Có lẽ không ai phủ nhận rằng người ta viết ra để được đọc. Một tác phẩm dường như lúc nào cũng chờ được đọc tới. Nó là lời kêu gọi gửi gắm đến mọi người, như một nỗi dở dang chờ được hoàn thành, như một lỗ hổng chờ được lấp đầy. Nó kêu gọi không riêng một người nào. Nó luôn kêu gọi đến một người nào khác. Và kêu gọi không ngưng nghỉ, không mỏi mệt dù cho lời kêu gọi của nó có được đón nhận, đáp ứng hay không.
Vậy thì trong mỗi ý nghĩ nào đó nhà văn là kẻ qua nhịp cẩu của tác phẩm mình, tìm đến người đọc. Nói một cách nào đó, hắn viết trong ám ảnh của người đọc. Ám ảnh của người đọc có phải đó chính là sự thật ghê gớm nhất trong những phút cô đơn tuyệt đối của con người sáng tạo. Hắn tự hỏi, ai là kẻ sẽ đọc ta? Cũng như Nguyễn Du đã từng tự hỏi, “bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”. Câu hỏi thốt lên trong vô vọng. Như hành trình của sự sáng tạo kia, trong cô đơn và vô vọng, vô vọng tìm đường ra khỏi đêm thâu, nhìn thấy ánh sáng mặt trời, bởi đêm của tác phẩm là vĩnh cửu của đêm, là vô hạn của bóng tối, là đêm không đợi ngày, là bóng tối không hẹn hò cùng ánh sáng. Dĩ nhiên những dòng chữ tôi viết ra (ở đây hay ở một nơi nào khác), trên những bước đường dung ruổi của chúng, chúng sẽ một ngày nào đó nằm dưới mắt, xuất hiện “trong tầm tay” của một người, một số người nào đó: chúng được đọc tới, nói một cách nào đó, chúng được đón nhận.
Được đọc tới. Liệu người ta có tránh được điều đó bao giờ. Những dòng chữ tôi viết ra, chúng có còn là của tôi. Một cuốn sách viết ra, nó có còn là sở hữu riêng tư của tác giả. Hay nó đã thuộc một ai khác, không phải là người, mâu thuẫn thay, sáng tạo nên nó. Bởi tác giả, bởi viết không còn hiện hữu ở đó, ở bên cạnh, ở trên hay ở trong tác phẩm của mình. Tác giả chỉ là kẻ vắng mặt trước chính tác phẩm của mình. Hắn không còn quyền nói năng hay biện giải gì nữa. Hắn câm nín. Nói một cách nào đó, tác phẩm của hắn hiện hữu trong điều kiện sự vô hữu, sự vắng bóng của chính hắn. Tác giả là kẻ lùi lại, tự bôi xoá trước chính tác phẩm của mình. Tác giả, con người sáng trở thành con người vô thẩm quyền nhất về chính tác phẩm của mình. Hắn vô thẩm quyền trước tác phẩm của hắn bởi vì chính hắn là tác phẩm hắn. Tác giả là kẻ đã nhập thể vào chính tác phẩm của mình, nhập thể vào từng dòng, từng chữ của mình. Hắn trở thành chính món đồ hắn tạo nên. Hắn viết không để sở hữu điều hắn viết ra: hắn và vật sở hữu của hắn là một. Và tác phẩm, vật sở hữu của nhà văn, cũng chính là nhà văn, như ta vừa đề cập tới trong viễn tượng trên đây, mai đây đã thuộc về một ai khác.
Viết trước tiên là một hành vi phủ nhận. Và đối tượng phủ nhận trong một tác phẩm, trong tác động viết lại không ai khác hơn chính là tác giả. Tôi viết, tôi trở thành cái tôi viết nên, tác phẩm tôi viết nên phủ nhận chính tôi không những trong tư cách là một Thượng đế tạo dựng nên nó mà như môt thực hữu, một định mệnh. Vậy thì tôi viết tức là tôi không sống nữa. Tôi không sống trong da thịt cuộc đời mà sống tròn da thịt của chữ nghĩa tôi, của tác phẩm tôi. Sống ở trong đó, điều này cũng có nghĩa là chết ở trong đó. Có cần nhắc lại câu nói của E.Levinas, viết tức là chết. Viết là kinh nghiệm không của đời sống nầy mà của một đời sống khác, xa lạ hoàn toàn; không là kinh nghiệm của đời sống mà là kinh nghiệm của cái chết, cái chết khởi sự từ đó dựng nên một tác phẩm, một vũ trụ. Nhà văn trong cùng một lúc hoàn tất và đánh mất tác phẩm, vũ trụ của mình. Đánh mất tác phẩm. Đánh mất vũ trụ. Và tự đánh mất mình trong đó. A! Còn có một trạng thái cởi bỏ, huỷ hoại nào bi thảm hơn thế nữa.
Tác phẩm là một định mệnh. Điều này có thể đúng. Một định mệnh trong đó cái chết của một định mệnh, một chủ thể, một đời sống: tác giả. Đó là một định mệnh (:tác phẩm) bơ vơ, lạc loài, không nơi ăn chốn ở, đời đời phiêu bạt, tìm kiếm mãi không thôi, thử hỏi đâu là nơi dừng lại của nó, một bóng mát nghỉ ngơi hay nếu cần một nấm mồ từ đây chôn chặt. Biết không, một cuốn sách (một tác phẩm) vừa rời khỏi tay tác giả, vừa rời khỏi nhà in, còn ngất ngây mùi mực, a! cái mùi hương tuyệt diệu của sự sống và cái chết (nhìn lại những dòng trên kia), tức là nó đang khởi đầu một chuyến đi nhiều vô định và bất trắc. Nó đi đâu. Không ai biết được. Không ai trả lời được cho nó. Đâu là nơi nó sẽ dừng lại (đến bao giờ?): sau lớp kính một hiệu sách, trên ngăn kệ của một gian phòng, trên bàn giấy, trong hầm tối một thư viên, trong một xó kẹt lãng quên nào đó ở một nơi nào đó…nào ai biết. Nó dừng lại? Không. Nó có dừng lại bao giờ. Cuộc hành trình vẫn tiếp tục và hoài hoài còn tiếp tục đối với nó. Cuốn sách đang nằm dưới mắt bạn kia. Nó không chỉ chiếm một khoảng không gian. Nó không chỉ là một món đồ vô tri, vô giác, ù lì, bất động. Nó là một định mệnh đang mời mọc. Dĩ nhiên bạn có thể quay lưng trước nó. Nhưng điều đó có nghĩa là bạn đã quay lưng trước một cái nhìn, một tiếng nói, một cuộc đời, một vũ trụ trong đó có cả đời sống và cái chết. Cuốn sách vẫn chờ được cầm lên. Đọc tới. Cuốn sách vẫn đi tìm người sẽ đọc nó. Nhưng người đọc, kì lạ thay người đọc, hắn là ai, mặt mày ra sao, tên tuổi thế nào, lai lịch ra sao. Hắn ở đâu. Hắn làm gì. A! bao nhiêu thắc mắc về hắn liệu có bao giờ giải đáp nổi. Dường như mọi chi tiết khác có vẻ vô ích thừa thãi. Hắn hiện hữu, hơn thế nữa hắn chính là lý do tồn tại của tác phẩm. Người ta không thể tưởng tượng một tác phẩm không người đọc, không chờ đợi được đọc tới, không trên đường tìm tới người đọc. Độc giả là kẻ bằng chính tác động đọc của mình mang đến cho tác phẩm một ý nghĩa. Tác phẩm cần tới hắn, nói một cách nào đó, để được hoàn tất, để được là tác phẩm. Hắn ở trong bóng tối. Hắn lấn lộn cùng bóng tối. Hắn hiện hữu trong sự lãng quên. Nhưng hắn lại là kẻ đầy quyền hạn. Bởi vì hắn đọc và tác phẩm chỉ thật sự hiện hữu bắt đầu từ tác động đọc của hắn. Bất công cho hắn. Quan niệm thông thường vẫn chỉ có thể chấp nhận cho hắn một vai trò, một giá trị phụ thuộc. Hắn chỉ còn là một cơ hội, có thể được gọi là cần thiết, trong số những cơ hội khác, cho một tác giả, cho một tác phẩm. Người ta vẫn phải nói về một tác giả hay một tác phẩm lớn. Và người ta hầu như quên mất đi yếu tố từ đó người viết trở thành tác giả, quyển sách trở thành tác phẩm. Người đọc chính là chủ thể của tác phẩm. Hắn không chỉ là kẻ thưởng ngoạn. Hắn không chỉ làm công việc ca ngợi. Hắn còn là kẻ sáng tạo vô danh. Hắn sáng tạo ra chính cái tác phẩm đã được sáng tạo và đang nằm dưới mắt hắn. Dưới mắt hắn, tác phẩm kia chưa là tác phẩm, tác phẩm kia mới chỉ là món đồ vô chủ, đứa con không cha, nó hiện hữu trong dở dang và thừa thãi. Hắn đọc, hắn không chỉ thụ hưởng một niềm vui sướng, khoái lạc mà quyển sách mang đến, thụ hưởng một cách vô trách nhiệm và dễ dãi, như một kẻ đứng bên ngoài tác phẩm, đứng từ đầu một khoảng cách đối với tác phẩm. Đọc, nói một cách nào đó, là một hành vi gia nhập, đột nhập, thể nhập vào chính tác phẩm đã được viết ra bởi một kẻ nào đó trong một khoảnh khắc hôn mê nào đó, không phải, người ta đọc một tác phẩm như thể tác phẩm đã được viết ra không bởi một ai, như thể tác phẩm còn phải được viết lại nhiều lần, như thể tác phẩm chưa từng được viết ra bao giờ, như thể tác phẩm chưa bao giờ là một tác phẩm.
Có một tương quan kì lạ giữa tác giả, tác phẩm và độc giả. Tác phẩm là nơi gặp gỡ giữa người viết và người đọc? Đó chỉ là cách nói thông thường, thô thiển. Đúng ra là không có sự gặp gỡ. Cũng không có sự cảm thông. Phải chăng đó chỉ là những cách nói, những ý niệm, những danh từ giả ảo, hư nguy. Tác phẩm không là nơi gặp gỡ, chỗ hẹn hò. Bởi vì còn có ai đâu để hẹn hò, chạm mặt, cảm thông. Tác giả đã lùi sâu vào bóng tối. Tác giả chỉ hiện hữu trong điều kiện của tác phẩm hắn nghĩa là khi hắn không còn hiện diện ở dó, nghĩa là trong điều kiện một sự vắng bóng của chính hắn. Còn người đọc? Để lập những điều quá quen thuộc trong ngôn ngữ Blanchot, hắn đọc, hắn không mang đến gì cho tác phẩm cũng không tước bớt điều gì khỏi nó, hắn không tra hỏi, hắn cũng không trả lời gì, hắn không nói năng, hắn chỉ làm công việc của hắn là đọc. Hắn chính là sự cần thiết của tác phẩm. Nhưng trái ngược biết bao nhiêu. Ngay cả sự cần thiết của hắn trong một giới hạn nào đó, lại trở nên thừa thãi, một sự cần thiết dưng không lạnh nhạt, hàm hồ. Hàm hồ. Đó chính là ý niệm quan trọng, nền tảng mà bạn có thể bắt gặp, bó buộc phải bắt gặp, một cách không thể tránh được, trong mọi vấn đề liên quan tới văn chương. Hàm hồ ở đây chính là bộ mặt chân thật nhất của người đọc, của việc đọc cũng như của chính người viết, của chính tác động viết, của chính tác phẩm được viết nên, của chính những mối tương quan có thể quan niệm được liên quan tới văn chương, thuộc về văn chương, xảy ra ở ngoài văn chương, những tương quan làm nên văn chương.
A! Đâu là chỗ đứng của văn chương. Có lẽ đó là câu hỏi cần phải lập lại hoàn toàn, lại cần phải lập lại hơn bao giờ hết – không ồn ào mà lặng lẽ, không cho mọi người mà cho chính mình trước hết – giữa một thời đại vốn dĩ mang nhiều ngộ nhận và gian trá không riêng gì trên bình diện văn chương mà trong tất cả. Đâu là chỗ đứng của văn chương. Nó ở trong hay ngoài đời sống. Nó thuộc phần ánh sáng hay bóng tối, đêm hay ngày, tiếng động hay im lặng, hữu thể hay vô thể, không hay có, thừa nhận hay phủ nhận, thiên nhiên hay lịch sử, bề trái hay bề mặt, thực tại hay phi thực tại,…. Nó đứng ở đâu. Nó chọn lựa phần đất nào. Sự chia rẽ, phân biệt cực đoan thể hiện ở những lập trường mệnh danh là văn học nghệ thuật, những lập trường xâu xé nhau cho tới bây giờ đại loại phân thành hai phe phái: “nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh”. Mỗi người đặt để cho văn chương một chỗ đứng. Mỗi người chọn lựa cho văn chương một phần đất. Phải đợi đến bao giờ mới kết thúc những tranh luận, ngấm ngầm hay bùng nổ, đầy hư tin và hư tưởng kia. Bởi tự nó văn chương nếu có phải chăng là ở giữa những thực hữu đối nghịch trên kia, ánh sáng và bóng tối, đêm và ngày, có và không,…. Nghĩa là nó không ở một nơi nào. Nghĩa là nó ở tất cả mọi nơi. Nó đứng trên biên thùy gặp gỡ giữa đời sống và cái chết. Yếu tính của văn chương là không có yếu tính nào xác định dứt khoát, là phủ nhận chính yếu tính, là không có yếu tính nào khác hơn sự hàm hồ. Ở người đọc, để trở lại với kẻ đồng hành xa lạ cũng là người thù địch thân thiện kia, tính cách hàm hồ của hắn càng bi thảm không kém. Hắn chỉ hiện hữu, xuất đầu lộ diện, sinh hoạt trong điều kiện đó. Hắn hiện diện trong điều kiện của sự vắng bóng. Hắn đọc không để tìm đến sự cảm thông, cũng không để hoàn tất một lần cho mãi mãi tác phẩm mở ra dưới mắt hắn như một niềm hao hụt đời đời. Bằng việc đọc hắn viết lại tác phẩm một lần nữa, sáng tạo lại tác phẩm một lần nữa, mâu thuẫn thay, chỉ để nhằm tạo cơ hội cho tác phẩm từ đây, nói theo Blanchot trở thành tác phẩm không của một ai. Hắn tước đoạt tác phẩm khỏi tác giả để một cách nào đó tác phẩm trở thành tác phẩm của hắn? Không, hắn có thể đọc chống lại chính kẻ viết nên tác phẩm, đọc chống lại chính tác phẩm. Nhưng đồng thời đọc đối với hắn cũng có nghĩa là, nếu không nói là tiên quyết có nghĩa là trao trả, giải thoát, cởi bỏ tác phẩm khỏi mọi kiềm toả, chiếm hữu dù của chính tác giả, dù của chính hắn là người đọc. Vậy thì tác phẩm được trả về cho ai, để làm gì? Không cho chính nó. Tác phẩm gặp lại sự hiện diện của chính nó là một “hiện diện nặc danh” (Blanchot). Nếu viết là khẳng định một tác phẩm, một lời nói, ở đây người ta khẳng định chống lại chính mình, khẳng định để sau đó chỉ còn lại sự khẳng định (chính là tác phẩm) mà không còn người khẳng định. Điều này cũng đúng cho công việc đọc. Viết và đọc chỉ còn là những cơ hội để tác phẩm được khẳng định cho nó, cho riêng mình nó, chống lại tất cả. Tác phẩm trở thành một thứ khẳng định tuyệt đối. Nó hiện hữu một cách ương ngạnh. Nó bẻ gãy mọi tương quan với cái khác. Nó hiện hữu, thế thôi. Nó nhất thiết cô đơn. Cô đơn chính là sự vinh quang của tác phẩm. Mỗi tác phẩm thể hiện một cuộc hành trình liên tục mà mỗi một người đọc sẽ làm công việc đẩy nó đến gần hơn chút nữa niềm cô đơn tuyệt đối kia, ở đó không còn tác giả cũng không còn người đọc, chỉ còn lại sự khẳng định tự nó không khẳng định gì, không có gì để khẳng định. Ghê gớm thay cho không có gì của văn chương, chữ nghĩa. Dường như một vũ trụ đang bắt đầu với nó.
Huỳnh Phan Anh