có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Ba, tháng 7 14, 2009

Mưa rắn





Hò… ờ ơ ơ ớ…
Tay cầm sợi lạt đôi cua
Hỏi em làm mướn (ơ ờ) một mùa bao (ớ ờ) nhiêu
Hò… ơ ờ ơ ớ…
Trời mưa cho luá chín vàng (ơ ờ )
Cho anh gặt lúa (ơ ờ)
(chớ) cho anh gặt lúa (mà) cho nàng đem (ơ ớ) cơm (ờ ơ)



- Khuôn ơi Khuôn! Mầy đâu rồi?

Tiếng kêu trên bờ đê làm chú Ba giật mình

Chú ngửng đầu lên, ngưng tay gặt:

- Khuôn ơi! Khuôn à!

Chú đứng thẳng lưng dậy, nhận ra tiếng kêu của ba mình, ngó dáo dác. Ông Đương mặc bộ ba đen, đầu quấn khăn ô vuông, tay kẹp cây dù dưới rách, râu dài dưới cằm phất phơ trong gió nóng, ông đứng gần gốc trâm bầu chỗ hôm trước thím Ba nằm chuyển bụng. Chú khoát khoát tay ra hiệu rồi bỏ gặt chạy về phía ba mình.

- Dạ, ba tới lâu chưa?

- Tao tới nãy giờ mà mắc đi lòng vòng kiếm mầy. Tao nghe người ta nói mầy nhắn tao ra đây, tao đi kiếm. Sao mày không ghé nhà? Mấy đứa em mầy cứ nhắc mầy hoài.

- Dạ… dạ… tại tui kẹt phải gặt gấp gấp cho kịp nên hổng có huỡn mà ghé ba đặng.

Chú Ba nói trớ. Chú đưa tay bới lại cái bí bo phía sau đầu đã sút sổ khi chú rút cái khăn quấn xuống lau mồ hôi ngực. Vai chú nóng rát:

- Ba vô chỗ bóng cây mà đứng cho mát. Bữa nay mắc mớ gì mà nóng quá xá cỡ.

Trên cao một con chim thầy bói đứng yên tại chỗ, như bị hơi nóng đóng dính cứng trên trời xanh không bợn chút mây.

- Trời có nóng như vầy lúa mới chín tốt và thơm! Có đập ra cũng dễ, cọng rơm đã dòn sẵn…

Sực nhớ ra điều gì, ông Đương vụt chuyển sang hỏi:

- À, còn con vợ mầy đâu hổng thấy? Bộ nó gặt ở ruộng khác hả?

- Dạ hổng có.

Ông Đương lo lắng:

- Hay nó bị bịnh? Đàn bà bụng mang dạ chửa phải coi chừng cẩn thận. Mày đừng có hờ ơ lắm nghe, nhứt là con so.

- Dạ tui đâu có dám thờ ơ ba. Vợ tui… vợ tui nó đẻ… Dạ, vợ tui nó đập bầu rồi.

- Ý trời! Mới thấy nó chửa đây mà đã đập bầu rồi!

- Dạ, vợ tui nó đẻ non ba à.

Ông Đương lúc lắc vai chú Ba:

- Sanh hồi nào? Có sao không?

- Dạ, sanh được ba bữa nay, ở cù lao Ông Chưởng. Mẹ con nó cũng được vuông tròn, tuy vợ tui có hơi mệt vì mới sanh con đầu lòng.

- Rồi mầy bỏ nó ở bển cho ai?

- Dạ, tui nhờ thiếm Tư ở lối xóm ngó chừng dùm.

Lòng ông Đương se lại. Tay ông run run mân mê chòm râu bạc, trong bụng bứt rứt:

- À! Mà sanh con trai hay gái?

- Dạ, con trai ba à.

Mắt ông Đương rực sáng:

- Con trai hả? Vậy thì có đứa nối dõi dòng họ Lê rồi! Chèn ơi! Vậy mà mầy hổng cho tao hay sớm, thiệt là tệ quá!

Chú Ba chưa biết trả lời sao, ông già chú nói tiếp:

- Mầy chở tao đi thăm nó coi, tao nóng ruột quá! Đi liền bây giờ đi.

- Dạ! Tui đi rồi bỏ công đất này cho ai gặt? Tui bây giờ phải gặt luôn cho vợ tui. Thôi để bữa khác đã ba à.

Một cơn gió trốt chợt nổi lên xoáy trên đám lúa ào ào. Ông Đương vịn cái khăn trên đầu sợ bay mất.

- Cái thằng nầy nói mới kỳ. Cháu đích tôn của tao mà mầy biểu để bữa khác.

Ông ngẫm nghĩ:

- Thôi được rồi. Mầy để đó ngày mơi tao biểu con Thung với thằng Dung, hai đứa em mầy ra gặt tiếp tay cho mầy. Tụi nó bây giờ cũng đã biết mần ăn……

- Tui thấy kỳ quá ba à. Tui là anh đáng lẽ tui giúp tụi nó mới phải, chớ đâu có lợi dụng tụi nó vậy kỳ cục quá! Thôi ba chờ ít bữa nữa tui có rảnh……

Ông Đương gắt giọng.

- Chờ… chờ cái khỉ khô gì? Tao nói để con Thung với thằng Dung nó tiếp. Mầy mà nói lộn xộn tao đập cán dù lên đầu mầy bây giờ.

Biết ba mình nổi giận, chúa Ba giả lả:

- Thôi ba biểu sao tui hay vậy. Để tui gom lúa mới cắt bó lại đã rồi đi.

- Mầy để đó ngày mơi hổng được sao? Tao nóng ruột muốn chết mà mầy cứ cù nhầy.

- Dạ, thôi thì đi.

Chú Ba nhảy phóc xuống ruộng, chạy băng băng đạp lên mấy gốc rạ.

- Khuôn! Khuôn! Mầy chạy đi đâu vậy? Bộ hổng đi hả?

Chú ngoái lại:

- Tui đi lượm cái lưỡi hái đã. Bỏ đây rủi mất ngày mơi biết lấy cái gì mà mần tiếp.

Chú xỏ lên mình cái áo thung đã sờn rách, tay cầm lưỡi hái trở lại chỗ ông Đương đang đứng:

- Thôi mình đi đi ba.

Chú ngó xuống chợt để ý chưn của ba mình bữa nay có vẻ khác lạ. Hai bàn chưn ông bó trong hai miếng mo cau, xỏ lên đôi guốc vuông. Đi ra ruộng mà mang guốc, thiệt là dị hụ, ít khi thấy. Bị vướng víu ông Đương không thể đi lẹ được. Đi mấy thước ông lại kêu chú:

- Khuôn! Mầy thủng thỉnh chờ tao với.

Chú không dằn được tò mò, lên tiếng hỏi:

- Bàn chân ba bị gì mà bó kín mít vậy? Lại còn mang guốc Bộ ba bị ghẻ hả?

- Hổng phải. Tao sợ bị rắn cắn.

Chú không khỏi xịt cười. Ông Đương đâu phải là người nhát gan, ông vốn giỏi võ nghệ, nhứt là đánh côn. Có lần ông đã vác côn đơn thân độc mã nửa đêm xông xáo đến giải vây cho thằng Ba Song Phi, đệ tử ruột của mình, và đánh tan bọn ăn cướp bóc nhà thầy Bang cách đây năm, sáu năm. Vì vậy thầy Bang rất nể nang ông và có lần ngỏ ý muốn mời ông truyền võ nghệ cho cậu Út. Nhưng vốn không thích gần gũi bọn nhà giàu nên ông một mực từ chối. Ông biết mình nóng tánh, sợ có ngày nổi xung, ông khện cho cậu Út một hèo ẹo xương sống. Đánh ăn cướp không sợ, mà bây giờ sợ rắn cắn mới thiệt là kỳ. Ở vườn ai mà không biết sợ bị rắn cắn, nhưng có ai bó chân dị hụ như vậy đâu.

Cũng biết mình có vẻ kỳ cục, nên ông Đương lên tiếng cắt nghĩa:

- Mẹ tổ mầy đừng có cười tao. Không phải tao sợ rắn cắn đâu mà là tao sợ bị rắn trả thù.

- Trả thù

Ông Đương lập lại:

- Ờ phải, tao sợ rắn trả thù.

Chú Ba đi chậm lại cho ông già theo kịp.

- Số là cách đây hơn mười bữa tao phát cỏ sau vườn, chém nhầm con rắn hổ mây đứt mất cái đầu. Chừng nào cỏ lòi ra cái mình rắn tao mới biết. Tao hoảng hồn cởi cái áo đang bận bỏ ở góc vườn để dụ nó. Tao mang guốc lấy mo bó cẳng ra cào tiếp để kiếm cái đầu rắn hổ mà không thấy đâu. Tao trở lại lấy cây sào dở cái áo lên cũngkhông thấy đầu rắn núp trong đó. Thường thì nó đánh hơi chun vô nằm chờ cắn trả thù. Mầy còn nhớ cái vụ rắn trả thù chớ?

- Dạ nhớ chớ Ba. Ba có kể cho tui nghe cái vụ chú Tư hồi đó cũng đi phát cỏ chém đứt con rắn mà không để ý đề phòng. Sau mấy bữa bị rắn trên mái nhà rình nhảy xuống cắn sôi bọt mồm cứu không kịp.

- Ờ tao cũng sợ như vậy nên kể từ bữa đó mỗi lần từ trong nhà bước ra hay bước vô gì tao cũng đội cái nia trên đầu để hứng rủi ro cái đầu rắn nhảy xuống cắn. Còn đáng sợ hơn nữa là bữa hôm sau dì mầy đương nấu cơm dưới bếp chợt la lên: “Rắn! Rắn!” Tao chạy xuống thấy trong đống củi có cái đuôi rắn ló ra ngúc ngoắc.

Chú Ba chắc lưỡi:

- Chà! Ghê quá hả? Rồi ba làm sao?

- Tao kêu mọi người dang tránh ra. Rồi bất thần tao nắm đuôi con rắn giựt thiệt lẹ, quay một vòng rồi đập đầu nó xuống đất. Tao đập nó mấy lần như vậy chết ngắc, nó không kịp cắn. Té ra đó là con rắn hổ mây cái, chắc là một cặp với con đực tao phát đứt bữa trước. Tao độ nó muốn núp để cắn tao trả thù cho con kia. Tao chặt cái đầu nó ra bằm nát rồi bỏ vô lửa đốt cháy tiêu.

- Nhưng còn cái đầu con đực kia ba mới tính làm sao?

- Đâu biết nó ở đâu mà tính. Bởi vậy nên tao mới lo. Tao đốn hai cây chuối sau nhà cắt ra tấn hai bên mùng, sợ tối ngủ nó chun vô cắn bất tử không biết đường đâu mà rờ.

Chú Ba chợt lo ngay ngáy, ngó xuống bàn chân trần của mình. Lòng bàn chân chú xót xót như có gai chích. Chú rán đi lẹ lẹ cho mau ra tới bờ sông. Chú chỉ chiếc xuồng ba lá:

- Ba xuống trước đi, để tui bơi cho.

Ông Đương nhảy xuống khoang, xuồng lúc lắc, chú Ba níu tay ông già.

- Ba thủng thỉnh, gấp quá coi chừng lật xuồng chìm bây giờ.

Ông Đương giựt tay lại:

- Mầy để thây kệ tao. Bộ từ nhỏ tới giờ tao chưa biết đi xuồng hay sao mà mầy còn dặn dò? Mẹ tổ!

Ông chụp lấy bẹ chuối trong khoang tát nước ra ngoài xuồng:

- Thôi mày nhổ giầm đi.

Chú Ba xô xuồng ra khỏi bờ. Trong xuồng nước còn lĩnh bĩnh, bên trên nổi lêu bêu một cây giầm. Ông già tát nước thêm một hồi nữa rồi buông bẹ chuối cầm lấy mái dầm day ra sau nói lớn:

- Mầy bơi lái, tao bơi mũi cho mau.

Ông lột guốc quăng vô khoang. Dưới sức đẩy của hai dầm bơi, xuồng phăng phăng xẻ nước. Trên thinh không bổng xé một tiếng trời gầm. Mây đen nghịt từ phía bên kia cù lao chợt kéo tới ùn ùn như khói bốc ra từ một đám cháy lớn, cuồn cuộn, hung hãn. Một lằn chớp xẹt, mặt nước ở cuối cù lao phựt lên sáng giới, tiếp theo tiếng xé của kim khí muốn tét lỗ tai. Giọng gầm gừ nhỏ dần, văng vẳng. Rồi một tiếng kim khí khác vụt xuống, thịnh nộ. Lũ quạ bay chấp chới trong cơn cuồng phong đang lốc tới, oang oác kêu vang dậy. Bầy le le trên mặt sông hụp lặn xuống mặt nước mất dạng. Trời ám tối mau lẹ. Ông Đương day lại thúc giục:

- Mầy bơi mau mau, coi chừng bão rớt.

Sóng bắt đầu nổi dậy, đập vào xuồng lắp tắp. Thỉnh thoảng xuồng nhảy cỡn lên. Ông Đương xô dề lục bình vừa tấp vô mũi xuồng. Dưới làn nước phù sa đục ngầu ông chợt thấy một vệt đen bầu dục trôi lờ đờ xáp lại gần xuống, một vật gì như thể… như thể… …

- Rắn!!!

Ông Đương hét một tiếng lớn.

Tiếng hét làm chú Ba giựt bắn người, chới với, thiếu chút nữa té ngửa xuống sông. Chú thấy ông già dơ mái giầm lên cao xáng xuống nước, nước văng tung tóe. Một vật dài, đen, lớn lộn người trên làng sóng đục ngầu rồi lặn biến dưới mặt sông khép kín.

- Mầy đưa mái giầm cho tao! Lẹ lên!

Ông Đương tiếp tục la lớn. Chú hoảng hồn chồm người tới. Ông già giựt lấy mái giầm trên tay chú rồi dùng cả hai giầm gắp vật đèn hình bầu dục bỏ lên khoang xuồng. Đó là một cái đầu rắn sắp rã, sớ thịt te tua xung quanh, hai nanh nhọn ló ra ngoài quặp xuống, đôi mắt tròn trắng đục lờ đờ. Chú Ba rùng mình. Ông Đương lên tiếng.

- Mẹ tổ! Mầy đây hả? Mầy theo trả thù tao phải không? Mầy còn……

Một tiếng sét xé trời đen nghịt, dìm lời ông Đương trong tiếng loảng xoảng của kim khí va chạm. Ông Đương ngó chú Ba:

- Nó nhờ thầy nó là con rắn nước tha đầu nó theo báo thù tao đây mà. Trời ơi! Thiệt may mà tao ngó thấy.

Một lằn chớp xẹt xuống mặt nước. Chú Ba vội úp hai bàn tay lên lỗ tai. Tiếng sét nhỏ dần. Mưa bắt đầu rơi lắc rắc. Trong khoang xuồng chiếc đầu rắn bầy nhầy nổi lình bình, đôi mắt trắng dã ngó ông Đương khiến ông chóng mặt, gai ốc nổi cùng mình. Đầu rắn vụt cử động lội tới, miệng mở hoác, hai nanh nhọn chợt rớt xuống, nọc đen rỉ ra, đôi mắt thôi miên ngó ông trao tráo. Ông lấy giầm đẩy đầu rắn lui ra phía sau. Xuồng nhồi sóng tròng trành, đầu rắn tưởng chừng như vụt lội tới nữa, rồi lại lui về phía sau lấy trớn… Chú Ba vội rút cẳng lên, ngó đầu rắn trân trân. Một hồi chú lên tiếng:

- Nó chết thiệt rồi ba à!

Ông Đương lấy lại bình tĩnh, đưa mái giầm lại cho chú Ba:

- Mầy bơi rút rút đi. Mưa tới rồi đó. Để nó đó cho tao liệu.

Ông tháo mo cau ở chân mình, xé ra hai tép bên bìa để làm dây. Ông lấy tàu mo ốp đầu rắn lại, quấn dây xung quanh thành một bịch nhỏ, cầm đôi guốc vông dằn lên tấm ván nối liền hai be xuồng bên trên. Ông chụp lại mái giầm ngoáy xuống lượn sóng đục đang xô vào mũi xuồng, bơi tiếp. Mưa vụt ào xuống một loạt, gió thổi thổi ù ù rồi thoắt ngưng ngang. Mây loãng ra, một đám mây khác đen nghịt cuồn cuộn kéo tới, mưa lại vụt ào xuống đập rát vào mặt. Mưa vụt ngưng. Một vệt nắng xé mây chạy thoăn thoắt từ giữa sông tiến vô cù lao, biến mất. Trời đen kịt, gió thổi mạnh hơn.

Hai cha con gầm đầu xoáy mái dầm xuống nước liên tu như hai cánh quạt. Gió ngược vụt đổi hưởng đẩy xuồng phăng phăng tiến về phía cù lao. Chú Ba la lên:

- Ba đừng lo! Sắp tới rồi.

Trước mũi xuồng, mấy đầu le le chợt ló lên, lố nhố trên mặt nước, kêu lép kép. Xuồng trờ tới, mấy chấm đen hụp xuống biến mất. Một thân cây còn rễ tua tủa theo gió đẩy rấn mạnh vô hông khiến xuồng muốn lao chao muốn lật nhào.

- Khuôn! Mầy coi chừng!

Chú Ba vội đưa mái giầm chống thân cây ra, lái xuồng đổi hướng, xuồng nằm xuôi theo thân cây, rễ cạ vào hông xuồng rào rào, thân cây theo ngọn nước xoáy một vòng rồi cuốn đi băng băng, nhánh rễ nhấp nhô dần dần xa khuất. Xuồng vừa cặp vào cầu dừa, mưa đổ ào xuống như xối nước. Khắp mặt sông lớn không còn thấy sóng dợn. Giọt mưa dội xuống mặt sông lỗ chỗ, bụi nước nẩy tưng bao trùm bốn phía phù sa một làn khói mỏng như sương, mờ mịt, bâng khuâng, nhung nhớ…

Ông Đương vừa bước lên cầu dừa đã dụm chân nhảy phóc lên trên đất liền, ngó lại hối.

- Lẹ lên đi mầy! Tao đi trước à nghe!

Ông tất tả chạy đi! Chú Ba lật đật neo xuồng hấp tấp rồi bươn bả chạy theo. Ông Đương xô tiếp cửa bước vô chòi cất tiếng hỏi trỏng:

- Đâu? Đâu? Thằng nhỏ đâu?

Thím Ba đang nằm thiêm thiếp trên chõng tre giựt mình ngơ ngác. Lúc đó chú Ba vừa theo kịp, bước vô chòi:

- Mình à! Có ba tới.

Thím Ba gượng gạo chống hai cùi chỏ cố ngốc đầu dậy nói yếu ớt:

- Dạ thưa ba mới tới.

Chú Ba vặn lớn ngọn đèn hột vịt ở đầu giường cho có thêm ánh sáng.

- Ờ, ba mới tới. Con mạnh giỏi? Còn thằng nhỏ đâu?

Thím Ba vén một góc mền lên:

- Nó đây nè ba.

Một khối đen khối đen nằm cạnh thím Ba, bất động. Chú Ba cầm cây quạt mo lom khom quạt lò lửa dưới chõng. Ông Đương luồn hai tay trên chiếu. Bỗng ông rụt về, chùi vội vàng hai bàn tay ướt lên góc mền rồi lại luồn hai tay bợ thằng nhỏ lên. Nó nằm gọn lõn trong lòng bàn tay trái của ông. Có chút xíu. Ông quì gối bên cạnh chõng, cúi mặt nhìn khối đen nhỏ nằm trong lòng bàn tay mình, phía trên le hoe một chút tóc măng thưa rỉnh, mỏ ác phập phều. Chú Ba cầm ngọn đèn dầu đưa lại gần. Ông Đương ngó thấy tấm vải đắp trên bụng nhấp nhô theo hơi thở của đứa nhỏ. Tay ông run run. Đời sống ông, dòng máu ông đang tiếp tục chảy kìa. Đó!

Ông đưa hai ngón tay nhẹ giở miếng khăn đắp. Đứa nhỏ đỏ hỏn. Ông lắp bắp:

- Trời ơi! Cháu đích tôn của nội đây sao?

Da bụng đứa nhỏ mỏng tanh như tờ giấy quyến. Ruột gan ẩn hiện lờ mờ bên dưới. Nó thở. Ông Đương thì thầm:

- Ông nội nè con! Trời ơi, cháu nội của ông sao có chút xíu, tội nghiệp quá chừng!

Nước mắt ông ứa ra, từ từ lăn xuống gò má nhăn nheo, ngập ngừng trên các đường hũng khuyết rồi theo chòm râu dài nhểu xuống bụng đứa nhỏ. Nó cục cưa oe oe mấy tiếng. Ruột dưới làn da mỏng nhúc nhích ngó thấy. Ông vội đắp tấm vải lại, cúi xuống tính hun cháu nội mình, nhưng nó nhỏ quá, không biết đặt mũi mình lên ở chỗ nào. Chòm râu hoe bạc run run dưới sự cảm xúc. Nước mắt ông lại trào ra. Đứa cháu đầu lòng của ông, đứa cháu đích tôn của ông, nó đó, gọn lõn trong lòng bàn tay chai cứng của ông, quá sức mong manh, nhỏ nhít. Giọng ông nghẹn ngào:

- Nội nè con!...

Đôi mắt đứa nhỏ nhắm nghiền. Ông vuốt chòm râu ướt dưới cằm. Chú Ba cảm thấy cổ mình se thắt như thể nuốt nắm cơm quá vội. Chú chưa hề thấy ba mình khóc bao giờ. Cũng chưa bao giờ thấy ông quì gối, trừ phi lạy trước bàn thờ ông bà. Mắt ông già lấp lánh như sóng gợn dưới trăng. Người đàn ông già nua đương nâng niu đời sống mong manh trong lòng tay mình bồi hồi. Thím Ba xịt mũi. Ông già để đứa nhỏ lại chỗ cũ, gần bên vú mẹ nó, kéo mền đậy lại, vẹt một góc chừa hơi cho nó thở. Ông đứng dậy, nói với thím Ba:

- Con nhớ úm thằng nhỏ cho nó ấm nghe con. Ờ… nãy giờ quên má thằng nhỏ. Con thấy trong mình ra sao?

Thím Ba lại xịt mũi, đưa tay quệt nước mắt:

- Dạ con cũng khỏe, ba đừng lo cho con. Con chỉ lo cho ba thằng nhỏ, sợ ảnh một mình gặt không xuể ruộng đã lãnh của thầy Bang.

- Ối! Tưởng gì chớ cái đó ba đã tính với nó rồi. Ngày mơi biểu con Thung với thằng Dung ra tiếp nó.

Thím Ba thở hắt ra nhẹ nhõm:

- Dạ, nếu được vậy thì vợ chồng tụi con xin cảm ơn ba và hai em lắm. Con bây giờ bị kẹt thằng nhỏ……

Ông Đương ngắt ngang:

- Thằng nhỏ… thằng nhỏ? Chớ tụi bay đặt nó tên gì?

Chú Ba ứng tiếng:

- Dạ… dạ chưa đặt tên. Vợ chồng tui chưa đặt tên cho nó. Bữa trước con vợ tui thiếu chút nữa đẻ rớt nó ngoài ruộng, bởi vậy tui tính đặt tên nó là thằng…… thằng Ruộng, nhưng còn chờ để hỏi lại ba, hổng biết ba……

- Ý, trời! Mầy đặt cái tên Ruộng nghe sao đặng. Cái tên đó ở miệt nhà quê người ta đặt thiếu gì. Thằng Ruộng, thằng Rẫy, con Xoài, con Cam… đặt tên trùng nhau tùm lum. Phải lựa cái tên gì cho hay một chút. Mầy thấy hồi đó tao tính sống đời nhàn nhã nên mới đặt tên tụi bây là “Trước Khuôn Thung Dung” đáng lẽ Dung là tên con gái, ai dè má mầy đẻ con trai, lỡ rồi tao đặt luôn tên đó cho thằng Năm Dung.

Ông vuốt nước trên áo rồi nói tiếp:

- Tưởng là đã hết, dè đâu má mầy cứ theo đà năm một đẻ nữa nên ta cho tiếp theo “Thung Dung” là“”Hưỡn Đãi”, từ từ, chậm chậm……

Ông ngần ngừ một lúc:

- Kế tới dì mầy, sang một lớp khác. Vì vậy tao mới bắt đầu lại là“”Tân Xuân”, thằng Tân đẻ cặp với thằng Đãi, rồi tiếp theo “Bằng Cúc”, “Đáo Lai”, gái trai gì cũng thây kệ. Khi không sửa bất tử bong trẹo nghe nó không xuôi chèo mát mái.

Mưa tiếp tục đổ rào rào trên mái chòi lá. Ông cảm thấy lạnh:

- Mầy vấn cho tao điếu thuốc hút coi Khuôn. Để tao suy nghĩ tìm cảm hứng đặt tên cho thằng cháu đích tôn của tao.

Chú Ba kê ngọn đèn dầu tới gần. Ông già gác đầu điếu thuốc lên ống khói, bập bập, hít một hơi dài rồi le điếu thuốc dính trên đầu lưỡi. Ông lim dim:

- Tao thấy vợ chồng tụi bây mần ăn chưa khá, bởi vậy tao tính lựa cái gì hay đặng lấy hên một chút cho tụi bây mần ăn phát đạt với người ta.

Ông bỗng dừng lại trầm ngâm:

- Phát đạt, mần ăn phát đạt… À, tao thấy hai chữ“”phát đạt” nghe cũng lọt lỗ tai. Lấy hai tên đó mà đặt dành cho con tụi bây, một đứa tên “Phát”, một đứa tên “Đạt”, tao thấy đặng lắm đa bây. Mầy thấy sao hả Khuôn?

- Dạ… đặng chớ ba. Phát! Nghe đặng lắm… Ờ mà rủi cái đứa thứ hai nhè con gái mà lãnh cái tên Đạt nghe sợ nó không hạp.

- Ối! Tới đó rồi thủng thẳng tính sau. Giờ thằng nhỏ đầu lòng nầy đặt cho nó tên “Phát” cái đã, tụi bây chịu hông?

Ông Đương ngó chú Ba, chú Ba gật đầu. Ông day qua ngó thím Ba:

- Còn con nhỏ nầy?

Thím Ba cũng vội vàng gật đầu:

- Dạ, ai sao con vậy. Ba với ảnh tính sao cũng đặng.

Ông Đương giở góc mền lên, lấy ngón tay gõ nhẹ lên mỏ ác thằng nhỏ:

- Nột đặt cho con tên là “Phát”, nghe chưa?

Đứa nhỏ cựa mình ọ ọe. Ông mỉm cười, râu rung rung trên mép. Ông vuốt râu cằm:

- Ờ, chịu rồi hả con? Chịu rồi thì nhớ nữa sau rán mần ăn khấm khá nghe con! Mần ăn khá đặng nuôi ba má với nuôi nội lúc tuổi già, nghe chưa?

Ông đậy mền lại day qua chú Ba:

- Mầy ra ngoài nầy tao tính chiện một chút.

Chú Ba vặn nhỏ ngọn đèn cho đỡ hao dầu rồi xách cái ghế đẩu độc nhất trong chòi đi ra phía trước theo ông già.

- Mời ba ngồi đây, trên ghế nầy nè.

Chú ngồi chồm hổm cạnh ghế bắc sát cửa chòi ngó ra. Chú cũng vấn cho mình điều thuốc rồi xin ông già cho mồi. Khói thuốc tỏa ra cửa chòi, dội màn nước bên ngoài, chần chờ một lúc, gió thổi tới cuốn đi, tan loãng Nước mưa từ mái chòi đổ xuống mương nhỏ do nước lâu ngày chảy khuyết thành ra, tia nước rót trên đường nước đi làm bắn lên những vòng loe rách như miệng núi lửa. Những giọt nước trộn với đất ngoài hiên văng lên dính cẳng chú Ba từng chấm nâu. Ông già gỡ đuôi thuốc dán lên cột chòi, lên tiếng:

- Khuôn à! Tao thấy tụi bây giờ ở bên cù lao nầy đơn chiếc quá.

- Dạ……

- Mà mầy lại đi mần ngoài ruộng tối ngày.

- Dạ… cũng có thiếm Tư lối xóm qua lại ngó chừng.

- Ậy! Đành như vậy rồi, nhưng hổng phải bà con thân thích, nhờ hoài nhờ hủy sao tiện. Mầy có tính trở về ở gần tao như hồi trước hông?

Chú Ba hít một hơi thuốc, ngó lên ông già rồi cúi đầu trầm ngâm:

- Dạ, ba phân qua nghe cũng có lý. Tui cũng có nghĩ tới chiện đó rồi. Nhưng chắc phải đợi qua hết mùa gặt mới rảnh tay mà dọn.

Ông già ngó quanh chòi:

- Mầy nói dọn nghe nó rườm rà. Chỉ cần một buổi là xong hết. Có lo là lo cho thằng nhỏ… ờ quên, thằng Phát, lúc chở tới chở lui, chớ nhà cửa tụi bây gọn bân!

Một cọng lá dừa khô từ trên mái chòi tuôn theo giọt nước rớt xuống, trôi ngập ngừng trên mương. Mưa nhỏ dần rồi tạnh. Chú Ba đứng dậy bước ra xòe tay ngoài trời:

- Mưa tạnh rồi, để tui đưa ba dìa.

Ông thở dài đứng dậy. Ông bước tới cạnh chõng tre nói với thím Ba:

- Thôi ba dìa nghe con!

- Dạ ba dìa.

Ông vén mền vuốt mỏ ác thằng nhỏ:

- Thôi nội dìa nghe con.

Ông nhoẻn miệng móm mỉm cười, dặn thím Ba:

-Trời mưa, con coi chừng thằng nhỏ bị lạnh. Thôi ba dìa nghe.

- Dạ……

Hai cha con bước xuống sân, các đầu ngón châm bấm xuống mặt đất sét trơn mềm cho khỏi trợt. Ra tới sông, chú Ba ngó xuống nói:

- Ba chờ tui lắc nước ra khỏi xuồng cái đã. Mưa ngập xuồng hết rồi.

Chú Ba nhảy xuống sình, bùn lún tới ống quyển. Xuồng khẩm nước mưa ngập chìm hơn phân nửa, chỉ còn mũi xuồng ló lên dính sợi dây buộc vô mái giầm còn cắm đó. Đôi guốc vông và gói mo cau đã cuốn theo dòng phù sa trôi tự bao giờ…


Kiệt Tấn