Có rất nhiều ý nghĩ đã vụt đến vụt đi, xào xáo hỗn độn trong trí tôi suốt khoảng thời gian đi nghỉ hè với gia đình người bạn trên một vùng núi. Tôi đi một mình, gia đình bạn tôi có sáu người. Chúng tôi ngụ trong một căn nhà giữa rừng cất theo kiểu nhà sàn, phía trước lót gỗ, những bậc thang lên xuống kêu cọt kẹt. Cửa sau mở ra một con đường mòn thấp thoáng ẩn hiện chui ngoằn ngoèo dưới tàn cây, có chỗ đứt khúc, có chỗ đột ngột hiện ra dưới ánh mặt trời, có chỗ bị chắn ngang bởi một tảng đá lù lù hay một cái cây bật gốc trơ ra mớ rễ xương xẩu lùng bùng. Không bóng người, bóng vượn. Chim kêu nheo nhéo bốn bề. Trước mặt là rừng, sau lưng là rừng, tả hữu cũng rừng. Trong không khí có hơi núi đá lạnh căm căm, có mùi cây rừng thơm ngai ngái.
Cái cảnh với cái tâm, dù sao cũng ít nhiều can dự. Người đời cổ hay đi tìm những nơi ẩn dật, khuất non khuất núi thế này để tu tiên. Thành thị, phố xá, chợ búa, hàng hiệu, sòng bạc, người ngợm, các thứ… thường được ví là nơi cát vẩn bụi lầm. Ở những nơi ấy lòng người dễ dao động, sự quyến luyến trần gian dễ gì một sớm một chiều phủi đi cái rột. Nhìn dãy núi xa xa xỉn xuống một màu tro buồn bã, con đường mòn hoang vu hiu quạnh mất dấu vào trong mây trong khói, tôi nói với bạn mình: "Chắc mình chẳng bao giờ đi tu được, dù là ở cái chốn tịch mịch như thế này. Không hiểu sao lòng mình chẳng bao giờ phẳng lặng. Lúc nào cũng có sóng lớn sóng nhỏ tràn bờ." Người bạn nói: "Con người ta sống cốt cho được cái chữ bình yên. Bạn lại muốn sóng muốn gió." Tôi nói: "Không phải tôi muốn sóng muốn gió nhưng mà…" “Mà cái gì?” Cô ấy ngắt lời. Tôi thở dài. Cô hỏi gặng: “Bạn khó nói à?” Tôi lắc đầu. Chẳng có cái gì khó nói trên đời. Cái khó là người nói sợ những lời lẽ mình thốt ra không được người nghe chấp nhận. Bạn tôi là người chất phác giản dị, mẹ của đàn con bốn đứa, vừa là giám đốc vừa là nhân viên của cái nhà trẻ tại gia, trông coi gần chục cháu bé từ 1 đến 5 tuổi, người từng tự tay trộn hồ và tráng xi măng cho sân trước lẫn sân sau nhà không thèm mướn thợ. Đối với cô, tôi là người rắc rối, nhiều hoang tưởng, suy nghĩ không mấy ngay hàng thẳng lối, phần nào mang chứng trầm cảm. Ngồi nói chuyện vẩn vơ chưa được bao lâu cô đã đứng dậy: "Thôi tôi vô làm bếp. Bạn cứ ngồi đó mà nghiền ngẫm sự đời. Làm gì làm cũng phải có cái mà bỏ bụng." Tôi nằm xuống cỏ lôi ra một túi hạt hướng dương cắn lách tách, để mặc cho cái đầu lan man, ngầy ngật. Núi này người ta gọi là Rocky Mountain nên có cơ man là đá. Cây chỉ mọc được tới lưng chừng, còn lại là đá, băng đóng trắng từng mảng chẳng bao giờ tan, nghe đâu cả triệu năm. Những khối đá khổng lồ nằm bất động ngửa mặt lên trời lấy sự chai lì làm chất sống. Tôi không được như đá. Mười phần không được một. Tôi còn chảy nước mắt, còn những tiếng thở dài, mềm yếu hơn cả đất sét và ruột bánh mì. Hồi mười hai tuổi tôi từng bảo với cha tôi: "Con yếu đuối lắm cha à." Cha tôi nói: "Nếu biết như thế thì hãy làm cho mình mạnh." Tôi hỏi: "Làm bằng cách nào?" Cha tôi không trả lời. Tôi tức lắm. Ba mươi năm trôi qua. Cha tôi đã nằm xuống. Câu hỏi đó vẫn còn động đậy trong lòng. Tôi không tìm đến người nào để hỏi nữa. Sẽ không có ai trả lời. Sẽ không có ai mà trông cậy. Ai cũng như đám cây đang bao bọc lấy tôi bây giờ, thờ ơ, uể oải, thụ động và đáng ghét. Trong bụi có tiếng sột soạt của hai con rắn mối đang rượt nhau rồi phóng rột ra ngoài một phiến đá, con nọ cưỡi lên con kia. Tôi đút bao hạt hướng dương vào túi, đứng dậy lầm lũi đi về phía con đường mòn. Bạn tôi vụt cắm đầu ra lôi tôi lại, vẻ mặt hốt hoảng: "Nhi ơi, đừng xuống phía đó. Không đi được đâu. Nguy hiểm lắm. Ở dưới có bảng cấm." Tôi hỏi: "Cấm cái gì?" Cô ấy nói: "Phía dưới có hai cái thác. Đường dốc trơn trợt. Người ta chặn lại rồi. Đã có mấy người xẩy chân té chết."
Căn nhà này do một người chủ tốt bụng đang du lịch bên Phi Châu để lại cho bạn tôi mượn để đưa gia đình lên chơi trong dịp hè. Bạn tôi là người quen nhiều năm với vợ chồng ông, vừa là đồng nghiệp, vừa là đồng môn trong ban hợp ca của nhà thờ. Căn nhà sạch sẽ nhưng không mấy ngăn nắp. Những người vắng mặt đã để lại rải rác khắp nơi dấu vết của họ trong những sinh hoạt thường nhật. Trong phòng khách có một bàn cờ bày dưới đất với những quân cờ xanh đó trắng vàng ngã nghiêng ngã ngửa và một xấp tiền giả để chơi. Trên bàn ăn còn hai cái cốc nước uống không hết, một hộp bánh đang mở nắp, một trái táo bị cắn lõm còn dấu răng. Sách vở, báo chí, thư từ, bằng khen bày tạp nhạp mỗi nơi một ít. Trong phòng ngủ chăn mền ngổn ngang xô lệch, những cái gối nhăn nhúm, trũng xuống nơi đầu nằm, áo quần vắt bừa bãi trên thành ghế. Nghe kể lại thì vợ chồng chủ nhà đã bỏ nhau. Hai đứa con trai đi học xa, thỉnh thoảng theo cha về chơi ở “nhà sàn”. Có lẽ sự chia tay để lại trong lòng người chồng một nỗi bất bình ghê gớm hay một vết thương nhức nhối không lành nên trong nhà tuyệt không có một tấm ảnh nào của chồng vợ, con cái. Tôi chưa hề gặp mặt chủ nhân và vợ con ông ấy nên tự nhiên trong lòng nảy sinh sự tò mò về những người vắng mặt mà hơi hướng của họ còn đọng lại trong cái không gian rất biệt lập và riêng tư này. Ông ấy là người thế nào? Cao? Gầy? Có râu? Khôi hài? Cục mịch? Còn vợ ông ta? Đẹp? Xấu? Kiêu căng? Dịu dàng? Lỗi lầm về phía ai? Tôi bắt gặp ngoài hàng hiên một đôi giày đàn bà mòn gót, bụi bặm, cũ kỹ, được làm bởi một cái hiệu nói tên không ai biết. Trong garage có một thùng giấy đầy ắp sách mà ở trang đầu của mỗi cuốn được ghi ngày tháng và ký tên bởi một nét chữ mềm mại, không kiểu cọ, không điệu bộ, không làm dáng, chắc hẳn là của bà chủ còn bỏ lại. Tôi lôi ra một quyển, lấy đầu ngón tay đồ theo cái nét mực uyển chuyển lượn vòng trên trang giấy và tự dưng tôi hình dung bà là một người xinh đẹp, gợi cảm, khép kín, sống nhiều về nội tâm, không phải là loại đàn bà se sua, cạn cợt. Những ý nghĩ của tôi không biết từ đâu tới và trong một cách nào đó tôi cho rằng mình đã gặp người đàn bà đó ở một nơi nào, ở nhà ga xe lửa, ở cổng trường đón con hay trong mơ chẳng hạn. Hay có lẽ đó là một cái bóng, một cái bóng đi song song bên cạnh tôi, không bao giờ rõ rệt nhưng không bao giờ mất hẳn, một nỗi ám ảnh không rời. Khi tôi thuật lại với cô bạn về những cảm tưởng mà tôi đã nghĩ về người đàn bà kia thì cô ấy bật cười ngắc ngoẻo:
– Trời ơi. Cô Hai ơi là cô Hai. Cô là văn sĩ hồi nào. Cô chưa từng gặp người ta. Cô chỉ suy bụng ta ra bụng người. Bà ta không phải là loại người lặng lẽ hoặc đa sầu đa cảm như bạn nói. Bà ta đã làm những chuyện tày trời.
Tôi hỏi:
– Chuyện tày trời là chuyện gì?
Bạn ghì vai tôi xuống thì thầm:
– Bà ấy đã dan díu với một linh mục trong nhà thờ. Chồng bà hay được lên giáo xứ làm ầm ĩ. Người ta lập tức tống xuất tên tu hành giả mạo ra khỏi nhà dòng. Tội nghiệp cho chồng chị ấy. Ông ta coi đó là một cái nhục. Vợ ông đã tự mình chôn vùi tên tuổi, danh dự không còn.
– Hai vợ chồng họ sống không hạnh phúc à?
– Mình không rõ lắm. Có điều, mình đã lầm con người của chị ấy. Mặt mày xinh đẹp, thánh thiện như thiên thần mà không ngờ lại đi ham ba cái chuyện mèo mả gà đồng.
Bốn chữ “mèo mả gà đồng” như vả vào mặt tôi. Khi không tôi bỗng nổi sùng với người bạn gái:
– Bạn không nên nặng lời với người ta. Chuyện nhà của mỗi người, lỗi phải như thế nào không sao biết hết được.
Tới lượt bạn tôi chồm lên:
– Nói như bạn nghĩa là mọi chuyện trên đời đều có thể bào chữa được chớ gì? Tại cái này… Bị cái kia… Tôi không nặng lời với ai hết. Đó là sự thật. Đúng. Người đàn bà đó rất xinh đẹp quyến rũ nhưng tính nết không ra gì.
Bạn tôi vất một trái chanh héo vào thùng rác, hai khóe miệng mím lại, mắt như sôi lên. Hai đứa lặng thinh một hồi. Tôi tới tủ lạnh lôi ra một bịch cam tươi và đi tìm một cái bình lớn để vắt nước vào. Nhà có hai bình pha lê lớn nhưng treo trên hai cái móc rất cao cùng một dãy với những chai rượu xếp song song trên cái kệ gần đụng trần. Tôi bắc ghế trèo lên, nói với cái lưng quay lại của bạn mình:
– Nhà này cái gì cũng để cao chót vót. Hồi nãy vào nhà tắm muốn máng cái khăn phải nhảy lên mới máng được.
– Ối, ông chủ nhà cao như cây tre miễu, hơn 1m8. Cái gì ông ấy cũng để trên cao cho vừa tầm.
– Như vậy có vừa tầm cho vợ ổng không?
– Chắc là không. Bà ấy nhỏ thó, đứng tới ngực ông là cùng.
Câu chuyện tới đó thì dang dở. Chúng tôi cắm cúi xào nấu và bọn trẻ thì mở nhạc tưng bừng. Tối hôm đó chúng căng lều và đốt một đống củi ở sau nhà, nấu chè, nấu cháo chơi tới khuya. Bạn tôi châm một bình trà và rót ra những cái cốc có hàng chữ To My Love, Daddy, Mommy, Home Sweet Home. Tôi bỏ lại nửa cốc trà lên giường ngủ sớm. Đổ vỡ, chia lìa. Tại sao? Chuyện gì đã xảy ra cho gia đình này? Một căn nhà giữa rừng, xinh xắn, chồng là giáo sư đại học, hai đứa con trai sắp ra trường. Người vợ ngoại tình với một linh mục. Thật không? Đầu óc tôi vẩn vơ, trôi nổi những điều tự mình làm khổ mình về hai người không quen. Tôi suy nghĩ về họ. Hai vợ chồng một cao một thấp, những cái móc đóng cho vừa tầm người chồng, nỗi đam mê sách của người vợ… Nằm trên chiếc giường mà trước đây họ đã từng ôm ấp nồng nàn, tự dưng tôi khó chịu về những hình dung của chính mình, có cảm tưởng như mình đã ghé mắt nhìn trộm vào hai thân thể trần truồng của họ. Người bên trên có lẽ đã hùng hục trong tự mãn và vô tư, còn người bên dưới, hẳn nhiên là chịu đựng trong tự đắc và bất cần. Tối hôm sau, rồi hôm sau nữa tôi vẫn bị những ý nghĩ về hai người kia quấy rầy đến không ngủ được. Tôi như người mê mụ, trí não lu mờ, không còn nhớ ra mình lên đây để làm gì, thậm chí tôi đã bỏ buổi đi câu cá với gia đình người bạn để cố đọc những quyển sách mà người đàn bà kia yêu thích. Cho đến buổi tối sau cùng tôi vẫn trằn trọc và đang trên giường bỗng nhiên tôi nhìn thấy một vật gì trong kẹt cửa, rất nhỏ nhưng phản chiếu những tia sáng tinh ranh lên mắt mình. Tôi nhổm dậy bước đến gần, nhặt lên thì nhận ra đó là một cái nút áo khoác ngoài bằng đồng sáng, một cái nút áo đàn bà. Cái nút áo có những hoa văn sắc sảo, chỗ mờ, chỗ bóng, còn dính một chùm hai ba cọng chỉ xỏ ngang rất ngắn. Tôi đặt cái nút áo lên bàn viết cạnh giường sau khi đã chùi vào tấm drap cho sạch bụi bên cạnh những quyển sách có chữ ký tên của bà chủ. Trong ngăn kéo có cái đồng hồ phụ nữ, đôi bông tai, cây kẹp tóc, một thỏi son, cặp kính mát, quyển sổ ghi chép lặt vặt. Thốt nhiên tôi sởn gai ốc. Tôi có cảm tưởng như bà đang ngồi đó, xoay hờ về phía tôi nên tôi chỉ thấy được một phần của khuôn mặt bà với cái sóng mũi thanh tú, mái tóc đổ xuống một cánh tay trần và một bên khóe mắt hướng ra cái cửa sổ đầy ánh trăng lấp lánh. Tự trách mình vô lý, tôi tắt đèn chui vào chăn nhắm mắt. Giấc ngủ không đến, tôi ngồi dậy bật đèn. Rồi lại tắt đèn. Rồi mở đèn. Tôi vẫn không ngủ được. Ngoài cửa sổ tiếng những cành cây vật vã liên hồi, tiếng củi bọn trẻ đốt nổ lép bép, tiếng nói chuyện rì rầm vọng tới trong đêm, mơ hồ như hư như thật. Tôi với lấy một quyển sách, nằm xuống giở ra đọc nhưng mắt tôi không rời nổi cái chữ ký thanh mảnh và rất khêu gợi ở đầu trang. Rồi tôi tắt đèn một lần nữa. Trong bóng đêm, mắt tôi mở trao tráo hướng về cái nút áo sáng mờ mờ dưới ánh trăng dọi và thật kỳ lạ, như trong cơn đồng thiếp tôi bắt đầu nhìn thấy cái nút ấy di động ra khỏi bàn, dính lơ lửng trong không khí. Rồi cái nút thứ hai xuất hiện, đến cái thứ ba, thứ tư, thứ năm, tất cả xếp thành hàng thẳng đứng cách khoảng đều đặn như trên một cái thân áo. Tôi không còn cục cựa nổi nữa. Cái thân áo ấy hiện rõ dần dần, ôm lấy khít khao một dáng người phụ nữ mà tôi đã gặp đâu đó trong tiềm thức. Bà không nhìn tôi, chậm rãi lật lật từng trang sách, đoạn lùi lại dựa lưng vào thành ghế xòe một bàn tay che kín mặt. Lưỡi và môi tôi tê cứng. Không hiểu bằng cách nào tôi bật ra tiếng hỏi:
– Chị là ai?
Người đàn bà đáp khẽ, bàn tay vẫn xòe che kín mặt:
– Tôi là người ở đây. Mới năm ngoái tôi còn ở trong nhà này. Tôi đã trốn đây mà đi. Hôm nay tôi trốn chỗ khác mà trở về, như một người khách lạ. Còn cô? Cô lên đây làm gì?
– Tôi lên… chơi.
– Cô chơi cái gì ở đây? Nếu lên chơi sao cô không đi với chồng với con?
– Con tôi đang đi dự trại hè thiếu niên. Còn chồng tôi thì anh ấy không thích đi rừng.
– Hình như cô đang mắc kẹt vào một điều gì đó. Cô lên đây… cũng để trốn. Trốn những cái mà cô không thích. Những sao lặp của ngày tháng … Những hăm hở bị xói mòn… Những u ẩn của một tâm hồn không có tri âm…
Tim tôi nghẹn lại. Những phát âm từ trong cổ thoát ra khào khào, khó nhọc, tựa như những tiếng ú ớ:
– Không. Chị đã nghĩ quá. Tôi lên đây chỉ để… chụp ảnh. Tôi thích cảnh đẹp, thích rừng núi và tôi có thói quen ghi lại hình ảnh.
Người phụ nữ cười nhẹ, rút bàn tay ra nhưng tôi vẫn không nhìn thấy mặt chị. Chỗ ấy là một khoảng tối đen, hoàn toàn đen, không đường nét, không dạng hình. Người ấy hít một hơi sâu, gấp sách lại.
– Cô cảm thấy khó nói, tôi không ép. Tôi bây giờ thì đã dễ nói rồi. Tôi không còn chồng, không còn con, không còn uy tín. Tôi chỉ còn cái tai tiếng, cái nghiệp dĩ. Tôi là người đáng trách. Tôi chẳng trách ai bao giờ…
Chắc cô đang thắc mắc là tại sao tôi lại đi kể chuyện đời tôi với cô, một người mà tôi chẳng hề quen? Có lẽ vì cô giống tôi. Cô là một kẻ đi trốn mặc dù cô không thừa nhận. Cũng như tôi. Suốt đời tôi luôn luôn là một kẻ đi trốn. Tại sao lại như thế? Có lẽ vì tính tôi thế, trời sinh tôi ra thế. Tôi không thích cái chỗ tôi hiện hữu. Tôi luôn luôn tìm tới một cái khác. Tôi chẳng hài lòng với những gì của mình, một phần là thế, và hơn thế, tôi luôn luôn bị một cái gì thôi thúc, tựa như cái kim đồng hồ, phải quay, phải quay, ngừng lại có nghĩa là chết.
Khái niệm đi trốn đến với tôi từ nhỏ, dạo tôi chừng mười một mười hai tuổi. Tôi không thích lớp học của tôi. Tôi thấy mình không thuộc về cái tập thể đó. Trong lớp chỉ mình tôi học, còn lại toàn những đứa lêu lổng, gian trá hoặc lì lợm, hoang đàng. Những năm đó mọi người đều đói. Người lớn con nít chỉ cầu cho được cái ăn, cái học trở thành xa xỉ. Tôi cũng đói nhưng tôi thương mẹ. Mẹ biểu học, tôi học. Và tôi xa lánh cái lớp của mình vì tôi thấy mình chẳng giống ai, vừa dị hợm vừa ngốc nghếch. Giờ ra chơi tôi bỏ xuống lớp em tôi mà đứng nhìn vào. Những đứa con nít dưới đó cũng không chơi với tôi. Chúng nhìn tôi lếu láo. Tôi mặc kệ. Tôi lang thang trong sân trường suốt thời trung học. Ngày nghỉ tôi lên chùa. Tôi thích chỗ này hơn. Chùa ở xa, phải qua một bến sông và đạp xe một quãng đường đồng. Trên chùa có một sư bà già nua và một sư cô trẻ tuổi côi cút ở săn sóc cho bà ấy. Hai người này là bà con bên ngoại tôi. Tôi lên chơi, đem chè xôi nhang đèn của ngoại tôi gởi cúng. Họ rất cảm kích, gởi về biếu ngoại tôi tương chao và rau cải trồng sau chùa. Buổi trưa sư bà nằm nghỉ trong cốc, sư cô ngồi sao những cái lá kinh giới, lá ngải cứu, lá xuyên tâm liên, lá mã đề để làm thuốc nam. Sư cô ấy bị điếc, ai nói cái gì cũng phải hét lớn và cô thì luôn luôn hỏi lại hả, cái gì.
Sư bà là người có một vẻ mặt khắc khổ và u trầm. Tôi không dám đến gần bà. Tia mắt bà lạnh lùng, bàn tay bà còi cọc. Đó là bàn tay bên phải, bị mất hai lóng ở ngón giữa và ngón áp út trông như cái cây cụt ngọn mà chị Hường – sư cô trẻ bị điếc – đã thì thào với tôi là chính bà đã tự mình chặt lấy. Chặt tay để khẳng định lòng mình, chặt tay để đổi lấy một thái độ quyết liệt trong chọn lựa. “Em… em không tin à? – Chị Hường nói. – Một tay cầm dao, một tay để trên thớt. Phập một cái… Sư bà thuận tay trái, cầm dao tay trái nên bàn tay cụt là tay phải.” Tôi rợn cả người. Tôi hỏi: "Sao sư bà quyết lòng đi tu vậy chị?" Chị nói: "Tôi không biết. Sư bà chẳng bao giờ tiết lộ." Tôi lại hỏi: "Chị…chị thích đi tu không?" Chị bối rối: "Tôi cũng chẳng rõ. Tôi mồ côi. Sư bà nuôi tôi. Sư bà biểu tu thì tôi tu. Tôi sợ sư bà lắm. Tối thứ bảy nào trên truyền hình cũng có chương trình cải lương. Tôi lẻn trốn qua nhà gần chùa coi ké, sư bà phạt tôi một trận. Tôi thấy cải lương đâu có gì xấu phải không? Tôi thích Lan và Điệp. Cái anh Điệp, tôi thấy anh ấy… tôi thích. Sư bà nói tôi không được thích gì cả, phạm giới." Tôi gần gũi với chị Hường mặc dù chị chẳng nghe tôi nói được bao nhiêu, thường nhăn ra những cái cười ngờ nghệch. Những buổi trưa im ắng, tiếng sao thuốc nam trong nhà khói nghe sồn sột. Hai hàng mi rậm và dài của chị hạ xuống che ánh mắt như có sóng, bên dưới là bếp than âm ỉ cháy. Đâu là những ước vọng của một sư cô còn đầy hoài nghi và khập khiễng trên con đường tu không do mình chọn, đâu là những ước vọng của người con gái còn chưa hiểu gì về mình, sống và lớn lên bằng lý thuyết và sự áp đặt của người khác.
Bẵng đi một thời gian tôi không lên chùa. Ngày trở lại thì chị Hường đã đi mất. Đi đâu? Một đứa trẻ trong xóm liến thoắng với tôi: "Chị Hường đi bệnh viện rồi. Chị ấy đi mổ bướu trong bụng. Bướu lớn lắm. Mẹ em nói cục bướu nặng tới ba kí lô." Tôi xô cửa vào nhà khói. Sư bà ngồi bên cái bếp cũ, sồn sột sao những lá thuốc nam, không ngoảnh lại, nét mặt tối tăm, u ám. Tôi bước đến gần:
– Chị Hường đi bệnh viện nào vậy sư bà? Con muốn tới thăm.
Bà ngừng tay, nhìn tôi. Ánh mắt phừng lên một tia giận dữ:
– Tôi không biết.
Tôi run run lùi lại:
– Vậy…chừng nào chị về? Chị bị bệnh sao vậy bà?
Sư bà không trả lời, lẳng lặng tiếp tục công việc. Hơi nóng của bếp lửa hầm hập, những lá thuốc co quíu lại, rúm ró. Đoạn bà cầm cái chảo lên đổ tất cả những lá thuốc nam trên ấy xuống đất như chị Hường vẫn làm gọi là khử thổ. Cái lưng cong vòng của bà gần gập xuống đất. Tôi lại hỏi nữa:
– Sư bà… Chị Hường bị bướu gì vậy sư bà?
Người đàn bà già nua quăng cái sạn xuống đất, môi run lên một cách tức tối:
– Bướu gì. Nó đã trốn đi với cái khối u oan nghiệt của nó… Cái khối u nặng đến ba kí lô. Nửa đêm nó vạch đám mía trốn qua bên kia sông. Sáng tôi ra tìm còn thấy dấu chân của nó. Tôi nuôi nó từ nhỏ, giáo hóa nó. Nó không nghe. Nó không còn mặt mũi nào trở về nữa đâu.
Bàn tay phải của sư bà đưa lên hạ xuống trong khi nói, loáng thoáng trước mắt tôi những ngón tay không nguyên vẹn. Vết thương cũ đã lành, vết thương mới thì đang toang hoác. Đám lá mía ngoài bờ sông xô đẩy xào xạc. Chết điếng trong lòng, tôi tưởng tượng cái dáng người lệt bệt của những phụ nữ có mang, một tay vạch những cây mía, một tay chằng vạt áo để che, để giấu cái “khối u” quá khổ dưới bụng. Tôi thương chị. Những ham hố, u mê, lầm lạc của chị tựu trung không ra ngoài cái cõi người đáng thương nhiều hơn đáng trách. Đành phải trốn thôi, trốn để vượt qua những đường biên mà hoàn cảnh, lề thói, tập tục đã vạch định để giới hạn những khát vọng của con người.
Người phụ nữ ngừng nói. Trăng lên cao, lai láng trên cái bàn viết sát bên giường. Những cái nút áo lại rực lên hơn bao giờ hết, chói chang, sáng lòa. Thần kinh tôi mệt nhoài vì căng thẳng. Chị sửa lại thế ngồi rồi tiếp tục cái giọng đều đều, thong thả, như kể chuyện của ai, không phải của mình.
– Mười chín năm sau, khi tôi thuật lại cho chồng tôi nghe câu chuyện đã bám riết lấy tôi suốt chừng ấy thời gian thì xem ra anh không mảy may xúc động. Anh há hốc miệng ra mà ngáp, ngáp rất to, mắt dán khít vào màn ảnh truyền hình, những ngón tay bấm liên tục cái remote control. Chuyện xảy ra quá lâu, người và cảnh đều xa lạ với anh, như trong phim hay trong sách, coi qua rồi thôi. Em vô lý quá. Tại sao lại để những hệ lụy của người khác quấn quíu lấy mình, vận vào người mình. Anh hỏi Vậy chớ mặt mũi chị ấy em còn nhớ không. Tôi nói nhớ lờ mờ.Vâng, tôi chỉ nhớ lờ mờ khuôn mặt người ta nhưng tôi lại nhớ như in toàn cảnh rẫy mía bên bờ sông, mường tượng cái dáng người lom khom che đậy, những ngón chân luồn lách bấu xuống bùn đặc và tôi luôn luôn thấy mình thót lại, lấm lét khi nhớ tới câu chuyện này. Bởi đó là một cuộc đi trốn. Và cũng bởi tôi luôn luôn là một kẻ đi trốn như tôi đã nói, từ lúc còn ở tiểu học, đến trung học, từ lúc chưa lấy chồng đến khi đã lấy chồng. Tôi là người dối trá tệ bạc từ ý nghĩ đến hành động. Chồng tôi không biết nhưng tôi biết chính mình. Tôi chẳng thể chung thủy với một người. Tôi đã sống một cuộc đời riêng hoàn toàn kín mít bên cạnh cuộc đời chung phơi trần tách bạch trước mắt mọi người.
Tôi đã có một (hay vài) tình yêu son sắt đá vàng với một (hay vài) người đàn ông nào đó chăng? Có thể là như vậy nhưng không hẳn đã là như vậy. Mà… Biết phải diễn tả với cô như thế nào nhỉ. Tình yêu… tình dục…? Không có gì rõ ràng, tôi phải nói là cảm giác yêu đương thì mới đúng. Chồng tôi là một người tốt, đơn giản và đáng yêu ở nhiều mặt. Chính cha tôi nhiều lần đứng về phía con rể chứ không đứng về phía con gái khi chúng tôi có chuyện cãi vã. Tại sao tôi phải tìm đến những người đàn ông khác? Tôi tham lam và không lương thiện. Nếu như hôn nhân và những lề lối của nó buộc tôi trở thành người vợ phục tùng và cam chịu thì những quan hệ lén lút làm cho tôi trở thành người đàn bà tự do và bản lãnh. Cô không cần biết tôi đã trốn nhà liều mạng như thế nào, yêu đương như thế nào, mèo mả gà đồng ra sao. Những thứ đó không có gì đáng nói. Cái tôi muốn nói ở đây là cảm xúc, sự thèm thuồng để có một cảm xúc và sự xao lãng không lâu sau khi có được điều mình muốn, tựa như một người dưới chân núi mê man nhìn lên đỉnh cho đến khi leo tới nơi thì tẽn tò, chán ngắt, cái cảm giác tàn cuộc mà lúc nhỏ tôi thường gặp ngay ở ngày mùng một Tết. Vâng, tôi đã yêu nhiều hơn một người, ở một thời khắc nào đó, yêu đến điên cuồng nhưng rồi đến một thời khắc khác, tự nhiên tất cả như biến mất, như ngọn nến bị người ta thổi phụt đi, để lại cái tim cháy đen sụm xuống thảm hại. Đóa hoa tình yêu mới ngày nào rực rỡ, mỹ miều đến thế mà khi quá thời thì không khác gì rác rưởi. Chính tôi cũng lạ lẫm về con người mình. Tâm hồn tôi quá dễ rung động, quá nhạy cảm và mau thay đổi. Đối với chồng, tôi đã cạn rồi những sôi nổi, tôi không cách gì tái tạo lại những cảm xúc đã trở thành thiên cổ dù rằng đó là những kỷ niệm đẹp, là thứ keo dán những năm tháng chung sống cùng nhau. Tôi chẳng thể nào giữ cho trái tim mình đập mãi một nhịp tới lui đã mòn nhẵn. Sống an phận là một điều tôi không làm nổi. Yêu nhiều người thì dễ chứ yêu một người mới khó làm sao. Hạnh phúc bình yên là thứ hạnh phúc rất khó nuốt.
Tôi đã có lỗi lớn với chồng và con tôi. Cô đừng tưởng là tôi đã đời trong cái thú trăng hoa. Tháng này qua năm nọ tôi bị giày vò ghê gớm đến nỗi khủng hoảng trầm trọng phải nằm liệt giường, hai hốc mắt chờ vờ, người rộc xuống như ma đói. Tôi bị một chứng đau cơ hành hạ. Bác sĩ điều trị cho tôi là một người tinh tế. Bà ta nói chị không mang vác nặng, không té ngã. Chị bị bệnh là do stress. Tôi phải uống thuốc an thần một thời gian dài. Đến khi lành bệnh, tập tễnh đi lại được thì việc đầu tiên là tôi đến nhà thờ xưng tội, ăn năn, sám hối. Tôi muốn sống bình yên, vâng, tôi muốn cái mà lẽ ra tôi đã có, tôi đâu cần phải xin ai. Nước mắt ròng ròng, tôi quì xuống trước tượng Chúa lòng lành Thưa Đức Chúa của muôn loài, xin Ngài ban cho con cái tâm bình yên. Con sẵn sàng đánh đổi hai lóng tay của con để có được điều con van cầu.
Người đàn bà thở ra một hơi dài mà tôi có cảm tưởng những tấm màn trong phòng bị lay động vì hơi thở ấy. Bà ta ngừng một lúc lâu. Trong phòng thứ ánh sáng vàng óng mượt mà của trăng đã chuyển sang lạnh lẽo và xanh xao lúc nào không rõ. Tôi nắm chặt tay mình. Lẽ ra nếu nhúc nhích được thì tôi đã giáng vào bà ta một quả đấm.
– Đồ nói dối. Con người của chị lăng loàn từ trong bản chất. Chị lên nhà thờ để sám hối hay để dan díu với một thầy tu trên đó?
Người đàn bà kia không tỏ một phản ứng nào trước thái độ hằn học của tôi. Bà ta bình tĩnh đáp:
– Tôi không dan díu với ông ta. Ông ta van lơn tôi nhưng tôi khước từ. Tình ngay lý gian và tôi bị hiểu lầm. Chồng tôi là người đau khổ hơn cả. Anh ấy đã ném một cái thùng rác lên người tôi. Cả người tôi từ đầu đến chân bê bết vỏ chuối, vỏ cam, xương gà, xương vịt, bánh mì mốc, thức ăn thiu, thối tha ghê tởm không tưởng tượng được. Đến đây là hết. Vâng, tôi phải đi thôi. Làm sao ở lại được nữa. Lần đi trốn sau cùng này nhọc nhằn quá tải đối với tôi. Những cái dục rất tồi tệ… Tôi biết trốn vào đâu để thoát khỏi cái vùng kềm tỏa mênh mông mà bít bùng đến không có một cái lỗ mội nào của chúng.
Tiếng côn trùng trong đêm lọt qua cửa sổ để hở nghe rất lớn, re re rền rĩ. Đã khuya tới mấy giờ tôi không biết. Cố giương đôi mắt cay xè, tôi nhìn những cái nút áo không còn sáng bừng như khi nãy mà lu câm, nhỏ lại, lập lòe như những con sâu róm. Người đàn bà kia mở ngăn kéo lôi ra vài đồ vật cũ, cầm lên đặt xuống như muốn nhìn lại cái quá khứ mà mình từng thao túng, sau cùng bỏ tất cả vào trong đóng lại. Cái kiếp người đã trót lạc vào mê cung, đã lỡ độ đường. Lát sau chị cầm lấy chiếc máy ảnh của tôi để trên bàn mân mê cái ống kính:
– Cô thích chụp ảnh lắm à?
– Vâng. Tôi rất thích. Nghe nói phía dưới con đường mòn có hai cái thác rất đẹp nhưng người ta để bảng cấm không cho đi.
– Nhiều người đã từng mò mẫm xuống đó. Người ta bất chấp bảng cấm. Khát vọng của con người là vô biên nên trần gian ê hề những bảng cấm. Nếu cô không sợ chết thì cứ dẫm lên cái bảng cấm kia mà đi. Có điều phải thận trọng đấy.
Người đàn bà nói xong để cái máy ảnh xuống, với tay lấy một quyển sách rồi đứng dậy cáo từ. “Chúc may mắn”- bà ta nói. Tôi vươn người ra nắm lấy tay chị. Tôi nhớ là mình đã chạm vào một cái bóng phập phều như sương như khói, không dạng hình, không chân dung, không sinh khí và xốp xộp như một đám mây lớn.
Khi tôi tỉnh dậy thì trời đã sáng bạch. Mọi người đi đâu vắng cả. Mồ hôi sau lưng áo tôi vã ra như tắm. Đầu óc choáng váng, tôi nghĩ đến giấc mơ đêm qua, thảng thốt, bàng hoàng. Trên bàn viết mấy cuốn sách biến đâu mất, cái nút áo cũng không còn. Trong nhà im lìm như sa mạc. Không hiểu vợ chồng người bạn và mấy đứa con đã đi đâu, đi đâu mà sớm bửng, không lẽ đi tắm suối hay chèo thuyền. Để nguyên chân đất và quần áo ngủ còn trên người, tôi đi một vòng quanh nhà và như có cái gì đưa đẩy tôi dừng lại trước con đường mòn dẫn xuống hai cái thác. Lối đi bỏ phế lâu ngày nên cỏ dại ngập tới đầu gối, quấn chặt hai ống quần như muốn giữ chân tôi lại. Những cái cây rùng mình liếc tôi thật lẹ. Tôi trừng mắt ngó chúng. Đồ khỉ gió. Đừng hòng dọa nạt uổng công. Không còn dịp nào nữa đâu – tôi tự nhủ. Phải thật nhanh. Thật gấp. Nếu chần chừ cô bạn tôi trở về thì hư bột hư đường cả, cô ấy chắc chắn sẽ cản trở, sẽ bày ra cái trò sợ sệt lố lăng. Tôi hấp tấp quay vào lấy cái máy ảnh rồi lật đật trở ra xỏ chân vào giày. Những con chim rừng chao chát bay hoảng lên, những cành khô gãy dưới chân tôi nghe rộp rộp. Đường dốc đổ xuống thoai thoải nên người tôi cứ chúi nhủi về phía trước, đi mà như chạy. Chừng vài chục bước tôi đã nhìn thấy tấm bảng cấm hình tròn ghi hàng chữ “Danger. Do not enter” treo toòng teng trên một sợi lòi tói giăng ngang hai cây trụ bằng sắt. Tim tôi đập mạnh, hơi thở ứ lên, dồn dập. Tấm bảng cấm chình ình như một cái hất hàm vô lễ. Một cơn gió thổi qua làm những cái lá đồng loạt buông mình tới tấp như một trận mưa rào đột ngột. Khu rừng lúc ấy đẹp tuyệt vời. Ngay cả lớp lá mục dường như cũng muốn ngẩng đầu lên ca hát trong ánh nắng tan chảy từng dòng trong vắt qua những thân cây. Mùi đất mùi rừng xông lên hăng hăng, ngây ngất. Tôi vịn vào sợi dây lòi tói, lay lay tấm bảng bằng kim loại khiến lớp rỉ sét ngoài rìa hoen vào tay tôi một lớp bột mịn màu nâu đỏ. Và tôi lắng nghe. Tai tôi nghe được một thứ âm thanh rất nhỏ phát ra từ rất xa, rì rì, bất tận, bất biến, mông lung, huyền bí, từ dưới đó dội ngược lên, vọng qua hàng hàng lớp lớp những cây rừng bình thản, vô tâm và vô tích sự. Tôi nhìn chúng cầu cứu. Những ngón chân của tôi bứt rứt trong mũi giày. Tiếng gì vậy? Có phải là tiếng thác, tiếng nước, tiếng tuôn, tiếng chảy, tiếng sóng, tiếng bọt, tiếng sủi ngầu trên ghềnh đá hay chính là tiếng đập của trái tim tôi đang tràn trề những khát khao, rạo rực. Tôi nhớ tới cha tôi hơn bao giờ hết, nhớ tới cái ngước lên than thở cùng ông ba mươi năm trước Cha ơi con yếu đuối lắm cha à. Và mắt cha cúi xuống nhìn tôi nghiêm khắc Nếu biết như thế thì hãy làm cho mình mạnh. Tôi khuỵu xuống ôm lấy tấm bảng cấm mà khóc rống lên, khóc hù hụ, nức nở. Một mình tôi. Giữa rừng.
Cao Thanh Phương Nghi
08/2009