chân dung Thạch Lam qua nét vẽ Đinh Cường
Thạch Lam vẫn được xem là một nhà văn chuyên về truyện ngắn. Trong Tự Lực Văn đoàn và cả trong văn chương Việt-nam, tính đến thời đại ông, Thạch Lam gần như chiếm giữ một địa vị riêng biệt nhờ ở “một ngòi bút lặng lẽ, điềm tĩnh vô cùng, ngòi bút chuyên tả tỷ mỷ những cái rất nhỏ và rất đẹp, những cảm tình, cảm giác cỏn con nẩy nở và biểu lộ ở đủ các hạng người, mà ông tả một cách thật tinh vi” (1). Chỉ cần ba tập truyện ngắn (Gió đầu mùa, Nắng trong vườn, Sợi tóc) lần lượt xuất bản trong khoảng cách năm năm (1937-1942), Thạch Lam đã khẳng định cho mình một giọng văn và từ đó một vũ trụ văn chương độc đáo bên cạnh những tài năng sáng chói cùng thời. Điều đáng nói là khác hẳn với Nhất Linh, với Khái Hưng,
Thạch Lam viết rất ít: tác phẩm ông vỏn vẹn có sáu quyển trong số đó chỉ có bốn quyển thuộc loại sáng tác. Và cũng khác hẳn với hai nhà văn trên, Thạch Lam không thể hiện trong tác phẩm mình quá nhiều tham vọng vượt khỏi thẩm quyền và giới hạn của một nhà văn, một tác phẩm văn nghệ. Những cuốn sách của Thạch Lam cần được quan niệm trước tiên như những tác phẩm, những cách thế thể hiện của cái đẹp hay một chân lý thuần túy văn chương nào khác, trước khi chúng lãnh nhận một vai trò hay một sứ mạng nào ở bên ngoài chúng. Và có lẽ Thạch Lam khi cầm bút viết những trang sách đầy rung động và xúc động của mình cũng đã không có một ưu tư nào khác hơn là ưu tư nhằm thể hiện, biểu hiện, thực hiện những giá trị nghệ thuật bằng chính tâm hồn và chữ nghĩa của mình. Có thể nói rằng trên khắp các trang sách của Thạch Lam đều bàng bạc mối ưu tư cao cả đó. Tưởng tượng một tâm hồn nhà văn không ngừng lắng nghe và trò chuyện với từng nhân vật, từng cảnh trí, từng sự kiện hay sự vật nhỏ nhặt nhất góp phần làm nên cái thế giới giàu có ở bên ngoài hay ở ngay trong tác phẩm của hắn. Đọc Thạch Lam người ta dễ dàng bắt gặp tâm hồn nhà văn của ông như đang rung động theo từng dòng chữ ông viết nên. Có lẽ cũng vì thế người ta đọc Thạch Lam và thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng, dễ chịu hơn khi đọc những tác phẩm mệnh danh là luận đề của hai tác giả nói trên. Vấn đề là tham dự vào những xúc động của tác giả, tham dự và, một cách nào đó, sống chính những xúc động đó. Văn Thạch Lam là một lời mời gọi không của lý trí sáng suốt đầy ẩn tình, ẩn ý mà của tâm hồn, không của tư tưởng mà của rung động và cảm tình.
Viết về Thạch Lam, Vũ Ngọc Phan đã đi tới một kết luận như sau:
“Đọc các văn phẩm của Thạch Lam, người ta thấy ông chỉ sở trường về truyện ngắn. Trong truyện dài của ông, người ta thấy nhiều đoạn tỷ mỷ vô ích, nhân vật nào cũng giống nhân vật nào, làm cho người đọc phải chán. Sở dĩ các nhân vật trong truyện Thạch Lam giống nhau, là vì Thạch Lam đã đem những tính tình riêng của mình để tạo nên các nhân vật. Tất cả các nhân vật trong truyện của Thạch Lam đều có những cái phảng phất của tâm hồn Thạch Lam.” (Sđd. Tr.140)
Ý kiến của Vũ Ngọc Phan về Thạch Lam trên đây cũng là ý kiến chung của rất nhiều người thường chỉ chấp nhận ở Thạch Lam một cây bút sở trường về truyện ngắn và từ đó, để nói một cách nào đó, phủ nhận một Thạch Lam, tiểu thuyết gia. Dường như đối với họ, những người có khuynh hướng trên đây, Ngày mới, quyển tiểu thuyết độc nhất của Thạch Lam, ngoài những khuyết điểm lớn lao của nó, đã không giúp cho người đọc quên được những thiên truyện ngắn tuyệt vời của chính ông. Những trang sách đẹp nhất của Ngày mới, những đoạn tả tình hay tả cảnh rải rác trên khắp Ngày mới, tất cả dường như đã chỉ làm nổi bật một Thạch Lam “sở trường về truyện ngắn”. Nghĩa là Ngày mới sau cùng chỉ còn giữ lại những trang sách, những dòng chữ dùng để làm chất liệu cho truyện ngắn. Cuốn tiểu thuyết Ngày mới của ông, do đó được xem như một thất bại. Và cùng chung số phận với quyển trên, quyển Theo giòng, tức là quyển bình luận về văn chương, của Thạch Lam, đã không để lại một tiếng vang nào vì những ý tưởng được xem là “rời rạc, tan tác như bèo trôi” của nó, để nói theo ngôn ngữ phê bình của Vũ Ngọc Phan.
Như vậy tài sản văn chương của Thạch Lam sau cùng chỉ còn lại có ba tập truyện ngắn là đáng kể.
Dĩ nhiên tôi không đồng ý với quan niệm có phần khắt khe và độc đoán đó, nói rõ hơn là quan niệm của nhà phê bình Vũ Ngọc Phan.
Điều có phần chắc chắn là nhan đề của bài viết này, THẠCH LAM, TIỂU THUYẾT GIA sẽ khiến một số người không hài lòng, những người vẫn quen phủ nhận khả năng viết tiểu thuyết ở Thạch Lam, tức là mặc nhiên xem Ngày mới như một phần thừa thãi trong tác phẩm Thạch Lam. Dĩ nhiên khi viết bài này tôi không cố tình làm chuyện ngược đời, cố tình đặt cho Ngày mới một ý nghĩa hay một địa vị lẽ ra không xứng đáng đối với nó. Công việc đó thừa vì Ngày mới tự nó là một cái gì không thể tách rời khỏi Tác phẩm của Thạch Lam, Tác phẩm được xem như một toàn thể, một định mệnh. Vấn đề không phải là loại bỏ, lại càng không phải là khôi phục. Vấn đề là đặt cho đúng chỗ một tác phẩm trong toàn bộ một sự nghiệp. Bởi vì một trong những lỗi lầm tai hại của người phê bình là đặt nặng phần này xem nhẹ phần kia để từ đó tự ý giản lược tác phẩm theo chủ quan độc đoán của mình. Thậm chí có người không ngần ngại loại bỏ trọn một sự nghiệp tác phẩm để chỉ giữ lại một cuốn sách, một trang sách hay một câu văn được xem là điển hình nhất, có giá trị nhất, xứng đáng nhất để được tồn tại.
Viết về một Thạch Lam, tiểu thuyết gia, tôi muốn nói tới một khía cạnh vẫn thường bị bỏ quên hay coi thường ở tài năng Thạch Lam. Viết về Ngày mới, cuốn tiểu thuyết duy nhất của Thạch Lam, tôi mong góp thêm một cái nhìn gởi đến một Tác phẩm hiểu như một toàn thể, một Tác phẩm cho tới bây giờ, theo tôi, vẫn được nhận thức một cách bất công và thiếu sót, ảnh hưởng từ một số quyết đoán của các nhà phê bình hay các soạn giả sách giáo khoa.
Người ta có thể nghi ngờ sự thành công của Thạch Lam trong địa hạt tiểu thuyết. Người ta có thể tiếc cho Thạch Lam đã chỉ viết có một cơ hội độc nhất để phô trương tài năng của ông trong địa hạt nầy. Nhưng điều không thể chối cãi là chính Thạch Lam, mặc dù vẫn sở trường về truyện ngắn, vẫn là người mang nặng những mối ưu tư về tiểu thuyết, về nghệ thuật tiểu thuyết cũng như các vấn đề liên quan tới bộ môn quyến rũ này. Chỉ cần đọc cuốn Theo giòng của ông để thấy rõ mối ưu tư bàng bạc trong hầu hết các bài viết ở đó. Nói cách khác, cuốn Theo giòng, mà Vũ Ngọc Phan đã từng chỉ trích, cần được xem như một cơ hội giúp tác giả nhìn lại và soi sáng chính mình hơn là một tác phẩm phê bình theo quan niệm thông thường của mọi người cho tới bây giờ. Vâng, tôi vẫn xem Theo giòng như phần lý thuyết do tác giả vạch ra cho chính mình hơn là cho kẻ khác.
Trong Theo giòng, Thạch Lam đã viết:
“…Tôi tưởng quyển tiểu thuyết hay nhất – hay công dụng nhất – là quyển tiểu thuyết sẽ làm cho ta yêu, ham muốn yêu, không phải là yêu một người, nhưng yêu mọi người; không phải một vật, nhưng yêu mọi vật. Hiểu biết tình yêu, thưởng thức những thú vị phức tạp và nhiều mầu sắc của tình yêu, còn gì sung sướng hơn nữa! Mỗi cử chỉ, mỗi hành vi của ta đều có một ý nghĩa riêng. Chính nhà tiểu thuyết gia có biệt tài là nhà văn đã diễn tả đúng và thấu đáo cái tâm lý uyển chuyển của người, nhà văn chính mình có một tâm hồn rất phức tạp và giầu có.”
(Theo giòng, tr.47)
Đó không phải là lời nói của một nhà phê bình. Nhà phê bình nói trong khoảng cách với đối tượng. Nhà phê bình thiết định hay đề nghị những tiêu chuẩn cho kẻ khác, không cho chính mình bởi lẽ đơn giản là hắn không nhất thiết phải kiêm nhiệm một nhà văn. Ở đây, Thạch Lam không đề nghị những tiêu chuẩn cho ai khác ngoài chính ông là người đầu tiên phải nghe theo. Ông đưa ra một quan niệm về tiểu thuyết, đồng thời là người đầu tiên bị chi phối bởi chính qua niệm đó. Những điều Thạch Lam nói trong Theo giòng, người ta có thể kiểm điểm lại ngay trong tác phẩm của ông. Những ý nghĩ về tiểu thuyết của Thạch Lam có thể được xem như những lời chú giải có thẩm quyền nhất của Thạch Lam về Thạch Lam. Những ý nghĩ đó, dù rời rạc và đứt đoạn, đã nói lên mối ưu tư về tiểu thuyết mà ông không ngớt trở về. Những ý nghĩ đó không làm nên một quan điểm phê bình mà làm nên lý thuyết của ông, một Thạch Lam tiểu thuyết gia. Dù góp lại từ những bài đăng báo lẻ tẻ, quyển Theo giòng vẫn nói lên mọi đăm chiêu, lo lắng liên tục và thống nhất của một người viết tiểu thuyết luôn bị ám ảnh bởi chính tác phẩm của mình. Ở đó người đọc có thể tìm thấy ẩn hiện qua những bài viết về các đề tài khác nhau một quan niệm của Thạch Lam về chính Thạch Lam. Ở đó chính tác phẩm của Thạch Lam được chiếu rọi bằng những tia sáng có thẩm quyền nhất. Khi Thạch Lam nói về cái hoàn toàn “lạnh lẽo” của nhân vật tiểu thuyết, về nỗi “rung động” của chính nhà văn trong tác phẩm mình hay về sự “quan sát bề trong” để đi sâu vào cái “bí mật” của tâm hồn nhân vật, một cách nào đó, ông đã chỉ lập lại những điều đã “nói” ở ngay trong tiểu thuyết của ông. Vậy thì tại sao đòi hỏi Theo giòng phải là một tác phẩm phê bình chặt chẽ vững vàng hơn khi nó chỉ là một cuộc kiểm thảo trong đó tác giả dù nói về ai hay về một điều gì thật ra đã chỉ trò chuyện với chính mình với chính tác phẩm của mình?
Nhưng mà Thạch Lam đã viết Ngày mới thế nào?
*
Như mọi người đều biết, Thạch Lam, qua hầu hết các truyện ngắn của ông, đã chứng tỏ là một nhà văn có lối viết nhẹ nhàng, kín đáo và tế nhị hiếm có trên văn đàn Việt-nam. Ở Thạch Lam, dường như không hề có những đề tài táo bạo, những thảm kịch quá lớn lao. Ngòi bút ông chuyên mô tả, làm sống lại những tấn kịch tầm thường của đời sống, đời sống với muôn ngàn kẽ hở, với muôn ngàn động tĩnh nhỏ nhặt, đời sống đáng yêu và đáng ghét, đời sống với vẻ đẹp muôn màu của nó. Đọc truyện Thạch Lam, người ta dễ bắt gặp tâm hồn của chính ông, một tâm hồn nghệ sĩ lúc nào cũng nhạy cảm, sẵn sàng rung động với từng cảnh trí, từng biến đổi thoáng qua của vũ trụ cũng như của tâm hồn con người. Như Vũ Ngọc Phan đã từng nêu nhận xét khá đúng:
“Phải là người giàu tình cảm lắm mới viết câu này: ‘Một cơn gió hay một cái mầm cỏ non, đối với chàng đều có ý nghĩ riêng’ (Những Ngày Mới, trang 25). Ý nghĩ đây là những ý nghĩ gây nên bởi cảm giác đối với ngoại vật và cảm tình của người ta đối với một hoàn cảnh thích hợp với mình.” (Sđd. tr.119-120).
Từ truyện ngắn bước sang truyện dài, ngòi bút Thạch Lam vẫn giữ nguyên bản sắc cùng tâm hồn của nó. Vẫn một bút pháp, vẫn một cách thế nhìn ngắm cuộc đời, vẫn một thế giới với những cảnh vật và nhân vật quen thuộc, thân mến. Đọc Ngày Mới cũng như đọc một số truyện ngắn của Thạch Lam, người ta có thể trách Thạch Lam đã chỉ tạo nên những nhân vật quen thuộc, gần gũi nhau cũng như những tấn kịch gần như đồng dạng với nhau. Nhưng liệu người ta có thể trách Thạch Lam đã chọn cho mình một nguồn cảm hứng để trở về, một vũ trụ để thương yêu. Liệu người ta có thể trách Thạch Lam trung thành với chính Thạch Lam qua nguồn cảm hứng đó, qua vũ trụ mộng tưởng đó. Tại sao ta cứ phải đòi hỏi một Thạch Lam tiểu thuyết gia phải khác với một Thạch Lam “sở trường về truyện ngắn” hay một Thạch Lam của “mấy ý nghĩ về văn chương”?
Ngày mới trước tiên là sự mở rộng, đào sâu của một vũ trụ tiểu thuyết quen thuộc, của một Tác phẩm, của một ý tưởng về Tác phẩm mà Thạch Lam đã không ngừng bận tâm, lo lắng.
Trong vũ trụ quen thuộc đó, ngòi bút Thạch Lam tiếp tục dựng lên hình ảnh con người đơn sơ, bình dị và sống thật với những ước muốn, những lo âu, những tấn thảm kịch không vượt ngoài tầm vóc, kích thước của nó.
Trường, nhân vật chính trong Ngày mới cũng là hình ảnh con người đó, gần gũi và thân mật:
“Trường bước từng bước nhẹ nhàng trên hè phố, ngước mắt nghịch nhìn ngôi sao hôm cùng theo chàng đi lấp vào các lá cây. Trời mùa hạ đen và trong thăm thẳm, các vì sao lấp lánh như cùng một điệu. Trường thấy tâm hồn mình cũng cùng một điệu vui vẻ như thế, và vòm trời, ngàn sao, với những cơn gió mát thoảng đến đối với Trường như hòa hợp, thân mật lắm.
Cái vui của Trường chỉ là một cái vui rất giản dị. Hai ngày trước, chàng vừa thi đỗ bằng Thành chung một cách bất ngờ. Khi nhận thấy tên mình trên bảng, Trường hồi hộp cảm động. Tuy chàng coi sự thi đỗ là một việc thường, và thấy người ta chú trọng đến cuộc thi một cách thái quá, chàng sinh ra khinh bỉ cuộc thi, vậy mà chàng không giữ nỗi được sự vui mừng. Đến bây giờ Trường vẫn còn thấy người nhẹ nhõm và khoan khoái.”
(Ngày mới, tr.5)
Trang sách đầu tiên. Những dòng chữ thứ nhất. Bao nhiêu đó đã quá đủ để, về phần tác giả, giới thiệu một nhân vật. Và bao nhiêu đó cũng quá đủ để về phần người đọc, nhận ra một vóc dáng, một chân dung, một tâm hồn với những đường nét, những kích thước nổi bật và quyết định.
Ngay trong lần đầu tiên xuất hiện – trên trang sách, dưới mắt người đọc – Trường, nhân vật chánh của cuốn truyện dài, đã “nói” với người đọc rất nhiều. Hắn “nói” bằng thứ ngôn ngữ thầm lặng nhất. Bằng lời tự nhủ. Bằng sự lắng nghe. Hắn lắng nghe, ghi nhận, đo lường từng tiếng động bên ngoài và bên trong hắn, đúng hơn là từng nhịp điệu hòa hợp giữa cái bên ngoài và cái bên trong. Trong suốt quyển truyện, hắn còn phải lắng nghe không ngớt. Nghĩa là kiếm tìm không ngớt một trạng thái tâm hồn lý tưởng nhất trong đó nội giới chuyện trò thân mật với ngoại cảnh, trong đó không còn sự xung khắc hay phân ly giữa cái bên trong và cái bên ngoài, trong đó, để nói theo một cách nói của Goethe, cái bên trong cũng là cái bên ngoài.
Trang sách đầu tiên. Những dòng chữ thứ nhất. Bao nhiêu đó để giới thiệu một nhân vật và đồng thời báo hiệu một đoạn đời, một câu chuyện, một chuyến phiêu lưu. Vâng, tất cả đều được báo hiệu ngay từ trang sách mở đầu, ngay từ cách thế tác giả mở đầu. Tôi muốn nói: tất cả đều được báo hiệu ngay từ những dòng chữ đầu tiên trong đó tác giả thể hiện đầy đủ giọng văn và giòng văn của mình. Một nhận xét thông thường cho thấy qua những dòng chữ đầu tiên đó, Thạch Lam chứng tỏ một ngòi bút tả tình, tả cảnh đặc sắc. Dĩ nhiên qua hầu hết những tác phẩm của Thạch Lam, ông đã không ngừng xác nhận nhận xét nói trên. Và có lẽ cũng không còn ai nghi ngờ giá trị của những đoạn văn tả tình và tả cảnh của Thạch Lam. Nhưng thiết nghĩ vấn đề không chỉ đơn giản có vậy. Cảnh và tình thể hiện trong văn chương Thạch Lam chỉ là hai bộ mặt của cùng chung một trạng thái. Chúng không ngừng kêu gọi lẫn nhau để hòa hợp, tan biến vào nhau. Chúng hiện hữu trong một mối tương quan đằm thắm. Cảnh là cơ hội xuất hiện của tình, và ngược lại. Do đó theo tôi, Thạch Lam không cốt yếu là một nhà văn tả cảnh hay tả tình mặc dù, như Vũ Ngọc Phan đã lập lại nhiều lần trong bài phê bình của ông, Thạch Lam “tả tình, tả cảnh rất hay”. Có lẽ phải nói Thạch Lam là nhà văn của những trạng thái hòa hợp tốt đẹp, của sự bình yên trong tâm hồn, của niềm vui và hạnh phúc. Đó cũng là trạng thái mà nhân vật của Thạch Lam không ngừng tìm kiếm: sự hòa hợp giữa tâm hồn và cảnh vật cùng là sự hòa hợp giữa tất cả những ý tưởng, dự phóng, hồi tưởng… không ngừng trò chuyện với nhau, quấn quýt lấy nhau trong nội giới con người.
Thiên truyện dài Ngày mới đã mở đầu và kết thúc bằng một trạng thái tâm hồn: sự hòa hợp, niềm vui. Và tôi không ngần ngại cho rằng đó là đề tài chính, câu chuyện chính của Ngày mới. Trong suốt cuốn truyện, Trường là hình ảnh một con người luôn khát vọng, luôn tìm kiếm và luôn sống trong ám ảnh của những giây phút êm đềm, vui sống, lý tưởng. Những phút giây đó, hắn đã từng gặp gỡ và đánh mất để sau cùng tìm lại được sau bao nhiêu chặng đường của kinh nghiệm và của sự thất bại. Đó là ý nghĩa của hai tiếng Ngày mới mà Thạch Lam đã dùng để đặt thành nhan đề của cuốn truyện. Người thanh niên (Trường) thi đỗ, từ chối cuộc hôn nhân được hai gia đình ưng thuận, yêu và lập gia đình với một người thiếu nữ con nhà nghèo. Đó là bước đầu của những ngày sống kham khổ, thiếu hụt, hắn phải bỏ học đi làm nuôi vợ con với một đồng lương quá ít oi. Hắn khao khát sự giàu sang của mọi người chung quanh và tiếc rẻ đã bỏ lỡ cuộc hôn nhân với người con gái thuộc gia đình khá giả. Hắn bỏ bê vợ con, đi tìm những nguồn an ủi riêng tư. Sau cùng nhân cuộc gặp gỡ một người bạn giàu có hãnh tiến và đần độn, hắn chợt thức tỉnh trước hạnh phúc chân thật của con người, không tùy thuộc vào tiền của mà tùy thuộc vào chính tâm hồn của mình. Hắn vui vẻ trở về với hoàn cảnh sống khiêm nhường của hắn và bắt đầu sống những “ngày mới” của cuộc đời hắn. Câu chuyện Ngày mới có thể tóm lược bằng những dòng chữ ngắn ngủi trên đây, một việc làm gượng gạo, càng gượng gạo hơn đối với tác phẩm Thạch Lam. Bởi điều đơn giản là Thạch Lam thường không quá chú trọng tới phần cốt truyện và những tình tiết trong những sáng tác của ông. Dường như tất cả chỉ là một cái cớ để ông khám phá, đi sâu vào tâm hồn con người với những ước mơ, những mộng tưởng âm thầm lặng lẽ của nó.
Có lẽ một độc giả thông thường cũng như một nhà phê bình bị ràng buộc trong những yêu sách những phạm trù cổ điển của văn chương, họ sẽ thất vọng khi muốn tìm kiếm trong Ngày mới một câu chuyện, một tấn kịch đúng nghĩa hay một đường lối giải quyết thỏa đáng, rõ ràng. Có lẽ họ chỉ tìm thấy ở Ngày mới một câu chuyện không ra chuyện, một tấn kịch tầm thường, một cách giải quyết đầy lý tưởng và không tưởng nữa. Điển hình cho lớp độc giả này là Vũ Ngọc Phan. Tôi thấy cần ghi nhận lại đây ý kiến của nhà phê bình tiền chiến này để người đọc có dịp tìm hiểu, một cách đọc tiểu thuyết và từ đó một cách nhìn ngắm tác phẩm, một quan niệm văn chương. Vũ Ngọc Phan đã phê bình Ngày mới như sau:
“… Trong tập này người ta cũng thấy nhiều đoạn rất xinh tươi, tả tình và tả cảnh, như những truyện ngắn trong tập Sợi tóc, nhưng nếu xét về toàn tập, người ta thấy cốt truyện xây dựng không được vững cho lắm…
Dùng hai chữ ngày mới để chỉ vào sự yên phận, không những to tát quá, mà còn không đúng nữa. Vì yên phận tức là quay về cái phận mình đã có, không đứng núi này trông núi nọ nữa. Vậy cái ý mới đã không có rồi. Sau nữa, đã gọi ngày mới thì phải có sự tiến hành về một mặt nào rõ rệt, cả về ý nghĩ lẫn về hành động, chứ riêng về ý nghĩ không, không thể được. Nếu Trường biết yên phận nghèo mà vẫn làm công cho nhà buôn, lương tháng vài ba chục, sự túng thiếu vẫn luôn luôn áp bức cái gia đình nhỏ của chàng thì sự yên phận ấy không làm sao bền được. Ai cũng biết cái ảnh hưởng của vật chất, của tài chánh, của kinh tế là cái ảnh hưởng rất ghê gớm, nó làm cho người ta thay đổi cả tâm tính, cả cuộc đời, như vậy thì những ngày mới của Trường có còn là những ngày trường cửu được không?
Người ta có thể có những cảm giác và những cảm tưởng thú vị khi người ta biết xét mình, biết nhận thấy cái “phong phú trong lòng” mình và biết ruồng bỏ sự khao khát giàu sang. Đối với những việc nhỏ, cảm giác và cảm tưởng có thể có một địa vị khả quan, còn đối với những việc lớn như cả một cuộc đời, cả một cuộc sống của nhiều người trong gia đình, sự thú vị về yên phận chỉ là một cảm giác hay một cảm tưởng trong chốc lát.
Nếu đã là những ngày mới, Trường ít ra phải thay đổi cả cuộc sống của mình, chứ chỉ biết yên phận nghèo không, không đủ.”
(Sđd, tr.137-138)
Tôi thấy thật khó lòng chấp nhận quan điểm phê bình thể hiện qua những lời lẽ trích dẫn trên đây, vì những tính cách sơ sài, nông cạn và độc đoán của nó. Sơ sài: người phê bình không nhìn tác phẩm như một toàn thể hợp nhất và đơn nhất, trái lại đã giản lược nó về những đoạn những trang hợp sở thích của mình. Nông cạn: người phê bình chỉ lĩnh hội tác phẩm, bỏ quên câu chuyện thật, ý nghĩa thật còn tàng ẩn dưới mắt người đọc. Và độc đoán: người phê bình đã chỉ nhìn tác phẩm qua một số khuôn khổ và yêu sách có sẵn của mình, không nhìn tác phẩm như một thực tại có ý nghĩa và đầy đủ ý nghĩa cho nó nghĩa là như một định mệnh. Thành kiến độc đoán của người phê bình dường như lúc nào cũng muốn tác phẩm phải thế này hay thế nọ tức là một cách nào đó phủ nhận chính tác phẩm (cuốn sách) đang nằm dưới mắt mình. “Trường ít ra phải thay đổi cả cuộc sống của mình, chứ chỉ biết yên phận nghèo không, không đủ.” Tại sao người phê bình cứ phải yêu sách một nhân vật tiểu thuyết phải làm hơn một nhân vật tiểu thuyết, một tác phẩm phải làm hơn một tác phẩm. Ở đây phê bình vượt qua giới hạn của chính phê bình. Bởi nó đã phủ nhận thực tế của tác phẩm đang là đối tượng của nó. Thực tế tác phẩm: thực tế của những dòng chữ được viết ra, thực tế của cuốn sách được hoàn tất; thực tế của một cái gì tự đầy đủ, không thể sửa đổi hay hàn gắn gì được nữa. Không thể nhân danh những ảnh hưởng “ghê gớm” của vật chất, của kinh tế, của tài chánh mà “buộc” Trường phải trở thành một nhà cách mạng xã hội, theo đúng khuôn mẫu của người phê bình đặt ra. Không thể đòi hỏi Thạch Lam phải là một nhà văn xã hội trong khi ông chỉ là một nhà văn của những trạng thái và những biến chuyển của tâm hồn bát ngát. Không thể đòi hỏi ở Thạch Lam một quyền năng vượt ngoài giới hạn của chính ông, một nhà văn. Và không trách Thạch Lam, trên bình diện thuần túy văn chương, đã không đi trên một con đường nào khác hơn con đường ông đã đi.
Để trở lại với cái phần ẩn giấu, tới câu chuyện của tác phẩm, tôi muốn nói tới một cái gì khác hơn chính cốt chuyện của cuốn sách mà người đọc có thể tóm lược với một số dữ kiện cần thiết như: Trường thi đỗ, Trường lấy vợ, Trường đi làm, Trường khao khát sự giàu sang, Trường vui vẻ với cảnh nghèo v.v…, những dữ kiện tầm thường của câu chuyện cũng tầm thường không kém. Nhưng đó chỉ là những dữ kiện giả, đó là câu chuyện giả, tất cả chỉ dùng che giấu một sự thật. Sự thật đó chính là tâm hồn Trường trên đường tìm kiếm một niềm vui, niềm vui của một phút giây thoải mái êm đềm hay niềm vui trường cửu của đời người. Diễn tiến của Ngày mới không là diễn tiến của một câu chuyện dàn trải trong một giới hạn không gian và thời gian nào đó. Trái lại đó là diễn tiến của một tâm trạng, một cuộc phiêu lưu.
Ngày mới chỉ là cuộc phiêu lưu của một tâm hồn, đúng hơn, của một ý tưởng. “Cái bên trong cũng là cái bên ngoài.” Thế giới bên ngoài mang trọn vẹn dự phóng của con người, nó chỉ còn là một phản ảnh, một hình ảnh của chính tâm hồn hay ý thức con người không ngừng thao thức, nói năng, nghe ngóng. Có một dòng ý thức miên tục chạy suốt qua “câu chuyện” của Ngày mới, dòng ý thức làm nên từ tất cả những hồi tưởng cùng phóng tưởng của nhân vật. Nhân vật Thạch Lam không ngừng sống và nghĩ, nói khác hơn họ luôn luôn có hai cuộc đời để sống, cuộc đời này chỉ là cái cớ của cuộc đời kia được sinh động, phong phú hơn. Những hồi tưởng, phóng tưởng, dự tưởng, ý tưởng, mộng tưởng…, tất cả làm nên một dòng ý thức, một dòng sống, một đời sống. Tất cả làm nên một tấn thảm kịch.
Tôi nghĩ người đọc còn phải tìm tới thứ ngôn ngữ thầm lặng nhất của Ngày mới để truy nguyên tấn thảm kịch sống động nhất của nó. Và người ta không chỉ đọc Ngày mới, người ta còn phải lắng nghe, như nhân vật Ngày mới đã không ngừng lắng nghe trong khi sống, như chính tác giả Ngày mới đã không ngừng lắng nghe trong khi viết, câu chuyện thật của Ngày mới là một câu chuyện làm nên từ những băn khoăn, trắc trở của một tâm hồn không ngớt tìm kiếm một sự bình yên, một sự ổn định, một trạng thái trong đó không còn sự phân ly hay xung khắc giữa ý thức và thực tại, giữa ý thức và chính nó.
“Trường tưởng nhớ lại cả quãng đời học hành chăm chỉ, với những điều ước vọng lúc bấy giờ. Hồi ấy, chàng chỉ mơ ước thi đỗ để ra đi làm kiếm tiền. Có lẽ tình cảnh nghèo nàn của gia đình chàng và chung quanh đã khiến chàng chỉ tha thiết mong có thế. Thi đỗ, rồi đi làm công sở, đó là mục đích của cả một đời. Nhưng bây giờ Trường mới rõ cái nhỏ mọn của điều mong ước ấy. Sự sống đã cho chàng bao nhiêu bài học hay. Trường không băn khoăn vì cảnh nghèo của mình nữa. Chàng không ganh ghét với những người sang trọng, giầu có hơn chàng (…), và tự thấy mình giàu hơn họ nhiều, giàu những tính tình tốt đẹp, những ý nghĩ đằm thắm mà những người chỉ biết đến mình không bao giờ có được.”
(Ngày mới, tr.236)
“Chàng tự kiêu đã xứng đáng với lòng yêu của vợ và thấy những nỗi băn khoăn, bực tức của chàng trước kia nhỏ mọn không đáng kể. Trường đã mong ước sự giàu sang vì không biết đến những cái phong phú trong lòng chàng, đã tìm danh vọng và địa vị vì chưa tự đầy đủ với tâm hồn.”
(Ngày mới, tr.240)
Ngày mới kết thúc khi Trường tỉnh ngộ, trở về với gia đình, chấp nhận hạnh phúc đơn sơ của mình, mãn nguyện với cái “phong phú trong lòng” của mình sau những bước thất lạc ngông cuồng. Ngày mới kết thúc ở ngưỡng cửa của những ngày mới trong đời Trường. Tôi muốn hiểu hai tiếng ngày mới tác giả dùng trong trường hợp này mang ý nghĩa một cuộc thay đổi bên trong. Đó là cuộc hóa thân của một tâm hồn sau chuyến phiêu lưu đánh dấu bằng thất bại và đổ vỡ. Mặc dù ngày mới chỉ hứa hẹn một cuộc trở về, trở về với phận nghèo quen thuộc, cũng là cách nào đó, trở về “với bao kỷ niệm êm đềm trong quãng đời trẻ thơ” – (tình yêu của Trường đối với Trinh cô bạn nhỏ ngày xưa phải chăng cũng chỉ là một cách níu kéo lại thời đã mất, sống lại một trạng thái tâm hồn vô cùng bình yên và trong sáng?) – mặc dù thế, tôi vẫn không thấy ý niệm mới bị tổn thương chút nào. Không cứ phải “thay đổi cả cuộc sống của mình” mới gọi là mới. Bởi điều quan trọng trước tiên là đổi mới tâm hồn, làm mới viễn vọng.
Dưới ngòi bút Thạch Lam, con người nhất thiết là một khát vọng, một dự phóng không ngưng nghỉ. Hắn luôn sống trong một ý tưởng, một hình ảnh về hạnh phúc, mơ hồ hay rõ rệt. Điều đáng nói là Thạch Lam đã dựng lên những nhân vật với vóc dáng rất “người”, những nhân vật không hề được giao phó cho một sứ mạng quá lớn lao. Tôi muốn nói tới hình ảnh con người thường nhật trong tác phẩm Thạch Lam, con người gần gũi và thân mật. Con người không có thảm kịch, không có vấn đề. Và Ngày mới chính là thiên hùng ca của một linh hồn tầm thường và bé nhỏ luôn băn khoăn với ý tưởng hạnh phúc.
Huỳnh Phan Anh
(Trích từ báo Giao Điểm, Sài Gòn, tháng 12, 1971)
Chú thích:
(1) Vũ Ngọc Phan, Nhà Văn Hiện Đại, quyển VI, tr. 119.