có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 7 12, 2009

Tai ương


Chuyện xảy ra tại thị xã X…, một thị trấn lớn thuộc duyên hải miền Trung. Như một vài thành phố khác, theo đà phát triển của chiến tranh, nếp sinh hoạt bình thường của thị trấn X… đã trở nên sầm uất trong một thời gian kỷ lục, từ khi quân đội Hoa Kỳ tràn đến. Có thể nói, bộ mặt thành phố đã thay đổi một cách đột ngột, như hình ảnh một cô gái quê, mới hôm qua còn tóc bới, áo nâu quần đen, hôm sau mái tóc đã uốn quăn queo, cô mặc một bộ cánh mô đéc, mặt mày tô son chuốc phấn lòe loẹt khó coi. Những dịch vụ do chiến tranh đẻ ra đã tham dự một cách sâu xa và chi phối lề thói, nề nếp sinh hoạt thường nhật của người dân. Sự tiến bộ bột phát ở một vài lãnh vực khiến cho người ta cảm thấy có một sự quá đà và đôi lúc phát ngột. Sự tiến bộ nào cũng cần thời gian chuẩn bị, khởi đầu từ một nền tảng mới có được sự điều hòa bền vững. Ở đây sự tiến bộ như được thổi lên một cách hối hả, đầy vẻ giả tạo, vì thế mọi sự đã trở nên mất quân bình. Sự kiện đó chẳng khác những chiếc bong bóng cao su được bơm hơi căng phồng, mầu sắc sặc sỡ, nhưng mỏng manh, sẵn sàng nổ tung bất cứ lúc nào. Khi nói tiến bộ, từ ngữ đó bao hàm một ý nghĩa tốt. Nếp sinh hoạt sầm uất đột khởi kia chỉ là một hiện tượng và người ta có thể nghĩ, đó là triệu chứng bất thường của một bệnh tật, một nốt ung nhọt mới nảy sinh trên da thịt của con bệnh lâu năm. Nốt ung nhọt đó là chỗ tích tụ của chất độc và vi trùng.


Tôi đến X… vào một buổi trưa hạ, quá giang chuyến máy bay của quân đội Mỹ, đáp xuống một phi trường quân sự.

Lần đầu tiên, dưới ánh nắng lửa hừng hực làm bốc hơi hắc ín ngột ngạt quyện đặc trong không khí, tôi được mục kích và biết thế nào là sự lớn rộng, phức tạp của guồng máy chiến tranh, mà phi trường quân sự mênh mông này chỉ mới cho tôi hình ảnh một phần nhỏ của nó. Có lẽ theo nhu cầu gia tăng của cuộc chiến, phi trường này đã được tối tân hóa và nới rộng thêm ra. Tôi thấy các chiến đấu cơ đủ loại của quân đội Hoa Kỳ nằm từng hàng dài trong những ụ cát lớn – để tránh pháo kích – đã gắn bom dưới thân, sẵn sàng cất cánh khi có lệnh. Máy bay chuyển vận trực thăng lớn, nhỏ đậu san sát như một bầy chuồn chuồn vô tri khổng lồ. Bầu không khí luôn luôn bao trùm tiếng động cơ phản lực lên xuống nổ đinh tai nhức óc. Những vệt lửa phun ra sau đuôi lúc phi cơ lên và những cánh dù mầu bung ra để hãm bớt tốc lực lúc phi cơ xuống, đối với tôi thật mới mẻ. Sự mới mẻ gieo vào lòng tôi một nỗi hoang mang, âu lo khó tả.

Hoạt động chung quanh tôi, ở khắp nơi vô cùng nhộn nhịp. Tôi bỗng cảm thấy như bị ngộp hơi, một cảm giác khó ở dâng lên trong thân thể khiến tôi quáng mắt và buồn nôn. Tôi cảm thấy bị lạc lõng trong một khung cảnh, đối với tôi hầu như xa lạ, đầy ắp thứ không khí nặng nề của tiếng động ở những cường độ cao của các loại máy móc. Những người lính ngoại quốc trong đồng phục quân sự bận rộn với công việc đến nỗi, tôi thấy hình như họ chỉ biết có công việc trước mắt mà thôi, chẳng ai có thì giờ ngẩng lên, chú ý đến tình cảnh lạc lõng của tôi lúc ấy cả. Thảng hoặc có người nhìn lướt qua tôi, đôi mắt xanh lè của họ chỉ gây cho tôi một cảm giác kinh tởm, khó chịu bởi vẻ vô cảm vô hồn của chúng. Tôi tưởng chừng như đang ở một nơi không phải là đất nước mình. Cảm giác khó chịu dâng lên mãi, cuối cùng không kham nổi, tôi gập mình xuống, ôm bụng mửa ra một đống nước dãi lẫn mật đắng.

Giữa lúc tôi đang lo lắng không biết hỏi thăm ai để biết đường ra khỏi phi trường thì một chiếc xe Jeep, do một đại úy người Việt Nam lái, chạy đến. Tôi định giơ tay ra hiệu đón xe xin quá giang nhưng chiếc xe đã rẽ chạy về phía những căn nhà tiền chế cất từng dãy dài, khiến tôi thất vọng. Tuy nhiên, chưa quá năm phút, chiếc xe trở ra, trên xe có thêm một người đàn bà. Tôi chặn lại xin quá giang và được ông Đại úy vui vẻ nhận lời. Tôi lên ngồi ở băng sau.

Ông đại úy có vẻ là một người học thức, dáng dong dỏng, gương mặt hơi khắc khổ, mắt buồn, luôn luôn nhìn thẳng, khó gây được thiện cảm vì trong cái nhìn của ông, người ta vừa có cảm tưởng bị khinh thường, vừa bị chế nhạo một cách xoi mói. Tuy vậy, tôi ngạc nhiên là giọng nói của ông rất mực dịu dàng, thành thực, như giọng của một người đang tâm sự. Ông tỏ ra cởi mở trong cách gợi chuyện và bày tỏ những ý kiến chủ quan một cách tự nhiên.

Người đàn bà hơi đẫy đà, trắng trẻo dễ nhìn, mái tóc cắt ngắn, uốn cong lên rất cao để lộ khoảng gáy no tròn, tóc tơ phủ một lớp mỏng trên làn da mịn màng mà thoạt nhìn tôi phải xấu hổ quay đi vì tâm trí tôi gợn lên ý nghĩ vẫn đục. Chiếc áo dài bà mặc may bằng thứ hàng đắt tiền, in những hình vẽ màu sặc sỡ. Mùi nước hoa từ người bà tỏa ra một hương thơm nồng nàn gợi cảm. Lối trang điểm của bà giống các cô đào đóng phim Âu Mỹ, nhưng còn vụng về. Nét vẽ lông mày, mắt và son môi chưa thành thạo, hóa nên cách trang điểm và y phục theo lối mới của bà không che dấu hết được vẻ chất phác. Gương mặt trát phấn dày. Đôi mắt kẻ viền đen làm ra vẻ ngây thơ nhưng trông ngây ngô, xốn mắt. Hai bàn tay ngón ngắn, thô, các móng để dài, chuốt nhọn, bôi sơn đỏ. Vẻ chất phác chắc chắn là một nét duyên dáng đặc biệt của những người đàn bà quê Việt Nam – quanh năm không ra khỏi lũy tre làng, chăm việc, thắt lưng buộc bụng, săn sóc, nuôi nấng chồng con – nhưng cái vẻ mộc mạc đó phải đi đôi với cánh áo bà ba nâu, chiếc quần đen, hay chiếc áo dài nâu bình dị.

Ở người đàn bà này, vẻ mộc mạc lại được phủ lên những sắc mầu lộng lẫy trở nên lạc điệu, trông có vẻ quê mùa. Sự tương phản đó khiến cho tôi có một cảm giác ngượng ngùng, khó chịu và một chút lòng thương hại. Tuy vậy, bà ta vui tính và tỏ ra rất tử tế ân cần với tôi. Bà đang có mang khoảng bảy hay tám tháng.

Khi biết tôi làm nghề dạy học, vừa tốt nghiệp trường sư phạm thì hai người còn tỏ ra niềm nở với tôi hơn nữa. Ông Đại úy đã không e dè tâm sự với tôi như một người quen biết đã lâu.

Trong khi ông nói chuyện, người đàn bà lắng tai theo dõi và trong gương chiếu hậu, tôi thấy bà luôn luôn mỉm cười, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn ông Đại úy rồi liếc nhanh qua tôi. Theo lời ông kể, tôi được biết ông làm ở Bộ Tham mưu một Quân đoàn. Trước kia ông cũng là nhà giáo và vào quân đội vì lệnh động viên.

– Lâu quá rồi, ông Đại úy nói, lắm khi tôi quên hẳn mình trước kia cũng từng là một nhà mô phạm.

Ông nhìn xuống bộ đồ nhà binh đang mặc tiếp lời:

– Mà chính tôi, trong tận thâm tâm, hình như tôi cũng muốn như vậy nữa.

Giọng ông vừa chua xót vừa có vẻ luyến tiếc. Ông cho biết, trước kia khi chọn nghề dạy học, ông mang bao nhiêu hoài bão cao quý của nghề đó. Lòng tự hứa là sẽ tận tâm đem “đạo lý thánh hiền” – nguyên chữ của ông dùng, với một giọng nhấn đặc biệt – truyền giảng cho lớp hậu sinh. Nhưng rồi chưa được bao lâu, hoàn cảnh đã đưa đẩy cuộc đời ông hướng về một nẻo khác.

– Anh có thấy sự khôi hài độc địa giữa hai lãnh vực xa cách nhau như hai thái cực đó không?

Ông liếc nhìn tôi trong gương và không để tôi kịp đưa ý kiến, ông đã nói tiếp:

– Sự khác biệt đó lớn lao như giữa sự cố công khổ hạnh và đời sống lười biếng lêu lổng. Giữa đạo đức và vô hạnh. Quân đội là một trường học rộng lớn. Anh có nghe nói thế bao giờ chưa? Trong trường học đó, tôi trở lại làm cậu học trò ngốc nghếch, cảm thấy mình đã uổng phí bao nhiêu năm tuổi trẻ để gắng công sức tự đào tạo cho mình trở nên một trong số những người đức hạnh theo truyền thống nền luân lý cha ông để lại. Trong tập thể hỗn tạp ấy, những gì mà người ta buộc anh phải nghe và làm theo sẽ khiến anh cảm thấy những lề luật gọi là luân lý hay đạo đức thành một mớ lý thuyết bỏ sọt rác, ngây thơ – giọng ông khiến tôi có cảm tưởng, ông muốn dùng từ ngữ “ngô nghê” – mà những bậc thầy đầy kinh nghiệm trong “trường-học-rộng-lớn” – giọng ông, một lần nữa lại chuyển từ âm độ thản nhiên sang mỉa mai khi nói những tiếng đó như một ám chỉ – sẽ khiến anh mau chóng từ bỏ chúng như những điều đáng ghê tởm.

Bỗng giọng ông trở nên tuyệt vọng bất ngờ:

– Mà chính là tôi đã từ bỏ những gì là đức hạnh của thế giới con người để học và tập quen đến thuần thục trở thành một quái vật.

– Một quái vật?

Ông tự đặt một câu hỏi trổng, rồi nhấc một cánh tay lên khỏi tay lái làm một cử chỉ bâng quơ, đoạn để rơi xuống lại. Ông nói:

– Một con quái vật có lẽ còn đáng yêu, vì tất cả những hành động của nó là do nơi bản năng hồn nhiên điều khiển. Đằng này, anh không thể tưởng tượng được, một con người được đào tạo để trở thành quái vật – không hành động theo bản năng – một thứ quái vật có lý trí, thông minh, nguy hiểm không lường được.

Ông nhìn tôi dò xét, đoạn nói tiếp:

– Loài ác thú, ngay như những giống hung dữ nhất, cũng chỉ hành động theo bản năng. Nếu chúng không đói mồi và trong trường hợp phải tự vệ, chắc chắn chúng không làm hại anh đâu. Còn sự tàn nhẫn độc ác của những con quái-vật-người thì không có mục đích, đôi khi như vậy. Chúng giết chết những con mồi – dĩ nhiên tôi muốn nói đến con người – mà không cần hay không rõ nguyên do của hành vi đó. Anh muốn đơn cử một ví dụ? Đây nhé, một đôi khi chỉ là để giải trí, để được thấy máu chảy, để thưởng thức sự quằn quại của một thân xác con người trong cơn đau đớn hấp hối, lấy đó làm vui.

Nụ cười gượng gạo nở ra trên môi ông, chua xót:

– May mắn là tôi còn giữ được thứ ngôn ngữ nầy để nói chuyện với anh mà không phải là những tiếng gầm thét.

Nói xong, ông nheo mắt nhìn tôi, ánh mắt có vẻ chế nhạo vẻ mặt đờ ra của tôi, đồng thời cả những lời ông vừa nói. Nhưng chỉ thoáng qua, rồi thì hai mắt ông trở lại buồn bã như trước, đăm đăm nhìn khoảng đường trước mặt.

Một đoàn “công voa” Mỹ chạy đến. Ông Đại úy cho xe vào lề, dừng lại đợi. Đoàn “công voa” Mỹ dài dằng dặc, chở đạn đại bác đi về hướng phi trường. Tôi nhìn hết chiếc này đến chiếc khác lướt qua, trên xe chất đầy những két đạn để trần. Những quả đạn dáng thon thon rất dễ thương sơn màu ô liu – tôi liên tưởng đến màu lá của cành cây mà chim câu của ông Nô-Ê đã tha từ đất liền về để báo niềm vui cơn Đại Hồng Thủy đã qua – in những hàng chữ vàng ghi rõ nơi sản xuất “MADE IN USA”.Ông Đại úy nhìn tôi, mỉm cười khó hiểu. Tôi nhìn lại ông , bực bội, thách thức.

– Anh đang mơ có một quyển sách ước, phải vậy không? Và ông cười thành tiếng khô khan.

Tôi quên cả tức giận vì tự ái, cũng vỡ ra cười, ánh mắt nhìn ông dịu dàng, khâm phục.

– Ừ nhỉ, tôi nói mơ màng. Nếu tôi có được quyển sách ước. Tôi sẽ ước tất cả những quả đạn giết người kia biến thành những ổ bánh mì.

Ông Đại úy tiếp lời tôi:

– Trị giá một quả đạn kia bằng cả hai chục ngàn ổ bánh mì, nếu cứ tính trung bình hai đồng một ổ.

Tôi chợt reo lên vui mừng:

– Như vậy với cả mấy vạn trái đạn nầy tôi sẽ có một núi bánh mì vĩ đại. Tôi tha hồ đem phân phát cho tất cả những đứa trẻ đang chúi mũi vào những đống rác hôi thối, cao ngất nghểu trong các thành phố, bươi tìm chút thức ăn, và những đồng bào tôi đang chết đói trong những trại tạm cư, vì chiến tranh đã tàn phá ruộng vườn của họ. Ừ nhỉ, ước gì mỗi một quả đạn bắn đi vào những thôn xóm nghèo nàn của dân tộc tôi, thay vì để tàn phá, tung ra, rơi rớt xuống hàng ngàn vạn ổ bánh mì, như cơn mưa ân sủng.

Tôi say sưa diễn tả niềm mơ ước nhỏ bé của tôi, khi nhìn lại ông Đại úy, tôi bắt gặp ánh mắt chế nhạo, kẻ cả của ông đang nhìn tôi, vừa hiếu kỳ, vừa thương hại. Cơn giận tôi bỗng bùng lên. Tôi nhìn lại ông đầy trách móc làm cho tia nhìn của ông nhụt đi.

Đoàn “công voa” đã qua hết, bụi mù vàng còn un lên như màn sương đục.

– Tôi tưởng là chỉ đi vài năm quân dịch rồi về – đột ngột ông Đại úy lại tiếp tục câu chuyện bị gián đoạn không chú ý gì đến sự bất bình của tôi vừa rồi, khiến tôi phải định tâm lại một lúc mới theo dõi được lời ông – nào ngờ thắm thoát đã hơn mười năm rồi. Mười năm đáng giá nhất của một đời người.

– Năm nay anh bao nhiêu tuổi? Ông hỏi, nhìn vào mắt tôi trong gương chiếu hậu. Tôi trả lời. Ông nói tiếp:

– Dạo ấy tôi cũng bằng tuổi anh bây giờ. Tuổi trẻ còn xanh ngát, nuôi mộng lấp biển vá trời, bây giờ…

Ông bỏ lửng câu nói. Hai tiếng cuối cùng ông thốt ra với giọng cảm khái như một lời than. Ông đưa ra hình ảnh một con đường đầy gai nhọn, dĩ nhiên ông không chọn, nhưng đã bị buộc phải đi qua, và với những bước chân đẫm máu ngập ngừng ông đã đi quá nửa rồi, không còn đủ can đảm quay trở lại – vả chăng người ta cũng không cho phép ông làm như vậy – dù ông biết là có con đường khác lót thảm nhung đi chăng nữa.

– Con đường nào rồi cũng dẫn đến một cái hố đất mà thôi, ông nhẫn nại nói tiếp. Thôi thì ráng đi cho hết vậy. Chẳng còn bao lâu nữa. Con người có mặt trong cuộc đời chẳng do ý họ muốn. Họ cũng không có quyền chọn lựa con đường theo bản chất bẩm sinh. Nói một cách văn chương, thì họ không có quyền sống đời họ. Một môi trường mà trong đó họ cảm thấy họ được sống, cuộc đời họ như một hạt mầm được gieo trên đất thích hợp. Có điều đáng buồn là mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống thôi, lỡ một lần là coi như hư mất vĩnh viễn. Đời tôi như một hạt mầm đã gieo trên đá sỏi, cố gắng mọc, nó trở nên còi cọc, rồi sẽ tàn rụi. Hỏng, hỏng hết rồi!

Tôi im lặng nghe ông nói, ngạc nhiên không hiểu đời sống trong quân ngũ như thế nào, đến nỗi làm cho một người đàn ông ngoài bốn mươi tuổi kia có những tư tưởng bi quan như vậy.

– Tôi quên chưa giới thiệu với anh, ông nhìn qua người đàn bà, đây là nhà tôi, ánh mắt ông thoáng chút ái ngại. Người vợ quay lại nhìn tôi, cười nhẹ, dáng điệu hơi lúng túng.

– Bà ấy đi làm trong PX ở phi trường, ông nói thêm. Anh biết, những giai tầng trong xã hội chúng ta giờ đã thay vị đổi ngôi rồi. Chúng ta, giới trung lưu, trở thành một giai cấp nô lệ mới cho những chủ-nhân-ông-gặp-thời… Bọn đó đang làm cho đời sống chúng ta trở nên chết dở sống dỡ. Chờ một thời hoàng kim thì lâu quá, biết đến bao giờ. Bụng đói thì đầu gối phải bò, phải lết cái đã.

Giọng ông có vẻ vừa phân bua vừa mai mỉa. Tôi có cảm tưởng như ông đang chế diễu cái tình cảnh bất lực của chính mình. Im lặng một lúc, ông nói tiếp:

– Tôi phải để bà nhà tôi đi làm thêm mới đủ sức nuôi lũ nhỏ… Cả đại dương đã bị quậy thành bùn rồi, một mình mình đâu có sức mà lắng cho trong lại được. Phải không anh?

Ông ngừng nói, hình như ông muốn được biết ý kiến tôi về quan niệm cũ mòn đó của một số người đời. Tôi vẫn giữ im lặng. Tôi biết phải trả lời ông thế nào đây, để vừa được lòng ông, vừa không phản lại tư tưởng mình.

Thật tình tôi không đồng ý, mặc dù tôi cũng nhận thấy rằng điều ông nói hết sức hợp lý nếu xét về mặt thực tế. Nhưng tôi là một người không thực tế – nhưng không phải mơ mộng, mà là siêu thực tế mà người đời thường gọi hạng người nầy là hạng “đi trên mây”, “siêu lý tưởng”. Còn biết làm sao hơn? Tôi là hạng người chỉ muốn biến “những giấc mộng tốt lành” thành sự thực. Chẳng hạn, ví như địa cầu này có biến thành một đống rác đi nữa thì tôi cũng cố công đào từng hố nhỏ mà lấp dần đi cho kỳ hết mới thôi.

“Từng cốc một, tôi sẽ lọc lại đại dương bùn ra thành nước trong.” Tôi muốn trả lời ông như vậy, nhưng tôi thấy chưa phải lúc. Và tôi xấu hổ vì cái thở dài của tôi như là để bày tỏ một thái độ lập lờ.

– Thời khóa biểu thường xuyên của tôi là, ông nói, sáng dậy sớm, ăn điểm tâm, đưa vợ con đi làm, đi học rồi đến sở – trưa rước về, chiều lại đưa rước…

Tôi ngán ngẩm, nhưng không thể không nghe. Bỗng nhiên tôi cảm thấy, trong nỗi thương cảm của tôi đối với ông có xen lẫn những tình cảm xúc phạm của lòng khinh thường. Và có lẽ vì tấm lòng còn bồng bột của tuổi trẻ, tôi nghĩ: “Một người đàn ông như thế… “

Tôi hầu như hết chịu nỗi cái giọng rời rã của ông:

– Anh đừng lấy làm lạ, nếu một tối nào đó, anh bắt gặp tôi thay hình đổi dạng làm một anh tài xế xe Honda chở khách. Có khi người tôi chở lại là anh.

Nói xong ông cười thành tiếng. Tôi và cả người đàn bà cũng cười, nhưng tất cả ba giọng cười tôi nghe nhạt nhẽo, vô duyên đến lợm giọng.

Những ngày đầu chưa tìm được chỗ trọ, ông bà đã ân cần mời tôi ở lại nhà. Đó là một căn nhà gạch, hai gian trước và sau liền nhau, xây trong đất dành riêng cho các sĩ quan. Gian trước làm phòng khách, gian sau buồng ngủ. Sau nhà có che thêm mái tôn làm bếp, bóng một cây trứng cá to, cao che rợp mái tôn.

Tôi ngủ tạm trên chiếc ghế bố nhà binh ở phòng khách, đêm bày ra, ngày xếp lại cất đi.

Tôi không mấy ngạc nhiên, khi thấy trong phòng khách chưng bày những đồ vật, máy móc tối tân, tỏ ra là một gia đình khá giả – ít ra là giàu nổi – như hầu hết những gia đình có người đi làm sở Mỹ, giao thiệp thân mật với một cố vấn Mỹ – tôi đã thấy ở một vài nơi. Nhưng sự bày biện những đồ vật như thế trong căn phòng, trông giống như lối trang điểm và phục sức của bà vợ ông ta. Có một cái gì lỗi điệu, ngường ngượng khi nhìn ngắm. Giống như trên một chiếc áo vải thô cũ đem vá lên đó những miếng gấm vụn, nạm những hạt trân châu với dụng ý làm tăng thêm giá trị cho chiếc áo mà thực ra chỉ khiến cho nó trở nên lố bịch mà thôi.

Bốn vách tường nhem nhuốc dấu tay bẩn, trần nhà làm bằng giấy cứng, sơn cũ tróc lở, nước mưa dột thấm loang lổ, nẹp gỗ bong ra. Trên góc tường gần trần nhà có màng nhện giăng. Tất cả những chi tiết đó tố cáo đã lâu, chủ nhân không còn để tâm săn sóc cái “tổ ấm” của họ. Nhưng trong phòng lại chứa nhiều đồ vật đắt tiền – mới xuất hiện từ khi quân đội Mỹ tràn sang. Chiếm một vị trí trang trọng, là một chiếc tủ lạnh to – lẽ ra phải để ở nhà bếp, nhưng người Việt Nam vào thời đó lại coi là một món đồ trang trí sang trọng làm vinh dự thêm cho gia chủ, nên họ thường để ở phòng khách – hai cái máy VTTH – vật dụng nầy cũng trở nên phổ thông một cách bừa bãi đối với dân chúng Việt Nam trong tình cảnh nghèo khổ đáng thương của họ. Trong một ngôi nhà tranh tồi tàn nhất chúng ta cũng có thể tìm thấy được một chiếc TV. Và cao ngất nghểu trên những nóc nhà thấp lè tè của một khu lao động người ta thấy cột “ăng ten” dựng san sát. Hai máy nghe băng nhạc với bốn chiếc loa khuếch đại lớn tướng. Và còn nào là máy chụp hình, máy quay phim, những chai rượu mạnh đủ loại bày trong một tủ kính thấp. Với ngần ấy thứ, chất trong một căn phòng chỉ rộng mỗi bề bốn thước, đã bị choán một bộ sa lông, giống một gian hàng bừa bộn hơn là một phòng khách. Tôi hơi bàng hoàng khi thoạt bước vào, và thoáng chút nghi ngờ, khó mô tả, khi nhớ lại những lời lẽ yếm thế mà ông Đại úy đã tâm sự với tôi, bằng một giọng khá thành thực.

Những đứa con của hai ông bà rất dễ thương và thông minh. Hai đứa con gái, đứa đầu chín tuổi, đứa kế bảy tuổi, đang đi học. Ba đứa con trai tiếp theo với số tuổi chênh lệch mỗi năm. Đứa con gái đầu học lớp bốn, mặt mũi sáng sủa, đẹp tỏ lộ, tính nết vui tươi nhí nhảnh. Đứa em kế học lớp ba, thùy mị, có duyên thầm như tâm tính dịu dàng của nó. Hai ông bà hầu như đi vắng suốt ngày, đến hai bữa cơm cũng không có mặt đầy đủ – bà làm thêm giờ tuổi trưa và tối, còn ông bận đi trực, ứng chiến… Buổi tối về muộn, mệt mỏi, ăn cơm xong là đi nghỉ, sinh hoạt gia đình nặng nề, thiếu sinh khí. Lũ trẻ thiếu hẳn săn sóc, sự bày tỏ tình thương yêu của cha mẹ. Cả ngày, ngoài những giờ tới trường – hai đứa con gái lớn – chúng bị nhốt trong khoảng sân hẹp, chơi thơ thẩn, không người hướng dẫn, dạy dỗ.

Tôi ở lại đó một tuần lễ, nếu không có những tiếng cười giọng nói của lũ trẻ, có lẽ tôi đã đi sớm hơn. Lũ trẻ rất mến tôi, chúng coi tôi như một người bạn và tìm thấy ở tôi một niềm an ủi mà chúng thiếu thốn. Chúng quấn quít, trò chuyện, đùa nghịch thích thú. Nên khi tôi đi chúng bịn rịn, rơm rớm nước mắt khiến tôi xúc động. Đứa con gái đầu mặt phụng phịu, mắt đỏ hoe, nước mắt long lanh, giữ chặt lấy tay tôi không cho đi. Cách biểu lộ tình cảm của tuổi thơ thật hồn nhiên đáng yêu. Tôi phải dỗ dành mãi nó mới chịu buông tay tôi ra, sau khi bắt tôi hứa là sẽ tới thăm cô bé luôn.

– Chú tới thăm tụi cháu hoài nghen, nó nói. Cháu nhớ chú lắm à. Chú mà không tới thăm cháu, cháu sẽ…

Tôi chờ đợi.

– Cháu sẽ ghét chú cho coi. Nó buột miệng nói, xong bẽn lẽn vừa cười vừa khóc, quay mặt chạy vội đi.

Tôi cũng cười nhìn theo nó mà lòng cảm động muốn khóc, không phải vì cớ tôi sắp xa chúng, nhưng tôi thương xót tuổi thơ lạc lõng của chúng. Tôi hôn mỗi đứa – mấy đứa nhỏ cứ quấn lấy chân tôi – còn cô bé em thì đã chạy trốn từ lâu. Mãi đến lúc tôi bước ra khỏi cổng, quay lại nhìn mới thấy nó núp sau hàng dậu kín đáo trông theo.

Hai ông bà cũng tỏ ra quyến luyến:

– Khi nào rảnh, chú lại chơi với chúng tôi và các cháu.

Ông bắt tay và thân mật quàng vai tôi nói. Tôi cũng cảm thấy buồn, không phải là vì cuộc chia tay, đúng hơn là một nỗi thương cảm, âu lo mơ hồ qua câu chuyện mà một đêm, nhân có chút hơi men, ông đã kín đáo thổ lộ cùng tôi.

*

Chỗ tôi mới đến ở là một căn gác nhỏ. Trước kia bà cụ chủ nhà cất thêm cho hai vợ chồng người con trai ở, bây giờ anh đã đi lính, người con dâu xuống ở nhà với mẹ chồng, bà cho tôi thuê, để “vui cửa vui nhà”, bà nói với tôi như vậy.

Căn gác làm bằng những “vật liệu thời đại”. Vách đóng ván thùng két của quân đội Mỹ thải ra, cột bằng ống đựng thuốc bồi đạn đại bác hàn nối lại. Hàng hiên là những vỏ đạn “rốc kết” vàng óng, láng như những thân tre mỡ không có đốt ghép sít lại với nhau.

Xóm này có tên là “Xóm Mới”, vì mới được lập lên gần đây, do đám dân từ các vùng quê lánh nạn chiến tranh chạy lên chiếm ngụ, nằm trên bãi cát, ven một vịnh biển cạn.

Từ căn gác, nhìn qua một cửa sổ nhỏ, có thể thấy những chiếc tàu chiến neo ngoài khơi, trong đêm tối đèn đuốc sáng rực trông như những thành phố nổi nho nhỏ. Trên những ngọn núi tương đối cao bao quanh vịnh biển là những căn cứ quân sự, đài ra-da to lớn. Đêm đến đèn cũng thắp sáng, sau màn sương mỏng trông như những đám sao sa. Những chòm sáng có tia, kết vòng cong cong quanh núi, lắt lay, như ánh lấp lánh của những viên kim cương nạm trên một chiếc vương miện đen khổng lồ.

Ở đầu xóm có một khoảng đất trống, trước kia cỏ rậm mọc hoang – theo lời bà cụ kể – từ khi có mặt quân đội Mỹ, Đại Hàn, các “Ba” giải khát mọc lên như nấm, biến thành một khu ăn chơi. Khách hầu hết là quân nhân Mỹ, Đại Hàn hay dân chạy “áp phe”. Họ đến uống rượu, vui đùa để quên chốc lát nỗi sầu xa xứ với những cô gái Việt Nam làm nghề chiêu đãi trá hình. Từ đầu hôm đến nửa đêm, giấc ngủ của đám dân lao động bị quấy rầy bởi tiếng nhạc ầm ỉ đầy khích động. Đêm khuya họ ra về, tôi nghe giọng ngoại quốc lè nhè, những câu bông đùa khiếm nhã, những lời hứa hẹn đưa đẩy trâng tráo của các cô gái lẫn trong những tràng cười không kềm chế. Tiếng máy xe rú lên hối hả, đôi khi là những âm thanh đục, bất an của một trận ẩu đả có súng nổ.

Thảng hoặc tôi mới nghe được tiếng sóng vỗ ì ầm từ vịnh biển vọng đến. Những vọng âm cao cả đó rất hiếm hoi. Phi trường quân sự ở bên kia vịnh biển, máy bay đủ loại ngày đêm lên xuống không ngớt, gây ra những tràng tiếng động, bầu không khí không mấy lúc được yên tĩnh.

Trong thời gian đầu, ban đêm hầu như tôi không chợp mắt được. Vừa mới thiu thiu thì đã giật nẩy mình choàng dậy vì tiếng nổ chát chúa, kéo dài của máy bay phản lực. Trong sự yên lặng của đêm khuya, tiếng nổ phát ra với vòi lửa đỏ lòm nghe như tiếng rống của một con vật kinh khủng làm cho màn đêm thanh vỡ vụn. Tiếng nổ đâm vào màng tai, đập vào lồng ngực tức ran, làm cho tâm thần tôi rối loạn.

Ban đầu, tôi thấy có vẻ thật kỳ khôi, buồn cười và khó chịu về khoảng thời gian gián đoạn giữa những cuộc nói chuyện mỗi khi có tiếng động cơ lên xuống. Đang nói, một trong hai người phải ngưng lại. Trong khoảng thời gian ngắn đợi chờ bất đắc dĩ, người ta làm một vài cử chỉ, có khi dư thừa để lắp đầy: hoặc châm một điếu thuốc không cần thiết, hoặc gãi một chỗ da không ngứa, vuốt lại mái tóc đã chải mượt hay bâng quơ nhìn theo chiếc máy bay, để chờ cho tiếng động cơ bớt ồn, rồi mới tiếp tục câu chuyện bỏ dở. Còn tôi, trong những trường hợp đó, với một thái độ thách thức, đầy bực bội, tôi cứ tiếp tục câu chuyện với giọng to lên gần như hét, mặc dầu tôi biết rằng có la đến bể phổi, người đối thoại vẫn không nghe được và chỉ tỏ ra mình lố bịch một cách đáng thương mà thôi. Bằng không hét cho bể phổi ra thì tôi lì lợm đứng im, không làm bất cứ cử chỉ nhỏ nhặt nào trong thời gian chờ đợi đó, mà tôi cho là như để bày tỏ một thái độ vừa chống vừa hòa giải một cách hèn hạ với nghịch cảnh.

Bà cụ chủ nhà là người Bắc di cư, đã ngoài sáu mươi tuổi. Chồng bà là phu mộ đồn điền cao su thời Pháp thuộc, đã chết khi bà còn rất trẻ, để lại cho bà hai đứa con trai, nay đã trưởng thành. Bà tâm sự:

– Tôi chẳng còn lòng dạ nào đi bước nữa, cậu ạ. Thôi ở vậy thờ chồng nuôi con. Tính ra đã gần hai mươi năm rồi đó cậu.

Giọng bà trở nên ngậm ngùi:

– Tôi có hai thằng con trai, thằng cả, cha cháu đây – bà đang ôm trong lòng một cậu bé trai khoảng bảy, tám tuổi – nó chết năm kia ngoài mặt trận miền Trung. Vợ nó lãnh tiền tử tuất tử tiếc gì không biết, rồi ôm luôn đi theo trai, xài mấy tháng hết sạch. Nghe nói khi hết tiền rồi bị bỏ, lại có mang, đẻ xong đem cho con rồi ra ngoài Cam Ranh bán “ba”. Bà cụ thở dài. Bán “ba” hay làm đĩ Mỹ thì cũng giống nhau, phải không cậu?

Tôi ái ngại, không biết phải trả lời cụ thế nào. Việc đó bây giờ trở thành thông thường quá, ai cũng biết. Tôi đưa mắt nhìn đứa cháu trai đang lắng tai nghe chuyện một cách thản nhiên.

– Còn đứa con gái nhỏ em nó nữa, đi chơi ngoài xóm. Bà lại thở dài, nhưng ánh mắt mờ của bà nhìn đứa cháu một cách âu yếm. Bà vuốt tóc cháu, dịu dàng nói:

– Nuôi con rồi bây giờ nuôi cháu. Cực khổ thì tôi có ngại gì, chỉ sợ nay mai Chúa đem đi về với Ngài rồi không còn ai trông coi chúng nữa. Con cái đời nay không khéo dạy dỗ thì thành ra du côn, cao bồi, bụi đời hết. Chết cũng không nhắm mắt nổi đâu cậu ạ. Nằm dưới mồ còn muốn mở mắt ra trông chừng chúng nó nữa.

Ngoài đường có mấy người Mỹ đi qua. Đứa nhỏ rời lòng bà cụ chạy ra ngõ.

– “Du du, Ô Kê sa lem”. Tôi nghe tiếng đứa trẻ từ ngoài đường vọng vào.

– Đó, cậu nghe thấy chưa? Bà cụ buồn bã nói với tôi. Mới chừng ấy tuổi…

Thằng bé chạy vào, mình mẩy lấm lem bụi đất, hớn hở đưa khoe bà thỏi kẹo cao su của mấy người lính Mỹ vất cho mà nó vừa giành giật được với lũ trẻ cùng xóm. Bà cụ giằng lấy, giận dữ ném ra cửa sổ khiến nó tiu nghỉu, đứng tựa vào vách khóc.

– Thằng con thứ hai, bà cụ tiếp tục câu chuyện, thằng Út của tôi đó, thì đang ở miền Tây, lính Biệt động. Vợ nó ở đây, có mang sắp đến ngày ở cữ, ngày đi bán hàng ngoài chợ.

Ngay chiều hôm đó tôi được gặp chị vợ anh Út, một thiếu phụ trẻ tóc bới, chưa quá hai mươi tuổi. Dáng người chị nhỏ nhắn, gương mặt trái xoan, da trắng mịn màng tự nhiên, còn giữ nét ngây thơ hồn nhiên, tuy cái bụng chị đã hơi lớn. Chị bán hàng suốt ngày ngoài chợ. Buổi trưa bà cụ gởi cháu, đem cơm ra cho con dâu, chiều sẫm chị mới về. Chị cúi đầu chào tôi, thoáng bỡ ngỡ, rất kính cẩn theo lối người miền quê, sau khi bà cụ giới thiệu tôi là khách mới thuê nhà. Chị mỉm cười chào lại lần nữa giữ một vẻ xa cách vừa phải rồi cúi đầu đi qua thẳng ra nhà sau. Đó là một thiếu phụ Việt Nam chưa chịu ảnh hưởng của đời sống vật chất văn minh nông nỗi của thành phố nọ, trông có vẻ nết na, an phận. Tôi thầm nghĩ.

Tôi đến đây hơi sớm, lúc niên học chưa bắt đầu, nên có thời gian hơn hai tuần rảnh việc. Tiếp xúc với thành phố, lần lần tôi nhận ra trong sự sầm uất nhộn nhịp có một vẻ gì thê thảm như sự vô nhân, đời sống cũng khó khăn chật vật trăm chiều. Trong cái giòng sinh hoạt cuồn cuộn, hỗn tạp, con người như những chiếc lá khô quay cuồng trong một cơn lốc dữ dằn, buông mình vào và để mặc cho cơn gió xoáy cuốn đi không cưỡng chống. Đời sống luôn luôn bị thôi thúc, tâm trí và thân xác luôn luôn bị ràng buộc trong những mưu tính không nguôi. Ngay cả sự giải trí cũng phải giới hạn trong những giờ khắc nhất định, không lúc nào tâm hồn được tự do nghỉ ngơi thoải mái. Thời gian không được nhìn theo bóng ngả của mặt trời mà là sự xê dịch từng khoảng nhỏ của chiếc kim trên mặt đồng hồ.

Trong một đời sống như vậy, cuộc sống của tôi hầu như khép kín và tôi cố giữ mình ngoài cơn lốc đó một cách khó khăn. Ngoài thì giờ đến trường, tôi ít khi ra phố hay giao thiệp bạn bè. Thỉnh thoảng tôi mới lại thăm vợ chồng ông Đại úy và mấy đứa con. Và đó hầu như là nơi lui tới duy nhất của tôi.

*

Trước ngày sinh của cô dâu bà chủ nhà độ một tuần, bà có nhờ tôi đi đánh điện tín báo tin cho người con trai. Bà cho biết phải báo tin sớm như vậy để anh ta còn lo xin phép mà về cho kịp. Vì đường xá xa xôi quá, vả chăng việc phép tắc còn gặp nhiều khó khăn.

*

Sau hai tuần nghỉ lễ, tôi trở lại thành phố X… Chỉ sau một ngày, anh Út, con trai của bà chủ nhà trở về đơn vị. Tôi được biết, dầu điện tín đánh sớm, nhưng anh không nhận được ngay vì bận hành quân xa hậu cứ Tiểu đoàn. Anh không về kịp trước ngày chị ấy sinh. Anh về đến nơi thì người vợ trẻ đã hóa ra người thiên cổ. Anh cũng không được đưa chị đến nơi an nghỉ cuối cùng chỉ nhìn thấy ngôi mộ đất mới đắp và tấm hình căn cước của vợ được rọi lớn trên bàn thờ phủ vải điều với bát hương bày vội.

Trong thời gian tôi vắng mặt, một thảm cảnh đã xảy ra cho gia đình bà cụ.

Câu chuyện nổ ra trong thành phố như một vụ pháo kích hỏa tiễn về đêm, làm kinh động giấc ngủ mê man của bao thân thể mệt mỏi, khiến mọi người bàng hoàng. Trong một thời gian ngắn ngủi, câu chuyện làm thức tỉnh lương tâm con người từ lâu chỉ còn thoi thóp như một ánh lửa đom đóm trong đêm tối mịt mờ. Và từ trong cơn xoáy cuồng của giòng sống đầy tranh chấp, họ ngoi ra để lắng nghe tiếng kêu thê thảm của lương tri đang mệt nhọc cất lên. Nhưng, từ lâu, người ta vốn đã quen với những câu chuyện tương tự như thế, nên nỗi bàng hoàng của họ chỉ là một phản ứng thuần tình cảm, có tính cách nhất thời. Rồi họ lại buông mình vào trong cơn lốc quái ác của giòng sinh hoạt do cuộc chiến tranh mang đến, để kiếm cái sống, mặc cho những gì xảy ra chung quanh họ miễn là không ảnh hưởng tai hại trực tiếp đến họ. Sinh mạng con người trong thời buổi chiến tranh có khác gì cây cỏ trước lửa lớn, hay súc vật tế thần? Cái thời hễ nghe có đám ma là cả làng kéo nhau đi xem như có một biến cố, và ngậm ngùi thương tiếc người xấu số, đã xa xôi mịt mờ rồi. Bây giờ sự chết đã trở nên gần gũi, thân thiết như chính hơi thở, dù chết như thế nào cũng chỉ là… nhắm mắt nghỉ thở vĩnh viễn mà thôi, không còn làm cho người ta xúc động mấy nữa. Sự chết có mặt khắp nơi. Con người hít thở, ăn uống, ngủ nghê, vui đùa, làm tình… cùng với nó. Nó trở thành một người bạn thân ái, bắt buộc phải như thế. Người ta làm sao còn giữ được sự xúc động linh thiêng đối với cái chết khi mà họ phải lục tìm lấy chút thức ăn trong một tử thi đã thối rữa và ngốn ngấu ngay bên cạnh nó không còn màng đến mùi xú uế?! Phương chi cái quan niệm một người chết thì bớt đi được một miệng ăn và những kẻ còn sống sót sẽ được chia thêm phần của người chết để lại, đã trở thành một quan niệm phổ thông, và sống, có nghĩa là cố mà vượt lên, thoát ra khỏi những bàn tay mạnh mẽ, tàn nhẫn đang xiết cổ, và là, đồng thời đè bẹp những đồng bào yếu thế của họ, những kẻ bé miệng thấp cổ, có chủ tâm hay bị bắt buộc. Mỗi người đều tự thấy mình đã vô cùng đáng thương rồi và họ thương mình, lo cho mình chưa đủ, còn lòng dạ đâu để xót thương ai!

Tôi đi khỏi thành phố vài hôm thì chị Út chuyển bụng. Chị được đưa vào một nhà hộ sinh từ thiện lớn trong thị xã, có bà cụ đi theo. Nhưng qua một ngày một đêm, dầu là những cơn đau trối chết, chị vẫn chưa khai hoa nở nhụy. Cảnh nhà thì đơn chiếc, thiếu phụ lo lắng không ai chăm sóc hai đứa cháu nhỏ, chị xin mẹ chồng hãy về trông nom chúng:

– Thôi mẹ về trông coi cháu và nhà cửa. Chị Út nói, con ở đây có các cô đỡ săn sóc chu đáo tồi, ngày mai mẹ vào cũng được.

Chiều hôm bà cụ ra về, một chiếc xe Jeep đưa vào nhà hộ sinh từ thiện một người đàn bà chuyển bụng, bà ta khoảng ngoài ba mươi tuổi. Trông qua cách ăn mặc, tỏ ra bà là người khá giả. Phòng bà ở cạnh phòng của chị Út. Trong khi chị Út quằn quại, rên siết vì cơn đau con so, người đàn bà mới vào đến an ủi, bà ta có vẻ đã từng trải và có kinh nghiệm. Đêm hôm đó chị Út và người đàn bà cùng sinh, mẹ tròn con vuông. Thiếu phụ trẻ bị cơn đau đẻ hành hạ liên tiếp mấy ngày nên mất sức, sinh xong chị mệt lả, thiếp đi trong giấc ngủ say mãi sáng hôm sau mới tỉnh dậy.

Một buổi sáng trời thật đẹp. Nắng sớm trong trẻo dọi vào khung cửa sổ làm cho căn phòng chị Út nằm sáng sủa hẳn lên. Sức khỏe của tuổi trẻ chóng hồi phục. Chị nghe tiếng trẻ con khóc trong một chiếc nôi nhỏ đặt gần đó, tiếng khóc của đứa con chị mang nặng đẻ đau. Chị cảm thấy một niềm thương yêu dào dạt đối với đứa con mà chị chưa nhìn thấy mặt, một niềm vui mới lạ làm trái tim chị rộn ràng, thân thể và tâm hồn chị như vừa bừng nở một mùa xuân. Chị muốn ngồi lên để bồng con ôm chặt vào lòng, nhưng người chị còn yếu chưa tự ngồi dậy được. Chị nhìn quanh để tìm cô y tá. Chị âu yếm và hãnh diện nghĩ đến chồng. Nay mai anh Út sẽ về. Chị ao ước người chồng có mặt ngay trong giờ phút sung sướng nhất này để cùng chia sẻ niềm vui. Chị nghe có tiếng chân người ngoài cửa phòng, nhưng không phải cô y tá. Chị không trông thấy, nhưng nghe tiếng nói vọng vào phòng chị:

– Cô ta thức dậy rổi, lại đây coi mau lên! Giọng một người đàn bà nói rất khẽ.

– Đâu? Tiếng một người đàn bà khác hỏi. Coi cái mặt ra sao mà dám lấy… Tiếng người lúc đầu suỵt dài và câu nói chưa trọn nghĩa bị chận lại.

Hai người đàn bà ló mặt vào phòng, nhìn chị, ánh mắt tò mò.

– Coi cái mặt hiền lành nhà quê như vậy, mà to gan quá hả.

Một trong hai người đàn bà nói, trước khi bước nhanh qua cửa phòng chị Út.

Nghe tiếng trẻ khóc, cô y tá trực vội chạy vào:

– Bà đã thức rồi? Cô ta tươi cười hỏi thăm sức khỏe chị Út. Bà có thấy đói bụng không?

– Dạ… Thiếu phụ cười nhẹ, rất tươi đáp lời. Cảm ơn cô, cũng hơi đói. Nhưng… cô làm ơn cho cháu bé lại với tôi trước đã.

Chị Út muốn dùng hai tiếng “con tôi” xiết bao, nhưng còn e lệ. Cô y tá nhìn chị thoáng vẻ lưỡng lự, nhưng rồi cô quả quyết bước tới bồng đứa bé được quấn khăn trắng đem đến đặt bên cạnh thiếu phụ. Chị Út nằm xích vào để lấy chỗ cho con và hơi khó khăn nghiêng người lại để ôm đứa bé. Hai bầu sữa chị căng đầy. Chị sẽ cho con bú. Mới vừa có ý nghĩ như vậy, chị nghe hai đầu vú chị đã rần rần, tựa như đôi môi nhỏ của đứa con đã ngậm lấy và nút. Sự xúc động mới lạ làm cho máu trong người chị chảy mạnh. Những ngón tay trắng xanh run run mở cúc áo. Đột nhiên vẻ mặt chị hốt hoảng đến sững sờ. Mặt chị đã tái xanh vì mất máu trở nên xám ngắt. Một cảm giác lạnh buốt ào đến trùm lên thân thể chị, tưởng chừng như bỗng nhiên chị bị dìm xuống nước băng giá và máu trong các mạch đông đặc lại. Mắt chị trợn lên trắng dã, nhìn trân trối vào đứa trẻ, đang nằm nghiêng, chị ngã ra, thở dốc lên như người bị ngột hơi, toàn thân run rẩy.

– Cô ơ… ơ … ơi! Cô! Giọng chị lạc đi. Sao… như… vầy hả… hả cô? Chị ôm ngực, co rúm người lại, thở nấc lên, lắp bắp hỏi cô y tá. Con tôi… Trời ơi! Con… tôi như vầy sao?!

Cô y tá mất hẳn sự bình tỉnh, mặt thất sắc chạy đến bên chị:

– Bà… Bà làm sao?

Cô ta nhìn đứa bé rồi nhìn lại thiếu phụ, bối rối cùng cực:

– Dạ.. Dạ phải… Đây…. là… con bà mà. Nó mạnh khỏe.

Thiếu phụ không còn nghe lời cô ta nữa, gần như bất tỉnh. Cô y tá vội vã chạy đi lấy một liều thuốc hồi sinh. Khi cô trở lại thì thiếu phụ đã ngất đi, bao nhiêu máu trong người chị đã tuôn ra ướt tràn mặt nệm trắng.

Và đó là cơn ngất đời đời, chẳng bao giờ chị tỉnh lại nữa để chờ người chồng yêu dấu về cùng chị, không phải để chia sẻ niềm hạnh phúc do đứa con đầu lòng mang lại, mà là nỗi nhục nhã chị không có sức chịu đựng.

Bà cụ mẹ chồng nhận được tin dữ trong lúc sửa soạn mang cơm vào cho con dâu. Vào đến nơi, trông thấy xác con dâu và nhìn mặt đứa cháu nội – mà bà đã thầm kín dành cho biết bao tình thương mến, vì đó là giọt máu nối dõi tông đường của người chồng đã yểu mệnh – bà cụ ngã ra chết giấc.

Cha mẹ của thiếu phụ cũng đến nhìn mặt con gái và đứa cháu ngoại khác chủng tộc định mệnh khắc nghiệt đã đem đến: nó đen sì như lọ nồi với tóc xoắn trôn ốc dán sát vào da đầu. Đứa trẻ đói, bỗng khóc ré lên đòi sữa, giữa một khung cảnh trớ trêu. Tiếng khóc của nó cũng đáng thương, ngây thơ vô tội như bất cứ một trẻ sơ sinh nào trên thế giới, khiến cho lòng người cảm động. Nhưng trong hoàn cảnh đó tiếng khóc của nó trở nên lạc lõng nhuốm vẻ bi thảm.

Người cha thiếu phụ, một cụ già tóc đã bạc trắng, hiền hậu, đứng chết lặng trước một sự thật quá phũ phàng. Sự xúc động cùng cực khiến cho gương mặt da mồ trơ ra như đá. Ông như người mất vía, cứ mở to đôi mắt mờ đẫm lệ, hết nhìn xác con gái, lại nhìn đứa bé da đen và rồi ngẩng lên, bối rối ngó quanh quất người nầy người khác, như để tìm một ánh mắt bao dung, biết xót thương hoàn cảnh đau thương của ông. Nhưng ông không tìm ra ánh mắt đó, ánh mắt của một con người. Họ chỉ nhìn ông dè bỉu, lạnh lùng. Ông cô đơn đứng giữa đồng loại ông. Thực ra ông không cô đơn, có một vài người nói những lời an ủi ông và tất cả đều tỏ vẻ cảm thương cho hoàn cảnh của ông, nhưng chính vì nỗi nhục nhã sâu xa đã ám ảnh ông đến nỗi không để cho ông tìm thấy được những tình người tỏ lộ. Mắt ông chỉ nhận ra ánh mắt xa lạ dửng dưng, tai ông nghe những lời an ủi chân thành mà thấy đượm đầy giọng điệu giả dối khinh khi. Ông chỉ muốn độn xuống đất xanh, đất đỏ và nằm dưới đó đời đời không bao giờ dậy nữa. Một nỗi uất nghẹn dâng lên chẹn lấy cổ họng ông, nhưng ở tuổi bẩy mươi của ông, ông không thể có một cử chỉ, một hành động tích cực nào để bày tỏ xúc động khác hơn, là ông cố nuốt trôi qua cổ họng một cách cay đắng nỗi đớn đau nhục nhã. Và ở tuổi ông cũng không phải là tuổi có thể chịu đựng cho nổi những xúc động lớn lao dữ dằn như thế. Ông đã lên cơn đau, cơn đau do lòng tuyệt vọng đến như một cơn sóng dữ, đánh đắm ông vào bể giải thoát.

Đêm đó, người đàn bà cùng sinh một lần với chị Út nằm cạnh đứa con thơ trằn trọc không ngủ được. Mọi việc đã xảy ra ngoài cả ước tính của bà. Nghe tin thiếu phụ chết, bà đã khóc, nhưng những giọt nước mắt không gột sạch được nỗi khổ tâm. Giấc ngủ nặng nề của bà chìm trong những cơn mộng dữ đầy tiếng động, đầy nước mắt và máu.

*

Câu chuyện có lẽ sẽ chìm vào quên lãng nếu không có bức thơ tuyệt mệnh của cô y tá làm ở nhà thương từ thiện để lại.

Chị Út mắc hàm oan, nhưng nỗi oan chưa kịp giải chị đã vội vã vĩnh biệt cõi đời.

Người đàn bà, chính là vợ ông đại úy tôi quen. Đứa con Mỹ da đen là của bà.

Theo bức thư của cô y tá, vợ ông đại úy đã mua chuộc cô một số tiền lớn để đem đứa con Mỹ đen của bà đánh tráo đổi lấy con của chị Út. Cô bày tỏ lòng hối hận về việc làm tội lỗi của mình, nói rằng “không thể sống được trong sự vò xé của lương tâm” nên cô “mượn liều độc dược” để kết liễu đời cô. Tuy nhiên cô đã không chết, liều thuốc chưa đủ mạnh và người ta kịp thời cứu cô sống.

Ông đại úy, ngay sau khi nhận được bức thư của cô y tá – câu chuyện bay ra khắp cả thành phố rồi – trong một cơn say, đã đến nhà hộ sinh bắn xối xả vào phòng người vợ nằm. Sau đó ông trở về, đóng kín cửa, nổi lửa đốt nhà. Xác ông bị thiêu rụi cùng với năm đứa con thơ.

Còn người chồng của thiếu phụ, anh Út, cũng chưa kịp hay biết đến nỗi oan của vợ, trước khi tin đó về tới đơn vị, anh đã vùi thây trong cuộc chiến, ôm theo mối hận tình nghìn thu, rằng người vợ trẻ yêu quí của anh, trong những ngày anh xa vắng đã lấy lính Mỹ và sinh ra một đứa con Mỹ đen.

Đến đây tưởng câu chuyện đã là bi thảm, nhưng không. Sự bi thảm còn gắng công làm cho hoàn hảo hơn nữa. Những viên đạn ông đại úy bắn ra trong cơn say đã không giết chết người vợ, nhưng một viên đạn đã cướp đi sinh mệnh đứa con trai của vợ chồng anh chị Út, trả lại nó cho cha mẹ nó.

*

Tôi thường có quan niệm, rằng thể xác con người được vật chất cấu tạo thành, còn linh hồn là kết tụ của khí thiêng đất trời. Sống là sự kết hợp kỳ diệu giữa vật chất và hồn thiêng. Khi chết, con người sẽ trả phần vật chất lại cho đất còn hồn thiêng thì lại tan vào trong cõi vũ trụ bao la.

Trong câu chuyện thương tâm trên đây, quan niệm đó khiến tôi lâm vào một ngõ cụt khốn khổ, khiến lòng tôi bứt rứt không yên. Tôi lại đâm ra có một ước mơ mãnh liệt, rằng linh hồn con người là một thực thể vô hình trường tồn ở một thế giới khác. Khi thể xác gởi lại cho cát bụi, hồn tinh anh sẽ còn nối tiếp một đời sống ở thế giới đó. Có như thế thì tôi mới tìm được chút niềm an ủi cho nỗi đau đớn của tôi về số phận của đôi vợ chồng trẻ khốn nạn kia, số phận của ông Đại úy và mấy đứa trẻ thơ vôâ tội con ông. Đời sống ở mặt đất đã không cho họ đoàn tụ và tìm thấy một hạnh phúc hiếm hoi, thì linh hồn bất diệt của họ sẽ được sum họp, được sống bình an, hạnh phúc nơi thế giới vĩnh cửu.


Kinh Dương Vương