có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Hai, tháng 2 16, 2009

Truy tìm kẻ mất tích

 
Nhà văn Dương Nghiễm Mậu

Tôi trả lời: Vâng tôi đã nghe rõ, rất cảm ơn ông, tôi sẽ đi ngay bây giờ. Nói xong tôi chờ đợi tiếng trả lời, nhưng rất lâu tôi không nghe thấy tiếng nói nào nữa. Một tiếng cụp trong ống nghe, tôi hiểu người đó đã bỏ máy điện thoại xuống. Tiếp theo là những tiếng u u. Tôi nhìn đồng hồ, 6 giờ thiếu 15 phút. Sao không phải sáu giờ, thật là phiền. Có lẽ nó bị bắt vì thiếu giấy tờ. Sau khi gửi được cái xe gắn máy, chúng tôi đứng xếp hàng chờ đợi đến lượt mình, nhưng đến khi tôi và nó đến được trước khung cửa sổ, người đàn bà nhìn chúng tôi, đưa tay ra nhận những hồ sơ, bà ấy lật đi lật lại hỏi: giấy khai sinh đâu. Tôi nhìn nó. Nó nói em lại bỏ quên rồi. Tôi bực dọc trở ra. Trước khi đi chính tôi đưa cho nó, căn dặn nó, nhưng tới nơi thì nó đã bỏ quên. Nó vẫn thường hay quên như thế. Chắc nó mới thay chiếc áo mới. Hôm qua nó đi kiếm đâu được một chiếc áo thung, nó khoe tôi, chiếc áo không có túi gì hết, nó lại thích mặc quần ống chật. Trông cậu cao bồi lắm đó nghe, hôm nào cảnh sát hốt cho coi. Trốn tránh gì được, đằng nào mà không phải đi, còn giặc vài chục năm nữa cho coi. Ở lại mà sống một mình, sống như con chuột chù sao. Ơ nhưng cái người gọi điện thoại đó là ai vậy. Thật là ngu, sao mình không hỏi cho rõ gì hết. Nó bị bắt lúc nào, ở đâu, hiện bị nhốt ở đâu? Tôi để lại cái điện thoại cho ngay ngắn trước mặt, những người trong phòng tôi đang bỏ giấy tờ vào trong những ngăn kéo, người thư ký khóa những tủ lại. Người thì đánh phấn, kẻ môi, người chải tóc, người đứng lên ra phòng đi tiểu, người lau kính đeo mắt, những chiếc cửa sổ được đóng lại. Ăn cho mau già và mau chết. Chắc nó bị bắt thật rồi. Tôi thấy nháy trên mắt trái. Máy mắt ăn xôi, máy môi ăn thịt, máy đít ăn đòn, máy … Cái đầu nghĩ toàn chuyện tầm bậy. Phải đi tìm nó, xem nó ở đâu, giờ này chiều rồi, mấy nữa mà tối, bị giữ lại e đói và chắc là mong tôi. Mẹ tôi nói có mấy chị em phải thương yêu nhau. Mẹ tôi có những sợi tóc bạc thật mềm, khi mẹ tôi chết, bà chỉ nói với chúng tôi thật vắn tắt nhưng tôi không quên những giọt nước mắt chảy trên đôi má nhăn nheo. Tôi theo bà nội sờ tay lên chân, lên bụng theo với sự lạnh toát của thân thể mẹ tôi, khi mẹ tôi lạnh tới cổ thì mẹ tôi nấc lên và nhắm mắt lại chậm chạp. Mẹ tôi đã chết. Chị tôi khóc òa, thằng em ngủ vùi trong lòng chị tôi. Trước khi nó nhập ngũ tôi đã nói chuyện với nó. Nó hỏi tôi đủ điều, nhưng tôi nói với nó rất ít, có một điều tôi nhắc đi nhắc lại với nó, có nhiều cái người ta không học được mà mình còn học được, bây giờ người ta hô một hai cho mình đi mà đi không được sao. Không có gì hết, người sao ta vậy, cứ theo mà làm … Khi đi thì kiếm cái quần rách nhất mà mặc, vào đó có quần áo người ta phát cho rồi, mang theo bàn chải đánh răng, thuốc đánh răng, bỏ trong túi, thuốc hút, ít tiền lẻ thế là đủ. Nó vào quân trường, khỏe ra, trông nó bé nhỏ trong bộ quân phục, nó sinh năm đói, rồi giặc giã liên miên khiến nó nhỏ thó và thấp, mỗi tuần tôi gặp nó hỏi: cần gì không, nó thường nói không, đôi lần nó hỏi tôi ít tiền lẻ uống la de những buổi đi bãi. Rồi nó thành một sĩ quan. Hồi trước nó mong thành một ông giáo, sau nó lại bỏ vì nghĩ mình không có tướng oai, nó nghĩ một ông giáo trông phải có thớ một chút, nó sợ học trò bắt chẹt nó. Trông nhỏ quá không ra ông giáo gì hết. Hồi còn đi học nó kết bạn thư từ với một cô sinh viên Thụy-điển, nó đưa hình cho tôi coi, cô bé xinh xắn, nhưng tôi nghĩ chắc nếu hai đứa đứng bên nhau thì nó cao nhiều nhất đến vai cô bé, nghĩa là thua ít nhất một cái đầu, tôi nói điều này với nó, sau tôi không nghe nó nói gì về cô bạn của nó nữa. Nó bị bắt thì cái xe gắn máy nó để ở đâu. Nó vốn giữ gìn xe của nó rất cẩn thận, tôi thì cười nó. Hầu ai chứ lại hầu một khối sắt thì tôi không hầu. Có người giữ xe cộ hơn giữ vợ con, nào lau chùi, đánh bóng, nâng niu, chùm áo cho nó nữa. Nhiều lúc còn bắt cả vợ con phải hầu xe, nhiều lúc xúm lại đẩy cho tới toát mồ hôi mới nghe, ai làm sây sát chút đỉnh là nhăn nhó càu nhàu, ai mượn thì khó chịu. Tôi không chịu được những cái đó. Cái đống sắt ấy. Tôi nhấc điện thoại lên, theo cuốn sổ tôi lần lượt gọi điện thoại cho các quận cảnh sát. Thưa ông, tôi là Nguyễn Văn B., tôi muốn biết tin của em tôi, nó mới bị bắt. Dạ không có. Thưa ông tôi là Nguyễn Văn B., tôi có đứa em bị bắt. Bị bắt ở đâu. Dạ không rõ. Ông rỡn với tôi sao? Tiếng cụp trong điện thoại. Cái thằng cha này hách quá. Thưa ông, có phải quận cảnh sát không ạ. Không, đây là tổng nha. Tôi là Nguyễn Văn B., tôi có đứa em bị bắt, tôi muốn biết tại sao nó bị bắt. Bị bắt hồi nào. Dạ tôi không rõ. Thế tên nó là gì. Dạ nó là Thiếu úy Nguyễn Văn B., có lẽ nó bị bắt vì trốn quân địch. Xin ông liên lạc với quân cảnh, mặc giả quân phục lại đeo lon nữa thì chắc bị nhốt chờ ra tòa rồi. Tôi bỏ điện thoại xuống. Thôi phải đi tìm nó mới được. Mọi người đang lần lượt dời khỏi phòng. Tôi sửa lại quần áo cho ngay ngắn, lau kính đeo lên mắt. Bỏ ghế vào trong gầm bàn. Nhìn lại chiếc bàn bỏ trống, chỗ ngồi, thật tôi chưa bao giờ được nhìn tôi một cách đầy đủ, chỉ là một chỗ bỏ không. Chiếc ghế lắc lư, cái đầu cúi, cái lưng hơi gù xuống, chiếc bút trên tay, những tờ giấy trước mặt, trên bàn, cuốn lịch mỗi ngày được lật qua, những chiếc bút xanh đỏ sau một thời gian được thay ruột, những hồi chuông điện thoại, những nụ cười xã giao, những cái bắt tay nhạt nhẽo, những bữa cơm và những điếu thuốc. Rồi chiều đến, đứng lên, xuống thang gác và ra đường với những chai bia … Thật là những người điên. Trời đẹp thế kia sao không ra đường đi thăm một người bạn, gặp người tình, dẫn vợ con đi chơi. Thật là điên quá lắm. Chắc là nó bị bắt ở quận nhất rồi, cái chỗ đầu đường đó lúc nào cũng có cảnh sát hết. Những tay trốn lính đều biết rõ, chẳng bao giờ điên mà ngang qua đó. Có tiếng còi huýt lên nghe mà ghê. Cái thẻ căn cước cho đàng hoàng, đừng có vẻ gì cũ nếu không là phiền. Cái giấy hoãn dịch. Cũng phải đàng hoàng, muốn cho chắc thì mang đi mà ép nhựa cho khỏi rách, khỏi nhàu mà giữ được lâu, nào đâu phải một cái giấy gì, nhiều khi là cả một tập hồ sơ công phu, mất nó là không ăn không ngủ được. Cái giấy chẳng là gì nhưng nó chứng nhận một kẻ làm người. Nếu không … Xin được một cái giấy, hay được cấp một cái giấy thật bằng được trao một cái sắc phong làm thành hoàng của vua Bảo Đại. Người cảnh sát dẫn nó vào trong sân ngang qua chiếc cổng sắt có bót gác kiên cố. Một người lính đội mũ sắt hờm súng trong lần mắt cáo kẽm. Nó sẽ đầy chiếc xe vào trong căn nhà tôn. Nó sẽ được dẫn vào chiếc phòng giam tạm thời, rồi nó sẽ được hỏi đến. Tôi đã nói nó nhiều lần, đi đâu phải có giấy tờ cẩn thận. Chẳng sao hết nhưng cực thân. Căn phòng những người ngồi dưới nền xi măng, đủ thứ người hết, mùi nước tiểu, mùi khói thuốc, những góc phòng nhớp nháp. Đêm xuống muỗi kêu vo ve, nền xi măng cứng nằm không ngủ được. Rồi những tiếng nói, tiếng chửi tục tằn, ngọn đèn vàng úa cháy suốt đêm. Tôi bước ra khỏi phòng cuối cùng. Đóng cửa. Hành lang hẹp vắng ngắt như không có một hơi người. Cầu thang trống trải. Những hạt mưa nhỏ trên vũng nước giữa sân. Tôi châm một điếu thuốc. Chiếc hộp quẹt với con rắn cuộn. Người tình phụ đã có ba đứa con. B. nói với tôi, em biết anh không lấy em, em thì già rồi. Tôi mua hai cái kem, cho mình một cái, cho con nàng một cái, chúng tôi giắt tay nó đi trên những con phố đông người. Mưa thế này thì còn lâu mới tạnh. Người bạn cùng tôi bước xuống sân, tôi nói đi đâu. Về nhà, ông đi đâu. Về nhà. Tôi nói tôi đi tìm thằng em bị bắt. Người bạn nói, mình đi uống bia đã đi. Tôi nói đâu có được, đám cưới của thằng bạn thân này không đến không được, nó chửi mình. Hồi xưa mình với nó đánh cuộc nếu đứa nào lấy vợ trước thì mất một con heo quay. Bây giờ nó thua rồi, tí tuổi đã cầm lòng không đậu thì còn làm việc lớn gì được. Bọn bạn mình có vợ hết trơn rồi, có lẽ rồi mình đến làm rể một tên nào đó. Trời thấp với mây xám. Trời này khiến nhớ vị hôn thê. Anh muốn đến đưa em đi dạo, anh sẽ hôn em, nhưng em ở xa, nếu anh là gió bay đến cuốn quyện lấy em, nếu anh là cánh lá rơi chạm vào má vào môi em, nếu anh là … Người bạn nói, trời thật tuyệt. Thằng em tôi đứng dựa bên xe ngay cửa, nó nói tới đón anh về. Tôi nói thôi về trước đi, anh đi chơi chút nữa về, nói nhà đừng chờ cơm. Nó đẩy xe vào trong lề rồi lôi đồ nghề ta tháo chiếc xe, nó loay hoay với cái xích rồi lại đạp, lại đạp, chiếc xe chẳng chịu nổ gì cả. Tôi đứng bên người bạn chờ xe, xe cộ ngang qua không ngớt. Con nhỏ mặc váy ngắn quá, trên xe chiếc váy cuốn lên tuốt tận đùi non trông mà sướng mắt, nhưng cái đầu gối thì như quỳ bái nhiều quá. Cái bọn quỷ đâu có vừa gì. Tiếng máy xe nổ thật là ròn; tôi ngó lại. Thằng nhỏ cười hở cả hàm răng sún, mặt nó nhem nhuốc dầu mỡ, ông coi, tôi là thợ sửa xe lành nghề mà, ông có thể đi được rồi. Tôi nói, cảm ơn, tôi không biết đi. Nó có vẻ không bằng lòng. Chiếc xe lam ngừng lại chúng tôi leo lên, tới dọc đường chúng tôi nhảy xuống. Cô bạn nói với tôi, trông anh hồi này gầy, già đi và có vẻ buồn. Tôi nói, thằng em tôi nó bị bắt. Cô bạn cười rất vui nói tôi mừng anh có ý định lập gia đình. Tôi nói làm thế nào được, ai tránh khỏi cái chết. Tôi nói nó chọn ngành lái xe chẳng hạn, nó không chịu, nó muốn làm lính chiến đấu. Cô bạn nói anh đi ăn cưới người bạn cuối cùng sao. Tôi nói không, tôi còn nhiều bạn độc thân lắm, bọn bạn tôi con rơi con vãi tùm lum à, tôi cũng định đi làm vườn ở trên cao nguyên nhưng hồi này đi không được, máy bay họ không chịu chở theo cho tôi mấy con trâu để cày, họ viện cớ sợ trâu nó ỉa đái trên máy bay, hơn nữa hành khách bây giờ họ hung tợn lắm nếu mang bò lên máy bay họ sẽ hùa nhau làm thịt ăn, bây giờ hãng máy bay tặng rượu cho hành khách mà không chịu tặng đồ nhậu. Tôi đã thấy họ cùng nhau làm thịt một con mèo. Cô gái cầm cái đuôi mèo nướng vào ngọn lửa, thoáng chốc cháy hết lông còn trở lại một đoạn ngắn đen trông như que củi, cô ta bỏ vào miệng nhai nghe ròn tan. Tôi nói cô còn kẹo không. Cô gái nói còn, tôi mời ông. Kẹo gì mà ngọt quá. Tôi phát ho vì cái kẹo. Anh bạn kéo chiếc ghế sắt lui vào phía sau, chúng tôi cùng ngồi ngó ra ngoài mặt đường. Hai chai bia, bọt sàu trong chiếc ly trong vắt. Chai bia thứ hai. Cục đá quá lớn. Cao tay nâng chén rượu nồng … Lúc tôi bước vào, phòng tiệc đã đông người. Phải thế chứ, bỏ không đi đám cưới vợ chồng nó lại giận mình. Mình còn cam kết sẽ kết sui gia với nó nữa. Nhưng này đừng có quên con bò quay đó nghe. Ông bà cụ thân sinh của nàng niềm nở đón tôi khi vừa tới giữa phòng. Tôi được mời ngồi chung với những bạn bè của nàng, thấy tôi tới nàng vội vàng đến bên. Nàng cầm lấy tay tôi cám ơn, chúng tôi cụng ly với nhau. Mọi người chúc chúng tôi hạnh phúc. Những ly rượu mạnh được giót liên tiếp cùng những món ăn. Chúng tôi nói tới tình hình chiến tranh. Một anh bạn chợt òa khóc khi báo tin với chúng tôi vợ anh vừa tử trận ngoài tiền tuyến. Một anh ngồi bên đứng lên hát bài khỏe vì nước một cách hùng hồn và chúng tôi vỗ tay theo. Nàng nói anh yêu em không. Tôi gật đầu. Nàng nói anh có phụ em không. Tôi gật đầu. Nàng nói anh có thấy mình hạnh phúc không. Tôi gật đầu. Nàng nói em muốn chết. Tôi nói thật tuyệt diệu. Trời đẹp quá. Chiếc ly rơi khỏi mặt bàn, tiếng thủy tinh vỡ ròn tan trên nền gạch, người bạn nói cậu say rồi sao. Tôi nói say quá đỗi, cho tôi chiếc ly khác đi, tể tướng. Làm tướng gì mà trông như tên hầu rượu, một tên hầu rượu hạng tệ. Buổi sớm hồng một ngày tươi sáng được báo hiệu, những cơn gió thoảng qua với hơi nước mát rượi, tiếng lá lao xao trên ngọn cây, những phiến lá xanh non như ngọc thạch. Em gửi cho anh bông hồng nồng nàn nhất của mùa hạ. (Khi muốn nhìn thấy mắt chàng. Nàng phải xoay tròn chiếc mũ. Đỏ bầm đầy bụi. Che kín ngang mày. Dưới đó chong hoài đôi mắt. Đen buồn như mắt nai). Buổi chiều làm cho mình nhớ người tình, thôi đổi rượu đi. Người bạn cầm những chiếc ly trên bàn vút cao lên không trung, những chiếc ly mất tâm trong đó. Hai chiếc ly cao cổ hiện ra trên mặt bàn son rực rỡ, màu rượu chát thân mật, chúc em hạnh phúc, tiếng cụng ly reo vui như tiếng dương cầm trong đó những bước chân chim nhảy nhót trong buổi sáng ngọt ngày phục sinh. Tiếng vỗ tay vẫn còn vang lên, và tiếng khóc của người chồng bất hạnh lẫn trong đó nghẹn ngào. Tôi nói xin chia buồn cùng anh. Nàng hiện ra bên, để tay lên vai tôi, nghe chừng nàng đang hát. Mọi người đứng dậy cùng với điệu nhạc và cuộc dạ vũ bắt đầu, mọi người mang những mặt nạ màu sắc rực rỡ. Nàng cầm lấy tay tôi, chúng tôi dìu nhau tan trong đám người và những âm thanh êm dịu. Em mơ ước chúng ta được sống trong một thung lũng với hoa và cỏ, những ngọn đồi cây thưa và mây thấp dưới chân mình, ở đó tiếng suối reo vui như một bản hòa tấu không ngừng cùng với tiếng gió trong rừng cây và tiếng chim muông hiền hậu, chúng ta sống một ngày cho một đời. Người bạn đã bỏ đi từ lúc nào. Trên bàn gỗ chỉ còn lại chiếc ly độc nhất của tôi. Tôi giơ tay kêu: rượu. Người hầu bàn tiến đến, màu rượu vàng xanh bọt nhỏ và trong vắt. Men rượu nồng nàn. Anh muốn được ngủ trong rừng tóc nồng của em. Có phải tình yêu là cuối cùng của ước mơ nên bão tố cũng từ đó mà dấy lên? Rượu, người hầu bàn hiện ra, màu rượu vàng ửng. Cybel. Tôi không có tên. Rượu, người hầu bàn hiện ra, màu rượu đỏ chói. Đó là tên của vị thánh thảo mộc. Rượu, người hầu bàn hiện ra, màu rượu trắng trong vắt. Em sẽ chẳng bao giờ để anh nhìn thấy em khóc đâu. Không biết buổi dạ vũ đã kết thúc từ lúc nào. Tôi dừng lại trong gian phòng trống không, vắng lặng. A lô, chúng tôi muốn được gặp ông Nguyễn Văn B., chúng tôi xin nhắc lại, chúng tôi muốn được gặp ông Nguyễn Văn B. Tôi bước đến nơi chỗ bàn giấy. Người đàn ông nói với tôi. Ông là Nguyễn Văn B., dạ vâng, chúng tôi báo để ông rõ là chúng tôi không tìm thấy ai tên là Nguyễn Văn B. cả, chắc ông ta không có ở đây, ông hãy liên lạc với các bệnh viện xem, tôi sợ ông ta gặp tai nạn và người ta đã mang ông ta vào trong đó. Tôi nói cảm ơn rồi đi ra khỏi phòng. Từ trong phòng lạnh ra, tôi thấy người như rực nóng, mồ hôi tứa trên cổ trên má, tôi lấy tay áo quệt ngang và ngửi thấy mùi rượu nồng nàn. Tôi lấy chiếc khăn tay lau mặt, tôi nhận thấy vết son và hương thơm của da thịt nàng. Tôi đứng lên. Chắc hẳn có hẹn với ai. Tôi châm một điếu thuốc. Chiếc hộp quẹt. Có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ … Người bạn nói, mình về nhà. Tôi nói ư, về nhà đi. Tôi không biết ai đã gọi điện thoại cho mình. Chúng tôi chia tay nhau. Mỗi buổi sáng ngồi vào chiếc ghế quen thuộc, chiếc bàn rộng, những tờ giấy, những hàng chữ, những mệnh lệnh, trưa ăn cơm, làm việc lại, buổi chiều ra về, ăn rồi ngủ, cứ như thế, mỗi tuần một buổi đi họp, mỗi chiều những chai bia … Một hôm lăn ra chết. Là xong. Chủ nhật rồi thứ hai. Tờ báo mỗi ngày những tin chiến sự, những người chết, chuyện hiếp dâm, hối lộ, ăn cướp, ông này tuyên bố, ông kia tuyên bố, những tiếng hòa bình, chiến tranh, hạnh phúc, lẽ phải, công chính, gian manh, tội ác, phép lạ, huynh đệ … Giấc ngủ chập chờn những sớm mai. Về nhà. Hai tiếng ấy. Tôi nghe thắt đau trong cuống tim. Ngày trước tôi mơ ước đi xe đạp trong những con đường làng, bờ ruộng, tiếng chuông kính coong hòa trong gió và tiếng sáo diều trong không trung … Thằng em nó khóc, nói nghẹn ngào: mẹ mất rồi anh đến đi, sắp nhập quan. Chúng tôi cùng đến. Chiếc áo quan bằng gỗ vàng tâm để mộc, mùi gỗ còn thơm, vân gỗ màu vàng tươi. Mẹ tôi nằm kín trong lần vải trắng. Những lời cầu kinh rì rầm. Tôi ngồi xuống bên giường. Chị tôi bế đứa cháu nhỏ trên tay nói: cậu phải lập gia đình thôi, lớn tuổi rồi. Tiếng cầu kính đã dứt. Tôi mở tấm vải trắng. Khuôn mặt người đàn ông bị chém, vết chém chia hai khuôn mặt. Không còn mắt. Máu đọng trên hai khóe môi. Tôi phủ tờ giấy lại. Người đàn ông tóc bạc trắng đứng bên nói với tôi: chúng tôi đã nhận được tin của ông, tên là Nguyễn Văn B. phải không. Tôi nói phải, ông ta ở đâu, để tôi dẫn ông tới. Chúng tôi bước vào một rạp hát. Hàng ngàn thính giả đang ngồi im như cầu kinh. Người ca sỹ đang hát trên sân khấu, ánh sáng đỏ rực trên tấm màn nhung đỏ. Tiếng hát vừa dứt, những tràng pháo tay vang động cùng với tiếng reo hò. Con bò rừng tung mình húc tới tấm vải đỏ. Hát thật hay, tôi có lời ngợi khen. Tôi nói cám ơn và đi vào trong hậu trưởng. Người đàn bà mặt phấn, môi đỏ, mày rậm tiến đến bên cười với tôi, giọng ân cần: chúng tôi đang đợi ông. Người đàn bà dắt tôi leo lên khỏi những bậc thang. Những tiếng trống đổ dồn dứt đột ngột. Tấm màn kéo lên cùng với tiếng reo của vạn vật. Tôi nhìn xuống thấy đủ loài muông thú. Những con rắn, những con hổ, những con chim cú … Tôi nói cám ơn quý vị, thật đau buồn rằng chiến tranh đã kéo dài quá lâu và tôi lại là kẻ sống sót. Tôi không muốn vậy. Buổi dạ vũ đã tan. Chúng tôi lần lượt xuống thang lầu. Nàng cầm lấy tay tôi rất lâu. Tôi nói chúc em hạnh phúc. Tôi nghĩ nàng khóc. Người bạn nói: cả nhà hắn chết chỉ còn lại mình hắn, trái hỏa tiễn rơi trúng giữa nhà. Người bạn nói: nó vừa ra trường tới đơn vị chưa đầy một tháng bị mìn chết không toàn thấy, còn lại một cái bọc vải nhựa. Cha tôi nói: ông ấy điên từ sau khi đứa con cuối cùng bị bắn chết trong khi đi xe đò về phép. Em tôi nói: bạn em đi lính hết chỉ còn một đứa lủng phổi phải nằm bệnh viện. Người bạn nói: cuối cùng tôi thấy xác bà cụ tôi trong một hầm tập thể, chỉ còn lại những đốt xương trong chiếc áo cũ được nhận. Người cùi cố ngoi người cao lên khỏi lề đường, chia tay ra: xin ông giúp kẻ … Xin cám ơn quý vị. Tôi tiếp tục đi trong hành lang. Lúc sau một người y tá hiện ra. Cô ta nói giọng ngọt ngào: xin ông theo tôi. Nàng dẫn tôi vào trong một gian phòng xinh xắn không có ai, trong đó chỉ có một chiếc ghế bành độc nhất, chiếc ghế bọc bằng một lần nhung màu huyết dụ, trước mặt có một chiếc bàn nhỏ phủ tấm khăn trắng muốt, một chiếc ly thủy tinh cao trong suốt có cắm một bông hồng đỏ thắm. Cô y tá để trước mặt tôi một ly nước suối. Cô nói xin ông yên tâm bà rất khỏe, chắc ông lo cho bà lắm. Tôi nói vâng. Cô y tá vặn chiếc máy hát, một điệu nhạc êm dịu. Chợt có tiếng trẻ con khóc ngoài hành lang. Cô y tá đi vào bế theo đứa nhỏ vừa sinh nói: ông đặt tên cho cháu là Nguyễn Văn B., cái tên thật hay. Tôi nói cám ơn cô. Cô y tá bế đứa nhỏ đưa cho tôi, tôi nhìn thấy những vết nhăn trên trán, đôi mắt mở lớn thật buồn. Tôi đưa trả đứa nhỏ rồi đứng lên khỏi phòng. Cô y tá chạy theo nói: ông bỏ quên cái này. Cô cầm bông hồng ở tay cài lên miệng cho tôi. Mùi hương thanh thoát. Tôi bước ra đường. Thằng em tôi nói: tháng này em mới được đổi quần áo. Tôi ngó nó chững chạc trong bộ quân phục. Trời mưa nhỏ. Con đường vắng lặng, hai hàng cây cao vút để lại một vòm giáo đường. Người đàn ông mặc chiếc áo mưa màu đen, che chiếc dù, người đó đứng lại trước mặt tôi, những nếp nhăn trên trán, đôi mắt mở lớn thật buồn. Người đó nói: chẳng gặp anh gì hết, có đến hơn ba mươi năm, nhận ra tôi không, tôi Nguyễn Văn B. đây. Tôi nói chào ông. Người kia quay đi: chào ông, làm mình như người lạ, phải rồi … Cái áo mưa, chiếc dù che khuất đầu, hàng cây cao mất hút …

*

Ngọn nến hồng rực rỡ trước mặt. Em nhắc lại cùng anh từ đầu, anh ra ngày… Những giọt nước mắt nóng lăn trên hai gò má …


Dương Nghiễm Mậu
(Đàlạt, tháng 6/69)