có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Ba, tháng 1 26, 2010

Dưới tàn cây trứng cá




Chiếc G.M.C. thả chúng tôi xuống ở một ngã tư. Buổi sáng nắng đã gắt. Phố xá chói chang trong lớp bụi mủ. Chúng tôi dùng cà-phê ở một quán cóc góc đường. Biên và Đồng đứng lên trước chia tay tôi một cách vội vã sau khi đã hẹn giờ và địa chỉ gặp nhau để trở về doanh trại. Tôi thấy Đồng chặn chiếc tắc-xi từ xa và cả hai ngồi trên xe đi ngược chiều con đường dẫn đến nơi làm việc. Đồng lái một người ít nói, hai con mắt nhỏ của anh nằm dưới lớp kính cận để Iộ cái nhìn ngơ ngác của một người lạc lõng, khó thích ứng với hoàn cảnh mới, với bầu khí còn lạnh lẽo chưa đủ độ nóng ấm cần thiết của sự thân thuộc. Những đường nét mù mờ ở cặp chân mày, sống mũi, chiếc miệng và cả khuôn một anh, cùng với dáng đi hơi chậm chạp, nặng nề (dù anh gầy, khá gầy để có thể gọi là ốm yếu) vai phải bị lệch hằn một bên, đầu chúi về phía trước, giọng nói chậm hơi mắc quãng ở những chữ giữa câu… làm như có một cái gì đó nơi anh còn đang tạo thành, chưa xong, chưa dứt. Đồng lái một họa sĩ, Biên cũng vậy (nhưng tôi là người không thấu được vẻ đẹp của những bức tranh). Tôi thấy cả hai dầm mình trong công việc vẽ và viết như những tín đồ đam mê quá độ Thượng-đế của mình. Nhưng ở Biên có nhiều điểm khác biệt với Đồng, nơi mái tóc anh, nơi cái nhìn soi mói của đôi mắt một mí anh, nơi những sợi râu cứng trên mép anh, nơi điệu bộ quá nhanh nhẹn đến có phần lấc cấc của anh, cùng giọng nói nửa Bắc nửa Trung của anh, cái gì cũng đậm, cùng rõ, củng đến, cũng tới, cũng phân minh mạch lạc, anh ưa châm chọc người này, đùa cợt kẻ khác bằng một thứ ngôn ngữ đảo ngược, bẻ quắp, thả bung như một mũi tên. Tôi nghĩ có lẽ anh là một trong số rất ít những người trong thành phố chúng ta ngày nay còn có thể biết cười và làm cho kẻ khác cười (hay giận?) được trong một hoàn cảnh chẳng đấng cười (hay đáng giận ?) bao nhiêu. Còn lại mình tôi đứng trên lề dường, giữa đám xe cộ ngược xuôi, người ngợm qua lại. Tôi nhìn xuống mũi giày tôi và thấy mình lẻ loi. Bộ quần áo kaki màu rêu trên người, chiếc bảng tên may sát vào túi ào bên mặt, một chiếc bảng khảc ghi danh số bên túi trái, cả hai đều màu vàng — một thứ màu vàng lưng chừng, không tối không sáng, làm nền cho những chữ và số màu đỏ chói, tất cả đều có vẻ buồn cười, khi nằm chồng lên nền áo màu rêu xanh. Tôi cúi xuống, buộc lại dây giày, nắn lại cổ áo, vuốt lại nếp túi, phủi những bụi bán trên quần, và không một dự định nào trong đầu, tô gọi chiếc tắc-xi trống vừa trời tới. Tôi sẽ làm gì với số giờ nhỏ nhoi còn lại trong tay? Đi đâu bây giờ? Người tài xế cho xe chạy chậm dò hỏi, và mãi một chập sau tôi mới nói được với ông ta cái địa chỉ mà tôi muốn tới (chứ không phải cái địa chỉ mà tôi phải tới, phải tạt qua trong khoảng thời gian bốn giờ đồng hồ còn lại cho một ngày xuất trại).


*

Xe chạy qua đường Nguyễn Huệ. Những cây thông nhân tạo được sơn phất bằng một thứ màu canh quá xanh đến lộ liễu. Những sợi dây kim tuyến đủ màu treo quanh mái hiên những quán gỗ, nơi người ta vẫn thường dùng để chưng bày hoa, những bó hoa dành cho người sống và cả những vòng hoa dành cho người chết nữa. Tôi bỗng có ý định mua cho Hà một bó hoa. Xe ngừng lại sát thềm quán. Tôi vẫn ngồi trên xe, chiếc túi vải màu rêu đựng những khăn lau mặt, bàn chải đánh rang (vừa mới mua) những cuốn sách (mà tôi biết chắc sẽ chẳng bao giờ có đủ, có thể đủ thời giờ để đọc được…) đặt trên đùi thầm hỏi Hà thích hoa gì. Hình như tôi chưa có dịp hỏi nàng câu đó. Tôi có thể mua cho nàng một vài bông hồng, nhưng điều này chắc không tự nhiên. Hoa hồng nhung: tôi yêu cô say đắm. Đó là câu tôi đã được nghe Hà nói và được đọc lại rất tình cờ trong một tạp chí dành cho đàn bà (nhưng phần lớn người viết bài lại là đàn ông). Nhiều khi tôi nghĩ bọn đàn ông thật là ngu si, họ nghĩ ra các ý tưởng, ra các kiểu thời trang, họ nghĩ ra các cách trang điểm để tạo cho người đàn bà thêm phần quyến rũ, để rồi chính họ buông mình rơi chìm, giãy giụa trong những chiếc bẫy êm ái do chính mình tạo ra đó. Chẳng phải chính người đàn ông đầu tiên của cái giống người đã được tạo ra theo hình ảnh Thượng đế – hay người ta thường khoái vẽ Thượng đế với râu ria tóc tai giống đàn ông thay vì một Thượng đế có thân hình cân đối với chân dài, ngực lớn và vẻ duyên dáng mềm mại thịt da trắng trẻo tươi mát của người đàn bà – để rồi chính người đàn ông mang tên là A-đam ấy bị xô đẩy ra khỏi vườn Lạc uyển chỉ vì bị người đàn bà cám dỗ.

Nhin những đóa hồng vừa hé nụ, tôi nghĩ đến mối liên hệ giữa tôi và Hà, mối liên hệ đó có lẽ quá kỳ cục, kỳ cục đến nỗi nhiều lúc nghĩ lại tôi không khỏi không ngạc nhiên tự hỏi tại sao ta có thể duy trì được một tình trạng hàm hồ lâu dài đến như thế, chúng tôi quá lanhj lẽo để có thể gần nhau và quá nống nàn để có thể quên nhau. Dù sao chẳng có điều chi quan trọng giữa hai chúng tôi. Liệu việc mua hoa hồng tặng Hà có làm lỏng chỏng them mối liên hệ giữa hai chúng tôi? Tôi nhớ một lần chở Hà đi chơi về khuya qua đây, Hà đòi tôi ngừng xe ở chỗ này, (đó cũng là một điều ngạc nhiên vì tôi biết tính Hà tuy bất cần đời nhưng lại không thích lù nhù lẻ thẻ ngoài đường phố như những con bé mới lớn ham phô trương và làm điệu) vào quán mua độc một bông hồng mang ra bắ tôi nhận, và nói “tôi thích tặng hoa này cho anh, chẳng phải vì hoa hồng nhung có nghĩa là tôi yêu anh say đắm đâu, tôi thích tặng nó cho anh bởi vì tôi muốn thế, anh hiểu không?” Anh hiểu không? Hình như ở cuối mỗi câu nói của nàng đều có những tiếng đó, nó cũng giống như lối chấm dứt mỗi câu của những huấn luyện viên tại quần trường mà tôi đang thụ huấn (Nghe rõ chưa? Rõ. Nghe rõ chưa? Rõ…) những điệp khúc đó thật khó quên nhưng khó hiểu và khó có thể rõ được.

Nhiều lúc tôi tự hỏi tại sao nàng cứ bận rộn với công việc giải thích, nó có vẻ như muốn che giấu, lấp liếm, trộn lẫn một điều gì khác, điều này cũng khó nói như đã khó tưởng. Chắc không phải là Hà ưa làm những việc không phải của nàng! Dầu sao điều này chẳng quan trọng gì, nó cũng giống như mọi điều không quan trọng khác trên cõi dòi này. Bữa đó tôi mang hoa về cầm trong chiếc ly đánh rang để ở buồng tắm. Buổi sáng khi đang dùng điểm tâm, Lan hỏi tôi đột ngột, cô nào tặng hoa cho anh vậy. Tôi không phủ nhận việc đó và Lan cũng không nói gì thêm. Nàng sửa soạn đi làm, hơi hấp tấp vội vã hơn mọi bận, nhưng nụ cười vẫn giữ trên môi. Về sau thỉnh thoảng Lan cũng có hỏi tôi “chuyện anh với Hà đã di đến đâu rồi”, tôi trả lời, “chẳng đi đến đâu hết”, và khi nhìn thấy Lan bình thản lật những trang sách tôi nói thêm “vả lại biết nơi nào mà đến bây giờ” Lan ịm lặng, thái độ của nàng không làm tôi ngạc nhiên. Tôi xuống xe, bỏ lại chiếc túi vải màu rêu trên bang ghế sau. Tôi đã quyết định mua tặng Hà một bộ orchidees, loài hoa man dại, màu dịu dàng trên những cành trơ trụi không một chiếc lá, cũng giống như Hà, trong cái vẻ cứng cỏi lạnh lùng nó còn phảng phất vẻ mềm mại đam mê nồng nhiệt. Người thiếu phụ gói những nhành hoa vào trong một miếng giấy trắng và sốp. Tôi trả tiền cầm bó hoa trở lại chui vào tắc xi. Người tài xế ngủ gục trên tay lái, trán úp lên hai cánh tay, bất động như cảnh vật buổi trưa đầy nắng.

Tiếng đóng cửa làm ông ta giật mình tỉnh dậy và không đợi tôi nói, ông lầm lì cho máy nổ, chạy tiếp quãng đường đến nhà Hà. Tôi gợi chuyện về sinh hoạt đắt đỏ trong thành phố, đời sống ngày trở nên khó khăn hơn, chèn ép hơn. Ông hỏi tôi bao giờ thì ra trường, liệu người ta có còn đánh nhau nữa không, đứa con trai lớn của tôi đã đi lính, và đã chết chưa đầy tháng ay trong một trạn đánh dữ nhất vào đầu tuần rồi, mặt nó nát bấy như một miếng giẻ rách, tôi không nhận ra được có phải nó là đứa con của tôi không, nó bằng tuổi cậu, và con vợ nó đã theo một người đàn ông khác, đến bao giờ thì hòa bình hả cậu, cậu có tin hòa bình sắp đến nơi rồi không, đứa con trai út tôi vừa thi trượt lớp Đệ thất, tôi không chạy được xe ban đêm, mắt tôi yếu lắm, đèn chói không thấy lối nào mà tránh. Tết nhất lại đến nơi rồi… Cậu đã có gia đình chưa, tôi nhớ thằng cả tôi quá, liệu người ta có còn đánh nhau nữa không?…

Tôi không ngỡ ông nói nhiều đến thế. Tôi nói tôi sắp ra trường, chắc người ta sẽ không đánh nhau nữa đâu, phải có lúc người ta mệt mỏi chứ và tôi tin chắc là người ta đã bắt đầu mệt mỏi rồi, tôi có gia đình và tôi tin tưởng sẽ có hòa bình, tôi là người nặng niềm tin và tràn đầy hi vọng, tôi thành thật chia buồn cùng ông và tôi nói con ông đã chết xứng đáng. Tôi châm một điều thuốc và mồi cho ông điếu khác. Tôi thấy da mặt ông nhăn nhúm. Và những sợi râu cứng mọc chia hai bên mép.


*

Xe chạy ngang qua một khu chợ nhỏ, đường một chiều chật và nghẹt những người mua bán, ông nói, tết này không hiểu mấy “ổng” có tính “chơi” nữa không đây? Tôi cười nhỏ, hồi tưởng lại Tết năm ngoái bị kẹt ngoài Vũng Tàu, gần một tháng trời hết nghe đài phát thanh lại xuống bãi nằm hoặc ra bến xe đò nghe ngóng tin tức, những cuốn sách đã đọc lại được đem ra đọc thêm một lượt nữa, những mẩu báo đã cũ (gói bánh mì buổi sáng) cũng đem ra rị mọ từng dòng, tìm kiếm từng chữ như xem đoạn phim chiếu chậm dẫn giải về kỹ thuật đấm của một võ sĩ hạng nặng. Lan bảo, trong lúc này mà anh còn có can đảm đọc sách được kể cũng lạ thật. Tôi đáp, nếu không làm việc đó thì em muốn tôi phải làm gì bây giờ? Lan không trả lời. Nàng chẳng bao giờ trả lời những câu hỏi ngược của tôi. Tôi ưa nóng giận một cách vô lý. Lan biết và nàng đã kịp thời làm nguôi những cơn giận dó. Những lúc không ở trong khách sạn, tôi ra nằm trên bãi cát gối đầu lên hai cánh tay ngửa mặt nhìn trời hay nhắm nghiền mắt hút thuốc lá lắng tau nghe những tiếng động xung quanh, những tiếng động ngày càng giảm bớt trong trí tưởng tượng tôi và chợt thấy mình sống lại những ngày tuổi nhỏ lang thang ở quê nhà miền biển của mình, lấy bãi cát làm chiếu, những bụi dương làm buồng, đường phố làm bạn và biển xanh với tiếng sóng vỗ rì rào trên nững kè đá làm thực phẩm nuôi dưỡng cho những khát vọng không bao giờ lấp đầy, những ước mơ thầm kin không bao giờ có thể cởi mở. Lúc đó, tôi lại thấy hình ảnh của Hà giống như những đóa orchidees mọc trên những cành trơ trụi. Và đứa trẻ lang thang là tôi chui nhủi lẩn trốn trong những hang động của tuổi thơ bỗng dưng sống lại đi đứng chạy nhảy. Đó cũng còn là những hình ảnh mà tôi đã thình lình bắt gặp qua những lần nói chuyện với Hà, nghe cái giọng nói đàn bà nhuốm vẻ xúc động, chuyên chở những ý nghĩ và thích thú của cái giống đàn ông ưa kiêu ngạo, một hai thề sẽ trở lại khu vườn Lạc uyển mà hắn đã bị xua đuổi (nhưng bao giờ hắn sẽ trở lại?).

Tôi hiểu vì sao tôi không mua hoa hồng tặng Hà.


*

Hà đang ngồi giặt một chậu lớn quần áo dưới tàn cây trứng cá trong sân trước nhà. Tôi nhận ra vài chiếc áo nàng vãn mặc mỗi khi đi chơi với tôi và một ít đồ lót mà đã có lần tôi vò nát chúng trong tay (tôi thích nhìn đàn bà trong bộ dồ lót hơn là ngắm họ với quần áo tề chỉnh hay trần truồng. Tôi cố hiểu nhưng không sao phân tích nổi vì đâu có cái ý thích đó. Dẫu sao, khi người đàn bà chỉ mặc đồ lót thôi, họ trở nên duyên dáng hơn, dễ thương hơn và quyến rũ hơn – dĩ nhiên người đàn bà đó cần có một khuôn mặt dịu dàng, một thân thể cân đối tròn trịa, đôi chân thon dài và đôi vú ít ra cũng vừa tay một chút).

Hà ngước lên nhìn tôi với chiếc bàn chải trong tay đầy xa phòng.

– Về phép à? Sao lại giờ này?

- Không. Về có chút việc. Xong công tác thấy còn ít giờ, không biết làm gì, lại đây.

- Không biết làm gì, lại đây?

- Chỉ nghĩ như vậy thôi, cũng được.

- Đùa đấy. Vào nhà chơi đi.

Hà vừa nói vừa khoắng tay trong chậu nước đầy bọt xà phòng. Tôi thấy một phần ống quần của Hà ướt nước, hai bàn chân trần trắng xanh (vẫn thường giấu kín trong giầy cao mỗi khi đi chơi với tôi) gợi một cảm giác tươi mát và thèm muốn.

Tôi xua tay:

- Cứ giặt tiếp đi. Tôi ngồi xem cũng được.

- Đừng khôi hài. Anh sẽ thấy tôi ngồi giặt có vẻ kỳ cục, hình ảnh đó làm xấu xí những ấn tượng anh đã có về tôi.

- Cô tưởng tôi dễ bị những hình ảnh này đánh lừa sao? Hãy tin tôi đi, đây là một ấn tượng tốt. Tôi yêu thích Hà trong cái dáng vẻ đó. Thú thật trước đây tôi không tưởng tượng nổi được là Hà có thì giờ làm công việc đó. Tôi tưởng Hà đã hết là đàn bà.

Hà vẫn đứng lên, với chiếc gáo múc nước sạch trong phuy xối rửa tay:

- Tôi thường thanh toán quần áo dơ mỗi tuần một lần. Những lúc đó, tôi không nghĩ ngợi gì cả.

- Không nghĩ ngợi gì? Thật vậy sao?

- Không hẳn thế. Tôi cũng có nghĩ trong lúc giặt đồ nhưng là những ý nghĩ nhẹ nhàng vui tươi hơn, những ý nghĩ của bọt xà phòng, của sự cử động không đều đặn, của hai bàn tay.

- Còn thân thể? Nó không cho cô một ý nghĩ nào sao?

Hà cười trỏ cho tôi một chiếc xích đu dành cho trẻ con đặt dưới gốc cây trứng cá.

- Anh ngồi đó đợi tôi một lúc. Nói chuyện ở ngoài dễ chịu hơn.

Hà quay vào nhà. Tôi đến bên xích đu ngồi xuống bỏ mũ ra và chợi nhận thấy bó hoa còn ở trong tay mình. Hà trở ra, tóc đã chải lại gọn hơn, khuôn mặt tươi mát hẳn, nàng đặt ly nước lạnh trong tay tôi và châm cho tôi một điếu thuốc.

- Chắc người nhà binh khát nước?

Tôi muôn nói với Hà là khi bước vào sân thấy Hà ngồi giặt quần áo tôi đã không thấy khát nữa nhưng tôi kịp giữ lại, tôi đã nhìn thấy trước phản ứng của Hà, đó là nụ cười nhỏ trên môi và nỗi nghi ngờ trong mắt nhìn của nàng. Hà là một người ít tin tưởng kẻ khác, nàng chỉ tin tưởng được nàng. Có phải đó cũng là lý do khiến tôi không tặng hoa hồng cho nàng? (Liệu tôi có đang mắc phải cái tật ưa giải thích cho Hà?).

- Mang hoa đi tặng ai thế này?

Hà hỏi, điếu thuốc trên môi và âm thanh của giọng nói trong cô. Tôi không thú lắm cái lối đàn bà vừa ngậm thuốc vừa nói, nhưng hình ảnh đó lại làm tôi liên tưởng đến một nhân vật trong tác phẩm của nhà văn Francois Mauriac mà tôi rất khoái (dĩ nhiên Therese Desqueyroux thật khác xa với Hà). Tại sao lại có thứ tình cảm trộn lẫn giữa thương và ghét kỳ cục này? Phải chi Hà đừng hỏi tôi câu đó thì sẽ dễ dàng cho tôi biết bao nhiêu, tôi sẽ rất tự nhiên đưa bó hoa cho nàng mà không cảm thấy mình có vẻ xuẩn ngốc và ngờ nghệch. Dù sao tôi cũng đã đặt bó hoa trong tay Hà.

- Hãy nhận và đừng hỏi gì cả.

- Tại sao?

- Nếu phải trả lời chắc tôi sẽ không tự nhiên lắm đâu.

- Orchidee à? Tôi thích lắm. Có cần phải nói…

- … Không, không phải nói cảm ơn gì hết. Rất tiếc, hình như nó không có hương.

Hà kẹp điếu thuốc giữa hai ngón tay, nhìn tôi:

- Anh định ám chỉ cái gì vậy?

Tôi thả điếu thuốc xuống đất, dí mũi giầy lên (tôi không chịu được mùi thuốc của Hà, nó nhẹ nhưng hốc cổ, có lẽ tôi phải đi mua một bao thuốc cho tôi, tôi đã để ý và tôi nhận thấy chẳng bao giờ Hà hút thứ thuốc tôi hút, có phải sự khác nhau đó làm cho chúng tôi gần nhau?).

Tôi đặt bàn tay mình trên tay Hà:

- Những đóa hoa không hương đó? Hà cũng không tin là chúng có thực sao?

Hà cười thành tiếng. Nàng duỗi chân chống xuống đất làm đu đưa chiếc ghế treo. Và trong hơi gió thoảng tôi nghe thấy tiếng hát nho nhỏ của Hà, những câu hát đứt khúc: nàng công chúa lòa, suốt ngày nuôi nấng hoa. Hà cầm chiếc nón lưỡi trai của tôi chụp lên ngon stay trỏ của nàng và tay kia xoay tròn, xoay tròn:

- Tôi không thuộc, cũng chẳng biết rõ chuyện nàng công chúa lòa đó ra sao. Tôi nhớ chỉ có mỗi một câu. Hồi nhỏ, tôi vẫn thường nghe ông anh tôi hát suốt ngày, hát hoài, tôi bắt chước hát theo, nhưng không hiểu sao tôi chỉ nhớ độc có một câu đó (và tôi nghe Hà hát nho nhỏ nàng công chúa lòa, suốt ngày nuôi nấng hoa) tôi tưởng loài hoa của nàng công chúa lòa kia có tên là orchidee, tôi đã vẽ nó bằng trí tưởng tôi hồi nhỏ, những ngày ở lớp đồng ấu và lớn lên cho đến bây giờ bằng tiền do tôi làm ra. Trước khi là một người đàn bà ưa giải thích tôi đã là một cô bé dễ xúc động. Tôi vẫn say mê những chuyện thần tiên và dễ chảy nước mắt khi nhân vật chính gặp cảnh éo le…

Tôi nhìn thằng vào mắt Hà, đôi mắt ráo hoảnh, hơi nghiêm nghị và lạnh lùng.

- Tôi chưa được thấy Hà khóc bao giờ?

Tôi nói với Hà như đang nói với một người nào khác, một đứa bé gái nhạy cảm đang ngồi trước mặt tôi, một đứa bé cả thẹn ưa giấu giếm sự xúc động của mình một cách hồn nhiên.

- Tôi? Bây giờ mà khóc? Để làm gì mới được chứ?

- Thế mỗi lần có điều gì buồn khổ, Hà làm gì?

- Tôi ngủ. Khi thức dậy, tôi sẽ thấy mình đi, dù đôi khi vẫn còn buồn, nhiều lúc tôi nghĩ đến một việc làm, nhưng trước hết tôi ưa tự tay pha cho mình một ly cà phê đặc, thật đặc. Và thường thường thì tôi thành công.

- Hình như Hà cố ý làm xấu mình. Tại sao phải làm thế?

Hà phá lên cười, đúng lúc đó chúng tôi cùng duỗi mạnh chân, đong đưa chiếc xích đu một cách vô tình. Tôi nói với Hà:

- Thật là buồn cười. Trước khi đến đây tôi chợt nhớ lại tuổi thơ của mình ở quê hương miền biển, và bây giờ Hà lại vừa gợi lại một hoài niệm đứt khúc về tuổi thơ của Hà.

- Tại sao vậy nhỉ?

Tại sao? Những nôi đè lên suốt thời thơ ấy của một đứa nhỏ và ám ảnh nó suốt những ngày đang sống khi đã lớn? Tôi không tin là mình có điều gì bất đắc chí hiện tại. Tôi đang cảm thấy hang hái, tôi khỏe mạnh hơn, nhiều ý chí hơn. Tưởng niệm tuổi thơ phải chăng là vuốt ve lại một lần nữa những ngón tay đã hết thời bụ bẫm của mình?


*

Khi tôi đến nơi hẹn, Biên và Đồng không có đấy. Tôi đã đến trễ chăng? Không chừng họ sắp tới. Tôi nán lại chờ thêm một đỗi lâu nữa. Đường phố đã bắt đầu đông nghẹt trở lại. Khói mù của xe, bụi mù của đường, và những nét nhăn nhó trên mặt mỗi người lướt qua. Ngã tư đèn xanh, đèn đỏ. Bên kia đường, dưới tàn cây trứng cá Hà đang ngồi đong đưa chiếc xích đu. Một chiếc xe nhà binh bóp còi chát tai vụt qua đẩy tạt tôi lên tận cùng lề đường. Tôi thấy tôi cầm trên tay tờ giấy phép xuất trại.


*

Phải lâu lắm tôi mới đón được xe về lối Chợ Cầu. Hình như tôi là người thứ nhất trong ba đứa đã trở lại doanh trại.


*

Hà hãy tưởng tượng bây giờ đây tôi đang ngồi dưới bóng mát của cây bã đậu (loài cây thân to, lá xum xuê đầy gai, những trái tròn có khứa như cà chua và hơi buồn thảm) trước mặt là con đường mương dài nước đen ngầu với rêu xanh và đã được chà láng thật láng phần trên, con đường mương mà những ngày đầu tiên khi mới đến tôi đã đốt nến, vất vả, nguyền rủa để chà nó bằng lưng của chiếc ga-mên cơm.

Hà hãy tưởng tượng tôi đã ngon giấc trên những chiếc giường gỗ cứng nhắc, chiếu chăn hôi hám, túi quân trang gối đầu đầy ắp những poncho, quần áo, bít tất, thắt lưng đạn, lều cá nhân, bình nước và đủ thứ.

Hà hãy tưởng tượng tôi đang mài lại con dao trí nhớ đã mòn, vun quén lại cành cây hoài niệm đã héo.


Nguyễn Xuân Hoàng

Bản điện tử của Văn Việt chuyển từ bản in của Tạp chí Văn (Sài Gòn trước 1975).