề, khó chịu. Ðồng chí hiểu chứ, nghĩa là....

- Tôi hiểu...

- Vâng, nghĩa là ví dụ thế, chứ bây giờ, giai đoạn nầy thì không có công tác gì với nghiệp đoàn xe ngựa.

Lung bật cười. Ngọc quay lại nhìn lo lắng và vội vàng tiếp tục:

- Không, không ! Ðồng chí nên hiểu đó là một trường hợp tâm lý rất kỳ quặc, một trường hợp tàn phế về tâm lý. Hỏng lắm, hỏng lắm. Tôi tiếp xúc với một người lạ khó khăn, đau khổ hơn đạp phải lửa. Sợ đồng loại là nghĩa lý gì ? Vô lý thế mà không sao sửa chửa được. Tôi thường tự nhắc với mình luôn luôn rằng người ta ai cũng giống nhau, cứ tự nhiên, đừng trịnh trọng, nhất định đừng tạo ra cái không khí trịnh trọng, cứ vượt khỏi những câu nói, những cử chỉ lễ mễ xã giao lúc đầu, là ta gặp một con người y như mình. Thế mà tôi không vượt qua được khỏi. Tôi thấy có những kẻ giao thiệp rất tự nhiên, họ tiến ấp ngay đến những cái vỗ vai, bá cổ, những câu đùa giỡn , không có gì khó khăn cả. Còn tôi, tôi đến tiếp xúc với một người lạ, làm quen với một đồng loại mà y như kẻ rụt rè, bước vào một biệt thự sang trọng, rón rén từng bước chân, nín từng tiếng ho, ngại ngùng đủ chuyện, thật là khổ sở, khổ sở. Một người khách mà mình rót nước đưa thuốc ra mời, với người bạn nằm chung một giường, gác chân lên mình nhau mà ngủ, có gì khác nhau đâu, họ giống như nhau cả. Ai cũng muốn nói những câu tự do, có những cử chỉ tư nhiên đối với nhau, ai cũng thích đối đãi thân mật, muốn có thể vui vẻ cãi um lên với nhau để xem ổi ngon hơn xoài, quít ngon hơn đu đủ hay trái lại, xem bơi lội thú hơn hay đá bóng sướng hơn, ai cũng ghét trịnh trọng , ghét những câu mời mọc xã giao, những câu đối đáp lễ phép, lạt lẽo vô vị cả. Chỉ cần bạo dạn xô ngã cái bức tường ngăn cách giả tạo một cái là ta ùa đến ôm nhau nói cười. Thế mà tôi không làm được. Nghĩa là, đồng chí hiểu chứ ?

- Tôi hiểu. Nhưng tại sao đêm nay đồng chí lại nghĩ về chuyện đó ?

- Không, nghĩa là thế nầy. Ðồng chí đừng cười chế giễu như thế. Tôi có nghĩ về chuyện đó nhiều lắm đâu. Không !...

Lung nín cười, vẫn nằm ngửa, nhìn lên, tò mò ngắm cái vẻ lúng túng trên gương mặt trơn bóng của Ngọc. Anh ta lại chạy tránh. Giống như con chim nhát gan, nghe một chiếc lá rơi nhẹ vội nhảy lung tung trong lồng.

- Tôi không bảo đồng chí nghĩ về chuyện đó là có gì khuyết điểm. Ðồng chí có thể nghĩ về vấn đề ấy chứ....

- Không, không có lý do gì cả, không có lý do gì làm cho tôi đặc biệt chú ý đến vấn đề đó cả. Nhưng nghĩa là thế nầy, tôi lấy một ví dụ: tôi chắc người con gái nào khi đã gần gũi với mình rồi cũng thích được hôn hít cả, cũng có thể nói những câu vớ vẩn, ríu ra ríu rít bàn tán với mình những chuyện vu vơ, nghĩa là cũng một người đàn bà tầm thường như nhau cả. Vậy thôi. Thế mà khi còn cách biệt, khi mà mình chưa làm quen, chưa phá đổ được bức tường trịnh trọng ngăn cách , chưa nói được câu thân mật đầu tiên, thì xung quanh họ, chao ôi là... huyền bí. Mùi hương thơm của họ phất qua cũng khiến mình nghĩ ngợi liên miên, chạm được cái tà áo của họ một lần cũng bao nhiêu là xúc động, và nhớ và nghĩ, như một kỷ niệm quan trọng. Một chút gì đó cũng có ý nghĩa cả. Và bởi vì mình vẽ vời tưởng tượng ra nhiều ý nghĩa quá cho nên mình lại càng dè dặt từng cử chỉ, lời nói của mình, cho nên lại khó tự nhiên, thân mật. Nghĩa là cũng như khi mình tiến tới trong một căn phòng lộng lẫy quá thì mình không dám khua động sỗ sàng đấy mà. Tôi chắc rằng những kẻ gọi là giỏi tán gái chính là những kẻ không thấy những cửa chỉ ngôn ngữ, những cái ngó cái nhìn của con gái có "nhiều ý nghĩa" quá đáng, là những kẻ có thể tầm thường hoá được hết mọi phụ nữ. Cứ tự nhiên mạnh dạn thẳng thắn phá vỡ cái lớp vỏ trang trọng do cuộc sống xã hội bọc quanh mỗi ngưòi, vào trực tiếp với cuộc sống thân mật, bản năng của họ, thì...thì...như nhau cả...giống nhau, có thể gần nhau lắm...hà hà...

Ngọc nhìn Lung cười nhăn nhở . Lung nhìn hai đường ánh sáng mỏng viền quanh hai vành tai anh ta rất ngộ nghĩnh. Lung nói:

- Tôi muốn đồng chí đưa một ví dụ cụ thể hơn nữa. Một trường hợp có người có việc có tên có tuổi rõ ràng...

- Không, không ! Nghĩa là tôi ví dụ thế. Ðồng chí nên hiểu tổng quát chung cho cả sự giao thiệp giữa người và người, chứ không riêng giữa nam nữ. Những người công tác dân vận có hiệu quả là...

- Tôi phá vỡ cái vỏ của đồng chí đây ! Hãy tiến vào cuộc sống thân mật: tôi chắc đồng chí đang nghĩ đến những chuyện ái tình không may mắn của chính đồng chí ?

- Không, không ! Nghĩa là tôi nói tổng quát thế ...

Lung phá lên cười, gác một chân lên đùi Ngọc và giơ tay phát mạnh vào lưng anh ta:

- Nói thế chứ ai ép cung khai đâu. Nhưng việc gì mà giấu ?

- Nghĩa là nói tổng quát thế. Chứ riêng trường hợp tôi thì hồi còn công tác hai năm liền ở Ân Hiệp...

- À! Ở Ân Hiệp! Hèn nào...

- Không , nghĩa là không nhiều đâu. Chỉ có một vấn đề thôi.

- Vấn đề ?

- Không, chỉ có một câu chuyện. Nghĩa là một câu chuyện ái tình thôi. Không đi đến kết quả . Nghĩa là không có thì giờ để đi đến kết quả. Vì chúng tôi yêu nhau vô cùng, tha thiết lắm...

Ngọc ngó Lung có vẻ vừa ngờ vực, vừa bối rối:

- Nghĩa là Cúc và tôi hiểu nhau rồi, hiểu là yêu nhau rồi. Chỉ còn chờ một cơ hội mạnh dạn phá một màn ngăn cách rất giả tạo, một thái độ dè dặt của cả hai bên rất vô lý, giả dối, chỉ còn chờ một cử chỉ, một câu nói thành thực là xô được cái màn cách biệt rất mong manh đó để...yêu nhau thực sự. Vậy mà như đồng chí biết đấy chứ, vâng, đồng chí đã hiểu là tôi không có tài tạo ra cơ hội ấy. Thực là vô lý. Nhưng tôi có thể nói chắc là suốt đời cả hai đứa không bao giờ quên được nhau. Nghĩa là nếu đồng chí hỏi lấy gì làm bằng chứng thì tôi không thể kể ra một câu thề thốt nào, một lời hứa, một câu nói nào cả, nhưng đồng chí nghĩ coi: làm thế nào có thể sống trong không khí sôi nổi của hai tâm hồn tha thiết yêu nhau mà không cảm thấy điều đó được ? Không có một bằng chứng gì cụ thể rõ rệt cả, nhưng tôi nhất định rằng thời gian đó tôi được yêu. Một người mù , hoàn toàn mù, không trông thấy được ánh sáng, nhưng từ trong nhà mát bước ra ngoài sân nắng họ vẫn cảm thấy cái không khí bao bọc quanh mình thay đổi hẳn. Tôi có cảm tưởng chắc chắc đã bước vào trong phạm vi ánh nắng tình yêu của Cúc, cái ánh nắng gắt gao vây quanh tôi, một thứ nắng làm ta say sưa ngây ngất như một ngày xuân đẹp trời...

- Ðã lâu lắm tôi không được nghe những câu lãng mạn như thế.

Ngọc nhìn Lung, lo lắng, không hiểu ý bạn nói. Chợt anh ta như vừa nghĩ ra, xấu hổ, lúng túng.

- Không, không. Nghĩa là đồng chí nên hiểu rằng chúng tôi đã yêu nhau hơn một năm trời. Tình yêu của chúng tôi như con vịt con đã thành hình trong trứng, chỉ còn đưa mỏ ra mổ xé một cái màn mỏng là thoát khỏi vỏ. Thế nhưng đồng chí đã biết rằng tôi tàn tật...

- Tôi biết...

- Không, nghĩa là Cúc đẹp lắm, trời ơi, đẹp lắm, mới mười bảy tuổi. Năm đó Cúc mười bảy tuổi. Tôi tin chắc đồng chí mà quen biết Cúc thì cũng phải...cho là đẹp.

- Ý đồng chí muốn nói cũng đâm mê cô ta chớ gì ? Thôi..Chúng ta còn phải ở núi lâu dài. Ðề nghị chưa nên nói chuyện gái, chuyện sắc đẹp...Này ! Ðồng chí có thấy đói không ? Chúng ta nhóm lửa lên thui mớ nấm còn lại ấy ăn cho hết. Mai sáng đồng chí sẽ kiếm mới khác. Ðược không ? Tôi nhất định quanh gốc cây si ấy còn có thể tìm ra được nhiều nấm nữa.

Có tiếng lá sột soạt gần bên. Cả hai người đều ngoảnh mặt nhìn về phía tiếng động: hai con nai con vừa ở đâu đến, đứng cách hai người không đầy mười thước, vểnh đầu nhìn sững. Ngọc nhìn cặp mắt hai con nai mở to mà bình tĩnh, thản nhiên. Rồi chúng thong thả bước đi, không để ý đến hai người. Những cái bóng lá loang lổ lấp loáng lướt qua trên mình chúng rồi rơi nằm xuống đất.

Trong lúc ấy tiếng một con rắn lục rít lên, lướt dài như thoảng qua ngang đầu.

Lung nhìn lại Ngọc thì vẻ mặt anh ta đã xa vắng. Lung có cảm tưởng như mình vừa lơ đễnh, quên theo dõi một con cá lờ đờ nổi gần mặt nước, để cho nó nguẩy đuôi lặn biến xuống sâu lúc nào không hay. Và cả Lung cả Ngọc đều không nhớ đến chuyện mớ nấm nữa. Lung nằm im, nghĩ đến nhiều người con gái. Tuy rằng y đã hãm câu chuyện của bạn lại nhưng chính y cũng đang xao động, nghe chỗi dậy nhiều nhớ nhung thèm khát lờ mờ .

Y vùng đứng dậy, đi vào trước cửa hang, thổi lửa, dụm ba bốn cây gộc to cho ngọn lửa bốc cao, rồi sửa soạn đống lá khô lót trong hang để nằm. Ánh lửa chập chờn, nhiều mảng bóng đen nhảy múa trong hang, chồm chồm lên nhau như xô đuổi, vật lộn nhau, lộn xộn. Lung nhắm mắt lại. Nhưng trong trí y vẫn còn cái cảnh ấy: trước đây một năm, đã có lần y nằm với một người đàn bà thượng du trong hang nầy suốt ngày. Người đàn bà thượng du, y dẫn từ dưới làng Nước Nhỉ lên . Và y với người đàn bà vật nhau, giỡn nhau chờn vờn trong cái hang lờ mờ như những tảng bóng tối hỗn độn đêm nay. Và hai người cười sặc sụa, gìỡn la chí choé như những con thú tự do khoái trá giữa chỗ núi rừng vắng vẻ. Người đàn bà đó bây giờ ra sao? Y đoán chắc đó là một người thượng du lai, vì khuôn mặt, mũi và miệng có nhiều nét giống người kinh. Nhưng sợi tóc vàng hoe dính trên áo y, và cái mùi khét nắng mà y mường tượng còn ngửi thấy quanh mình mấy hôm sau, làm cho y không muốn tìm về Nước Nhỉ nữa. Có tiếng một con chim gì vỗ cánh bay rất nặng nề qua trước cửa hang.

Một lúc lâu, y ngủ. Ngọn lửa hạ thấp lần, thấp lần. Rồi chỉ còn những cái lưỡi lửa, xanh có, vàng có, liếm loanh quanh trên những cây củi gộc to . Quá nửa đêm, Lung mơ màng thức giấc , thấy như có cảm giác mơn man nhẹ nhàng trên khắp người. Y nằm im, thoát dần ra khỏi tình trạng lơ mơ, y chú ý thấy cảm giác được mơn man tập trung trên một cánh tay phải. Cuối cùng y tỉnh táo hẳn, mở lim dim hai mắt trong bóng tối, và thấy Ngọc đã vào nằm bên y không biết từ lúc nào. Anh ta đang dùng tay trái nâng niu đỡ cánh tay phải của y lên. Còn tay phải của Ngọc thì vuốt ve nhẹ nhàng trên tay y, xoa lên xoa xuống rất âu yếm mơn trớn . Y không kịp ngượng, nhìn theo cái cử chỉ kỳ dị ấy, như chờ đợi một kết cuộc lạ lùng . Y chăm chú theo dõi bàn tay phải của Ngọc úp xuống, lum lum ôm lấy cánh tay y, lướt phớt qua trên da thịt y, âm ấm. Ba phút rồi, Ngọc vẫn cứ tiếp tục một cử động ấy.

Lung nhìn lần lần lên mặt bạn. Y kinh ngạc hết sức : hai con mắt của Ngọc vẫn nhắm tít như mắt một người ngủ kỹ. Y không tin, mở dần mắt của mình ra để nhìn, thì vẫn quả như thế . Ngọc nhắm mắt như đang ngủ. Nhưng có lẽ anh ta không ngủ: hai bên gốc chân mày của anh ta nhíu nổi lên, vẻ mặt anh ta diễn tả một sự chăm chú, thiết tha đê mê, đồng thời một băn khoăn gần như khổ sở. Vẻ mặt của anh ta không phải là vẻ mặt của một người đang ngủ. Nhưng tại sao y nhắm mắt và cử động như trong một giấc mơ ? Lung lạ lùng, nhìn chăm Ngọc, không cử động. Năm phút, mười phút qua, dần dần Lung thiu thiu, mắt y mờ và khép lại như ngọn lửa lặng lẽ tắt trên một cây củi gộc trước cửa hang. Trong cảm giác lơ mơ trước giấc ngủ, y vẫn còn nghe bàn tay của Ngọc lướt nhẹ nhàng trên cánh tay y.

Sáng hôm sau y thức dấy thì Ngọc đã đi đâu, không còn trong hang nữa. Y mở túi xem lại hành lý và tài liệu, chuẩn bị ra đi. Lúc y sắp đi thì Ngọc vừa về. Anh ta nói:

- Ðêm qua con heo một lại đi ngang qua đây. Tôi vừa theo dấu chân, thấy nó loanh quanh ở đây có lẽ lâu lắm.

- Ðêm mai đồng chí ráng sức mà bắn, ta còn nhiều tên thuốc độc, cả mớ tên của tôi để lại đồng chí lấy mà dùng. Bao giờ về sẽ tạo mớ khác.

Ngọc bước lại gần:

- Ðồng chí đi đấy à ?

- Ði.

- À ..à..

Anh ta ngập ngừng băn khoăn. Lung đặt tay lên gáy anh ta, thân mật đẩy đi theo mình một đoạn đường. Anh ta nói, khó khăn:

- Ðồng chí đi Ân Hiệp lần này, nếu có thể, nghĩa là nếu đồng chí gặp dịp, vâng, nghĩa là không có gì phiền hà thì đồng chí tìm gặp Cúc và bảo rằng tôi vẫn còn sống ở đây và có lời nhắn thăm Cúc...Thế thôi. Vâng, có thế thôi.

- Chỉ có thế thôi à ?

Ngọc cười theo Lung, không đáp lại câu chế giễu. Anh ta sực nhớ một điều, nói thêm:

- Ðồng chí có thể tìm ra dễ dàng, mà không phải hỏi đến tên Cúc. Anh ruột cô ấy, anh Hiếu, cũng là đồng chí, nghĩa là trước kia, bây giờ thế nào đồng chí về đến Ân HIệp cũng biết ngay. Có lẽ đồng chí có cơ hội tìm gặp dễ dàng.

Lung ngồi núp dưới lòng suối khô, chờ đợi. Ðêm đã khuya. Y ngẫm nghĩ băn khoăn: người con gái có cái bí danh là Thu sắp sửa đến gặp y đêm nay đã "thông cảm vấn đề" chưa? đã được giải thích trước chưa? Hay là người ta chỉ bố trí một cơ hội thuận tiện rồi để mặc Lung , sự thoả thuận chắc chắn sẽ đến? Mặt mũi Thu ra sao nhỉ? Trời tối thế này làm sao y có thể trông thấy được mặt cô ta?

Y nhớ laị nét mặt trông thấy một buổi chiều, cách năm hôm nay, trong nhà người đảng viên có bí danh là Sơn. Hôm đó trời mưa, sân hè ướt bầy nhầy. Lung lẻn vào nhà lúc ba giờ chiều mà trong nhà tối mờ mờ. Sơn với y ngồi đối diện nhau trước một cái bàn thấp đặt ở giữa nhà trên. Tất cả cửa lớn thông ra ngoài sân đều đóng, và biết vì trời mưa, ngoài đường vắng vẻ ít người qua lại, nên cả hai người cũng yên lòng.

Sơn kể lại với y về tình hình xóm làng, tinh thần của những người đảng viên cũ. Trong khi nghe anh ta kể, Lung để ý đến cái chõng tre đặt dài phía trong hàng cửa, trong bóng tối. Trên chõng, một cụ già răn rúm, hình vóc nhỏ nhu đứa trẻ mười bốn tuổi, đầu trùm một chiếc khăn đỏ điều, chân mang đôi tất của quân đội, đắp chiếc mền đã cũ, nằm ngủ. Không biết ông cụ ngủ giấc gì vào nửa buổi chiều, và đến bao giờ mới dậy, mà suốt một giờ đồng hồ nói chuyện với Sơn, Lung không thấy ông ta trở mình, cựa quậy . Lung tò mò nhìn những sợ râu ngắn xơ xác của ông ta vểnh lên. Dần dần Lung để ý đến một thứ tiếng rì rầm ở phía trong buồng . Một giọng đàn bà không còn trẻ nữa thì thầm có vẻ giận dữ day dứt như một giọng mắng nhiếc, nhưng cố hãm thấp xuống. Lung nhìn nét mặt của Sơn thấy anh ta thản nhiên như không biết có việc gì xảy ra; anh ta hoàn toàn không quan tâm đến cụ già nằm ngủ sát bên cạnh và tiếng nhiếc móc day dứt nổi lên phía trong buồng. Thái độ lãnh đạm thản nhiên hoàn toàn đó càng làm cho tình trạng khó hiểu thêm. Vừa theo dõi lời trình bày của Sơn, Lung vừa nghĩ ngợi quanh quẩn . Tiếng rì rầm phía trong buồng có lúc nổi mạnh lên như hằn học giận dữ, như một ngón tay xỉa xói uất ức, rồi lại hạ xuống, tiếp diễn đều đều. Cứ như thế kéo dài hàng giờ đồng hồ .

Thình lình Lung nghe tiếng cửa buồng mở ra kêu kèn kẹt . Một người con gái trên dưới hai mưoi tuổi từ trong buồng ra, đi ngoặc xuống bếp. Tiếng rì rầm nhiếc móc im bặt. Lung ngạc nhiên về vẻ mặt hoàn toàn thản nhiên dửng dưng của người con gái, cái thản nhiên khó hiểu, như chối phắt những điều vừa xảy ra trong buồng. Giữa các sự việc trong nhà của Sơn lúc đó có cái gì thiếu mạch lạc, thiếu liên quan làm cho Lung tự thấy tưng hửng .

Năm phút sau, người con gái lại từ dưới bếp đi lên, ngoặc vào buồng, nét mặt vẫn lạnh lùng và đẹp kỳ dị. Khuôn mặt ấy có một vẻ gì bình tĩnh, tự tin, nhưng mà tươi vui hấp dẫn. Cánh cửa buồng vừa khép lại, tiếng rì rầm lại nổi lên. Lúc Lung bước ra đến hè, anh còn quay lại một lần nữa nhìn vào cánh cửa buồng vẫn đóng kín.

Ðêm nay trong lúc chời đợi một nữ đồng chí chưa từng biết mặt y laị nghĩ đến người con gái ở nhà Sơn. Người đàn bà ở trong buồng rì rầm mắng nhiếc suốt buổi chiều hôm đó là gì với Sơn, với người con gái ? Tại sao những lời ấy không có một tác động gì cả, chỉ như tiếng mưa xối xuống sân đều đều không ai chú ý ? Thế nghĩa lý gì ? Trong những tháng sống trên núi cao, xa cuộc sống xã hội, y không biết đến những ý nghĩ như thế . Và hôm nay, sự bận rộn của trí óc về những việc không đâu xung quanh cuộc sống phức tạp của con người thế này lại làm cho y thấy có cảm giác ấm áp, dễ chịu.
Những giờ phút chờ đợi của y thực là hồi hộp, băn khoăn. Chủ trương của địa phuơng đã nhận định được nhu cầu tình cảm và sinh lý của y, quyết định rằng trong thời kỳ công tác ở đây sẽ bố trí cho y tiếp xúc với một người con gái đáng tin cậy . Chốc nữa đây y sẽ hành động ra sao ? Người ấy mặt mũi ra thế nào ? đến đây chỉ biết có nhiệm vụ liên lạc, hay đã được "xây dựng" trước về ý định bố trí ấy ?

Nhưng khi nghe tiếng chân bước tới thì những việc xảy ra và tâm trạng của y giản dị không ngờ . Ðể cho cái bóng người mặc đồ đen đi quá vài ba bước, y búng tay đánh "chóc" một tiếng. Người con gái dừng lại .Y nhìn lên, trông thấy một khuôn mặt trắng giữa nền trời. Y gọi:

- Ðồng chí Thu ?

Người con gái không trả lời, ngồi xuống. Trong lúc trao đổi vài câu mật hiệu vắn tắt để nhận nhau, y để ý đến cái giọng của cô ta, không thanh và cao như giọng nói thường của đàn bà, mà laị trầm, ấm . Nhận xong ba tờ giấy nhỏ mà Thu vừa lấy ra trao cho, y cất vào bọc rồi hỏi:

- Ðồng chí ra đi có chắc không bị để ý theo dõi ?

- Không hề gì. Có thể ngồi đây được nửa giờ.

Y đang chọn lựa một câu hỏi thì Thu nói:

- Tôi bi quan về tình hình lắm.

Trong lúc Thu ngừng lại, y nhìn lên, nói chậm rãi như dò xét:

- Trong lúc nầy có nhiều đồng chí thiếu tin tưởng.

Thu vụt chận ngang:

- Ðồng chí xem chủ trương của cấp trên đề ra trong giai đoạn gần đây và nhận định thế nào ? Về tổ chức thì thu hẹp lại, đình chỉ hoạt động và giải tán nhiều cơ sở quần chúng. Về đường lối thì không giải bày chính sách của ta, không tiếp tục tuyên truyền chủ nghĩa của ta, mà nhắm chỉ trích những thực hiện chủ trương kinh tế, những công tác giai đoạn của đối phương , nặng nề về sự khai thác những lầm lẫn thối nát của cán bộ đối phương. Như thế làm sao các đồng chí ta khỏi nản lòng ? Khi chúng ta được lệnh không nói về chủ nghĩa cộng sản nữa, mà chỉ lao nói xấu chế độ quân dịch, chế độ quân cấp công điền, việc thu thuế của đối phương, những vụ biển thủ , chim chuột của cán bộ đối phương, thì chúng ta chỉ làm loạn chứ chúng ta thôi lãnh đạo một đường lối chính trị nữa rồi.

Lung mãi chú ý đến cái giọng ấm áp không chăm chú theo dõi câu nói. Tuy vậy, y cũng kịp hiểu và trả lời:

- Chắc đồng chí cũng phải nhận rằng tập hợp quần chúng xung quanh những mối bất mãn đối với sự thực hiện chính sách của đối phương nhất định dễ dàng hơn là tấp hợp quần chúng xung quanh một lý tưởng chủ nghĩa, dù là chủ nghĩa cộng sản.

- Tôi nhận thấy hai điều bất lợi. Một là chính sách của đối phương, dù thực hiện thế nào, trên thực tế cũng có điều kiện để đem lại đời sống tốt đẹp hơn chính sách của ta trong thời kỳ kháng chiếng vừa qua . Hai là ta bỏ qua phần tuyên truyền chủ nghĩa trong khi đối phương tập trung đả kích ta trên phương diện lý luận chủ nghĩa, thì toàn thể đồng chí sẽ nhận thấy một sự lùi bước trên mặt lý thuyết và dao động tinh thần.

Lung lẵng lặng ngồi im, trông cái bóng người con gái trước mặt. Vấn đề đã được đặt ra nhiều lần trong các cuộc thảo luận trên mật khu . Kể ra khó giải thích vắn tắt. Nhưng đây là ý kiến cá nhân của cô ta, hay là phản ảnh một thắc mắc phổ biến trong hàng ngũ đảng viên ? Lung có vẻ suy nghĩ. Cuối cùng y nói:

- Ðồng chí không để ý rằng tình trạng tinh thần của quần chúng trong giai đọan nầy không thuận lợi cho sự tuyên truyền lý thuyết, bất cứ là lý thuyết nào sao ? Trước kia họ đang quyết tin vào những tiêu chuẩn đạo đức phong kiến của Khổng Mạnh thì thình lình bị chủ nghĩa ta công kích triệt để , công kích cả những lề lối tập tục sinh hoạt cổ truyền được coi như dĩ nhiên. Rồi chúng ta gây cho họ một tin tưởng mới, hướng dẫn họ tôn sùng những nhân vật, những anh hùng mới, làm cho họ thấy đó là những cái gì tối thiêng liêng. Ðùng một cái, đối phương phỉ nhổ thoá mạ cực lực vào những cái bất khả xâm phạm đó, gây thành phong trào quần chúng ồ ạt dày xéo chà đạp lên những cái đó. Bấy nhiêu công chuyện xảy ra trong vòng mười năm làm cho bây giờ khó mà khiến cho quần chúng chịu tin tưởng vào một lý tưởng nào nữa . Nếu ta cố công vớt vát, củng cố lại sự tin tưởng vào chủ nghĩa ta, thì công sức nhiều mà kết quả chẳng bao nhiêu .

- Làm thế nào có thể chủ trương rằng đảng viên có thể tiếp tục hoạt động mà không được củng cố tin tưởng ?

- Tôi nói tình hình quần chúng chứ không phải nói những đồng chí đang hoạt động. Tình trạng tinh thần ấy khó khăn cho ta mà cũng đồng thời là một khó khăn cho đối phương.

Người con gái vẫn không hề nhúc nhích. Lung không thể dò xét được tác động của lời nói mình như thế nào. Bỗng nhiên cô ta bỏ lửng câu chuyện, nói:

- Tôi về . Ðồng chí nghiên cứư các báo cáo vừa nhận được ấy, lần gặp sau đồng chí cho biết ý kiến .

Cô ta sắp sửa đứng lên, Lung vội nói:

- Có thể ngồi nán thêm một lát nữa không ? Có lẽ không có gì đáng ngại ...đồng chí vừa bảo thế ? Ðã lâu, ở trên núi chúng tôi ao ước được gặp các đồng chí dưới nầy để nói chuyện .

Thu không trả lời, cười và đứng dậy. Lung cũng đứng theo. Y nói:

- Ngày mai nếu có gặp lại chúng ta vẫn còn nguyên là những người lạ hoàn toàn.

Thu nhìn thẳng vào y, có ý chưa hiểu. Y tiếp:

- Nghĩa là tôi chưa biết mặt đồng chí ra sao cả. Một lát nữa gặp nhau trong ánh sáng cũng không biết nhau.

Có tiếng Thu cười nho nhỏ . Y thấy phấn khởi, thích thú nói tiếp:

- Nhưng cái giọng nói của đồng chí thì thật không bao giờ quên được. ..Chúng ta ngồi lại được một lúc nữa chứ ?

Y đặt tay lên vai Thu, tự nhiên và thân mật đè xuống. Nhưng Thu bước nhích ra, nói:

- Ðừng. Tôi về.

Rồi cô ta bước đi. Cái bóng đen nhoà, biến nhanh trong tối . Thình lình Lung thấy nóng bừng bừng hai bên mặt, thẹn điếng người. Y vụt thấy Thu hiểu rõ dụng ý bố trí của đoàn thể, hiểu rõ ý định của Lung, và sự từ chối của cô ta thật là vắn tắt lạnh nhạt. Y nhắc đi nhắc lại trong trí:" Không thể nghi ngờ gì nữa. Hiển nhiên là hắn hiểu hết. Thật là trơ trẽn...trơ trẽn. Như thế mà gọi là bố trí được à ? " Y bước đi dưới lòng suối, không kịp để ý vẹt những nhánh cây sà thấp . Nhiều giọt sương tụ ở đuôi lá rù rì bị quẹt rụng vào cổ y.

Ba hôm sau, đúng trưa, y lại ngồi ở chỗ cũ, chờ Thu. Y đã bình tĩnh, tự bảo rằng nếu lần này Thu lại cứ đến thì sự sắp đặt của địa phương được tuân theo nghiêm chỉnh, y không nên e ngại .Y nghĩ ngợi bâng quơ, lấy làm lạ rằng mới nửa tháng chạp mà lòng suối đã khô ráo quá. Trận mưa tám hôm trước không còn lưu lại được vũng nước nào.

Thu hiện ra. Cô ta cười ngay:

- Lúc ra đi thì trong nhà đang có mấy người hàng xóm đến chơi nên tôi không dám mặc đồ tử tế, phải giả vờ như đi quanh nhà. Nếu thay áo, người ta hỏi đi đâu, lại thêm chuyện dối quanh quất nguy hiểm .

Lung hiểu là Thu phân bua về việc cô ta mặc áo cánh cụt tay. Y lấy trong túi ra năm tờ truyền đơn bằng chữ đánh máy đưa cho Thu.

- Ðồng chí cho phổ biến những tin tức này. Tuần sau các đồng chí phụ trách phổ biến sẽ chuyển lại tôi các tờ truyền đơn và báo cáo danh sách những người đã đọc được.

- Vẫn chuyền tay ?

- Chuyền tay. Y như lần trước. Không bao giờ tung vãi nữa. À: Ðồng chí có chắc rằng đối phương đang nghi cho cán bộ ta điều khiển những dư luận phao đồn các điều dị đoan về kinh thánh đại quan không ?

Y chợt nhìn chăm vào mặt Thu và kinh ngạc..Thu cười xoà ranh mãnh . Thôi đúng rồi, đúng là người con gái y đã trông thấy ở nhà Sơn hôm nọ. Nét mặt ấy không thể quên được. Mí mắt mở lên chậm chạp, bình tĩnh, nhưng khi đôi mắt ấy chiếu về đâu là như reo vui lên ngay. Y hỏi:

- Ðồng chí là ..cô là em đồng chí Sơn ?

Thu chỉ cười mà không trả lời.

Trưa đó y ngồi bên cạnh người con gái được khá lâu. Có một lúc y chú ý đến hai cánh tay tròn và trắng muốt, trên đó óng ánh những sợi lông vàng. Một con kiến chạy loanh quanh hấp tấp trên cánh tay ấy, thỉnh thoảng chợt dừng lại , lưỡng lự quơ hai sợi râu. Y lẵng lặng nhìn, nhớ lại cái ám ảnh trong giấc mơ của Ngọc đêm cuối cùng trên hang núi Tà Léc. Y muốn đưa tay ra xoa vuốt cánh tay ấy, xoa vuốt, mơn man ! Thu ngồi im, vẻ cam chịu.


Lung bị bắt vào lúc hai giờ chiều. Trời âm u suốt hôm ấy. Bầu trời im lặng và nặng nề, mây xê dịch chậm chạp. Không có một hơi gió. Dừa khắp xóm rũ lá đứng yên. Khi Lung vào đến khoảng sân vôi, y để ý thấy có mấy hạt mưa li ti rời rạc rơi trên má. Và có tiếng con chích choè kêu lớn , bên một bờ rào rất gần.

Lung bước vào trong nhà thì mấy người lính bảo an quay lại chận đám đồng bào kéo theo xem, yêu cầu giải tán. Trong nhà hơi tối, nhưng trông thấy sự bày biện của năm sáu viên chức ngồi lúi húi làm việc , y đã đoán ra đây là trụ sở của nha đại diện hành chánh miền thượng du nầy. Vẫn chưa ngừng lại, y bị xua luôn lên một thang gác chật và tối. Hai tay bị trói, y không sờ soạng được, đi rất khó khăn. Nhưng y cố giữ cho thẳng người.

Ngồi chờ y trên gác là một người tầm vóc nhỏ , tuổi gần năm mươi , hai mắt sáng và sâu, nhưng linh động, cử chỉ nhanh nhẹn và hơi nóng nẩy. Ông ta ra lệnh mở trói và mới y ngồi đối diện với ông trên cái chiếc ghế lùn trước một cái bàn tròn. Câu nói đầu tiên của ông ta có vẻ trịnh trọng như đã chuẩn bị từ lâu:

- Anh về hoạt động trong vùng nầy thế nào cũng đã tìm hiểu thái độ và những hành động, chủ trương của tôi. Và chắc anh cũng dư biết rằng đã phụ trách miền nầy tất nhiên từ lâu nay tôi đã theo dõi hành vi tông tích của anh rồi.Kết quả như thế nào, anh đã thấy. Chắc chắn anh phải công nhận rằng những người dân vệ bắt gặp anh hôm nay không phải là trong một trường hợp tình cờ. Trái lại chính những đồng đảng của anh đã cho tôi biết rõ nhất cử nhất động của anh từ lâu rồi. Anh chưa tin điều đó? Tôi đưa một bằng chứng : cái muy-dét hiện anh đang mang bên hông ấy từ trước đến nay anh vẫn giữ sát bên mình không rời ra bao giờ, tôi có thể nói ngay rằng trong số những đồ vật chứa trong ấy có một con dao cạo, một ống bê-vi-tin , hai thước ka-ki xanh...Anh nên tin rằng những điều mà anh cho là bí mật, chúng tôi đã hiểu rõ trước khi bố trí bắt anh. Vậy cho nên trước khi anh tiếp xúc với cơ quan có trách nhiệm hỏi cung, tôi khuyên anh nên thành khẩn. Anh sẽ không che giấu được gì ích lợi cho đồng đảng đâu, nếu anh muốn quanh co. Trái lại, nếu anh thành thực , tôi tin chánh phủ có thể có một thái độ khoan hồng.

Lung cố nói vắn tắt. Y chưa dò ra ý tứ thế nào, chưa biết công việc của y bị vỡ lở đến đâu. Chợt một câu nói của ông ta làm y giật mình :

- Trong lúc anh ngồi đây chúng tôi còn cho đi bắt một số người nữa , chẳng hạn như hai anh em tên Trần Hiếu và Trần thị Cúc, để thu lại số tài liệu và truyền đơn mà anh giao cho phổ biến. Anh không nên giấu giếm che chở cho ai nữa...

Y nhìn ông đại diện ngạc nhiên, nhưng bình tĩnh :

- Hiếu và Cúc?

- Ðúng rồi. Bí danh là Sơn và Thu.

Lung tưng hửng và kinh hãi. Cho đến lúc này y vẫn vô tình không ngờ đến chuyện ấy. Trong lúc ông đại diện tiếp tục nói, y vẫn cứ loanh quanh nghĩ về Cúc và Hiếu. Y đã gặp Cúc Ân Hiệp của Ngọc ba lần mà y không biết !

Ông đại diện bắt đầu dò hỏi vài điều về sự hoạt động của y và đồng đảng . Y trả lời rất dè dặt. Có một lúc y ngờ rằng người thanh niên ngồi lúi húi viết ở góc phòng kia là một anh thư ký đang ghi chép những lời cung khai của y. Nhưng sau y lại quả quyết là không phải. Người ấy vào khoảng ba mươi tuổi, nhưng ốm yếu, mặt không còn đầy đặn nữa. Tóc anh ta khô, nhưng mềm , không bù xù. Quần áo không còn lằn ủi. Trước mặt anh ta là một cái đèn bóng hột vịt, một ly nước, một đĩa cam chỉ còn lại hai miếng chưa ăn. Từ lúc Lung bước vào đến giờ anh ta vẫn cắm cúi viết, không để ý đến sự hiện diện của y. Viết xong một đoạn dài anh ta dừng lại, cầm một miếng cam cúi mặt xuống ăn vội vàng, nhai ngốn ngấu ngon lành, phun hột xuống sàn. Anh ta lại nhe răng nhằn miếng vỏ cam. rồi ngẩng lên, anh ta nhìn về phía hai người. Ông đại diện giới thiệu :

- Đây là tên Mai, tỉnh uỷ viên cộng sản. Tôi đã nói chuyện với anh hồi tháng trước đấy mà.

Mai là tên giả của Lung. Người thanh niên đứng dậy, bước đến nhìn Lung vẻ chú ý, mắt nheo nheo lại như nhìn vào ánh sáng, miệng hơi nhếch cười thú vị, như đang tò mò ngắm một con két đẹp leo trèo trong lồng. Sự sỗ sàng của anh ta ta có vẻ tự nhiên, ngây thơ. Anh ta hỏi Lung:

- Anh ở trên núi ba năm rồi hả?...Tại sao anh chống lại chúng tôi. Người ta để anh lại với nhiệm vụ chống một chính quyền thực dân, phải không? Anh đã thấy chúng tôi không phải là một chính quyền như thế , tại sao anh lại chống với chúng tôi?

Anh ta nghẻo đầu chờ câu trả lời nầy của y, vẫn với cái tò mò ngây thơ. Nhưng khi Lung chưa nói xong ba câu thì anh ta đã hết chú ý , và y chưa kịp dừng lại thì anh ta đã quay lưn đi sang phòng bên cạnh.

Lúc ông đại diện cũng đứng dậy rời Lung thì trời đã chiều, trong phòng âm tối, trông không rõ mặt nhau nữa. Có lẽ bên ngoài trời đang mưa. Không khí ỉu xìu. Ban đầu y ngửi một mùi thoang thoảng mát, có lẫn thứ mùi khét đất. Dần dần nghe ngọt ngào mát rượi rồi lành lạnh.

Y lại ngồi gần cửa sổ, nhìn ra ngoài. Bầy trời ảm đạm , một màu trắng đục lờ đờ. Khắp xóm, tàn dừa la liệt, dày âm u, đứng yên lặng. Không có tí gió. Trong hoàng hôn nhá nem mưa nhẹ hột cứ hạ xuống dịu dàng thơm cay cay của lá bưởi lá cam xông lên với mùi nước mưa man mát. Nhưng rồi chú ý chờ đợi lại không thấy gì nữa. Y cho rằng mình đã nhìn xuống đám cây bưởi cây cam dưới vườn và tưởng tượng quá xa. Y ngoái lại nhìn người lính bảo an đứng ở đầu thang gác, trong bóng tối. Ngọn đèn hột vịt đặt trên chiếc bàn con ở góc phòng chỉ soi sáng y mờ mờ mà không chiếu đến người lính. Y không có một cảm tưởng gì về cảnh đó cả. Y đang nghĩ về Cúc.

Bỗng y chú ý đến câu nói ở phòng bên cạnh. Thì ra người thanh niên đãng trí vừa rồi đang nói chuyện về y với ông đại diện hành chánh và hình như là họ đang ăn cơm. Anh ta vẫn không hề để ý đến sự hiện diện của y ở bên phòng bên nầy , cười nói tự do :

-...Hả? Bác ngại gì những tên còn ở lại trên núi? Nếu bác không bắt được thì dần dần chúng sẽ hoá ra khỉ hết chứ có gì đáng ngại? Có gì đâu nào? Bác chỉ lo giữ vững dân tâm ở dưới này thôi. Khi một bọn cán bộ hoạt động chính trị đã tách ra khỏi dân chúng mà chạy lui dần lên núi thì.....thôi rồi! Cứ để cho chúng hoá khỉ.

Anh ta phá lên cười , vui vẻ.Ông đại diện nói nho nhỏ , Lung không nghe được. Anh ta lại trả lời :

- Tôi cho là tại cái ngoan cố của triết học. Bác xem: khoa học kỹ thuật thì tiến quá nhanh , tình trạng xã hội do đó cũng thay đổi theo nhanh chóng quá sức , mà tư tưởng chúng ta thì cứ khư khư với những định kiến cũ . Xài cái đồng hồ đeo tay kiểu cũ, đi cái xe du lịch kiểu xưa thì người ta lấy làm buồn; đánh giặc bây giờ mà Mỹ để cho Nga vượt mình một năm về kỹ thuật chế tạo hoả tiển thì nguy hiểm. Thế nhưng bàn về tư tưởng chỉ đạo đời sống thì ta vui vẻ bới nát sách của Lão tử, Khổng tử ra ,và lấy làm hãnh diện mà đọc một câu nói cách đây hai mươi lăm thế kỷ. Mỗi một thay đổi trong địa hạt kỹ thuật ảnh hưởng đến bộ mặt đời sống và phải tác động đến quan niệm của ta về xã hội , về cuộc đời chứ. Khi phải xới đất từng nhát cuốc , cấy từng cây mạ, ta có một quan niệm về sức lao động, về tổ chức xã hội khác với khi mà ta dùng máy cày hàng mấy chục mẫu đất một giờ rồi dùng phi cơ gieo lúa giống chứ? Hả? Khác chứ? Khi phải đi cáng, suốt ngày không đầy ba mươi cây số, ta có một quan niệm về quốc gia, về chủng tộc, về thế giới khác với khi ta có máy bay đi vòng quanh địa cầu trong ba bốn hôm, hay là có thứ hoả tiễn khứ hồi lên mặt trăng trong mười giờ chứ? Vậy mà khoa học mỗi ngày mỗi phát minh, đời sống mỗi ngày mỗi đổi mới, còn những tư tưởng chỉ đạo cuộc sống thì hàng năm mười thế kỷ hoạ may mới có một lần thay đổi. Có khi tệ hơn nữa...

Có tiếng phản đối của ông đại diện.Lung vẫn không nghe rõ tiếng ông ta.Rồi lại nổi lên giọng nói của người thanh niên:

- Phải, phải. Tôi đồng ý rằng quan niệm của mọi người có dần dà thay đổi. Các nhà tư tưởn cũng cố gắng đuổi theo thời đại. Nhưng có điều lạ là những quan niệm mới không ảnh hưởng đến xã hội mấy. Học thuyết chính thống bao giờ cũng cũ kỹ. Người ta cứ căn cứ mãi trên những quan niệm lỗi thời để làm cơ sở lý thuyết xây dựng xã hội. Mặc cho bao nhiêu xáo trộn suốt hàng mươi thế kỷ ở Á Châu chúng ta vẫn quan niệm cuộc đời theo Khổng tử, tổ chức xã hội theo Khổng học. Đến thế kỷ nầy học thuyết của Mác lại lăm le muốn tranh đoạt cái địa vị ấy. Sinh ra đã một thế kỷ rồi, chiếm được địa bàn tung hoành ở một vài nước lớn rồi, cái học thuyết ấy ạli cứng đầu cứng cổ đòi tiếp tục phát triển bất chấp những biến chuyển của hoàn cảnh xã hội ngày nay cho nên tình hình mới gay go đến thế này. Tùu khi có nghiệp đoàn, có quyền đình công, tương quan giữa chủ và thợ đã khác xưa bao nhiêu; từ khi kỹ thuật đem đến những phương thức sản xuất mới , sự phân phối lợi tức ở các nước tư bản đổi khác khiến cho ngày nay viên giám đốc một xưởng máy ở Mỹ mà lãnh được số lương bằng mười lương người thợ kém nhất cũng hiếm có , trong khi một kẻ thư lại được ưu đãi trong xưởng máy của Nga xô có thể hưởng số lương gấp tám mươi lần lương thợ ; tình trạng ấy khiến cho thợ thuyền ở các nước có kỹ nghệ tiếng bộ xa dần đảng cộng sản , thế mà học thuyết kia cứ khư khư cho rằng tư bản càng phát triển càng mau đào lỗ chôn mình. Xã hội tư bản càng sung túc và bình đẳng hơn các nước cộng sảng, chủ nghĩa cộng sản cũng cứ đòi được thực hiện, và cũng cứ còn khối người đòi chết cho sự thực hiện chủ nghĩa ấy. Tôi e rằng khi những phi cơ liên hành tinh cho phép đổ bộ xuống quả địa cầu những sinh vật dữ tợn như ma vương quỉ sứ tràn chiếm hết đất đai thì chủ nghĩa ấy cũng cứ quả quyết rằng cuộc tranh đấu gay cấn nhất vẫn là tranh đấu giữa người và người. Phải nhiều thế kỷ lắm mới đuổi đi được một học thuyết lỗi thời. Học thuyết thỉ có nhiều, có nhiều lắm. Nhưng phần lớn thì như lảng vảng xung quanh đám đông , chỉ có một đôi học thuyết nhào vào , thâm nhập được quần chúng đông đảo. Và thế là xong, như con đại bàng cắp được công chúa rồi, đuổi đi không đi, đánh không nổi, rứt không khỏi , giằng co đến rách thịt toé máu mới xong.

Ông đại diện nói rì rầm rất lâu. Có tiếng khua chén bát, có lẽ người ta đã thu dọn bàn ăn. Rồi im lặng ở phòng bên cạnh. Lung chờ bữa cơm của mình. Nhưng bỗng người thanh niên lại nói:

- Tôi không tin rằng rồi đây một quan niệm tổ chức xã hội sẽ thay đổi cuộc đời có hiệu quả bằng những phát kiến của khoa học. Bác nghĩ sao? Nếu nay mai người ta chế tạo máy bay dễ dàng, ai nấy đều mua xài như mua xe đạp, nếu phạm vi cư trú của loài người mở rộng bao gồm thêm vài hành tinh nữa trong vũ trụ , thì có phải điều kiện sinh sống của mỗi người trong chúng ta sẽ đổi mới nhiều hơn là thực hiện bất cứ một chế độ chính trị nào chăng? Kỷ nguyên này là của kỹ thuật. Cá cnhà tư tưởng chậm chạp lắm, không nên can thiệp vào. Bác bảo làm sao họ không chậm được? Một người thợ gặt, người quét đường ngày nay làm việc khác với đồng nghiệp của họ thế kỷ trước, họ có máy giúp đở, họ hưởng thụ được lợi ích của kỹ thuật mới. Nhà khoa học bây giờ làm việc với bao nhiêu là máy móc, phương tiện tinh xảo hơn một thế kỷ trước , họ có thể dùng một cái máy tính ba trăm ngàn con số trong một giây, nhanh hơn óc họ gấp triệu lần. Còn nhà tư tưởng thì lề lối và phương tiện làm việc vẫn như xưa. Ngày nay viết được một câu như trong kinh Xuân Thu cũng không nhanh chóng và dễ dàng hơn hồi thời Khổng tử một mảy may. Đọc sách vẫn mang kính lên mắt, một phút vẫn chỉ có thể đọc ngần ấy chữ , viết ra một câu văn vẫn chừng ấy suy nghĩ, công phu, không có cái máy nào tính cách chuyển mạch , dứt câu và chấm, phảy giúp họ. Lề lối làm việc của họ còn hoàn toàn thủ công nghiệp như xưa. Trên thế giới tiến bộ này thiệt thòi nhất là nhà tư tưởng. Tôi thương nhất là nhà tư tưởng , nhà văn , nhà triết học.

Anh ta cười ầm lên ở trong phòng bên cạnh. Rồi họ kéo nhau bước xuống thang gác. Xung quanh Lung hoàn toàn vắng vẻ.

Ngồi nhìn đêm tối qua khung cửa kính, y bồn chồn lo lắng. Và rất buồn. Bên ngoài mưa cứ dịu dàng hạ xuống xóm làng , xuống đám dừa đen âm u, xuống ngọn đèn đỏ giữa xóm, xuống cuộc sống thân mật, yên lành. Trong im lặng mát mẻ một giọng hát ru con mệt mỏi cất lên:

Một à mai con à cá hoá mai,
Con à chim hoá liễu a..đậu hai tùng nhánh tùng

Y bắt đầu thấy đói bụng. Không biết người ta có nghĩ đến bữa cơm chiều của y chăng? Bao giờ thì ông đại diện trở lại? Mà rồi ông ta có tiếp tục cuộc thẩm vấn nữa không? Tại sao đang hỏi y, tự dưng ông ta bỏ ngang đi ăn, bỏ y cho mấy người lính gác? Ông đại diện già này làm việc có vẻ luộm thuộm nhưng y biết ông ta là một kẻ mưu cơ.

Y công tác bên quận Hoài Ân nhưng lại bị bắt trên địa phận nha đại hành chánh An Lão. Nha đại diện là đơn vị hành chánh trung ương với cấp quâng, nhưng là một thứ quận đặc biệt chuyên trách về các sắc dân thiểu số miền thượng du. Viên chức đứng đầu nha đại diện thường không xuất thân từ trường Quốc Gia Hành Chánh, không phải là những người trẻ tuổi, học thức. Ông đại diện này chảng hạn là một nhân sĩ địa phương. Y chưa từng biết mặt ông ta , nhưng quả y có điều tra, tìm hiểu: ông ta không học hành mấy , nhưng rất am tường về vùng nầy, ông hiểu dân tình , địa thế, biết rõ từng làng từng xóm , lại được sự tinh cậy của dân thượng du.

Còn người trẻ tuổi vừa rồi là ai, y hoàn toàn chưa biết chút gì. Anh ta nói giọng Quảng, bộ điệu trông rõ ràng không phải là thuộc cấp dưới quyền ông đại diên. Có lẽ là một viên chức từ cấp trên , từ trên tỉnh, có thể từ Huế hay Sài gòn, vừa ghé qua đây vì một công tác nào đó. Một viên chức trẻ, học thức, ưa lý luận xa vời, không có ý niệm gì về các vấn đề cụ thể của địa phương. Một mẫu người trái ngược với ông đại diện. Không biết hai người lúc này kéo nhau đi đâu, họ có đang bàn tính về y , về những chuyện liên quan đến số phận y?

Cảm giác đói mỗi lúc mỗi mạnh. Bây giờ Lung lại thấy khát nước nữa. Có lúc cơn đói làm y thấy nhược hẳn người. Những xúc động sau khi bị bắt làm y quên chuyện cơm nước qua mấy giờ liền, bây giờ cái dạ dày nó đòi hỏi....Có người bước lên cầu thang. Một người đàn ông , mang trên tay cây đèn toạ đăng đang cháy sáng. Người đàn ông ông nhìn qua y , cứ đi thẳng đến bàn giấy ông đại diện, đặt cây đèn giữa bàn, rồi bước nhanh về phía góc phòng, cúi xuống thổi tắt ngọn đèn hột vịt, đoạn xách bình nước trà đã cạn nước quay lại bước xuống cầu thang, sau khi liếc nhìn Lung bằng một khoé mắt rất nhanh.

Nhìn quanh gian phòng dưới ánh đèn sáng , bây giờ y chợt nhớ lại căn gác ở nhà cậu y. Đúng thế, căn nhà nầy cất theo kiểu nhà người cậu mà mẹ y vẫn dẫn y về hồi nhỏ, vào các ngày kỵ giỗ, vì ông bà ngoại đã qua đồi trước khi mẹ đi lấy chồng.. Đây cũng là kiểu thức chung chung cho các nhà giàu miền núi ở vùng ngày ngày xưa. Nhà xây tường bằng đá ong, có một tầng gác. Tầng gác ấy không thực sự cần thiết để sinh sống, nhung xây cất vì nhu cầu phòng vệ. Số là ở đầy xưa kia thiếu hẳn an ninh: thỉnh thoảng vẫn xảy ra những vụ dân thiểu số thượng du thình lình kéo về cướp làng , vét của cải, bắt trâu bò , bắt luôn cả đàn bà con gái đem lên núi. Vì thế nhà có cũa làm nhà lầu, tích sẳn đá cục trên phòng , khi có cướp đến thì đóng chặt cửa tầng dưới, kéo nhau lên gác, nấp trong cửa sổ ném đá và bắn tên xuống, chống nhau với kẻ cướp.

Nha đại diện hành chánh này chưa xây được trụ sở riêng hãy còn đặt văn phòng tại ngôi nhà mượn của một đồng bào khá giả. Lung nghĩ lan man: Ông đại diện này hàng ngày chung sống với gia chủa, văn phòng làm việc của ông cũng là nhà trọ. Ông ta làm việc trong một khung cảnh gia đình thân mật, khung cảnh quen thuộc từ lâu đời đối với Lung, và cả đối với ông ta. Một khung cảnh đặc biệt địa phương , liên hệ mật thiết với cuộc sống miền quê này từ nhiều đời nhiều kiếp. Ông đại diện, chính ông già ấy, có lẽ suốt đời cũng chưa từng rời xa địa phương , suốt thời kháng chiến vừa qua cũng chỉ sống loanh quanh ở vùng này, dưới cùng một chế độ mà y đã từng sống. Y lại nghĩ đến lời ông ta khuyến dụ: thành khẩn sẽ được khoan hồng. Chính ông ta cũng trót quen với luận điệu phổ biến trong xã hội cộng sản. Dưới chế độ bên này, tội trạng của y sẽ do tư pháp định đoạt: một viên chức hành chánh có thể hứa hẹn gì đâu !

Lung lại nghĩ đến những ngày sắp tới của mình. Lại lo lắng chơi vơi. Tiếng guốc dép và tiếng trò chuyện ở tầng dưới bỗng im bặt đi một lúc. Rồi lại nghe như có đôi ba người vừa mới kéo nhau vào nhà , vừa đi vừa đùa giỡn.

Lung xoay người, quay lưng hẳn về phía ánh sáng, úp mặt vào khung cửa sổ, nhìn ra ngoài đêm.

Dưới sân có người đàn bà đội nón lá vừa hấp tấp tiến ra cổng. Người đi không guốc, đi như một cái bóng, không có tiếng chân khua động. Sau đó, hồi lâu không có dấu hiệu hoạt động nào khác. Ngoài tròoi mưa rơi êm. Trong xóm, bóng đêm càng dầy. Giọng hát ru con lại cất lên, và lại trở về với câu đã nghe qua lúc nãy :

Một à mai con à cá hoá mai
Con à chim hoá liễu à...đậu hai tùng nhánh tùng

Lần này y tò mò để ý đến cái nghĩa ngộ nghĩnh của câu hát. Giọng hát buồn buồn cổ truyền của người đàn bà Việt Nam đã lột hết vẻ tân kỳ quái lạ của ý nghĩa câu thơ, khiến cho từ lâu rồi , y vẫn thản nhiên nghe câu ấy, yên trí rằng con cá hoá mai cũng không lạ lùng hơn con cá hoá ra mắm trong vại. Những hình ảnh của cuộc sống đêm nay tràn ngập cảm quan y là những hình ảnh quen thuộc lâu đời. Cuộc sống xưa cũ tầm thường bỗng nhiên đối với y sao thân thiết quá. Y tự hỏi : thực y đã từng hoạt động để tạo nên một xã hội khác, hoạt động để xoá sạch nếp sống thân mật đó sao? Thực tình y đã từng quả quyết như thế sao? Mùi đất ướt , lá ướt, tiếng hát ru con, tiếng mưa nhẹ nhàng trong đêm tối sao mà quyến rũ quá, sao mà ngọt ngào quá, khiến y bồn chồn. Y bồn chồn như chưa từng sống tha thiết đến thế bao giờ.

Y nhớ lại nét mặt đau khổ và bàn tay của Ngọc xoa lên tay y trong một đêm khuya ở hang đá Tà Léc, cặp mắt thản nhiên của hai con nai, y nhớ ông cụ trùm khăn đỏ ngủ trong gian nhà tối của Sơn , nhớ giọng mắng nhiếc rì rầm hằn học mà mãi đến bây giờ y cũng không hiểu là thế nào, y nhớ những sự kiện rời rạc vô nghĩa, cùng nhau góp lại thành ra cái thú vị u ẩn của cuộc sống.

Y nhớ cái mùi thơm cay cay nồng nồng trên ngực áo của Cúc. Cúc mà y đã ôm trong tay, đã xô y ra, nhưng nhất định sẽ là của y , nếu y không bị bắt sau lần gặp gỡ thứ ba. Y băn khoăn tự hỏi: y đã đến chờ Cúc với cái tâm trạng của kẻ đến chờ thoả mãn một nhu cầu , còn Cúc đã đến với y với ý nghĩ gì? Thân thể của Cúc có lúc mềm yếu đi là vì rung động hay vì phục tùng? Dù sao thì Cúc cũng có gì phức tạp hơn những ý nghĩ hăm hở và đơn giản của Lung lúc ấy, ý nghĩ cộc lốc đến một nhu cầu...

Trên mười đầu ngón tay của Lung như còn cái cảm giác trơn trơn êm dịu của lúc áp trên lần áo lụa. Y nghĩ đến sự đau khổ của Ngọc, đến sự lầm lộn tình cờ, đến con kiến len lỏi trên cánh tay Cúc, giữa những sợi lông vàng óng ánh...Sao đến lúc này y mới thấy tha thiết đến cuộc sống tầm thường , đến những tình cờ, những chi tiết nhỏ nhặt của cuộc đời đến thế...Còn mấy hôm nữa là y đã ba mươi mốt tuổi. Và y sẽ xa cuộc đồi không biết đến bao lâu nữa. Y sẽ bị tù bao lâu nhỉ? Rồi Ngọc ở trên hang núi cao kia, đang nhớ đời da diết , Ngọc cũng sẽ mò về và cũng sẽ như y hôm nay. Y vụt nhớ đến những câu nói xô bồ của người thanh niên đãng trí ở phòng bên cạnh vừa rồi, có cảm tưởng như cả xã hội đã nhao nhao thốt ra cái câu hất hủi và tàn nhẫn: "Để cho chúng hoá khỉ !"

Giọng hát dưới xóm vừa dứt. Hơi mưa nhẹ nhàng hạ xuống , nhận chìm dư âm câu hát trong đêm tối mát mẻ.


Võ Phiến
1956